kỹ năng, nghiệp vụ





GIỚI THIỆU MỘT SỐ TÁC PHẨM
CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
(Tài liệu sinh hoạt chi bộ, đoàn thể tại các cơ quan, đơn vị)
THEO TÀI LIỆU CỦA BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG
****************
Chuyên đề 1

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM ĐƯỜNG CÁCH MỆNH

I. TÁC PHẨM ĐƯỜNG CÁCH MỆNH (Trích)

Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong1).(LÊNIN)

   BỊ ÁP BỨC DÂN TỘC LIÊN HỢP HỘI
TUYÊN TRUYỀN BỘ ẤN HÀNH

TƯ CÁCH MỘT NGƯỜI CÁCH MỆNH
Tự mình phải:

Cần kiệm.
Hoà mà không tư.
Cả quyết sửa lỗi mình.
Cẩn thận mà không nhút nhát.
Hay hỏi.
Nhẫn nại (chịu khó).
    Hay nghiên cứu, xem xét.
Vị công vong tư.
Không hiếu danh, không kiêu ngạo.
Nói thì phải làm.
Giữ chủ nghĩa cho vững.
Hy sinh.
Ít lòng tham muốn về vật chất.
Bí mật.

Đối người phải:

Với từng người thì khoan thứ.
Với đoàn thể thì nghiêm.
Có lòng bày vẽ cho người.
Trực mà không táo bạo.
Hay xem xét người.

Làm việc phải:
Xem xét hoàn cảnh kỹ càng.
Quyết đoán.
Dũng cảm.
Phục tùng đoàn thể.

VÌ SAO PHẢI VIẾT SÁCH NÀY?

1. Phàm làm việc gì cũng vậy, bất kỳ lớn bé, bất kỳ khó dễ, nếu không ra sức thì chắc không thành công. Tục ngữ Tàu có câu: "Sư tử bắt thỏ tất dùng hết sức". Sư tử mạnh biết chừng nào, nếu bắt thỏ thì có khó gì, thế mà còn phải dùng hết sức, huống gì làm việc to tát như việc giải phóng gông cùm nô lệ cho đồng bào, cho nhân loại, nếu không hết sức thì làm sao được.

2. Lại nhiều người thấy khó thì ngã lòng, không hiểu rằng "nước chảy đá mòn" và "có công mài sắt có ngày nên kim". Việc gì khó cho mấy, quyết tâm làm thì làm chắc được, ít người làm không nổi, nhiều người đồng tâm hiệp lực mà làm thì phải nổi. Đời này làm chưa xong thì đời sau nối theo làm thì phải xong.

3. Muốn đồng tâm hiệp lực, muốn bền gan thì trước ai ai cũng phải hiểu rõ vì sao mà phải làm, vì sao mà không làm không được, vì sao mà ai ai cũng phải gánh một vai, vì sao phải làm ngay không nên người này ngồi chờ người khác. Có như thế mục đích mới đồng; mục đích có đồng, chí mới đồng; chí có đồng, tâm mới đồng; tâm đã đồng, lại phải biết cách làm thì làm mới chóng.

4. Lý luận và lịch sử cách mệnh có nhiều sách lắm. Pháp nó sợ, nên cấm chúng ta học, cấm chúng ta xem, cho nên đồng bào ta đối với hai chữ cách mệnh còn lờ mờ lắm. Có người biên chép đề xướng ra một chút lại làm một cách rất hồ đồ; hoặc xúi dân bạo động mà không bày cách tổ chức; hoặc làm cho dân quen tính ỷ lại, mà quên tính tự cường.

5. Mục đích sách này là để nói cho đồng bào ta biết rõ: (1) Vì sao chúng ta muốn sống thì phải cách mệnh. (2) Vì sao cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người. (3) Đem lịch sử cách mệnh các nước làm gương cho chúng ta soi. (4) Đem phong trào thế giới nói cho đồng bào ta rõ. (5) Ai là bạn ta? Ai là thù ta? (6) Cách mệnh thì phải làm thế nào?

6. Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ. Chắc có người sẽ chê rằng văn chương cụt quằn. Vâng! Đây nói việc gì thì nói rất giản tiện, mau mắn, chắc chắn như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ trang hoàng gì cả.

Hơn sáu mươi năm nay, đế quốc chủ nghĩa Pháp đạp trên đầu; hơn hai mươi triệu đồng bào hấp hối trong vòng tử địa. Phải kêu to, làm chóng để cứu lấy giống nòi, thì giờ đâu rảnh mà vẽ vời trau chuốt!

Sách này chỉ ước ao sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh.
Văn chương và hy vọng sách này chỉ ở trong hai chữ: Cách mệnh! Cách mệnh!! Cách mệnh!!!


II. BỐI CẢNH LỊCH SỬ RA ĐỜI, CHỦ ĐỀ TƯ TƯỞNG, KẾT CẤU CỦA TÁC PHẨM

1. Bối cảnh ra đời
Tác phẩm Đường cách mệnh được chuẩn bị vào những năm 1925 – 1926 và được xuất bản vào năm 1927. Đây là thời kỳ hoạt động đầy sôi nổi và hiệu quả của Nguyễn Ái Quốc.
Tháng 11 năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc). Tại đây, Người tập hợp những người Việt Nam yêu nước, thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Công việc đầu tiên Nguyễn Ái Quốc làm là mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Người vừa là giảng viên chính, vừa là người tổ chức và hướng dẫn lớp học. Thời gian từ năm 1925 đến năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức được ba lớp đào tạo với tổng số 75 học viên. Các bài giảng của Người là tài liệu chính cho học viên nghiên cứu, trao đổi.
Đầu năm 1927, các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại các lớp học ở Quảng Châu được bộ tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông tập hợp lại và xuất bản thành sách với tên gọi Đường cách mệnh. Sách có khổ 13 x 18cm, in trên giấy nến, kiểu chữ viết thường.
2. Chủ đề tư tưởng
Tư tưởng chủ đạo xuyên suốt của tác phẩm là giáo dục lý luận cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê nin, tổng kết thực tiễn phong trào cách mạng trong nước và quốc tế, cuốn sách đã trình bày một cách hệ thống những vấn đề cơ bản của lý luận cách mạng, làm cơ sở cho việc hoạch định đường lối cách mạng Việt Nam.
3. Kết cấu
Về mặt hình thức: Ngoài lời đề tựa, cuốn sách được phân chia theo từng vấn đề, số trang cũng được đánh theo từng vấn đề, không đánh liền cho cả cuốn sách. Trong tác phẩm này, Nguyễn Ái Quốc đã tập trung đề cập 15 vấn đề: (1)Tư cách một người cách mệnh; (2) Vì sao phải viết sách này? (3) Cách mệnh; (4) Lịch sử cách mệnh Mỹ; (5) Cách mệnh Pháp; (6) Lịch sử cách mệnh Nga; (7) Quốc tế; (8) Phụ nữ quốc tế; (9) Công nhân quốc tế; (10) Cộng sản thanh niên quốc tế; (11) Quốc tế giúp đỡ; (12) Quốc tế cứu tế đỏ; (13) Cách tổ chức công hội; (14) Tổ chức dân cày; (15) Hợp tác xã.
Về kết cấu nội dung: Tác phẩm được triển khai theo ba nội dung cơ bản: Những vấn đề lý luận cách mạng chung; tổng kết các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới, rút ra bài học cho cách mạng Việt Nam; xác định phương pháp tổ chức và hoạt động cách mạng.
III. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA TÁC PHẨM
1. Những vấn đề lý luận chung về cách mạng xã hội
Trên tờ bìa cuốn sách, ngay dưới tên sách là câu trích trong tác phẩm Làm gì? của V.I.Lê nin, khẳng định vai trò và tầm quan trọng của lý luận đối với sự phát triển của phong trào cách mạng nói chung: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động…Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong” (Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.2, tr.259)
Trong phần mở đầu cuốn sách, Nguyễn Ái Quốc nêu rõ: “Mục đích sách này là để nói cho đồng bào ta biết rõ: (1) Vì sao chúng ta muốn sống thì phải cách mệnh. (2) Vì sao cách mệnh là việc chung của cả dân chúng chứ không phải việc một hai người. (3) Đem lịch sử cách mệnh các nước làm gương cho chúng ta soi. (4) Đem phong trào thế giới nói cho đồng bào ta rõ. (5) Ai là bạn ta? Ai là thù ta? (6) Cách mệnh thì phải làm thế nào?” (Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.2, tr.261-262). Để rồi đạt đến mục đích cao nhất là: “đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh dậy rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh” (Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.2, tr.262).
Đường cách mệnh xác định chuẩn mực đạo đức của những người cách mạng, những người tham gia trực tiếp vào sự nghiệp gian khổ, hy sinh, nhưng vẻ vang của dân tộc. Ở đây, Hồ Chí Minh đã bước đầu thể hiện một quan niệm trở thành triết lý nhân sinh: Lý luận cách mạng hàm chứa các giá trị nhân văn cao cả; cách mạng là sự nghiệp hào hùng, oanh liệt, vẻ vang, người cách mạng phải có nhân cách, đạo đức và phẩm hạnh mới tiếp thu được tinh thần của lý luận, mới làm tròn nhiệm vụ cách mạng khó khăn.
Nguyễn Ái Quốc nêu ra 23 tiêu chuẩn, quy tụ trong ba mối quan hệ cơ bản của một con người.
(1) Đối với mình, có 14 tiêu chuẩn: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất. Bí mật.
(2) Đối với người, có 5 chuẩn mực: Với từng người thì khoan thứ. Với Đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người.
(3) Đối với công việc, có 4 tiêu chuẩn: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể.
Những phẩm chất này làm thành các giá trị về nhân cách con người, nhân cách làm người – một mẫu người mới đang định hình và xuất hiện trong phong trào cách mạng của dân tộc.
Tác phẩm giải quyết các vấn đề về nguyên nhân dẫn đến cách mạng, các loại cách mạng và vai trò của nó trong lịch sử.
Về Đảng chính trị, Đường cách mệnh xem đảng cách mệnh, đảng cộng sản là nhân tốc quyết định sự thành công của cách mệnh. Người viết: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam.
“Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê nin” (Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.2, tr.267).
Luận điểm này của Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định một vấn đề có tính nguyên tắc, đặt nền móng lâu dài cho công tác xây dựng đảng về tư tưởng – lý luận.
Đường cách mệnh chỉ rõ cách mạng là sự nghiệp của toàn dân tộc chứ không phải của một vài cá nhân. Lần đầu tiên trong tác phẩm này, Nguyễn Ái Quốc đã xác định khái niệm lực lượng cách mạng một cách đúng đắn, khoa học dựa vào tiêu chí “bị áp bức”: “ai mà bị áp bức càng nặng thì lòng cách mệnh càng bền, chí cách mệnh càng quyết” (Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.2, tr.268). Theo tiêu chí đó, Người xếp “công nông là gốc cách mệnh” (Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.2, tr.266), không chỉ họ chiếm số đông trong dân chúng mà cơ bản là họ bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất, tàn bạo nhất. Nguyễn Ái Quốc coi “học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ…là bầu bạn cách mệnh của công nông” (Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.2, tr.266). Những chỉ dẫn cơ bản này là nền tảng lý luận hình thành khối liên minh công nông và Mặt trận dân tộc thống nhất trong cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam.
Đường cách mệnh coi đoàn kết như một nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Theo Người, “An Nam dân tộc cách mệnh thành công thì tư bản Pháp yếu, tư bản Pháp yếu thì công nông Pháp là giai cấp cách mệnh cũng dễ. Và nếu công nông Pháp cách mệnh thành công, thì dân tộc An Nam sẽ được tự do” (Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.2, tr.266). Mối quan hệ đó chính là hai cánh của con chim cách mạng bay cao và bay xa.
2. Tổng kết kinh nghiệm các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới và rút ra bài học cho cách mạng Việt Nam
Đường cách mệnh giới thiệu tính chất, nội dung các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới, Cách mạng Mỹ 1776, Cách mạng Pháp 1789, lịch sử cách mạng Nga 1917. Từ sự phân tích tính chất, nội dung các cuộc cách mạng Mỹ, Pháp, Nguyễn Ái Quốc đi đến kết luận mang tính so sánh với tiến trình vận động lịch sử: Mặc dầu có ý nghĩa to lớn trong tiến trình phát triển của nhân loại, nhưng các cuộc cách mạng này vẫn là những cuộc cách mạng “không đến nơi”, không triệt để. Trong quan niệm của Người, chỉ có cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng triệt để.
Nguyễn Ái Quốc viết: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trên thế giới” (Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.2, tr.280).
Việc phân tích các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới, đối chiếu với nhu cầu khách quan của cách mạng Việt Nam là độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, Nguyễn Ái Quốc đã rút ra bài học lớn: Dân tộc ta phải đi theo con đường cách mạng vô sản, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
3. Phương pháp tổ chức hoạt động cách mạng
Đường cách mệnh giới thiệu công lao to lớn của Quốc tế I, Quốc tế II; phê phán đường lối phi mác xít của những người cơ hội trong Quốc tế II. Nguyễn Ái Quốc vạch rõ cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của phong trào cách mạng thế giới và để bảo đảm sự thắng lợi, cách mạng nước ta phải dựa vào Quốc tế III, tức Quốc tế Cộng sản.
Học tập kinh nghiệm của thế giới, tác phẩm hướng dẫn cách thức tổ chức, vận động quần chúng: Cách mạng Việt Nam phải tổ chức ra các đoàn thể quần chúng như công hội, nông hội, phụ nữ, thanh niên…theo đường lối của Cách mạng Tháng Mười Nga, của Quốc tế Cộng sản.
Một điều đặc biệt là trong tác phẩm Đường cách mệnh, Nguyễn Ái Quốc đã trình bày hoàn chỉnh lý luận về hợp tác xã như một hình thức tổ chức kinh tế - xã hội, có vai trò vận động quần chúng nông dân đứng lên làm cách mạng.
IV. GIÁ TRỊ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA TÁC PHẨM
1. Ý nghĩa lịch sử
- Tác phẩm Đường cách mệnh đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê nin vào Việt Nam những năm 20 của thế kỷ XX, trong việc kết hợp phong trào yêu nước với chủ nghĩa Mác – Lê nin tạo lập các tiền đề tư tưởng lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa xuân năm 1930.
- Góp phần khắc phục sự khủng hoảng về đường lối cứu nước của dân tộc; khẳng định rõ xu hướng lựa chọn con đường cách mạng Việt Nam, vừa thỏa mãn được các nhu cầu khách quan của đất nước, vừa phù hợp với xu thế của thời đại sau Cách mạng Tháng Mười Nga.
- Trở thành cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ cách mạng Việt Nam; tài liệu mẫu mực trong việc học tập, vận dụng chủ nghĩa Mác – Lê nin vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, nhất là trong những giai đoạn lịch sử có sự thay đổi mang tính chất bước ngoặt.
- Nhiều vấn đề có liên quan đến con đương cách mạng, xây dựng, tổ chức, đoàn kết các lực lượng cách mạng, về vai trò lãnh đạo của Đảng, công tác xây dựng Đảng vững mạnh, nhất là các chuẩn mực đạo đức của người cộng sản vẫn giữ nguyên tính thời sự trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay.
2. Giá trị lý luận
- Thông qua tác phẩm Đường cách mệnh, Nguyễn Ái Quốc – người cộng sản Việt Nam đầu tiên – đã trình bày những điều cốt lõi của học thuyết cách mạng Mác – Lê nin, phù hợp với một nước thuộc địa nửa phong kiến, nông nghiệp lạc hậu. Điều này khẳng định tính phổ biến của các nguyên lý của học thuyết Mác – Lê nin trên phạm vi toàn cầu, không chỉ ở châu Âu mà còn ở phương Đông, châu Á.
- Tác phẩm đánh dấu một giai đoạn mới trong nhận thức lý luận của Nguyễn Ái Quốc, góp phần phát triển sáng tạo nhiều vấn đề trong lý luận cách mạng Mác – Lê nin.
3. Giá trị thực tiễn và tính thời sự của tác phẩm đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay
Tác phẩm truyền tải nhiệt huyết cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần yêu nước, triệt để cách mạng của Người cho các thế hệ cán bộ, đảng viên ngày nay.
Nghiên cứu thật kỹ lưỡng tác phẩm sẽ tiếp tục làm sáng tỏ phương pháp cách mạng nói chung và phương pháp công tác tư tưởng nói riêng. Đó là, trước hết phải làm tốt công tác giáo dục lý luận cách mạng, sau đó phải tuyên truyền, vận động để biến thành hành động cách mạng.
Tác phẩm củng cố, vun đắp ý chí cách mạng, kiên trì đường lối cách mạng Việt Nam.
Tiếp tục khẳng định tư cách người cách mệnh; có lý tưởng, có đạo đức trong sáng , góp phần phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và các Nghị quyết Trung ương, đặc biệt Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
*******************************
Chuyên đề 2

GIỚI THIỆU TÁC PHẨM
NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG, QUÉT SẠCH CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN

I. TÁC PHẨM NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG, QUÉT SẠCH CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN
Nhân dân ta thường nói: đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là một lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ ta.
Trải qua 39 năm đấu tranh oanh liệt, làm cách mạng tháng 8 thành công, kháng chiến lần thứ nhất thắng lợi và ngày nay vừa chiến đấu chống Mỹ, cứu  nước, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, nhân dân ta tin tưởng rằng: Đảng ta lãnh đạo rất sáng suốt, đã đưa dân tộc ta tiến lên không ngừng từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong lịch sử đấu tranh của Đảng ta và trong mọi hoạt động hàng ngày, nhất là trên mặt trận chiến đấu và sản xuất, rất nhiều cán bộ, Đảng viên ta tỏ ra anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau và đã làm nên những thành tích rất vẻ vang.
Đảng ta đã đào tạo một thế hệ thanh niên cách mạng , gái cũng như trai, rất hăng hái, dũng cảm trong mọi công tác.
Đó là những bông hoa tươi thắm của chủ  nghĩa anh hùng cách mạng. Nhân dân ta và Đảng ta rất tự hào có những người con xứng đáng như thế.
Song bên cạnh những đồng chí tốt ấy, còn có một số ít cán bộ , đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém.
Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “ mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”.
Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi , thích địa vị quyền hành. Họ tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ.
Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân.
Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm.
Để làm cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là chiến sĩ cách mạng, Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ.
Mỗi cán bộ , đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết. Phải kiên quyết quét sách chủ nghĩa cá nhân , nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Phải sâu sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ.
Đó là một cách thiết thực để kỷ niệm ngày thành lập Đảng ta, Đảng vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân anh hùng của chúng ta. Đó cũng là một việc làm cần thiết để giúp tất cả cán bộ, đảng viên đều tiến bộ, góp sức nhiều hơn nữa cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước toàn thắng và xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công.

II. BỐI CẢNH RA ĐỜI CỦA TÁC PHẨM

1. Tình hình cách mạng Việt Nam vào thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm
Hồ Chí Minh là lãnh tụ cách mạng quan tâm nhiều nhất đến vấn đề nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân. Từ khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này. Trong di sản mà Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân có nhiều tác phẩm, bài nói, bài viết chỉ bàn về đạo đức cách mạng và mặt đối lập với đạo đức cách mạng là chủ nghĩa cá nhân (Chủ nghĩa cá nhân (1948); Cần, kiệm, liêm, chính (1949); Đạo đức công dân (tháng 1- 1955); Đạo đức cách mạng (tháng 6 – 1955); Đạo đức cách mạng (1958)…). Những tác phẩm, bài nói, bài viết bàn về nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân của Hồ Chí Minh được viết và cho công bố vào những thời điểm rất có ý nghĩa. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng, ngày 3-2-1969, báo Nhân dân đăng bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” của Hồ Chí Minh.
Vào đầu năm 1969, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang diễn ra quyết liệt. Đế quốc Mỹ đã thất bại trong thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc phải ngừng ném bom miền Bắc và chấp nhận đàm phán bốn bên về lập lại hòa bình ở Việt Nam tại Pa ri, nhưng chúng vẫn ngoan cố thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam. Miền Bắc, trong thời gian đó cần tranh thủ điều kiện tạm thời có hòa bình, thực hiện hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất, tăng cường chi viện cho tiền tuyến. Trong bối cảnh ấy, cần thiết phải tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, củng cố mặt trận tư tưởng, ngăn chặn xu hướng xả hơi sau nhiều năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Đầu năm 1969, nhân dịp toàn Đảng, toàn dân ta chuẩn bị kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng, lần kỷ niệm đầu tiên sau mấy năm chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân là nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Đây là bài viết sau cùng của Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng. Dù rất ngắn gọn, nhưng những luận điểm được Người đề cập trong tác phẩm này mang tính tổng kết thực tiễn; bổ sung, phát triển tư tưởng, lý luận về xây dựng Đảng nói chung, về đạo đức nói riêng.

2. Sự ra đời của tác phẩm
Nhận rõ tính cấp thiết của công tác tư tưởng chính trị ở thời điểm có ý nghĩa bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 25-1-1969, Bác cho mời đồng chí phụ trách Tuyên huấn của Đảng đến giao nhiệm vụ chuẩn bị bài viết nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng. Bác nói rõ mục đích, nội dung và nhấn mạnh yêu cầu: ngắn, gọn, tập trung vào chủ đề  “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng” (và đó cũng là tên bài báo).
Ngày 28-1-1969, Bác sửa lại bài viết, cho đánh máy thành nhiều bản gửi đến các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đề nghị tham gia ý kiến. Dưới hình thức tham gia một bài viết trong dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng, mỗi đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị có trong tay tài liệu mà ngay câu đầu là “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”.
Chiều 30 tháng Giêng, Bác cùng Văn phòng đọc lại ý kiến đóng góp của từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, bổ sung vào bản thảo, cho đưa đi đánh máy. Bác dặn đánh máy xong gửi lại để Bác sửa lần cuối.
Ba giờ rưỡi chiều ngày 1 tháng 2, đồng chí phụ trách Tuyên huấn sang gặp Bác, xin bản thảo chính thức để kịp gửi đăng báo.
Cầm bản thảo cuối cùng do Bác tự tay đánh máy, đối chiếu với bản thảo đầu do Ban Tuyên huấn chuẩn bị , đồng chí cán bộ Tuyên huấn gượng cười thưa với Bác:
- Bác chữa hết cả rồi còn đâu nữa ạ!
Bác mỉm cười độ lượng:
- Bác chữa nhưng vẫn còn giữ nguyên ý chính của bài là “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”. Cái đó là quan trọng nhất.
Đồng chí phụ trách tuyên huấn xin phép Bác cho sửa lại đầu đề bài báo, đưa vế “Nâng cao đạo đức cách mạng” lên trước vế “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân” với lý do là cán bộ, đảng viên ta nói chung là tốt, ưu điểm là cơ bản.
Bác quay sang hỏi ý kiến đồng chí Văn phòng:
- Ý kiến chú thế nào?
Đồng chí cán bộ Văn phòng nhất trí với ý kiến đồng chí phụ trách Tuyên huấn.
Bác Hồ im lặng suy nghĩ, cuối cùng Bác nói:
- Ý kiến của các chủ, Bác thấy cũng có lý. Nhưng Bác còn phân vân điều này, ví như gia đình các chú tiết kiệm mua sắm được bộ bàn ghế, giường tủ mới, vậy trước khi kê vào phòng, các chú có quét dọn nhà của sạch sẽ hay cứ để rác rưởi bẩn thỉu mà khiêng bàn, ghế, giường tủ vào?
Mọi người còn đang lúng túng chưa biết trả lời thế nào thì Bác đã nói:
- Vì cả hai chú đã đề nghị, là đa số, Bác đồng ý nhượng bộ, đổi lại tên đầu bài: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Nhưng ở trong bài thì dứt khoát phải để nguyên ý của Bác: “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”.
Lời dạy đó của Bác đến hôm nay chúng ta càng thấy vô cùng sâu sắc. Sau hơn 40 năm, lời dạy của Người vẫn là phương hướng phấn đấu đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hiện nay để “giữ gìn Đảng ta thật trong sạch” (Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.12, tr.510), để “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”  (Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.12, tr.510).
III. NHỮNG NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA TÁC PHẨM
Với bài viết chưa đến 700 chữ, Hồ Chí Minh tập trung nêu bật ba nội dung chủ yếu:
1. Những thành tựu cách mạng và tấm gương đạo đức trong cán bộ, đảng viên
Bài viết mở đầu bằng hai câu mang tính khẳng định: “Nhân dân ta thường nói: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là câu khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ ta”.
“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” là cách nói dân gian thể hiện tình cảm của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên phỏng theo luận điểm “Tiên thiên hạ ưu, hậu thiên hạ lạc”. Đó cũng là mong muốn mà Hồ Chí Minh thường căn dặn cán bộ, đảng viên. Trong tác phẩm, bài nói, bài viết của mình, Hồ Chí Minh nhiều lần đề cập đến luận điểm trên. Năm 1947, trong thư gửi các bạn thanh niên, Hồ Chí Minh đòi hỏi thanh niên, nhất là cán bộ đoàn, phải thực hiện cho được: “Các sự hy sinh khó nhọc thì mình làm trước người ta, còn sự sung sướng thanh nhàn thì mình nhường người ta hưởng trước (Tiên thiên hạ ưu, hậu thiên hạ lạc)” (Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.5, tr.185). Năm 1955, trong bài Đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh cho rằng đại đa số chiến sĩ cách mạng là những người có đạo đức, cả đời hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, sinh hoạt ngày thường thì gương mẫu, gian khổ, chất phác, nghĩa là: “Lo, thì trước thiên hạ; hưởng, thì sau thiên hạ” (Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.7, tr.568). Tháng 3 năm 1961 trong bài Xây dựng những con người chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh chỉ rõ, mỗi người phải ra sức góp công, góp sức để xây dựng chủ nghĩa xã hội, chớ nên “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau” mà phải “chí công, vô tư” và phải có tinh thần “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Hồ Chí Minh khẳng định: “Đó là đạo đức của người cộng sản” (Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.311).Tiếp đó, tháng 12 năm 1961, nói chuyện với những cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm ở Nghệ An, Hồ Chí Minh chỉ rõ, ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Sự khổ sở, khó khăn thì đảng viên ta đi trước, khi sướng thì đảng viên ta hưởng sau. Chắc các đồng chí đều hiểu câu: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” chứ không phải là “Tiên thiên hạ chi lạc nhi lạc, hậu thiên hạ chi ưu nhi ưu”.
Trong tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Hồ Chí Minh đã nêu lên những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam mà một trong những nguyên nhân tạo nên thắng lợi đó chính là sự gương mẫu, tận tụy của cán bộ, đảng viên, đi đầu lãnh đạo toàn dân thực hiện:
Một là, “làm Cách mạng Tháng Tám thành công”.
Về ý nghĩa thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Bác Hồ viết: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc” (Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.6, tr.150).
Hai là, “kháng chiến lần thứ nhất thắng lợi”, tức là thắng lợi của cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp xâm lượn (1945 – 1954).
Theo Hồ Chí Minh, với chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới” (Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.12).
Ba là, “Ngày nay vừa chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc”
Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Hai nhiệm vụ ấy đều nhằm một mục tiêu chung là: củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà trên nền tảng độc lập và dân chủ”. Thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ ấy là cuộc đấu tranh gay go, kịch liệt, lâu dài nhưng Hồ Chí Minh tin tưởng sâu sắc rằng đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta, nước Việt Nam nhất định sẽ thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội.
Hồ Chí Minh khẳng định, nhân tố quyết định tạo nên những thắng lợi to lớn đó là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam; là sự hy sinh, phấn đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Từ giữa những năm 20 của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì?”, Người trả lời: “Trước hết phải có đảng cách mệnh” (Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.2, tr.267). Trong tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng ta lãnh đạo rất sáng suốt đã đưa dân tộc ta tiến lên không ngừng từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Theo Hồ Chí Minh, những thắng lợi đó đã được tạo nên bởi nhiều cán bộ, đảng viên đã lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Người viết: “Trong lịch sử đấu tranh của Đảng và trong mọi hoạt động hằng ngày, nhất là trên mặt trận chiến đấu và sản xuất, rất nhiều cán bộ, đảng viên ta tỏ ra anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau và đã làm nên những thành tích rất vẻ vang
Trong Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Hồ Chí Minh không kể tên những cán bộ, đảng viên “gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau”. Tuy nhiên, nhiều lần Hồ Chí Minh đã nói trong Đảng ta có cả trăm nghìn cán bộ, đảng viên đã đặt lợi ích giai cấp, dân tộc lên trên hết, trước hết, đã sẵn sàng hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mạng mình cho Đảng, giai cấp, dân tộc, đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay. Những người được Hồ Chí Minh nhắc đến nhiều lần là Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ…Năm 1960, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Hồ Chí Minh nêu dẫn chứng điển hình về sự phấn đấu hy sinh của những đảng viên cấp cao: “Trong 31 đồng chí hiện nay là Ủy viên Trung ương ta trước ngày khởi nghĩa đã được đế quốc Pháp tặng cho 222 năm tù đày. Đó là không kể những án tử hình vắng mặt và những cuộc vượt ngục trước khi hết hạn ở tù”  (Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.3).
Hồ Chí Minh nhiều lần chỉ rõ: tuổi trẻ là mùa xuân của đất nước, thanh niên là đội hậu bị của Đảng, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một vấn đề chiến lược. Mùa xuân năm 1952, Hồ Chí Minh gửi thư chúc tết gần 100 thanh niên nam, nữ kiểu mẫu trên tất cả các lĩnh vực: bộ đội, dân công, công nhân, nông dân, sinh viên, trí thức…, trong đó người trẻ nhất 16 tuổi, người lớn nhất 30 tuổi (Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.6, tr.418 - 419). Trong tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Người viết: “Đảng ta đã đào tạo một thế hệ thanh niên cách mạng, gái cũng như trai, rất hăng hái, dũng cảm trong mọi công tác”. Những thanh niên gái, trai cách mạng được Hồ Chí Minh thường nhắc đến là Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý… Người tôn vinh “Đó là những bông hoa tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhân dân ta và Đảng ta rất tự hào có những con người xứng đáng như thế”.
2. Những tật bệnh bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, trong cán bộ, đảng viên
Mở đầu phần viết về thực trạng chủ nghĩa cá nhân, Hồ Chí Minh cho rằng, “bên cạnh những đồng chí tốt ấy, còn có một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém”, “mang nặng chủ nghĩa cá nhân”.
Trước đó, trong các tác phẩm, bài nói, bài viết của mình, Hồ Chí Minh thường sử dụng hai cụm từ có nội hàm cơ bản giống nhau là: chủ nghĩa cá nhân và cá nhân chủ nghĩa. Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh, đối tượng mà Người trình bày đặc trưng, bản chất và những biểu hiện chính của chủ nghĩa cá nhân. Khi trình bày quan niệm của mình về chủ nghĩa cá nhân, Hồ Chí Minh xuất phát từ thái độ, mối quan hệ giữa cá nhân với Tổ quốc, với chế độ, với nhân dân, với công việc, với các truyền thống tốt đẹp của dân tộc và chuẩn mực đạo đức cách mạng. Theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân là trái với đạo đức cách mạng, cái gì trái với đạo đức cách mạng đều là chủ nghĩa cá nhân. Trong mối quan hệ với chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh cho rằng: “Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội” (Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr.292).
Hồ Chí Minh thường căn dặn cách mạng và những người cách mạng phải chiến thắng ba kẻ thù:
- Chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc;
- Thói quen và truyền thống lạc hậu;
- Chủ nghĩa cá nhân (Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr.287).
Hồ Chí Minh gọi chủ nghĩa cá nhân là giặc nội xâm, kẻ địch ở bên trong.
Người so sánh: “Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra” (Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.5, tr.238 - 239). Vì vậy, tư tưởng nhất quán của Hồ Chí Minh là kiên quyết chống mọi kẻ thù. Đồng thời đấu tranh đến cùng để chống ngoại xâm với tinh thần “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi” (Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.12, tr.407), phải kiên quyết “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Người nhấn mạnh: chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, là bệnh chính, bệnh mẹ sinh ra trăm thứ bệnh nguy hiểm khác. Có thể nêu lên 10 loại bệnh nảy sinh từ chủ nghĩa cá nhân mà Hồ Chí Minh đã chỉ ra trong Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân và nhiều tác phẩm, bài nói, bài viết trước đó.
1. Bệnh quan liêu: Quan liêu là bệnh của những người và những cơ quan lãnh đạo xa rời thực tế, xa bộ đội, xa nhân dân, mất dân chủ. Các ông quan liêu khi được phân công phụ trách ở vùng nào, việc gì thì như một ông vua con, tha hồ hạch sách, hoạnh họe ở vùng ấy, lĩnh vực ấy. Đối với cấp trên thì xem thường, với cấp dưới cậy quyền lấn át, với quần chúng thì quan cách. Bệnh quan liêu để lại hậu quả nặng nề đối với Đảng, Nhà nước và xã hội, trước hết là tham ô, lãng phí. Do đó, muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí cần phải tiêu diệt bệnh quan liêu.
2. Bệnh tham lam: Những người mắc phải bệnh này đều đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”, chà đạp lên lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Do đó, họ “tự tư, tự lợi”, dùng của công làm việc tư, dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình, tham ô, hủ hóa, sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi.
3. Bệnh lười biếng: Tự cho mình cái gì cũng giỏi, việc gì cũng biết. Làm biếng học hỏi. làm biếng suy nghĩ. Ngại khó khăn, gian khổ. Việc dễ thì tranh lấy cho mình. Việc khó thì đùn cho người khác. Gặp việc nguy hiểm thì tìm cách trốn tránh.
4. Bệnh kiêu ngạo: Tự  cao, tự đại, hay lên mặt. Ưa người ta khen ngợi, tâng bốc mình. Ưa sai khiến người khác. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang, vênh váo, cho ai cũng không bằng mình. Không thèm học hỏi quần chúng, không muốn người khác phê bình mình. Việc gì cũng muốn làm thầy người khác.
5. Bệnh hiếu danh: Tham danh, trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại. Vì tham vọng đó mà việc không đáng cũng làm. Đến khi bị công kích, bị phê bình thì tinh thần lung lay. Những người đó chỉ biết lên mà không biết xuống. Chỉ chịu được sướng mà không chịu được khổ. Chỉ ham làm chủ tịch này, ủy viên nọ, chớ không ham công tác thiết thực.
6. Bệnh “hữu danh, vô thực”: Làm việc không thiết thực, không từ chỗ gốc, chỗ chính, không từ dưới làm lên. Làm cho có chuyện, làm lấy rồi. Làm được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ thì lại rỗng tuếch.
7. Bệnh cận thị: Không trông xa, thấy rộng. Những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chú những chuyện vụn vặt. Những người như vậy chỉ trông thấy sự lợi, hại nhỏ nhen mà không thấy sự lợi hại to lớn.
8. Bệnh tị nạnh: Cái gì cũng muốn “bình đẳng”, sinh ra hiểu lầm hai chữ “bình đẳng”. Không hiểu rằng người khỏe gánh nặng, người yếu gánh nhẹ. Người làm việc nặng thì phải ăn nhiều, người làm việc dễ thì ăn ít. Thế mới là bình đẳng.
9. Bệnh xu nịnh, a dua: Những người trước mặt thì ai cũng tốt, sau lưng thì ai cũng xấu. Thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi. Theo gió bẻ buồm, không có khí khái.
10. Bệnh kéo bè, kéo cánh: Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách gièm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. Từ đó đi đến bè phái, chia rẽ, mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Sự phân tích sâu sắc, chính xác của Hồ Chí Minh về những biểu hiện chính của chủ nghĩa cá nhân dưới dạng bệnh cho thấy hệ thống này đối lập với đạo đức cách mạng, có hại cho cách mạng. Trong Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Người viết: “Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm”.
Hiện nay, những tật bệnh bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân vẫn đang tồn tại trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, làm giảm sút niềm tin của nhân dân. Ôn lại những lời dạy của Hồ Chí Minh là cơ sở để cán bộ, đảng viên tự phê bình, phê bình dưới sự giám sát, góp ý của nhân dân.
3. Giải pháp nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân
Hồ Chí Minh khẳng định, đối lập với đạo đức cách mạng là chủ nghĩa cá nhân, do đó, nâng cao đạo đức cách mạng không thể tách rời với chống chủ nghĩa cá nhân, luôn luôn gắn xây với chống. Xây là để nâng cao đạo đức cách mạng, chống là hướng tới mục tiêu quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Hồ Chí Minh chủ trương: “Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng” và nâng cao đạo đức cách mạng để tăng sức mạnh chống chủ nghĩa cá nhân. Những giải pháp chủ yếu để nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân được Hồ Chí Minh đề cập sáng rõ trong bài viết.
a) Giải pháp từ phía Đảng
Cán bộ, đảng viên là những người của tổ chức. Do đó, Hồ Chí Minh đòi hỏi, để nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên, Đảng viên:
Thứ nhất, tăng cường giáo dục trong toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên.
Thực chất đây là giải pháp nhằm thiết lập nền tảng tư tưởng, lý luận, kim chỉ nam cho hành động, tạo dựng cái nền, cái gốc của toàn Đảng và với mỗi cán bộ, đảng viên. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, để làm tròn sứ mệnh của mình, mỗi đảng viên phải ra sức học tập chủ nghĩa Mác – Lê nin, củng cố lập trường giai cấp vô sản, cố gắng nắm vững những quy luật của cách mạng Việt Nam, phải luôn luôn nâng cao đạo đức cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân; bồi dưỡng chủ nghĩa tập thể của giai cấp vô sản, cần kiệm xây dựng nước nhà; một lòng, một dạ phấn đấu vì lợi ích tối cao của cách mạng và Tổ quốc.
Thứ hai, thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng.
Theo Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là vũ khí sắc bén trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đó là phương thuốc hay nhất, giúp cho toàn Đảng và mỗi đảng viên sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, tiến bộ không ngừng, ngày một mạnh thêm. Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như rửa mặt mỗi ngày. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh và Đảng sẽ khỏe mạnh vô cùng.
Nghiêm túc trong tự phê bình và phê bình, theo Hồ Chí Minh còn có nghĩa là:
- Tự phê bình và phê bình phải có tình đồng chí thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, thấu lý, đạt tình.
- Tự phê bình và phê bình phải ráo riết, triệt để , không nể nang, không thêm, không bớt, không dùng những lời mỉa mai, cay độc, châm chọc, phải vạch rõ những ưu điểm lẫn khuyết điểm, phê bình căn cứ vào việc làm chứ không suy diễn, quy kết.
Hồ Chí Minh căn dặn, khi tự phê bình và phê bình cấn phải đề phòng:
- Những cán bộ, đảng viên đầu cơ, lợi dụng phê bình để “đập cho tơi bời”, để đạt mục đích tự tư, tự lợi.
- Những cán bộ, đảng viên “dĩ hòa, vi quý”. Đó là những người miễn sao cho xong chuyện, không tự phê bình cũng chẳng phê bình ai.
- Những cán bộ cực đoan, máy móc, thái độ “đối với những người có khuyết điểm và sai lầm… như đối với hổ mang, thuồng luồng” (Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.5, tr.264).
Thứ ba, chế dộ sinh hoạt và kỷ luật đảng phải nghiêm minh. Theo Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản là tổ chức cao nhất, chặt chẽ nhất, là đội tiền phong của giai cấp công nhân và cả dân tộc. Do đó, chế độ sinh hoạt đảng từ chi bộ đến cấp cao phải nghiêm túc. Hồ Chí Minh rất coi trọng chi bộ đảng. Người cho rằng: “Chi bộ tốt, thì mọi việc đều tốt” (Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.532). Với người cộng sản, sự nghiêm minh, chặt chẽ không tách rời tinh thần tự nguyện, tự giác. Hồ Chí Minh viết: “Về kỷ luật, Đảng lao động Việt Nam phải có kỷ luật sắt, đồng thời là kỷ luật tự giác” (Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.6, tr.174). Người chỉ rõ, muốn nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân thì “Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ”.
b) Giải pháp từ phía cán bộ, đảng viên
Theo Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng mà phát triển và củng cố, cũng như ngọc cài mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Vì vậy, đòi hỏi mỗi người cán bộ, đảng viên phải bền bỉ trau dồi, hun đúc nâng cao đạo đức cách mạng. Trong Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Hồ Chí Minh chỉ rõ:
Thứ nhất, “mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, số đông cán bộ, đảng viên là những người có chức, có quyền, gắn liền với chức, quyền là danh và lợi. Do đó, đây là mối quan tâm, là vấn đề được Hồ Chí Minh trở đi, trở lại nhiều lần. Người căn dặn, Đảng là đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân, của toàn thể nhân dân lao động chứ không mưu cầu cho lợi ích của một nhóm người nào, một cá nhân nào. “Đảng viên là người thay mặt Đảng đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Vì vậy, lợi ích của người đảng viên phải ở trong chứ không thể ở ngoài lợi ích của Đảng ,của giai cấp. Đảng và giai cấp thắng lợi và thành cộng tức là đảng viên thắng lợi và thành công. Nếu rời khỏi Đảng và rời khỏi giai cấp, thì cá nhân dù tài giỏi mấy, cũng nhất định không làm nên việc gì”. Hồ Chí Minh khẳng định: “Đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Nếu khi lợi ích của Đảng và lợi ích của cá nhân mẫu thuẫn với nhau, thì lợi ích cá nhân phải tuyệt đối phục tùng lợi ích của Đảng” (Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr.289).
Thứ hai, “Phải đi sâu, đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân”.
Mối quan hệ Đảng – Dân luôn là một nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Dân chúng đồng lòng, việc gì làm cũng được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên” (Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.5, tr.293). Người nhận xét, trong đấu tranh giành chính quyền và trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, mối quan hệ Đảng – Dân gắn bó rất chặt chẽ; từ khi hòa bình lập lại, đi vào xây dựng đất nước thì cán bộ, đảng viên quan liêu, xa rời quần chúng có xu hướng tăng lên. Tháng 12 năm 1958, Hồ Chí Minh viết: “hiện nay, chủ nghĩa cá nhân đang ám ảnh một số đồng chí. Họ tự cho mình làm gì cũng giỏi, họ xa rời quần chúng, không muốn học hỏi quần chúng mà chỉ muốn làm thầy quần chúng”. Hồ Chí Minh phê phán những cán bộ, đảng viên xa rời thực tế, bắt quần chúng làm theo ý muốn, tư tưởng chủ quan của mình. Người gọi đó là những cán bộ, đảng viên làm việc theo cách “ “khoét chân cho vừa giày”. Chân là quần chúng. Giầy là cách tổ chức và làm việc của ta. Ai cũng đóng giày theo chân. Không ai đóng chân theo giày”. Người kết luận: “Đạo đức cách mạng là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng” (Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr.290).

IV. GIÁ TRỊ CỦA TÁC PHẨM
Mặc dù bài viết ra đời cách đây hơn 40 năm, nhưng những tư tưởng, quan điểm được Hồ Chí Minh nêu trong Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân vẫn giữ nguyên giá trị, luôn luôn được đặt trong chương trình nghị sự của Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ cách mạng và được quan tâm sâu sắc trong sự nghiệp đổi mới. Nghiên cứu, vận dụng tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh qua tác phẩm của Người, chúng ta cần nhận thức sâu sắc một số vấn đề sau đây:
Trước hết, Đảng ta phải thể hiện khả năng trí tuệ của mình, đề ra được đường lối đúng đắn, đưa cách mạng nước ta vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục tiến lên. Đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã thể hiện sự đúng đắn bằng những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua 25 năm đổi mới. Những thành  tựu đó cũng đã chứng minh các quan điểm do Hồ Chí Minh nêu lên từ năm 1960 “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Trong giai đoạn phát triển mới, đất nước ta có nhiều cơ hội mới, đồng thời cũng có nhiều khó khăn, thách thức. Đổi mới là sự nghiệp mới mẻ, chưa có tiền lệ. Cần phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo xuất phát từ thực tiễn Việt Nam để tiếp tục cụ thể hóa hơn nữa đường lối đổi mới, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Đảng phải “lãnh đạo rất sáng suốt đã đưa dân tộc ta tiến lên không ngừng từ thắng lợi này đến thắng lợi khác” như Hồ Chí Minh đã chỉ rõ trong tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân.
Hồ Chí Minh luôn luôn khẳng định cán bộ là gốc của mọi công việc, đạo đức là gốc của người cán bộ, muôn việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém. Trong nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chỉ nghĩa cá nhân, Hồ Chí Minh đánh giá, trong thực tế sản xuất và chiến đấu xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống Mỹ, cứu nước, “rất nhiều cán bộ, đảng viên ta tỏ ra anh dũng gương mẫu, gian khổ đi trước hưởng thụ đi sau”.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (tháng 12 năm 2011) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” tiếp tục khẳng định: “Từ khi thực hiện đường lối đổi mới, Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trên cơ sở đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt nhiều kết quả tích cực; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao; phương thức lãnh đạo của Đảng từng bước được đổi mới; vai trò lãnh đạo của Đảng được giữ vững, niềm tin của nhân dân với Đảng được củng cố; đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cấp đã có bước trưởng thành và tiến bộ về nhiều mặt. Đa số cán bộ, đảng viên có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng. Thành tựu 25 năm đổi mới là thành quả của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ, đảng viên”(Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2012, tr.21).
Trong giai đoạn cách mạng mới, đẩy nhanh sự phát triển của đất nước, rất cần sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, biết cách tổ chức quần chúng thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cán bộ nào, phong trào đó. Rõ ràng, trong giai đoạn hiện nay, việc quan tâm xây dựng, bồi dưỡng, giáo dục đội ngũ cán bộ có đầy đủ phẩm chất đạo đức, có năng lực sáng tạo, vừa hồng, vừa chuyên theo tư tưởng Hồ Chí Minh là rất quan trọng.
Tuy nhiên, Nghị quyết Trung ương 4 cũng đã chỉ rõ: “Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Nổi lên một số vấn đề cấp bách sau đây:
Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cụ bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Sđd, tr.21-22).
Thực trạng này đã được Hồ Chí Minh cảnh báo từ rất sớm, mà nguyên nhân, như Bác đã chỉ rõ, là do một bộ phận cán bộ, đảng viên “đang mang một ba lô chủ nghĩa cá nhân”. Vì vậy, học tập và làm theo những lời dạy của Hồ Chí Minh, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân càng trở nên quan trọng và cần thiết.
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống chính trị, trước hết là trong cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, công chức nhà nước phải bắt đầu từ phòng, chống chủ nghĩa cá nhân. Đây là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt để nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Những giải pháp từ phía các cơ quan đảng đến cán bộ, đảng viên được Hồ Chí Minh nêu ra trong tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân cách đây hơn 40 năm vẫn còn nguyên giá trị, vì đó là những giải pháp rất cơ bản và rất thiết thực, phải làm thường xuyên. Thực hiện những giải pháp này cần nhấn mạnh một luận điểm của Hồ Chí Minh, đó là, để biến chủ trương, chính sách thành hiện thực không chỉ cần giải pháp đúng là cần hơn là quyết tâm và dũng khí thực hiện giải pháp ấy. Các chuyên gia nghiên cứu chống tham nhũng trên thế giới đều khẳng định, chống tham nhũng trước hết không phải bắt đầu bằng “đạo luật sắt”mà phải bắt đầu bằng quyết tâm chính trị của người lãnh đạo; không chỉ bằng ‘bàn tay sắt”, mà trước hết phải bằng “bàn tay sạch”. Trong tổ chức lực lượng và tiến trình thực hiện cần tuân theo lời dạy của Hồ Chí Minh: “ Có chỉ tiêu kế hoạch rồi chưa đủ mà phải có biện pháp cụ thể, vững chắc, phải có tinh thần cố gắng rất cao để thực hiện bằng được kế hoạch đã đề ra. Chỉ tiêu kế hoạch một phần, biện pháp phải hai phần, cố gắng phải ba phần” (Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.261).
****************************
Chuyên đề 3
GIỚI THIỆU TÁC PHẨM
DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

I. DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
CÁC BẢN IN NGUYÊN VĂN BẢN THẢO DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
VIỆT NAM DÂN CHỦ CÔNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------------------
(Tuyệt đối bí mật )Nhân dịp mừng 75 tuổi
Người làm thơ rất nổi tiếng, ở Trung Quốc đời nhà Đường là cụ Đỗ Phủ có câu thơ rằng “nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Nghĩa là: Người thọ 70, xưa nay hiếm.
Nǎm nay, tôi đã 75 tuổi. Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn mạnh khỏe. Tuy vậy, tôi cũng đã là lớp người “xưa nay hiếm”.
Ai đoán biết tôi sẽ sống và phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng mấy năm mấy tháng nữa?
Vì vậy, tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi. Phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột.
Trước hết nói về Đảng - Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.
Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hằng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên".
Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.
Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều nǎm chiến tranh.
Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hǎng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng.
Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.
Còn non, còn nước, còn người,
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!
Dù khó khǎn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to - là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc.
Về phong trào cộng sản thế giới - là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hoà hiện nay giữa các đảng anh em!
Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình.
Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại.
*
* *
Về việc riêng - Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của nhân dân.
Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” dần dần sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất. Bao giờ ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn.
Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn. Gần Tam Đảo và Ba Vì như hình có nhiều đồi tốt. Trên mộ, nên xây 1 cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi.
Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt câu ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp.
Nếu tôi qua đời trước ngày nước ta được thống nhất, thì nên gửi một ít tro xương cho đồng bào miền Nam.
Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng.
Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn, và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế.
Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Hà nội, ngày 15 tháng 5 nǎm 1965
Hồ Chí Minh
Chứng kiến
Bí thư thứ nhất
Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Lê Duẩn
***************
Toàn văn Di chúc Bác sửa chữa năm 1968
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập, Tự do, Hạnh phúc
(Tuyệt đối bí mật)

Năm nay, tôi vừa 78 tuổi, vào lớp những người “trung thọ”. Tinh thần vẫn sáng suốt tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây. Người ta đến khi tuổi tác càng cao thì sức khỏe càng thấp. Đó là điều bình thường.
Nhưng không ai đoán biết được tôi sẽ sống và phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng mấy tháng, mấy năm nữa?
Vì vậy tôi viết sẵn và để lại mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột.
Về việc riêng
Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.
Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân.
Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn.
Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam.
Đồng bào mỗi miền nên chọn l quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây 1 ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi.
Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Việc săn sóc nên giao phó cho các cụ phụ lão.
Tháng 5-1968, khi xem lại thư này tôi thấy cần phải viết thêm mấy điểm không đi sâu vào chi tiết.
Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải ra sức làm là mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man. Đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn. Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm. Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi.
Đầu tiên là công việc đối với con người.
Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong..,), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.
Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.
Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét.
Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thăng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ.
Đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu, v.v.. thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện.
Trong bao năm kháng chiến chống Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất.
Ở đây nói về kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển công tác vệ sinh, y tế. Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập, nửa ngày lao động. Củng cố quốc phòng. Chuẩn bị mọi việc để thống nhất Tổ quốc...
Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.


Toàn văn bản Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh sửa chữa năm 1969

10-5-1969
Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.
Đó là một điều chắc chắn.
Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ, và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta.
Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.
Ông Đỗ Phủ là người làm thơ rất nổi tiếng ở Trung Quốc, đời nhà Đường, có câu rằng “nhân sinh thất thập cổ lai hy” nghĩa là “người thọ 70, xưa nay hiếm”.
Năm nay, tôi vừa 79 tuổi, đã là hạng người “xưa nay hiếm” nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt, tuy sức khỏe có kém so với vài năm trước đây. Khi người ta đã ngoại 70 xuân, thì tuổi tác càng cao, sức khỏe càng thấp. Điều đó cũng không có gì lạ.
Nhưng ai mà đoán biết tôi còn phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa?
Vì vậy tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột.
*******************
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
(công bố năm 1969)

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc-------------------------
Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.
Đó là một điều chắc chắn.
Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng, thǎm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta.
Kế theo đó, tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thǎm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp nǎm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.
*
* *
Ông Đỗ Phủ là người làm thơ rất nổi tiếng ở Trung Quốc đời nhà Đường, có câu rằng "Nhân sinh thất thập cổ lai hy", nghĩa là "Người thọ 70, xưa nay hiếm".
Nǎm nay, tôi vừa 79 tuổi, đã là lớp người "xưa nay hiếm" nhưng tinh thần, đầu óc vẫn rất sáng suốt, tuy sức khoẻ có kém so với vài nǎm trước đây. Khi người ta đã ngoài 70 xuân, thì tuổi tác càng cao, sức khoẻ càng thấp. Điều đó cũng không có gì lạ.
Nhưng ai mà đoán biết tôi còn phục vụ cách mạng, phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa?
Vì vậy, tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột.
TRƯỚC HẾT NÓI VỀ ĐẢNG - Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
ĐOÀN KẾT là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.
Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
ĐOÀN VIÊN THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hằng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên".
Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.
NHÂN DÂN LAO ĐỘNG ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều nǎm chiến tranh.
Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hǎng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng.
Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.
CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.
Còn non, còn nước, còn người, Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!
Dù khó khǎn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to - là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc.
VỀ PHONG TRÀO CỘNG SẢN THẾ GIỚI - là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hoà hiện nay giữa các đảng anh em!
Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình.
Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại.
*
* *
VỀ VIỆC RIÊNG - Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.
Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân.
*
* *
Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng.
Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế.
Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Hà nội, ngày 10 tháng 5 nǎm 1969
Hồ Chí Minh


II. HOÀN CẢNH RA ĐỜI CỦA TÁC PHẨM

Ngày 15-5-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Di chúc đầu tiên. Bản Di chúc này do Người tự đánh máy, gồm 3 trang, có chữ ký của Người và chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn, khi đó là Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đây là bản Di chúc hoàn chỉnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 1966, 1967 không có bản viết riêng, chỉ có hai bản bổ sung vào Di chúc năm 1965 do chính Hồ Chí Minh viết thêm ở phần nội dung Người viết về Đảng. Ở khổ văn thứ nhất của nội dung này, Người viết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân”. Đến đây, Người thêm các chữ “phục vụ Tổ quốc”. Ở khổ văn thứ ba trong nội dung viết về Đảng, Người viết: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng”. Đến đây, Người viết thêm câu: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” vào cuối khổ văn.
Năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bổ sung một đoạn gồm 6 trang viết tay. Năm 1969, vào ngày 10 -5, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lại toàn bộ phần mở đầu Di chúc gồm 1 trang viết tay.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố năm 1969, có đề ngày 10 – 5 gồm 4 trang in khổ 14,5 x 22cm. Bản Di chú này chủ yếu dựa vào bản Người viết năm 1965, trong đó có đoạn mở đầu là bản viết năm 1969, đoạn về việc riêng là phần đầu bản viết năm 1968.
Các bản thảo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI công bố năm 1989, vào dịp chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Người.
1. Về chủ quan
Đến năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự cảm nhận được sức khỏe của Người giảm sút so với những năm trước đó. Người cho rằng, ở tuổi 75, Người thuộc lớp người “xưa nay hiếm”. Tuy cảm thấy “Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn khỏe mạnh”, nhưng Người dự báo “Ai dám biết tôi sẽ sống và phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng được mấy năm mấy tháng nữa”. Rõ ràng, Hồ Chí Minh đã dự cảm được thời khắc quan trọng của thời gian còn lại.Từ dự cảm đó, Người viết: “Vì vậy, tôi để lại  mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi. Phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột”.
Đến năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh tự cảm thấy “sức khỏe có kém so với vài năm trước đây”. Chủ tịch Hồ Chí Minh bình tĩnh, chủ dộng nhận biết quy luật của tự nhiên khi Người viết: “Năm nay, tôi vừa 79 tuổi, đã là hạng người “xưa nay hiếm”…Khi người ta đã ngoại 70 xuân, thì tuổi tác càng cao, sức khỏe càng thấp. Điều đó cũng không có gì lạ”.
Vì vậy, Người đã chủ động viết Di chúc, để lại tình thương yêu và những lời căn dặn tâm huyết cho nhân dân ta, cho Đảng và bạn bè gần xa. Tuy sức khỏe giảm sút, nhưng ở Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nồng cháy một tình yêu lớn và tinh thần trách nhiệm cao với đồng chí, đồng bào, toàn dân tộc, với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới.
2. Về khách quan
Tháng 5-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết Di chúc. Đúng thời điểm này, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ở miền Nam nước ta bị thất bại hoàn toàn. Ngoan cố và liều lĩnh , đế quốc Mỹ đã ào ạt đưa quân Mỹ đổ bộ vào miền Nam, thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” hòng tiêu diệt bộ đội chủ lực của Quân giải phóng miền Nam, đồng thời mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ đánh phá hủy diệt miền Bắc.
Chủ tịch Hồ Chi Minh, Đảng và nhân dân ta không bất ngờ trước việc đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ở Việt Nam. Ngay tháng 3-1964, căn cứ điều 67 của Hiến pháp và trước âm mưu của đế quốc Mỹ đang đẩy mạnh và mở rộng chiến tranh xâm lược nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì Hội nghị chính trị đặc biệt tại Hà Nội. Người khẳng định: Nếu đế quốc Mỹ liều lĩnh đụng đến miền Bắc thì nhất định chúng sẽ bị thất bại thảm hại. Người kêu gọi đồng bào miền Bắc ra sức thi đua “mỗi người làm việc bằng hai để đền đáp cho đồng bào miền Nam ruột thịt” (Xem Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.11, tr.367). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt toàn dân thể hiện ý chí của toàn dân tộc ta sẵn sàng chiến đấu chống đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh để bảo vệ miền Bắc và chi viện tích cực cho cách mạng miền Nam. Đến tháng 3-1965, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III họp Hội nghị lần thứ 11 đã hạ quyết tâm: quyết chiến và quyết thắng đế quốc Mỹ xâm lược.
Cuộc chiến tranh cục bộ mà quân Mỹ là nòng cốt diễn ra ở miền Nam qua hai mùa khô 1965 – 1966, 1966 – 1967 và chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân Mỹ đã đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn. Trong thế thắng đó, Đảng ta chủ trương bồi một đòn chiến lược vào ý đồ xâm lược của đế quốc Mỹ.
Thực hiện chủ trương chiến lược này, Tết Mậu Thân năm 1968, ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên khắp chiến trường miền Nam. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công đã làm thất bại hoàn toàn chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, chấp nhận đàm phán với ta tại Pari. Tuy nhiên, do bản chất xâm lược và hiếu chiến, ngoan cố, chúng bắt đầu áp dụng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam.
Trên thế giới, phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào đấu tranh vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới và nhất là phong trào phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, ủng hộ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ.
Cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đến thời điểm đó, mặc dù còn nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng khả năng thắng lợi “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” đã thể hiện rõ. Trong bài thơ mừng Xuân 1969, Bác đã viết:
        “Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
        Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào,
Bắc – Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!”
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết trong thời điểm bản lề của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; cách mạng dù còn khó khăn, song đang trên đà thắng lợi, đòi hỏi sự đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu bền bỉ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân với niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng.

III. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
1. Hồ Chí Minh nói về cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược
Năm 1965, Hồ Chí Minh dự đoán: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa”.
Năm 1969, mở đầu Di chúc, Người viết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”.
Nhận định về thời gian “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài”, dự liệu “Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người”, nhưng Người khẳng định một quyết tâm lớn của Người và của cả dân tộc là: “Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn”. Từ quyết tâm đó, Người tin tưởng chắc rằng “Dù khó khăn, gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to – là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”.
Trong Di chúc, Hồ Chí Minh đã khẳng định một quan điểm, giành độc lập tự do của Tổ quốc là để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập và giàu mạnh. Người truyền niềm tin đó cho nhân dân qua câu thơ:
Còn non, còn nước, còn người
Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!
2. Lời dặn của Hồ Chí Minh về Đảng
Nói về Đảng là lời dặn đầu tiên của Hồ Chí Minh.
Người khẳng định: Vấn đề đoàn kết có tầm quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng. Đoàn kết là nguyên nhân thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những thắng lợi của cách mạng Việt Nam là do sự đoàn kết trong Đảng đem lại. Người viết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ” mà “Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
Người khẳng định, đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Người tâm huyết căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Để thực hiện đoàn kết, thống nhất trong Đảng, Hồ Chí Minh yêu cầu phải thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh. Người căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”. Theo Người, đó là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng.
Bằng chính tấm gương sáng ngời của đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tình cảm giai cấp và đồng chí trong Đảng, coi đó là một nhân tố quan trọng để đoàn kết trong Đảng. Người yêu cầu, trong Đảng “phải có tình đồng chí yêu thương lẫn nhau”.
Trong Di chúc, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh nhân tố đạo đức khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền. Theo Người, Đảng cầm quyền là bước chuyển trọng đại trong sinh hoạt Đảng. Đảng cầm quyền có sứ mạng lãnh đạo giai cấp và dân tộc xây dựng thành cộng xã hội mới – xã hội xã hội chủ nghĩa. Để hoàn thành sứ mạng đó, Đảng ta phải “là đạo đức, là văn minh”.
3. Về đoàn viên thanh niên
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho thế hệ trẻ Việt Nam tình yêu thương, sự quan tâm và niềm tin sâu sắc. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn viên, thanh niên là đội hậu bị của Đảng, là người chủ tương lai của đất nước. Trải qua thực tiễn cách mạng, Người nhận xét: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ”. Người nhấn mạnh, thế hệ trẻ mới là người xây dựng thành công xã hội mới ở Việt Nam. Để họ hoàn thành vai trò lịch sử của mình, Người yêu cầu “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên””.
4. Với nhân dân lao động
Chủ tịch Hồ Chí Minh có một tình cảm đặc biệt và niềm tin mãnh liệt vào nhân dân. Người nêu rõ: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra trách nhiệm to lớn của Đảng với nhân dân là “Đảng ta cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
5. Về phong trào cộng sản thế giới
Trước sự bất hòa đang tồn tại trong phong trào cộng sản quốc tế, Hồ Chí Minh rất day dứt. Với trách nhiệm của người cộng sản chân chính. Người tự sự: “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay của các đảng anh em”. Đó chính là một hình thức gián tiếp, Người gửi tới những người cộng sản chân chính trên thế giới quan điểm và trách nhiệm của mình vì sự đoàn kết quốc tế của những người cộng sản.
Với chủ nghĩa quốc tế trong sáng và phương pháp tư tưởng tuyệt vời, Hồ Chí Minh không bày tỏ “lời khuyên” hay sự nhận xét đúng sai với người này, người khác, mà Người xác định trách nhiệm của Đảng ta đối với sự bất hòa ấy. Trong Di chúc, Người viết: “Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực trong việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê nin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”. Người bày tỏ niềm tin “các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”.
6. Công việc sau chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược
Là một nhà chiến lược thiên tài, nắm vững quy luật và cục diện của cuộc khán chiến, Hồ Chí Minh tin tưởng chắc chắn rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhất định sẽ thắng lợi. Trong thời điểm viết Di chúc, dù khẳng định cuộc kháng chiến “còn kéo dài”, Hồ Chí Minh đã nhìn xa đến các nhiệm vụ sau khi kháng chiến thắng lợi. Người căn dặn các công việc phải làm sau chiến tranh để đạt mục tiêu phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân ta là:
Ngay sau khi kháng chiến thắng lợi, công việc đầu tiên mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải ra sức làm là hàn gắn vết thương chiến tranh nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra. Theo Người, đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn. Người đề nghị Đảng ta phải có “kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm”.
Để hoàn thành nhiệm vụ to lớn đó, theo Hồ Chí Minh “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân”. Người khẳng định “Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.
Với niềm tin vào nhân dân, vào con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đầu tiên là công việc đối với con người”. Người căn dặn Đảng và Nhà nước phải quan tâm tới mọi đối tượng trong xã hội, không quên bất cứ ai. Sự quan tâm của Người thể hiện tình thương yêu bao la của Người với mọi tầng lớp nhân dân. Hồ Chí Minh dặn lại:
Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.
Đối với các liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò: mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia tưởng niện ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.
Đối với cha mẹ, vợ con của thương binh, liệt sĩ mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét.
Với những người trẻ tuổi tham gia bộ đội, thanh niên xung phong là những người đã được rèn luyện trong chiến đấu, có lòng dũng cảm và tương lai của họ còn dài, Hồ Chí Minh căn dặn Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cử họ đi học thêm các ngành, các nghề, đào tạo họ thành những người có chuyên môn giỏi, có tư tưởng tốt và lập trường lập trường vững chắc. Người cho rằng, họ sẽ là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đảng ta phải tiếp tục thực hiện sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Người đánh giá cao công lao của phụ nữ trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Đất nước hòa bình, cần thực hiện hai điều để tiếp tục giải phóng phụ nữ:
- Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ phụ nữ, để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả việc lãnh đạo.
- Đồng thời, bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên.
Theo Người, thực hiện được hai điều này là “một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.
Với nông dân, lực lượng cách mạng đông đảo nhất, Hồ Chí Minh khẳng định: Nông dân nước ta luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta. Trong cách mạng cũng như trong kháng chiến, nông dân ta ra sức góp của, góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ. Người đề nghị Chính phủ, khi sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước toàn thắng hãy “miễm thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”.
Với những người trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu… Hồ Chí Minh coi đó là nạn nhân của chế độ xã hội cũ. Bởi vậy, Nhà nước phải vừa giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp đỡ họ trở nên những người lao động lương thiện.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đó là những nhiệm vụ phải thực hiện sau chiến tranh; là những công việc rất to lớn, nặng nề, phức tạp, nhưng cũng rất vẻ vang. Theo Người, công việc này là cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những cái cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Người nhắn nhủ, để giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu này phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.
7. Về việc riêng
Cuối Di chúc, Hồ Chí Minh mới đề cập đến “việc riêng”, những nghi thức sau khi Người về với “thế giới người hiền”, qua đó thể hiện rõ những phẩm chất đạo đức vô cùng cao quý.
Người đề nghị, “chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”.
Người đề nghị hỏa táng thi hài bởi như thế vừa “tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất” và căn dặn “Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn”, “Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm”. “Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”.
Người có tâm nguyện “gửi một ít tro xương cho đồng bào miền Nam”. Năm 1968, Người bổ sung thêm: “Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc, một hộp cho miền Trung, một hộp cho miền Nam. Đồng bào mỗi miền nên chọn một quả đồi mà chôn hộp tro đó”.
8. Về lời vĩnh biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh cuối Di chúc
Những dòng cuối Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói lời vĩnh biệt, thể hiện tình yêu thương bao la và khát vọng của mình.
Trước hết, Người “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”.
Tiếp đó, Người “gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”.
Cuối cùng, Người thể hiện mong muốn tột cùng, mục đích sống và mục tiêu phấn đấu suốt cuộc đời mình, đó là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
IV. GIÁ TRỊ CỦA TÁC PHẨM
1. Giá trị tư tưởng
Giá trị tư tưởng của tác phẩm chính là sự tổng kết toàn bộ tinh thần, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm nền tảng kim chỉ nam cho sự phát triển cách mạng Việt Nam
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là chúc thư của một lãnh tụ thiên tài, một nhà cách mạng lỗi lạc có tầm nhìn xa, trông rộng, một chiến sĩ cộng sản suốt đời yêu thương, trân trọng con người phấn đấu hy sinh vì tự do, hạnh phúc của con người. Những tư tưởng lớn, những phẩm chất đạo đức  trong sáng tuyệt vời và chủ nghĩa nhân văn cộng sản tỏa sáng từ Di chúc lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là nguồn sức mạnh tinh thần dẫn dắt toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trên con đường xây dựng Tổ quốc Việt Nam  theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
2. Giá trị thực tiễn
Tác phẩm định hướng cho toàn Đảng, toàn dân ta đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn và xây dựng, phát triển đất nước trong tương lai.
Khẳng định tầm quan trọng của nhân tố đạo đức đối với Đảng cầm quyền, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Đối với công tác quán triệt, triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn sức mạnh, nguồn động viên tinh thần to lớn đối với mỗi cán bộ, đảng viên tự giác tham gia tự phê bình và phê bình, nêu cao ý thức trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của mình trước Đảng, trước nhân dân.

 ****************

QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ VIẾT HOA TRONG VĂN BẢN CỦA CHÍNH PHỦ
VÀ VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 09/1998/QĐ-VPCP,

ngày 22 tháng 11 năm 1998 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ)
I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Viết hoa trong văn bản của Chính phủ và Văn phòng Chính phủ phải bảo đảm các yêu cầu sau:
- Đúng với ngữ pháp và chính tả tiếng Việt phổ thông,
- Theo cách viết thông dụng trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước đang được đa số các cơ quan và các nhà ngôn ngữ học tiếng Việt chấp nhận,
- Giảm tối đa các chữ viết hoa,
Thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác văn bản.

Điều 2. Viết hoa trong văn bản của Chính phủ và Văn phòng Chính phủ phải đúng với cách viết thông dụng trong ngữ pháp, chính tả tiếng Việt: viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết:
- Đầu câu: tiêu đề, lời nói đầu, các chương, mục, điều, kết luận, … của văn bản.
- Đầu câu sau dấu chấm hỏi (?), dấu chấm than (!);
- Đầu dòng sau dấu chấm (.), dấu chấm phẩy (;) …. xuống dòng (như trường hợp các căn cứ để ra nghị định, quyết định,….);
- Đầu trong dấu hai chấm mở, đóng ngoặc kép: “….” (đoạn trích đầy đủ nguyên văn câu của tác giả, tác phẩm);
- Chỉ địa danh, chỉ tên người;
- Chỉ tên riêng của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức kinh tế, xã hội;
- Chỉ chức danh của Đảng, Nhà nước, quân đội, tổ chức kinh tế, xã hội;
- Chỉ các danh hiệu cao quý;
- Chỉ các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn, các hoạt động xã hội, các sinh hoạt nghi lễ trong cộng đồng;
- Chỉ tên các văn kiện của Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị xã hội và các tổ chức quốc tế.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Viết hoa danh từ riêng chỉ tên người.
1. Đối với danh từ riêng chỉ tên người Việt Nam: viết hoa tất cả chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành tên riêng.
Ví dụ:
- Tên Nam: Hồ Chí Minh, Hoàng Văn Thụ,
- Tên nữ:
+ Không có từ đệm : Nguyễn Thị Chiên, Mạc Thị Bưởi,
+ Có từ đệm: Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Thị Hồng Gấm.
2. Đối với danh từ riêng chỉ tên người nước ngoài đã được phiên âm ra tiếng Việt (đọc theo âm tiếng Việt): viết hoa chữ cái đầu theo âm tiếng Việt đối với các âm tiết tạo thành tên riêng, giữa các âm tiết có gạch nối ngắn.
Ví dụ:
- Phơ-ri-đơ-rích Ăng-ghen, V.I Lê-nin;
- Ác-kim-mê-đét (Ác-si-mét) – 287 – 212 tr. CN;
Điều 4. Viết hoa danh từ riêng chỉ địa danh.
1. Đối với danh từ riêng chỉ địa danh Việt Nam: viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành tên riêng.
Ví dụ:
- Việt Nam, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Bình Định, Cao Bằng, Thừa Thiên – Huế …
2. Đối với danh từ riêng chỉ địa danh nước ngoài.
a) Danh từ riêng chỉ địa danh nước ngoài đã phiên âm theo tiếng Việt (đọc theo âm tiếng Việt): viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên riêng, giữa các âm tiết có gạch nối ngắn.
Ví dụ:
- Mát-xcơ-va, Ác-hen-ti-na, Áp-ga-ni-xtan, Xu-đăng, Li-băng, Pa-le-xtin, In-đô-nê-xi-a, I-ta-li-a, Crô-a-ti-a, Tat-gi-ki-xtan, U-dơ-bê-ki-xtan, U-gan-đa, Ma-lai-xi-a, Căm-pu-chi-a, Ru-ma-ni-a, Phi-lip-pin,…
b) Đối với danh từ riêng đã phiên theo âm Hán – Việt: viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành tên riêng, giữa các âm tiết không có gạch nối.
Ví dụ:
- Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Ba Lan, Bắc Kinh, Luân Đôn, Bình Nhưỡng, Nga, Pháp…
Điều 5. Viết hoa các danh từ chỉ phương hướng mang ý nghĩa định danh: viết hoa chữ cái đầu của âm tiết chỉ phương hướng và của âm tiết chỉ địa danh, giữa các âm tiết không có gạch nối.
Ví dụ:
- Phía Bắc, phía Nam, phía Đông, phía Tây Việt Nam;
- Các tỉnh, thành phố phía Bắc Việt Nam;
- Các tỉnh, thành phố phía Nam Việt Nam;
- Khu vực miền Bắc, Trung, Nam Bộ;
- Các nước Đông Âu, Tây Bắc Âu, các nước Đông Nam Á,…
Điều 6. Viết hoa tên riêng các cơ quan của Đảng, Nhà nước và tổ chức xã hội.
1. Tên riêng các cơ quan Trung ương Đảng, tổ chức xã hội: viết hoa chữ cái đầu của các từ tạo thành tên riêng như trong Điều lệ, các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam.
(Phụ lục I)
a) Tên các cơ quan của Trung ương Đảng (theo Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam):
Ví dụ:
- Đảng Cộng sản Việt Nam;
- Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc;
- Cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương (Điều 9, trang 17, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam);
- Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị; bầu Tổng Bí thư trong số Ủy viên Bộ Chính trị; bầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương; bầu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong số Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương (Điều 17, trang 27);
- Số lượng Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương do Ban Chấp hành Trung ương quyết định (Điều 17, trong 27, 28);
- Bộ Chính trị cử Thường vụ Bộ Chính trị,…
b) Tên riêng của các Ban thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam: viết hoa chữ cái đầu trong tổ hợp từ dùng làm tên của các cơ quan đó.
Ví dụ:
- Ban Tổ chức Trung ương,
- Ủy ban Kiểm tra Trung ương,
- Ban Đối ngoại Trung ương,
- Ban Tài chính – Quản trị Trung ương,
- Ban Kinh tế Trung ương,
- Ban Tư tưởng -  Văn hóa Trung ương …
c) Tên riêng của các tổ chức đảng ở địa phương và của một số tổ chức đảng trong lực lượng vũ trang, an ninh:
Ví dụ:
- Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Hà Tây, thành phố Hải Phòng;
- Tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam theo quy định tại Chương VI (Điều 10, trang 18, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam);
- Đảng ủy Quân sự Trung ương (gọi tắt là Quân ủy Trung ương), Tổng cục Chính trị (Điều 26, trang 41);
- Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân đảm nhận công tác đảng, công tác chính trị và công tác quần chúng trong các đơn vị thuộc Đảng bộ Công an, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Công an Trung ương (Điều 28, trang 44),…
2. Tên riêng của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ: viết hoa chữ cái đầu của âm tiết đầu tiên và các âm tiết chỉ chức năng tạo thành tên riêng của các cơ quan như đã viết trong Hiến pháp, các Bộ luật và các văn bản của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
a) Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Ví dụ:


- Chủ tịch nước
– Phó Chủ tịch nước
- Hội đồng Quốc phòng và An ninh
– Văn phòng Chủ tịch nước


b) Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Ví dụ:


- Quốc hội;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Hội đồng dân tộc;


- Các Ủy ban của Quốc hội: Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Quốc phòng và An ninh; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; Ủy ban Kinh tế và Ngân sách; Ủy ban về các vấn đề xã hội; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Ủy ban Đối ngoại,…
c) Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
- Chính phủ,
- Thủ tướng (Phó Thủ tướng) Chính phủ,
- Tên riêng của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tổ chức kinh tế: viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết đầu trong tổ hợp từ tạo thành tên riêng của các cơ quan đó (Quyết định số 01/QĐ-CTN, ngày 01 tháng 10 năm 1997 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – căn cứ vào Nghị quyết số 03 NQ/1997/QH10 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa X, Kỳ họp thứ nhất, ngày 20-9-1997 đến 29-9-1997 phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ).
(Phụ lục II)
d) Tên riêng của cơ quan chính quyền ở địa phương (tỉnh, thành phố, huyện, quận, phường, xã): viết hoa các chữ cái đầu của âm tiết đầu trong tổ hợp từ tạo thành tên riêng của cơ quan đó theo đúng như các văn bản của Nhà nước đã ban hành.
(Phụ lục III)
Ví dụ:
- Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên;
- Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội;
- Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội;
- Ủy ban nhân dân quận Ba Đình, thành phố Hà Nội;
- Ủy ban nhân dân xã X, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội;
- Ủy ban nhân dân phường Văn Chương, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, …
đ) Tên riêng của các trường học thuộc hệ thống giáo dục và đào tạo, các tổ chức kinh tế …: chỉ viết hoa chữ cái đầu tiên của âm tiết thứ nhất, âm tiết chỉ cấp, chức năng đào tạo và âm tiết chỉ biệt hiệu tạo thành tên riêng đó.
Ví dụ:
Tên riêng của các trường:
- Trường Đại học Bách khoa Hà Nội;
- Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh;
- Trường Đại học Kinh tế quốc dân;
- Trường Đại học Thương mại;
- Trường Đại học Sư phạm Hà Nội;
- Trường Cao đẳng (hoặc Trung học) Sư phạm (hay Kinh tế, Thương mại, Y tế, Ngân hàng, Tài chính …) Hà Nội (hoặc tỉnh khác);
- Trường Phổ thông Trung học Chu Văn An Hà Nội;
- Trường Phổ thông Cơ sở Phương Mai Hà Nội…
Tên riêng của các tổ chức kinh tế:
- Công ty Giống cây trồng;
- Công ty Chăn nuôi gia súc;
- Tổng Công ty Sữa;
- Tổng Công ty Thép;
- Nhà máy Cao su Sao Vàng Hà Nội,…
3. Tên riêng của các tổ chức xã hội: viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất và của các âm tiết chỉ tính chất, chức năng, nhiệm vụ tạo thành tên riêng của tổ chức đó.
Ví dụ:
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
- Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
4. Danh từ chung đứng trước tên riêng của người, địa danh đặc trưng, được tôn kính: viết hoa chữ cái đầu của danh từ chung đó.
a) Tên một lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Chính phủ trong nước cũng như ngoài nước, thể hiện sự trân trọng, lịch sự, tôn kính.
Ví dụ:
- Bác Hồ, Cha già dân tộc;
- Bác Hồ, Người là bậc đại trí, đại nhân;
- Bác Hồ, Người là niềm tin tất thắng…
b) Tên một địa danh mang tính đặc trưng, tính lịch sử và cá biệt:
Ví dụ:
- Thủ đô Hà Nội, Kinh thành Thăng Long, Kinh đô Huế, Tổ quốc Việt Nam, Đất tổ Hùng Vương.
5. Tên các tổ chức quốc tế viết đầy đủ và viết tắt
(Phụ lục IV)
a) Tên của một tổ chức quốc tế viết thông dụng:
- Viết đầy đủ tên tiếng Việt bằng chữ thường: viết hoa như ở khoản 2, Điều 6 của Quy định này,
- Viết đầy đủ tên tiếng Anh bằng chữ thường sau tên tiếng Việt,
- Viết tắt tên tiếng Anh bằng chữ in hoa trong dấu ngoặc đơn (…) tiếp liền sau tên tiếng Anh.
Ví dụ:
- Liên hợp quốc (LHQ) – United Nations (UN),
- Hiệp hội các nước Đông-Nam Á-Association of South East Asian Nations (ASEAN),
- Tổng sản lượng quốc gia-Gross National Product (GNP),
- Tổng sản lượng nội địa-General Domestic Product (GDP),
- Quĩ tiền tệ Quốc tế-International Monetary Fund (IMF),
- Tổ chức Bắc Đại Tây Dương-North Atlantic Treaty Organization (NATO),
- Khu vực mậu dịch tự do-Free Trade Area (FTA),
- Tổ chức LHQ về lương thực và nông nghiệp-Food and Agriculture (FAO),
- Ngân hàng Phát triển châu Á – ASEAN Development Bank (ADB),
b) Tên của một tổ chức quốc tế viết tắt trong văn bản tiếng Việt:
- Ở câu đầu viết đầy đủ tên tiếng Việt bằng chữ thường, kèm theo tên tiếng Anh viết tắt bằng chữ in hoa trong dấu ngoặc đơn (…): giải thích nội dung khái niệm,…
- Ở các câu tiếp theo: chỉ viết chữ tắt, không viết lại tên đầy đủ.
(Phụ lục IV)
Ví dụ:
Điều 1. Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao” (viết tắt theo tiếng Anh là BOT) là văn bản ký kết giữa…
2. “Hợp đồng xây dựng – chuyển giao – kinh doanh” (viết tắt theo tiếng Anh là BTO) là văn bản…
3. “Hợp đồng xây dựng – chuyển giao (viết tắt theo tiếng Anh là BT) là văn bản….
Điều 2. …
1. Chính phủ Việt Nam khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư theo Hợp đồng BOT, BTO, BT trong lĩnh vực giao thông, sản xuất, và kinh doanh điện, cấp thoát nước, xử lý chất thải và các lĩnh vực khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
2. Chính phủ Việt Nam
3. Chính phủ Việt Nam dành ưu đãi cho doanh nghiệp BOT…
(Quy chế đầu tư theo Hợp đồng xây dựng – chuyển giao – kinh doanh và Hợp đồng xây dựng – chuyển giao áp dụng cho đầu tư nước ngoài tại Việt Nam – Ban hành kèm theo Nghị định số 62/1998/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 1998 của Chính phủ).
Điều 7. Viết hoa chức danh của Đảng và Nhà nước.
1. Chức danh trọng yếu của Đảng, Nhà nước: viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất (tên riêng các cơ quan, các Ban… của Đảng: viết như tại khoản 1, Điều 6 của Quy định này).
Ví dụ:
- Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương (T.Ư) Đảng Cộng sản Việt Nam;
- Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương (Đồng chí…., Cố vấn Ban Chấp hành T.Ư);
- Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị;
- Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng;
- Ủy viên Trung ương Đảng;
- Chủ tịch (Phó Chủ tịch) Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Chủ tịch (Phó Chủ tịch) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Thủ tướng (Phó Thủ tướng) Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Chức danh Trưởng (Phó) Ban, Chủ nhiệm (Phó Chủ nhiệm) Ủy ban, Bộ trưởng (Thứ trưởng) các Bộ, Thủ thưởng các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch (Phó Chủ tịch) UBND, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất và của các âm tiết chỉ tên riêng bộ phận tùy thuộc.
Ví dụ:
- Bộ trưởng (Thứ trưởng) Bộ Quốc phòng;
- Trưởng (Phó trưởng) Ban Tổ chức Trung ương;
- Trưởng (Phó trưởng) Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ;
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm (Phó Chủ nhiệm) Văn phòng Chính phủ;
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm (Phó Chủ nhiệm) Ủy ban Dân tộc và Miền núi;
- Chủ tịch (Phó Chủ tịch) Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu;
- Chủ tịch (Phó Chủ tịch) Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau.
3. Tên cấp bậc, chức vụ trong quân đội: viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết chỉ tên riêng, cấp bậc, chức vụ và đơn vị tùy thuộc.
Ví dụ:
- Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị;
- Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 2;
- Trung tướng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân.
4. Các chức danh khác của các cơ quan Đảng và Nhà nước: viết hoa chữ cái đầu của âm tiết chỉ chức vụ.
Ví dụ:
- Bí thư (Phó Bí thư) Tỉnh ủy Hà Nam;
- Giám đốc (Phó Giám đốc) Sở Tài chính Hà Tây;
- Giám đốc (Phó Giám đốc) Nhà máy Dệt Nam Định;
- Tổng giám đốc (Phó Tổng giám đốc) Tổng công ty Thép Việt Nam;
- Hiệu trưởng (Phó Hiệu trưởng) Trường Đại học Y khoa Hà Nội,…
5. Tên danh hiệu, giải thưởng cao quý, học hàm, học vị khoa học.
- Tên danh hiệu, giải thưởng cao quí: viết hoa chữ cái đầu của âm tiết đầu và âm tiết của từ chỉ danh hiệu.
Ví dụ:


- Anh hùng Lao động,
- Anh hùng Lực lượng vũ trang,
- Huân chương Sao vàng,
- Huân chương Độc lập,
- Nghệ sĩ Nhân dân,
- Nhà giáo Nhân dân,
- Nghệ sĩ Ưu tú,
- Nhà giáo Ưu tú…


- Tên học vị, học hàm khoa học: viết hoa chữ cái đầu của âm tiết đầu và âm tiết chỉ chuyên ngành:
Ví dụ:


- Kĩ sư Địa chất, Bác sĩ;
- Tiến sĩ khoa học Luật,
- Kĩ sư Kinh tế, Cử nhân Kinh tế,…
- Phó Giáo sư,
- Thạc sĩ khoa học Kinh tế,
- Giáo sư,
- Phó Tiến sĩ khoa học Kinh tế, Luật;
- Viện sĩ,
Nguyễn Văn A, Giáo sư, Tiến sĩ…
- Lê Văn B, Nghệ sĩ Nhân dân …


Điều 8. Viết hoa tên các hoạt động xã hội, ngày lễ, ngày kỷ niệm.
1. Tên các hoạt động xã hội: viết hoa chữ cái đầu của âm tiết đầu.
Ví dụ:
- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 8 của Đảng;
- Đại hội VIII của Đảng;
- Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa VIII;
- Hội nghị Trung ương V, khóa VIII,…
2. Tên các ngày kỷ niệm, ngày lễ:
Ví dụ:
- Kỷ niệm ngày Quốc khánh;
- Kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5, ngày Chiến thắng 30-4;
- Kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Điều 9. Viết hoa tên các văn kiện của Đảng và Nhà nước, các tác phẩm chính trị văn hóa, nghệ thuật,…
1. Tên văn kiện và số thứ tự cụ thể:
- Tên văn kiện: viết hoa như tại khoản 1, Điều 9 của Quy định này.
- Viết số thứ tự trong văn kiện: số thứ tự viết bằng chữ số Ả Rập (1, 2, 3…) phải đặt sau hai âm tiết “lần thứ”, nếu viết bằng chữ số La Mã (I, II, III…) thì không viết hai âm tiết đó.
Ví dụ:
- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 8 của Đảng – Đại hội VIII của Đảng;
- Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 8 của Đảng – Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng;
- Nghị quyết Trung ương II, khóa VIII của Đảng;
- “Bộ Luật Dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nghị quyết về việc thi hành Bộ Luật Dân sự đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 28 tháng 10 năm 1995”. (Bộ Luật Dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội – 1995, trang 5).
2. Danh từ luật, chỉ tên riêng luật cụ thể, điều của luật cụ thể…: viết hoa chữ cái đầu của âm tiết luật, âm tiết chỉ tên riêng luật cụ thể và âm tiết điều trong luật cụ thể, không viết hoa các âm tiết “điểm”, “khoản”. Khi một từ chỉ tên riêng của một bộ luật, luật cụ thể không viết lại đầy đủ mà viết tắt: viết hoa chữ cái đầu âm tiết luật – “Luật này” hoặc “Pháp lệnh này”.
Ví dụ:
- Viết đầy đủ: điểm a, khoản 2, Điều 12 của Bộ Luật Dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Viết không đầy đủ: điểm a, khoản 2, Điều 12 Bộ Luật này (tức là Bộ Luật Dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Điều 10. Quy định này có tính chất tạm thời sử dụng nội bộ để đáp ứng với yêu cầu công tác soạn thảo văn bản của Chính phủ và Văn phòng Chính phủ. Trong quá trình thực hiện sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện phù hợp với ngôn ngữ Việt Nam hiện đại./.


Các yêu cầu đặt ra đối với một bài thuyết trình
PGS.TS HOÀNG ANH
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Thuyết trình là một hoạt động quan trọng, không thể thiếu được trong cuộc sống. Xã hội  càng phát triển, vai trò của thuyết trình càng được đề cao thì vấn đề làm thế  nào để thuyết trình đạt hiệu quả như mong đợi luôn được mọi người, nhất là các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm.
Chỉ tính khoảng thời gian hơn mười năm trở lại đây, đã có hàng trăm cuốn sách viết về thuyết trình. Trong đó, có thể kể đến: Phương pháp hùng biện [9], nghệ thuật nói trước công chúng [3,6], phương pháp luyện kỹ năng nói chuyện có hiệu quả trước công chúng [2], nghệ thuật nói chuyện trước công chúng [5], nghệ thuật phát biểu miệng [4], bài giảng kỹ năng thuyết trình [7], v.v. Các công trình nói trên đã đề cập một cách toàn diện và hệ thống các vấn đề liên quan tới hoạt động thuyết trình, từ các thao tác chuẩn bị bài thuyết trình cho tới việc thực hiện bài thuyết trình và xử lý các tình huống phát sinh.
Tuy nhiên, do cuộc sống vận động liên tục và nhanh chóng; mặt khác, mỗi lĩnh vực của đời sống xã hội có những đặc điểm riêng, cho nên trong những hoàn cảnh cụ thể, xung quanh vấn đề thuyết trình thường xuyên xuất hiện những khía cạnh mới cần được cập nhật, bổ sung hoặc xem  xét làm rõ cả về chiều sâu lẫn chiều rộng để sự vận dụng trong thực tiễn đạt kết quả tốt nhất.
Với tinh thần đó, bài viết của chúng tôi không có kỳ vọng đưa ra sự khảo sát thấu đáo các vấn đề liên quan đến thuyết trình, mà chỉ bước đầu bàn về những yêu cầu đặt ra đối với bài thuyết trình của người làm công tác tuyên truyền trong điều kiện hiện nay từ góc nhìn của một người giảng dạy, nghiên cứu và trực tiếp tác nghiệp trong lĩnh vực truyền thông.
Theo chúng tôi, một bài thuyết trình nên đáp ứng các yêu cầu dưới đây:
1. Về nội dung
1.1. Mới mẻ
Nội dung bài thuyết trình phải chứa đựng những thông tin nóng hổi, sốt dẻo. Đó là những điều công chúng chưa biết hoặc biết một cách sơ lược, chưa đầy đủ. Nếu thông tin đã được phổ biến rộng rãi, người thuyết trình phải đưa ra góc nhìn mới, cách tiếp cận mới, cách luận giải mới hoặc những dữ liệu mới nhằm tạo lập và duy trì sự quan tâm của công chúng.
Ví dụ: Nhiều người cho rằng, muốn tạo dựng niềm tin, cần phải nói đúng. Nhưng thực tế, có người nói những điều không đúng nhưng công chúng vẫn tin; ngược lại, có người nói điều đúng công chúng lại cảm thấy không đủ tin cậy. Như vậy, vấn đề không chỉ ở chỗ là nói đúng, mà còn ở cách nói, ở cách thể hiện niềm tin của người nói đối với vấn đề được nói tới sao cho nó tạo ra hiệu ứng lan tỏa, chế ngự người nghe. Điều này có nghĩa là ngoài việc nói đúng, chúng ta cần phải chú trọng rèn luyện phương pháp nói mới có thể thuyết phục được công chúng.
1.2. Gần gũi
Các dữ kiện của bài thuyết trnhf phải tạo cho công chúng cảm giác gần gũi theo ý nghĩa trực tiếp của từ này. Sự gần gũi này có thể bao hàm các khía cạnh:
+ Gần gũi về không gian (gần địa bàn sinh sống, công tác). Người sinh sống, công tác tại Hà Nội sẽ quan tâm tới những gì xảy ra ở Hà Nội và các tỉnh lân cận (Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, v.v.) hơn các nơi khác. Người Việt Nam quann tâm tới những gì xảy ra tại Việt nam và các nước láng giềng hơn các nước khác.
+ Gần gũi về thời gian (gần hiện tại). Công chúng quan tâm hơn cả tới những gì xảy ra ở thời điểm hiện tại hoặc quá khứ và tương lai gần. Người thuyết trình luôn cố gắng nhấn mạnh rằng: khoảng cách từ thời điểm phát thông tin (thời điểm anh ta nói trước công chúng) đến thời điểm xảy ra sự kiện là ngắn nhất, hoặc không có. Điều này được thể hiện rõ ràng thông qua việc  sử dụng từ ngữ:
- Quá khứ: vừa, vừa mới, mới, hôm qua, hôm nay, lúc 14 giờ chiều nay, cách đây 2 tiếng, cách đây chưa đầy 1 tuần, chỉ cách đây chừng nửa tháng, khi tôi trên đường tới đây, v.v.
- Hiện tại: đang, hiện đang, khi chúng ta gặp gỡ tại đây, đang dự lớp học này, lúc này, thời điểm này, v.v.
- Tương lai: sắp, ngày mai, sắp tới, chỉ ít ngày nữa, chỉ một thời gian ngắn nữa, không đầy một tuần nữa, v.v.
+ Gần gũi với môi trường chuyên môn, đời sống hàng ngày của công chúng. Như một lẽ tự nhiên, công chúng bao giờ cũng quan tâm tới những gì xảy ra trong lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp, môi trường sống của họ. Giáo viên quan tâm hơn tới những vấn đề học đường; nông dân quan tâm hơn tới những vấn đề trồng trọt, chăn nuôi; tríc thức quan tâm hơn tới các vấn đề khoa học; người khá giả quan tâm tới du lịch hơn người nghèo, v.v.
+ Gần gũi với lợi ích của công chúng. Trong bài thuyết trình cần có những thông tin liên quan trực tiếp tới lợi ích của công chúng. Thực tế cho thấy, thông tin lợi ích luôn thu hút được sự chú ý to lớn và đạt hiệu quả giao tiếp cao.
Ví dụ, về cùng một sự kiện có hai cách nói như sau:
Việc tiến hành xây dựng công trình này sẽ làm hủy hoại toàn bộ môi trường sinh thái của dòng sông. (1)
Việc tiến hành xây dựng công trình này sẽ làm cho toàn bộ ngư dân sống hai bên bờ sông thất nghiệp. (2)
Cách nói (2) đã chạm vào lợi ích trực tiếp của người nhận tin nên đã có tác động to lớn: Toàn bộ cư dân sống hai bên bờ sông xuống đường biểu tình để phản đối việc xây dựng công trình. Cách nói (1) gây được ấn tượng về mức  độ tàn phá của công trình nhưng lại khá mơ hồ về mặt trách nhiệm cũng như lợi ích cho nên không gây được hiệu ứng như mong đợi.
Trong thưc tế đời sống, việc tăng, giảm giá các mặt hàng tiêu dùng (xăng, điện, nước, v.v.); các vấn đề liên quan tới an toàn giao thông; các vấn đề ô nhiễm môi trường; những thay đổi trong chính sách giáo dục, y tế; việc điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân, v.v. luôn gắn chặt với lợi ích của công chúng nên thường giành được sự quan tâm đặc biệt.
2. Về hình thức
2.1. Về sử dụng ngôn ngữ
Ngôn ngữ của bải thuyết trình cần thể hiện được các tính chất sau đây: chính xác; rõ ràng, dễ hiểu; ngắn gọn; hay; phù hợp.
- Chính xác: ngôn ngữ trong thuyết trình phải đạt tới sự chính xác cao cả về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp lẫn phong cách. Các sai sót về phương diện này có thể khiến công chúng khó hiểu hoặc hiểu sai thông tin; trong nhiều trường hợp có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Ví dụ:
Sắp tới, sẽ còn nhiều quan chức cao cấp hơn nữa phải ra hầu tòa. (1)
- Sắp tới, sẽ còn nhiều hơn nữa các quan chức cao cấp phải ra hầu tòa. (2)
Cách nói (1) nhấn mạnh yếu tố chất lượng (sẽ có những quan chức cao cấp hơn so với các quan chức đã bị bắt, phải ra hầu tòa).
Cách nói (2) nhấn mạnh yếu tố số lượng (ngoài các quan chức đã bị bắt, còn nhiều quan chức cao cấp khác cũng sẽ bị ra hầu tòa). Như vậy, hai cách nói này không thể thay thế cho nhau.
Ví dụ:
- Nhiều người bị phá sản vì thói tư duy bầy đàn của mình. Cách nói này làm người nghe bị tổn thương sâu sắc. Theo chúng tôi, cần sửa thành “Nhiều người bị phá sản vì kiểu kinh doanh theo đám đông của mình”.
- Rõ ràng, dễ hiểu: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Tục ngữ nói “gẩy đàn tai trâu” là có ý chế người nghe không hiểu. Song những người tuyên truyền mà viết và nói khó hiểu, thì chính người đó là “trâu” [5, t, tr.340].
Để ngôn ngữ của bài thuyết trình rõ ràng, dễ hiểu, cần chú ý:
+ Sử dụng từ ngữ phổ cập toàn dân;
+ Dùng câu đơn giản, có trật tự thuận: chủ ngữ trước, vị ngữ sau; câu có cấu trúc chủ động (đây là những cách nói quen thuộc, phù hợp với cách cảm, cách nghĩ người Việt).
+ Sử dụng số liệu một cách khoa học: đúng liều lượng; làm tròn với con số lớn, không đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối; dùng chữ thay cho con số (một phần tư thay cho 25%, nửa triệu thay cho 500.000, v.v.), đưa căn cứ để so sánh khi con số nằm ngoài khả năng nhận thức của công chúng (rất ít người hiểu rõ giá trị của năm trăm nghìn tỷ, vì thế phải chỉ rõ thêm số tiền đó tương đương lương của bao nhiêu người trong bao nhiêu năm hoặc có thể dùng để xây dựng bao nhiêu mét vuông nhà ở, cho bao nhiêu người đến sống); thay cho con số bằng hình ảnh để dễ cảm nhận (lỗ thủng tầng ô zôn bằng diện tích cả châu Á và châu Âu cộng lại.
- Ngắn gọn: Ngắn gọn giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho người nói và người nghe. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, trong cùng một đơn vị thời gian người ta muốn nhận được càng nhiều thông tin càng tốt. Khi nghe, công chúng phải tập trung tư tưởng cao độ. Sự tập trung như vậy kéo dài sẽ dẫn tới sự mệt mỏi, căng thẳng, làm suy giảm hứng thú của người nghe. Nói dài có thể làm loãng thông tin hoặc mắc các dạng lỗi khác nhau, cả về nội dung cả hình thức.
Theo các chuyên gia, một bài thuyết trình không nên kéo dài quá 2 giờ đồng hồ.
- Hay: Đây là đặc điểm quan trọng giúp bài thuyết trình chinh phụ công chúng cả về lý trí lẫn cảm xúc. Bài thuyết trình phải đạt tới tiêu chuẩn hay không chỉ về nội dung mà còn về cách thức thể hiện của diễn giả.
Người thuyết trình nên:
- Nói một cách truyền cảm, thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới điều đang trình bày;
- Thay đổi ngữ điệu linh hoạt tùy theo hoàn cảnh;
- Nhấn mạnh tính mới mẻ, gần gủi của thông tin;
- Khai thác chất liệu văn học; thành ngữ, tục ngữ cùng các biện pháp tu từ khác (ẩn dụ, so sánh, v.v.).
- Sử dụng việc chơi chữ, nói dựa, trích dẫn.
- Phù hơp: Đây là một tính chất không thể thiếu của ngôn ngữ thuyết trình. Ngôn ngữ của bài thuyết trình cần phải:
+ Phù hợp với đối tượng: Với các đối tượng người khác nhau, người thuyết trình phải sử dụng ngôn ngữ theo các dạng thức khác nhau (với người cao tuổi: ngôn ngữ trang trọng, đúng mực, thể hiện sự tôn kính, lễ phép; với thiếu nhi: ngôn ngữ giản dị, thân mật, thể hiện sự ân cần, thân thiện; với trí thức: ngôn ngữ mang chiều sâu trí tuệ, kích thích tư duy, v.v.).
+ Phù hợp với nội dung: Nội dung cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến việc sử dụng ngôn ngữ. Nói về các vấn đề khoa học, ngôn ngữ phải đơn nghĩa, chặt chẽ, chính xác, khách quan; nói về các vấn đề của đời sống sinh hoạt hàng ngày, ngôn ngữ phải đại chúng, giàu tính biểu cảm, tính bình giá; kêu gọi công chúng thực hiện hành động nào đó, (dưới dạng bài diễn văn), ngôn ngữ phải sống động, giàu hình ảnh, tha thiết, giàu âm hưởng, v.v.
+ Phù hợp với môi trường văn hóa – xã hội: Ngôn ngữ của bài thuyết trình cần mang hơi thở ấm nóng của cuộc sống hiện nay, bám sát sự vận động và phát triển của ngôn ngữ dân tộc. Trong bài thuyết trình, nếu có thể, nên chú ý nên sử dụng các yếu tố ngôn ngữ mới xuất hiện nhưng được xã hội thừa nhận và có tính phổ biến rộng rãi. Đó trước hết là lớp từ mới của thời kỳ hội nhập như: toàn cầu hóa, Internet, con chíp, ổ cứng, đĩa mềm, thư điện tử trực tuyến, thẻ nhớ, cư dân mạng, điện thoại di động, kinh tế tri thức, nhà đầu tư, lên sàn, giao dịch chứng khoán, niêm yết, giải ngân, thẻ tín dụng, tỷ gí, .v.v.
2.2. Về sử dụng các yếu tố bổ trợ khác
Các yếu tố bổ trợ khác có thể chia thành 2 loại: 1, những gì luôn gắn liền với chủ thể thuyết trình như: nét mặt, ánh mắt, dáng vẻ, cử chỉ, tư thế, nụ cười, trang phục; 2, các phương tiện bên ngoài gắn liền với các thiết bị kỹ thuật như hình ảnh (tĩnh và động), âm thanh, các đồ vật minh họa, v.v.
Các yếu tố bổ trợ mang lại nhiều lợi ích như: hỗ trợ đắc lực cho việc chuyển tải thông tin, làm cho bài thuyết trình trở nên sống động, đa dạng về hình thức thể hiện, giúp người nghe lĩnh hội được dễ dàng và đầy đủ các thông điệp gửi tới họ, v.v.
Tuy nhiên, cần lưu ý là: Sử dụng các yếu tố trên một mặt phỉa phù hợ với nội dung và bối cảnh giao tiếp, mặt khác, cần tránh lạm dụng chúng để không cản trở người nghe tiếp nhận thông tin nằm trong ý nghĩa của ngôn từ. Đối với các phương tiện kỹ thuật cần có sự chuẩn bị trước kỹ lưỡng.
3. Về lập luận
Lập luận là “Sắp xếp lí lẽ một cách có hệ thống  để trình bày, nhằm chứng minh cho một kết luận về một vấn đề” [11, tr.176]. Như vậy, bản chất của lập luận là chứng minh, và việc chứng minh này chỉ được xem là thành công khi nó làm cho người khác chia sẻ, đồng cảm hoặc chấp nhận một ý kiến, một nhận định (thường được gọi là luận đề) nào đó.
Muốn vậy, khi chứng minh một luận đề, người thuyết trình phải sử dụng những lý lẽ, dẫn chứng xác đáng, cụ thể, tiêu biểu, ấn tượng, nằm trong mối quan hệ chặt chẽ, lô gic, có khả năng thể hiện một cách thuyết phục và nhất quán tư tưởng, khiến cho người nghe thấy luận đề đó là đúng đắn hoặc không có căn cứ để phản bác nó.
Có nhiều cách lập luận nhưng thường gặp hơn cả là   diễn dịch, quy nạp và tổng-phân-hợp.
Dưới đây là một số ví dụ:
... Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.
Chúng chỉ thi hành những pháp luật dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.
Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khỏi nghĩa của ta trong những bể máu.
Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.
Chúng dùng thuốc phiện, rượu, cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.
Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều.
Chúng cướp không ruộng đất, rừng, mỏ, nguyên liệu.
Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên  bần cùng.
Chúng không cho các nhà tư sản ta được giầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn” [5, t.4, tr.1-3].
Đây là lập luận theo kiểu diễn dịch. Việc lặp lại từ “chúng” 14 lần liên tiếp, với những mô hình caauc ó khả năng tạo âm hưởng, cùng những lý lẽ xác thực, tiêu biểu và đa diện đã làm cho đoạn văn có sức tố cáo hết  sức mạnh mẽ, đanh thép.
“Nhân dân ta tốt thật. Nhưng ta nên ghi nhớ câu chuyện anh Tăng. Địch tuyên truyền xảo quyệt và bền bỉ, ngày này đến ngày khác, năm này đến năm khác. “Giọt nước rỏ lâu đá cũng mòn”. Cho nên không khỏi có một số đồng bào bị địch tuyên truyền mãi mà hoang mang” [5, t.8, tr.491].
Đây là lập luận theo kiểu quy nạp. Câu đầu tiên có lẽ là sự kết nối đoạn văn này với đoạn văn phía trước. Lý lẽ chứng minh cho luận đề bắt đầu được đưa ra từ câu thứ hai “Nhưng ta nên ghi nhớ câu chuyện anh Tăng”. Đó là ví dụ kinh điển đã được lưu giữ trong sách vở từ nhiều đời nay, về việc một thông tin, cho dù không đúng sự thật nhưng được các chủ thể khác nhau lặp đi lặp lại nhiều lần, có thể tác động mạnh mẽ như thế đến nhận thức và hành vi của người nhận. Từ đây, Bác dẫn tiếp lỹ lẽ về bối cảnh thực tại, và trên cơ sở liên hệ, so sánh, chúng ta dễ dàng nhận thấy kết luận của Bác là hoàn toàn thỏa đáng: Nếu trong câu chuyện về anh Tăng, chỉ cần ba người nhắc lại một cách tự phát cùng một thông tin đã khiến cho mẹ anh Tăng hoàn toàn bị lung lạc lòng tin, thì hiện tại, khi kẻ địch mở cả chiến dịch tuyên truyền liên tục, kéo dài và rộng khắp, với những phương cách tinh vi, xảo quyệt, việc một số đòng bào ta bị dao động là lẽ thường.
Như vậy, thông qua cách lập luận đi từ xa đến gần, từ sách vở đến thực tiễn, từ mức độ thấp đến mức độ cao, tư tưởng của Bác dễ dàng ngâm sâu vào lòng người và lắng đọng ở đó một cách vững chắc.
Tiếng Việt của chúng ta rất đẹp; đẹp như thế nào, đó là điều rất khó nói. Chúng ta không thể nói tiếng ta đẹp như thế nào, cũng như không thể nào phân tích cái đẹp của ánh sáng, của thiên nhiên. Nhưng đối với chúng ta là người Việt Nam, chúng ta cảm thấy và thưởng thức một cách tự nhiên cái đẹp của tiếng nước ta, tiếng nói của quần chúng nhân dân trong ca dao và dân ca, lời văn của các nhà văn lớn. Có lẽ tiếng Việt của chúng ta đẹp, bởi vì tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp, bởi vì đời sống, cuộc đấu tranh của nhân dân ta tư trước tới nay là cao quý, là vĩ đại, nghĩa là rất đẹp.
Đây là lập luận theo kiểu tổng – phân – hợp. Sau  khi đi ra luận đề, tác giả khẳng định đây là luận đề rất khó, thậm chí không thể chứng minh vì cái đẹp của tiếng Việt cũng giống như vẻ đẹp của ánh sáng thiên nhiên, có thực, phổ biến, thậm chí mang tính tất yếu nhưng chỉ cảm nhận được chứ không diễn đạt được thành lời. Song, tự thân sự so sánh này đã là một luận cứ tinh tế, sâu sắc, đạt tới đỉnh cao của sự thuyết phục.
Kế đó, vẫn theo dòng chảy của tư tưởng khó chứng  minh cái đẹp của tiếng Việt, tác giả đưa tiếp lý lẽ dưới dạng phỏng đoán: “Có là tiếng Việt của chúng ta đẹp, bởi vì tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp, bởi vì đời sống, cuộc đấu tranh của nhân dân ta từ trước tới nay là cao quý, là vĩ đại, nghĩa là rất đẹp”. Từ “có lẽ” làm cho câu văn có giọng điệu thật mềm mại, nhẹ nhàng, khiến người đọc có cảm giác đây mới chỉ mới là  suy nghĩ ban đầu chưa có gì chắc chắn của tác giả. Thế nhưng toàn bộ nội dung phía sau lại hoàn toàn xác đáng, mọi người đều thừa nhận tính đúng đắn của những nội dung đó một cách vô điều kiện, nghĩa là đây là những luận cứ đầy sức nặng, không thể phản bác. Và chính sự tương phản giữa cái nhẹ nhàng, mềm mại của hình thức câu chữ và cái mạnh mẽ, chắc chắn của nội dung bên trong đã giúp câu văn vừa gây được ấn tượng lại vừa giàu sức thuyết phục.
Từ các ví dụ trên, một trong những bài học quan trọng có thể rút ra là: khi lập luận, những lý lẽ, dẫn chứng cần được lựa chọn, sắp xếp sao cho chúng đều góp phần làm  rõ, bổ sung và nâng cao giá trị của nhau, qua đó, tăng cường khả năng tác động tổng thể của cả sản phẩm lập luận.
Trên đây là một số điều trao đổi giúp nâng cao tính thuyết phục của bài thuyết trình. Có thể các ý kiến mới được trình bày ở mức độ sơ lược hoặc mang nặng dấu ấn chủ quan, song tác giả vẫn hy vọng chúng sẽ hữu ích, dù ở mức độ nhỏ nhất, cho tất cả những ai quan tâm.

(1) Xem thêm bài viết: “Một số thủ pháp về ngôn ngữ nhằm nâng cao tính hiệu quả của bài phát biểu trước công chúng” của tác giả Hoàng Anh trong cuốn: “Những kỹ năng về sử dụng ngôn ngữ trong truyền thông đại chúng”, Nxb Đại học Quốc gia, HN, 2008, tr.7-22.
(2) Dẫn theo: Bùi Minh Toán – Lê A – Đỗ Việt Hùng, Tiếng Việt thực hành, Nxb Giáo dục, 1997, tr.43.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hoàng Anh, Những kỹ năng về sử dụng ngôn ngữ trong truyền thông đại chúng, Nxb Đại học Quốc gia, HN, 2008.
2. Dale Carnegie, Phương pháp luyện kỹ năng nói chuyện có hiệu quả trước công chúng (Tuyết Minh dịch), Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2004.
3. Barry Clough, Nghệ thuật nói trước công chúng (Biên dịch: Việt Văn Books), Nxb Hồng Đức, HN, 2008.
4. Lương Khắc Hiếu (chủ biên), Nghệ thuật phát biểu miệng, Nxb CTQG, HN, 2005.
5. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, t.4, 5, 8.
6. Raymond De Saint Laurent, Nghệ thuật nói chuyện trước công chúng, Nxb Văn hóa – Thông tin, 2004.
7. Nguyễn Hiến Lê, Nghệ thuật nói chuyện trước công chúng, Nxb Văn hóa – Thông tin, 2003.
8. Dương Thị Liễu (chủ biên), Bài giảng kỹ năng thuyết trình, Nxb Đại học Kinh tế quốc dân, 2009.
9. Bùi Minh Toán – Lê A – Đỗ Việt Hùng, Tiếng Việt thực hành, Nxb Giáo dục, 1997.
10. Liêu Chí Trung: Phương pháp hùng biện, Nxb Thanh niên, HN, 2000.
11. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Nxb Từ điển bách khoa, 2010.




KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM VP CHÍNH PHỦ
PHÓ CHỦ NHIỆM
Đoàn Mạnh Giao