Thứ Tư, 26 tháng 7, 2023

Bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc Chứt ở Hà Tĩnh


Từ những năm 60 của thế kỷ trước, Người Chứt ở Hương Khê sống du canh du cư trên các triền núi. Năm 1967, Bộ đội Biên phòng đưa người Chứt đến Bản  Mèo Thây (xã Hương Vĩnh), chiến tranh chống Mỹ ác liệt, năm 1970, người Chứt về sống nơi ngọn khe Đằng Đằng, xã Hương Liên. Đến khi hòa bình lập lại, năm 1976 chính quyền địa phương xã phối hợp với Biên phòng đưa người Chứt về định cư nơi Bản  Rào tre ngày nay. Dân tộc chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) hiện nay có 47 hộ, 156 khẩu, chiếm 6,7% dân số toàn xã.

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; Nghị quyết số 24- NQ/TW ngày 12/3/2003 về công tác dân tộc, Đề án bảo tồn và phát triển dân tộc Chứt giai đoạn 2014 – 2018 của UBND Tỉnh Hà Tĩnh và các văn bản lãnh đạo của tỉnh, huyện, xã, đời sống vật chất và tinh thần của người dân tộc Chứt không ngừng được nâng lên. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân đã tạo nên một khí thế mới trong đời sống văn hóa của người Chứt.


Một số kết quả đạt được: 

Phong tục, tập quán sản xuất: Du canh du cư, - ổn định sản xuất

Đảng ủy đã chỉ đạo UBND, MTTQ và các đoàn thể xã lồng ghép, vận dụng các chính sách hỗ trợ hộ đối với vùng nghèo, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ chính sách của Trung ương, Tỉnh và huyện như chính sách về nhà ở, nhà vệ sinh, nhà tắm, hỗ trợ sinh kế, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, nhà văn hóa. Chỉ đạo Hội đồng nhân dân xã ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua hỗ trợ tiền làm đất, phân bón, giống cây...để bà con dân tộc sản xuất. Từng bước hình thành nếp sinh hoạt và sản xuất định canh, định cư, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, bài trừ các hủ tục lạc hậu.

Chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Đề án “phát triển đồng bào dân tộc Chứt tại bản Rào Tre” giai đoạn 2014 – 2018 của UBND tỉnh. Kết quả thực hiện Đề án đã góp phần từng bước cải thiện đời sống đồng bào dân tộc, trong đó về nhà ở đã có hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh đã được quy hoạch và đầu tư xây dựng; chất lượng cuộc sống được cải thiện; tỷ lệ nghèo đói đã có xu hướng giảm; đa số đồng bào có nước sạch để sinh hoạt; hệ thống lưới điện đã được đầu tư; tình trạng hôn nhân cận huyết thống từng bước được cải thiện; cơ bản học sinh được đến trường theo từng lứa tuổi; tình hình an ninh trật tự được kiểm soát, cụ thể:

- Công tác giáo dục: Hiện nay tại bản Rào Tre, độ tuổi 6 đến 10 tuổi có 20 em; từ 11 đến 18 tuổi có 25 em. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phổ cập các chính sách ưu đãi nên 100% học sinh trong độ tuổi đều tham gia học tập mầm non, Trung học, Trung học cơ sở và trường dân tộc nội trú. Để tạo điều kiện cho học sinh Dân tộc xã đã xây dựng 01 điểm trường Mầm non tại bản, có phòng học, phòng ăn và ngủ, phòng bếp có đầy đủ đồ dùng trang thiết bị.

- Cơ sở vật chất văn hóa: Hiện nay Bản Rào Tre có 01 nhà văn hóa được Bộ Văn hóa thông tin và Du lịch đầu tư xây dựng với tổng kinh phí 6 tỷ đồng, 2 cụm loa truyền thanh; 20/43 hộ có vô tuyến.

- Lễ hội: Các ngày tết, lễ hội của dân tộc Chứt được duy trì, như: Lễ chọn đất để làm nương rẫy, xuống giống (lễ Klôống); lễ cúng sau khi việc chọc lỗ, trỉa hạt đã hoàn tất Lấp Lỗ (lễ Klốplô); Lễ ăn cơm mới (Chăm – Cha – Bới); tết nguyên đán theo tết cổ truyền của người Kinh.  

- Kiến trúc nhà ở: Hiện nay cơ bản các hộ dân tộc Chứt được làm nhà sàn theo truyền thống, đến nay đã xây mới được 20 nhà ở, sửa chữa 17 nhà trị giá 2,1 tỉ đồng,

- Phong tục hôn nhân: Người Chứt có tập tục hôn nhân khá sớm (trai 16 – 17 tuổi, gái 15 – 16 tuổi); vẫn còn hiện tượng hôn nhân cận huyết thống. Đảng ủy đã chỉ đạo các đoàn thể, Ban văn hóa xã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tuyên truyền vận động để người dân tộc thay đổi cách nghĩ, phối hợp với các đơn vị truyền hình thực hiện các phóng sự để nâng cao nhận thức cho người dân tộc. Kết hợp với thực hiện đề án bảo tồn và phát triển dân tộc Chứt giai đoạn 2014-2018 đã có chính sách hỗ trợ các cặp đôi kết hôn giữa người Chứt với dân tộc khác. Đề án đã hỗ trợ 4 công dân kết hôn với đồng bào người kinh và người dân tộc khác, mỗi cặp vợ đồng được hỗ trợ 30 triệu đồng

- Làn điệu ca hát truyền thống: các điệu dân vũ được biên đạo mới cho ngày tết Chăm Cha Bới; dân nhạc của người Chứt là hát tùy hứng, theo điệu cà – tưm, cà – lềnh; nhạc cụ truyền thống Chơ -ra– Bon; kèn môi, sáo pi, tù và, ống pìa; hiện nay Đảng ủy xã đang tập trung lãnh đạo để khôi phục, duy trì và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống này. Chỉ đạo hình thành các câu lạc bộ tại khu vực dân cư, từng bước đưa các nội dung vào sinh hoạt ngoại khóa cho các em học sinh dân tộc tại trường mầm non, tiểu học.


2. Một số khó khăn vướng mắc:

- Kiến trúc nhà ở: Hiện nay để làm nhà ở cho đồng bào Dân tộc Chứt không có nguồn kinh phí riêng, công tác xã hội hóa ở xã vùng sâu gặp nhiều khó khăn. Vừa qua để xây mới 9 nhà ở cho đồng bào dân tộc xã thực hiện theo Hướng dẫn 121/HD-UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ mỗi nhà 70 triệu đồng, huyện hỗ trợ thêm 50 triệu đồng. Tổng kinh phí là 120 triệu đồng thì không đủ để xây dựng nhà sàn, đảm bảo kiến trúc truyền thống cho đồng bào dân tộc.

- Nguy cơ về hôn nhân cận huyết thống vẫn rất cao do người người Dân tộc và người Kinh ngại lấy nhau. Chính sách hỗ trợ đám cưới 30 triệu đồng chỉ duy trì từ năm 2015 đến năm 2018. Từ năm 2018 đến nay có 6 cặp kết hôn nhưng đến nay chỉ có thêm duy nhất 01 cặp vợ chồng  người Chứt kết hôn với người Kinh (năm 2023).

- Các làn điệu ca hát truyền thống của người Chứt đang dần mai một do giới trẻ hiện nay ít quan tâm, chỉ thích các điệu nhạc hiện đại có ảnh hưởng từ phương Tây.  Còn rất ít người biết chơi các nhạc cụ truyền thống như đàn Chơ- ra-bon; kèn môi, sáo pi, tù và, ống

- Kinh phí để duy trì các lễ hội của người dân tộc Chứt rất lớn so với khả năng của xã.

  - Xã chưa có cán bộ phụ trách công tác dân tộc, cắm bản, kinh nghiệm tuyên truyền, bảo tồn bản sắc văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của cán bộ còn gặp khó khăn.

  3. Kiến nghị đề xuất:

  - Đề nghị UBND Tỉnh, huyện cấp kinh phí riêng cho công tác làm nhà ở tại bản dân tộc, theo hướng sửa chữa, làm mới theo kiến trúc nhà sàn, tạo nét riêng biệt cho Bản Rào tre; cấp kinh phí thường xuyên hàng năm để xã có điều kiện tổ chức các ngày Lễ, hội và duy trì các câu lạc bộ văn hóa- văn nghệ của người Chứt. Cần thiết phải thành lập các đội tuyên truyền, hướng dẫn, động viên để chính những thành viên tộc người Chứt để thay đổi tư duy nhận thức của họ, phát huy nội lực của họ trong bảo tồn văn hóa truyền thống, tránh việc làm thay, áp đặt của các cơ quan quản lý.

- Đối với dân tộc Chứt tại xã Hương Liên, tình trạng kết hôn sớm, hôn nhân cận huyết thống vẫn xảy ra ảnh hưởng đến sức khỏe, thể trạng của phụ nữ và trẻ em dân tộc, làm suy thoái giống nòi. Nguyên nhân chủ yếu là hiện nay người dân tộc Chứt không kết hôn được với người bên ngoài.

+ Đề nghị tỉnh có hỗ trợ để xây dựng đề án chống hôn nhân cận huyết thống, kết hôn sớm và hỗ trợ truyền thông nâng cao nhận thức về các vấn đề trên.

+ Tiếp tục có các chính sách hỗ trợ người dân tộc Chứt kết hôn với người Kinh hoặc kết hôn với người dân tộc ở các bản khác.

+ Kiến nghị chính phủ quan tâm mở con đường từ Bản Rào tre, xã Hương Liên, Huyện Hương Khê, Hà Tĩnh sang xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa, Tỉnh Quảng Bình để tạo điều kiện cho dân tộc Chứt ở 2 địa phương, giao lưu kết nối tình cảm, giảm nguy cơ hôn nhân cận huyết thống và phát triển kinh tế.

- Đề nghị tỉnh, huyện có cơ chế bố trí một cán bộ chuyên trách cắm bản, được đào tạo tiếng dân tộc và được hưởng các chế độ tương ứng theo quy định để có thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con.

- Trang phục người Chứt xưa được làm bằng vỏ cây, lá cây do vậy trong giai đoạn hiện nay,  người Chứt gần như dùng trang phục của người Kinh, đề nghị sở Văn hóa có nghiên cứu để thiết kế ra một mẫu trang phục phù hợp với người Chứt về kiểu dáng cũng như các họa tiết trên trang phục.

- Người Chứt ở Hà Tĩnh và Quảng Bình có mối liên hệ với nhau, nên khi nghiên cứu đề bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của người Chứt ở Hà Tĩnh cần có khảo sát, tham khảo thêm cộng đồng dân tộc Chứt ở Quảng Bình. Khi triển khai các công trình dự án liên quan đến đồng bào Chứt phải có sự tham gia ý kiến của cấp ủy, chính quyền địa phương sở tại và cộng đồng dân cư, để sát với các tín ngưỡng, tập tục của người Chứt.


TRÍCH: Tham luận “Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng cơ sở đối với việc bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số”

      Người tham luận: Trần Phúc Anh 

 Bí thư Đảng ủy, chủ tịch HĐND xã Hương Liên, Hương Khê