Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

UỐNG RƯỢU

Lý do để uống thì nhiều lắm
Vì cuộc đời có những lúc buồn vui
Cái thú uống rượu thì thích thật
Nhưng mà cũng lắm nỗi tai ương
Uống vào khôn dại tuôn ra hết
Còn lại trong đầu một chữ "phê"

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

THÔNG THỤ VÀ MÙA HÈ KỶ NIỆM

(Tặng đội tình nguyện " chiến dịch mùa hè xanh " trường Đại học Vinh, hè 2003.
Thông thụ có lẽ đã thay đổi nhiều nhưng kỷ niệm về Thông Thụ trong tôithì vẫn còn vẹn nguyên)
Đoàn xe Minkh dần đưa chúng tôi đến Bản Lốc, trung tâm của xã Thông Thụ - huyện Quế Phong –Tỉnh Nghệ An. Dải đường ngoằn nghèo nối tiếp những con dốc thẳng đứng, tiếng động cơ xen lẫn tiếng gió rừng. ù ù, xào xạc. Thấp thoáng giữa dòng suối là những guồng nước đang quay chậm chạp, một bông hoa chuối đỏ rực bên sườn đồi xanh mướt. Cứ có cảm giác rằng ở đây trời và đất gần nhau lắm, những áng mây chập chờn như đang nô đùa. Các thành viên trong đội tình nguyện reo lên thích thú trước một cảnh đẹp đến vậy.
            Hơn một tiếng đồng hồ làm bạn với những chiếc xe Minkh chúng tôi mới tới được Bản Lốc – một trong năm bản của xã. Ra đón chúng tôi tại xã có ông chủ tịch xã, chị chủ tịch Hội phụ nữ, anh Bí thư Đoàn xã và ông trưởng bản. Mọi người cùng giúp đưa hành lý vào xếp ở phía cuối hội trường. Uỷ ban xã có tổ chức một buổi gặp mặt nho nhỏ với sinh viên tình nguyện. Các cô các chú ở đây tỏ ý vui mừng khi được đón đoàn sinh viên tình nguyện. Chúng tôi được bố trí ở tập trung ở nhà sàn anh Bí thư Đoàn xã, anh ấy là người rất dễ tính và nhiệt tình, chỉ có điều có vẻ như anh không nói nhiều như chúng tôi.
            Mong muốn đầu tiên của một người vừa trải qua một chuyến đi dài là được tắm gội một chút. Bọn con trai thì đi tắm suối, nhưng bọn con gái thì không có thói quen là ra suối tắm như con gái dân tộc Thái ở đây. Đi tắm suối  của con gái Thái cũng là một “nghệ thuật”, làm sao để không ướt váy mà tắm vẫn sạch, lại “tuyệt đối bí mật” thì con gái người miền xuôi còn lâu mới học được. Nhà anh Bí thư chỉ có một nhà tắm thôi, mà nó lại được làm trên một chiếc cầu ao. Và hình như ở đây chỉ có nhà anh Bí thư Đoàn xã mới có.
Trời đã về chiều, để tiết kiệm thời gian, lũ con gái quyết định ba đứa cùng tắm một lần. Thật không may chút nào, trong lúc các nàng đang tắm thì bỗng…: ùm! – Chiếc cầu ao gãy.  Cái nhà tắm nhỏ xinh từ từ… chìm xuống ao. May mà cái ao không sâu, ba “toà thiên nhiên” cuối cùng cũng được các hiệp sỹ vớt lên trong tiếng cười chảy nước mắt của cả đội. Dường như sau trận cười ấy cái mệt biến đi đâu mất, bọn con trai lại đi kiếm tre và lá cọ để làm nhà tắm trên một điạ điểm mới.
            …Buổi sáng đầu tiên, chúng tôi chia nhau đi làm quen với bà con nhân dân và các chiến sỹ biên phòng. Bà con thấy người miền xuôi lên vui lắm. Ban đầu còn ngại ngần nhưng rồi thấy sinh viên tình nguyện vui tính và cởi mở quá, bà con cũng vui theo. Chúng tôi bảo chúng tôi thua các bác, các anh chị ở đây vì mọi người có thể nói “ngoại ngữ” tiếng Thái và Tiếng Kinh, còn chúng tôi thì không. Có bác hỏi: “Các con đi a ri (đi thế này) , lương có cao không?” Chúng tôi đáp: “Thưa bác chúng cháu đi tình nguyện giúp dân không có lương đâu ạ”. “Rứa à, quý hoá quá!”. Rồi mọi người cùng cười vui vẻ.
            Lịch làm việc của chúng tôi khá dày và chẳng ai muốn mình là người thừa. Chúng tôi dành phần lớn thời gian cho ôn tập hè, rồi đến các việc khác. Đây là dịp những điều chúng tôi học trên sách vở được trải nghiệm qua thực thế và tôi hiểu chính tôi cũng đang được trải nghiệm. Học trò của chúng tôi là những đứa trẻ mắt tròn xoe, tóc bết mồ hôi. Chúng chăm học và rất ngoan. Tôi thử mường tượng những mùa hè đã qua của chúng và thấy thương lũ trẻ quá. Nếu có ai bâng khuâng đứng trước sân trường vắng tanh khi hè về thì ở đây còn buồn vắng hơn. Những mái tranh tơi tả của khu nhà nội trú xiêu vẹo nằm phơi dưới nắng hè không bóng người qua lại. Sân trường đầy phân trâu, phân bò và cũng chẳng có bờ rào. Hè đến cũng là lúc chúng xa thầy cô và cũng không thể biết thầy cô chúng có còn quay lại trường nữa hay không vì phần lớn gia đình thầy cô đều không ở nơi này. Có thể năm sau cô giáo của chúng lại chuyển đi trường khác. Và biết đâu có những bài toán, bài văn cô giáo còn giải chưa xong nhưng năm sau lại người khác giảng…
Trong đội tình nguyện tôi thấy mến Hà Ly, cô đội phó phụ trách hậu cần. Hà Ly không thật nổi bật nhưng có cái gì đó khiến người ta phải để ý. Một người nhẹ nhàng, kín đáo và luôn dành sự cảm thông cho người khác. Hà Ly mới chỉ là sinh viên năm nhất nhưng có vẻ như rất hiểu về những công việc của chiến dịch mùa hè xanh. Bố Hà Ly là tổng giám đốc một công ty lớn, mẹ là kế toán công ty bảo hiểm. Và một điều tôi thấy khác ở Hà Ly là một “tiểu thư khuê các” như nàng lại có thể đi tình nguyện với chúng tôi đến nơi núi rừng xa xôi, không điện lưới, không điện thoại, khó khăn nhiều bề thế này. Lũ học trò cũng quý cô Hà Ly lắm. Hôm sinh nhật nàng, không hiểu sao lũ học trò biết được, chúng đã lấy những cánh hoa rừng cắm vào những cái bình đất sét do chúng tự tạo nên và để lên bàn giáo viên. Vừa bước vào lớp đã thấy lũ học trò hét toáng lên rồi cười rúc rích. Sau một lúc gặng hỏi nàng mới biết là chúng làm vậy để chúc mừng sinh nhật cô giáo. Cô giáo bất ngờ lắm. Có một điều nàng chợt nhận ra: chúng chẳng biết hát bài “Happy Birthday”, chúng chẳng tặng cho người mà chúng gọi cô giáo những món quà có giấy gói đẹp cùng chiếc nơ xinh nhưng chúng có thể làm cho sinh nhật của cô trở nên có ý nghĩa. Nàng cảm ơn lũ trẻ mà mắt ướt nhoè. Để đáp lại tình cảm đó, giờ ra chơi cô giáo tổ chức cho chúng chơi trò chơi mèo đuổi chuột. Lũ mèo, lũ chuột vừa chạy vừa cười nhưng lâu lâu cũng liếc mắt xem cô giáo có đứng đó nữa không, cứ như chúng sợ cô giáo sẽ biến đi mất không bằng.  
            Tuần thứ hai, chúng tôi quyết định sẽ chia nhau ra để đi đến những bản xa hơn. Có những bản chúng tôi đi bộ nửa ngày mới tới. Có những lúc đi mà cứ tưởng đã lạc đường bởi trên đường tôi đi rất vắng người qua lại, chỉ nghe tiếng chim hót, vượn kêu từ một nơi xa hoà lẫn trong gió đại ngàn. Đi nhiều mới biết đất nước mình, quê hương mình vẫn còn có những nơi khó khăn lắm. Nhưng vẻ đẹp thì nơi đâu cũng có và mỗi nơi mang một nét riêng. Đến đây tôi mới được biết tre nứa không chỉ là dùng để đan lát, tre nứa còn là thực phẩm, là đồ dùng đựng nước, muối dưa và có thể làm nơi để tiền. Và những cán cuốc bằng tre chính là “thủ phạm” làm cho tay đứa nào cũng rộp lên, rồi trở thành vết chai sau mỗi lần đi làm đường hay đào hố trồng cây. Khi màn đêm buông xuống, cũng là những đêm giao lưu văn nghệ hay những buổi tuyên truyền bắt đầu. Chúng tôi các bạn thanh niên ở đây lại say sưa hát, tay trong tay nhịp nhàng theo điệu múa Lăm vông, chếnh choáng hơi men rượu cần. 
            Tuần thứ ba, tất cả các nhóm quay trở lại nhà anh Bí thư đoàn xã, chúng tôi đón nhau trong một chiều mưa tầm tã. miền ngược, khi có mưa, những con suối trở nên đục ngầu và nước lên nhanh không đoán được. Người đầu tiên qua, nước mới đến đùi, nhưng đến người cuối cùng thì nước đã đến ngực. May mà chúng tôi không ai bị làm sao.
            Mưa trắng xoá che lấp cả con đường, những ngôi nhà sàn trở nên thấp thoáng, xa xa. Mọi vật như ngừng lại nhường cho mưa độc thoại. Mưa làm cho mọi thứ trở nên mềm mại hơn và mưa cũng có thể làm cho cái phần yếu đuối của con người lộ thiên.
Hai tuần rồi chúng tôi không được nói chuyện với gia đình. Không biết ở đây sắc nước hay sao mà tóc dễ bị rụng, cứ mỗi lần gội đầu, tóc rụng nhiều lắm. Chúng tôi có gắng để có thức ăn nhiều chất dinh dưỡng một chút để đảm bảo sức khoẻ và tóc bớt rụng đi. Nhưng ở đây thật khó để mua cá mua thịt, có tiền cũng chẳng biết mua ở đâu. Thỉnh thoảng chúng tôi được trai bản tặng cho thịt thú rừng, còn lại các bữa ăn không khi nào thiếu cá khô.
Mưa vẫn rơi, không khí có phần se lạnh. Nhớ nhà, nhớ người yêu, buồn vì những tâm sự riêng tư… Bắt đầu là cái Hương, đến cái Thảo, Tuyết Anh, Lệ Quyên …rồi như hiệu ứng đôminô, tất cả lũ con gái đều khóc. Chúng tôi không dỗ bọn con gái, khi người ta muốn khóc thì cứ để người ta khóc cho nhẹ lòng. Với lại nếu có dỗ cũng không xuể, chúng nó “khóc hội đồng” chứ có phải đơn lẻ đâu.
…“Này các tiểu thư ơi, phải ăn cơm để tối nay còn đi giao lưu với các chiến sỹ biên phòng chớ”. Tiếng thằng Sơn cất lên.
Bọn con gái không ai bảo ai đưa tay quệt nước mắt đứng dậy, không khóc nữa. Mỗi đứa một việc lo cơm nước buổi tối.  
Thằng Hảo trêu: - Đấy, biết mà! nói đến ăn là hết khóc ngay. Hu hu há há…
Phì cười. Chúng định đánh cho thằng Hảo một trận. Trông mấy đứa con gái lúc này thật ngộ, vừa thương vừa buồn cười. Ngoài trời mưa đã tạnh dần. Hoàng hôn trở nên sáng hơn.  
đây có những món ăn mà người nào lần đầu ăn cũng rất khó như là món Măng đắng hay món Cà ngứa. Cây măng rất nhỏ, chỉ bằng ngón tay nhưng rất đắng, nuốt xuống rồi mới thấy trong miệng có vị ngọt nhẹ. Món Cà ngứa cũng như tên gọi của nó ăn nó xong cứ nghe ngứa ở trong cổ họng. Nhưng dần dần khi đã quen với nó thì “nghiện” luôn. Cả hai món ấy luộc lên chấm với mắm tôm cùng ăn một lúc thì không chê vào đâu được.
Chúng tôi ăn cơm xong cũng là lúc người trong Bản nườm nượp kéo nhau đến đồn biên phòng để xem giao lưu. Chúng tôi biết đêm nay sẽ rất vui. Lúc diễn kịch, thằng Trung đóng thầy bói mù, Hà Ly đóng vai cô gái nhà quê đi xem bói. Thế mà lúc về nó bảo Hà Ly:
- Sao âý có cái áo trong đẹp thế ?
- Ơ, sao bảo mù cơ mà. Thằng đểu!....
…Về đến nhà đứa nào cũng mệt, chỉ muốn đi nằm. Trai bản vẫn chưa chịu về, họ vẫn tha thẩn ở con đường trước ngôi nhà chúng tôi ở, thổi kèn lá, thổi sáo trúc. Họ vẫn còn muốn đi chơi lắm nhưng chúng tôi không thể thức thêm. Họ ngại làm phiền chúng tôi nên cứ đứng ở ngoài đường. Trời càng về khuya, tiếng sáo nghe càng rõ hơn, vắt vẻo trong không gian, ngân khúc tâm tình, nhẹ nhàng như lời của gió. Gió sinh ra tiếng sáo, gió đưa tiếng sáo đi đến những nơi xa, cho tiếng sáo biết vui biết buồn, biết lắng nghe tâm hồn, biết chia sẻ rung động, lúc sôi nổi, lúc da diết.
Nếu như theo phong tục của người Thái ở đây thì chúng tôi đang “ngủ thăm”, vì tất cả cùng ngủ trên sàn nhà anh Bí thư Đoàn xã. Anh ấy chỉ lấy gian buồng, còn lại dành hết cho chúng tôi. Ngăn cách chúng tôi chỉ là những bức màn tuyn chống muỗi. Tôi nằm gần Hà Ly lắm, tôi cứ muốn được nắm bàn tay Hà Ly, xua cái lạnh về đêm của núi rừng ra khỏi tay nàng. Tôi biết, nếu tôi vén màn lên thì tay tôi sẽ chạm tay nàng và rất có thể nàng sẽ để yên như vậy. Nhìn ánh mắt nàng dành cho tôi trong những ngày ở đây, tôi hiểu điều đó. Nhưng tôi không thể. Tim tôi đập loạn xạ, tôi cứ nghĩ mình sắp làm một điều xấu xa. Ngoài kia tiếng sáo nghe sao réo rắt.
Trong tôi luôn có một thắc mắc: thời gian có trôi đi không, hay chính chúng ta đang đi qua thời gian. Để cảm nhận cuộc sống, để nhận ra cái hữu hạn của chính những gì chúng ta đang có. Để chúng ta thấy cần sống mạnh mẽ, hết mình trong cuộc đời ngắn ngủi. Và một điều không thể thiếu đó là lòng nhân ái bao dung. Thời gian có thể khiến chúng ta lãng quên hoặc bị quên lãng nhưng chúng ta sẽ trở nên có ý nghĩa khi chúng ta hoà mình vào thời gian, sống có ích cho từng phút, từng giờ. Tôi cảm thấy những ngày sống ở đây chúng tôi đã không hoài phí. Nhưng vẫn thấy tiếc là không thể làm được gì nhiều hơn, đặc biệt là cho lũ trẻ. Những ánh mắt thơ ngây ngơ ngác của chúng vẫn ám ảnh tôi trên suốt đường về. Quà chia tay của lũ trẻ dành cho chúng tôi là những gói xôi nếp còn nóng gói lá chuối xanh, mùi thơm bốc lên như vương vấn.
…Những chiếc xe Minkh bắt đầu chuyển bánh. Tạm biệt. …Tạm biệt….Chúng tôi vẫy tay chào nhau cho đến khi không còn nhìn rõ nhau nữa, lũ trẻ lúc này trông như một nét chấm đen nhỏ xíu. Bản làng khuất dần trong sương…
                                                     Trần Phúc Anh – Hè 2003

CÁM ƠN ÁO XANH

Mưa xối xả
Lốc từng cơn
Mưa…
Chỉ một màu trắng, mênh mang…


Nước ngập ngọn tre đầu làng
Nước cuốn trôi tất cả
Cánh đồng vàng chưa kịp gặt,
Những gì chắt góp bao năm
Tang trắng trên đầu
Người mẹ khóc con trong chiều ướt lạnh
Ai đó thở than:
Ngày mai…rồi sẽ ra sao?
*
Nắng!
Bùn đặc quánh
Tanh nồng
Trơn trượt đường đi
Khắp ngõ quê tôi
Xanh một màu tình nguyện
Sức trẻ hướng về khúc ruột Miền Trung
Chung tay dọn lại ngôi trường
Cho em thơ kịp vào năm học mới
Tặng tấm quà cho người mẹ neo đơn
Có ai ngờ,
Những chàng trai thành phố biết dựng nhà
Leo lên mái lợp từng viên ngói
Khám bệnh, kê đơn, phun thuốc diệt trùng
Củi ướt, nồi to…
Bữa cơm cá khô sao ngon đến lạ
Có bàn tay “cô chiến sỹ áo xanh”.
Gánh đất nặng, thâm dập bờ vai trinh nữ

Em vẫn pha trò, tôi cứ thấy thương em.

Phía đằng xa,
Người thương binh đứng lặng mỉm cười
Như cảm nhận một điều tin tưởng…ngàymai.

Xin cám ơn áo xanh đã nhóm lên ngọn lửa
Sưởi ấm lòng người những lúc gian nan.
(Trần Phúc Anh - Tháng 10.2007)

TẠM BIỆT ĐOÀN


"Con gái lớn lên thì sẽ gả chồng”
Trưởng thành Đoàn, ví “duyên em” là thế
Giờ tâm trạng buồn vui, khấp khởi
Nói gì đây trong phút chia tay…
                       *
Tạm biệt nhé, những tháng ngày tình nguyện
Nắng cháy người, di dân tái định cư
Chiếc áo Đòan thấm bùn non ngày lũ
Dân tin Đoàn, màu áo lại thêm xanh..

Tạm biệt nhé, những đêm vui sinh hoạt
Đêm về khuya tiếng hát càng ngân xa.
Giữ dùm nhé những cái nhìn sâu kín
Cám ơn nhiều vì ta được yêu thương.

Làm sao quên những buổi tuyên truyền,
Tay xách nách mang, mồm thao thao bất tuyệt,
Pháp luật, giao thông, môi trường, ma túy
Những đề tài nghe như lạ như quen.

Tạm biệt nhé, những buổi giao lưu
Ta quen nhau trong mùa hội trại.
Và những chuyến thăm đồn xa mây phủ
Thêm tự hào quê mình đẹp biết bao !

Tạm biệt nhé, những ‘’xung kích’’, ‘’đồng hành’’
Ta bên bạn, bạn bên mình ngày đó
Sống phong trào lòng ta sáng rõ :
Sẽ mất vui khi toan tính thiệt hơn.

Tạm biệt nhé, những búp măng xinh
Bước hồn nhiên và nụ cười trong trẻo
Chiếc khăn hồng lưu hương trong gió
Rồi mai này em là Đoàn viên
                        *
Tạm biệt Đoàn, ngôi trường  học lớn
Dạy những điều khó tìm trong sách vở
Rèn lối sống, kỹ năng, ăn ở
Xa Đoàn rồi sẽ nhớ biết bao nhiêu !

                       Trần Phúc Anh
Nguồn trích dẫn (0)

0 Bình luận

VŨ MÔN - NƠI CÁ CHÉP HOÁ RỐNG



Núi Giăng Màn,tên chữ Hán là khai trướng, là một trong những dãy núi dài nhất, lớn nhất không chỉ ở Hương Khê mà của cả nước. Đó là dãy Trường Sơn vĩ đại, một dãy núi tiêu biểu của nước ta về về chiều dài, về vẻ đẹp hùng vĩ và tráng lệ. Trong lịch sử chống ngoại xâm thế kỷ XX, Trường Sơn đã trở thành biểu tượng cho tinh thần trường kỳ, bất khuất. Đoạn qua Hương Khê cao sừng sững, bao bọc toàn bộ huyện về phía Tây như một bức tường thành vĩ đại. Đại Nam nhất thống chí miêu tả núi này như là danh sơn, như là trung tâm phát xuất của các mạch núi nhánh khác của Nghệ Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh).

Câu chuyện cá Chép hoá rồng không biết có từ thời nào, nhưng sách Đại Nam nhất thống chí đã ghi lại là: "Tương truyền hàng năm, cứ đến ngày Tám tháng Tư, cá Chép vượt suối này, con nào vượt được thì hoá Rồng. Phường Chài thường bảo nhau mấy ngày trước không bủa chài lưới. Đúng ngày ấy thì chỗ này mây mù dày đặc, không ai dám đến gần". Theo Đào Duy Anh thì ở Trung Quốc cũng có câu chuyện nói về khúc núi có tên là Vũ Môn ở miền thượng du sông Trường Giang (Tứ Xuyên), dưới chân núi có vực sâu, đến mùa nước lớn cá đua nhau đến đó nhảy thi, con nào nhảy được thì hoá thành Rồng.

Câu chuyện cá Chép hoá rồng không biết có từ thời nào, nhưng sách Đại Nam nhất thống chí đã ghi lại là: "Tương truyền hàng năm, cứ đến ngày Tám tháng Tư, cá Chép vượt suối này, con nào vượt được thì hoá Rồng. Phường Chài thường bảo nhau mấy ngày trước không bủa chài lưới. Đúng ngày ấy thì chỗ này mây mù dày đặc, không ai dám đến gần". Theo Đào Duy Anh thì ở Trung Quốc cũng có câu chuyện nói về khúc núi có tên là Vũ Môn ở miền thượng du sông Trường Giang (Tứ Xuyên), dưới chân núi có vực sâu, đến mùa nước lớn cá đua nhau đến đó nhảy thi, con nào nhảy được thì hoá thành Rồng.


Vũ môn -Tứ xuyên -  Trung quốc ?


Điều khác biệt ở đây là, câu chuyện ở Hương Khê nói rõ ngày, tháng cá vượt thác, và đặc điểm đến ngày đó "mây mù dày đặc" 
Điều quan trọng là huyện thoại cá chép hoá rồng gần với điều kiện thời tiết, thiên nhiên và do đó gắn với đời sống của nhân dân nơi đây. Nếu vào ngày đó trời mưa, nước thác về nhiều thì cá vượt thác và hoá rồng được, đồng nghĩa với mưa thuận gió hoà, được mùa năm đó. Nếu không thì ngược lại, một năm đại hạn khốn khó, phải phòng bị
Mồng Tám tháng Tư có mưa
Cha con sắm sửa cày bừa làm ăn
Mồng Tám tháng Tư không mưa
Cha con sắm sửa sọt sưa đi Lào (Ca dao)
Nói đến vùng đất địa linh trước hết là nơi có địa hình sông suối tôn nghiêm, yếu tố phong thuỷ đặc thù, gắn với những huyền thoại, những cổ tích dân gian và là nơi hiểm yếu đã để lại nhiều dấu ấn lịch sử. Vùng đất Hương Khê xa xưa  vốn có một phần thuộc huyện Thâm Nguyên cũ mà Ngũ man phong thổ ký đã nói đến: "Huyện Thâm Nguyên dân cư 36 bạn(thổ âm gọi thôn là bạn), ruộng đất và khe động xen lẫn nhau, ruộng nhiều người ít, không cày cấy hết. Đường đi 4 phía: một đường về phía Đông Bắc đi một ngày thì đến Dịch Động...trông sang núi Giăng Màn, thấy có một xứ vách đá tường gạch, màu đỏ màu trắng xen nhau, tục gọi là Thần phá đảng , ai đi qua đó cũng phải kính sợ, không dám trông lên ". (Đại Nam nhất thống
chí, T. II, Tr. 138).


Ngày nay chúng ta không tìm thấy cái kiến trúc cổ "vách đá tường gạch" trên núi Giăng Màn, nhưng nếu đi lên thác Vũ Môn, đi vào khu vực "Trìm, Trẹo" thì quả nhiên là rất "kính sợ" vì vẻ hoang dã, tôn nghiêm và hoành tráng của toàn bộ công trình thiên tạo ấy. Những vách đá, những vòm cây cao vời vợi hiện ra trong âm thanh trầm hùng của những cột nước từ trời cao dội xuống càng làm cho núi rừng tăng thêm sức mạnh chế ngự.
Gần đây các nhà địa chất học đã phát hiện ra Trường Sơn (Giăng Màn), chính là một nhánh rễ của Hymalaya - Mái nhà của thế giới. 

(Biên tập dựa theo Nguyễn Bá Thành, trong cuốn Hương Khê Văn hoá - Danh thắng, xuất bản 2007)
Nguồn trích dẫn (0)

CÂU CHUYỆN CÁ CHÉP HOÁ RỒNG VÀ GIỚI HẠN

Cá chép (cá lý ngư) là biểu tượng cho sự kiên trì, bền chí. Trong truyền thuyết  có câu chuyện cá chép hoá rồng, vì thế cá chép thường được coi như rồng – một con vật linh thiêng cao quý.
Cả bầy cá chép, con nào cũng muốn vượt qua cửa rồng. Bởi chúng biết, hễ vượt được qua cửa rồng, thì chúng sẽ từ những con cá chép tầm thường trở thành những con rồng siêu phàm thoát tục.
Khốn nỗi, cửa rồng cao quá, cả bầy cá chép con nào con nấy mệt đứt cả hơi va vấp đến nỗi thâm tím cả mặt mày mà chẳng con nào nhảy qua được. Bầy cá xúm lại xin với Long Vương, để Long vương hạ cửa rồng thấp xuống một chút. Long vương không bằng lòng, cả bầy cá chép bảo nhau quỳ mọp trước mặt Long vương, không đứng dậy nữa. Chúng quỳ luôn ở đấy chín chín tám mươi mốt ngày, cuối cùng Long vương cũng mủi lòng và đáp ứng yêu cầu của bầy cá.
Thế là cá lớn cá bé nhẹ nhàng thoải mái vượt qua cửa rồng và vui mừng hể hả vì cả bọn đều biến thành rồng.
Không lâu sau, những con cá chép được hóa rồng ấy bấy giờ mới phát hiện ra một điều là tất cả cá chép đều hóa rồng, cũng chẳng có gì khác so với lúc tất cả đều chưa phải là rồng. Thế là, cả bầy cá lại đi tìm Long vương nói lên điều ngờ vực khó nghĩ trong lòng.
Long vương cười và bảo: “Cửa rộng chính thức thì không thể hạ thấp được, nếu các ngươi muốn có cảm giác thực sự của con cá chép được hóa rồng, thì hãy đi mà nhảy qua cái cửa rồng không hạ bớt chiều cao kia kìa”.


Lời bình:
+ Câu chuyện nói về việc muốn đạt được sự thay đổi thực sự như từ loài cá chép hóa thành rồng, từ nhà tranh vách lá thành… nhà lầu, từ khó khăn đến thành đạt sự nghiệp,… tất cả đều cần có sự thay đổi vượt bậc nào đó, thậm chí phải có hy sinh, đánh đổi, mất mát…
Khi không đủ khả năng để vượt qua ngưỡng giới hạn nào đó thì sự thay đổi về lượng thành chất chỉ là ngộ nhận. Không cứ ăn mặc bảnh bao, nước hoa thơm phức là thành đạt; cưỡi ô tô đắt tiền, tiền xài như nước là doanh nghiệp thành công…
Trong triết học duy vật thường nhắc tới nguyên lý chuyển hoá lượng – chất sau đây: “Sự biến đổi về lượng dẫn đến sự biến đổi về chất và ngược lại”. Nhiều người đã nhầm lẫn, suy luận rằng cứ đạt được điều kiện biến đổi dần dần về lượng là sẽ đạt được kết quả là biến đổi về chất.
Thực ra, không thể lấy số lượng đổi ngang với chất lượng. Tuy nhiên, khi chất tăng lên thì lượng sẽ tăng lên, đây mới thực sự là lượng – và chất đích thực. Điều này phù hợp trong mọi lĩnh vực: tình yêu, hạnh phúc, thịnh vượng, kiến thức, công bằng, văn hóa…
Nguồn: Lê Minh Hưng blog

THÁC VŨ MÔN - NHỮNG NÉT CHÍNH





Thác Vũ Môn nằm trên dãy núi Giăng màn, về phía tây Nam huyện Hương khê ở độ cao 1700m so với mực nước biển. Theo truyền thuyết, đây là chỗ hàng năm cá Gáy (cá chép) thi nhảy cao để được hóa thành Rồng: "Mồng bảy cá đi ăn thề. Mồng tám cá về vượt Thác Vũ Môn".



Thác Vũ Môn có 3 cấp nước, mỗi cấp nước có hình chài, dài khoảng 40m, rộng khoảng 20m. Mùa hè dù đứng cách xa hàng chục cây số, ta vẫn nhìn thấy một dải lụa mềm trắng vắt qua núi xang mờ tuyệt đẹp và tiếng nước chảy ngân vang khắp một vùng. Ở đây không khí ẩm ướt quanh năm như chìm trong sương mù, nhiệt độ về mùa hè rất mát mể chỉ vào khoảng 20-25 độ C. Có thể nói Thác Vũ Môn ở quê ta là một Sa Pa, một Đà Lạt trong tương lai nếu được đầu tư xây dựng và khai thác tốt...

NỖI NHỚ MÀU ÁNH TRĂNG


..Anh mơ hồ bước ra ngoài sân, sương trăng hư ảo, phía trước con đường là cánh đồng mênh mông ánh trăng.  Cơn gió từ đâu thổi qua mát rượi, cảm giác như được vuốt ve.
Chợt nhớ những ngày xa xưa ấy.... Hai đứa nắm tay nhau đi trên con đường rải đầy ánh trăng. Nụ cười em hồn nhiên, trong trẻo. Trong say đắm tình yêu hai đứa đã nguyện thề, sẽ chẳng có gì chia cắt . Trăng có hiểu không, trăng trôi bồng bềnh. .. hai đứa mình ngồi  tựa sát vào nhau.
..Thời gian trôi nhanh, rồi cũng đến kỳ thi tốt nghiệp... Ngày ra trường em đã khóc, chẳng biết chúng mình có giữ nổi nhau không. Anh im lặng ôm em không nói. Đêm chia tay bàng bạc ánh trăng...
Hai đứa mình ...hai quê... đôi ngả. Em có việc làm còn anh thì chưa. Thư em viết hôm nào anh cũng nhận, gọi điện bao giờ máy cũng nóng ran. Nhưng xa cách vẫn là xa cách, dự cảm trong anh luôn lo lắng một điều...Và cứ thế ta trở nên sao nhãng, dù tình yêu cứ cháy mãi không thôi.
..Hai năm sau tin em lấy chồng, cũng là ngày đầu tiên anh vào công sở. Hạnh phúc, đắng cay, cao thượng, ích kỷ .. trộn hết cả trong dòng nước mắt. Đêm anh về đờ đẫn ánh trăng...
Cuộc sống vốn xô bồ, nghiệt ngã. Bộn bề lo toan, ai xuôi ngược đời thường. Có lúc nào thảnh thơi em ngồi nhìn trăng lẻ? Màu ánh trăng giờ là màu nhớ đó em.