Thứ Sáu, 6 tháng 10, 2017

TRUNG QUỐC VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRƯỚC THỀM ĐẠI HỘI ĐẢNG XIX


I. TRUNG QUỐC - BA VẤN ĐỀ CẦN HIỂU ĐÚNG
1. TQ Họ là ai?
2. TQ muốn gì đối với thế giới?
3. TQ sẽ trở thành siêu cường thế giới hay không?
4. Những điểm yếu của TQ?
II. TRUNG QUỐC - NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRƯỚC THỀM ĐẠI HỘI ĐẢNG XIX
1. Tập Cận Bình -10 nguy cơ lớn phải đối mặt?
2. Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tiến hành sửa đổi Điều lệ Đảng
3. Đại hội XIX xoay quanh vấn đề cải cách

Thế giới đã từng biết đến những chủ thuyết của Trung Quốc như: “Đại nhảy vọt”, “Bốn hiện đại”, “Ba đại diện”, “Xã hội hài hòa”, “Trỗi dậy bản lĩnh”, “Thế giới hài hòa”… Tuy nhiên, hiện nay cụm từ “Giấc mộng Trung Hoa” được ông Tập Cận Bình dùng khi trở thành Tổng Bí thư (tháng 11/2012) và trong Diễn văn đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước (tháng 3/2013). Việc thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” và sự phục hưng dân tộc vĩ đại liệu có trở thành hiện thực hay không đang đặt ra những câu hỏi đối với các nhà nghiên cứu, theo dõi về Trung Quốc. Đi tìm hiểu vấn đề này, 
I. TRUNG QUỐC – NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN HIỂU ĐÚNG
Để có sách lược phù hợp, chúng ta cần tìm hiểu trên 4 phương diện sau:
          I. Trung Quốc Họ là ai? (Trả lời câu hỏi này, tức là làm rõ bản chất của thể chế chính trị Trung Quốc)
Mới nghe qua, nhiều người cho rằng đây là một câu hỏi “khác thường”. Không, đây là một vấn đề nghiêm túc 100%. Trả lời câu hỏi này, tức là làm rõ bản chất của thể chế chính trị Trung Quốc.
Từ ngày 01/10/1949 đến nay, Trung Quốc đã tiến hành ba cuộc chiến tranh xâm lược, ba cuộc xung đột quân sự và hàng chục hành động gây hấn, xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của các nước láng giềng. Một số sự kiện nổi bật như: đánh chiếm một số đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (năm 1959); gây chiến tranh xâm lược Ấn Độ (năm l962); cho quân đội xâm nhập lãnh thổ Liên Xô (năm 1969), đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (năm 1974), chỉ đạo Pôn Pốt và Iêng Sa-ry tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam (1976 - 1978) gây ra thảm họa diệt chủng làm gần 3 triệu người Cam-pu-chia chết thê thảm. Năm 1988, Trung Quốc đánh Vành Khăn của Phi-líp-pin. Ngày 21/6/2012, Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa (thuộc tỉnh Hải Nam) bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. chiếm 6 đảo (chìm) của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, sát hại 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam, đánh chìm 2 tàu chiến Việt Nam. Năm 1995, Trung Quốc đánh chiếm đảo Ngày 23/11/2013, Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông, vi phạm luật pháp và thông lệ quốc tế, xâm phạm chủ quyền của Nhật Bản và Hàn Quốc.
Từ ngày 1/5/2014 đến ngày 15/7/2014, Trung Quốc kéo dàn khoan HD 981 vào thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, cho tàu công suất lớn đâm vào tàu đánh cá, tàu kiểm ngư của Việt Nam khi các tàu của Việt Nam đang tác nghiệp trong EEZ của Việt Nam. Trong văn bản gửi Liên Hợp quốc, Trung Quốc vu cáo tàu Việt Nam đã có 1.547 lần đâm vào tàu Trung Quốc (!?)
Các sự kiện trên, cho dù là tiêu biểu, cũng chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm. Từ thực tế chính sách đối nội, đối ngoại của Trung Quốc, một số học giả Mỹ cho rằng: “Đảng Cộng sản Trung Quốc đã dùng chủ nghĩa dân tộc làm chất gắn kết Trung Quốc lại… và khi Trung Quốc tiến bộ về mặt kinh tế, chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc chỉ càng thêm mãnh liệt”.
Ngoài ra, không thể không nêu các sự kiện thảm khốc ở Trung Quốc dưới sự cầm quyền của Mao Trạch Đông trong 10 năm thực hiện Cách mạng Văn hóa (1966 - 1976) và Đặng Tiểu Bình trong sự kiện Thiên An Môn ngày 4/6/1989. Những sự kiện này có giá trị làm sáng rõ Trung Quốc là ai.
II. Trung Quốc muốn gì đối với thế giới?
Thực ra, không ai biết chính xác Trung Quốc muốn gì đối với thế giới. Trên cơ sở theo dõi sát mọi hành vi đối ngoại của Trung Quốc từ sau ngày 1/10/1949, phân tích động cơ, mục đích và các thủ đoạn thực hiện chính sách đối ngoại của Trung Quốc, từ đó đưa ra các nhận định, đánh giá.
Đây là vấn đề rất lớn và rất phức tạp. Để không mất phương hướng, lạc lối khi nghiên cứu Trung Quốc, cần lưu ý một số vấn đề sau:
Một là, lịch sử tư tưởng Trung Quốc là một dòng chảy liên tục không gián đoạn từ thời Ân Thương thế kỷ XI trước Công nguyên đến nay và đến mai sau. Nghĩa là chính sách đối ngoại của Trung Quốc hiện nay hàm chứa trong lòng nó những nhân tố tư tưởng Ân – Thương, Lưu Bang - Hán Cao Tổ, Tần Thủy Hoàng, Đường Minh Hoàng, Minh Thành Tổ, Càn Long…
Do đó, để hiểu Trung Quốc muốn gì đối với thế giới hiện nay, nhất thiết phải hiểu lịch sử tư tưởng Trung Quốc trong ba ngàn năm nay.
Hai là, muốn hiểu chính sách đối ngoại của Trung Quốc hiện nay, cần hiểu chiến lược “không đánh mà thắng” của Quản Trọng và 36 kế trong Binh pháp Tôn Tử thời Xuân Thu (không đánh mà thắng là chiến lược chinh phục thâu tóm thiên hạ không thông qua chiến tranh. Về bản chất, chiến lược “không đánh mà thắng” có mục tiêu, nội dung, biện pháp thủ đoạn thực hiện tương tự như chiến lược “diễn biến hòa bình” hiện nay. Nói cách khác, chính Quản Trọng là tác giả của chiến lược “diễn biến hòa bình”. Chiến lược không đánh mà thắng của Quản Trọng có hai nội dung cơ bản: Thứ nhất, công tâm - đòn đánh tâm lý, chiến tranh tâm lý làm rã rời, rối loạn tư tưởng, ý chí của đối phương. Thứ hai, dùng mọi biện pháp, thủ đoạn buộc đối phương phải phụ thuộc mình về kinh tế. Chiến lược “không đánh mà thắng” của Quản Trọng và 36 kế của Binh pháp Tôn Tử được khoác chiếc áo thời trang trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Nếu không hiểu chiến lược không đánh mà thắng của Quản Trọng và Binh pháp Tôn Tử mà bình luận về chính sách đối ngoại của Trung Quốc hiện nay ví như “ăn ốc nói mò”.
Ba là, hãy ghi chép, lưu giữ đầy đủ mọi lời nói cam kết, hứa hẹn của quan chức, chính khách, lãnh đạo Trung Quốc, nhưng phải căn cứ và chỉ căn cứ vào hoạt động đối ngoại của họ (hành xử của họ đối với thế giới) để đưa ra các nhận xét, phán đoán về chiến lược chính sách, thủ đoạn đối ngoại của Trung Quốc.
Bốn là, trong khi nội bộ Trung Quốc có vấn đề phức tạp, để yên dân, lãnh đạo Trung Quốc thường đẩy vấn đề ra bên ngoài, gây chiến tranh, xung đột với các nước.
Do nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề chưa tìm hiểu sâu, nhận thức chưa đầy đủ ba điều nêu trên, nhiều người chưa có nhận thức đúng mục đích chiến lược của Trung Quốc.
Rất tiếc, không ít học giả, chính khách, kể cả một số người có trọng trách tại các cơ quan hoạch định chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, chỉ dựa vào những lời tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc thể hiện trong các cuộc đối thoại song phương, đa phương và dựa vào những điều chỉnh mang tính chiến thuật trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc với các nước láng giềng, từ đó đưa ra nhận xét đánh giá rất hời hợt, nông cạn, thậm chí sai lầm về Trung Quốc.
Gần nửa thế kỷ nay (từ năm 1970), hầu hết các cố vấn của Nhà Trắng, ở mức độ khác nhau đều có vốn hiểu biết về Trung Quốc khá nông cạn. Vì thế, tám đời tổng thống Mỹ thuộc cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều luôn bị động đối phó với Trung Quốc như “gà mắc tóc”, không có chiến lược mạch lạc, đúng đắn để ứng phó có hiệu quả với một Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ và họ chỉ biết làm mỗi việc là lùi và lùi.
Chuyên gia nổi tiếng của Mỹ chuyên nghiên cứu về Trung Quốc đã đưa ra nhận xét đanh thép: “Quân khủng bố không có khả năng làm đảo lộn trật tự thế giới. Tham vọng từ phía Trung Quốc nghiêm trọng và hủy diệt trật tự thế giới”.
III. Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường thế giới hay không?
Sau 39 năm cải cách, mở cửa, Trung Quốc đã đạt được bước tiến vượt bậc, thành tựu cực kỳ to lớn về kinh tế, khoa học - công nghệ và sức mạnh quân sự. Trong khi phương Tây (điển hình là Anh) mất 200 năm để công nghiệp hóa, Nhật Bản mất 125 năm, các nước công nghiệp mới ở châu Á (Hàn Quốc, Xinh-ga-po…) mất 50 năm, Trung Quốc chỉ mất hơn 30 năm. Trong giai đoạn công nghiệp hóa, nước Anh mất 60 năm để tăng gấp đôi GDP bình quân đầu người, Mỹ mất 47 năm, Nhật Bản mất 34 năm, Hàn Quốc mất 11 năm thì Trung Quốc chỉ mất 9 năm. Sau 34 năm, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc tăng từ 190 USD (năm 1978) lên 7.800 USD (năm 2014) - tăng 42,6 lần. Mỗi năm Trung Quốc sản xuất 70% đồ chơi, 60% xe đạp, 50% máy tính, máy ảnh, 35% điện thoại di động, 30% truyền hình và điều hòa, 25% máy giặt trên thế giới. Cứ 5 người đi giày trên thế giới thì có 2 người đi giày Trung Quốc. Hàng tiêu dùng giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập khắp thế giới, Trung Quốc đã trở thành công xưởng của thế giới.
Trung Quốc có nguồn dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới (hơn 4.000 tỷ USD) và Bắc Kinh "hào phóng" đầu tư cơ sở hạ tầng và thâu tóm tài nguyên, khoáng sản, dầu mỏ, khí đốt của châu Phi, Mỹ La-tinh, Trung Đông, Trung Á và Nam Á. Để duy trì hoạt động của “đại công xưởng”, Trung Quốc đã sử dụng 51% lượng tiêu thụ than đá trên thế giới, 50% lượng đồng và 11% nhu cầu dầu lửa toàn cầu.
Về khoa học - công nghệ, Trung Quốc đã đưa người vào quỹ đạo quanh trái đất và tham gia câu lạc bộ chinh phục vũ trụ cùng Nga và Mỹ. Về quân sự, ngoài hàng trăm vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo trên lục địa, quân đội Trung Quốc được trang bị tên lửa diệt tàu sân bay DF-21D, giải quyết thành công tiếp dầu trên không. Trung Quốc có 116 vệ tinh, Nga có 128 và Mỹ có 502. Trung Quốc có lực lượng hải quân mạnh đủ sức răn đe Mỹ với 4 tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân, 52 tàn ngầm tấn công thông thường, 22 tàu khu trục lớn, 55 tàu khu trục nhỏ, 9 tàu hộ tống, 254 máy bay tấn công cỡ nhỏ. Từ năm 2013, Trung Quốc đưa vào sử dụng tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường mới lớp Tupe - 52D.
Để quảng bá hình ảnh Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc ra thế giới, Trung Quốc đã chi tiền xây dựng 443 cơ sở của Viện Khổng Tử ở 71 quốc gia. Riêng tại Mỹ, có 144 Viện Khổng Tử, ở châu Á có 90 Viện Khổng Tử tại 26 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Đông Nam Á có 32 Viện Không Tử (Thái Lan 23, Xinh-ga-po 2, Ma-lai-xi-a 2, Phi-líp-pin 2, In-đô-nê-xi-a 1, Lào 1, Việt Nam 1).
Mỗi năm, Trung Quốc chi khoảng 10 tỷ USD cho các hoạt động tuyên truyền đối ngoại nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia và phát huy sức mạnh mềm của Trung Quốc ra thế giới. Trung Quốc có 450.000 sinh viên sang học ở Mỹ, Anh và các nước phương Tây và tiếp nhận hơn 400.000 sinh viên các nước (chủ yếu là các nước đang phát triển) đến học ở Trung Quốc.
VI. Những điểm yếu của Trung Quốc
Thành tựu và sức mạnh của Trung Quốc sau 36 năm cải cách, mở cửa là không thể phủ nhận. Đằng sau những con số to lớn thể hiện thành tựa rực rỡ nói trên là gì? Trung Quốc có thực sự mạnh như người ta suy nghĩ? Liệu Trung Quốc có những điểm yếu chí tử - gót chân Achilles, ngăn cản Trung Quốc làm bá chủ thế giới hay không?
Hãy lật lại hồ sơ từng lĩnh vực của Trung Quốc.
Trước hết là về kinh tế: Với tổng GDP 5.878 tỷ USD vào tháng 2/2010, Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ), GDP của Trung Quốc năm 2015 là 11.060 tỷ USD. Cần nhớ là năm 1820, GDP ước tính của Trung Quốc đã bằng 1/3 GDP của thế giới. Khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đứng đầu thế giới. Đến năm 1870, GDP của Trung Quốc vẫn chiếm 17% GDP thế giới, là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Do đó, GDP của Trung Quốc đứng thứ hai thế giới như hiện nay cũng chưa có ý nghĩa quyết định. Đó mới chỉ là số lượng của phát triển. Vấn đề quan trọng hơn là chất lượng của phát triển. Năm 2014, GDP bình quân đầu người của Nhật Bản là 38.000 USD, Hàn Quốc 30.000 USD, Đài Loan 25.000 USD, Trung Quốc chỉ 7.800 USD. Trong điều kiện phát triển bình thường, đến năm 2030, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc mới bằng 32,8% của Mỹ và đến năm 2061 cũng chỉ bằng 1/2 của Mỹ. Với dự trữ ngoại tệ hơn 4.000 tỷ USD, nhưng nợ công của Trung Quốc (nợ của Nhà nước Trung ương, địa phương và nợ của các doanh nghiệp) là 28.000 tỷ USD (lớn nhất thế giới). Năng suất lao động thấp, đầu tư tràn lan không hiệu quả, GDP tăng cao liên tục chủ yếu do tăng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và xuất khẩu, nợ công lớn, bong bóng bất động sản, thị trường chứng khoán yếu kém, kinh tế nhà nước kém hiệu quả… Đó là những mặt yếu kém nghiêm trọng, những khuyết tật thuộc kết cấu nền kinh tế Trung Quốc. Muốn khắc phục được những mặt yếu kém trên, phải thay đổi mô hình phát triển, phải thay đổi cơ chế quản lý, thay đổi luật chơi minh bạch, sòng phẳng, công bằng hơn. Tất cả đều đụng vào các nhóm lợi ích đã hình thành 30 - 40 năm nay, đã và đang bám chắc “thâm căn có đế”, ăn sâu vào thể chế kinh tế, chính trị Trung Quốc. Nếu đụng vào đây thì có thể bùng nổ đổ vỡ sụp đổ. Điều đó nói lên rằng thời kỳ vàng son, hoàng kim, bùng phát thần kỳ của nền kinh tế Trung Quốc đã qua và bắt đầu vào thời kỳ điều chỉnh, cố giữ ổn định với tốc độ tăng trưởng thấp (khoảng trên dưới 6%/năm).
Về chính trị - xã hội: Trung Quốc có hai điểm yếu “chết người”: Tham nhũng và hủ bại của quan chức từ trung ương đến địa phương phổ biến và hết sức nghiêm trọng, phân hóa giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội trong thu nhập và hưởng thụ ngày càng mở rộng.
Hệ số GINI (biểu thị độ bất bình đẳng trong thu nhập) của Trung Quốc đã vượt mức báo động 0,4 - đạt 0,5 vào năm 2009. Trung Quốc là một trong tám quốc gia có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất trong số 150 quốc gia được thống kê. Môi trường sinh thái, môi trường sống của người dân ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Đến nay, 1/3 số dòng sông và 70% ao hồ ở Trung Quốc bị ô nhiễm nặng nề. Bộ Bảo vệ Môi trường và Bộ Tài nguyên đất đai công bố vào tháng 4/2014: 16,1% diện tích trồng trọt của Trung Quốc nhiễm kim loại nặng Cadimi và 10% gạo Trung Quốc nhiễm độc Cadimi. Trung Quốc hiện có 190 triệu người mắc bệnh do ô nhiễm nguồn nước và môi trường sống.
Về dân số và nhân chủng tộc: Trung Quốc là nước chưa giàu đã già. Đây là “định mệnh” của quốc gia. Năm 2010, có 14% dân số trên 60 tuổi và 10% trên 65 tuổi. Đến năm 2030 sẽ là 25% người trên 60 tuổi. Năm 2010, Trung Quốc có 116 triệu người ở độ tuổi thành niên 20 - 24 tuổi. Đến năm 2020, còn 94 triệu thanh niên và đến năm 2030 chỉ còn 67 triệu thanh niên. Trong 20 năm tới, tỷ lệ người lao động so với người về hưu tại Trung Quốc tăng từ 1/5 đến 1/2. Hiện nay, Trung Quốc đang bàn đến nguy cơ đáng sợ là 1-2-4, nghĩa là một người đi làm phải nuôi hai vợ chồng và tứ thân phụ mẫu - chưa giàu đã già.
Về đối ngoại: Theo một số ý kiến, do chính sách hiếu chiến và ức hiếp các nước nhỏ yếu trong khu vực, nên Trung Quốc không tạo được lòng tin đối với cộng đồng quốc tế. Đa số các quốc gia luôn có tâm trạng dè chừng, cảnh giác với Trung Quốc. Mọi người đều cần tiền của Trung Quốc, nhưng không ai tin Trung Quốc, thậm chí có người nói Trung Quốc là một cường quốc cô độc.
Tất cả tật bệnh nêu trên tạo thành gót chân Achilles của Trung Quốc trong cuộc trường chinh chinh phục thế giới.
Đến năm 2049 (100 năm nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa), Trung Quốc sẽ như thế nào? Câu trả lời vẫn là 50:50, tức là 50% trở thành siêu cường duy nhất, 50% không thành công. Vì vậy, không được coi nhẹ, cần tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn về Trung Quốc. Tuy nhiên, phải nghiêm túc theo dõi chặt chẽ mọi biến động trong nội bộ Trung Quốc và dự báo kịp thời các hành động coi thường luật pháp quốc tế của họ. Cộng đồng quốc tế cần hiểu đúng Trung Quốc và đoàn kết ngăn chặn những hành động gây bất ổn tình hình khu vực và thế giới của họ, nhưng cũng rộng lòng đón nhận nếu họ là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
II. TRUNG QUỐC - NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRƯỚC THỀM ĐẠI HỘI ĐẢNG XIX
1. Tập Cận Bình và 10 nguy cơ lớn phải đối mặt
2017 là năm bùng phát các mâu thuẫn tích tụ trong 18 năm qua kể từ khi Giang Trạch Dân phát động cuộc đàn áp Pháp luân công ngày 20/7/1999, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang phải đối mặt với 10 nguy cơ lớn sau:
1. Nguy cơ chiến tranh Triều Tiên: Hơn 5 năm từ khi lên cầm quyền, Kim Jong-un đã cho tiến hành 3 lần thử nghiệm hạt nhân, nhiều lần phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa, còn đe dọa biến Hiroshima của Nhật Bản thành biển lửa, đe dọa tấn công căn cứ Guam và lãnh thổ Mỹ.
Vậy kẻ hỗ trợ lớn nhất của Kim Jong-un là ai? Đó chính là tập đoàn lợi ích Giang Trạch Dân của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Từ khi lên cầm quyền đến nay,Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đối mặt với sự khiêu khích điên rồ của Kim Jong-un, thái độ của Donald Trump cũng ngày càng cứng rắn. Từ ngày 13/8, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Thượng tướng Joe Dunford lần lượt đến thăm Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Chiến tranh Triều Tiên đang ở trạng thái sẵn sàng.
2. Nguy cơ biên giới Trung-Ấn: Từ giữa tháng 6/2017 đến nay, Trung Quốc và Ấn Độ đã bùng nổ cuộc đối đầu quân sự lớn nhất từ Chiến tranh biên giới Trung-Ấn năm 1962 đến nay -> các phương tiện truyền thông do ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Lưu Vân Sơn kiểm soát thuộc phe Giang Trạch Dân liên tục có những phát ngôn cực hữu, mong muốn Trung Quốc và Ấn Độ xảy ra chiến tranh.
3. Nguy cơ “một nước hai chế độ” ở Hong Kong: Đặng Tiểu Bình từng cam kết với toàn thế giới: Hong Kong sẽ thực hiện “một nước hai chế độ”, và không thay đổi trong 60 năm. Gần đây, tập đoàn lợi ích Giang Trạch Dân đang từng bước biến Hong Kong thành “một nước một chế độ”, là cứ điểm quan trọng, mặt trận tiền đồn để ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Nhân đại) Trương Đức Giang đối đầu với chiến dịch chống tham nhũng, “đả hổ” của Tập Cận Bình -> phá rối ở Hong Kong như: đưa ra “Sách Trắng Hong Kong”, quyết định cải cách chính trị của Hong Kong ngày 31/8, thả quy mô lớn các học viên của Pháp luân công về Đài Loan…
4. Nguy cơ tài chính gây nguy hiểm cho huyết mạch kinh tế: Tháng 6/2015, thảm họa chứng khoán của Trung Quốc Đại lục được cho là một cuộc “đảo chính tài chính” nhằm vào chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ của Tập Cận Bình. Đến nay, ông trùm tài chính, người đứng đầu Tập đoàn Tomorrow Group Tiêu Kiến Hoa, Chủ tịch Tập đoàn bảo hiểm Anbang Ngô Tiểu Huy, Chủ tịch Ủy ban giám sát bảo hiểm quốc gia Hạng Tuấn Ba… lần lượt bị điều tra, vấn đề tầng sâu của khủng hoảng tài chính Trung Quốc dần được hé lộ.
5. Nguy cơ tham nhũng ăn sâu vào xương tủy: Hiện nay, sự tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lên đến mức đỉnh điểm trong lịch sử nhân loại. Từ tháng 1/2013 đến nay, chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ” do Tập Cận Bình phát động đã tiến hành được 5 năm, trải qua 3 giai đoạn từ “khởi đầu khó khăn” đến “hai bên đối đầu thể hiện trạng thái giằng co” và “xu thế mang tính áp đảo đã được hình thành”, đã bắt hơn 200 hổ lớn, có thể có hơn 300 hổ lớn nhảy lầu, nhảy cầu, uống thuốc độc, treo cổ. Nhưng hổ lớn nhất của Trung Quốc thời nay là Giang Trạch Dân thì vẫn chưa bị bắt.
6. Nguy cơ pháp trị rơi xuống điểm giới hạn cuối cùng: Những năm gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đàn áp đối với 709 luật sư. Từ ngày 9/7/2015, Bộ Công an Trung Quốc bắt các luật sư bảo vệ nhân quyền trên phạm vi cả nước, giống như thảm họa chứng khoán được bắt đầu ngày 15/6/2015.
7. Nguy cơ đạo đức xuống cấp toàn diện: Hiện nay, điều chi phối chủ yếu lời nói và hành động của người Trung Quốc chỉ có hai thứ: quyền và tiền -> Trung Quốc đã trở thành “nước lớn nói dối” đứng đầu thế giới.
8. Nguy cơ sinh thái gây ra nhiều tai họa nghiêm trọng: Ngày 8/8, khu du lịch Cửu Trại Câu ở tỉnh Tứ Xuyên xảy ra trận động đất mạnh 7 độ richter, năng lượng mà trận động đất này giải phóng tương đương với uy lực của 37 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Hiroshima (Nhật Bản). Nước uống, không khí, thực phẩm của Trung Quốc Đại lục đều bị ô nhiễm nghiêm trọng
9. Nguy cơ “bức tường phòng hỏa Trường Thành”: Hiện nay, thông tin giả, hàng hóa giả, dịch vụ giả của Trung Quốc tràn ngập mọi ngõ ngách của xã hội. Để ngăn ngừa người dân tìm hiểu thông tin chân thực, từ năm 1998, Giang Trạch Dân bỏ ra rất nhiều tiền để xây dựng “bức tường phòng hỏa Trường Thành” (hệ thống kiểm duyệt Internet).
Trong 25 trang mạng đứng đầu thế giới, có 8 trang mạng bị Trung Quốc cấm, bao gồm Facebook, Google, Twitter và Youtube… Theo xếp hạng của tổ chức phi chính phủ Freedom House (Mỹ), Trung Quốc được đánh giá là “nước kiểm soát tự do Internet nghiêm ngặt nhất”… để “vượt tường lửa” ra bên ngoài ngày càng nhiều, điều này đã trở thành trào lưu lịch sử không thể ngăn cản.
10. Cuộc đàn áp Pháp luân công khiến mọi người oán hận: Ngày 20/7/2017 là tròn 20 năm Giang Trạch Dân phát động cuộc đàn áp Pháp luân công. Cuộc đàn áp này đã trở thành tai họa do con người gây ra lớn nhất thế giới trong thế kỷ 21. Về đối ngoại tặng một cách vô điều kiện hơn 1,7 triệu km2 lãnh thổ Trung Quốc cho các nước như Nga…, đây là nguồn gốc quan trọng nhất của 10 cuộc khủng hoảng lớn nêu trên của Trung Quốc hiện nay.
Muốn thoát khỏi tình thế nguy hiểm khó có thể đề phòng hiện nay, đứng trên điểm cao của lịch sử, Tập Cận Bình phải lập tức bắt Giang Trạch Dân, điều này có thể thu được hiệu quả “dùng sức mạnh nhỏ để giải quyết vấn đề lớn”.
2. Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tiến hành sửa đổi Điều lệ Đảng
-> Truyền thông Hong Kong gần đây cho rằng một trong những tiêu chí thành công của Đại hội XIX - dự kiến diễn ra từ 18-24/10 tới, chính là xác định địa vị chính trị và quyền lực cho “Hạt nhân lãnh đạo” Tập Cận Bình (Xi Jinping), đồng thời hình thành “Tư tưởng Tập Cận Bình” và đưa vào Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Giới phân tích chính trị Trung Quốc nhấn mạnh, đây là vấn đề mang tính quyết định, liên quan đến tương lai Tập Cận Bình có tiếp tục nắm quyền Trung Quốc hay dừng lại ở Đại hội XX vào năm 2022.
-> Dư luận và truyền thông Hong Kong gần đây nhận định, một trong những tiêu chí để thể hiện địa vị chính trị của Tập Cận Bình (Xi Jinping) vượt qua Giang Trạch Dân (Jiang Zemin) và Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao), sánh ngang với Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) và Mao Trạch Đông (Mao Zedong) là việc hình thành “Tư tưởng Tập Cận Bình” và điều này dường như đã là hiện thực khi truyền thông chính thống của Trung Quốc lần đầu tiên sử dụng cụm từ “Tư tưởng Tập Cận Bình”. Theo đó, “Tư tưởng Tập Cận Bình” sẽ  được đưa vào Điều lệ Đảng và đây sẽ là nội dung cơ bản nhất trong việc sửa đổi Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Đại hội XIX.
Trong một bài viết với tựa đề “Tư tưởng Tập Cận Bình sẽ được đưa vào Điều lệ Đảng tại Đại hội XIX”, tờ Đông phương, nhật báo có quan điểm trung lập của Hong Kong cho biết, tạp chí Nghiên cứu xây dựng Đảng của Ban Tuyên truyền Trung ương ĐCSTQ số tháng 7/2017 đã lần đầu sử dụng cụm từ “Tư tưởng Tập Cận Bình”. Cụ thể, tạp chí này cho rằng sáng tạo lý luận từ Đại hội XVIII đến nay, cũng có thể gọi là “Tư tưởng Tập Cận Bình”. Các nhà phân tích chính trị Trung Quốc nhận định, tạp chí Nghiên cứu xây dựng Đảng lần đầu tiên đề cập đến “Tư tưởng Tập Cận Bình” là một tín hiệu rất lớn, cho thấy Đại hội XIX sẽ sửa đổi Điều lệ Đảng, bổ sung nội dung “Tư tưởng Tập Cận Bình” vào Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Như vậy, Tập Cận Bình sẽ trở thành nhà lãnh đạo ĐCSTQ thứ hai, sau Mao Trạch Đông, có tư tưởng được đưa vào Điều lệ Đảng.
Theo nguyệt san Nội bộ có trụ sở tại New York (Mỹ), bản tiếng Trung phát hành tại Hong Kong số tháng 8/2017, từ ngày 18 -24/10, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ triệu tập Đại hội XIX”. Tại Đại hội XIX lần này, ĐCSTQ sẽ tiến hành sửa đổi Điều lệ Đảng và sau đó sẽ sửa đổi Hiến pháp. Mục đích là khẳng định vai trò, địa vị lãnh đạo mang tầm lịch sử của Tập Cận Bình và xóa bỏ rào cản để Tập Cận Bình tiếp tục nắm quyền sau Đại hội XX dự kiến triệu tập vào cuối năm 2022.
Sửa đổi Điều lệ Đảng và Hiến pháp
Rất nhiều dấu hiệu cho thấy, Trung Quốc sẽ tiến hành sửa đổi Điều lệ Đảng và Hiến pháp, nhằm tạo dựng vai trò, địa vị lịch sử lãnh đạo của Tập Cận Bình. Điều này phù hợp với tình hình chính trị thực tế của Trung Quốc hiện nay, nhất là trong bối cảnh Tập Cận Bình đã cơ bản có thực quyền trong tay mình. Ngay từ đầu năm 2017, Văn phòng Trung ương ĐCSTQ đã bắt tay vào công việc sửa đổi Điều lệ Đảng tại Đại hội XIX. Theo đó, “Tư tưởng Tập Cận Bình”, tức khái quát quan niệm mới của Tập Cận Bình về nắm quyền trị quốc và điều hành đất nước, sẽ được đưa vào Điều lệ Đảng. Tiếp sau đó, Trung Quốc sẽ khởi động công việc sửa đổi Hiến pháp, đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình” vào Hiến pháp. Thực tế là, ngay từ đầu tháng 3/2017, Văn phòng Trung ương Đảng đã công bố trong phạm vi hẹp “Văn kiện số 4” (văn kiện số 4 năm 2017). “Văn kiện số 4” đã đặt công việc sửa đổi Điều lệ Đảng và động viên chuẩn bị sửa đổi Hiến pháp lên trên các công việc khác, đồng thời nêu rõ đây là một trong những nhiệm vụ công tác quan trọng của Văn phòng Trung ương trong năm nay.
Sau gần 5 năm lên nắm quyền, Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đã dùng “cánh tay thép” để tiến hành công cuộc chống tham nhũng, mở đường máu để củng cố quyền lực, giữ vững địa vị thống trị giang sơn. Hiện là thời điểm để Tập Cận Bình tạo dựng vai trò địa vị lãnh đạo lịch sử và mưu cầu “xưng đế chung thân”. Theo đó, tại Đại hội XIX, Trung Quốc sẽ sửa đổi “Điều lệ Đảng”, dọn đường để năm 2018 khởi động công việc sửa đổi Hiến pháp, đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình” vào “Điều lệ Đảng” và Hiến pháp, đồng thời xóa bỏ quy định hạn chế “chức vụ Chủ tịch nước không liên nhiệm quá hai nhiệm kỳ” trong Hiến pháp hiện hành, dọn đường cho Tập Cận Bình tiếp tục lưu nhiệm tại Đại hội XX vào năm 2022.
Như đã nói ở trên, Văn phòng Trung ương ĐCSTQ đã công bố trong phạm vi hẹp “Văn kiện số 4”, đặt công việc sửa đổi Điều lệ Đảng và công tác chuẩn bị động viên sửa đổi Hiến pháp lên trên các công việc khác, coi đây là một trong những nhiệm vụ công tác quan trọng của Văn phòng Trung ương trong năm nay. Báo này nhấn mạnh, mục đích sửa đổi Điều lệ Đảng là đưa “Tư tưởng Cập Cận Bình” vào Điều lệ Đảng, xác lập vai trò, địa vị lịch sử của Tập Cận Bình. Còn sửa đổi Hiến pháp lần này có thể sẽ xác lập địa vị hiến chế (quy định của Hiến pháp) đối với Ủy ban Giám sát quốc gia (sẽ thành lập trong năm 2018) và xóa bỏ quy định hạn chế số lượng nhiệm kỳ đối với chức vụ Chủ tịch nước của Trung Quốc.
Nhiều nguồn tin đều khẳng định Trung Quốc có kế hoạch sửa đổi Điều lệ Đảng tại Đại hội XIX và sau đó sẽ khởi động công việc sửa đổi Hiển pháp. Nguồn thạo tin nội bộ cấp cao Trung Quốc từ Bắc Kinh cho biết, “Văn kiện số 4” của Văn phòng Trung ương này đã đặt công việc sửa đổi Điều lệ Đảng và công tác chuẩn bị động viên sửa đổi Hiến pháp lên vị trí số một trong công tác và nhiệm vụ chủ yếu của Văn phòng Trung ương trong năm nay. Điều này cho thấy sửa đổi Điều lệ Đảng tại Đại hội XIX và sau đó khởi động công tác sửa đổi Hiến pháp dường như là điều đã định trong công tác xây dựng lý luận chính trị của ĐCSTQ trong tình hình mới.
Theo thông lệ, sau khi ĐCSTQ xác lập tư tưởng chỉ đạo mới, Hiến pháp cũng sẽ được sửa đổi tương ứng và thực tế đã chứng minh điều này. Năm 1997, sau khi ĐCSTQ xác lập địa vị lãnh đạo và đưa “Lý luận Đặng Tiểu Bình” vào Điều lệ Đảng, năm 1999, Trung Quốc đã sửa đổi Hiến pháp và đưa “Lý luận Đặng Tiểu Bình” vào Hiến pháp. Năm 2002, thuyết “Ba đại diện” của Giang Trạch Dân được xác lập là tư tưởng chỉ đạo tại Đại hội XVI và được đưa vào Điều lệ Đảng, năm 2004 Trung Quốc sửa đổi Hiến pháp và đưa tư tưởng quan trọng “Ba đại diện” vào Hiến pháp. Duy chỉ có “Quan niệm phát triển khoa học” của Hồ Cẩm Đào, chỉ được đưa vào Điều lệ Đảng sửa đổi tại Đại hội XVIII, mà không được đưa vào Hiến pháp. Nguồn thạo tin nội bộ Trung Quốc cho biết, sau khi “Tư tưởng Tập Cận Bình” được đưa vào Điều lệ Đảng tại Đại hội XIX, chắc chắn Hội nghị Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Nhân đại) lần thứ nhất khóa XIII vào tháng 3/2018 sẽ khởi động công tác sửa đổi Hiến pháp. Nếu như thuận lợi, muộn nhất là Hội nghị lần thứ hai Nhân đại khóa XIII vào tháng 3/2019 sẽ xem xét thông qua dự thảo “Hiến pháp sửa đổi”.
Trong thời gian gần đây, truyền thông chính thống của Trung Quốc đang tạo thế cho Tập Cận Bình, định hướng dư luận trong việc đưa “Tư tưởng tập Cận Bình” vào Điều lệ Đảng và Hiến pháp. Mới đây, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã xây dựng và phát sóng 3 tập phim ngắn, mỗi tập 6 phút với nhan đề “Sơ tâm” (cách nói “Sơ tâm”, nghĩa gốc là “ý nguyện ban đầu”, nhưng trong cách dùng hiện nay có thể hiểu là quá khứ, do Tập Cận Bình đưa ra trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 95 năm ngày thành lập ĐCSTQ ngày 1/7/2016, nguyên văn là “bất vong sơ tâm, kế tục tiền tiến”, tạm dịch là “không quên quá khứ, tiếp tục tiến lên”). Loạt phim ngắn này lần lượt kể về quá khứ của Tập Cận Bình khi còn là thanh niên tri thức làm việc trong đội sản xuất Lương Gia Hà ở Thiểm Tây, làm Phó Bí thư, Bí thư Huyện ủy Chính Định thuộc tỉnh Hà Bắc và khi giữ chức Bí thư Địa ủy Ninh Đức (vùng Ninh Đức, nay là Thành phố Ninh Đức thuộc tỉnh Phúc Kiến). Trong đó ca ngợi, khi ở Thiểm Tây, Tập Cận Bình đã nhìn thấy những gì căn bản nhất của quần chúng nhân dân, thực sự hiểu được người dân. Tại Chính Định, Tập Cận Bình đã thực hiện lời hứa cải thiện đời sống của nông dân. Tại Ninh Đức cuối thập niên 80, Tập Cận Bình nói làm quan đừng nghĩ đến phát tài. Thậm chí, trong đó, có cảnh năm 2003, Tập Cận Bình trả lời phỏng vấn của báo chí đã nói: “Lúc đó, tôi gánh 100 kg lúa mạch, đi 5 km đường núi không đổi vai”. Đồng thời, những tập phim này còn công bố những bức ảnh Tập Cận Bình khi còn nhỏ, kèm chú thích “bản thân được sinh ra trong một gia đình cách mạng”, hay bức ảnh “Người  dân thôn Lương Gia Hà với Tập Cận Bình” và “Tập Cận Bình vác cuốc dẫn dắt cán bộ địa phương tham gia lao động” khi giữ chức Bí thư Địa ủy Ninh Đức tỉnh Phúc Kiến. Tất cả những bức ảnh đều nhằm mục đích tuyên truyền tạo thế để đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình” vào Điều lệ Đảng tại Đại hội XIX vào cuối năm nay và vào Hiến pháp vào đầu năm 2019.
Nguồn thạo tin nội bộ cấp cao Trung Quốc cho biết, về danh nghĩa “Văn kiện số 4” là của Văn phòng Trung ương, nhưng trên thực tế, đây là sản phẩm của 3 nhân vật thân tín với Tập Cận Bình gồm: Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Lật Chiến Thư; Trưởng ban Tổ chức Trung ương Triệu Lạc Tế và Bí thư Ban Kỷ luật Trung ương Vương Kỳ Sơn. Trong đó, người đưa ra ý tưởng và khởi xướng là Vương Kỳ Sơn. Tất nhiên, quá trình soạn thảo, nội dung, lựa chọn thời gian công bố và phạm vi công bố đều do Tập Cận Bình chỉ đạo. Thực tế đã chứng minh, từ sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền (năm 2012) đến nay, mọi vấn đề lớn liên quan đến sự nghiệp chính trị của Tập Cận Bình đều do thân tín của Tập Cận Bình thúc đẩy và được truyền thông Hong Kong đưa tin. Một ví dụ rõ ràng nhất là xác lập địa vị “hạt nhân lãnh đạo” cho Tập Cận Bình, ban đầu là do một số Bí thư Đảng ủy địa phương đưa ra, sau đó bằng sự thúc đẩy của Vương Kỳ Sơn, Triệu Lạc Tế, công việc này đã được tiến hành thuận lợi tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XVIII vào tháng 10/2016.
Theo nguồn thạo tin Trung Quốc, tại Hội nghị Trung ương 6 tháng 10/2016, trong một buổi thảo luận nhóm, từng có đại biểu nghi ngờ, xác lập “Hạt nhân Tập” vào lúc này liệu có quá sớm, đồng thời kiến nghị nên để đến Đại hội XIX triệu tập vào cuối năm nay. Ngay sau đó, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Ban Kỷ luật Trung ương, Vương Kỳ Sơn đã nhấn mạnh “đây là quyết định của Trung ương Đảng, chỉ việc thực hiện, không cần phải thảo luận thêm nữa”. Cho nên, khi Văn phòng Trung ương đã công bố “Công văn số 4”, mặc dù trong phạm vi hẹp, xác định sửa đổi Điều lệ Đảng tại Đại hội XIX và sau đó khởi động công tác sửa đổi Hiến pháp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong năm nay, đồng nghĩa với “Trung ương Đảng” đã quyết định như vậy, không cần phải bàn luận thêm.
Nội dung sửa đổi Điều lệ Đảng và Hiến pháp
Hiển nhiên, nội dung sửa đổi Điều lệ Đảng và Hiến pháp lần này không ngoài vấn đề xác định địa vị lịch sử và dọn đường để Tập Cận Bình tiếp tục nắm quyền sau Đại hội XX vào cuối năm 2022. Theo đó, một trong những nội dung chủ yếu liên quan đến sửa đổi Điều lệ Đảng tại Đại hội XIX là đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình” vào Điều lệ Đảng. Còn nội dung chủ yếu sửa đổi Hiến pháp lần này là ngoài việc đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình” vào Hiến pháp, xác định địa vị chế độ hiến pháp của Ủy ban Giám sát Nhà nước (dự kiến sẽ được thành lập tại kỳ Nhân đại vào tháng 3/2018), nhiều khả năng sẽ bỏ quy định hạn chế số lượng nhiệm kỳ liên nhiệm của chức vụ Chủ tịch nước trong Hiến pháp hiện hành.
Điều lệ ĐCSTQ hiện hành có nội dung: “ĐCSTQ lấy chủ nghĩa Mác-Lê, Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình, Tư tưởng quan trọng “Ba đại diện” và “Quan niệm phát triển khoa học” làm kim chỉ nam cho hành động của mình”. Theo đó, sẽ được sửa đổi bổ sung “Tư tưởng Tập Cận Bình” thành: “ĐCS TQ lấy chủ nghĩa Mác-Lê, Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình, Tư tưởng quan trọng “Ba đại diện”, “Quan niệm phát triển khoa học” và Tư tưởng Tập Cận Bình làm kim chỉ nam cho hành động của mình”. Sau khi sửa đổi Điều lệ Đảng, hành động chính trị trọng đại tiếp theo của Trung Quốc là sửa đổi Hiến pháp. Nguồn tin thân cận cấp cao Trung Quốc từ Bắc Kinh tiết lộ, sửa đổi Hiến pháp lần này sẽ có 3 nội dung chủ yếu. Một là, đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình” vào Hiến pháp. Hai là, xác lập địa vị Hiến chế (chế độ Hiến pháp) quy đối với Ủy ban giám sát Nhà nước ngang hàng với Quốc Vụ Viện. Ba là, xóa bỏ quy định chức vụ Chủ tịch nước liên nhiệm không quá 2 nhiệm kỳ. Tuy đây được coi là nội dung sửa đổi thứ ba, nhưng lại là nội dung được dư luận trong và ngoài Trung Quốc quan tâm nhất. Bởi vì, sửa đổi như vậy sẽ đảm bảo cho Tập Cận Bình tiếp tục nắm quyền sau Đại hội XX vào năm 2022 mà không vướng quy định của Hiến pháp. Cụ thể, Hiến pháp Trung Quốc hiện nay quy định rõ: “Mỗi nhiệm kỳ chủ tịch nước là 5 năm, nhiệm kỳ trùng với nhiệm kỳ Nhân đại, liên tục giữ chức Chủ tịch nước không được vượt quá hai nhiệm kỳ”. Theo đó, nhiều khả năng sửa đổi Hiến pháp lần này sẽ xóa bỏ nội dung “liên tục giữ chức Chủ tịch nước không quá 2 nhiệm kỳ” nhưng giữ nguyên nội dung “mỗi nhiệm kỳ Chủ tịch nước là 5 năm, về thời gian nhiệm kỳ trùng với nhiệm kỳ Nhân đại”.
Tư tưởng mới trong nắm quyền trị quốc, điều hành đất nước của Tập Cận Bình là tinh thần của một loạt bài phát biểu quan trọng của Tập Cận Bình. Nói cách khác, “Tư tưởng Tập Cận Bình” được hình thành trên nền tảng tinh thần những bài phát biểu của Tập Cận Bình trong mọi lĩnh vực kể từ sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền tại Trung Quốc cuối năm 2012. Trong công việc sửa đổi Điều lệ Đảng tại Đại hội XIX, tư tưởng này sẽ được đưa vào Điều lệ Đảng và cùng với Chủ nghĩa Mác-Lê, Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình, Tư tưởng quan trọng “Ba đại diện” và “Quan niệm phát triển khoa học, Tư tưởng Tập Cận Bình sẽ trở thành kim chỉ nam cho hành động của toàn Đảng trong những năm tiếp theo. Nội dung cụ thể bao gồm quan niệm mới, tư tưởng mới, chiến lược mới nắm quyền trị quốc, điều hành đất nước của Tập Cận Bình được thể hiện trong bố cục chiến lược “Bốn toàn diện” (Xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện, khơi sâu cải cách toàn diện, trị quốc theo pháp luật toàn diện, nghiêm trị trong Đảng toàn diện) và bố trí tổng thể “5 trong 1” (xây dựng kinh tế, xây dựng chính trị, xây dựng văn hóa, xây dựng xã hội và xây dựng môi trường văn minh). Nội dung này khi đưa vào Điều lệ Đảng sẽ rút gọn thành “Tư tưởng Tập Cận Bình”. Hiển nhiên, sau khi sửa đổi Điều lệ Đảng, hành động chính trị lớn tiếp theo của Trung Quốc là sửa đổi Hiến pháp.
Tin tức về Trung Quốc sửa đổi Điều lệ Đảng tại Đại hội XIX và sau đó sửa đổi Hiến pháp được lan truyền không phải là không có cơ sở. Bởi một “Văn kiện” của Văn phòng Trung ương công bố trong phạm vi hẹp không dễ gì lọt ra bên ngoài, cho nên sự tiết lộ này là có mục đích rất rõ ràng. Thứ nhất, thăm dò phản ứng dư luận trong và ngoài Trung Quốc để tầng quyết sách tối cao ĐCSTQ đưa ra quyết định phù hợp hơn. Thứ hai, định hướng dư luận để khi bắt tay thực hiện dễ dàng hơn. Tuy nhiên, bất kể phân tích từ góc độ nào, sự việc này đều cho thấy: thứ nhất, công cuộc thâu tóm quyền lực của Tập Cận Bình trên chính trường Trung Quốc đang đi vào hồi kết. Thứ hai, trong đấu tranh quyền lực, Tập Cận Bình đang giữ ưu thế và cơ bản không còn đối thủ xứng tầm. Đây là điều kiện thuận lợi để Tập Cận Bình thực hiện ý đồ tiếp tục nắm quyền sau Đại hội XX (2022) và “lưu danh sử sách”. Trước đó Tập Cận Bình được xác lập địa vị “Hạt nhân lãnh đạo” sau khi mới nắm quyền được 4 năm, sớm hơn rất nhiều so với những người tiền nhiệm cũng đã phần nào phản ánh rõ thế mạnh chính trị của Tập Cận Bình hiện nay.
Điều lệ Đảng và Hiến pháp sau khi sửa đổi được bổ sung nội dung “Tư tưởng Tập Cận Bình” chính là đã xác lập địa vị, vai trò lãnh tụ lịch sử của Tập Cận Bình. Trong bối cảnh như vậy, Tập Cận Bình không đi theo lối mòn của những người tiền nhiệm như Giang Trạch Dân hay Hồ Cẩm Đào, rút khỏi chính trường sau hai nhiệm kỳ (10 năm) nắm quyền, sẽ không gặp khó khăn và cũng không nằm ngoài phán đoán của mọi người. Trên thực tế, trong bất kể tình huống nào, khi đã hình thành “Tư tưởng tập Cận Bình” và nó được thừa nhận đều là hướng đến mục tiêu dọn đường để Tập Cận Bình tiếp tục giữ chức Tổng Bí thư Đảng và Chủ tịch nước sau khi đã mãn nhiệm hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Phản ứng của dư luận
Trung Quốc sửa đổi Điều lệ Đảng và Hiến pháp, bổ sung nội dung “Tư tưởng Tập Cận Bình” dường như đã là thế tất yếu, nhất là trong bối cảnh Tập Cận Bình đã có được địa vị “Hạt nhân lãnh đạo” và mưu đồ tiếp tục nắm quyền Trung Quốc sau Đại hội XX vào năm 2022. Chuyên gia lịch sử, học giả chính trị độc lập của Bắc Kinh, Chương Lập Phàm (Zhang Lifan) cho rằng, sửa đổi Điều lệ Đảng và Hiến pháp của Trung Quốc lần này nếu như cuối cùng lấy tên khái niệm là “Tư tưởng Tập Cận Bình” để đưa vào Điều lệ Đảng và Hiến pháp, vậy thì địa vị lịch sử của Tập Cận Bình sẽ vượt qua Đặng Tiểu Bình và ngang hàng với Mao Trạch Đông, đồng thời trở thành lãnh đạo thứ hai của Trung Quốc có “tư tưởng”. Chuyên gia Chương Lập Phàm phân tích, lịch sử của Trung Quốc từ khi dựng nước đến nay mới chỉ có “Tư tưởng Mao Trạch Đông” được đưa vào Điều lệ Đảng và Hiến pháp, còn Đặng Tiểu Bình cũng chỉ có “lý luận”. Sau này đến Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào lần lượt có “Ba đại diện” và “Quan niệm phát triển khoa học”, nhưng không được gắn họ tên mình đi kèm. Điều này thể hiện rõ địa vị lịch sử của Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào không thể sánh với Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình. Tuy nhiên, Tập Cận Bình hiện nay hoàn toàn khác, sau khi sửa đổi Điều lệ Đảng và Hiến pháp Trung Quốc nếu ghi rõ “Tư tưởng Tập Cận Bình” thì đó chính là sự thừa nhận địa vị lãnh tụ lịch sử nắm quyến trị quốc, điều hành đất nước của Tập Cận Bình.
Chuyên gia bình luận chính trị Trung Quốc, Chủ tịch Tập đoàn truyền thông Minh kính có trụ sở tại New York (Mỹ), ông Hà Tần (He Pin) dự đoán, nội dung chủ yếu sửa đổi Điều lệ Đảng và Hiến pháp lần này của Trung Quốc không ngoài vấn đề bổ sung “Tư tưởng Tập Cận Bình”, xác định địa vị chế độ hiến pháp của Ủy ban Giám sát nhà nước (dự kiến chính thức thành lập sau kỳ “Lưỡng hội” năm 2018) và xóa bỏ quy định hạn chế số lượng nhiệm kỳ liên nhiệm của chức vụ Chủ tịch nước. Theo ông Hà Tần, trong những năm qua, thông qua công cuộc chống tham nhũng, điều chỉnh nhân sự, cải cách quân đội, ông Tập Cận Bình đã từng bước thâu tóm quyền lực toàn diện trong hệ thống quân, chính, Đảng (quân đội, chính quyền và Đảng). Biểu hiện nổi bật là Tập Cận Bình đã thành công khi Hội nghị Trung ương 6 khóa XVIII hồi tháng 10/2016 đã chính thức xác lập địa vị “Hạt nhân Tập Cận Bình” trong ĐCSTQ. Do vậy, hiện là thời điểm ông Tập Cận Bình tạo dựng địa vị lãnh tụ lịch sử của mình và dọn đường kéo dài thời gian nắm quyền của mình. Muốn vậy, xóa bỏ những cản trở mang tính chế độ là công việc tất yếu, trong đó sửa đổi Hiến pháp, xóa bỏ hạn chế số lượng nhiệm kỳ liên nhiệm chức Chủ tịch nước là công việc hàng đầu.
Gần đây, trang mạng “Diễn đàn nhân dân” của tờ Nhân dân nhật báo Trung Quốc đăng nhiều bài phân tích về phương châm sách lược nắm quyền trị quốc, điều hành đất nước của Tập Cận Bình, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu “hai 100 năm” và “Giấc mộng Trung Hoa” phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa mà Tập Cận Bình đưa ra sau khi lên nắm quyền, qua đó, khẳng định địa vị lãnh tụ lịch sử của Tập Cận Bình. Báo này dẫn lời Giáo sư Ban nghiên cứu chủ nghĩa Mác thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc, Nhan Hiểu Phong (Yan Xiaofeng) cho rằng, sau khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình đã thể hiện rõ tư tưởng nắm quyền trị quốc, điều hành đất nước của mình thông qua việc đưa ra mục tiêu “Hai 100 năm” và “Giấc mộng Trung Hoa”, phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa. Để thực hiện những mục tiêu lịch sử này, Tập Cận Bình đã đưa ra và thực hiện lựa chọn chiến gồm bố cục chiến lược “4 toàn diện” và bố cục tổng thể “5 trong 1”. Những nội dung này, cùng với nội dung thúc đẩy hiện đại hóa quản lý điều hành đất nước, xây dựng quân đội hùng mạnh hàng đầu thế giới, tạo dựng khối vận mệnh chung nhân loại mà Tập Cận Bình đưa ra sẽ được quy nạp thành “Tư tưởng Tập Cận Bình”. Một khi “Tư tưởng tập Cận Bình” hình thành, đồng nghĩa với địa vị lãnh tụ lịch sử của Tập Cận Bình đã được thừa nhận. Trong bối cảnh như vậy, Tập Cận Bình kéo dài thời gian nắm quyền của mình vượt qua các lãnh đạo tiền nhiệm sẽ không gặp khó khăn.
3. Đại hội XIX xoay quanh vấn đề cải cách
TTXVN (Hong Kong 18/9) - Truyền thông và dư luận Hong Kong gần đây cho rằng trong bối cảnh Tập Cận Bình mới lên nắm quyền được 5 năm, rất nhiều vấn đề cải cách còn dang dở. Do vậy, trong thời gian 5 năm tiếp theo, cải cách sẽ tiếp tục là phương châm mà ĐCS Trung Quốc kiên trì, theo đó chủ đề của Đại hội Đại biểu Toàn Quốc lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (sau đây gọi tắt là “Đại hội XIX”) sắp tới sẽ vẫn là xoay quanh vấn đề khơi sâu cải cải toàn diện.
Tờ Đông phương, nhật báo có quan điểm trung lập của Hong Kong cho biết, hồi tháng 7 vừa qua, kênh tổng hợp của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) phát sóng bộ phim chính luận chuyên đề 10 tập mang tên “Cải cách đến cùng”. Bộ phim chính luận chuyên đề này không chỉ có quy cách cao, mà còn mang ý nghĩa sâu rộng, khởi động cho Đại hội XIX dự kiến triệu tập từ ngày 18 – 24/10 tới, đồng thời đưa ra thông điệp: chủ đề của Đại hội XIX sẽ là “tiếp tục khơi sau cải cách toàn diện” và cải cách vẫn là dòng chính trong quá trình phát triển của Trung Quốc sau Đại hội XIX. Theo Đông phương, khi bộ phim này còn chưa phát sóng, truyền thông chính thống của Trung Quốc đã ra sức tuyên truyền và yêu cầu đảng viên các tổ chức Đảng chú ý xem phim, từ đó có thể thấy bộ phim này không hề đơn giản. Tối 17/7, khi tập đầu phát sóng, ngay ngày hôm sau, trên các mặt báo chính thống của Trung Quốc đã tăng nhiều bài viết giải thích và cảm nhận của người xem đối với bộ phim này. Có thể dự báo, những thảo luận xoay quanh vấn đề cải cách sẽ trở thành chủ đề nóng hổi nhất tại Đại hội XIX và thậm chí trên chính trường Trung Quốc sau Đại hội XIX.
Cùng chung nhận định với Đông phương, tờ Minh báo, nhật báo có quan điểm trung lập của Hong Kong nhận định, bộ phim chính luận chuyên đề 10 tập “Cải cách đến cùng” được phát sóng vào giờ vàng trên CCTV, đây chính là đáp án cho câu hỏi chủ đề của Đại hội XIX sắp tới là gì? Tin rằng, cải cách sẽ là chủ đề của Đại hội XIX. Theo đó, sau Đại hội XIX, “Quân nhà Tập” (chỉ thế lực chính trị của Tập Cận Bình) đã vào vị trí, phương châm cải cách của Tập Cận Bình sẽ dễ dàng được triển khai. Như vậy, xã hội Trung Quốc sẽ bước vào thời kỳ mới cải cách sâu rộng hơn, nhưng cũng đầy biến số.
Tờ Minh báo phân tích, 5 năm qua là 5 năm không bình thường trong lịch sử Trung Quốc. Tập Cận Bình lên nắm quyền đã đưa ra một loạt biện pháp cải cách và đã có được những thành tích khả quan. Nhưng xã hội Trung Quốc đã tích lũy quá nhiều mâu thuẫn tầng sâu, chỉ trong vòng 5 năm cải cách để giải quyết mọi vấn đề là chưa đủ, cần phải tiếp tục kiên trì phương hướng cải cách, kiên trì sức mạnh và quyết tâm cải cách. Chính vì vậy, đường lối chính trị tại Đại hội XIX sẽ vẫn lấy cải cách làm chủ đề. Minh báo dẫn lời chuyên gia bình luận thời sự chính trị Trung Quốc của Hong Kong Hạ Tiểu Cường (Xia Xiaoqiang) cho rằng sau khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình đã đưa ra hàng loạt biện pháp và chính sách cải cách, ví dụ như xóa bỏ chính sách cải tạo lao động, đưa ra phương châm “trị quốc theo pháp luật”; ra sức chống tham nhũng, xóa bỏ rào cản cải cách; thay đổi chính sách sinh đẻ có kế hoạch chỉ sinh một con; thúc đẩy cải cách chế độ hộ tịch; tiến hành cải cách quân đội, tuyên bố cắt giảm 300.000 quân; đề xướng văn hóa truyền thống; thực hiện ngoại giao phá cách, tổ chức cuộc gặp Tập Cận Bình - Mã Anh Cửu, v.v... tất cả những điều này đều cho thấy Tập Cận Bình đã phá vỡ khuôn khổ của ĐCS TQ, đi theo con đường của mình với dòng chính là cải cách. Đây chính là cơ sở để đưa ra nhận định, chủ đề của Đại hội XIX sắp tới sẽ là tiếp tục khơi sâu cải cách toàn diện.
Nguyệt san Nội bộ có trụ sở tại New York (Mỹ), bản tiếng Trung phát hành tại Hong Kong cho rằng sau khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình một mặt bắt tay vào thúc đẩy cải cách, mặt khác thông qua chống tham nhũng và điều chỉnh nhân sự cấp cao để triệt hạ hoặc gạt ra bên lề thế lực phái “Đoàn Thanh niên” của Hồ Cẩm Đào và phái “Thượng Hải” của Giang Trạch Dân, loại bỏ những rào cản và sự gây nhiễu đối với cải cách. Mặt khác, Tập Cận Bình không ngừng thay đổi cơ cấu quyền lực và hệ thống nội bộ của ĐCS TQ, khiến xã hội và cục diện chính trị Trung Quốc đang có những thay đổi chưa có tiền lệ trong lịch sử. Sự thay đổi này đều bắt nguồn từ quyết tâm cải cách của Tập Cận Bình nhằm thực hiện mục tiêu “hai 100 năm” và “Giấc mộng Trung Hoa”. Tuy nhiên, 5 năm cầm quyền mới chỉ đủ để Tập Cận Bình dọn đường cho phương châm cải cách của mình, còn những hành động cải cách lớn sẽ được thúc đẩy trong 5 năm tới. Chính vì thế, vấn đề chính trị trung tâm của Đại hội XIX sắp tới sẽ không ngoài tiếp tục cải cách. Có thể dự đoán, “tiếp tục kiên trì phương châm cải cách toàn diện, thúc đẩy toàn diện sự nghiệp vĩ đại chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” sẽ là chủ đề của Đại hội XIX, cũng là vấn đề trung tâm xuyên suốt Báo cáo chính trị mà Tập Cận Bình sẽ trình bày tại Đại hội XIX.
Nguyệt san Nội bộ dẫn lời chuyên gia kỳ cựu về vấn đề Trung Quốc, giáo sư trường Đại học The George Washington (The George Washington University/GWU) của Mỹ Thẩm Đại Vĩ (tên tiếng Anh: David Shambaugh) cho rằng cải cách chính trị của Trung Quốc đã là xu thế lớn, Tập Cận Bình kỳ vọng thông qua cải cách để thực hiện “Giấc mộng Trung Quốc”, phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa. Do vậy, không khó để dự đoán, chủ đề của Đại hội XIX sẽ không tách rời cải cách, trái lại, khơi sâu cải cách toàn diện sẽ là vấn đề chính trị trung tâm trong Báo cáo chính trị mà tập Cận Bình sẽ trình bày tại Đại hội XIX.
Liên quan đến chủ đề của Đại hội XIX, nguồn thạo tin nội bộ Trung Quốc cho biết kiên trì cải cách toàn diện sẽ là chủ đề của Đại hội XIX. Không chỉ bộ phim chuyên đề chính luận 10 tập “Cải cách đến cùng” phát sóng trên CCTV từ 17 - 26/7 vừa qua đã nói lên điều này mà thực tế cũng đã có lời giải. Theo nguồn thạo tin nội bộ Trung Quốc, trong 5 năm nắm quyền vừa qua, Tập Cận Bình đã đưa ra một loạt biện pháp cải cách, phá vỡ nhiều quy tắc ngầm của ĐCS TQ, trong đó điển hình là cải cách quân đội, thay đổi từ súng chỉ đạo Đảng sang Đảng chỉ huy súng, điều mà Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đều không dám làm. Nhìn nhận khách quan, biện pháp cải cách và thành tích chính trị 5 năm qua của Tập Cận Bình còn nhiều hơn cả 10 năm Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo nắm quyền. Tuy nhiên, Tập Cận Bình mới nắm quyền 5 năm, cải cách mới chỉ là khúc dạo đầu, tiếp tục phương hướng cải cách đã là nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. Chính vì thế, chủ đề của Đại hội XIX sẽ vẫn là cải cách và đường lối chính trị sẽ nhấn mạnh kiên trì cải cách toàn diện.
Hơn thế, một thời đại luôn có sứ mệnh lịch sử đi kèm, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Tập Cận Bình đều là những người chủ mở ra một thời đại mới. Cụ thể, thời đại Mao Trạch Đông giải quyết sứ mệnh người Trung Quốc đứng lên, Đặng Tiểu Bình giải quyết sứ mệnh người Trung Quốc giàu lên, còn Tập Cận Bình giải quyết sứ mệnh người Trung Quốc mạnh lên. Theo đó, tại Đại hội XIX xác định địa vị chính trị “Hạt nhân Tập” sánh ngang với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình là không nằm ngoài dự đoán của mọi người.
Hiện nay, nội bộ cấp cao Trung Quốc xuất hiện sự so sánh về địa vị chính trị và quyền uy của các lãnh đạo Trung Quốc, cụ như sau:
Mao Trạch Đông - địa vị chính trị là tối cao vô thượng. Xưng danh là “Bốn vĩ đại”, gồm: lãnh tụ vĩ đại, người thầy vĩ đại, thống soái vĩ đại và người cầm lái vĩ đại. Công trạng lớn nhất là tham gia thành lập ĐCSTQ, dẫn dắt ĐCSTQ thống nhất thiên hạ, thiết lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Sai lầm lớn nhất là thực hiện “Đại nhảy vọt”, chống cánh hữu và tiến hành Cách mạng Văn hóa.
Đặng Tiểu Bình - địa vị chính trị là hạt nhân lãnh đạo. Xưng danh là “tổng công trình sư cải cách mở cửa”. Công trạng lớn nhất là ổn định Trung Quốc và cải cách mở cửa. Sai lầm lớn nhất là trấn áp phong trào dân chủ tại Bắc Kinh ngày 4/6/1989.
Giang Trạch Dân - địa vị chính trị là hạt nhân lãnh đạo. Xưng danh là “Hạt nhân Giang”. Công trạng lớn nhất là dẫn dắt Trung Quốc thoát khỏi cục diện khó khăn sau sự kiện 4/6/1989. Sai lầm lớn nhất là mượn danh tấn công tà giáo mở rộng trấn áp tín đồ tôn giáo.
Hồ Cẩm Đào - địa vị chính trị là Tổng Bí thư Đảng. Xưng danh là Tổng Bí thư. Công trạng lớn nhất là duy trì kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh. Sai lầm lớn nhất là lo ngại thái quá cho ổn định, không có hành động đột phá.
Tập Cận Bình - địa vị chính trị là hạt nhân lãnh đạo. Xưng danh là nhà lãnh đạo toàn cầu đầu tiên của Trung Quốc, người thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”, người dẫn đường phục hưng dân tộc Trung Hoa, người cầm lái mới. Công trạng lớn nhất là chống tham nhũng, cải cách quân đội toàn diện, đưa ra chiến lược “Vành đai và con đường”. Sai lầm lớn nhất là Trung Quốc có thể sẽ quay lại con đường cũ độc tài chuyên chế và Cách mạng Văn hóa.
Theo sự so sánh trên, tại Đại hội XIX, việc xác định địa vị chính trị của Tập Cận Bình sánh ngang với Đặng Tiểu Bình là hoàn toàn có cơ sở, tạo nên quyền lực của Tập Cận Bình là “nhất ngôn cửu đỉnh”. Đây chính là bảo đảm “thép” cho phương châm cải cách sâu rộng của Tập Cận Bình được thực hiện triệt để.