Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

CÔNG TÁC TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

I/ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ CÔNG TÁC TƯ TƯỞNG CỦA CHI BỘ, ĐẢNG BỘ CƠ SỞ
1/ Tư tưởng và công tác tư tưởng của Đảng

Tư tưởng là hình thức tồn tại của ý thức con người, sự kết tinh của quá trình tư duy, bao gồm các quan niệm, quan điểm của con người về các sự vật, hiện tượng của thế giới xung quanh…
Tư tưởng của Đảng là hệ thống các quan niệm, quan điểm, chủ trương, đường lối … của Đảng.
- Công tác tư tưởng là hoạt động quan trọng hàng đầu của Đảng nhằm nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, xây dựng và phát triển cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng trong từng thời kỳ; truyền bá Cương lĩnh, đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, xây dựng thế giới quan khoa học, bồi dưỡng lý tưởng, lẽ sống, xây dựng niềm tin, định hướng giá trị đúng đắn, thúc đẩy con người hành động tích cực và sáng tạo để thực hiện thắng lợi mục tiêu, lý tưởng của Đảng; xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng con người mới….
 Như vậy, công tác tư tưởng gồm các bộ phận:
- Công tác nghiên cứu lý luận chính trị, bao gồm cả việc xây dựng, phát triển cơ sở lý luận và bản thân việc xây dựng, phát triển chủ trương, đường lối, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
- Công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
- Công tác giáo dục, truyền bá quan niệm, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng.
- Công tác cổ vũ, động viên, kiểm tra việc thực hiện chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng.
Vị trí quan trọng của công tác tư tưởng xuất phát từ nguyên lý khoa học của chủ nghĩa Mác- Lênin về mối quan hệ giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội, về tầm quan trọng của lý luận đối với sự nghiệp cách mạng. C.Mac nói: “Lý luận cũng sẽ trở thành vật chất một khi nó thâm nhập vào quần chúng”. V.I.Lênin chỉ rõ: “Nâng cao sự giác ngộ của quần chúng, hiện nay cũng như bất cứ lúc nào, vẫn là nền tảng và nội dung chủ yếu của toàn bộ công tác của chúng ta”
Cách mạng xã hội chủ nghĩa là hành động tự giác của hàng triệu quần chúng. Đảng thông qua công tác tư tưởng đưa yếu tố tự giác đến quần chúng. Trong quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ CHí mInh đã thường xuyên quan tâm, chăm lo công tác tư tưởng. Công tác tư tưởng tạo nên sự thống nhất ý chí và hành động, tạo nên sức mạnh chính trị - tinh thần to lớn trong Đảng và toàn xã hội góp phần tạo nên thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X về công tác tư tưởng lý luận, báo chí trước yêu cầu đổi mới đã nêu quan điểm chỉ đạo tình hình công tác tư tưởng lý luận hiện nay, trong đó khẳng định: “Công tác tư tưởng  là nhiệm vụ của toàn Đảng, của tất cả đảng viên, trước hết là cấp ủy các cấp và đồng chí bí thư cấp ủy”.
2.  Phương châm tiến hành công tác tư tưởng của chi bộ, đảng bộ cơ sở
Một là: Công tác tư tưởng phải gắn chặt với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ, đảng bộ trong từng giai đoạn
Thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị là mục đích, yêu cầu  của công tác tư tưởng. Do đó, việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên quán triệt sâu sắc nhiệm vụ chính trị, có ý chí, quyết tâm cao để vượt qua mọi khó khăn thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, có ý chí quyết tâm cao để vượt qua mọi khó khăn thử thách, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ là công việc thường xuyên của công tác tư tưởng của tổ chức cơ sở đảng. Chỉ có xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị và gắn bó chặt chẽ với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác tư tưởng ở cơ sở mới có sức sống và phát huy hiệu quả.
Trong phương châm này, có thể nói, công tác tư tưởng phải đi trước, đi cùng với thực tiễn, với các hoạt động của chi bộ, đảng bộ.
 Hai là: giáo dục toàn diện kết hợp 3 mặt giáo dục: Lý luận Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng; kiến thức văn hóa, quản lý, kỹ thuật; phẩm chất đạo đức cách mạng
Nhân dân là người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Để phát huy vai trò làm chủ, mọi người dân cần có hiểu biết về chính trị, hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách,  pháp luật của Nhà nước, để có thái độ đúng đắn đối với các vấn đề của cuộc sống; có những kiến thức nhất định về văn hóa, khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ cần thiết cho công việc của mình; có phẩm chất đạo đức công dân. Cán bộ, đảng viên là người lãnh đạo, cần có sự hiểu biết về lý luận chính trị sâu sắc hơn, để quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng vào thực hiện nhiệm vụ và giáo dục, thuyết phục, nâng cao giác ngộ chính trị của quần chúng; có kiến thức lý luận chính trị và chuyên môn nhất định để tham gia đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối của Đảng, hoàn thành nhiệm vụ được giao; có phẩm chất đạo đức, lối sống của người cách mạng, là tấm gương để quần chúng noi theo.
Ba là: Công tác tư tưởng phải gắn liền với công tác tổ chức, với phong trào cách mạng của quần chúng, nói đi đôi với làm
Cách mạng xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp tự giác của quần chúng. Đảng cộng sản thông qua công tác tư tưởng đưa nhân tố tự giác vào phong trào, vào từng tổ chức, từng con người.
Công tác tư tưởng có vai trò nâng cao tính tự giác, chỉ đạo hành động. Nhưng nếu công tác tư tưởng tách rời công tác tổ chức và các công tác khác thì tư tưởng chưa thể biến thành động. Phải có công tác tổ chức thích hợp với những hình thức, biện pháp, kế hoạch cụ thể để tập hợp, lôi cuốn đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong những tổ chức, lực lượng nhất định, hành động theo sự dẫn dắt của tư tưởng, lý luận khoa học.
Công tác tư tưởng phải gắn liền với công tác tổ chức, qua tổ chức để kịp thời nắm được diễn biến tư tưởng của quần chúng để có nội dung, biện pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng cụ thể, tạo sự ổn định về tư tưởng, chính trị, thúc đẩy các phong trào  hoạt động có hiệu quả.
Sự gắn bó giữa công tác tư tưởng với công tác tổ chức đòi hỏi người làm công tác tư tưởng ở cơ sở phải thực hiện tốt các bước tiến hành việc giải quyết tư tưởng: tìm hiểu, nắm bắt tưu tưởng, phân tích, đánh giá tình hình và tiến hành giải quyết tư tưởng từng tổ chức, với từng đối tượng cụ thể. Muốn làm tốt các việc đó, cấp ủy, người làm công tác tư tưởng phải thông suốt chủ trương, đường lối của Đảng, có niềm tin mạnh mẽ, gương mẫu trong hành động, dẫn đầu phong trào quần chúng, sử dụng tốt các tổ chức, các lực lượng, các biện pháp về tổ chức để làm công tác tư tưởng.
Bốn là: Mở rộng và khuyến khích thực hành dân chủ trong công tác tư tưởng
Với sự phát triển phong phú và đa dạng của thực tiễn đổi mới, Đảng ta luôn mở rộng dân chủ, khuyến khích và phát huy sự tìm tòi, sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Đại hội XI khẳng định: “Tạo môi trường dân chủ thảo luận, tranh luận khoa học, khuyến khích tìm tòi, sang tạo, phát huy trí tuệ của cá nhân và tập thể trong nghiên cứu lý luận”.
Mặt khác, với sự phát triển nhanh chóng, đa dạng và phong phú của thực tiễn đổi mới hiện nay, trong Đảng và xã hội xuất hiện những ý kiến khác nhau, nhiều khi trái ngược nhau trên cùng một vấn đề, đó là điều bình thường. Trong tình hình đó, để đi đến nhất trí thật không dễ dàng. Cần mở rộg dân chủ, khuyến khích thảo luận, tranh luận thẳng thắn về những ý kiến, quan điểm khác nahu để đạt tới sự nhất trí có căn cứ khoa học và có sức thuyết phục cao, cả trong sinh hoạt đảng, trong đối thoại với nhân dân của cán bộ, đảng viên. Nơi nào gò ép để đạt được sự nhất trí hình thức, giản đơn thì vấn đề tư tưởng, tâm trạng càng trở nên phức tạp.
Năm là: Đảm bảo thông tin kịp thời, đa dạng nhưng có định hướng.
Thông tin kịp thời, chính xác, có định hướng tư tưởng, chính trị đúng đắn là một nguyên tắc cơ bản của công tác tư tưởng. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, nhiều khi nảy sinh tư tưởng sai lầm, lệch lạc, có hại cho công tác lãnh đạo và việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đảng bộ, chi bộ chỉ vì thiếu thông tin, hoặc thông tin sai lệch. Những chi bộ, đảng bộ nào biết sử dụng các nguồn thông tin nội bộ và các nguồn thông tin chính thức khác, cập nhật những thông tin về tình hình thời sự, chính trị trong nước và thế giới, bảo đảm thông tin chính xác, kịp thời, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân luôn nhận thức đúng đắn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách,  pháp luật của Nhà nước, tình hình cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ tạo được sự ổn định về tư tưởng, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, giải quyết tốt những vấn đề tư tưởng nảy sinh.
Tổ chức tốt thông tin về thành tựu xây dựng đất nước, thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, đơn vị và thời sự quốc tế là một cách làm công tác tư tưởng có hiệu quả hiện nay, nhất là trong điều kiện tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới biến động nhanh chóng và phức tạp.
 Sáu là: Toàn chi bộ làm công tác tư tưởng, kết hợp công tác tư tưởng trong Đảng với công tác tư tưởng của các tổ chức và công tác tư tưởng của toàn dân
Công tác tư tưởng là nhiệm vụ của toàn chi bộ, đảng bộ cơ sở và của mỗi cán bộ, đảng viên trước hết là cấp ủy, chịu trách nhiệm chính là bí thư. Công tác tư tưởng của đảng bộ, chi bộ cơ sở phải kết hợp với công tác tư tưởng của các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở như MTTQ, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ .nữ… Kết hợp công tác tư tưởng trong Đảng với Ccông tác tư tưởng trong toàn xã hội
Vì vậy, cấp uỷ phải biết tập hợp lực lượng, phát huy mọi khả năng, bồi dưỡng kiến thức, phương pháp và kỹ năng làm công tác tư tưởng cho mọi người. Phát huy vai trò của đảng viên này đối với đảng viên khác, của đảng viên đối với nhân dân, khả năng tự làm công tác tư tưởng của mỗi người, khả năng làm công tác tư tưởng của các đoàn thể xã hội, lấy hội viên giáo dục hội viên, lấy quần chúng giáo dục quần chúng.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X nêu rõ: “Công tác tư tưởng của Đảng là công tác đối với con người, một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải nắm vững những quy luật riêng của tư tưởng, có thái độ, phương pháp khoa học, kết hợp chặt chẽ giữa yêu cầu định hướng tư tưởng với sự tự nguyện, giữa lý trí và tình cảm, giữa lời nói và việc làm…”
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VÊ NGHIỆP VỤ CÔNG TÁC TƯ TƯỞNG CỦA CHI BỘ, ĐẢNG BỘ CƠ SỞ1\
1. Những thời cơ thuận lợi và khó khăn thách thức đối với công tác tư tưởng trong thời kỳ mới
a. Về thời cơ và thuận lợi mới
- Thuận lợi cơ bản đối với công tác tư tưởng hiện nay là đất nước đã trải qua 25 năm đổi mới, đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Những thành tựu này đã cổ vũ và động viên tinh thần, củng cố niềm tin của nhân dân. Tình hình tư tưởng trong xã hội ta đã có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Mặt chủ đạo của tình hình tư tưởng hiện nay trong Đảng và trong nhân dân ta là đại bộ phận cán, bộ, đảng viên và nhân dân luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, thích ứng với cơ chế mới, đoàn kết, năng động quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng đã xác đinh.
- Cùng với những thành tựu về nhiều mặt, trình độ nhận thức của cán bộ, đảng viên và trình độ dân trí ở nước ta đã được nâng lên. Tích cực và nhu cầu về chính trị, tinh thần trong đời sống xã hội, như nhu cầu về thông tin, học tập, hưởng thụ văn hoá, tham gia vào quá trình lãnh đạo, quản lý xã hội của tổ chức đảng và chính quyền các cấp ngày càng gia tăng…Cán bộ, đảng viên và nhân dân luôn hướng tới những nhu cầu lành mạnh, những giá trị cao đẹp. Lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc và truyền thống cách mạng ngày càng được nâng cao.
- Sự phát triển của khoa học, công nghệ  hiện đại và quá trình toàn cầu hóa đã mở rộng không gian văn hóa toàn cầu, điều kiện và phương tiện làm công tác tư tưởng ngày càng hiện đại, tiện lợi, phong phú, cập nhật thường xuyên…
- Đảng ta thường xuyên chăm lo đến công tác tư tưởng. Các cấp ủy đảng chính quyền đoàn thể ngày càng coi trọng giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và năng lực hoạt động thực tiễn cho cán bộ, đảng viên và nhân dân
b. Công tác tư tưởng đang đứng trước những  khó khăn, thách thức mới
-Hiện cũng như năm tới, tình hình chính trị, kinh tế trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, công tác tư tưởng đang đứng trước những  khó khăn, thách thức:
- các thế lực phản động, hiếu chiến, cơ hội, cực đoan bằng nhiều thủ đoạn và phương tiện luôn tìm mọi cách thao túng hệ thống thông tin toàn cầu. Chúng đang trực tiếp tấn công vào hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, mưu toan “ giải thể hệ tư tưởng”, dùng  chiêu bài “dân chủ”, “ nhân quyền” mà thực chất là truyền bá tư tưởng tư sản với chủ nghĩa cá nhân cực đoan, thực dụng, hưởng thụ..
- Ở trong nước, một số phần tử cơ hội chính trị lợi dung tự do, dân chủ công kích chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh sự lãnh đạo và đường lối chính sách của Đảng; tán phát các tài liệu có nội dung sai trái về con đường đi lên CNXH ở nước ta trong cán bộ, đảng viên và nhân dân…
- Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống làm mất niềm tin của nhân dân gây ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống tinh thần, tư tưởng trong xã hội, gây ra những khó khăn trở lực cho công tác tư tưởng, nhất là cơ sở.
- Công tác tư tưởng, lý luận của Đảng mặc dù đã có những thành tựu đáng kể, song công tác nghiên cứu lý luận còn yếu, chưa theo kịp yêu cầu của công cuộc đổi mới; chậm giải đáp một cách khoa học và thấu đáo nhiều vấn đề của thực tiễn và vướng mắc về tư tưởng, nhận thức. Nội dung và phương thức tiến hành công tác tư tưởng chậm được đổi mới so với yêu cầu của thực tiễn và đòi hỏi của các đối tượng.
- Đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng còn thiếu và yếu; phương tiện để làm công tác tư tưởng nói chung, ở cơ sở nói riêng chưa được quan tâm đúng mức.
- Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa và quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đi vào chiều sâu sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, đòi hỏi công tác tư tưởng phải giải quyết. Tham gia ngày càng sâu vào quá trình hội nhập quốc tế, nước ta có cơ hội mở rộng thị trường, huy động nguồn vốn, tận dụng những thành tựu khoa học, công nghệ để phát triển; đồng thời phải đối mặt với những tác động tiêu cực bởi sự xâm nhập của những trào lưu tư tưởng độc hại từ bên ngoài. Dân trí ngày càng cao, những đòi hỏi dân chủ ngày càng lớn, con người năng động hơn, nhưng nếu không có sự điều chỉnh kịp thời và có hiệu quả thì chủ nghĩa cá nhân, thực dụng và các tệ nạn xã hội cũng gia tăng.
Những thời cơ thách thức trên đặt ra yêu cầu ngày càng cao, nhiệm vụ ngày càng nặng nề đối với công tác tư tưởng ở cơ sở trong thời kỳ mới
2/  Công tác tư tưởng  của chi bộ, đảng bộ cơ sở
Trong những năm tới, công tác tư tưởng của chi bộ, đảng bộ cơ sở cần tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:
- Thứ nhất: Tăng cường giáo dục, nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, thống nhất nhận thức và hành động, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ ở cơ sở.
Nâng cao trình độ nhận thức về chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác tư tưởng nhằm tạo ra sự nhất trí cao về chính trị, tinh thần, làm cơ sở cho sự đoàn kết, thống nhất trong hành động, thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng, nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ sở, với những nội dung, hình thức và phương pháp thích hợp từng đối tượng..
 Nội dung chính trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng ở cơ sở thời gian tới là:
- Tăng cường và đổi mới theo hướng hiệu quả, thiết thực, công tác giáo dục lý luận chính trị, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên và  mỗi người dân hiểu, từ đó kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội,chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thấm nhuần các quan điểm đổi mới của Đảng.
   - Giáo dục quan điểm, đường lối nghị quyết đại hội XI của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nghị quyết của tổ chức đảng các cấp, ở địa phương, cơ sở; đổi mới  phương pháp học tập, quán triệt theo hướng tích cực, tăng cường thảo luận, tự học là chính, tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt là việc thực hiện trong thực tiễn.
.         - Giáo dục, nâng cao nhận thức về thời cơ và thách thức của đất nước, của từng địa phương, ngành, cơ sở trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng
- Giáo dục nâng cao cảnh giác cách mạng, chống âm mưu và thủ đoạn “ diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, phá hoại về tư tưởng, chính trị của thế lực thù địch, cơ hội.
- Giáo dục tinh thần đoàn kết dân tộc, tinh thần tương thân tương ái, hướng về cội nguồn, làm việc thiện, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu.
Thứ hai: Công tác tư tưởng phải góp phần tuyền truyền, cổ vũ, động viên quần chúng đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị
 Chi bộ, đảng bộ cơ sở phải góp phần đưa đường lối của Đảng vào cuộc sống, biến NQ của Đảng thành hiện thực, thông qua việc giải quyết những vấn đề kinh tế xã hội bức xúc ở địa phương, cơ sở; tổng kết thực tiễn, vận dụng đường lối chính sách chung của Đảng vào việc hoạch định chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội ở cơ sở
 Chi bộ, đảng bộ cơ sở phải phải động viên mọi cán bộ đảng viên và nhân dân đoàn kết thống nhất, khắc phục khó khăn huy động mọi nguồn lực để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân hoàn thành tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Chi bộ, đảng bộ cơ sở phải giải đáp kịp thời, đúng đắn những vấn đề về quan điểm nhận thức, về định hướng chính trị trong xây dựng đời sống văn hóa, chính sách xã hội…, chủ động giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh từ cơ sở, không để phát triển lan rộng thành vấn đề tư tưởng chính trị
 Thứ ba: tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng, cho cán bộ, đảng viên và nhân dân
- Thường xuyên và trực tiếp quản lý, giáo dục, theo dõi diễn biến, sự hình thành những phẩm chất đạo đức mới của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Điều 23, Điều lệ Đảng  quy định tổ chức cơ sở đảng có nhiệm vụ: “.. Thường xuyên giáo dục, rèn luyện và quản lý cán bộ, đảng viên, nâng cao đạo đức cách mạng, tính chiến đấu, trình độ kiến thức, năng lực công tác”
- Tiếp tục triển khia thực hiện nghiêm  túc và có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 03của Bộ Chính trị.
- Chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho đảng viên thông qua việc phân công, giao nhiệm vụ, rèn luyện qua thực tiễn, qua đấu tranh phê bình và tự phê bình, tiếp thu ý kiến đóng góp xây dựng của quần chúng, qua nêu gương điển hình tiên tiến.
Trong công tác giáo dục, xây dựng đạo đức mới cần coi trọng các nguyên tắc “xây” là chính; nói đi đôi với làm, nêu gương người tốt, việc tốt, người thực, việc thực của chi bộ, đảng bộ, của địa phương, cơ sở; phải tu dưỡng đạo đức suốt đời.
- Lãnh đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, đấu tranh chống quan lieu, tham nhũng, lãng phí; định kỳ tổ chức báo cáo trước nhân dân chương trình hoạt động của tổ đảng, chính quyền và tổ chức lấy ý kiến đóng góp xây dựng Đảng, phê bình cán bộ, đảng viên của quần chúng.
- Hướng dẫn nhân dân phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí của cán bộ, đảng viên, công chức ở địa phương, cơ sở; tổ chức tốt việc tiếp dân và giải quyết các khiếu nại, tố cáo củâ nhân dân.
- Thông qua sinh hoạt đảng, đoàn thể, các cuộc họp nhân dân để tuyên truyền, nêu gương “người tốt, việc tốt”, phê phán những việc làm sai trái, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, trái với đạo đức xã hội, vi phạm các quy ước tập thể, cộng đồng.
- Phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng làm công tác tư tưởng, kết hợp các biện pháp tư tưởng, chính trị, tổ chức, kiểm tra, kinh tế, hành chính; kết hợp phong trào quần chúng với việc thực hành các chính sách, pháp luật để góp phần ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống và bài trừ các tệ nạn xã hội.
Thứ tư: Công tác tư tưởng  trực tiếp thực hiện những nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa, bồi dưỡng, xây dựng con người mới với những đức tính phẩm chất tốt đẹp
Xây dựng đời sống văn hoá, bồi dưỡng, xây dựng con người mới ở cơ sở là nhiệm vụ cơ bản, thường xuyên của công tác tư tưởng.
Đại hội XI của Đảng xác định: “làm cho các giá trị văn hoá thấm sâu vào mọi mặt đời sống, được thể hiện cụ thể trong sinh hoạt, công tác, quan hệ hằng ngày của cộng đồng và từng con người, tạo sức đề kháng đối với các sản phẩm văn hoá độc hại. Tiếp tục đẩy mạnh việc giáo dục, bồi dưỡg đạo đức, lối sống có văn hoá; xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội; ngăn chặn và đẩy lùi các hủ tục, bạo lực, gây rối trật tự công cộng, mại dâm, ma tuý…”.
Quán triệt quan điểm, chủ trương trên, chi bộ, đảng bộ cơ sở phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở cơ sở, xây dựng lãng ấp, xã, phường…văn hoá, gia đình văn hoá; xây dựng con người mới với những đức tính tốt đẹp, đặc biệt là lý tưởng sống, lối sống, năng lực, trí tuệ, đạo đức và bnả lĩnh văn hoá của con người Việt Nam.
Thứ năm: Công tác tư tưởng trực tiếp tham gia đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh.
Đảng ta đã xác định, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng đảng là nhiệm vụ then chốt. Các chi bộ, đảng bộ cơ sở cần coi trọng, đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên lĩnh vực tư tưởng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, chú trọng làm tốt hơn việc nêu gương những người tốt, việc tốt; lấy nhân tố tích cực để đẩy lùi tiêu cực; đồng thời phê phán, đấu tranh với những biểu hiện sa sút về tư tưởng, chính trị, vô trách nhiệm, vụ lợi cá nhân, vi phạm những chuẩn mực đạo đức, lối sống.
Các chi bộ, đảng bộ cơ sở cần thực hiện nghiêm quy định về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng, thực hiện có hiệu quả kế hoạch học tập chính trị, sinh hoạt tư tưởng ở từng cơ sở. Đặc biệt, các chi bộ, đảng bộ cơ sở cần thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình; thường xuyên nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, xây dựg chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ, đảng bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức trong sạch, liêm chính; xây dựng và củng cố quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Thứ sáu: chủ động tiến công, triển khai có hiệu quả cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng; thực hiện nghiêm túc những chỉ thị, quy định của Đảng về bảo vệ Đảng, xử lý kịp thời những thông tin bịa đặt, hoạt động tán phát tài liệu, thư nặc danh, mạo danh có nội dung xấu.
Trên cơ sở giáo dục tinh thần cảnh giác cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, các chi bộ, đảng bộ cần
- Không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, vững vàng trước mọi thử thách, khó khăn cho cán bộ, đảng viên, lấy dựng nội bộ trong sạch, vững mạnh làm phương hướng cơ bản.
-Tuyên truyền, biểu dương cổ vũ những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, đi đôi với đấu tranh, phê phán những quan điểm và hành vi lệch lạc, sai trái, thù địch.
Bảo vệ Đảng là nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt hiện nay. Vì vây, các chi bộ, đảng bộ cơ sở cần quán triệt sâu sắc những chỉ thị, quy định về bảo vệ Đảng, trước hết là về những điều đảng viên không được làm,. Trong đó có  quy định đảng viên không được nói và làm trái với Cương lĩnh, đường lối của Đảng, không truyền bá quan điểm cá nhân trái với quan điểm của Đảng, gây hoang mag, hoài nghi trong Đảng và nhân dân.
Đối với những hành vi vi phạm như: tung thông tin bịa đặt, tán phát tài liệu, thư nặc danh, mạo danh có nội dung xấu…cần xác định ró tính chất, mức độ, phạm vi ảnh hưởng, ý đồ của người thực hiện để có biện pháp đấu tranh thích hợp. Cần phân biệt ý đồ gây rối, phá hoại ý thức chính trị rõ rang với sự ấu trĩ về chính trị do thiếu thông tin hay  do nhận thức kém mà vô tình tiếp tay cho kẻ xấu, để có cách xử lý thích hợp. Về nguyên tắc, phải nghiêm khắc và kiên quyết, không khoan nhượng về tư tưởng, chính trị; vạch trần nội dung tư tưởng sai trái trong tài liệu tán phát và hành động vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật, làm cho mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ những thông tin như vậy là sai trái, không nên tin, không phổ biến lại cho người khác. Đồng thời, chi bộ, đảng bộ cơ sở cần có những biện pháp xử lý về mặt tổ chức, hành chính theo quy định của kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước.
3/ Một số vấn đề cơ bản về nghiệp vụ và công tác tư tưởng của chi bộ, đảng bộ cơ sở
a. Xây dựng, tổ chức lực lượng làm công tác tư tưởng ở cơ sở
 Các chi bộ, đảng bộ  cơ sở xây dựng, tổ chức lực lượng làm công tác tư tưởng ở cơ sở:
- Thực hiện phương châm toàn đảng bộ, chi bộ làm công tác tư tưởng, lấy quần chúng giáo dục quần chúng; cán bộ, đảng viên, trước hết là cấp ủy và đứng đầu là bí thư chi bộ phải chủ động, tích cực làm công tác tư tưởng, huy động toàn thể nhân dân làm công tác tư tưởng dưới sự chỉ đạo của cấp uỷ đảng.
Để làm tốt công tác tư tưởng , cấp uỷ phải xây dựng, tổ chức đội ngũ cán bộ tuyên giáo làm tốt việc tham mưu và tổ chức thực hiện tốt công tác tư tưởng ở cơ sở.
- Bồi dưỡng những đảng viên có khả năng, trình độ và nhiệt tình tham gia  đội ngũ báo cáo viên, tổ chức mạng lưới tuyên truyền viên của xã, phường, phụ trách các thôn xóm, ấp, bản.
 Đội ngũ này vừa làm công tác thông tin, văn hoá, truyền đạt, phổ biến tình hình thời sự, chính sách vừa giúp cấp uỷ nắm tình hình tư tưởng, tâm trạng của nhân dân; cần quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ báo cáo viên, thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng của huyện, quận hoặc tại cơ sở; cung cấp những tài liệu, sách, báo, phương tiện làm việc cần thiết cho đội ngũ này.
- Cấp uỷ chủ trì, chỉ đạo, phối hợp hoạt động giữa các tổ chức, các lực lượng trên địa bàn để làm công tác tư tưởng
Ở xã, phường, thị trấn lực lượng này bao gồm: cán bộ tuyên giáo của đảng uỷ, cán bộ văn hoá thông tin của chính quyền, của các đoàn thể, các hội của chi bộ nhà trường, của các đơn vị bộ đội, công an, biên  phòng đóng trên địa bàn.
Cần động viên và sử dụng lực lượng cán bộ về hưu, lực lượng có năng lực uy tín, kinh nghiệm làm công tác tư tưởng. Đội ngũ giáo viên các nhà trường học ở xã, phường có kiến thức văn hoá, phương pháp sư phạm, nếu được tổ chức, bồi dưỡng tốt sẽ là lực lượng mạnh và hoạt động có hiệu quả trong công tác tư tưởng, trước hết làm công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh, từ đó học sinh lại là nhữg tuyên truyền viên đối với mọi người trong gia đình; tổ chức bồi dưỡng những cán bộ y tế cơ sở, để vừa chữa bệnh cho dân, vừa tuyên truyền đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước nhất là ở các buôn, thôn, xóm, ấp, bản xa xôi, hẻo lánh.
b. Các phương pháp công tác tư tưởng
Phương pháp công tác tư tưởng có nhiều loại nhưng có thể khái quát thành ba nhóm chính:
+ Nhóm phương pháp dung lời nói như giảng bài, báo cáo, thuyết trình, kể chuyện, nói chuyện thời sự, toạ đàm.
+ Nhóm phương pháp trực quan bao gồm sử dụng các phương tiện phục vụ Công tác tư tưởng như chiếu phim, triển  lãm, panô, áp phích…
+Nhóm phương pháp thực tiễn như tổ chức tham quan di tích, tổ chức lễ hội…
- Đối với cơ sở Công tác tư tưởng có thể vận dụng linh hoạt như tập trung vào các nội dung chính sau:
 + Nêu gương: là phương pháp dựa trên cơ sở vận dụng các quá trình và quy luật tâm lý xã hội. Phương pháp này được vận dụng phổ biến và rất có hiệu quả đối với các dân tộc Phương Đông. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Nói chung thì các dân tộc Phương Đông đều giàu tình cảm và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền ”. Trong Công tác tư tưởng, phương pháp nêu gương được thực hiện bằng các việc nêu điển hình tốt để học tập và điển hình xấu để phê phán. Ở cơ sở, tấm gương điển hình tiên tiến, sống động, nhất quán giữa nói và làm của cán bộ, đảng viên có tác động giáo dục, thuyết phục trực tiếp và mạnh mẽ.
+ Thuyết phục bằng lý lẽ và bằng thực tế. Trong điều kiện hiện nay, người làm công tác tư tưởng phải hiểu được các trạng thái tư tưởng, trình độ chính trị, trình độ và đặc điểm nhận thức của quần chúng, từ đó lựa chọn nội dung lý luận và thực tế phù hợp để thuyết phục đối tượng; như vậy mới có thể đem lại tác dụng và hiệu quả. Hết sức tránh tuyên truyền, giáo dục theo kiểu áp dụng lý lẽ, xa thực tế, không sát tâm lý đối tượng.
+ Tăng cường các hoạt động thực tiễn như chiếu phim, tổ chức hội thi phát thanh viên, kẻ vẽ panô, áp phích…
+ Tổ chức tốt các hoạt động tập thể ở cơ sở như hội diễn, lễ hội, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội.
+ Tác động vào việc hình thành các trạng thái tâm lý xã hội.
Khi tiến hành công tác tư tưởng ở cơ sở, phải nắm được cơ chế hình thành các trạng thái tâm lý xã hội, làm tốt công tác điều tra nắm bắt và định hướng dư luận xã hội, từ đó có thể chủ động tác động vào tư tưởng quần chúng.
Thực hiện tốt chế độ thông tin, bảo đảm các kênh thông tin đều có định hướng đúng đắn; đồng thời chủ động, nhạy bén đón nhận thông tin phản hồi, kịp thời phát hiện những âm mưu và thủ đoạn phản tuyên truyền, các thủ đoạn phá hoại tư tưởng của thế lực thù địch, cơ hội để chủ động đấu tranh, làm chủ trận địa tư tưởng.
Tóm lại việc thực hiện các phương pháp công tác tư tưởng luôn đặt ra yêu cầu phải nắm và vận dụng các quy luật tâm lý, chủ động nắm bắt, làm chủ tình hình, giữ vững sự ổn định theo chiều hướng tích cực, thực hiện tốt nhữg mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong công tác tư tưởng .
c. Các hình thức của công tác tư tưởng
- Tiến hành công tác tư tưởng thông qua các cuộc sinh hoạt đảng, sinh hoạt các tổ chức, đoàn thể
Cần nâng cao chất lượng, nội dung của các cuộc sinh hoạt để không ngừng nâng cao nhận thức cho đảng viên. Đảng viên phải thực hiện tốt vai trò người tuyên truyền, giáo dục và cổ động trong sinh hoạt các đoàn thể quần chúng.
- Tổ chức định kỳ các hoạt động thông tin thời sự về tình hình trong nước và quốc tế
- Sử dụng hệ thống thông tin đại chúng, các thiết chế văn hoá để làm công tác tư tưởng  như thư viện, sách, báo, tranh, ảnh… Đây là công cụ rất quan trọng, không thể thiếu đối với việc giáo dục, tuyên truyền, cổ động, có tác dụng giáo dục, định hướng tư tưởng thường xuyên, rất hiệu quả cho đông đẩo cán bộ, đảng viên  và nhân dân.
- Thông qua các hoạt động tập thể, các sinh hoạt cộng đồng để tiến hành công tác tư tưởng. Qua đó, vừa tăng cường giáo dục, tuyên truyền, cổ động cho chủ trương, chính sách của Đảng, nếp sống văn hoá mới, vừa đấu tranh phê phán các tệ nạn, hủ tục, làm lành mạnh hoá các quan hệ xã hội.
- Tổ chức tốt các cuộc vận động, các sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí để vận động nhân dân hăng hái tham gia xây dựng đời sống văn hoá; tạo không khí phấn khởi, vui tươi, lành mạnh, phấn đấu thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị cơ sở.
- Tăng cường công tác tư tưởng thông qua các cuộc tiếp dân, đối thoại giữa cán bộ lãnh đạo với nhân dân các cuộc thảo luận, trao đổi chuyên đề.
- Sử dụng nhiều hình thức cổ động  phong phú, sinh động, để nhân dân hiểu rõ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quyết định của các cấp chính quyền địa phương; để dân biết những vấn đề liên quan đến lợi ích thiết thân và quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của họ bảo đảm quyền được thông tin của đảng viên và nhân dân. Từ đó giúp cho cán bộ, đảng viên , nhân dân tham gia có hiệu quả vào quản lý các công việc của địa phương, giám sát việc thực hiện của các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể, của cán bộ, đảng viên và của mỗi người dân ở đại phương, cơ sở. Khi được thông tin đầy đủ, chính xác tình hình, chủ trương, đường lối của Đảng thì mỗi cán bộ, đảng viên  và mỗi người dân sẽ tự làm Công tác tư tưởng cho chính mình và cho mọi người.
4/ Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng của chi bộ, đảng bộ
a. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở, đẩy mạnh công tác tư tưởng trong tình hình mới
- Lãnh đạo tiến hành công tác tư tưởng là nhiệm vụ trọng tâm cảu cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể. Cấp ủy trước hết là bí thư, người đứng đầu cơ  quan, chính quyền, đoàn thể cần có chương trình, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo, tiến hành Công tác tư tưởng .
           - Định kỳ, đại diện cấp ủy nghe ý kiến phản ánh về tình hình tư tưởng, chính trị trong cán bộ, dảng viên và nhân dân. Từ đó, cấp ủy tổng hợp và thống nhất nhận định, đánh giá tình hình tư tưởng, biện pháp lãnh đạo về tư tưởng và chỉ đạo triển khai thực hiện thống nhất trong cơ quan, đơn vị, địa phương.
b. Mở rộng dân chủ, phát huy tự do tư tưởng, đồng thời giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật phát ngôn theo quy định.
Mở rộng dân chủ nói chung, dân chủ trong công tác tư tưởng nói riêng theo tư tưởng Hồ Chí Minh; tôn trọng và lắng nghe các ý kiến đề xuất, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng; phân tích tổng hợp đánh giá đúng tình hình tư tưởng của đối tượng để xác định nội dung, hình thức, biện pháp giáo dục, giải quyết đúng đắn phù hợp; động viên và tạo điều kiện để mọi người phát huy tự do tư tưởng, góp ý kiến vào sự lãnh đạo của chi bộ, đảng bộ, tham gia làm công tác tư tưởng theo khả năng, nhất là tham gia tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân quán triệt và thực hiện tốt  đường lối, chủ trương của Đảng. Thực hiện nghiêm túc các quy định về kỷ luật phát ngôn, kịp thời phát hiện và xử lý những biểu hiện tự do tùy tiện, lợi dụng dân chủ để truyền bá các quan điểm sai trái với quan điểm đường lối của Đảng, gây hoài nghi, dao động mâu thuẫn, mất đoàn kết trong tổ chức Đảng và nhân dân.
c. Nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, thực hiện nói đi đôi với làm, nói và làm đúng đường lối, chính sách, pháp luật
Mỗi cán bộ đảng viên phải thực hiện các yêu cầu sau:
- Có tư tưởng nhận thức tư tưởng, chính trị đúng đắn, tích cực tham gia làm tốt công tác tư tưởng cho gia đình mình và quần chúng được phân công.
- Phải nói và làm đúng theo nghị quyết của Đảng;  nói đi đôi với làm, thực sự là tấm gương về mọi mặt cho quần chúng noi theo; đồng thời làm tốt việc giải quyết tư tưởng cho bản thân, gia đình và những người xung quanh.
 Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự là chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng của đảng ở cơ sở





Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

LÀNG CỔ PHÚC TRẠCH



Mời về Phúc Trạch quê em Chè thơm bưởi ngọt người quen đợi chờ
Dẫu quen hay chưa quen vẫn thế, đó là tấm lòng hiếu khách một miền quê nổi tiếng của đất  Hương Khê. Làng Phúc Trạch như một cái võng, một đầu mắc lên Rú Gối một ngọn núi cao nhất của dãy Trà Sơn, một đầu mắc lên Đoộng Trỉa là một ngọn khá cao của thuộc dãy Giăng Màn, bên kia là xã Hương Liên. Trước năm 1945 làng Phúc Trạch thuộc tổng Phúc Lộc, từ 1946 đến 1954 Hương Khê bỏ đơn vị  tổng thành lập 15 xã, làng Phúc Trạch là xóm 4 thuộc xã Hương Lĩnh. Hương Lĩnh là một xã lớn, bao gồm La Khê, Phúc Hội, Phúc Trạch, Can Hợi, Đô Khê, Chúc A, Vĩnh Cư (nay là các xã Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô, Hương Lâm, Hương Liên). Sau cải cách ruộng đất (từ 1955 đến 1972) làng Phúc Trạch trở thành một xã gọi là xã Hương Lĩnh, bao gồm 7 xóm là Bạch, Hồng, Hoàng, Nam, Đông, Thanh, Huyền. Từ năm 1972 đến nay xã Hương Lĩnh nhập với xã Hương Lạc thành xã Phúc Trạch. Làng Phúc Trạch xưa là các xóm 1,2,3,4,5 của xã Phúc Trạch bây giờ. Diên cách làng Phúc Trạch về phía trên là làng Phúc Hội (nay thuộc xã Hương Trạch), phía Bắc giáp với làng Can Hợi (nay cũng thuộc xã Phúc Trạch). Diên cách giữa làng Phúc Trạch với Phúc Hội khá rõ, đó là những chân ruộng thấp, có đoạn là dòng khe nhỏ, ao hồ, trong đó có ao lớn nhất  gọi là Bàu Si. Dân 2 làng Phúc Trạch- Phúc Hội qua lại với nhau bằng cái cầu gỗ kiểu cầu khỉ như ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Diên cách giữa hai làng Phúc Trạch và Can Hợi không rõ ràng, đó là những chân ruộng màu nối tiếp nhau, thậm chí có đoạn đứt quảng. Do vậy dân hai làng Phúc Trạch và Can Hợi gắn bó mật thiết với nhau, chính vì vậy khi làng Phúc Trạch nhập với làng Can Hợi thành xã Phúc Trạch, không xẩy ra chuyện địa phương cục bộ làng trên xóm dưới, đó là một nhân tố quan trọng giúp cho xã Phúc Trạch phát triển bền vững của Hương Khê.
Về sông ngòi, khe suối làng Phúc Trạch được hưởng lợi từ  nguồn sinh thuỷ dồi dào của khe Bà Cam, khe này chảy quanh co trong dãy Giăng Màn nằm phía Tây làng Phúc Trạch, đó là nguồn nước chủ yếu cho những chân ruộng cấy lúa. Sông Ngàn Sâu, con sông lớn nhất của Hương Khê chảy qua làng Phúc Trạch về phía đông. Điều may mắn là Ngàn Sâu chảy sát chân núi Trà Sơn, cách khu dân cư  khoảng 1km, vì vậy mùa lũ lụt không gây thiệt hại lớn cho người dân Phúc trạch.
Ruộng đồng ở đây chủ yếu là hai cánh đồng lớn, đồng phía Nam là những chân ruộng thấp no nước hợp với cây lúa, đồng phía đông do sông Ngàn Sâu bồi đắp phù sa nên vùng này là những vánh đồng màu xanh tốt. Vùng trung tâm làng là khu dân cư, với những mảnh vườn tốt tươi, trù phú có nhiều loại  cây có giá trị kinh tế cao.
Về tín ngưỡng, người làng Phúc Trạch không theo đạo nào, chẳng hiểu vì sao trong gần 100 năm xâm chiếm của Thực dân Pháp đất nước ta, người Pháp đến Phúc Trạch rất sớm nhưng người Phúc Trạch không có ai theo đạo Thiên Chúa và xa hơn nữa cả hàng ngàn năm phát triển của Phật Giáo ở nước ta, người Phúc Trạch cho đến bây giờ chẳng có ai là phật tử. Tín ngưỡng người Phúc Trạch chỉ duy tôn 2 dòng, đó là thờ thần và thờ cúng gia tiên. Chắc rằng ngày xưa dòng tín ngưỡng thờ thần ở đây tôn nghiêm lắm, nên chỉ trong một làng đã có 2 ngôi đền, Đền Chẩm Lĩnh (ở phía đông), Đền Cơn Soông (ở phía Tây) và nhà Thánh ở trung tâm làng. Sau 1945 việc tế lễ ở đền, đình trên ngày càng giảm dần, đặc biệt khi đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc (1965) thì việc tế lễ bỏ hẳn, các đình đền trên cũng hoang phế dần, ngày nay chỉ còn phế tích.
Dân Phúc Trạch xưa chủ yếu sống bằng nền kinh tế tự cung tự cấp, làm đủ mọi nghề kiếm ra cái ăn, cái mặc. Nhắc lại chuyện làm ăn xưa, nhiều người trung, cao tuổi thường say sưa kể chuyện săn bắt thú rừng. Ngày xưa thú rừng như lợn, nai, hươu, thường đến phá hoại hoa màu. Vừa để bảo vệ mùa màng vừa có cái ăn, dân làng tổ chức các phường săn, tục ở đây gọi là phường mái . Mỗi phường mái phải sắm sửa khoảng 10 -15 triêng lưới bằng dây cây mấu bện săn lại đan thành lưới cao khoảng 1m, dài 8 đến 10 m, dăm cái mác cán dài 2m, vài ba chục cái mõ, xúp xểng, tù và. Chọn ngày nắng, thú rừng thường đêm ra ăn, ngày nấp vào bụi rậm ven rừng ngủ. Phường mái dùng lưới bao quanh, bố trí một số điểm đoán chắc thú rừng khi động sẽ chạy ra đó¸ bố trí 2-3 người ẩn nấp mai phục. Sau khi bố trí xong là tù và, chiêng mõ, cùng tiếng hò hét rộn cả khu rừng. Cả đoàn người tiến vào xua đuổi, thú rừng hoảng sợ thảo chạy đâm đầu vào lưới, những người chờ sẵn dùng mác cán dài đâm chết con thú. Con thú được làm thịt, chia phần cho người tham gia cuộc săn, Trùm phường thì được thêm cái thủ, con nhoi (người có công phát hiện ra chỗ có con thú ẩn náu) thì được thêm bộ cuống đuôi, người đến xem cũng được 1 phần tuy ít hơn gọi là lộc.
Nghề làm vườn cũng được người Phúc Trạch coi trọng. Đặc biệt ở Phúc Trạch có 2 lọai cây nổi tiếng cả nước đó là Dó Trầm và Bưởi đường.
                                              



















                                  Bưởi đường Phúc Trạch - ảnh tư liệu

Bưởi Phúc trạch có nhiều thứ như bưởi đường, bưởi tàu, bưởi bị, phật thủ… nhưng ngon nhất là bưởi đường. Bưởi đường Phúc Trạch đã dự hội thi “đấu xảo” tại Vinh năm 1936 và được công nhận là đặc sản của An Nam. Năm 2000 Bộ NN&PTNT, Viện cây ăn quả Việt Nam tổ chức Hội thi quốc gia bưởi Phúc Trạch, năm 2002 bưởi đường Phúc Trạch được cấp  nhãn hiệu hàng hoá. Bưởi đường Phúc Trạch là loại cây đỏng đảnh lắm, trên cùng một cây nhưng quả ở gần ngọn thì ngon hơn quả gần gốc, cây có tuổi cao, cây chiết từ cành thì quả ngon, cây mọc từ hạt thì chủ yếu mọc thành bưởi chua, bưởi đường trồng ở Phúc Trạch thì ngon nhưng đưa trồng cách vài ba cây số trở lên là chất lượng đã giảm hẳn. Trong thời buổi kinh tế thị trường sự gian lận thương mại khá phổ biến, nên ai muốn ăn bưởi đường Phúc Trạch ngon, đúng thương hiệu phải hái bưởi tận gốc. Mỗi độ thu về là mùa bưởi chín, du khách đến Hương Khê và người Hương Khê đi chơi nơi khác ít ai quên mua một ít bưởi làm quà, quý lắm. Nhiều năm do mất mùa bưởi hiếm giá một quả bưởi lên tới 60,70 ngàn đồng, bằng cả chục chai bia, một yến gạo… Bưởi đường Phúc Trạch cũng biết chịu thương, chịu khó như người Phúc Trạch vậy. Gia đình có con đi xa không quên hái một ít bưởi, hái nhẹ không xây xát vỏ, bôi vôi lên cuống cất cao, dành phần con cháu về tết, lúc này vỏ quả bưởi đã co khô, ruột bưởi mềm, ngọt lịm ăn bưởi lúc này cảm thấy khoan khoái vô cùng .
Dó trầm cũng là loại cây nổi tiếng ở Hương  Khê. Cách đây 40 năm về trước cây này tuy đã biết là loại cây quý nhưng chưa biết khai thác nên Dó trầm coi như cây gỗ bình thường mọc hoang dại trong vườn, dân Phúc Trạch chỉ sử dụng làm vật liệu phụ trong nhà cửa như kèo nhà, ván thưng (vì gỗ mềm, thấm nước là hỏng). Nhưng sau năm 1980 nhiều người ở Huế, Đà Nẵng đã đến Phúc
Trạch khai thác Dó Trầm. Dó Trầm cũng lên ngôi từ đó. Có người tháo bộ kèo nhà đem bán, số tiền thu được mua bộ kèo gỗ lim vẫn còn thừa. Từ đó phong trào trồng dó trầm rầm rộ không chỉ ở Hương Khê mà cả nhiều huyện khác trong tỉnh. Nhưng có điều lạ, điều hay là dó trầm ở Phúc Trạch vẫn có giá trị cao hơn, trầm nhiều hơn, chất lượng trầm tốt hơn.





























                             


 


















                                             Cây Dó trầm - Ảnh Minh Chiến

Vườn Phúc Trạch rất nhiều cau. Ngày xưa dân buôn cau Phú Long lên mua khá nhiều, cau trở thành một nguồn thu nhập cao, nhưng sau này việc mua cau ít dần. Tuy vậy người Phúc Trạch vẫn thích trồng cau. Bởi lẽ cau với trầu là hai loại cây ẩn chứa chuyện tình hiếu nghĩa sâu sắc, vừa là lễ vật thờ cúng không thể thiếu.. cau thuỷ chung với người góp thân mình vào ngôi nhà cho người về cõi vĩnh hằng.
Người làng Phúc Trạch nổi tiếng  yêu nước, có truyền thống cách mạng . Vào những năm cuối thế kỷ XIX khi kinh thành Huế thất thủ (đêm 23/5 Ất Dậu – 1885), vua Hàm Nghi đến Hương Khê hạ Chiếu Cần Vương tại Sơn Phòng - Phú Gia. Hưởng ứng Chiếu Cần Vương và Phan Đình Phùng thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Hương Khê, người Phúc Trạch cũng như nhiều người dân trong cả nước hăng hái tham gia cuộc kháng chiến. Ông Phạm Biếng người thôn Thanh Liên làng Phúc Trạch vốn là người sức khoẻ nổi tiếng, giỏi võ vật đã đứng ra tụ nghĩa hàng chục thanh niên của làng Phúc Trạch, làng Can Hợi lập thành tổ Sơn Tràng, hàng ngày vào các khu rừng tập luyện võ nghệ. Đội quân của ông Phạm Biếng đã góp phần đánh lui các trận tấn công của Pháp từ tỉnh lỵ Hà Tĩnh lên Hương Khê qua đường Truông Sẻ (tuyến đường từ Cẩm Xuyên qua Trà Sơn lên Hương Khê).
Cụ đã hy sinh trong phong trào Cần Vương, hiện phần mộ cụ Phạm Biếng còn ở xứ Trạng Bằng (phía đông làng Phúc Trạch).
        Khi Thực dân Pháp phát hiện được đại bản doanh Vụ Quang, chúng tăng cường quân tấn công vùng hạ Hương Khê. Vì vậy, cụ Phan đã chuyển đại bản doanh lên Rú Quạt thuộc huyện Tuyên Hoá, Quảng Bình, cách làng Phúc Trạch nửa ngày đường bộ, lúc này vùng thượng Hương Khê trở thành tâm điểm của cuộc chiến. Sau khi Cụ Phan Đình Phùng mất, cuộc khởi nghĩa Hương Khê thất bại, giặc Pháp đàn áp nhân dân Hương Khê hết sức dã man. Chuyện lưu truyền rằng các tuyến đường từ Rú Quạt đến Hương Khê chúng chôn nhiều cọc tre, gỗ, hễ phát hiện hoặc tình nghi người đã tham gia cuộc khởi nghĩa Hương Khê là chúng bắt trói vào cột, chặt đầu. Theo nhiều người kể lại có  một cuộc thảm sát cực kỳ dã man, chúng bắt 12 người về động Cột đèn, rồi sai 6 người vào rừng chặt dây, còn 6 người ở lại đào hố dài sâu ngang ngực, sau đó chôn cọc, trói 12 người vào cọc, dùng cây tre chẻ đôi nẹp ngang cổ. Chúng sai tên đao phủ là Khoái Liễu (người làng Bàu Si, thuộc làng Phúc Hội) dùng mác chém ngang cổ, đem đầu bêu ở chợ, 3 ngày sau chúng bắt dân làng ra chôn, 12 thân chôn 1 hố, 12 đầu chôn 1 hố. Cuộc thảm sát xảy ra đã hơn 120 năm, bao nhiêu điều có thể đã quên nhưng ngôi mộ đất đó vẫn được nhân dân Phúc Trạch giữ gìn vẹn nguyên. Ngôi mộ hiện nằm cách đường 15A khoảng 20m, trở thành di tích minh chúng cho tội ác của thực dân Pháp, minh chứng tấm lòng tri ân những người yêu nước, lòng căm thù giặc của người dân Phúc Trạch.
Dưới con mắt của người Pháp, chúng coi thượng Hương Khê là vùng “tặc loạn”, do đó chúng đã lập Đồn Phúc Trạch, một trong ba đồn được lập sớm nhất ở Hương Khê (gồm Tri Bản, Chu Lễ, Phúc Trạch). Đồn Phúc Trạch đặt ở phía đông làng Phúc Trạch cạnh sông Ngàn Sâu. Đồn được xây dựng khá kiên cố, có bốt gác, điểm canh, có nhà đặt máy phát điện… đồn trưởng là người Pháp. Trước đồn Phúc Trạch là Chợ Đồn. Trước năm 1945 Chợ Đồn họp 1 tháng 6 phiên, vào các ngày mồng 5, mồng 10, 15, 20, 25, 30 âm lịch. Dân buôn thuyền từ Vinh, Đức Thọ theo dòng Ngàn Sâu đưa về đây các hàng hóa thuỷ hải sản, vải vóc, nồi đất… và mua về lâm thổ sản như củ nâu, mây, song, dược liệu, cau…Buôn bán ở chợ đồn khá tấp nập, vì vậy đã trở nên một dãy phố sầm uất nhiều nghề như quán phở, cắt tóc, rèn, hàn, có sân bóng đá, có bãi chiếu phim. Đến 1945 đồn Phúc Trạch bị xóa sổ, khi hoà bình lập lại (1955) đồn Phúc Trạch được sử dụng làm cửa hàng bách hóa tổng hợp. Đến 1965 do Đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt trên tuyến đường 15A, nên cửa hàng bách hoá, chợ Phúc Trạch và cả khu dân cư sầm uất ở đây cũng phải sơ tán vào làng, ngày nay đồn Phúc Trạch chỉ còn trong trí nhớ của con người.
Để phục vụ cho việc khai thác thuộc địa, thực dân Pháp đã mở tuyến đường sắt Bắc - Nam, đoạn qua địa phận Hương Khê được khởi công năm 1922. Tại Phúc trạch được chọn một điểm dừng goòng là ga Phúc Trạch, ga Phúc Trạch là ga lớn, vì muốn đi vào Quảng Bình phải qua đèo Khe Nét vừa cao lại vừa dài, phải dừng ở Phúc Trạch để lấy nước (goòng lúc này còn chạy bằng động cơ hơi nước). Người Pháp đã làm một đường ống dẫn nước bằng gang phi 200, lấy nước từ trong khe đưa về một tháp nước cao 5m, khi goòng dừng lại thì cho nước chảy vào bể chứa trong đầu máy. Nguồn nước này khá dồi dào, vừa đủ cung cấp cho goòng vừa phục vụ dân sinh, nước nguồn rất trong sạch, chiều chiều dân làng đến đây gánh nước, tắm rửa vui lắm. Đến khoảng 1960 khi có động cơ Dieden goòng không cần lấy nước, hệ thống đường ống hư hỏng dần, nay không còn nữa.
Chuyện kể về những người tham gia kháng chiến, tham gia cách mạng của người Phúc Trạch thì nhiều lắm. Xin kể về một người mà câu chuyện vừa có trong sử sách vừa có phần truyền miệng. Đó là chuyện về một người trong thời kỳ cải cách ruộng đất, theo lệnh của đội cải cách ruộng đất triệu tập ông về. Một chiếc xe Comangca đã đưa ông về làng, khi chiếc xe vào đến đầu làng thì đã thấy dân quân đứng đợi ở đó, một người trên xe bước xuống hô to "nếu ai đụng vào Thủ trưởng của tôi, tôi sẽ bắn", biết việc chẳng lành, chiếc xe quay ngoắt 360độ rồi đi thẳng. "Thủ trưởng" đó chính là ông Dương Đức Cơ người đã cùng ông Thể thực hiện sự chỉ đạo của Uỷ ban khởi nghĩa Hà Tĩnh, đi một chiếc xe thùng chạy thẳng vào sân huyện đường Chu Lễ vào lúc 3h chiều ngày 19/8/1945, cùng với tiếng reo hò của hàng ngàn người biểu tình chờ sẵn, buộc đồn Chu Lễ không dám chống đối gì, huyện trưởng Nguyễn Xuân Lâm khép nép mang sổ sách, con dấu... giao nộp cho Uỷ ban khởi nghĩa Hương Khê; sau đó 2 ngày, đúng 8giờ 21/8/1945 với dáng người cao to, đẹp trai ông cưỡi con ngựa bạch đeo kiếm dài dẫn đầu đoàn diễu hành trong cuộc mít tinh trọng thể tại sân vận động Chu Lễ ra mắt Ủy ban Cách mạng lâm thời Hương khê. Ông Dương Đức Cơ đã từng là Huyện đội trưởng đầu tiên, sau đó làm phó Bí thư Huyện uỷ kiêm Chủ tịch Uỷ ban hành chính huyện Hương Khê nhiệm kỳ 1949 - 1951.
    Trước Cách mạng tháng 8, Phúc Trạch cũng như hầu hết làng xã Hương Khê là đất nghèo, đói chữ.  Nhưng sau 1945, làng Phúc Trạch dần dần nổi tiếng là đất học. Một tấm gương tiêu biểu về hiếu học đó là Cụ Đinh Văn Hòa. Năm 1930 cụ Đinh Văn Hoà đã tự bỏ tiền, của làm trường Sơ học, với tên gọi École Dinh Van Hoa. Đây là trương Sơ học tư thục đầu tiên ở Hương Khê. Sau nạn đói gieo cái chết đến mọi nhà vào năm 1945, vậy mà năm 1946 cụ Hoà đã giữ trường, mở lớp có nhà học 2 gian, có nhà làm việc cho giáo viên, có bàn ghế đầy đủ cho học sinh. Dân làng kính nể về tấm lòng hảo tâm và hiếu học của cụ. Trường Sơ học Đinh Văn Hoà đã trở thành cái nôi đào tạo nhiều thế hệ học sinh trưởng thành, riêng con của cụ có 7 người thì 7 người đều tốt nghiệp đại học. Cụ là tấm gương tiêu biểu bồi dưỡng lòng hiếu học của Phúc Trạch. Cụ còn là một trong 9 người tham gia sáng lập trường Trung học Hương Khê đầu tiên ( Đinh Văn Hòa,Nguyễn Văn Sáng, Phạm Đình Ái,Trần Xuân Đào, Lưu Văn Xân, Lê Hưu Nhiệm, Lê đình Thanh, Lưu Văn Chu, Trần Xuân Ngô). Cụ đã  được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập.
Lại kể thêm một người tâm huyết với nền giáo dục nước nhà, đó là cụ Phan Ngọc Bá. Cụ Bá là cán bộ chỉ đạo phong trào Bình dân học vụ của xã Hương Lĩnh (thời kỳ 1957 - 1959), người mảnh mai, thường hay mang chiếc xắc cốt đi bộ tuần 1 lần khắp 13 xóm trong xã. Xin nhớ rằng xã Hương Lĩnh thời đó rộng lắm gồm Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô, Hương Lâm, Hương Liên bây giờ, việc đi bộ để chỉ đạo phong trào sâu sát, như cụ là việc làm không phải dễ. Tuy tuổi chưa cao nhưng cụ thường chống gậy tre làm bạn trên con đường Thiên lý nhiều khi hàng chục cây số không có một bóng người. Tôi nhớ có lần cụ vào nhà tôi, mới vào đến ngõ, cụ đã hái một đọan tàu chuối rồi vào bếp hơ hơ cho mềm, bảo mẹ tôi "chị cho mấy cái óc mít, tôi còn lên La Khê, é vào nhiều nơi nữa, chắc tối lắm mới về đến nhà " (cụ nói đớt “ é ” nghĩa là ghé). Với những thành tích xuất sắc trong phong trào Bình dân học vụ Cụ vinh dự được phong danh hiệu Chiến sỹ diệt dốt toàn quốc, được thưởng huy hiệu Bác Hồ.
Phúc Trạch cũng là cái nôi của phong trào văn nghệ quần chúng. Trước khi Đế quốc Mĩ đánh phá miền Bắc, làng Phúc Trạch có đội văn nghệ "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" mạnh lắm. Các vở diễn Tống Trân - Cúc Hoa, Lưu Bình - Dương Lễ, trò Kiều...Đội văn nghệ Phúc Trạch nhiều khi được mời đi diễn tận các làng Phúc Hội, Đô Khê, mà bổng lộc thì cũng chỉ có được chiêu đãi một bữa cháo gà sau đêm diễn.  Thế mà chương trình lưu diễn mừng xuân từ mồng 2 tết kéo dài mãi đến ngoài rằm tháng giêng. Phúc Trạch còn nổi tiếng là đất múa hát sắc bùa. Đây là một lối hát dân gian khá hấp dẫn. Một tổ sắc bùa thường có 6 đến 10 người với bộ nhạc cụ gồm 01 trống con, 04 trống dài gọi là trống tùm vinh,1- 2 nhị, 1- 2 sinh tiền. Đội Sắc bùa thường đi hát, chúc tụng nhau vào dịp đầu xuân, nhà nào có sắc bùa vào chúc đêm giao thừa là coi như điềm lành của một năm mới sắp đến. Điều rất hấp dẫn của múa hát sắc bùa, là lời hát không có sẵn, người lĩnh xướng "tuỳ cơ ứng biến", nói dân giã là hát "bắt xắp". Vì vậy lời hát phải hợp với hoàn cảnh cụ thể mới hay. Mỗi khi có đọan hát xăp hay, thế là tổ hát nhận được tràng vỗ tay reo hò, có khi còn được thưởng tiền nữa. Một điều hấp dẫn nữa là khán giả cũng có thể trở thành diễn viên, nhiều khán giả say mê quá thế là cùng vào mang trống múa hát, họ thay nhau như vậy cho nên hát sắc bùa có khi diễn ra đến 11, 12 giờ đêm chưa nghỉ. Cái khó là người lĩnh xướng có khả năng "Xuất khẩu thành thơ", làm cho lời hát vừa đúng giai điệu, nhịp múa, vừa phù hợp với đối tượng mà mình đưa ra. Nổi tiếng ở vùng Phúc Trạch là cố Toan, đêm nào cố Toan cầm chịch là người xem đến chật nhà.
Người Phúc Trạch có giọng nói trầm, nhưng lại có chút rè, rất khác biệt với người làng khác. Chuyện : “Hai người đi giữa phố đông/ người ăn hạt gạo/ người trồng/ lạ nhau là chuyện phổ biến. Song với những người Phúc Trạch khi ở nơi xa xứ chỉ qua vài lời chào hỏi là họ đã nhận ra đồng hương vậy. Âu đó cũng là tình người Phúc Trạch để gắn kết với nhau nơi quê người đất khách .
Ăn cơm mới nói chuyện cũ, làm sao cho hết, đặc biệt lại nói về một làng quê nổi tiếng, Ai đã đặt cho làng cái tên “Phúc Trạch” ; các “lão nông tri điền” thì nghĩ rằng chữ "Trạch" là vườn, các nhà Nho thì lại cho rằng “Trạch” là “Ban” (Ân Trạch). Hiểu thế nào thì cũng có cái nghĩa thực tế của nó, xét tổng thể thì “Trạch” là “Ban” có đúng nghĩa hơn, vì Phúc Trạch được thiên phú nhiều Ân Trạch, đã và đang phát triển, ẩn chứa tiềm năng  hưng thịnh trong tương lai ./.
Nguồn Tạp chí VĂN HÓA HÀ TĨNH số 152 – tháng 3/2011
Tác giả bài viết: Bùi Ngọc Bíc

Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

NGHE TIẾNG ANH HIỆU QUẢ


Khi nào bạn ở nhà một mình, thì mở các bài đó ra vừa đủ nghe, và cứ lặp đi lặp lại mãi ra rả như âm thanh nền suốt ngày. Bạn không cần để ý đến nó. Bạn cứ làm việc của mình, đánh răng, rửa mặt, học bài làm bài, vào internet…

Một trong những trở ngại lớn nhất của chúng ta khi học một ngoại ngữ ấy là chúng ta quá… thông minh và có quá nhiều kinh nghiệm.

Quá thông minh:

Vì mình không thể nào chấp nhận nghe một câu mà mình không hiểu: cần phải hiểu một câu nói gì trước khi nghe tiếp câu thứ hai, nếu không thì mình không buồn nghe tiếp.

Quá kinh nghiệm:

Cuộc đời đã dạy ta không nghe những gì người khác nói mà chỉ hiểu những gì mà nội dung chuyển tải. Nếu không hiểu nội dung, chúng ta không thể lặp lại lời người kia. Cũng vì thế mà - trong giai đoạn đầu học ngoại ngữ - mỗi lần nghe một câu tiếng Anh thì trong đầu phải dịch ra được tiếng Việt thì mới yên tâm, bằng không thì … câu ấy không có nghĩa.

Thế nhưng, đấy là lối học sinh ngữ ngược chiều. Tôi biết được 6 ngôn ngữ, trong đó có ba ngôn ngữ thành thạo nghe nói đọc viết: Việt - Anh - Pháp, và tôi thấy rằng trong các ngôn ngữ tôi biết thì, một cách khách quan, nghe và nói tiếng Việt là khó nhất (vì ở phương tây, không có ngôn ngữ nào mà mình đổi cao độ của một từ thì ý nghĩa từ ấy lại thay đổi: ma - má - mà - mạ - mã - mả). Nhưng các bạn ở forum này, cũng như tôi, đều không có vấn đề gì cả với cái sinh ngữ khó vào bậc nhất ấy!

Tuy nhiên, những thầy cô dạy chúng ta nghe nói tiếng Việt chẳng phải là những vị chuyên viên ngôn ngữ như các thầy cô ngoại ngữ mà ta học tại các trường. Thầy dạy tiếng Việt chúng ta là tất cả những người quanh ta từ ngày ta ra đời: cha mẹ, anh chị, hàng xóm, bạn bè… nghĩa là đại đa số những người chưa có một giờ sư phạm nào cả, thậm chí không có một khái niệm nào về văn phạm tiếng Việt. Thế mà ta nghe tiếng Việt thoải mái và nói như sáo. Còn tiếng Anh thì không thể như thế được.  Ấy là vì đối với tiếng Việt, chúng ta học theo tiến trình tự nhiên, còn  ngoại ngữ thì ta học theo tiến trình phản tự nhiên.

Từ lúc sinh ra chúng ta đã NGHE mọi người nói tiếng Việt chung quanh (mà chẳng bao giờ ta phản đối: "tôi chẳng hiểu gì cả, đừng nói nữa"! Mới sinh thì biết gì mà hiểu và phản đối!). Sau một thời gian dài từ 9 tháng đến 1 năm, ta mới NÓI những tiếng nói đầu tiên (từng chữ một), mà không hiểu mình nói gì. Vài năm sau vào lớp mẫu giáo mới học ĐỌC, rồi vào lớp 1 (sáu năm sau khi bắt đầu nghe) mới tập VIẾT… Lúc bấy giờ, dù chưa biết viết thì mình đã nghe đưọc tất cả những gì người lớn nói rồi (kể cả điều mình chưa hiểu). Như vậy, tiến trình học tiếng Việt của chúng ta là Nghe - Nói - Đọc - Viết. Giai đoạn dài nhất là nghe và nói, rồi sau đó từ vựng tự thêm vào mà ta không bao giờ bỏ thời gian học từ ngữ. Và ngữ pháp (hay văn phạm) thì đến cấp 2 mới học qua loa, mà khi xong trung học thì ta đã quên hết 90% rồi.

Học nghe tiếng anh như thế nào là hiệu quả, Học hát tiếng anh, tiếng anh, luyện nghe tiếng anh, mẹo học tiếng anh, cách phát âm tiếng anh

Nhưng tiến trình ta học tiếng Anh (hay bất cứ ngoại ngữ nào) thì hoàn toàn ngược lại.

Thử nhìn lại xem: Trước tiên là viết một số chữ và chua thêm nghĩa tiếng Việt nếu cần. Và kể từ đó, học càng nhiều từ vựng càng tốt, kế đến là học văn phạm, rồi lấy từ vựng ráp vào cho đúng với văn phạm mà VIẾT thành câu! Rồi loay hoay sửa cho đúng luật! Sau đó thì tập ĐỌC các chữ ấy trúng được chừng nào hay chừng ấy, và nhiều khi lại đọc một âm tiếng Anh bằng một âm tiếng Việt! (ví dụ fire, fight, five, file… đều được đọc là ‘phai’ ).  Sau đó mới tới giai đoạn NÓI, mà ‘nói’ đây có nghĩa là Đọc Lớn Tiếng những câu mình viết trong đầu mình, mà không thắc mắc người đối thoại có hiểu 'message' của mình hay không vì mình chỉ lo là nói có sai văn phạm hay không. Lúc bấy giờ mới khám phá rằng những câu mình viết thì ai cũng hiểu, như khi mình nói thì chỉ có mình và … Thượng Đế hiểu thôi, còn người bản xứ (tiếng Anh) thì ‘huh - huh’ dài cổ như cổ cò! Thế là học nói bằng cách sửa đổi phát âm những từ nào chưa chuẩn cho đến khi người khác có thể hiểu được.

Sau thời gian dài thật dài, mình khám phá rằng mình từng biết tiếng Anh, và nói ra thì người khác hiểu tàm tạm, nhưng khi họ nói thì mình không nghe được gì cả (nghĩa là nghe không hiểu gì cả). Lúc bấy giờ mới tập NGHE, và rồi đành bỏ cuộc vì cố gắng mấy cũng không hiểu được những gì người ta nói.

Vấn đề là ở đó: chúng ta đã học tiếng Anh ngược với tiến trình tự nhiên, vì quá thông minh và có quá nhiều kinh nghiệm. Tiến trình ấy là Viết - Đọc - Nói - Nghe!

Vì thế, muốn nghe và nói tiếng Anh, chuyện đầu tiên là phải quên đi kinh nghiệm và trí thông minh, để trở lại trạng thái ‘sơ sinh và con nít’, và đừng sử dụng quá nhiều chất xám để phân tích, lý luận, dịch thuật!
Và đây là bí quyết để Nghe:

A. Nghe thụ động:

1. - ‘Tắm’ ngôn ngữ. Nghe không cần hiểu:
Hãy nghe! Đừng hiểu. 
Bạn chép vào CD một số bài tiếng Anh. Mỗi bài có thể dài từ 1 đến 5 phút.

Khi nào bạn ở nhà một mình, thì mở các bài đó ra vừa đủ nghe, và cứ lặp đi lặp lại mãi ra rả như âm thanh nền suốt ngày. Bạn không cần để ý đến nó. Bạn cứ làm việc của mình, đánh răng, rửa mặt, học bài làm bài, vào internet… với tiếng lải nhải của bài tiếng Anh. (thậm chí, trong lúc bạn ngủ cũng có thể để cho nó nói).

Trường hợp bạn có CD player, USB player hay iPod, thì đem theo để mở nghe khi mình có thời gian chết - ví dụ: di chuyển lâu giờ trên xe, đợi ai hay đợi đến phiên mình tại phòng mạch.

Công việc ‘tắm ngôn ngữ’ này rất quan trọng, vì cho ta nghe đúng với từng âm của một ngôn ngữ lạ. Tai của chúng ta bắt rất nhanh một âm quen, nhưng loại trừ những âm lạ. Ví dụ: Nếu bạn nghe câu: ‘mặt trời mọc cánh khi chim voi truy cập chén chó’, một câu hoàn toàn vô nghĩa, nhưng bảo bạn lặp lại thì bạn lặp lại được ngay, vì bạn đã quá quen với các âm ấy. Nhưng khi một người nói một câu bằng chừng ấy âm (nghĩa là 11 âm/vần), trong ngôn ngữ bạn chưa từng học, và bảo bạn lặp lại thì bạn không thể nào lặp lại được, và bảo rằng… không nghe được! (Bạn có điếc đâu! Vấn đề là tai bạn không nhận ra được các âm!) Lối 'tắm ngôn ngữ' đó chỉ là vấn đề làm quen đôi tai, và sau một thời gian (lâu đấy chứ không phải vài ngày) bạn sẽ bắt được các âm của tiếng Anh, và thấy rằng âm ấy rất dễ nghe, nhưng hoàn toàn khác với âm Việt. Đừng nản lòng vì lâu ngày mình vẫn không phân biệt âm: hãy nhớ rằng bạn đã tắm ngôn ngữ tiếng Việt ít ra là 9 tháng liên tục ngày đêm trước khi mở miệng nói được tiếng nói đầu tiên và hiểu được một hai tiếng ngắn của cha mẹ; và sau đó lại tiếp tục 'tắm ngôn ngữ' Việt cho đến 4, 5 năm nữa!
2 - Nghe với hình ảnh động.
Nếu có giờ thì xem một số tin tức bằng tiếng Anh (một điều khuyên tránh: đừng xem chương trình tiếng Anh của các đài Việt Nam, ít ra là giai đoạn đầu, vì xướng ngôn viên Việt Nam, phần lớn, nói rất gần với âm Việt Nam (kể cả pronunciation), nên mình dễ quen nghe, và từ đó lỗ tai mình lại hỏng, về sau lại khó nghe người bản xứ nói tiếng Anh - thế là phải học lại lần thứ hai!). Các hình ảnh đính kèm làm cho ta ‘hiểu’ được ít nhiều nội dung bản tin, mà không cần phải ‘dịch’ từng câu của những gì xướng ngôn viên nói. Bạn sẽ yên tâm hơn, sau khi nghe 15 phút tin tức, tự tóm lược lại, thì thấy rằng mình đã nắm bắt được phần chính yếu của nội dung bản tin. Và đây là cách thứ hai để tắm ngôn ngữ.

B. Nghe chủ động.

1. Bản tin special english:

- Thu một bản tin, và nghe lại rồi chép ra nhiều chừng nào hay chừng nấy… nhớ là đừng tra cứu tự điển hay tìm hiểu nghĩa vội. Đoán nghĩa trong nội dung câu, và nhớ lại âm thanh của từ, hay cụm từ đó, sau này tự nó sẽ rõ nghĩa, nếu trở đi trở lại hoài.

(Ngày xưa, trên đài VOA, sau mỗi chương trình tôi thường nghe một cụm từ tương tự như: statue, statute hay statu gì đó, mà không biết viết thế nào, tuy vẫn hiểu đại loại là: hãy đợi đấy để nghe tiếp. Mãi sau này tôi mới biết rằng thuật ngữ rất quen thuộc ấy là 'stay tuned', nhưng một thời gian dài, chính tả của chữ ấy đối với tôi không thành vấn đề!)

2. Chăm chú nghe lại một số bài mình từng nghe trong giai đoạn ‘tắm ngôn ngữ’

- Lấy lại script của những bài mình từng nghe, đọc lại và nhớ lại trong tưởng tượng lời đọc mà mình từng nghe nhiều lần.

Sau đó xếp bản script và nghe lại để hiểu. Lần này: tự nhiên mình sẽ nghe rõ từng tiếng và hiểu. Trường hợp không hiểu một từ hay cụm từ, thì gắng lặp lại nhiều lần đúng như mình đã nghe, sau đó lật lại script để so sánh.

3. Một số bài Audio:

Nghe nhiều lần, trước khi đọc script. Sau đó, đọc lại script, chủ yếu kiểm tra những từ mình đã nghe hoặc đoán, hoặc những từ mà mình có thể phát âm lại nhưng không hiểu viết và nghĩa thế nào. Qua việc này, nhiều khi ta phát hiện rằng một từ mình rất quen thuộc mà từ xưa đến nay mình cứ in trí là phải nói một cách nào đó, thì thực ra cần phải nói khác hẳn và phát âm như thế thì mới mong nghe đúng và nói cho người khác hiểu. Sau đó, xếp bản script và nghe lại một hai lần nữa. (Ví dụ: hai chữ tomb, bury, khi xưa tôi cứ đinh ninh là sẽ phát âm là 'tôm-b(ơ), bơri' - sau này nghe chữ 'tum, beri' tôi chẳng hiểu gì cả - dù cho tôi nghe rõ ràng là tum, beri -cho đến khi xem script thì mới vỡ lẽ!)

4. Học hát tiếng Anh, và hát theo trong khi nghe.

Chọn một số bài hát mà mình thích, tìm lyrics của nó rồi vừa nghe vừa nhìn lyrics. Sau đó học thuộc lòng và hát song song với ca sĩ, và gắng phát âm cũng như giữ tốc độ và trường độ cho đúng. Khi nào buồn buồn cũng có thể tự hát cho mình nghe (nếu không có giọng tốt và hát sai giọng một tí cũng không sao, vì chủ yếu là tập phát âm, tốc độ, trường độ và âm điệu tiếng Anh).

Và nói cho đúng giọng (qua hát) cũng là một cách giúp mình sau này nhạy tai hơn khi nghe, vì thường thường ngôn ngữ trong các bài hát khó nghe hơn những câu nói bình thường rất nhiều.

Có bạn bảo rằng hiện nay mình chưa hiểu, nên cố gắng nghe nhiều cũng vô ích, để mình học thêm, khi nào có nhiều từ vựng để hiểu rồi thì lúc đó sẽ tập nghe sau.

Nghĩ như thế là HOÀN TOÀN SAI. Chính vì bạn chưa hiểu nên mới cần nghe nhiều hơn những người đã hiểu. Muốn biết bơi thì phải nhảy xuống nước, không thể lấy lý do rằng vì mình không thể nổi nên ở trên bờ học cho hết lý thuyết rồi thì mới nhảy xuống, và sẽ biết bơi! Chưa biết bơi mà xuống nước thì sẽ uống nước và ngộp thở đấy, nhưng phải thông qua uống nước và ngộp thở như thế thì mới hy vọng biết bơi.

Muốn biết bơi, thì phải nhảy xuống nước, và nhảy khi chưa biết bơi. Chính vì chưa biết bơi nên mới cần nhảy xuống nước.

Muốn biết nghe và hiểu tiếng Anh thì phải nghe tiếng Anh, nghe khi chưa hiểu gì cả! Và chính vì chưa hiểu gì nên cần phải nghe nhiều




Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

CHA MẸ NHẬT DẠY CON ĐỌC VÀ CHƠI NHƯ THẾ NÀO?



Người viết: Nguyễn Thị Thu

Lời nói đầu

  Bài note hôm nay là bài kể về những điều thực tế mình quan sát được khi tới chơi nhà một người Nhật mình quen, mình được chứng kiến cách cha mẹ Nhật dạy con học và chơi như nào. Khi so sánh với những gì mình đọc trong những quyển sách về nuôi con sớm mà mình đã giới thiệu ở bài note “Phương pháp nuôi dạy con sớm (0-6 tuổi)” mình thấy có rất nhiều điều để chia sẻ. Nội dung những điều mình viết ở dưới đây không mới với nhiều người và cũng không phải dịch từ sách. Mình viết chỉ với mục đích là chia sẻ những cảm nhận của mình đến những người có quan tâm về phương pháp nuôi dạy con, thông qua những điều mình thấy và so sánh với những gì mình đọc trong những cuốn sách về nuôi dạy trẻ sớm.
  Có nhiều người đã thắc mắc rằng liệu ba mẹ Nhật có dạy con theo như những gì mình tóm tắt trong bài note “Phương pháp nuôi dạy con sớm (0-6 tuổi)” hay không. Có nhiều điều rất khó khi áp dụng ở Việt Nam và cần phải có sự kiên trì lắm mới có thể làm theo hết những điều trong sách đã viết.

  Mình xin trả lời rằng không phải tất cả ba mẹ Nhật đều biết đến các phương pháp được viết trong các cuốn sách mình đã tóm tắt, dù mình không biết con số chính xác là bao nhiêu. Và hôm nay mình xin kể về một trường hợp không biết gì về phương pháp dạy con sớm như các tác giả Shichida Makoto hay Ibukai Masaru…đã khuyên, nhưng những điều cơ bản của phương pháp nuôi dạy sớm mà các tác giả trên khuyên thì vẫn được họ dạy cho con cái mình.

  Hai nhân vật chính trong bài này là cô bé Himari, nick name là Hi chan (4 tuổi rưỡi) và cậu bé Tatsuki, nick name là Tak kun (3 tuổi). Mình biết ông bà và cha mẹ của em từ khi em chưa sinh ra, rồi chứng kiến ngày em sinh ra và sự trưởng thành của các em thông qua những lần thi thoảng đến chơi nhà. Gia đình của hai em cũng như bao gia đình bình thường khác ở Nhật. Ba đi làm, còn mẹ sau khi sinh thì ở nhà chăm con và đợi khi con vào lớp 1 thì mới có ý định đi làm lại. Nếu so sánh với Việt Nam thì quả là hơi khập khiễng vì hầu hết các bà mẹ ở Việt Nam vẫn phải đi làm sau khi sinh con được nửa năm. Vậy nên trong bài này mình muốn viết về những điều có tính thực tế với điều kiện ở Việt Nam để các ba mẹ ở Việt Nam có thể tham khảo. Mình nghĩ không phải vì ít thời gian chăm con và chơi với con hơn mà ta không thể áp dụng phương pháp nuôi dạy con sớm.

1.      Giai đoạn 0-3 tuổi là giai đoạn uốn nắn
  Mẹ của Hi chan và Takkun đặc biệt chú trọng vào việc uốn nắn các em từ sớm và mình đã được chứng kiến từ khi Hi chan hơn 1 tuổi. Hình thành thói quen như đi ngủ từ 8g hoặc 8g rưỡi và dậy lúc 6g, thời gian ăn uống đúng giờ và không bao giờ ép ăn dù có bữa em ăn rất ít. Khi hơn 1 tuổi thì để em tự xúc hoặc bốc ăn trên bàn của người lớn và ăn cùng gia đình, em chỉ được ăn trong phần đĩa của mình do mẹ lấy cho và ăn xong thì tự giác đi chơi. Khi 1 tuổi rưỡi –gần 2 tuổi mẹ sẽ chỉ dạy lúc ban đầu mặc áo, cài cúc như nào đi giày như nào rồi tự em sẽ làm hết mọi việc sau đó. Chính vì thế khi mẹ sinh Tak kun thì bé Hi chan cũng đã tự lo được vệ sinh cá nhân cho mình nên giúp mẹ tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức. Trong bữa ăn không bao giờ cả nhà mở ti vi hay DVD vì sẽ làm trẻ phân tán sự tập trung dẫn đến giảm ham muốn ăn uống.

2.      Cho con đọc ehon và các sách tham khảo từ bé
  Ehon là truyện dành cho thiếu nhi có tranh minh họa với rất nhiều chủ đề như truyện cổ tích, lịch sử, phiêu lưu mạo hiểm, hay là những câu chuyện thường ngày xoay quanh đề tài gia đình, trường học, anh chị em, bạn bè…). Ehon ở Nhật vô cùng phong phú về đề tài và nội dung bao gồm cả truyện của Nhật lẫn các tác phầm dịch từ nước ngoài, và số lượng các tác giả sáng tác truyện ehon cũng rất nhiều. Ehon khác với truyện tranh (manga) vì ehon giúp trẻ phát triển về ngôn ngữ thông qua việc dùng từ ngữ chuẩn và lượng từ phong phú thay vì những kiểu văn ngắn cụt lủn như của truyện tranh (tiếng Nhật gọi là manga). Ehon gắn liền với trẻ thơ Nhật từ thuở lọt lòng đến khi đi học, rồi cả khi đã trưởng thành rồi vẫn có rất nhiều người thích ehon. Cha mẹ Nhật mua rất nhiều ehon đọc cho con cái và luyện cho con tập đọc và rồi giữ chúng lại, đến khi những đứa cháu ra đời thì những đứa trẻ ấy lại được đọc lại những cuốn ehon mà ngày xưa cha mẹ chúng đã từng đọc. 

 Mình hỏi cả 10 người Nhật bạn bè mình thì cả 10 người đều nói hồi bé được cho đọc rất nhiều ehon và các sách tham khảo khác và vẫn giữ lại chúng khi đã lớn lên. Đọc ehon cho trẻ từ thuở lọt lòng đã là văn hóa của Nhật. Chính vì trẻ con được tiếp xúc với sách và truyện từ sớm mà trẻ có khuynh hướng thích đọc sách. Và đó cũng là một lí do khiến trẻ con Nhật rất thích đọc sách và văn hóa đọc sách rất phát triển. Tất cả các nhà giáo dục của Nhật đều khuyên các bậc cha mẹ hãy hãy đọc cho con mình thật nhiều ehon ngay từ thuở lọt lòng, và dạy con đọc thông qua những cuốn ehon để giúp con phát triển về từ vựng, ngôn ngữ. Hơn nữa thông qua giọng đọc của cha mẹ hay ông bà trẻ sẽ cảm nhận được tình yêu và tiếp thu chủ động chứ không phải mang tính bị động như nghe băng DVD hay nghe tivi. Có nhiều gia đình không đủ tiền mua sách hay ehon cho con thì có thể mượn ở các thư viện của quận hay của thành phố.

  Trở lại hai nhân vật chính là Hi chan và Tak kun, hai em đến nhà ông bà chơi thì việc đầu tiên là em chào rất to mọi người trong nhà, sau đó hai em chay đến khu đồ chơi và ôm một đống truyện cả tiếng Anh lẫn tiếng Nhật ra để cùng chơi. Hi chan chọn quyển mình thích rồi nhờ bà đọc cho nghe. Còn Tak kun thì lôi một hộp bút màu và một xấp giấy A4 ra ngồi vẽ rất say mê và thích thú. Sự tập trung của trẻ con ở giai đoạn này không quá 15 phút, do đó chỉ 15 phút sau là Hi chan bảo bà không đọc nữa và chạy qua chỗ Tak kun đang vẽ tranh để cùng vẽ với em. Những thứ em vẽ có thể rất buồn cười và không có chủ đề nhưng cha mẹ và ông bà hầu như không can thiệp hay chỉ đạo vào việc em đang vẽ. Mỗi khi em vẽ xong cái gì lại giơ lên cho mọi người coi và mọi người lại mỉm cười khen “Tak kun giỏi quá !”. Trẻ con có nhu cầu học tập rất cao hơn những gì người lớn tưởng tượng. Một ngày trẻ có nhu cầu đọc rất nhiều lần cụ thể là chỉ vài tiếng chơi ở nhà ông bà mà các em lôi truyện ra nhờ bà đọc, ông đọc, mẹ đọc, mình đọc…và mỗi lần chỉ 10-15 phút là các em lại chạy đi chơi trò khác cùng nhau.

3.      Dạy con học chữ từ nhỏ và dạy ở mọi lúc mọi nơi

  Mới hơn 4 tuổi nhưng Hi chan đã biết đọc, dù chưa phải là đọc được tất cả và chưa thể đọc được nhiều chữ Hán tự nhưng có thể viết tên mình và viết thư cho bạn cùng lớp. Dù em đã biết đọc nhưng vẫn rất thích người lớn đọc truyện cho nghe. Mình đọc truyện cho em và thi thoảng chỉ vào từng chữ đó em đọc em đều đọc được hết. Mình hỏi mẹ em là có dạy chữ cho em không hay là ở trường mẫu giáo dạy chữ sớm cho em? 

  Cả hai đáp án đều không đúng. Ban đầu mẹ không hề dạy chữ mà do ở cùng lớp mẫu giáo với Hi chan có bạn biết chữ và Hi chan đã hỏi bạn ấy đọc như nào. Thế rồi bạn ấy chỉ cho Hi chan và dần dần Hi chan cũng biết đọc chữ và trở nên rất thích đọc ehon và các loại sách khác. Sau khi thấy Hi chan bắt đầu biết đọc thì mẹ mới bắt đầu thi thoảng dạy thêm cho em mỗi ngày thông qua việc đọc truyện cho em dù ban đầu mẹ em không hề có ý định dạy chữ mà chỉ đọc ehon đơn thuần. Như vậy bạn của Hichan cũng là một trong các bé được cha mẹ áp dụng phương pháp dạy chữ sớm và rồi em đó lại đến lớp mẫu giáo và dạy lại cho các bạn của mình. Quả là một điều thú vị phải không mọi người. Thêm một minh chứng nữa chứng tỏ trẻ ở giai đoạn 3 tuổi này có khả năng tiếp thu kiến thức rất nhanh.

  Takkun chưa biết đọc như chị nên chưa thích đọc ehon nhiều như chị, ngược lại cậu rất hiếu động và thích vẽ, với thích xếp hình và rất hay hỏi. Khi cả nhà ngồi nghỉ giải lao sau khi các em đã thấm mệt vì chơi đùa thì Tak kun nhìn vào hộp sữa trên bàn và chỉ vào chữ Hán tự ghi trên hộp “おいしい牛乳” và cậu hỏi mọi người đây là cái gì. Mẹ cậu chỉ vào từng chữ và đọc ”おい…しい…牛…乳 だよう” (tạm dịch là “Sữa bò thơm ngon”). Tak kun gật gù và chỉ vào chữ 牛乳 (Sữa bò) nhẩm đọc lại. Rồi cu cậu lại chỉ sang chữ “MEIJI” và hỏi mẹ là chữ gì và mẹ lại đọc và giải thích thêm là “MEI JI - đây là tên hãng làm sữa mà Tak kun đang uống đó”.

  Đó là cách mẹ có thể dạy cho Hi chan và Tak kun chữ ở mọi lúc mọi nơi. Giai đoạn này trẻ không cần lí giải xong rồi mới nhớ mà chỉ cần nhớ một cách vô thức như là học thuộc lòng, nhưng chưa thể nhớ ngay được, do đó rất cần cha mẹ phải lặp đi lặp lại và rất kiên nhẫn. Vì vậy có thể hôm sau em sẽ lại hỏi lại câu tương tự hôm trước em hỏi thì điều đó cũng rất bình thường, và ba mẹ lại dạy lại em, thì chỉ cần 1-2 lần sau em sẽ nhớ và những từ đó sẽ được lưu lại trong ý thức tiềm tại của em. Tuy nhiên việc dạy chữ mỗi ngày chỉ làm ít một và trong 5 phút và khi nào trẻ có hứng thú thì mới hiệu quả. Trẻ con ở giai đoạn 2-4 tuổi này có tốc độ hấp thu kiến thức rất nhanh và nhiều mà đôi khi người lớn không biết đã vô tình lãng phí giai đoạn này. Có lẽ có nhiều người cho rằng như thế là bắt ép trẻ học sớm không cho trẻ chơi, mà không biết rằng học hỏi và khám phá thế giới cũng là nhu cầu của trẻ và đối với trẻ việc đọc sách hay vẽ tranh cũng thích thú như việc chơi game hay các trò chơi khác. Do đó, nếu trẻ hứng thú với học chữ hay bất cứ thứ gì thì ta nên khuyến khích. Và không nên lấy suy nghĩ của người lớn để áp đặt lên suy nghĩ và sở thích của trẻ. Mình rất thích câu "Đừng đi qua thời gian mà không lưu lại dấu vết" và vậy thì cũng đừng để trẻ lớn lên mỗi ngày mà không học được điều gì bổ ích.

4.      Để hai anh em (chị em) chơi cùng nhau

  Hai chị em hơn nhau chỉ hơn 1 tuổi nhưng lại chơi với nhau rất hòa hợp mà không có tranh giành nhau đồ chơi hay cãi nhau. Mẹ của hai em có tâm sự là thi thoảng các em cũng cãi nhau đấy, nhưng mẹ rất công bằng không bao giờ bênh ai, không bắt ai phải nhường ai. Mẹ cũng thường mua những đồ chơi để hai chị em có thể chơi cùng nhau, như thế thì mẹ sẽ đỡ chút thời gian để chơi cùng. Chơi trò gì có cạnh tranh là hai chị em sẽ dùng oẳn tù tì để quyết định ai được chơi trước. Cùng là một đống đồ chơi xếp hình nhưng cả hai đều được dạy rằng đây là đồ chơi chung và cả hai có quyền ngang nhau để chơi và cả hai cần tôn trọng nhau, nên không hề có sự tranh giành đồ chơi. Nếu mẹ mua cho Hi chan bộ đồ chơi bán hàng, thì sẽ mua cho Tak kun con rôbốt. Và hai chị em rất hay chơi trò đóng kịch như chị sẽ giả làm người bán hàng còn em sẽ là người mua hàng và ra giá…Trò chơi đóng kịch này được các tác giả như Shichida Makoto hay Ibukai Masaru… rất khuyến khích vì giúp trẻ luyện khả năng sáng tạo, và độc lập từ khi còn nhỏ.
  
  Ngoài ra mình để ý ở Nhật cha mẹ thường sinh con rất gần nhau, nghĩa là chỉ cách nhau 1-2 tuổi. Có rất nhiều nguyên nhân mà có vài nguyên nhân mình được nghe như là để tranh thủ thời gian chăm sóc và tái sử dụng các quần áo, vật dụng cho trẻ, rút ngắn thời gian ở nhà để mẹ còn đi làm trở lại… Ngoài ra còn có tác dụng khác nữa là để các em có bạn chơi. Nhìn Hi chan và Tak kun thì mình thấy rõ ràng việc này có tác dụng rất lớn vì hai em đã có bạn chơi cùng nhà. Và vì được cha mẹ uốn nắn nghiêm khắc và vào nền nếp từ nhỏ nên các em chơi với nhau rất hòa thuận và đi chơi trò gì hầu như cũng có nhau. Nhìn các em cùng chơi thi chạy để nhặt bóng, ra vườn tìm sâu, tìm hoa, chơi bán hàng, chơi xếp hình, vẽ tranh, đọc sách…có lẽ đó chính là điều làm cho nụ cười hạnh phúc luôn nở trên khuôn mặt ba mẹ và ông bà của các em.

5.      Không bao giờ đặt áp lực cho con cái

  Mình nhận thấy cha mẹ Nhật hầu như không bao giờ đem so sánh con cái mình với bạn bè hay kể cả cùng anh em trong nhà vì họ tôn trọng quyền cá nhân và tự do phát triển theo ý thích của con cái mình. Ở câu chuyện này thì cha mẹ và ông bà của Hi chan và Tak kun không bao giờ so sánh hai em với các anh chị em họ khác có cùng lứa tuổi hay bạn bè khác. Họ cũng không đặt áp lực quá lớn để các em phải trở thành những người thông minh, học giỏi. Nghĩa là họ chấp nhận các em như là những người mà các em muốn trở thành sau này. Ông bà cũng không bao giờ can thiệp vào việc nuôi dạy con của cha mẹ.

6.      3 tuổi là thời kì phản kháng

  Tak kun vừa mới lên 3 tuổi. Ai có con nhỏ cũng đều biết giai đoạn 3 tuổi là thời kì phản kháng ở trẻ. Nó hình thành rất tự nhiên nên cũng không có gì phải lo lắng.Tak kun rất thích nói ngược và thi thoảng cũng đã biết lí sự với người lớn. Ví dụ như khi được hỏi có ngon không thì em bảo không ngon, có đẹp không thì trả lời không đẹp, một vài từ tục mà em nghe được người xung quanh nói và bắt chước theo. Khi đó mẹ không bao giờ la mắng hay quát là hư, là xấu, kể cả em đã trót nói trước mặt người khác, mà chỉ nghiêm mặt nói rằng từ đó là xấu và Tak kun không nên dùng nó, để em hiểu được là việc dùng từ đó là không được .

7.      Trẻ con cảm nhận tình yêu thương từ người khác rất giỏi; vai trò của người cha
  Mình được nghe có ai đó nói rằng trẻ con rất giỏi trong việc nhận biết ai là người yêu thương chúng thật sự. Có lẽ bởi vì tâm hồn trẻ rất trong sáng nên chúng sẽ cảm nhận tình yêu từ người khác giỏi hơn người lớn, và thể hiện tình yêu của mình với người chúng yêu mến cũng thẳng thắn hơn người lớn chúng ta.
  
  Đây mới chỉ là lần đầu chồng mình gặp các em nhưng các em đã chơi quấn quít không muốn về, lại còn luôn miệng gọi là お父さん (papa) thay vì gọi tên thật, và khi về còn cứ gọi to “お父さん、また明日ね” (Papa ơi ngày mai lại chơi tiếp nhé). Mẹ của hai em cũng nói rằng bình thường thì với người lạ là các em không có dễ gần ngay như vậy đâu.

  Mình ngẫm ra rằng bởi vì khi mới gặp các em, chồng mình đã rất hiểu tâm lí trẻ con, hỏi han trò chuyện về trò chơi mà các em đã chơi. Chồng mình đã cùng chơi với các em những trò chơi như đuổi bắt, đấu vật sumo, đá bóng, ném bóng vào thùng… Điều đó đã làm các em cảm nhận được tình yêu mà chồng mình dành cho các em. Trẻ con ở giai đoạn 2 tuổi trở đi có nhu cầu vận động rất lớn, và một ngày lượng vận động như chạy nhảy thì rõ ràng đủ khiến người mẹ nào chạy theo cũng mệt phờ. Vì thế rất cần người cha chơi với con nhiều trong lúc này. Người mẹ chỉ ở giai đoạn 1 tuổi đầu tiên, còn qua giai đoạn đó rồi thì người cha sẽ có vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ vận động và chơi những trò chơi kích thích sự ham học hỏi khác.

  Và còn một điều nữa là vì ngày thường ba các em đi làm về muộn, khi ba đi làm về thì các em đã đi ngủ rồi nên chỉ gặp mặt buổi sáng, và chỉ có chơi được cùng các em ngày thứ 7, chủ nhật, còn ban ngày các em chỉ có thể chơi cùng mẹ. Nhưng mẹ thì không thể nào ngày nào cũng chơi cùng các em những trò đòi hỏi sự vận động nhiều như thế. Và vì thế các em đã gọi chồng mình là papa. Có lẽ đây cũng là một điều không nên học tập ở xã hội Nhật vì nó làm tình cảm cha với con không được khăng khít như ở Việt Nam. Vì rất nhiều người cha đi làm về quá khuya, không đủ thời gian dành cho vợ con, và việc chăm sóc con hầu như người mẹ sẽ đảm nhiệm.

8.      Phụ nữ Nhật thích đi làm đã sắp xếp thời gian như thế nào

  Không phải tất cả các bà mẹ Nhật đều ở nhà chăm con sau khi sinh như trường hợp mẹ của Hi chan và Tak kun. Những phụ nữ ở các tỉnh lẻ hoặc vùng quê có xu hướng ở nhà chăm con lâu hơn, trong khi ở những thành phố lớn như Tokyo, Osaka...phụ nữ sau khi sinh con vẫn đi làm trở lại sau khi nghỉ sinh con được 1 năm. Hoặc có những mẹ thì xin công ty nghỉ 2 năm rồi sau đó khi con được 2 tuổi mới đi làm trở lại, như trường hợp em gái của mẹ Hi chan và Tak kun, người đang sống ở Tokyo và không thích chỉ quanh quẩn với công việc nội trợ. 

  Trước kia khi nhân viên nữ xin nghỉ để sinh con thì các công ty Nhật thường bắt nhân việc nghỉ việc luôn. Nhưng gần đây xu thế những phụ nữ muốn đi làm trở lại sau khi sinh đang ngày càng lớn, do đó bắt buộc các công ty, xã hội và chính sách của chính phủ cũng phải thay đổi để đáp ứng và ứng phó với xu thế như vậy. Các bà mẹ có con nhỏ có thể gửi con vào nhà trẻ và đi làm từ 10g sáng đến 4g chiều, sau đó về đón con và chăm sóc gia đình (lương sẽ nhận ít hơn so với những nhân viên làm đủ giờ hành chính). 

 Tuy nhiên có lẽ vì số nhà trẻ (nhà trẻ là dành cho trẻ từ 1 tuổi đến hết 2 tuổi, còn mẫu giáo là từ 3 tuổi đến hết 5 tuổi) chưa đủ để đáp ứng với nhu cầu gửi con của các mẹ, nên vẫn có rất nhiều mẹ bị trượt từ vòng xin hồ sơ cho con vào nhà trẻ (mình ví von thế để mọi người dễ hình dung). Vẫn nhiều mẹ muốn đi làm nhưng lại không thể gửi con ở nhà trẻ, và đành ở nhà chăm con đến khi con đủ tuổi đi mẫu giáo hoặc là khi đi học lớp 1. Người Nhật ít sống trong gia đình 3 thế hệ và không mượn osin toàn thời gian như Việt Nam (chỉ những nhà rất giàu thì thuê osin theo giờ để dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng...), nên các mẹ Nhật không thể nhờ người khác trong gia đình chăm con để đi làm. Và mình nói chuyện với nhiều mẹ Nhật thì họ cảm thấy không an tâm khi giao việc nuôi dạy con mình cho người khác khi con còn nhỏ. 

  Nếu ở Việt Nam các công ty cũng có chế độ đãi ngộ cho các bà mẹ thì quả là tuyệt vời.

  Tất cả các tác giả viết sách về nuôi dạy con sớm đều có chung một quan điểm rằng con càng nhỏ thì việc uốn nắn càng quan trọng, đặc biệt là giai đoạn 0-3 tuổi. Do đó, nếu có thể thì cha mẹ hãy dành cho con nhiều thời gian nhất ở giai đoạn này. Còn với suy nghĩ của cá nhân mình thì tùy vào điều kiện kinh tế gia đình, hoàn cảnh gia đình để quyết định mình nên nghỉ ở nhà chăm con bao lâu. Nếu có điều kiện thì mẹ có thể ở nhà chăm con đến khi con được 2-3 tuổi rồi mới đi làm trở lại, hoặc có thể xin về sớm với con... Nếu không có điều kiện ở nhà chăm con thì hãy hiệp lực cùng người thân trong gia đình để nhờ mọi người giúp mình dạy con lúc đi làm. Mình nghĩ rằng khi con đã lớn chúng ta không thể  quay ngược thời gian để bù đắp cho con những tháng ngày ấy, nên từ bây giờ hãy luôn làm những gì có thể cho con cái mình. 


Lời kết

  Có người Nhật đã nhận xét với mình rằng hiếm có nước nào mà bậc cha mẹ lại nhiệt huyết với việc giáo dục con cái như ở Việt Nam. Điều nhận xét ấy theo mình tất nhiên bao hàm cả nghĩa tích cực và tiêu cực. Mình thì thích nhìn theo điểm tích cực để đặt vấn đề trong bài viết này hơn. Mình cảm nhận được tình yêu lớn lao mà các bậc cha mẹ dành cho con cái mình thông qua những chia sẻ của mọi người mà mình nhận được. Mình chỉ có mong ước là thế hệ chúng ta đang, đã và sẽ làm cha làm mẹ có thể tìm ra những phương pháp tốt nhất để nuôi dưỡng và dạy dỗ cho con cái mình, những người sẽ là chủ nhân sau này của Việt Nam. Mình tin rằng nếu suy nghĩ và thói quen của cha mẹ thay đổi thì số mệnh của con cái mình cũng sẽ thay đổi. Học hỏi có chọn lọc những tinh hoa của các nền văn hóa khác cũng là một cách giúp văn hóa Việt Nam phát triển bền vững. Và mỗi bài viết của mình là để chắp cánh cho mong ước đó.

Cảm ơn những chia sẻ của mọi người đã giúp mình có thêm tự tin để viết note. Mình sẽ cố gắng viết tóm tắt những quyển sách mình đang đọc để chia sẻ với mọi người.

Mọi người có thể share cho bạn bè nếu muốn. 


Tokyo, ngày 6 tháng 5 năm 2013