Thứ Hai, 4 tháng 11, 2019

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN XÂY DỰNG KHU XỬ LÝ RÁC THẢI TẬP TRUNG HUYỆN HƯƠNG KHÊ (THÁNG 9/2019


   1.Tại sao phải xây dựng khu xử lý rác thải?  
           Trong những năm gần đây, kinh tế- xã hội huyện có bước phát triển, đời sống của nhân dân được cải thiện, theo đó tình hình rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng nhiều nhưng chưa được thu gom xử lý theo quy định. Nguyên nhân chủ yếu là do trên địa bàn huyện chưa có khu xử lý rác thải tập trung. Để xử lý rác thời gian qua chính quyền thị trấn và các xã lân cận đã vận động nhân dân tự đốt rác của gia đình mình. Tuy vậy số lượng rác nhiều, nhất là khu vực chợ, nhà hàng, khu đông dân cư không xử lý được. Để giải phóng rác tồn ứ đảm bảo mỹ quan và sức khỏe cho người dân, thời gian qua UBND Thị trấn đã trích ngân sách để thuê các đơn vị môi trường chở rác đi xử lý. Số tiền thuê xử lý rác từ đầu năm 2018 đến nay hơn 3.5 tỉ đồng.
         Nếu không sớm xây dựng điểm tập kết rác tạm thời và Khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung, dự báo trong thời gian tới tình trạng ô nhiễm môi trường sẽ rất trầm trọng; ảnh hưởng đến sức khỏe Nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội. Nên, việc xây dựng Khu xử lý rác thải tập trung; điểm tập kết rác tạm thời là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và phải thực hiện.
2. Vị trí xây dựng khu xử lý rác ở đâu, phạm vi, quy mô của dự án như thế nào?
- Vị trí: Khoảnh 6, Tiểu khu 208, xã Hương Thủy
         - Tổng diện tích 14.143 m2,
         - Tổng mức đầu tư 23,3 tỷ đồng
         - Công nghệ sử dụng: Lò đốt SANKYO GF 1500 với công suất 1,0 tấn/giờ.
- Thời gian sử dụng:  15 năm.
         * Khu xử lý rác thải bao gồm các hạng mục như sau:
- Khu xây dựng công trình (gồm các hạng mục nhà trực, trạm cân, nhà điều hành, nhà phân loại và đặt lò đốt, khu vực xử lý nước thải, bể nước, bơm nước, trạm biến áp, hàng rào bao quanh...) với diện tích 1.648 m2;
- Khu chôn lấp tro xỉ: 1.800 m2;
- Đất giao thông (sân bê tông và đường giao thông): 2.988 m2;
- Đất cây xanh: 3.325 m2.
- Đất mái taluy: 921 m2;
- Đất phục vụ các hạng mục phụ trợ khác (hệ thống cấp điện, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước mưa, sân đường nội bộ, hệ thống cây xanh...): 3.461 m2
          - Đường hoàn trả dài 326,5 m (Điểm đầu: phía Đông của dự án, Điểm cuối: phía Tây của dự án).
3 . Công nghệ sử dụng là gì ??
Với đặc điểm Hương Khê là huyện miền núi, địa bàn rộng, có trên 90% dân số sản xuất nông nghiệp, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh không nhiều, do đó việc lựa chọn công nghệ xử lý bằng Lò đốt là phù hợp.
Theo đó, sẽ sử dụng Lò đốt SANKYO GF 1500 công suất 1 tấn/giờ, công nghệ Nhật Bản, xuất xứ từ Thái Lan; loại Lò này đã được lắp đặt ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước và đã được Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá phù hợp; Lò đốt này khi hoạt động có các thông số đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt (QCVN 61:2016/BTNMT).
4. Công nghệ Lò đốt có ưu điểm gì??
- Không xả nước thải ra môi trường: Theo tính toán thì nước rỉ rác hầu như không có, nhưng khi đầu tư Dự án vẫn xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước rỉ rác, nước vệ sinh khu vực Lò đốt để đảm bảo không thải ra ngoài. Nước rỉ rác và nước vệ sinh khu vực Lò đốt sau khi xử lý bảo đảm đạt quy chuẩn QCVN 25:2009/BTNMT sẽ được tái sử dụng để phục vụ tưới cây xanh trong khuôn viên Dự án và làm nguội tro xỉ trước khi đưa vào hố chôn lấp (Hố chôn lấp tro xỉ được thiết kế xây dựng theo TCXDVN 261:2001 và che bạt đầy đủ, nếu có nước từ hố chôn lấp tro xỉ cũng được đưa vào hệ thống xử lý).
- Giảm thiểu mùi hôi: Với công nghệ Lò đốt thì mùi hôi phát sinh chủ yếu tại khu vực tập kết rác thải và được xử lý bằng cách phun xịt chế phẩm EM (vi sinh vật hữu hiệu). Khu tập kết rác, được để trong nhà kho có diện tích trên 1.200m2 được che chắn, mùi hôi được quạt hút đưa vào lò đốt cùng với rác.
- Không phát sinh khí độc hại: Khí thải của lò đốt được xử lý bằng các giải pháp trao đổi nhiệt, xyclon thu bụi và hấp thụ bằng nước vôi để xử lý các thành phần hóa học, sau đó qua hấp thụ than hoạt tính đảm bảo xử lý triệt để đáp ứng quy chuẩn môi trường của Việt Nam QCVN 61-MT: 2016/BTNMT
5. Quy trình thu gom nước mưa được thực hiện như thế nào?
Khi có mưa, nước mưa chảy tràn khu vực dự án được thu gom bằng hệ thống mương riêng biệt, không lẫn với nước mưa từ hố chôn lấp tro xỉ và nước thải sinh hoạt trong khu vực dự án, sau đó lắng lọc, xử lý bằng các hố gas, thoát ra khe Cạn (phía Tây Bắc khu vực dự án)
6. Vị trí đó có ngập lụt không?
Cao độ nền hiện nay của khu vực Dự án từ 30m đến 62m;
Cao độ ngập lụt khu vực đó từ năm 2005 – 2018 là từ  10,3m đến 16,5m (năm 2010)
Cao độ san nền phần mặt bằng khu xử lý khống chế từ 41,0m - 41,2m. Hướng dốc từ Nam xuống Bắc.
Việc cao độ thiết kế san nền cao hơn nhiều so với cao độ ngập lụt sẽ đảm bảo dự án không bị ngập trong mùa mưa bão.
Do Dự án xử lý rác bằng công nghệ đốt được đặt trong nhà và kho cha rác có diện tích 1200m2 nên lượng nước rỉ rác hầu như không có phát sinh, tuy nhiên để đảm bảo triệt để không cho nước rỉ rác phát sinh ra ngoài môi trường thì Dự án cũng đã đầu tư Hệ thống thu gom nước rỉ rác gồm tuyến ống dẫn nước rỉ rác từ nhà chứa lò đốt và kho đựng rác về hồ xử lý nước thải và sau khi xử lý nước thải đảm bảo quy chuẩn cho phép theo quy định thì sử dụng bơm chân không bơm tưới cho cây xanh trong khu vực dự án. Thu gom nước thải sử dụng ống BTLT D300, tổng chiều dài L=18m.
Sẽ tiến hành chôn lấp các loại rác là chất vô cơ như: gạch, đá, cát, sỏi, bêtông, cùng với tro xỉ thải ra từ Lò đốt sẽ được xe đẩy vận chuyển đi chôn lấp theo đúng quy định.
Các ô chôn lấp được thiết kế theo TCXDVN 261: 2001 đảm bảo áp dụng cho bãi chôn lấp hợp vệ sinh.
Các ô chôn lấp theo hồ sơ thiết kế; tường xây bằng đá học M75, đáy lu lèn đạt K90 và có màng chống thấm bằng lớp màng HDPE dày 2mm. Giải pháp chống thấm được sử dụng màng HDPE dày 2mm, lớp màng này có độ bền trên 50 năm, hố chôn lấp được che đậy bằng bạt tiêu chuẩn đảm bảo không để nước mưa tràn vào. Đồng thời, cũng thiết kế hệ thống thu nước mưa trong trường hợp khi chôn lấp tro xỉ có mưa phát sinh nếu có nước sẽ có hệ thống thu nước về khu xử lý.
Quá trình chôn lấp tro xỉ được tiến hành như sau: Tro xỉ được đổ từng lớp vào hố và được đầm chặt để tiết kiệm thể tích chôn lấp (hệ số đầm nén là 0,7 - 0,8) và được chôn thành từng lớp. Hố chôn lấp khi được lấp đầy tro, xỉ thì được rải một lớp đất dày 30 cm đầm chặt và phủ một lớp bạt theo tiêu chuẩn nhằm ngăn không cho nước mưa tràn vào hố.
- Khi dự án đi vào hoạt động thì mùi phát sinh chủ yếu tại khâu thu gom, tập kết rác thải và được xử lý bằng cách phun xịt chế phẩm EM nên không phát sinh ảnh hưởng ra ngoài khu vực không cho phép.
- Khí thải phát sinh từ quá trình hoạt động của lò đốt được xử lý thông qua hệ thống xử lý khí thải của lò đốt SANKYO GF 1500.
+ Nhiệt độ của khí thải đi qua hệ thống được hạ nhiệt nhanh để tránh sự tái sinh của dioxin và furan.
+ Bụi và tro được tách bằng phương pháp ẩm.
+ Các chất Cl, SO2, CO2, NO2 …, được hấp thụ bằng dung dịch sữa vôi.
+ Thiết bị hấp phụ các khí độc còn sót lại bằng than hoạt tính.
Khí thải xả ra ngoài theo ống khói đáp ứng tiêu chuẩn xả thải theo QCVN 61-MT:2016/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
3. Vì sao chậm tiến độ ?
Dự án Khu xử lý chất thải rắn tập trung của huyện được UBND tỉnh thống nhất cho phép điều chỉnh từ vùng Khe Nác, xã Gia Phố sang Khoảnh 6, Tiểu khu 208, xã Hương Thủy từ tháng 3/2018 ; hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công
Tuy nhiên, theo đề xuất của một số hộ dân ở xóm 6, xóm 7, xã Gia Phố và xóm 1, xã Hương Thủy, một địa điểm đặt lò đốt khác được xem xét tại vùng Trọ Khướu-Trào Tráo, thuộc khoảnh 5, tiểu khu 208. Đề xuất này của người dân đã được tiếp thu và chỉ đạo thực hiện để xem xét tính khách quan của 2 vị trí.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TNMT tiến hành hợp đồng với Viện Công nghệ môi trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để trực tiếp khảo sát, đánh giá khách quan giữa 02 vị trí nêu trên
Sau hơn 3 tháng thực hiện các công việc trên thực địa và phân tích các kết quả khảo sát, đã có kết quả đánh giá: việc đầu tư Dự án Khu xử lý chất thải rắn huyện Hương Khê bằng công nghệ Lò đốt tại vị trí số thuộc Khoảnh 6, Tiểu khu 208, xã Hương Thủy là phù hợp, đảm bảo tất cả các yếu tố về môi trường và kinh tế, xã hội hơn so với vị trí tại khoảnh 5, tiểu khu 208 do người dân đề xuất
- Xa khu dân cư hơn,
- Về môi trường đảm bảo hơn,
- Về kinh phí đầu tư Dự án thấp hơn
- Điều hiện kỹ thuật thi công thuận lợi hơn.
Sau khi có kết quả của Viện Công nghệ môi trường, hiện nay đã đầy đủ căn cứ để tiếp tục triển khai dự án.
11. Bao giờ triển khai thực hiện dự án?
Ngày 29/10/2019 cuộc đối thoại giữa người dân và chính quyền về việc thực hiện dự án khu xử lý rác thải rắn sinh hoạt tập trung ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất triển khai trong tháng 11/2019.


địa chí Hương khê: Phần 6 các xã, thị trấn


PHẦN THỨ SÁU
CÁC XÃ VÀ THỊ TRẤN

Thị Trấn Hương Khê
Thị trấn Hương Khê trước đây nằm ở địa phận Chu Lễ. Theo Quyết định số 222/QĐ-HĐBT  ngày 19/8/1985 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên cơ sở lấy một phần đất của các xã Gia Phố và Phú Phong, thành lập thị trấn Hương Khê. Phía Bắc giáp các xã Phú Gia và Hương Long. Phía Đông giáp xã Gia Phố và Lộc Yên. Phía Nam giáp xã Hương Xuân và Phú Phong. Phía Tây giáp xã Phú Phong và một phần xã Phú Gia.
Năm 2009, thị trấn Hương Khê tiếp tục được mở rộng thêm 127,80 ha của xã Hương Long; 89,08 ha của xã Gia Phố; 41,14 ha của xã Phú Phong; 3,25 ha của xã Phú Gia1. Sau nhiều lần điều chỉnh, năm 2016, thị trấn Hương Khê có diện tích 5.3428 km2, dân số 9.705 người.
Về cơ bản địa hình nơi đây tương đối bằng phẳng, được bao bọc bởi nhiều dãy đồi núi như: Eo Cổ Ngựa; Động Cao; dãy Động Hà, Động Đá, Động Trồi, Động Lăng; động Cây Thau. Phía dưới các dãy núi trên có các bãi sườn như: Bãi Nậy, Bãi Lặt, Trại Cốc, Trại Chè, Trại Cam… các xứ đồng: đồng Phố, đồng Phúc Cùng, đồng Đàng Dọn. Ngoài ra, thị trấn còn có khoảng 10 ha xâm canh lúa ở các xã Hương Long, Phú Gia, Gia Phố, Phú Phong (đồng Hà Khoan), Hương Xuân (đồng Máy Xâu, đồng Nái).
Thị trấn Hương Khê không có nhiều sông, suối như các địa phương khác. Phía Bắc có hệ thống suối nhỏ bắt nguồn từ động Cao chảy vào hồ Dài; phía Nam có khe Leo chảy vào hồ Bình Sơn, sau đó đổ ra sông Ngàn Sâu. Giữa Thị trấn có hồ Bình Sơn với diện tích mặt thoáng là 80.000m2, dung tích 280.000m3. Nước hồ lấy từ công trình thủy lợi sông Tiêm. Hồ vốn là một vùng trũng tự nhiên, huyện Hương Khê đã có chủ trương cải tạo và xây dựng để biến nơi đây thành một địa điểm sinh hoạt kinh tế, văn hóa. Tháng 9/1994, hồ Bình Sơn chính thức được khởi công xây dựng và hoàn thành vào tháng 12/1999. Ở giữa hồ có hai hòn đảo nhỏ, trên đó có tượng đài Hồ Chí Minh cao 6,2m. Với cảnh quan đẹp và nên thơ, nằm ở trung tâm huyện lỵ, hồ Bình Sơn trở thành biểu tượng của Thị trấn Hương Khê, là nơi tổ chức các sự kiện chính trị của thị trấn.
Về giao thông, chạy qua địa bàn thị trấn có các tuyến đường sắt, đường bộ, đường thủy. Về đường bộ có tuyến đường Quốc lộ 15A, đường Hồ Chí Minh. Hai tuyến đường này chạy song song với nhau, dài khoảng 4 km. Tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua thị trấn có chiều dài khoảng 2 km, ga Hương Phố là nơi dừng đón và trả khách của các đoàn tàu Bắc Nam như: Tàu SE5, SE6, SE19, TN1, T2N… đã tạo điều kiện quan trọng cho việc phát triển kinh tế của huyện nói chung và của thị trấn nói riêng.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với 118 liệt sỹ, 258 thương binh, 26 bệnh binh, 7 mẹ Việt Nam anh dùng, nhân dân thị trấn  đã có nhiều đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Tuy mới thành lập nhưng thị trấn Hương Khê được coi là một trong những thị trấn đẹp và khang trang của tỉnh Hà Tĩnh. Mức sống của nhân dân thuộc hàng cao nhất huyện. Ngoài bộ phận công chức Nhà nước thì ngành nghề chủ yếu của Thị trấn là kinh doanh, buôn bán, dịch vụ nhỏ lẻ, số hộ tham gia sản xuất nông nghiệp không nhiều. Hiện nay, trên địa bàn thị trấn có khoảng 148 doanh nghiệp, 1.206 hộ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, có khoảng 400 hộ sản xuất nông nghiệp tập trung chủ yếu ở khối 9, 13,14, 15, 19 và một số ít ở khối 17, 18 (khối 17:4 hộ, khối 18: 12 hộ).
Thị trấn Hương Khê là trung tâm giao lưu buôn bán sầm uất của huyện, nên thương mại - dịch vụ khá đa dạng. Chợ Sơn là trung tâm buôn bán của nhân dân Thị trấn vừa là chợ đầu mối lớn nhất của huyện Hương Khê. Trước đây có tên là chợ Un đóng ở thôn Tân Phố - gần bến Cộc Tro, sau đó dời lên đồi Động Đá. Sau khi chợ được di dời về vị trí hiện nay thì đổi tên thành chợ Sơn.
Về nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa nước 2 vụ và trồng màu: đậu, ngô, lạc. Nghề làm vườn cũng khá phát triển, cây trồng chủ yếu là cam Bù, bưởi và Chanh.  Vật nuôi chủ yếu là: trâu, bò, hươu, gia cầm.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng 79,5%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 13,5%, nông nghiệp 7%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình đạt 14,7%. Theo số liệu điều tra của Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo của Ủy ban nhân dân huyện Hương Khê, vào thời điểm cuối năm 2000, số hộ nghèo của thị trấn chiếm 16,88%. Đó là tỷ lệ đói nghèo thấp thứ 3 trong số 22 xã, thị trấn ở Hương Khê lúc bấy giờ. Đến năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn còn 4,7% thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng/người/năm. Thị trấn Hương Khê phấn đấu đến 2019 đạt chuẩn văn minh đô thị và trở thành đô thị loại 4 trước 2025.                  

Xã Phương Mỹ
          Xã Phương Mỹ nằm ở cửa ngõ phía Bắc trên trục đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận Hương Khê, cách trung tâm huyện lỵ khoảng 27 km, phía Đông giáp xã Hà Linh, xã Thượng Lộc (huyện Can Lộc); phía Nam giáp xã Phương Điền, Hà Linh; phía Tây giáp xã Hòa Hải, xã Hương Thọ và xã Đức Liên (huyện Vũ Quang), phía Bắc giáp xã Gia Hanh (huyện Can Lộc) và xã Tân Hương (huyện Đức Thọ). Theo số liệu thống kê của Huyện năm 2016, Phương Mỹ có diện tích đất tự nhiên 4.980.49 km2. Dân số của xã có 2.737 nhân khẩu.
Thời Pháp thuộc, vùng đất Phương Mỹ có ba làng thuộc tổng Phương Điền là: Mỹ Khê, Phương Mộ, Phương Trạch. Vào đầu năm 1946, theo chủ trương của trên đã sáp nhập 4 làng là Mỹ Khê, Phương Mộ, Phương Trạch và Phương Điền thành một xã gọi là xã Phương Mỹ, có 4 thôn là Phương Trạch, Phương Điền, Phương Mộ và Mỹ Khê. Đến năm 1948, xã Phương Mỹ sáp nhập với xã Vĩnh Hương thành xã Hương Châu. Đến năm 1956, xã Hương Châu được chia làm 8 xã, trong đó vùng đất Phương Mỹ gồm có 3 xã: Hương Mỹ, Hương Nam và Hương Trung. Đến tháng 6 năm 1972, xã Hương Mỹ sáp nhập với xã Hương Nam và xã Hương Trung thành xã Phương Mỹ. Sau khi được thành lập, xã Phương Mỹ có 16 xóm là: xóm Tân Thành, xóm Tân Sơn 1, xóm Tân Sơn 2, xóm Tân Hạ 1, xóm Tân Hạ 2, xóm Tân Thượng, xóm Tân Trung 1, xóm Tân Trung 2, xóm Mỹ Thượng, xóm Mỹ Hạ, xóm Mỹ Trung, xóm Ấp Tiến 1, xóm Ấp Tiến 2, xóm Nam Thượng, xóm Nam Hạ và xóm Nam Trung. Đến năm 2011, sáp nhập các xóm, theo đó xã Phương Mỹ có 8 xóm là Nam Trung, Ấp Tiến (gồm Ấp Tiến 1 và Ấp Tiến 2), Trung Thượng (gồm Mỹ Thượng, Mỹ Trung và Mỹ Hạ), Nam Hà (gồm Nam Thượng và Nam Hạ), Tân Hạ (gồm Tân Hạ 1 và Tân Hạ 2), Tân Trung (gồm Tân Trung 1 và Tân Trung 2), Tân Thành và Thượng Sơn (gồm Tân Thượng, Tân Sơn 1 và Tân Sơn 2).
          Về địa hình, xã Phương Mỹ có 2 dãy núi bao quanh đó là dãy núi nằm về phía Đông Bắc chạy từ Trại Vạc qua Truông Vắt xuống Chông Đá Mài và dãy núi chạy từ Rú Bụi (Cửa Rào) đến Rú Chắn.
          Bên cạnh các dãy núi cao trong xã còn có rất nhiều đồi trọc (động) như: động Trọ Voi, Động Dài, Gà Gáy, Động Trùa, Sọ Vẹ, Cha Hớt, Vàng Tâm…; có nhiều bãi lầy tự nhiên như Dời Đợi, Nương De, Rú Lau, Dời Ao...
          Sông Ngàn Sâu chảy qua xã Phương Mỹ dài trên 10km, kết hợp với các thế núi đã tạo ra 9 khúc sông đẹp được nhân dân gọi là “Chín khúc hội nai” hay “Chín khúc hồi lai”. Liên quan đến 9 khúc sông này, sách “Đại Nam nhất thống chí” khi viết về sông La có nói về nguồn sông Ngàn Sâu: “… 46 dặm đến xã Chu Lễ thì hợp với sông Tiêm, lại chảy 31 dặm đến xã Bào Lăng hợp với sông Trúc làm thành sông Cửu Khúc, gọi thế bởi vì hai bờ sông thế núi quanh co, dòng sông lượn thành 9 khúc”. Xã có Khe Địa dài trên 6.000m, bắt nguồn từ hai nhánh gồm động Đỏ và Xai Hàn rồi đổ ra sông Ngàn Sâu (gần đối diện với chợ Hôm); Hói Thần bắt nguồn từ nhiều khe suối của các dãy núi phía Đông Bắc từ Truông Vắt đến động Trọ Voi (Khe Nhà Đầm, Nác Nằm…) và đổ ra sông Ngàn Sâu đối diện bãi cát Chợ Hôm; Khe Ná dài khoảng 5000m, bắt nguồn từ khu vực động Dài vào đến Truông Đao đổ ra sông Ngàn Sâu…; Cầu Hói Địa, cầu Bến Giếng, cầu Bãi Thiên, cầu Cửa Cháng, cầu Cao, cầu Tre, cầu Miễu Mỏ, cầu Phao Chợ Hôm (được hình thành năm 1968 để phục vụ kháng chiến chống Mỹ và đã bị hư hỏng, năm 2006 mới được sửa lại), cầu Cửa Rào (cầu Cửa Rào được làm từ thời Pháp thuộc vào những năm đầu thế kỷ XX. Xã có hai bến đò ngang là: Rộc Lội và Chợ Lụy; Các đập nước lớn như: đập Khe Tráng, đập Bắt, đập Cửa Cháng, đập Bến, đập Khe Sông… Trong đó, đập Tráng được xây dựng vào năm 1972, có trữ lượng khoảng 1 vạn m3 nước.
Xã Phương Mỹ có nhiều cánh đồng lớn gồm: Nương Đưởi, Cửa Cháng, Quan Triều, Đồng Bến, Đồng Nhà Lúa, Đồng Bãi, Đồng Xoang…(làng Mỹ Khê);: đồng Khe Nậy, Vũng Trèn, Cửa Mổ, Đồng Da, Cầu Đá, Cây Mưng, Nam Cọc, Đồng Đập, Nác Lặn, Cồn Nổ (làng Phương Mộ), đồng Chõ Vua, Cồn Đén, Đồng Bạy, Đồng Nấy, Cồn Nát, Cửa Ràn, Đồng Mục Voi, Đồng Đầy, Dường Cần, Đồng Dinh, Bãi Phố, Rộc Bến Thần, Đường Thiên Lý (làng Phương Trạch).
Ở vùng này, chợ được hình thành từ rất sớm: Chợ Lũy (ở vùng Mỹ Khê) được hình thành từ thế kỷ XVIII, đây là trung tâm trao đổi của nhân dân trong vùng. Sau chợ Lũy, do nhu cầu trao đổi phát triển, nhân dân trong vùng đã thành lập Chợ Hôm. Chợ Hôm nằm gần bờ sông Ngàn Sâu (Phương Trạch), mỗi tháng họp 15 phiên, nhân dân các xã lân cận như xã Phương Điền, Hà Linh và cả ở vùng Đức Thọ cũng đến để mua bán, trao đổi hàng hóa. Chính vì vậy mà trong cuốn “Sơ thảo Lịch sử tỉnh Hà Tĩnh” của tác giả Roland Bulateau (Lịch sử tỉnh Hà Tĩnh, viết năm 1925, bản dịch của Bùi Đình Thiện) có đề cập đến chợ Hôm cùng với một số chợ khác trong huyện Hương Khê như: chợ Trúc, chợ Vang, chợ Vịnh, chợ Vân, chợ Gia… chứng tỏ chợ Hôm đã từng là nơi mua bán sầm uất của vùng.
          Các di tích trên địa bàn xã có: đền Nhà Bà thờ Trần Hoàng Thái hậu, tức bà Trần Thị Ngọc Hào (làng Mỹ Khê); đền Nhà Thánh (Ông Tướng), hay còn gọi là đền Cao Các thờ Đức Thánh “Cao Thổ oai Đại vương” (làng Mỹ Khê), đền Tam Công (thờ ba vị Quận công của nhà hậu Trần tử trận năm 1414) làng Phương Mộ, đền Phò Vệ tại Cồn Hội (làng Phương Mộ), Đền Trạng, đền Nhà Thánh, đền Tam Tòa thờ Thành hoàng; Chùa Tam Tòa (ở làng Mỹ Khê) thờ Thành Hoàng, Đức Khổng Tử và thờ Thần Nông, Chùa Mỹ Khê (làng Mỹ Khê), Chùa Phương Mộ (làng Phương Mộ); Nhà thờ Thiên Chúa giáo có: Nhà thờ Giáo xứ Thổ Hoàng: là nhà thờ Thiên Chúa giáo lớn của vùng hạ huyện Hương Khê. Nhà thờ được khởi công xây dựng vào năm 1865, dưới thời linh mục Gia-cô-bê Hiếu, nhà thờ giáo họ Tân Lập, nhà thờ họ giáo Phương Mộ, nhà thờ họ giáo Nam Lách, nhà thờ họ giáo Thổ Mỹ, nhà thờ họ giáo Phương Trạch, nhà thờ họ giáo Thổ Vượng. Trên địa bàn xã có nhà thờ họ Hồ, thờ ông Hồ Văn Hoa, một người có công với đất nước thời khởi nghĩa Tây Sơn. Đây là một công trình kiến trúc bằng gỗ rất đẹp và bền chắc, năm 2008, nhà thờ họ Hồ được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh…
          Trong thời kỳ đầu thực dân Pháp xâm lược (cuối thế kỷ XIX), Phương Mỹ, Phương Điền, Vụ Quang là những nơi được Phan Đình Phùng chọn làm căn cứ địa. Ngày nay, ở Phương Mỹ còn địa danh “Bãi Tập” là chứng tích của một thời oanh liệt của nghĩa quân, trong đó có nhiều người dân Phương Mỹ trực tiếp tham gia cuộc khởi nghĩa. Thời kỳ chống Mỹ, tuy ở xa các mục tiêu đánh phá ác liệt nhưng Phương Mỹ cũng như nhiều địa phương khác ở Hương Khê đã hứng chịu nhiều bom đạn địch. Toàn xã có 59 liệt sĩ, 5 tử sĩ, 01 Mẹ Việt Nam anh hùng, 05 cán bộ lão thành cách mạng, 05 cán bộ tiền khởi nghĩa và một anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là Hồ Đức Tự. Hồ Đức Tự sinh năm 1948, quê ở xã Hương Mỹ (nay là xã Phương Mỹ), nhập ngũ tháng 12 năm 1964. Khi được tuyên dương anh hùng, anh là thượng sĩ, trung đội phó thông tin thuộc Đại đội 5, Tiểu đoàn 133, Trung đoàn 596, Bộ tư lệnh Đoàn 559, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Anh được phong tặng danh hiệu Anh hùng vào ngày 3 tháng 6 năm 1976.
          Phương Mỹ là một trong 8 xã thuộc diện vùng sâu, vùng xa của huyện Hương Khê. Theo điều tra khảo sát của Ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo của huyện thì năm 2000, Phương Mỹ vẫn còn 39,8% hộ nghèo; đến năm 2016, còn 11,5% hộ nghèo theo tiêu chí mới. Nhờ có chính sách đầu tư của Nhà nước theo Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất các xã, đặc biệt khó khăn, các xã biên giới, các xã an toàn khu, các thôn bản đặc biệt nghèo của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg), cơ sở vật chất trường học đã được cải thiện, nâng cấp. Phương Mỹ có 2 trường học là Trường Tiểu học Phương Mỹ và Trường Tiểu học Tùng Sơn. Trường Tiểu học Tùng Sơn đã được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia vào năm 2003. Vào năm 2000, bình quân thu nhập đầu người của xã là 3,8 triệu đồng/người/năm, chưa có hộ nào lắp điện thoại bàn. Đến năm 2016, bình quân thu nhập đầu người tăng lên 14,5 triệu/người/năm. So với các xã khác trong huyện, tỷ lệ người dùng xe máy, ti vi và điện thoại ở Phương Mỹ còn thấp. Năm 2016, Phương Mỹ có 94% hộ có xe máy, 82,3% hộ có ti vi. Về xây dựng Nông thôn mới đến nay đã đạt 8 tiêu chí.

Xã Hà Linh
Hà Linh là xã miền núi, nằm về phía Đông Bắc huyện Hương Khê, cách trung tâm huyện 15 km về phía Bắc và cách thành phố Hà Tĩnh 25 km về phía Tây Nam. Hà Linh có diện tích 76.631,7 km2, dân số có 6.035 người.
Dân cư ở Hà Linh có nguồn gốc từ nhiều vùng quê khác nhau. Theo gia phả, các dòng họ Trần Đình, Ngô, Nguyễn Đình, Hồ đến Hà Linh lập nghiệp từ thế kỷ XVI, XVII, XVIII. Đến cuối thế kỷ XIX, Hà Linh có 9 làng: Sa Linh, Sa Long, Lâm Trung, Lâm Hạ, Lâm Thượng, làng Bàu, Đông Ấp, Trung Thượng, làng Căn. Đầu thế kỷ XX, 9 làng của Hà Linh được nhập lại thành 3 xã là: Hà Linh, Trúc Lâm và Đông Ấp. Cuối năm 1947 đầu 1948, ba xã Hà Linh, Trúc Lâm, Đông Ấp nhập lại thành xã Vĩnh Hương. Năm 1954, xã Vĩnh Hương sáp nhập với Phương Mỹ thành xã Hương Châu. Cuối 1955 đầu 1956, xã Hương Châu được chia thành 8 xã nhỏ là: Hương Thanh, Hương Thu, Hương Hà, Hương Trung, Hương Mỹ, Hương Thái, Hương Nam, Hương Luyện. Tháng 5/1972, ba xã Hương Thu, Hương Hà và Hương Thanh sáp nhập thành xã Hà Linh. Tính đến năm 2015, Hà Linh có tất cả 20 xóm (từ xóm 1 đến xóm 20). Người dân Hà Linh có giọng nói thổ âm giống với người Nghi Lộc, Nghệ An và người Đức An, Đức Thọ, Hà Tĩnh (dấu sắc giống dấu huyền).
Địa hình Hà Linh nghiêng dần từ Đông sang Tây, Bắc xuống Nam, bị chia cắt bởi nhiều đồi núi. Trên địa bàn có nhiều động như: động Con Voi, động Cao, động Cơn Dẻ,  động Cơn Trám, động Bụt… Xen kẽ đồi núi là các thung lũng nhỏ hẹp cùng các dải đất khá bằng phẳng chạy dọc theo chân núi và hai triền sông Ngàn Sâu.
Hệ thống sông ngòi, khe, suối ở Hà Linh khá phong phú, trong đó sông Ngàn Sâu là con sông lớn nhất chảy qua địa bàn xã, chia Hà Linh thành hai khu vực. Qua hàng ngàn năm bồi tụ, dòng sông đã tạo ra nhiều bãi bồi, cánh đồng phì nhiêu, tạo ra những xứ đồng cổ như: Đồng cơn Dưới, Cơn Bún, Bài Thung, Bãi Nổi, động Sâu, Cựa Gọ. Ngoài ra, Hà Linh còn có nhiều khe suối, hồ đập như: khe Giao, khe Thờ, khe Ông Ác, khe Cơn Bùi, khe Trai… và các con đập như: đập Cơn Hóp, Bàu Nậy, Khe Cọi, Bàu Tắn… Sông suối, hồ đập này là nơi cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân trong xã và một số xã lân cận như Phương Điền, Phương Mỹ. Hà Linh có các tuyến giao thông quan trọng chạy qua như: Quốc lộ 15A, đường sông Ngàn Sâu; bến phà Địa Lợi tức cầu Địa Lợi là nơi đã từng bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt.    
          Người dân Hà Linh xưa chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, buôn bán nhỏ và làm các nghề phụ khác như xây dựng, gò, hàn, đan lát... để tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, nghề nông vẫn là nghề chính. Hoạt động giao thương ở Hà Linh diễn ra rất sớm và khá phát triển. Trên địa bàn xã có hai chợ, đến nay vẫn còn hoạt động buôn bán khá sầm uất.
 Chợ Trúc khá nổi tiếng trong huyện, chợ thuộc làng Trúc Lâm nay thuộc xóm 1 xã Hà Linh, diện tích 1.117m2. Trước đây, Trúc là một thị tứ khá tấp nập, có cửa hàng mậu dịch, cửa hàng lương thực, trạm thu mua lâm sản, bưu điện, bến đò, bệnh viện… Mỗi tháng, chợ họp 15 phiên vào các ngày chẵn. Hàng hóa chủ yếu là các loại nông sản.
Ngoài chợ Trúc xã còn có thêm chợ Trạm. Chợ thành lập muộn hơn chợ Trúc, được xây dựng trên phần đất gần trạm y tế, nay thuộc xóm 8. Mỗi tháng chợ họp 15 phiên theo ngày lẻ. Người dân trong xã và các xã lân cận (như Phương Điền, Phương Mỹ, Phúc Đồng) đưa các nông sản về đây trao đổi buôn bán. Đến nay, chợ được xây dựng lại trên diện tích 1.760m2,, gồm 6 ki ốt và 10 gian hàng.
Trên đất Hà Linh từng có sự tọa lạc của nhiều ngôi đền, đình, chùa, miếu… với những kiến trúc tinh xảo như đền Sa Long, Cây Khế, Sa Linh, Tam Tòa, Đức Mẹ và chùa Bình Vôi. Hà Linh có hai nhà thờ nổi tiếng, nhà thờ họ Ngô và họ Nguyễn Quốc.
Nhà thờ họ Ngô hiện nay thờ danh nhân Ngô Đăng Minh. Năm Chính Hòa thứ 15 (1694) được phong Án trung bá; năm Chính Hòa thứ 25 (1704) có công đánh giặc Bồn Man, được phong “Đặc tiến Kim tử Vĩnh lộc đại phu, Tư lễ giám, Tả đề điểm, Án Trung bá Trụ quốc Thượng liên”. “Ông mất ở Thăng Long, nhà vua cho quan quân tùy tùng đưa thuyền  chở quan tài về quê nhà Trúc Lâm (Hà Linh). Nhân dân và con cháu dòng họ Ngô đã xây lăng mộ và lập đền thờ ông tại quê nhà, được nhà nước và nhân dân suy tôn là Thành hoàng làng”. Nhà thờ Ngô Đăng Minh là nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản xã Trúc Lâm (4 /1930), trụ sơ của chính quyền Xô viết xã Trúc Lâm, nơi đặt cơ sở ấn loát của Tỉnh ủy Hà Tĩnh năm 1930 - 1931. Năm 1996, Nhà thờ và mộ Đức hầu Ngô Đăng Minh đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Nhà thờ Nguyễn Quốc là nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của huyện Hương Khê. Hiện nay, nhà thờ được tỉnh Hà Tĩnh xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh.
Đạo Thiên Chúa du nhập vào Hà Linh cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Hiện nay, xã có 2 nhà thờ Giáo xứ: Thọ Vực và Vạn Căn, trong đó có 6 nhà thờ họ: Thọ Vực, Vĩnh Viễn, Trại Trăn thuộc xứ Thọ Vực; Họ Can, Gia Phương, Đồng Chùa thuộc xứ Vạn Căn. Bà con giáo họ sống tốt đời, đẹp đạo, đoàn kết trong phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa.
Truyền thống lịch sử Hà Linh gắn liền với lịch sử của huyện Hương Khê và tỉnh Hà Tĩnh, xứ sở mà bao đời nay là thánh địa, vùng đất đứng chân của các anh hùng hào kiệt trong các cuộc cầm binh giữ nước. Theo sử sách ghi lại, nhân dân Hà Linh đã cùng với nhân dân Hương Khê tham gia cuộc khởi nghĩa do Lê Lợi lãnh đạo chống ách cai trị nhà Minh. Hà Linh là căn cứ địa của Lê Lợi trong thời gian 6 năm (1422 - 1427). Ngoài ra, nhân dân Hà Linh còn tích cực tham gia phong trào Cần Vương, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng. Đặc biệt, Hà Linh là cái nôi của phong trào cách mạng giai đoạn 1930 - 1945 ở Hương Khê, trong đó, nhà thờ Nguyễn Quốc là nơi thành lập chi bộ Đảng Hà Linh - chi bộ đảng đầu tiên của huyện Hương Khê. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đảng bộ và nhân dân Hà Linh đã đóng góp sức người, sức của góp phần cùng nhân dân cả nước hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc thống nhất đất nước. Xã có 10 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 44 cán bộ lão thành cách mạng, 9 cán bộ tiền khởi nghĩa, 108 liệt sỹ, 84 thương binh, 19 bệnh binh. Với những thành tích xuất sắc đó, năm 2001, Đảng bộ và nhân dân Hà Linh được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hiệu lực lượng vũ trang nhân dân. Tự hào với quá khứ vẻ vang, Đảng bộ và nhân dân Hà Linh đã và đang nỗ lực hết mình, tận dụng thời cơ, vượt qua thử thách vững bước đi trên những chặng đường tiếp theo.
Từ năm 2000 đến nay (2015), kinh tế xã nhà có nhiều bước phát triển, đời sống nhân dân ngày càng cao. Năm 2000, thu nhập bình quân đầu người 3 triệu đồng/năm/người, tỷ lệ hộ nghèo đói là 31,68%, chưa có xe ô tô con, 55% hộ có điện thoại, 60 hộ có ti vi. Đến nay (2015), đời sống của nhân dân Hà Linh ngày càng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân tăng lên 15.228 triệu đồng/năm/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 12,48%, toàn xã có 12 xe ô tô, 18 xe tải, 90% hộ có điện thoại, ti vi và xe máy. Hệ thống các trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, rộng rãi. Đến tháng 6/2017, xã đạt 7/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới.
Xã Hương Thủy
Hương Thủy là xã miền núi, nằm về phía Đông Bắc huyện Hương Khê. Phía Bắc giáp xã Hà Linh, phía Đông giáp xã Hương Giang và huyện Thạch Hà, phía Tây giáp xã Hương Bình và xã Phúc Đồng, phía Nam giáp xã Gia Phố và Hương Long. Diện tích đất tự nhiên của Hương Thủy là 55.626,6 km2, dân số có 4.104người (năm 2016).
Trước năm 1930 ở Hương Thủy đã có 3 làng, gồm: Thượng Thạch, Trung Định và Tế Lễ. Các làng này đều có Liệt Triện và có hệ thống chính quyền riêng. Thượng Thạch là vùng nằm ở trung tâm huyện lỵ vì thế dân cư tập trung đông đúc. Còn Tế Lễ nằm ở vùng đặc biệt khó khăn, đất đai chủ yếu là đồi trọc cằn cỗi, thấp lụt, dân cư tập trung sinh sống ít hơn. Riêng Trung Định nằm ở giữa Thượng Thạch và Tế Lễ, cách trung tâm huyện lỵ khoảng chừng 1 km, nằm bên bờ tả ngạn sông Ngàn Sâu có đất đai rộng hàng trăm mẫu phì nhiêu, tươi tốt. Dân gian còn có câu truyền nhau rằng:
“Có con gả về làng Trung
Có tiền tậu ruộng Phúc Đung mà cày”
Phúc Đung là một cánh đồng màu mỡ thuộc làng Trung Định quanh năm đủ nước để trồng lúa nhờ có khe Trạng chảy ra. Vì vậy, số lượng dân cư tập trung sinh sống ở đây đông đúc hơn Tế Lễ.
Sau Cách mạng Tháng tám năm 1945, làng Thượng Thạch được đặt tên là xã Thượng Thạch. Làng Trung Định sáp nhập thêm hai làng Lung Sơn và Lung Chân ở hữu ngạn sông Ngàn Sâu thuộc tổng Phúc Lộc cũ và làng Yên Thắng - Tế Lễ thuộc xã Văn Đồng, tổng Phúc Điền cũ thành xã Trung Định. Tháng 5.1947, ba xã: Thượng Thạch, Trung Định, Hà Đông sáp nhập lấy tên là Hương Thủy. Tên xã Hương Thủy có từ đó. Đến tháng 7/1954, xã Hương Thủy được tách thành 3 xã: Hương Thủy, Hương Tân và Hương Giang. Xã Hương Thủy gồm làng Thương Thạch và 1/5 làng Trung Định. Tháng 3/1972, xã Hương Thủy sáp nhập với xã Hương Tân thành xã Hương Thủy và duy trì địa giới hành chính cho đến nay.
Là một xã bán sơn địa, có địa hình nghiêng dần theo hướng Đông Tây - Nam Bắc. Với nhiều núi thấp bao bọc xung quanh (cao nhất là đỉnh Động Chùa) tạo thành một thung lũng khá bằng phẳng. Trên địa bàn Hương Thủy, mật độ sông, suối, ao hồ khá dày đặc. Ngoài con sông Ngàn Sâu, xã có các khe suối như: khe cầu Trộ, khe Trường, khe Cầu Đất, khe Cầu Tân, khe Làng Rưng… Xã có những xứ đồng như: Khe Nác, Vụng Cuông, Vụng Tác, Cửa Chùa, Ruộng Hoang, Phúc Đung, Chăn Chái, Cơn Trường, Đồng Bần…
Về giao thông, Hương Thủy có 7km đường bộ 15A kéo dài từ cầu chợ Vạn (địa giới hành chính giữa xã Hương Thủy với xã Gia Phố) tới ngã tư Địa Lợi, 7 km đường sắt và một ga tàu (ga Chu Lễ), 8 km đường sông Ngàn Sâu, 3 cầu đường sắt (cầu 30 thước, cầu Truồng Lợn, cầu Hối Hối), 4 cầu đường bộ chính, cùng các trọng điểm: ngã ba Thủy Lâm, ga tàu Chu Lễ, phà Địa Lợi, ngã tư Địa Lợi; 3 bến đò qua sông Ngàn Sâu tạo điều kiện giao lưu giữa 2 vùng trong xã. Hệ thống đường giao thông liên thôn, liên xã được mở rộng, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi để Hương Thủy phát triển giao thương với các địa phương trong tỉnh và các vùng, miền khác trong cả nước.
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, cùng với sự biến thiên của lịch sử, trải qua bao “dâu bể, tang điền”, từng bộ phận cư dân đến định cư ở mảnh đất này vào nhiều thời điểm, với nhiều lý do khác nhau. Các họ tộc dân bản xứ không nhiều, phần lớn là dân từ các nơi đến lập nghiệp, nhiều nhất là: Đức Thọ, Hương Sơn, Thạch Hà, Can Lộc và một số ở Nghệ An. Chính vì thế, văn hóa Hương Thủy khá đa dạng, thể hiện rõ qua ngôn ngữ, phong tục, tập quán, tín ngưỡng…
Trên địa bàn xã đã từng có ba ngôi chùa lớn: chùa Thượng Thạch, chùa Trung Định, chùa Hói Lung. Trong đó, chùa Thượng Thạch là địa điểm thành lập tổ chức thanh niên yêu nước Tân Việt do thầy Lê Viết Lượng đứng đầu (năm 1928). Tiếc rằng, bom, đạn ác liệt của chiến tranh và phong trào hợp tự trong những năm 1948 - 1949, những ngôi chùa cổ kính đó hầu như bị phá hủy, nay chỉ còn lại một số dấu tích. Trước đây, trên địa bàn xã còn có ba ngôi đền lớn, đó là: đền thờ Cao Sơn Cao Các thượng đẳng thần ở thôn Trung Định, đền thờ Trà Sơn Hộ quốc thượng đẳng thần, Đền thờ Thủy Tinh Công chúa. Ngoài ra, xã còn có các đền: đền Tế Lễ, đền Động Mộc, đền Trạng, đền Cây Vải, miếu Nhà Bà, đền Khe Nác, đền Rú, đền Long Mạch - Sơn Thần. Hiện nay, người dân đã phục hồi được đền thờ Thánh Mẫu ở Thủy Lâm, đền thờ Đức Thánh Khai Sơn ở núi Khoai Vạc, đền Động Mộc và một phần đền Long Mạch - Sơn Thần. Từ những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Thiên chúa giáo du nhập vào Hương Thủy xuất hiện một số làng công giáo ở Yên Thắng, Lung Sơn, Lung Chân, Thượng Thạch. Đến nay, trên địa bàn xã có 3 nhà thờ họ: Thượng Thạch, Vạn Nguyên, Thuận Hội.
Hương Thủy là một trong những xã có truyền thống hiếu học ở Hương Khê. Trường tiểu học Hương Thủy (trước đây là trường tiểu học Hương Khê) là trường Tiểu học thành lập sớm nhất trong huyện (năm 1919). Hiện nay, trên địa bàn xã có 2 trường học: trường mầm non và trường tiểu học. Trường mầm non đã đạt chuẩn mức độ 1. Xã có nhiều người có học vị tiến sĩ, học hàm Phó giáo sư.
Trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc, nhân dân Hương Thủy đã có những đóng góp tích cực. Trong cuộc khởi nghĩa của anh hùng áo vải Quang Trung, nhân dân Hương Thủy đã hăng hái tham gia đoàn quân, góp phần cùng nhân dân Thanh - Nghệ bổ sung 5 vạn tinh binh, cùng quân Tây Sơn tạo nên đại thắng tết Kỷ Dậu (1789). Trong những người con yêu nước của Hương Thủy gia nhập quân Tây Sơn có Đại tướng quân Nguyễn Hữu Hộ. Là một tướng quân giỏi của vua Quang Trung, ông được giao trọng trách dẫn cánh quân đặc nhiệm vào giải phóng Thăng Long. Trong trận chiến oanh liệt đó, ông đã bị thương nặng và hy sinh vào ngày mùng 3 tết Kỷ Dậu (1789). Về sau ông được vua Quang Trung truy tặng danh hiệu “Bắc thành Đại tướng hùng uy nguyên phục chí thần, Nguyễn Hữu Hộ, tự Đức Bắc Thành. Nhân dân nhớ công đức của Ngài đã thờ cúng chu đáo ở đền Trạng.
Trong phong trào chống Pháp cuối thế kỷ XIX, nhân dân Hương Thủy đã tích cực tham gia nhất là cuộc khởi nghĩa hương Khê của Phan Đình Phùng. Suốt 12 năm (1885 - 1897), ngoài việc đóng góp lương thực thực phẩm để nuôi nghĩa quân và đóng góp mâm thau, nồi đồng để nghĩa quân rèn đúc vũ khí, nhiều con em Hương Thủy đã tình nguyện lên đường gia nhập nghĩa quân, xây dựng thành lũy, doanh trại ở Vụ Quang. Ở Thượng Thạch có các ông Phạm Quang Ý, may trang phục cho quân lính; Thái Diệu (tức Phê), Đốc Liệu, Dương Liệu, Đê Luần, Phan Tình là những lính của nghĩa quân. Ở Tế Lễ có 3 tổ tham gia sản xuất lương thực nuôi binh và có 20 người tham gia nghĩa quân. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước địa bàn Hương Thủy là nơi tập kết các kho tàng quân sự để chuyển vào Nam theo đường Hồ Chí Minh và vận chuyển sang Lào theo đường số 8. Đây là nơi đóng quân của binh Trạm 9 đoàn 559 và các đơn vị pháo cao xạ, thanh niên xung phong. Hương Thủy được coi là một trong những mục tiêu bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt nhất ở Hương Khê, bình quân mỗi người dân Hương Thủy chịu đựng 4 quả bom các loại (19.000 quả bom ném xuống Hương Thủy). Tiểu đội nữ dân quân tự vệ với 12 cô gái cầu Tân ngày đêm bám cầu, ngụy trang cầu đường để che mắt máy bay địch đã trở thành câu chuyện huyền thoại về lòng dũng cảm của người dân Hương Thủy, đặc biệt là những người con gái nơi đây. Kết thúc chiến tranh, toàn xã có 131 liệt sĩ, 63 thương bệnh binh, 1.300 người được tặng thưởng huân, huy chương. Năm 1996, Hương Thủy được phong tặng đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Xã có một Anh hùng lao động là Nguyễn Văn Đường và năm bà mẹ được phong danh hiệu  mẹ Việt Nam anh hùng là Nguyễn Thị Hinh, Nguyễn Thị Xuyến, Phạm Thị Lục, Trần Thị Lương và Thiều Thị Ngụ, 7 cán bộ lão thành cách mạng, 11 cán bộ tiền khởi nghĩa.
Về kinh tế, nơi đây, thủy sơn hội tụ, dòng sông Thâm Giang (Ngàn Sâu) chảy cuộn dưới những mạch núi thấp qua hàng triệu năm đã bồi đắp thành một thung lũng nhỏ, đất đai màu mỡ  phì nhiêu phù hợp với sản xuất nông nghiệp. Là xã có diện tích rừng lớn, khai thác lâm thổ sản cũng là một trong những thế mạnh kinh tế trước đây của Hương Thủy. Đặc biệt, sang đầu thế kỷ XX để phục vụ cho chính sách khai thác thuộc địa, Thực dân Pháp mở đường sắt Bắc - Nam, xây dựng nhà ga, nhà bưu điện, trường tiểu học Pháp - Việt Hương Khê, kho quân lương, sân vận động, chợ huyện họp mỗi tháng 30 phiên thêm tấp nập,… Chu Lễ được xây dựng thành thị trấn nhộn nhịp “trên bến, dưới thuyền” bên bờ sông Ngàn Sâu, nhờ vậy mở rộng giao thương trên nhiều lĩnh vực giữa Hương Thủy với các vùng trong tỉnh và trong cả nước. Chu Lễ là thị trấn huyện lỵ Hương Khê trong khoảng thời gian một trăm năm (1867 - 1973).
 Ngày nay, cùng với cả nước thực hiện công cuộc đổi mới, kinh tế  Hương Thủy đang ngày một khởi sắc. Bước đầu hình thành việc liên kết trong sản xuất, phát huy lợi thế về các loại cây ăn quả đặc sản và phát triển chăn nuôi. Xã đã thành lập được 5 doanh nghiệp, 8 hợp tác xã, 14 tổ hợp tác xã. Trong đó, có 1 tổ hợp tác liên doanh liên kết với Công ty Gia Bảo Lê ở Hải Dương, 1 số hợp tác xã sản xuất bưởi theo mô hình Viet Gap. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế năm 2015 đạt 85 tỷ đồng, tỷ trọng nông - lâm nghiệp chiếm 66%, tiểu thủ công nghiệp xây dựng chiếm 22 %, thương mại - dịch vụ 12%. Tỷ trọng ngành chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm 25%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo năm 2000 là 20% đến nay chỉ còn 12,18%, 995 ti vi, 1.115 xe máy, 8 ô tô. Tháng 6/2017, xã Hương Thủy đạt 7/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới.

Xã Hòa Hải
Hòa Hải là xã biên giới vùng cao nằm ở phía Tây Bắc huyện Hương Khê, cách thị trấn khoảng 18 km về phía Bắc. Phía Bắc giáp xã Phương Mỹ, phía Đông Bắc giáp xã Phương Điền, phía Đông và Đông Nam giáp xã Phúc Đồng, phía Nam và Tây Nam giáp xã Hương Bình; phía Tây giáp tỉnh Khăm Muộn (CHDCND Lào). Tổng diện tích tự nhiên của xã năm 2016 là 158.587,0 km2, dân số có 5.545 người.
Đầu thế kỷ XX, vùng đất Hòa Hải thuộc xã Tri Bản, tổng Hương Khê. Giai đoạn 1930 - 1945, xã Tri Bản (Hòa Hải ngày nay) thuộc tổng Hà Nam. Sau Cách mạng tháng Tám, 3 xã: Tri Bản (Hòa Hải ngày nay), Nam Trạch và Trung Hà (xã Hương Bình ngày nay) sáp nhập lại thành xã Tân Hương. Năm 1955, xã Tân Hương lại được chia tách thành ba xã: Hương Hòa, Hương Hải và Hương Bình. Xã Hương Hòa nhập thêm 1 thôn Thượng Thụ (hay còn gọi là xóm Tân Hòa); xã Hương Hải nhập thêm hai thôn Tân Hà và Tân Giang của xã Hương Đồng (gọi là xóm Ngọc Mỹ). Năm 1972, xã Hương Hòa, Hương Hải nhập thành xã Hòa Hải và duy trì tên gọi địa giới hành chính cho đến ngày nay. Theo gia phả một số dòng họ ở xã Hòa Hải cho thấy dân cư đến sinh sống tại vùng đất này từ rất sớm. Gia phả họ Trần (xã Hoà Hải ngày nay) còn ghi lại họ Trần là “dòng họ lớn, gốc tích họ này là dòng họ Hoàng tộc Triều Trần ở Thiên Trường, Nam Định vào đây từ thế kỷ XIV. Là một dòng họ lớn, nhiều người có công “Bảo quốc, Phù dân”. Tiêu biểu là Hoàng hậu Ngọc Hào, trong dòng họ đã có 5 người giữ chức Thập lý hầu. Theo “Lam Sơn thực lục” ông Trần Duy anh trai Hoàng hậu Ngọc Hào đã được phong tước Quận công, Thành hoàng Trần Bá Tước(1). Điều này chứng tỏ ở thế kỷ XIV, trên mảnh đất này đã có con người sinh sống, khai cơ lập nghiệp. Tuy vậy, đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, dân cư ở Tri Bản vẫn còn thưa thớt, một số hộ sống rải rác trong các thung lũng, rừng xanh ở Cha Chả, Mặng Đằng, Trại Cuồi, Trại Cột, Trại Trả và một số gia đình dòng họ di cư từ Đức Thọ, Can Lộc, Nam Đàn lên sinh sống ở vùng thấp hơn như: Trại Căng, Trại Lá, Cây Dừa, ven Rào Nổ v.v… Thể theo chính sách di dân của Đảng và Nhà nước, nhiều cư dân đến đây sinh cơ lập nghiệp.
Địa hình xã Hòa Hải mang hình thái bán sơn địa, dạng chính là đồi núi và đồng bằng chân núi; đồi núi dốc, cắt xẻ nhiều bởi sông suối; nhiều đồi núi và đồng bằng được hình thành bởi phù sa bồi lắng.
Phía Tây bắc xã có dãy núi Giăng Màn (thuộc dãy Trường Sơn) biên giới Việt Lào. Từ bản Cuồi Trả đến giáp biên giới Việt - Lào và dãy Trường Sơn có các dãy núi Mặng Đằng, Đỉnh Trồ, Long Vương, Thui, Môn, Mò Mo, Cu Na, Cha Chả. Phía Tây Nam có dãy núi Mụ Khúa, Động Cao, Khe Trả, Động Trín, khu núi Bãi Nậy v.v…, phía Đông Nam (giáp xã Phúc Đồng) có đồi động Đồn, động Chợ; phía Đông có dãy núi Trà Sơn (giáp xã Phương Mỹ, Phương Điền); phía Bắc có dãy núi Khe Câm, Hói Bãi, Bãi Đền, Động Chùa (thuộc khu Bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang).
Rào Nổ (hay còn gọi là Rào Lội) bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn chảy qua bản Cuồi Trả, qua thôn 3, 4, 5, 7, 8 nhập với đoạn cuối của Rào Hào (từ xã Hương Bình) đổ về sông Ngàn Sâu (ở chợ Trúc). Hòa Hải nhiều khe, suối, đập lớn, nhỏ như: khe Nước, Cu Tràu, Khe Đập, Khe Trù, Khe Trả, Nhà Gió, Cây Bùi, Đá Mài, Khe Voi, Tư Văn, Khe Cuồi, Mụ Khúa, Cha Chả, Cu Na, Hói Lẻ, Khe Trồ, Khe Ngã 2 Long Vương, Khe Môn, Tu Nữ, Hói Bãi, Khe Câm, Nhà Lăng, Đập Bản, Đập Sây, Tam Bảo, Khe Đập, Hói Bãi, Khe Nước, Đập Tắt, Khe Nậy. Xã có công trình thủy lợi Đá Hàn được xây dựng từ những năm 1966 - 1970 và tu sửa lại vào những năm 1970 - 1975 đảm bảo tưới tiêu cho trên 300 ha đất sản xuất của xã Hòa Hải và Hợp tác xã Long Giang (Phúc Đồng). Từ năm 2007 đến nay, công trình được Nhà nước trực tiếp đầu tư trở thành công trình đại thủy nông của huyện.
Vùng đồng bằng ven chân núi ở Hòa Hải khá lớn gồm các cánh đồng: Mù Ú, Trai Quan 1, Trai Quan 2, Cây Trâm, Khe Nác, Đồng Mội (ruộng sâu), Cầu Cao, Pheo Mưng, lòi Cố Huyền, Cải Tạo, Cửa Hang, Vườn Xạ, Vườn Linh, Huy Huệ, Đồng Lạng, Đồng Phường, Đồng Bụng, Nương Nậy, Bãi Cấm, Đồng Bưng, Cơn Nái, Đồi Nấy, Cây Trố, Cây Sanh, Vạt Quan, Lùa Lái, Lùng Toẹt, Đồng Quan, Ngô Đồng, Ma Ca, Lòi Lợn, Tri Phương, Cửa Chùa, Cồn Nậy, Trại Lá, Cuồi Trá, Thị Soa, Đập Sấy, Cây Sanh, Cây Trổ, Bàu Lẹt, Lòi Hóp.
Trên địa bàn xã có tuyến Huyện lộ 10 (Tỉnh lộ 18 cũ) đi qua; 6 tuyến đường trục xã, trong đó có tuyến giao thông quan trọng Hòa Hải - Hương Bình; đường từ xã Phúc Đồng qua xóm 10, xóm 12 và xóm 13; 12 tuyến đường liên xóm. Theo trục đường Long Bình có cầu Hào, cầu Đất, cầu Phù; Theo trục đường Tỉnh lộ 18 từ xã Phúc Đồng vào có cầu Hói Đót và cầu Khe Trả; từ đường rẽ ở trung tâm xóm Thống Nhất sang xóm Tân Hòa có cầu Tân Hòa (làm năm 2000), năm 2011, cầu đã được xây dựng kiên cố. Ngoài ra, còn có cầu Trộ Lở (bắc qua khe Hói Bãi); Cầu Rộc Lăn ở thôn 2; Thôn 11 có cầu qua Đập Bản;  cầu Từ Văn, cầu Tràn, cầu Bãi Hát, cầu Cây Cóc, cầu Đập Bản, cầu Nhà Mậu, cầu Rọc Lăn, cầu Phao... Hệ thống sông: rào Nổ, sông Ngàn Sâu, sông Tiêm, Ngàn Trươi tạo thành một mạng lưới giao thông đường thủy khá thuận lợi cho sinh hoạt, phát triển kinh tế và phục vụ quốc phòng - an ninh. Xã có khu chợ Nổ, là nơi buôn bán của nhân dân 3 vùng: Hòa Hải, Phúc Đồng, Hương Bình.
Là một xã kinh tế thuần nông, ngoài ra còn có các nghề: rèn, mộc, đóng cối xay, thợ nề, nghề trồng dâu nuôi tằm và các nghề dịch vụ khác…
Trên địa bàn xã Hòa Hải có nhiều công trình kiến trúc mang dấu ấn tôn giáo, tín ngưỡng, như: chùa Yên Bình, nhà thờ Giáo xứ Tri Bản (gồm có 1 xứ hai họ: Tri Bản và Thượng Thụ) được dựng bằng gỗ. Năm 1954, nhà thờ bị giặc Pháp ném bom cháy, sau đó được nhân dân đóng góp xây dựng lại. Năm 1995, giáo xứ xây dựng nhà thờ họ Thượng Thụ (Tân Hòa) còn nhà thờ chính (nhà thờ xứ) ở thôn 7 mới được xây dựng lại từ năm 2005. Hòa Hải có đền Cột (ở đồng Bưng), đền Rò (ở Rộc Rò, thôn 5), đền Cả (thôn 5), đền Sân Khẩu (ở thôn 4), đền Quan Phụng (ở thôn 6), đền Quan Quy (ở thôn 6), đền Nậy (nay làm nhà bia liệt sỹ) và đền Thượng Thụ (ở thôn 1). Các đền này đến nay chỉ còn lại một số phế tích, Bản Thổ, Mưng, Cả, Cơn Dăng, Cơn Dừa, Eo Đá, Quân Quỳ, Rô, Nậy, Thượng Thụ Tuần Bộ. Miếu thờ như: miếu Phát Lát (thờ bà Thần Nông), miếu ở đập Hói Bãi (thờ những người đi rừng bị chết), miếu ở đập Khe Nước thuộc thôn 9, miếu Động Thần (ở làng Khe Nước), miếu Thần Nông (ở xóm 4).v.v… Ngoài ra còn có các lăng, như: lăng Cha Chả, Đồng Cuồi. Nhà thờ Phạm Đình Ban, Phạm Đình Chân (xóm 10): hai vị anh hùng lịch sử trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX. Hai ông đã anh dũng hy sinh tại chiến trường khi tuổi đời còn rất trẻ. Năm 2007, Sở Văn hóa và Thông tin Hà Tĩnh xếp hạng Nhà thờ Phạm Đình Ban, Phạm Đình Chân là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn có rất nhiều di tích chưa được công nhận nhưng có giá trị cả về văn hóa, lịch sử như: An toàn khu (trong kháng chiến chống Pháp Hòa Hải là địa bàn hoạt động quan trọng của ATK Hà Tĩnh. Từ năm 1947 – 1952, đây là nơi sản xuất vũ khí, giấy bạc, xưởng chế tạo a xít), đền Nậy, đền Cả, chùa Tri Bản (chùa Yên Bình), đền Bản Thổ, đền Thượng Thụ, đền Eo Đá, lăng quan Hầu Năm, đền Cột Voi (thờ ông Trần Bá Tước, đền ở thôn 3, Đại Đồng).
Hòa Hải là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, trong các cuộc đấu tranh nhân dân không quản khó khăn, hiểm nguy tham gia chiến đấu. Trong xã hiện có 5 cán bộ lão thành cách mạng, 2 cán bộ tiền khởi nghĩa, 105 liệt sỹ, 4 mẹ được Nhà nước phong tặng “Mẹ Việt Nam Anh hùng”.
Văn hóa - Giáo dục của xã Hòa Hải khá phát triển, hiện nay xã có 3 trường học (Trung học cơ cở, Tiểu học, Mầm non), trong đó, Trường trung học cơ cở và Mầm non đạt chuẩn. Đời sống của nhân dân được nâng lên,  Mặc dù là xã biên giới vùng cao, cách xa trung tâm huyện lỵ nhưng đời sống của xã Hòa Hải thay đổi nhanh. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 5 triệu (năm 2000) lên 16 triệu (năm 2016). Năm 2000, toàn xã có 3 hộ lắp điện thoại riêng, 202 hộ có xe máy, hộ có máy vi tính 12 hộ có máy cày, xay xát. Đến năm 2015, toàn xã có 1.450 hộ có ti vi, 2.300 điện thoại, 1.360 hộ có xe máy, 35 ô tô, máy kéo, 65 máy giặt, 250 máy cày, 30 máy tuốt lúa. Đến tháng 6/2017, xã Hòa Hải đạt 7/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Xã Phương Điền
Phương Điền thuộc xã vùng sâu vùng xa nằm ở phía Bắc của huyện Hương Khê. Phía Nam giáp xã Phúc Đồng, phía Đông giáp xã Hà Linh, phía Tây và Tây Nam giáp xã Hòa Hải, phía Bắc giáp xã Phương Mỹ. Theo số liệu của phòng thống kê huyện năm 2016, xã Phương Điền có diện tích tự nhiên 1.399,57 km2. Dân số có 2.123 người, 100% là người kinh.
Trước Cách mạng tháng Tám, vùng đất Phương Điền thuộc tổng Trại La. Đầu năm 1946, chính quyền cách mạng bỏ cấp tổng, nhập các làng nhỏ thành các xã lớn. Vì thế, lúc này toàn huyện Hương Khê từ 42 làng thành lập 15 xã. Trong đó, các làng Phương Điền, Phương Trạch và Mỹ Khê sáp nhập lại thành xã Phương Mỹ. Đến đầu năm 1948, Phương Mỹ sáp nhập với xã Vĩnh Hương thành xã Hương Châu. Đến năm 1956, xã Hương Châu được chia thành 8 xã là Hương Trung, Hương Mỹ, Hương Nam, Hương Luyện, Hương Thái, Hương Thu, Hương Thanh và Hương Hà. Lúc này, vùng đất Phương Điền thuộc hai xã là Hương Luyện và Hương Thái. Đến tháng 3 năm 1972, hai xã Hương Thái và Hương Luyện sáp nhập thành xã Phương Điền. Khi thành lập, xã Phương Điền có 9 đội sản xuất, 2 chi bộ với 50 đảng viên. Qua nhiều lần tách, nhập, đến nay, xã Phương Điền có 6 xóm (xếp theo thứ tự từ xóm 1 đến xóm 6) và 10 chi bộ Đảng (6 chi bộ đảng nông thôn, 3 chi bộ trường học và chi bộ Trạm y tế).
          Trước đây, vùng đất Phương Điền có nhiều đồi núi rậm rạp như: động Mây, động Cao, động Cồn Mối, động Tam Phòng, động Con Rồng, động Đá Bạc, động Xây Quanh, động Cây Chanh, động Cây Hồng...; đồi Đá Bạc, đồi cây Hồng, đồi cây Chanh, rú Mây. Xã có các cầu: cầu Trèn, cầu Đất, cầu Dài, cầu Khe, cầu Tiến, cầu Trọt, cầu Hói Vang, cầu Bứa, cầu Rồng. Mật độ sông, hói, ao, hồ, đập ở Phương Điền tương đối nhiều, trong đó lớn nhất là sông Ngàn Sâu. Hàng năm vào mùa mưa lũ nước sông Ngàn Sâu thường gây ra lũ lụt lớn, thậm chí một năm người dân nơi đây phải sống chung với lũ từ 5-7 lần, song cũng nhận được lượng phù sa màu mỡ bù đắp, tạo điều kiện cho việc trồng cây hoa màu. Ngoài ra, xã còn có hói Trèn, hói Vang, sông Rào Nổ, Khe Kim, Khe Giàn, Khe Chẹt, Khe Trai, Khe Tràm, Khe Ông Tôm, Khe Xai, Khe Dò; đập Mưng, đập Rồng, đập Thia, đập Khe Trè, đập Tràm; Bàu: bàu Sen, bàu Cả Á, bàu Chài, bàu Cồn, bàu Mu Ú…; Công trình thủy lợi tiêu biểu là đập Mưng, tưới được 60 ha diện tích lúa.
          Phương Điền có các xứ đồng: đồng Lầy Su, đồng Tra, đồng Khu Bị, đồng Trộ Lươn, đồng Trộ Bắp, đồng Cây Khế, đồng Cùn, đồng Tra, đồng Đìa Mưng, đồng Xoài, đồng Xe, đồng Quyền, đồng Mây, đồng Nhà Đó, đồng Bệ, đồng Vác, đồng Mưng, đồng Khe Dò, đồng Voi, đồng Răng, đồng Khe Tiến, đồng Lòi Pheo, đồng Bến Đằm, đồng Trưa, đồng Bãi Vưng, đồng Vịnh, đồng Cây Da, đồng Cựa Đền, đồng Nhà Thoảng, đồng Vườn Bà Anh, đồng Trộ Kheng, đồng Cầu Mít, đồng Hà Om, đồng Bà Nghĩa, đồng Bợ Tre, đồng Lộ Đàng, đồng Vườn Làng, đồng Bãi Lụt, đồng Bàn, đồng Vang, đồng Cồn Nát, đồng Cồn Tý, đồng Cựa Truông, đồng Cồn Mận, đồng Vườn Ông Nghĩa, đồng Cầu Trén, đồng Vang, đồng Xoang, đồng Nát Đá, đồng Khe Trè, đồng Trí, đồng Vạng Lai, đồng Lầy Nốc, đồng Bào Chai, đồng Nại Cỏ, đồng Lầy Thơm, đồng Ao Chè, đồng Cầu Dài, đồng Trọt Sẻ, đồng Đạo Lường, đồng Bạy, đồng Khe Tiến, đồng Cựa Chạn, đồng Mù Ú, đồng Trấn.
Năm 1938, ga tàu hỏa được xây dựng tại thôn Thanh Luyện (nên được gọi là ga Thanh Luyện). Trên địa bàn xã có chợ Vang có từ trước năm 1930. Trước đây, chợ họp ở sát sông Ngàn Sâu cạnh bến Đò Vang phục vụ chủ yếu cho nhân dân xã Hương Thái (nay là xã Phương Điền) và một phần xã Hương Mỹ (nay là xã Phương Mỹ) và một phần xã Hương Thu (nay là xã Hà Linh). Hiện nay, chợ chủ yếu phục vụ cho nhân dân Phương Điền và nhân dân dọc trục đường Hồ Chí Minh. Chợ họp vào các ngày lẻ (âm lịch) trong tháng.
          Về di tích, trên địa bàn xã có chùa Bình Vôi, chùa Cồn (nhưng nay chỉ còn là phế tích); miếu nhỏ thờ thần thổ địa, thần núi và một ngôi điện ở xóm 1; Đền Nhà Ông (xóm 4), đền Núm Chuông (xóm 2): kể về sự tích giọt máu của tướng Trần Hữu Châu thuộc nghĩa quân Phan Đình Phùng, Đền Xóm 3. Xã có nhà thờ họ giáo Cây Mang (xóm 1 - ở vùng Thanh Luyện): được xây dựng năm 1968 về trước, duy tu năm 2009; Nhà thờ giáo xứ Kẻ Vang (xóm 4 trước đây thuộc xã Hưng Thái) được xây dựng năm 1938, nhà thờ mới được sửa chữa năm 2009.
          Thời kỳ cụ Phan Đình Phùng chọn vùng núi Vũ Quang làm căn cứ địa chống Pháp, nhân dân Phương Điền tích cực tham gia nghĩa quân và đóng góp nhân tài vật lực. Trong thời kỳ chống Mỹ, Phương Điền là xã nằm gọn giữa 2 ga tàu hỏa (Phương Mộ và Thanh Luyện), trong đó có cầu đường sắt Thanh Luyện là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của địch. Ngoài ra còn có hầm goòng ở ngay chân đền Nhà Ông (để đầu máy tàu trú ẩn, cũng nhiều lần bị máy bay địch đánh phá. Phương Điền có 52 liệt sỹ, 07 mẹ được phong tặng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, 03 cán bộ lão thành cách mạng và 01 cán bộ tiền khởi nghĩa; Thương binh có người 17 người,  bệnh binh 09 người, đi dân công hỏa tuyến 76 người, đi thanh niên xung phong 12 người, thân nhân liệt sĩ có 36 người.
          Phương Điền là xã ở vùng hạ huyện nằm sát con sông Ngàn Sâu, không có đê bao nên hàng năm xã bị ngập lụt, gây thiệt hại cho mùa màng và vật nuôi, bởi vậy đời sống của người dân nơi đây còn nhiều vất vả. Cuối năm 2000, tỷ lệ hộ nghèo đói ở xã chiếm 42,26% (theo khẩu chiếm 46,44%), đến năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới là 12,27%. Đặc trưng kinh tế của xã hiện nay là có 12 tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt. Chăn nuôi theo đàn nông hộ (chăn dắt, nuôi nhốt). Xã đã cơ giới hóa một số khâu như: máy làm đất, máy cày bừa nông nghiệp, máy thu hoạch mùa… thay cho sức kéo súc vật trước đây.
          Phương Điền là một trong 8 xã của huyện Hương Khê thuộc diện vùng sâu vùng xa, được hưởng chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước theo chính sách 135. Bởi vậy cơ sở vật chất trường học, cơ sở hạ tầng nói chung đã được nâng lên một bước. Vào đầu năm 2003, đoạn đường Hồ Chí Minh chạy qua xã  hoàn thành. Như vậy, cả 6 km đường sắt và đường Quốc lộ đều chạy qua xã Phương Điền, tạo điều kiện cho Phương Điền từng bước phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội để tiến kịp và vượt các địa phương khác. Cả ba trường đều đạt chuẩn Quốc gia năm 2013 và các trường đang xây dựng chuẩn Quốc gia giai đoạn 2. Năm 2000, bình quân thu nhập đầu người của xã là 1,050 triệu/người/năm, đến năm 2016 nâng lên 20,250 triệu/người/năm. Đến năm 2016, tỷ lệ Gia đình văn hóa của xã là 68%, hộ có xe ô tô là 7 hộ; Số hộ sử dụng internet 70% (420 hộ), số hộ dùng điện thoại: 90%, số hộ sử dụng ti vi: 79,2% (469 cái/592). Năm 2000, xã hoàn thành xây dựng mạng lưới điện Quốc gia; năm 2005, 100% hộ dân trong xã có điện. Năm 2016, trong xã có 12 hộ dùng điều hòa; 278/592 hộ dùng máy giặt, tủ lạnh, chiếm 46,9%. Xã có 5/6 xóm đạt xóm văn hóa (gồm xóm 1 và xóm 3, xóm 4, xóm 5 và xóm 6). Địa danh xóm 3 xã Phương Điền trước đây là nơi xây dựng Trường Cấp 3 Vụ Quang phục vụ cho con em 11 xã vùng hạ huyện (Hương Bình, Phúc Đồng, Hòa Hải, Phương Điền, Phương Mỹ) và 5 xã huyện Vũ Quang. Sau thành lập huyện Vũ Quang (năm 2000), Trường cấp 3 Vụ Quang được chuyển về xã Phúc Đồng và đổi tên thành Trường THPT Hàm Nghi. Về xây dựng Nông thôn mới đến nay xã đạt 8 tiêu chí.

Xã Phúc Đồng
Xã Phúc Đồng nằm cách trung tâm huyện 13 km về phía Đông Bắc. Phía Bắc giáp xã Phương Điền, phía Nam giáp xã Hương Thủy, phía Tây giáp xã Hòa Hải và Hương Bình, phía Đông giáp xã Hà Linh. Năm 2016, xã có tổng diện tích tự nhiên là 21.445,3 ha, dân số là 4.590 người (trong đó có 1 khẩu dân tộc Thái).
Là xã thuộc vùng bán sơn địa nên địa hình khá đa dạng. Bao quanh xã là vùng đồi núi gối lên nhau theo kiểu “bát úp”, tạo nên ranh giới tự nhiên với các xã lân cận. Đó là dãy Động Đồn, Đồng Thần, Động Bạng, Đồng Mận, Động Cá Ông, Động Am, Động Đá, Động Lá…Thủa xưa, trên địa bàn xã có nhiều diện tích rừng nguyên sinh với nhiều gỗ quý như: gõ, kiền kiền, lim, sến… nhiều cây dược liệu như: Hà thủ ô, thiên niên kiện, nhiều loại thú: mang, nai, khỉ và rất nhiều loại chim sống thành từng đàn nhưng nay các nguồn lợi rừng kể trên đã cạn kiệt. Những năm gần đây, một số diện tích rừng đã được nhân dân trồng lại với các loại keo, bạch đàn xanh tốt. 
Sông lớn nhất chạy qua xã Phúc Đồng là Rào Nổ (chảy qua địa bàn xã dài khoảng 7 km). Đây là con sông cung cấp nguồn nước chính và cát sỏi và nhiều loại thủy sản như: cá chép, cá mát, cá chạch, cá bống cho nhân dân địa phương. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, sông là tuyến đường thủy quan trọng để vận chuyển vật liệu xây dựng các cơ sở sản xuất vũ khí phục vụ cho quân và dân ta đánh giặc. Trong xã còn có một số khe nước nhỏ như: Khe Nác, Khe Cáo, Khe Con, Khe Cang…và các đập như: Rú Mạo, đập Nhón, Làng Vàng, Cánh Hạc, Khe Cáo, Ông Đọn, đập Xóm…do địa hình có nhiều khe, đập nên vào mùa mưa thường có nhiều trận lũ lớn xảy ra gây nhiều tổn thất về tài sản của nhân dân.
Về giao thông, trước đây, Phúc Đồng có các tuyến đường chính như: đường từ Địa Lợi về Hói Đót; đường từ Khe Nác qua ngã tư Trúc; đường từ Bến Nại vào cầu Ông Thơ, Bãi Hát và một mạng lưới đường làng, đường nội đồng dày đặc. Đến nay, ngoài hệ thống các đường liên thôn, xã Phúc Đồng có 5 km Quốc lộ 15 A, 6 km đường mòn Hồ Chí Minh và 5 km đường sắt Bắc - Nam đi qua. Đây là những huyết mạch giao thông quan trọng của đất nước nói chung và Phúc Đồng nói riêng. Nhờ giao thông thuận lợi nên việc buôn bán, giao lưu trao đổi giữa nhân dân gặp nhiều thuận lợi, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân.
Do địa hình bị chia cắt bởi các sông ngòi, khe suối nên trên địa bàn xã Phúc Đồng nhiều cầu, cống được xây dựng để phục cho việc đi lại và sản xuất như cầu treo Long Giang, cầu Làng Vàng, cầu Bến Nại, cầu Cửa Chảng, cầu Cơn Trôi, cầu Hà Me, cầu Phốc Pheo…
Xã Phúc Đồng được hình thành khá sớm, vào thế kỷ XVII gắn liền với danh tướng Ngô Đăng Minh. Trước đây, vùng Phúc Đồng có tên gọi là Kẻ Cừa, Kẻ Chày, Kẻ Chấn sau đó gọi là xứ Bàu Lăng (thế kỷ XVII). Khi thành lập huyện Hương Khê (1867) vùng đất này thuộc tổng Phương Điền. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, vùng đất này thuộc hai xã Văn Đồng và Phúc Hội. Trong đó, xã Văn Đồng gồm các thôn Văn Khuê, Tế Lệ và Yên Thắng; xã Phúc Hội bao gồm các giáp Phúc Cừ, Yên Hội, Bàu Trạng và Ngọc Mỹ. Sau Cách mạng tháng Tám, hai xã Văn Đồng và Phúc Hội hợp nhất lại thành xã Phúc Đồng với 8 thôn: Phúc Chí, Phúc Thọ, Yên Trung, Phúc Long, Ngọc Mỹ, Phúc Lộc, Yên Thượng, Yên Hạ. Tháng 6/1956, xã Phúc Đồng tiếp tục được tách thành xã Hương Đồng và Hương Châu. Đến tháng 10/1972, hai xã được nhập lại với tên gọi Phúc Đồng với 19 xóm và tồn tại cho đến nay.
Một số di tích liên quan đến đạo Phật như: chùa Bụt, chùa Văn Đồng, chùa Ắc, một số di tích liên quan đến nho giáo như nhà Thánh ở vùng Long Giang… nhưng nhiều nhất phải kể đến là các di tích của tín ngưỡng Lão giáo, hầu khắp trên địa bàn của xã đều có các di tích của đạo này: ở vùng Long Giang có đền Đình Trung, đền Bọng Mội, đền Động Đá, vùng Minh Sơn có đền Làng Vàng, đền Đông Sên (đền trong), đền Yên Hội; vùng Hương Châu có đền Thanh lăng, đền Đĩnh Trùn, đền Lòi Tiến, đề Vực Cần, đền Khe Cá. 
Người dân Phúc Đồng còn có tín ngưỡng thờ Thành hoàng. Hiện nay, ở xóm 11, có một lăng mộ rất lớn, tương truyền là mộ của Dương Đô hiệu Ngọc Khuê, tước Đô đô Thống chế Hùng Thắng đại vương, là người có công với nước, với làng nên được phong là Thành hoàng làng và được nhân dân lập miếu để thờ. Nhân dân còn thờ thần Thổ địa (cúng Thổ thần trong các dịp: làm móng nhà, đào giếng, đào ao, làm vườn…), thờ Thần Bếp (táo quân). Người Phúc Đồng xưa có tiếng hiếu học. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, ông Võ Văn Thống, ông Võ Văn Tự được phong “Cửu phẩm”. Ở Văn Đồng có đồ Thống, đồ Chương, đồ Tràng; Phúc Hội có thầy Miến, thầy Hội; ở Ngọc Mỹ có trường tư thục, được chính quyền lúc đó xác nhận có đủ tư cách pháp nhân trong việc cấp chứng chỉ cho học trò. Năm 1994 trở đi, Phúc Đồng là một trong ba đơn vị cấp xã có đầy đủ hệ thống trường học từ mầm non đến Trung học phổ thông. 
Về sinh hoạt văn hóa dân gian, lối hát sắc bùa rất phổ biến ở Phúc Đồng. Đạo cụ là chiếc trống Tầm Vinh (có nơi gọi là tầm vông) kết hợp với gõ mõ. Đội hát sắc bùa thường được biểu diễn vào dịp lễ, tết bằng câu hát xưa còn lưu truyền lại. Ngoài ra, còn có hát vè, hát ví dặm thể hiện tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước. Cây đa, giếng nước (giếng Trục Vực, xóm Chùa, giếng Cồn Trôi) luôn là bộ phận cấu thành tạo nên vẻ đẹp và nét đặc trưng riêng cho làng quê Phúc Đồng.
Trong các cuộc chiến tranh, nhân dân Phúc Đồng luôn thể hiện truyền thống yêu nước, cách mạng. Trước năm 1945, phong trào đấu tranh ở đây phát triển, xã có 10 cán bộ lão thành cách mạng. Mảnh đất này được chọn đặt Cơ xưởng I của an toàn khu (ATK) Hà Tĩnh, nơi sản xuất vũ khí và đặt văn phòng tài chính Trung Bộ, nơi đóng quân của Binh đoàn 12, nơi dừng chân tập kết của nhiều đoàn quân trên đường ra chiến trường. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Phúc Đồng có 886 lượt người gia nhập quân đội,  trong đó có 109 đồng chí hy sinh, 82 thương binh; 47 bệnh binh. Đồng chí Phan Châu Mỹ1 được tặng anh hùng lực lượng vũ trang. Năm 2000, xã Phúc Đồng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Đến nay, đời sống của nhân dân Phúc Đồng ngày càng thay đổi, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 5,4 triệu (năm 2000) lên 16 triệu đồng (năm 2015); số hộ nghèo giảm từ 46,3% (năm 2000) xuống còn 27,3% (năm 2015). Năm 2003, số hộ mua ô tô,dùng điện thoại còn ít, 200 hộ có xe máy, 9 hộ có máy nông nghiệp, 260 hộ có ti vi. Đến năm 2015, toàn xã có 36 hộ mua ô tô, 1.266 hộ có xe máy, 71 hộ có điều hòa, 140 hộ có máy giặt, 512 hộ có tủ lạnh, 1.050 hộ có máy nông nghiệp. Đến tháng 6/2017, Phúc Đồng đạt 6/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Xã Hương Giang
       Hương Giang là xã miền núi nằm về phía Đông của huyện Hương Khê. Phía Bắc và phía Tây giáp xã Hương Thủy, Phía Nam và Tây Nam giáp xã Gia Phố và Lộc Yên, Phía Đông giáp huyện Thạch Hà. Năm 2016, xã có tổng diện tích tự nhiên là 6.850,26 ha, dân số 5.764 người.
Xã Hương Giang trước năm 1945 được gọi là xã Hà Đông gồm các làng Lung Sơn, Lung Chân, Thịnh Lạc, Trại Nại, Tân Đức, Bại Đức thuộc tổng Hà Nam. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Hà Đông cắt hai làng Lung Sơn, Lung Chân nhập với làng Trung Thịnh (thuộc xã Thượng Thạch - Hương Thủy) lập thành xã mới lấy tên là xã Trung Thịnh. Tháng 5.1947, xã Hà Đông sát nhập xã Thượng Thạch và xã Trung Lễ thành xã Hương Thủy. Lúc này, Hương Thủy gồm 6 thôn: Đông Thượng, Đông Hạ, Nam Thượng, Nam Hạ, Tây Thượng và Tây Hạ. Đến tháng 7.1954, xã Hương Thủy chia tách thành 3 xã: Hương Thủy, Hương Tân và Hương Giang. Hương Giang nằm ở phía Bắc tả ngạn sông Ngàn Sâu gồm các xóm: Đông Thượng (Làng Truông), Đông Sơn (Động Hạ cũ), Nam Thượng, Nam Hạ, Tây Thượng, Tây Trung, Tây Hạ, xóm Đượng. Các đơn vị thôn xóm được sắp xếp theo thứ tự từ 1 đến 13. Đến năm 2012, sát nhập còn 12 đơn vị thôn.
         Địa hình của xã nghiêng từ Đông sang Tây. Bao quanh xã về phía Đông, phía Nam và một phần phía Bắc là dãy núi Trà Sơn hùng vĩ. Địa hình nơi đây tương đối thấp nên thường xuyên bị ngập lụt về mùa mưa. 
Về sông suối, chạy dọc theo chiều dài của xã có con sông Ngàn Sâu, điểm đầu từ xóm 1, xóm 2 (giáp xóm Đông Hải - Gia Phố) đến xóm 13 (giáp xã Hương Thủy). Trước đây, con sông này là nơi cung cấp nguồn nước tưới, nguồn thủy sản phong phú cho nhân dân trong xã. Bên cạnh đó, Hương Giang còn có một hệ thống các khe suối như: khe Su, Ba Hòn, Ma Ca, Hậu Thần, khe Con, Mây Đắng, khe Chè, khe Khoai… cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất, nhân dân ngăn các dòng khe tạo nên các hồ đập là: Đập Họ Võ, Khe Con, Ma Ca, Bàu Quan, Nghị Chương, Cây Nâu, Cây Táu, Khe Vôi. Giữa các đồi núi, sông, suối, khe, đập là những cánh đồng nhỏ. Tiêu biểu là: Đồng Cây Sú, Cây Căng, Cây Du (xóm 1, xóm 2); Bàu Nàng, Bại Nhớp (xóm 3); Cây Trâm, Nhà Diêu (xóm 4); Chao Vao, Cây Vải (xóm 5); Ma Ca (xóm 6); Bại Nậy, đồng Đưng (xóm 7); Cây Nâu, Cây Soi (xóm 8), Nắp Ốc (xóm 9); Cây Trường (xóm 10); Cây Sông, Cây Chu (xóm 11); Xạ Miễu, Bến Trường (xóm 12).
       Về giao thông, Hương Giang bị chia cắt bởi nhiều sông suối, xã giống như ốc đảo nên bến đò là cầu nối với thế giới bên ngoài, việc đi lại gặp nhiều khó khăn, chủ yếu giao lưu bằng đường thủy, trên các chuyến đò ngang, đò dọc. Năm 1979, cầu treo Thủy Lâm bắc qua sông Ngàn Sâu nối Hương Giang với Quốc lộ 15A được xây dựng có ý nghĩa lớn đối với nhân dân trong vùng. Hiện nay, xã đã có một hệ thống giao thông tương đối hoàn thiện. Về đường bộ, có tuyến Huyện lộ nối từ Hà Linh đến Phúc Trạch, dài 5 km; huyện lộ 7 nối từ Thủy Lâm đến UBND xã, dài 7km. Các tuyến đường liên thôn, liên xã của Hương Giang đều đã được nhựa hóa, bê tông hóa, thuận lợi cho nhân dân đi lại. Về đường thủy, xã Hương Giang có 3 bến đò lớn gồm bến số 1, 2, 3 được nâng cấp tương đối kiên cố. Đặc biệt là Bến đò số 2, cuộc sống của người dân xóm 7 vẫn gắn liền với bến đò này.
        Kinh tế Hương Giang chủ yếu là nông nghiệp. Trước đây, nhân dân sử dụng các giống lúa bát, lúa cu, lúa chành, lúa chạo, nếp nâu, nếp Lào, nếp sứ; các loại củ như khoai chiêm lương, khoai từ, củ đậu…Hiện nay nhân dân sử dụng các giống lúa lai: C6, Khang Dân, Nhị Ưu, Thiên Ưu cho năng suất cao. Hoạt động dịch vụ thương mại phát triển chậm, xã không có chợ, nhân dân chủ yếu giao lưu buôn bán ở chợ Sòng (xã Hương Thủy). Ngày nay, trên địa bàn xã đã thành lập chợ Cây Trôi nhưng quy mô còn nhỏ. Ngoài ra, xã còn có hàng chục quán tạp hóa nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu hàng hóa cho nhân dân.
        Cũng như các địa phương khác ở Hương Khê, người dân Hương Giang chịu ảnh hưởng của tục thờ thần (gồm thiên thần và nhân thần) của Đạo giáo, các thuyết từ bi, hỉ xả của Phật giáo và Thiên chúa Giáo. Trên địa bàn xã có đền Cây Bụt (giai đoạn 1949 - 1950, đền Cây Bụt hợp tự với đền cây Nâu (đền Hà Đông) nhưng hiện nay đã được khôi phục lại ở vị trí cũ. Ngoài ra, còn có đền Đưng, đền Chính. Nhân dân Hương Giang cũng chịu ảnh hưởng của Phật giáo, ở xã có chùa Gác Chuông, chùa Lung. Chùa Gác Chuông có sư trụ trì, có thầy dạy kinh, trong chùa có nhiều pho tượng bằng gỗ mít chạm trổ công phu và có nhà cao lớn phía trước để gác chuông. Trong kháng chiến chống Mỹ, chùa Gác Chuông bị máy bay địch ném bom phá hủy, chỉ còn hai cột nanh và một cái chuông đồng to, nặng khoảng 500 kg. Chuông này hiện được xã cất giữ cẩn thận. Còn một số đồ thờ tự chuyển về chùa Lung. Trên địa bàn xã còn có 3 nhà thờ họ giáo Cây Khế, Cây Thị, Phước Sơn và một nhà thờ xứ Làng Truông.
      Hương Giang là xã giàu truyền thống yêu nước, được biểu hiện đậm nét nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954) và đế quốc Mỹ (1954 - 1975). Nhân dân Hương Giang đã có những đóng góp nhiều sức người, sức của cho đất nước. Xã có một cán bộ lão thành cách mạng, 4 người được phong Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 99 liệt sỹ, 69 thương binh, 21 bệnh binh.
          Đời sống của nhân dân xã Hương Giang ngày càng được nâng lên. Năm 2003, thu nhập bình quân của xã đạt 1,8 – 2 triệu đồng/người/ năm, cả xã mới có 7 hộ lắp điện thoại cố định, 285 hộ có ti vi màu, 236 hộ có xe máy, 7 hộ có máy nông nghiệp (chủ yếu là máy cày, xay xát)1. Nhưng đến năm 2016, thu nhập bình quân đầu người ở Hương Giang đạt ngưỡng 22.500.000 đồng/người/năm, gia đình văn hóa chiếm 65,8%, 2/12 thôn được công nhận thôn văn hóa, 2/3 trường học đạt chuẩn văn hóa (Trường THCS, Trường Tiểu học). Năm 2016, Hương Giang có 1.218 xe máy, có 1.056 ti vi, 1.717 điện thoại di động, toàn xã có 1 ô tô con, 75 máy cày - bừa, 12 máy xát lúa2. Đến tháng 6/2017, Hương Giang đạt 7/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới.

Xã Lộc Yên
Lộc Yên nằm ở phía Đông huyện Hương Khê, cách trung tâm huyện 2 km và cách thành phố Hà Tĩnh 47 km về phía Tây. Phía Bắc giáp xã Hương Giang, phía Tây giáp xã Gia Phổ, phía Nam giáp xã Hương Đô và Hương Trà, phía Đông giáp xã Thạch Điền (huyện Thạch Hà) và xã Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên). Tính đến 2016, xã có có diện tích là 104.697,8 km2, và dân số là 5.067 người.
Qua một số tài liệu và gia phả các dòng họ, sự tích về đình, đền, chùa… thì trên đất Lộc Yên từ thế kỷ XI đã có người sinh sống. Tuy dân cư còn thưa thớt nhưng đã manh nha cho việc hình thành các làng, xã sau này. Cư dân ở Lộc Yên được bổ sung bởi các nguồn di cư từ ngoài Bắc vào và từ các huyện khác trong tỉnh. Xã có những dòng họ lớn là: họ Nguyễn, Trần, Mai, Hán, Võ, Lê. Quá trình hình thành dân cư và làng xóm ở Lộc Yên diễn ra khá sớm, tuy nhiên đến đầu thế kỷ XVII, các làng mới được xác lập và đầu thế kỷ XIX mới trở thành đơn vị hành chính cơ sở của chính quyền phong kiến thuộc tổng Phúc Lộc, huyện Hương Khê. Từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay, các làng, xóm có sự thay đổi về tên gọi và địa giới hành chính để phù hợp với tình hình kinh tế, chính trị của từng thời kỳ. Trước Cách mạng tháng Tám, xã Lộc Yên thuộc tổng Phúc Lộc gồm có 3 làng: Yên Lập, Lộc Yên và Khả Gia. Sau Cách mạng tháng Tám, làng Lộc Yên, Yên Lập và Khả Gia hợp lại thành xã Yên Lập sau đó đổi tên là Tây Hồ. Từ 1955 - 1972, xã Tây Hồ chia tách thành hai xã Hương Lộc và Hương Mai. Xã Hương Lộc gồm có 10 thôn: Hương Bình, Yên Lập, Dương Thượng, Thái Thượng, Bàu Mạy, Chợ Tràng, Hương Thượng, Hương Trung, Hương Hạ, Hương Yên. Xã Hương Mai gồm có 8 thôn: Nội Nại, Trung Nại, Ngoại Nại, Tân Đình, Bình Thọ, Phúc Thọ, Hương Đồng và Hương Giang. Tháng 4/1972, xã Hương Lộc và Hương Mai nhập lại thành xã Lộc Yên, tên các đội sản xuất được đặt theo số thứ tự. Năm 1977, Lộc Yên đổi lại tên gọi các xóm theo địa danh trước đây.
Rừng núi chiếm 88% (9.262 ha) diện tích đất tự nhiên Lộc Yên, gồm dãy núi Trà Sơn, rú Ten, động Tròn, động Cao, động Nọc và động Chúa. Trước đây, rừng ở Lộc Yên có nhiều lâm thổ sản quý, động vật hoang dã tương đối phong phú. Qua thời gian cùng với sự tàn phá của con người, rừng Lộc Yên đã bị cạn kiệt. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết diện tích rừng ở Lộc Yên đã được khoanh nuôi và trồng mới.
Vùng đồng bằng, trung du chỉ chiếm 12% diện tích của Lộc Yên; các xứ đồng khá bằng phẳng như: Ông Vờm, Cựa Nanh, đồng Lôốc, đồng Đập, Vụng Cờ, Cây Trường, đồng Lườn, đồng Giếng, đồng Cạn, đồng Ruồi, đồng Đượng v.v. Trên địa bàn xã cũng có nhiều vùng sâu trũng là các đầm, đìa, bàu. Đây là nơi dân cư sử dụng để nuôi cá, gia cầm và trồng lúa hai vụ.
Lộc Yên có 3 con sông chảy qua: sông Ngàn Sâu, Sông Tiêm, Rào Nại. Ba   con sông chia cắt mảnh đất này thành 3 vùng: vùng hữu ngạn sông Ngàn Sâu và tả ngạn sông Tiêm gồm các xóm: Hương Đồng, Hương Giang, Hương Bình, Trung Thượng, Hương Thượng, Thái Thượng, Yên Lập; vùng phía tả ngạn sông Ngàn Sâu và Rào Nại gồm các xóm: Bình Phúc, Tân Đình, Tân Lập, Yên Bình, Trung Sơn; vùng phía tả ngạn sông Ngàn Sâu (từ Cửa Xé đi lên) và hữu ngạn sông Rào Nại gồm các xóm: Trường Sơn, Hương Yên. Trên địa bàn xã còn có nhiều khe, bàu như: khe Cồn, khe Táy, khe Dót, khe Cài, khe Cồn Trín, khe Mụ Thụy, khe Nắp Ốôc, bàu Mạy, bàu Voi, bàu Căn, bàu Hung, Chủ Đô, Eo Bù, Hà Thần… và các đập nước nhỏ: đập Nước Đỏ, xây dựng từ năm 1957 có trữ lượng nước 1.700.000 m3, phục vụ tưới cho hơn 95 ha; đập Ông Vờm xây dựng năm 1987, với trữ lượng nước hơn 150.000 m3 tưới tiêu cho hơn 35 ha; đập Hóp xây dựng năm 1959 tưới cho hơn 10 ha; đập Khe Sắn xây dựng từ năm 1967, tưới cho hơn 40 ha; đập Cây Căng xây dựng năm 1972 tưới cho hơn 10 ha; đập Khe Táy được khởi công xây dựng năm 2006 hoàn thành năm 2012.
Lộc Yên có nhiều tuyến đường quan trọng chạy qua: đường sắt Bắc Nam, đường Hồ Chí Minh, Tỉnh lộ 17,  Đường 15A. Ngoài ra, xã còn có 3 tuyến đường liên xã: Lộc Yên - Thị trấn Hương Khê, Lộc Yên - Hương Đô, Lộc Yên - Đông Hải (Gia Phố) với tổng chiều dài khoảng 9,5 km và 18 tuyến đường liên thôn. Ngoài ra, xã còn có cầu Tràn bắc qua sông Tiêm; cầu Đá Lậu, cầu Tràn, cầu gỗ bắc qua sông Ngàn Sâu…
Người dân Lộc Yên xưa chủ yếu sống bằng nghề nông. Nhưng do đất ở đây phần lớn là đất sét, khô, chua, nghèo chất dinh dưỡng nên việc trồng lúa nước đem lại hiệu quả thấp. Tuy nhiên, Lộc Yên lại là một trong 4 xã của huyện Hương Khê tròng bưởi Phúc Trạch có thương hiệu và do đó giá trị kinh tế cao. Xưa kia Lộc Yên còn nổi tiếng với nghề ươm tơ kéo sợi, các hộ dân thường trồng dâu nuôi tằm ở các vùng bãi ven các con sông chảy qua.
Đi đôi với sản xuất nông nghiệp, trước đây, người dân Lộc Yên còn biết tận dụng nguồn lợi phong phú từ rừng để đảm bảo đời sống, tăng thu nhập. Có khoảng 1/3 hộ dân trong xã “đi rú” để lấy củi, đào củ mài, hái măng, hái nấm, hái rau, lấy ong, bẩy thú, khai thác gỗ. Các nghề buôn, rèn, đánh cá, may, đan nón, thợ mộc, nuôi tằm cũng phát triển, thu hút nhiều lao động. Trước đây người dân Lộc Yên có phong trào đi Lào. Đi Lào là công việc rất vất vả, khó khăn, nhiều người phải bỏ mạng trên đất Lào bởi rắn cắn, hổ vồ, sốt rét…. Vì thế, đây là phương cách kiếm sống bất đắc dĩ của nhân dân.
Kinh tế thương mại ở Lộc Yên cũng phát triển tương đối sớm do vùng có nhiều nông sản hàng hoá. Chợ Un hình thành sớm, tên gọi gắn với vị trí ở xóm Bình Phúc trên cánh đồng Un, sau này gọi là xóm chợ. Thời Pháp thuộc chợ Un họp ở xã Gia Phố. Trước đây, Chợ Un cứ năm ngày là có một phiên xuôi và năm ngày là một phiên ngược. Dân buôn thuyền từ, Vinh, Nam Đàn, Đức Thọ, Hương Sơn, Can Lộc, Quảng Bình theo dòng Ngàn Sâu đưa về đây các loại hàng hóa và mua về lâm thổ sản, các sản vật địa phương. Sau này, chợ Un chuyển về thị trấn đổi tên thành chợ Sơn.
Thiên Chúa giáo du nhập vào Hương Khê nói chung, Lộc Yên nói riêng từ cuối thế kỷ XIX, nằm trong Hạt Ngàn Sâu thuộc xứ Tràng Lưu gồm 5 giáo họ: Tràng Thị, Tràng Lưu, Đồng Lưu, Giang Lĩnh, Trại Nại; 3 nhà thờ, trong đó Tràng Lưu được xem là nhà thờ lớn của huyện Hương Khê. Ở các làng đều có nhà Thánh văn thờ đức Khổng Tử và có chùa thờ đức Phật Như Lai. Tiêu biểu là chùa Hạ Phúc (Hạ Phúc Linh Tự) được xây dựng từ thế kỷ XII và tôn tạo nhiều lần vào thời hậu Lê, thời Nguyễn.
      Trên địa bàn xã còn có đền Tam Tòa, được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; Đền Chín thờ ông Độc Lôi Sơn, một vị tướng đời Lý. Ngoài ra, xã còn có đền Đại Càn, hai Đức Ông, Khai Sơn và đình Làng. Ở Lộc Yên một số ngôi đền chỉ còn lại phế tích như: đền Ngọc Thạch Thanh Y (Thái Hạ) thờ ông Thạch Ngọc một vị danh y nổi tiếng; đền thờ Bùi Công Đại một vị tướng của Bùi Ban (Thái Hạ); đền ông Nam Sơn (Hương Yên); Miếu Nghè: nằm ở xóm Chợ (Bình Phúc) thờ hai ông nghè (tiến sỹ). Hai ông được nhà vua phong sắc thần là: “Yên Sơn thông duệ việt yên dân”, “đề lĩnh ninh quốc”. Đến nay, miếu được nhân dân tu sửa lại khang trang.
Nhân dân Lộc Yên có truyền thống hiếu học. Trước cách mạng tháng Tám, xã Lộc Yên có một số lớp học chữ Hán và chữ Nôm tại gia đình ông Cựu Đường xóm Hương Bình và ông Cựu Chắt xóm Hương Yên do thầy Lộc người Đức Thọ phụ trách. Ngoài ra, xã còn có các trường dạy chữ Quốc ngữ như: Trường Tín Thành do chủ đồn điền Bùi Huy Tín thành lập để phục vụ nhu cầu học chữ cho con em nhà giàu (thầy Võ Văn Tự - người Phúc Đồng dạy); Lộc Yên sơ đẳng hương trường do thầy Phạm Viết Liễu dạy tại đình Trung; Trường tư thục Tràng Lưu do thầy Cao Đình Phúc dạy. Tuy nhiên, số người đậu đạt ở Lộc Yên không nhiều.
Là địa phương có truyền thống yêu nước và cách mạng. Tinh thần cách mạng đó còn được nhân dân Lộc Yên phát huy qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Xã Lộc Yên có 7 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 2 cán bộ lão thãnh, 3 cán bộ tiền khởi nghĩa, 82 liệt sỹ, 61 thương binh, 20 bệnh binh. Với những thãnh tích đó, năm 2001, Đảng bộ và nhân dân xã Lộc Yên được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Từ năm 2000 đến nay, diện mạo Lộc Yên có nhiều khởi sắc, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân ngày được nâng cao. Năm 2000, tổng thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo 8%, chưa có ô tô con, 67% số hộ có điện thoại, 70% số hộ có ti vi. Đến năm 2015, thu nhập bình quân tăng lên 20 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo giảm xuống 3%, 21 hộ có ô tô, 14 xe tải, 97% hộ có xe máy, 99% hộ có ti vi, 98% hộ có điện thoại… Đến tháng 6/2017, xã Lộc Yên đã đạt 8/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới.

Xã Hương Bình
Hương Bình là xã miền núi, nằm về phía Tây Bắc của huyện Hương Khê. Phía Đông giáp xã Phúc Đồng và xã Hương Thủy; phía Nam giáp xã Hương Long; phía Tây, phía Bắc giáp với xã Phú Gia và xã Hòa Hải. Tổng diện tích đất tự nhiên 3.5531,8 km2, dân số 3.622 người (năm 2016).
Vùng đất Hương Bình ngày nay vào thế kỷ XV, XVI bao gồm: Làng Lư, Làng Miên, Làng Hà, Làng Bông, Làng Hựu (thuộc xóm Bình Hải, Bình Minh, Bình Giang, Bình Hà ngày nay) làng Thượng Hựu, làng Cam, làng Cây Kè (thuộc xóm Hưng Bình, Bình Thành, Bình Thái, Bình Trung ngày nay). Năm 1875, vùng này được gọi là xã Nam Trạch. Năm 1916, xã Nam Trạch chia thành hai xã là Nam Trạch và Trung Hà. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, các xã Nam Trạch, Trung Hà và Tri Bản được sáp nhập lại thành xã Tân Hương. Năm 1955, xã Tân Hương chia thành 3 xã: Hương Hòa, Hương Hải, Hương Bình. Xã Hương Bình có tên từ đây.
Xã Hương Bình có nhiều sông suối, trong đó dòng Rào Ga nằm ở phía Đông, chảy từ Nam ra Bắc với chiều dài 7km; có đập đá bạc - công trình thủy lợi tiêu biểu của tỉnh Hà Tĩnh. Phía Tây có Rào Hào, bắt nguồn từ lưng chừng núi Trường Sơn, có độ cao 800m, chảy qua Đá Bạc hợp với Rào Ga, Rào Hào tiếp với Rào Nổ hội tụ với sông Ngàn Sâu tại ngã ba Trúc. Hàng năm, vào mùa mưa lũ, cư dân khu vực lưu vực sông Hào thường bị lũ lụt đe dọa.
Xưa kia, giao thông ở Hương Bình không phát triển, chỉ có những con đường mòn ven hẻm núi. Giữa thế kỷ XX, giao thông thuận lợi hơn khi có con đường bộ thông thương, nay gọi là huyện lộ 1. Trong kháng chiến chống Mỹ, trên địa bàn có thêm một đoạn đường thuộc tuyến Trường Sơn (đi qua xã hơn 6 km - nay là đường mòn Hồ Chí Minh). Hiện nay, hệ thống giao thông của xã từng bước được hoàn thiện theo hướng cấp phối, bê tông và nhựa hóa. Hệ thống công trình cầu, cống được nâng cấp, xây mới đang dần hoàn thiện.
Xã Hương Bình có một trung tâm văn hóa nông thôn do cha cố Nguyễn Đình Thi - Việt kiều Hương Khê ở Pháp về đầu tư xây dựng với nhà bảo tàng nông cụ lưu giữ hàng nghìn hiện vật là những nông cụ của Hà Tĩnh từ trước đến nay. Xã còn có trung tâm văn hóa Huynh Đệ (Việt - Pháp) cũng do linh mục Nguyễn Đình Thi đầu tư xây dựng. Đến nay, xã Hương Bình đã có 10 đơn vị văn hóa.
Trường học Tân Hương của xã Hương Bình được thành lập năm 1923, là một trường học được thành lập sớm của huyện Hương Khê. Sau Cách mạng tháng Tám, Hương Bình là đất học của huyện Hương Khê, nơi đây có nhiều người con đỗ đạt cao. Hiện nay, xã có 2 điểm trường Mầm non, trường tiểu học. Năm 2014, Hương Bình đã có 2 trường Mầm non và Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn I. Xã có vườn dược liệu đông y để phục vụ cho công tác khám và chữa bệnh bằng đông y hoặc điều trị kết hợp giữa đông y và tây y. Xã là đơn vị thực hiện tốt chương trình tiêm chủng quốc gia vì sức khoẻ cộng đồng. Năm 2014, trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia.
Trên đất Hương Bình trước đây có một số công trình văn hóa tâm linh như: đền Nhà Rồng (hay còn gọi là miếu Nhà Rồng) ở xóm Bình Minh được xây dựng vào khoảng 1890, thờ Thành hoàng làng, Đức thánh trần và Tướng Dương Thanh Đô, cộng đồng quan quân. Sau khi giành chính quyền thành công, đền là nơi học tập, sinh hoạt việc làng của dân. Nay đền đang được Sở Văn hóa - Thông tin Hà Tĩnh xem xét là “di tích văn hóa cấp tỉnh”. Ngoài ra, còn có Miếu Lư, đền Thượng Hữu, đền Nhà Long... Nhà thờ họ Dương khá lâu đời, còn giữ được sắc phong vua Khải Định phong tặng cho một người phụ nữ lấy chồng họ Dương với 4 chữ “Tiết hạnh Khả Phong”.
Ngày 26/11/1930, chi bộ Đảng xã Trung Hà được thành lập, trực tiếp lãnh đạo các cuộc đấu tranh của nhân dân. Giai đoạn 1930 - 1931, Hương Bình là nơi có nhiều cán bộ cách mạng như: Dương Cán, Dương Phương, Dương Trạch, Dương Huề, Dương Báu,... Xã có 7 cán bộ lão thành cách mạng, 2 cán bộ tiền khởi nghĩa... Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, xã có 56 thanh niên vào bộ đội, 600 lượt người tham gia đi dân công hỏa tuyến. Trong số đó có 10 người con đã anh dũng hi sinh trên các chiến trường, 14 thương, bệnh binh; đóng góp trên 240 tấn lương thực, 20 tấn thực phẩm. Trong kháng chiến chống Mỹ, Huyện ủy Hương Khê, Viện Quân y 46 - nơi điều trị rất nhiều thương - bệnh binh từ các mặt trận chuyển về... sơ tán về đóng trụ sở tại Hương Bình. Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hương Bình có 426 lượt người đi bộ đội. Trong số đó, có 104 liệt sỹ, 62 thương và bệnh binh. Trong các cuộc chiến tranh, Hương Bình là chỗ dừng chân của nhiều cơ quan hành chính nhà nước: Khu ATK1, bệnh viện Quân y 46, Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện, trại chăn nuôi của huyện.
Những đóng góp của nhân dân Hương Bình được Đảng, Nhà nước tặng 552 Huân, Huy chương các loại cho các cá nhân có nhiều thành tích trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Toàn xã có 3 mẹ Việt Nam anh hùng. Năm 2005, xã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Trước đây, người dân Hương Bình chủ yếu sống dựa vào trồng trọt, chăn nuôi và khai thác lâm sản (đốt than, chặt củi, đào củ mài, lấy mây), săn bắt thú rừng. Đây là vùng rừng núi rậm rạp, có nhiều gỗ quý (lim, sến, táu, lát, de, vàng tâm), muông thú (voi, hổ, báo, hươu, nai, chồn, cáo, lợn rừng, khỉ, vượn...).
Hiện nay, kinh tế Hương Bình có sự phát triển đa dạng cả nông - lâm nghiệp, thương mại - dịch vụ. Trong đó, sản xuất nông nghiệp vẫn là nghề chính. Ngoài trồng trọt, bà con còn tận dụng mặt nước ao hồ đập nhỏ trong vườn để nuôi một số loại cá có giá trị kinh tế cao như: mè, trôi, trắm, chép, rô phi đơn. Về dịch vụ thương mại khá phát triển, Chợ Hào được hình thành khá sớm họp vào ngày chẵn (âl) là nơi tập trung buôn bán của nhân dân trong xã. Tổng thu nhập bình quân đầu người của xã từ 3,9 triệu (năm 2000) tăng lên 25 triệu (năm 2015). Số hộ nghèo năm 2000 là 25,2% năm 2015 chỉ còn 10%. Số hộ gia đình mua các đồ dùng phục vụ nhu cầu hàng ngày cũng tăng lên đáng kể. Năm 2000, có 24 gia đình mắc điện thoại riêng và 8 máy cày, 5 máy máy xay xát, 800 ti vi, 35 tủ lạnh thì đến năm 2015, toàn xã có 18 máy xay xát, 17 máy cày bừa, 1.310 xe máy, 1.300 ti vi, 700 tủ lạnh. Đến tháng 6/2017, Hương Bình đạt 7/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Xã Hương Long
         Xã Hương Long nằm ở vùng trung tâm của huyện Hương Khê, phía Đông giáp xã Hương Thủy; phía Đông - Nam giáp xã Gia Phố; phía Nam giáp thị trấn Hương Khê; phía Tây - Nam giáp thị trấn Hương Khê; phía Tây giáp xã Phú Gia; phía Bắc giáp xã Hương Bình. Tổng diện tích tự nhiên của xã 1.471,97 ha. Dân số toàn xã là 4.820 người.
  Trước năm 1945, xã Hương Long bao gồm các làng: Phúc Ấm, Thượng Bình thuộc tổng Chu Lễ, trong đó có các thôn như: Yên Hội, Hạ Ấp, Thượng Ấp, Nam Cận, Trung Học, Vĩnh Long, Thái Hòa. Sau năm 1945, cùng với Phú Gia hợp lại thành xã Hàm Nghi. Năm 1949, xã Hàm Nghi sát nhập với một số làng của xã Cao Thắng thành xã Hương Thành. Đến năm 1955, xã Hương Thành tách ra thành hai xã Hương Long và xã Hương Phú (Phú Gia). Trước năm 2009, xã được chia thành 15 xóm theo thứ tự từ 1 đến 15. Từ cuối năm 2009, theo Nghị định 03 của Thủ tướng Chính phủ, xóm 12 của xã Hương Long chuyển về thị trấn Hương Khê.
        Hương Long là địa phương có hệ thống giao thông tương đối thuận lợi, có đường Hồ Chí Minh chạy dọc theo chiều dài của xã (khoảng 5km), có Quốc lộ 15B, Tỉnh lộ 16. Ngoài ra, còn có 13 tuyến đường trục xã, 48 tuyến đường giao thông nội thôn. Trên địa bàn xã có các xứ đồng chính: Đồng Môn, đồng Hầu, đồng Nội, đồng Cay, đồng Cu Cu; có các đập: Đập Họ, Hồ Lô; Vũng Thản, đập Làng, đập Trạc, đậpVũng Thuế, đập Ao Càng, đập Bình Định phục vụ việc tưới tiêu cho các đồng ruộng trên địa bàn.
  Hương Long là xã có truyền thống hiếu học. Làng Phúc Ấm có đền Nhà Thánh thờ đức Khổng Tử. Thời thuộc Pháp có ông Mai Viết Hồ học giỏi có tiếng. Năm 1941, ở đây đã có đến 2 trường Tiểu học: trường công lập Chu Phúc (làng Phúc Ấm) và tư thục Võ Tá Tiếp (làng Thượng Bình). Sau Cách mạng tháng Tám, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo càng được duy trì và phát huy, đội ngũ trí thức cách mạng của Hương Long ngày càng nhiều. Nhiều người trở thành những nhà khoa học, cán bộ cốt cán trong các ngành, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước. Một số dòng họ có truyền thống học hành như Họ Mai, họ Nguyễn, Họ Hoàng (Phúc Ấm), Họ Trần,  họ Đoàn (Yên Hội). họ Hoàng (Phúc Ấm) là một trong những dòng họ đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh được UBND tỉnh công nhận dòng họ Hiếu học.
  Trên địa bàn xã trước đây làng nào cũng có đền thờ Thành hoàng, thần Nông, nhưng hiện nay chỉ còn đền làng Phúc Ấm. Đền làng Phúc Ấm rộng ba gian, bằng bê tông, đặt ở trung tâm làng, quay về Hướng Tây, phía trước là cánh đồng rộng; đứng ở đền có thể nhìn bao quát chung cả làng. Đền được các vua Triều Nguyễn 6 lần ban sắc phong. Lễ hội đền hàng năm vào ngày 25 tháng Giêng.
  Thiên Chúa giáo du nhập vào Hương Long từ đầu thế kỷ XX, nằm trong Hạt Ngàn Sâu. Ban đầu là họ Bình Thọ,  năm 1928 thiết lập xứ Thượng Bình. Xã có 1 nhà thờ xứ đặt tại làng Thượng Bình, 4 nhà thờ họ với 1.709 giáo dân.
  Hương Long cũng là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; là địa phương thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Hương Khê, Đồng chí Mai Phì, một giáo viên Tiểu học được Đại hội Đảng bộ Hương Khê bầu làm Bí thư Huyện ủy đầu tiên. Bãi Nậy là nơi nhân dân toàn huyện tổ chức kỷ niệm Cách mạng Tháng mười Nga; đây là cuộc vận động lớn nhất, đầu tiên của Hương khê dưới sự lãnh đạo của Đảng;  Đồng chí Phan Lũ, Bí thư Chi bộ Phúc Ấm là một trong những Liệt sỹ đầu tiên  hy sinh trong phong trào Xô viết nghệ Tĩnh tại Rộôc Cồn (năm 1931).
  Trong quá trình đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và hai cuộc kháng chiến, Hương Long có 5 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 21 cán bộ Lão thành cách mạng, 6 cán bộ Tiền khời nghĩa, 87 Liệt sĩ, 91 Thương Binh. Năm 2001, Hương Long được Nhà nước phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.
  Phát huy truyền thống yêu nước, hiếu học, cần cù trong lao động sản xuất, những năm gần đây kinh tế Hương Long đã có bước tiến vượt bậc. Từ chỗ có tỷ lệ hộ đói nghèo tương đối cao (trên 30%)1, cả xã có 25 cái xe máy, chưa có hộ nào có xe con hay có điều kiện sử dụng điều hòa, tủ lạnh, bình nóng lạnh… năm 2000; trong những năm gần đây, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, hệ thống “điện, đường, trường, trạm” được đầu tư nâng cấp một cách căn bản, mức sống của người dân ngày càng được nâng cao. Tính đến cuối năm 2016, Hương Long có 7 thôn đạt thôn văn hóa, 744 hộ đạt dân cư đạt chuẩn văn hóa2.Thu nhập bình quân đầu người của Hương Long đạt 22,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 301 hộ; có 950 hộ có xe máy, 210 hộ có tủ lạnh, 30 hộ sử dụng bình tắm nóng lạnh, 62 hộ sử dụng điều hòa, 22 hộ có ô tô con. Về xây dựng nông thôn mới, đến tháng 7/2017, Hương Long đạt 8/19 tiêu chí.

Xã Phú Gia
Phú Gia là xã miền núi biên giới nằm ở phía Tây của huyện Hương Khê. Phía Đông Bắc giáp xã Hương Long, phía Tây Bắc giáp các xã Hương Bình và Hòa Hải. Phía Đông giáp xã Phú Phong và Thị trấn Hương Khê. Phía Nam giáp xã Hương Vĩnh. Phía Tây giáp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Xã có chung 21,5 km đường biên giới Quốc gia, có 3 cột mốc với nước bạn Lào. Theo số liệu thống kê năm 2016, tổng diện tích tự nhiên của xã là 14.113,73 km2. Dân số có 4.320 người.
Trước Cách mạng tháng Tám 1945, các làng Phú Gia, Loan Dạ thuộc tổng Chu Lễ. Đến năm 1946, vùng Phú Gia được hợp với xã Phúc Ấm và Thượng Bình để thành lập xã Hàm Nghi, làng Loan Dạ cùng với Hưng Thịnh và xã Trừng Thanh hợp thành xã Cao Thắng. Năm 1951, các xã Hàm Nghi và Cao Thắng nhập lại với nhau thành xã Hương Thành. Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, xã Hương Thành được chia làm 3 xã là: Hương Phú, Hương Long và Hương Vĩnh, phần đất Hương Phú bao gồm cả làng Loan Dạ trước đây và làng Trại Trụ nằm giữa núi rừng cách trung tâm xã 15 km. Đến năm 1973, xã được đổi tên thành xã Phú Gia, tên gọi đó ổn định cho đến ngày nay. Phú Gia có 16 xóm là: Phú Lâm, Phú Trường, Phú Sơn, Phú Giang, Phú Trung, Phú Hà, Phú Hưng, Phú Vinh, Phú Quang, Phú Lộc, Phú Hòa, Phú Bình, Phú Nhượng, Phú Yên, Phú Hồ, Phú Thành. Thôn Phú Lâm có 62 hộ người gốc Lào (đời thứ 3) mang họ Lê và họ Ngô là chủ yếu; còn lại 117 hộ cũng dân tộc Lào nhưng sinh hoạt và văn hóa không khác gì người Kinh.
     Phú Gia nằm gọn trong khối núi Trại Trụ, rừng núi tầng tầng, lớp lớp. Từ trên dãy Giăng Màn thấp dần về phía Đông có các đỉnh núi cao là núi Bắc Thang (cao 1295m) ở phía Bắc, kéo dài về phía Nam có đỉnh dãy núi Định Thuật (cao 1146m) giáp với địa giới xã Hương Vĩnh. Vòng 2 thấp dần có Rú Dộc (cao 806m), chếch về phía Đông Bắc và phía Bắc có động Chung (cao 652m), phía Nam có Rú Cây (cao 584m)… Vòng 3 phía Bắc có động Đùn (cao 441m). Độ cao trên dưới 300m trở xuống có nhiều dãy nối tiếp nhau, thấp dần về phía Đông.
     Đại bộ phận dân cư quây quần ở một diện tích rất nhỏ ở vùng thấp so với tổng diện tích tự nhiên của xã. Riêng xóm Phú Lâm (Trại Trụ) nằm giữa rừng sâu cách trung tâm xã 15 km đường rừng, xóm được phân bổ thành 3 khu vực ngăn cách bởi các dãy đồi, khe suối là Trại Trên, Trại Giữa và Trại Ngoài với toàn bộ diện tích thổ cư và canh tác chỉ có 80 ha.
Do địa hình chủ yếu là đồi núi, có độ dốc cao nên sông suối ở đây cũng rất nhiều. Hệ thống sông suối nằm trong rừng Phú Gia chảy về 2 phía tạo thành rào Nổ đi qua Hòa Hải, rào Hào đi qua Hương Bình và khe Họ đi qua xã Hương Long. Sông ở phía Nam có chung ranh giới hành chính với xã Hương Vĩnh, phần thượng nguồn từ đỉnh Giăng Màn xuống có Rào Núng, 3 ngọn rào Cam, rào Trềnh, rào Trứa tạo thành dòng sông Tiêm.
Địa hình dốc, sông suối nhiều nên vào mùa mưa Phú Gia có một lượng nước không nhỏ chảy qua. Sông Tiêm có độ dốc và sức chảy rất lớn, khi nước dâng cao không qua lại được. Thế nhưng nước sông Tiêm lên nhanh, chảy xiết và cũng rút xuống nhanh. Dòng sông này chảy qua Phú Gia thuộc thượng nguồn nên lượng phù sa không đáng kể, nhưng sông đã đưa về  một lượng đá cuội rất lớn có thể phục vụ ngành xây dựng và một lượng cát sỏi thích hợp cho các công trình đường giao thông.
Phú Gia là nơi có công trình sông Tiêm - công thủy lợi lớn nhất của huyện, công trình này được Nhà nước đầu tư xây dựng từ năm 1995, cung cấp nước tưới cho 2.756 ha đất trồng của huyện. Đập tràn sông Tiêm là công trình thủy lợi lớn không chỉ đối với huyện Hương Khê mà còn của cả tỉnh Hà Tĩnh.
Các xứ đồng lớn của làng có: đồng Vại, đồng Hong, đồng Quan, đồng Ràng, đồng Đượng, đồng Sơn Trung, đồng Cây Hóp, đồng Anh Nhi, đồng Hà Chợ, đồng Hoang, đồng Mạo Tào, đồng Trai, đồng Trọt Dài, đồng Hoong Thẻ, đồng Thuận Trị…
Chợ Gia là một chợ vùng biên giới, được hình thành từ lâu, là nơi buôn bán, trao đổi của nhân dân trong vùng và của cả người Lào. Sản phẩm được buôn bán ở chợ rất phong phú, nhưng chủ yếu là những sản vật của rừng, năm 2016 chợ tiếp tục được nâng cấp.
      Số lượng đền, miếu ở Phú Gia khá nhiều, có thể kể tên như miếu Trầm Lâm (đền Trầm Lâm) thờ thiên thần, đền Đại Trụ (đền Ngàn Trụ) thờ đức Đại vương (nhân thần), đền Khe Trẹ thờ nhân thần, miếu Ông và đền Công Đồng. Trong đó, di tích lịch sử cấp Quốc gia là quần thể di tích đền Trầm Lâm, Sơn Phòng, đền Công Đồng. Đền Ngàn Trụ là di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngoài ra ở Phú Gia còn một số di tích có liên quan đến hoạt động của vua Hàm Nghi những năm 1885 - 1887. Phú Gia có một nhà thờ Công giáo là nhà thờ họ Trăm Năm, trong xã có khoảng 150 giáo dân.
Nét đặc sắc trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân Phú Gia là việc tổ chức lễ hội rước sắc. Không ai còn nhớ rõ lễ hội rước sắc ở đây bắt đầu từ khi nào, chỉ biết hàng năm vào đúng ngày mồng 7 tháng giêng (ngày khai hạ, mở cửa trời đất, mở cửa rừng, song suối…) dân làng tổ chức rước sắc. Ngày xưa đạo sắc còn ít nhưng sau đó, do hợp tự đền miếu, các đạo sắc đưa về một chỗ nên nhiều. Các cuộc rước sắc gồm cờ, trống, chiêng, kiệu, lọng… do các xóm đảm nhiệm cất giữ và rước về nơi thờ tự. Hiện nay, công việc rước sắc lại bắt nguồn từ các gia đình, các vị chủ trì được làng xã tín nhiệm bầu cất giữ đạo sắc và bảo vật, có trách nhiệm đưa đạo sắc và bảo vật từ nhà ra đền và đưa trở về nhà khi làm lễ xong; Có năm chỉ tổ chức mỗi phần lễ, có năm có cả phần lễ và phần hội tùy thuộc vào giáo chủ mới. Khi đoàn rước kiệu đi qua làng, một số hộ gia đình, dòng họ, hội quán thôn, nhân dân tổ chức nghênh đón bày trên bàn có hoa quả, bát hương, nước, cờ Tổ quốc để đón tiếp đoàn đi qua nghỉ chân. Đây là nét đẹp văn hóa đặc sắc của lễ hội.
     Trong thời kỳ vua Hàm Nghi chọn Phú Gia làm căn cứ địa để chuẩn bị lực lượng chống Pháp, nhân dân Phú Gia đã cùng nhân dân trong huyện tích cực xây dựng “Thủ đô” kháng chiến. Trong thời kỳ chống Mỹ, Lâm trường Trại Trụ (hiện nay gọi là Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn sông Tiêm), đập nước ba ra Thuận Trị ở xã Phú Gia là những mục tiêu bị máy bay địch đánh phá ác liệt. Phú Gia xã vùng cao có diện tích lớn, số dân đông, nên kinh tế chưa có điều kiện phát triển. Tuy vậy, những năm gần đây kinh tế Phú Gia đã có những biến đổi rõ rệt.
Năm 2014, xã Phú Gia được Nhà nước phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Xã có 69 liệt sĩ và 5 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, 13 cán bộ lão thành cách mạng, 4 cán bộ tiền khởi nghĩa.
Hiện nay, Phú Gia có 03 cấp học (Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở), trong đó Trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia năm 2012.
     Năm 2000, bình quân thu nhập đầu người của xã là 9,5 triệu/người/năm, đến năm 2016 là 28 triệu/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đói năm 2000 là 22,7% đến năm 2016 giảm chỉ còn 17,6% theo tiêu chí mới. Hiện nay, số hộ có xe máy chiếm 70%, số hộ dùng điện thoại chiếm 90%, số hộ có ô tô, xe tải có 22 hộ, sử dụng ti vi chiếm 100%, số hộ sử dụng internet từ 50-70 hộ. Có 9 xóm đạt tiêu chí xóm văn hóa. Về xây dựng Nông thôn mới xã đạt 12 tiêu chí, phấn đấu cuối năm 2017 xã đạt chuẩn Nông thôn mới.
Xã Gia Phố
         Xã Gia Phố nằm ở gần trung tâm huyện lỵ Hương Khê. Phía Bắc giáp xã Hương Thủy, phía Nam giáp xã Lộc Yên, phía Đông giáp xã Hương Giang, phía Tây giáp xã Hương Long. Năm 2016, xã có diện tích tự nhiên là 1.154,94 ha, dân số đến là 4.861 người.
        Tên gọi và địa giới hành chính của xã Gia Phố có thay đổi qua các thời kỳ. Xưa kia, làng Gia Phổ có tên là Chi Nại năm bên tả ngạn sông Ngàn Phố. Hiện nay, chưa xác định được thời điểm đổi tên làng từ Chi Nại sang Gia Phổ là thời gian nào, chỉ biết triện lý trưởng đời Khải Định (1916 - 1925) ghi “Gia Phổ(1) thôn, lý trưởng biện”. Làng có bốn giáp: Nhân Phổ (còn gọi là Cồn phổ), Vạn Gia, Hòa Trung, Ninh Cường (còn gọi là Trại Lụi); có các trại: Trại Lăng, Trại Lợn, trại Lụi, các xóm Cơn Vạng, cơn Mắt Cắt, xóm Mây... Sau năm 1945, Gia Phổ hợp với Ninh Cường (tổng Chu Lễ) và Thịnh Lạc (tổng Phúc Lộc) thành xã Gia Ninh. Năm 1949, đổi là xã Hiệp Phố; năm 1954 chia thành hai xã Hương Phố và Hương Thịnh; năm 1971, nhập hai xã Hương Phố và Hương Thịnh thành xã Gia Phố. Năm 1972, xã đổi tên gọi là Gia Phố thay cho Gia Phổ. Năm 1985, thành lập thị trấn Hương Khê, địa giới Gia Phố bị thu hẹp khi cắt vùng Đồng Lặt, Chợ Sơn, Trại Lợn, Động Lăng và một phần đất Cây Vạng, Tân Phố nhập vào Thị trấn. Xã Gia Phố tổ chức lại thành 14 thôn (có tên gọi là thôn 1,2,3....14). Năm 2008, các xóm được thay tên gọi là Nhân Phố, Tân Phố, Phố Hòa, Trung Phố, Phố Hương, Phố Thịnh, Phố Cường, Phố Thượng, Hải Thịnh, Trung Hải, Phố Trung, Phố Hạ, Tây Phố, Nam Phố. Năm 2009, Tây Phố, Nam Phố tiếp tục được sát nhập vào Thị trấn. Địa giới hành chính Gia Phố một lần nữa lại thay đổi: còn 12 đơn vị thôn.
      Là xã bán sơn địa nên địa hình của xã vừa có núi, đồi vừa có đồng bằng, sông suối. Sông Ngàn Sâu chảy qua 7 km chia đôi xã thành hai vùng, mỗi vùng có các xứ đồng lớn. Vùng Đông Hải (5 thôn) gồm: Đồng Quan, Đồng Làng; vùng Gia Ninh (7 thôn) gồm có: Đồng Cồn, Đồng Bàu. Trước kia, Gia Phố có vực Mít ở cuối sông Tiêm nơi đổ ra Ngã Hai hợp với sông Ngàn Sâu. Ở xã Gia Phố còn có các hồ đập để dự trữ nước phục vụ sản xuất là tiêu biểu: Đập Động Dài, Đập Chà Chạm, Đập Môn, đập Cây Sắn, đập Ông Hiêu, Đập Đồng Bù, đập Cây Nhơm, đập Cột Rạp, đập Đồng Vĩnh...
   Về giao thông, trước 1945 ở Gia Phố chỉ có những còn đường mòn, lối nhỏ chạy ngoằn nghèo dọc đồi núi, cánh đồng. Đến nay, hệ thống đường giao thông liên thôn, liên xóm ngày càng hoàn thiện, được bê tông hóa. Ngoài ra, còn có đường tỉnh lộ (thường được gọi là đường thiên lý) chạy qua xã từ cầu chợ Vạn đến Ngã Hai (cây số 42-47) và khoảng 2 km đường Hồ Chí Minh chạy qua. Ngoài đường bộ, xã còn có đường sắt chạy qua bắt đầu từ ga Chu Lễ đến Lộc Yên qua Gia Phố từ cây số 385 đến cây số 388 giáp cầu Đá Lậu.
       Nhân dân Gia Phố chủ yếu làm nghề sản xuất nông nghiệp kết hợp buôn bán. Trong xã có làng nghề Ninh Cường chuyên làm bánh đa (bánh tráng?), bánh ram, bánh mướt, bún nổi tiếng, “Bánh đa Gia Phố”. Ngoài ra, xã còn có nghề nuôi tằm, kéo tơ, dệt vải và nghề làm nón ở Sơn Phố, khai thác lâm sản ở Thịnh Lạc. Về thương mại, nhân dân buôn bán hàng hóa ở chợ Vạn thuộc vùng Vạn Da (gần Cầu Vạn) và chợ Un. Sau năm 1975, chợ Un chuyển lên Thị trấn nay là chợ Huyện (chợ Sơn), chợ Vạn bị bỏ.
Ở Gia Phố có một số di tích lịch sử tâm linh như: chùa Phúc Linh được xây dựng từ lâu đời, khi mới xây chùa được lợp bằng tranh. Năm 1933, nhân dân làng Gia Phố xây dựng lại chùa bằng đá ong vòm cuốn, 8 mái, góc quyết, nóc mái có trang trí lưỡng long chầu nguyệt theo truyền thống. Năm 1999, nhân dân địa phương lại góp sức góp tiền trùng tu tôn tạo lại chùa theo kiến trúc trước đây và có sư trụ trì. Chùa Nhật Minh, chưa rõ có từ bao giờ, được trùng tu khoảng 1925, xây theo kiểu mái uốn cong vòm. Trước chùa có bốn chữ Quốc ngữ: “Không tham là phúc” và câu đối chữ Hán:
                  Nhất thiết chúng sinh khai giác lộ
                   Tam thiên thế giới độ mê tân”.
                (Nhất thiết vì chúng sinh mở con đường giác
                Ba nghìn thế giới nhà phật đưa qua bờ mơ)
Trên địa bàn xã còn có đền Quang Trung, được xây trên mảnh đất vua Quang Trung đóng quân trước đây. Trong đền hiện có tượng các tướng lĩnh và voi ngựa của vua Quang Trung được tạc bằng gỗ mít. Ngày nay, nhân dân trong vùng quen gọi là đền Voi Ngựa. Đền Nhân Phổ còn gọi là đền Cơn Thau thờ khẩn “Khai Sơn phá thạch đại vương”.
        Gia Phố có 1215 hộ dân là đồng bào theo Đạo Thiên Chúa với 4.491 khẩu chiếm 83% dân số toàn xã với 8 nhà thờ giáo họ, 7 nhà thờ họ tộc, 2 nhà thờ xứ: Ninh Cường và Thịnh Lạc. Các giáo họ của xứ Thịnh Lạc trước đây thuộc xứ Làng Truông - Hương Giang, đến năm 2009 được tách thành lập xứ mới gọi là xứ Thịnh Lạc. Trong số 8 nhà thờ họ có nhà thờ Động Lăng (nhà thờ Gia Phố) trước Cách mạng tháng Tám được xây dựng khá kiên cố, có một cha đạo người Pháp gọi là Sở Cố Bá. Sở Cố Bá là trụ sở của Giáo hạt Ngàn Sâu thuộc huyện Hương Khê gồm 14 xứ đạo do Cố Bá quản lý chung và xứ Vĩnh Hội (nay thuộc huyện Vũ Quang).
      So với nhiều làng xã ở Hương Khê thì Gia Phố là một “điểm sáng” về giáo dục, văn hóa. Thời Hán Học, Hương Khê có bốn vị tú tài thì Gia Phổ có một vị là cụ Trần Xuân Đào, được phong Hàn Lâm đãi chiếu. Cụ để lại khá nhiều thơ văn và câu đối ở chùa làng, ở đền Thánh mẫu Phú Phong (đền Cơn Chay). Gia Phố là nơi có trường học sớm (vào thời Pháp thuộc) gồm ba lớp (đồng ấu, dự bị, sơ đẳng). Trong kháng chiến chống Pháp, trường trung học đầu tiên của huyện Hương Khê cũng đặt ở Gia Phố vừa phục vụ nhu cầu học tập cho con em trong huyện và học sinh từ Bình - Trị - Thiên. Hiện nay, trên địa bàn xã có 3 trường học và 2 điểm trường: điểm Trường Mầm non Gia Phố (cụm vùng Đông Hải) và điểm Trường Tiểu học Gia Phố (cụm vùng Đông Hải). Cả 3 trường đều đạt danh hiệu trường chuẩn Quốc gia trong đó Trường THCS đạt danh hiệu Văn hóa cấp tỉnh và được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Là xã giáp vùng trung tâm, có đường sắt chạy qua nên trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Gia Phố có nhiều đóng góp. Ga Gia Phố là nơi tập trung nhiều hàng hóa, vũ khí quân trang, quân dụng của Nhà nước phục vụ cho chiến trường Bình Trị Thiên và mặt trận Trung Lào được nhân dân vận chuyển, cất giữ an toàn, đảm bảo ra các chiến trường. Vì thế, xã được Đảng và Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý cho tập thể và cá nhân, xã có 16 cán bộ lão thành cách mạng, 4 cán bộ tiền khởi nghĩa, 5 Mẹ Việt Nam anh hùng, 95 liệt sĩ, 41 thương binh, 7 bệnh binh; Gia Phố đơn vị xã đầu tiên của huyện Hương Khê 2 lần được Nhà nước trao tặng danh hiệu “Anh hùng”: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1998 và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2005; đồng thời Gia Phố cũng là một trong hai xã đầu tiên của huyện Hương Khê hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2014.
Hiện nay, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người của xã Gia Phố tính đến cuối năm 2015 đạt 28.200.000 đồng/người/năm. Hiện nay, toàn xã còn 39 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,53%. Tính đến năm 2016, Gia Phố có 1569 hộ sử dụng xe máy, 2202 hộ sử dụng điện thoại di động, 78 hộ sử dụng máy giặt, 42 hộ có máy điều hòa, 631 hộ sử dụng tủ lạnh, 185 hộ sử dụng bình tắm nóng lạnh, 120 hộ sử dụng máy vi tính. Toàn xã có 23 ô tô con, 5 ô tô tải.  Đến tháng 6/2017, Gia Phố đạt 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Xã Phú Phong
          Xã Phú Phong nằm ở trung tâm huyện Hương Khê, cách Thành phố Hà Tĩnh 50 km về phía Tây Nam. Phía Bắc giáp thị trấn Hương Khê và xã Phú Gia; phía Tây giáp xã Hương Xuân và Hương Vĩnh; phía Nam giáp xã Hương Xuân; phía Đông giáp thị trấn Hương Khê và xã Lộc Yên.
Trước 1945, xã Phú Phong có tên là làng Phú Phong, làng có các xóm: Ất, Bính, Giáp, Thượng, Hạ. Sau Cách mạng tháng Tám, thực hiện chủ trương của cấp trên, hai làng Phú Phong và Xuân Lũng sáp nhập thành xã Phú Xuân. Năm 1955, hai làng Phú Phong, Xuân Lũng tách thành hai xã Hương Phong và Hương Xuân. Đến năm 1971, đổi lại thành Phú Phong và gọi các xóm theo thứ tự từ 1 đến 9. Năm 2012, Phú Phong đã điều chỉnh diện tích của một số thôn và sáp nhập xóm 7, xóm 8. Toàn xã gồm 8 xóm: xóm 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 9. Tháng 7/2015, tiếp tục cắt toàn bộ xóm 9 của xã Phú Phong nhập về Thị trấn thành lập nên khối dân phố 17.
Theo số liệu thống kê năm 2016,  Phú Phong có tổng diện tích tự nhiên 3.886,0 km2. Dân số toàn xã 3.441 người.
          Trải qua nhiều lần tách nhập, chia cắt đất cho thị trấn, địa hình của xã Phú Phong trải dài hình chữ S, ở hai đầu phình to, ở giữa nhỏ hẹp (xóm 3).
          Trên địa bàn xã có một số con đập lớn như: Đập Tù Và (Xóm 1), đập May Xâu đập Xạ Quán, đập Đình. Ngoài ra, nguồn nước từ sông Tiêm chảy xuống hình thành nên nhiều đầm, bàu tự nhiên như Hồ Thia Thia, Vực Hầu, Hồ Vũng Chơi, Trọt Nhà Vơn, đảm bảo tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
           Các địa danh về xứ đồng trở nên quen thuộc đối với người dân Phú Phong: Đồng Tù Và, đồng Cây Ông, đồng Hà Quan, đồng Leo Ác, đồng Cạn, đồng Mây Xâu, đồng Xạ Quán, đồng Bèo, đồng Ao, đồng Cồn, đồng Cây Tắt, đồng Cựa Trại1. Các xứ đồng này đều có đặc điếm thấp, phần lớn tự chủ được nguồn nước tưới nên chủ yếu canh tác lúa nước. Ở những khu vực cao hơn như: Đượng Mọng, Đượng Me, Đượng Hội, Đượng Làng, Đượng Lầy, Đượng Cây Cau, Đượng Sắn, Đượng Đá, Đượng Đá Lậu, An Xân do không tự chủ được nguồn nước nên trồng màu. Riêng Vườn Phở và Đượng Tiệm canh tác theo kiểu phở rẫy, khai hoang đồi núi làm rẫy. Những năm 1977 -1978, xã Phú Phong dồn dân lên vùng cao để dành đất cho dân sản xuất.
            Phú Phong có hệ thống đường giao thông thuận lợi: có 1km đường sắt Bắc Nam chạy qua, đây cũng là ranh giới hành chính giữa xã Phú Phong với Lộc Yên và thị trấn Hương Khê đồng thời có 4,2 km đường Hồ Chí Minh đi qua. Đó là những lợi thế góp phần xây dựng địa phương thành một vùng kinh tế năng động, đồng thời phát triển nhanh, mạnh các lĩnh vực văn hóa xã hội.
Phú Phong có di tích lịch sử Rộôc Cồn. Trước đây, Rôộc Cồn là vùng đồi, xung quanh được bao bọc bởi cây cối um tùm. Ngày 20/4/1931, nơi đây đã diễn ra cuộc mít tinh, biểu tình lớn của nhân dân trong vùng hưởng ứng phong trào cách mạng 1930 - 1931 dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng xã Phú Phong. Đây là cuộc biểu tình tiêu biểu cho phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh ở Hương Khê. Thực dân Pháp đã đàn áp đẫm máu những người tham gia biểu tình. Để ghi nhớ sự kiện lịch sử này, làm cơ sở giáo dục thế hệ trẻ, Huyện ủy, Ủy ban nhân huyện đã tôn tạo, bảo vệ và xây dựng nơi đây thành Di tích lịch sử. Hiện Di tích Rôôc Cồn rộng 600m2, là một bãi đất trống, được Ủy ban nhân dân huyện quản lý, bảo vệ. Phía trước di tích là dòng sông Tiêm uốn mình chảy xiết mang nước về tưới xanh cho ruộng đồng, tạo cho cảnh quan của làng thêm trù phú. Nghĩa trang liệt sỹ huyện Hương Khê cũng được xây dựng tại xóm 2 xã Phú Phong. Đây là nơi yên nghỉ của 1531 anh hùng liệt sỹ.
Các vị thần được thờ ở các đền của xã Phú phong, Xuân Lũng đã được rước về thờ ở đây như: Đức thánh Đại Càn; Đức thánh Mẫu Hồ Trung; Đức Bản thổ thành hoàng; Đức thánh Thanh Y ngọc nữ; Đức Phong Sơn khai hoá; Đức thánh Tiêm Giang tế độ thần nữ; Đức Trụ vương linh ứng; Đức tả Thái giám Ngô thượng tướng công; Liệt vị Tôn thần xã Xuân Lũng hợp tự. Ngoài ra ở Phú Phong còn có đền Hà Trai, miếu Bà thờ “Bản thổ Thành Hoàng đức Đại càn”. Đây là những di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc, là tài sản chung, quý giá gắn với quá trình hình thành và phát triển của xã Phú Phong.
           Phú Phong có 1 mẹ Việt Nam anh hùng, 17 cán bộ lão thành cách mạng, 3 cán bộ tiền khởi nghĩa, 45 liệt sỹ, 51 thương binh, 13 bệnh binh. Năm 2002, Phú Phong vinh dự được Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
          Năm 2000, tỷ lệ hộ nghèo ở Phú Phong còn ở mức cao (243/807 hộ). Thời điểm này, ngoài danh hiệu “Làng văn hóa” quy mô xã, toàn xã Phú Phong mới chỉ có xóm 3, xóm 4 đạt tiêu chuẩn “Làng văn hóa” quy mô thôn. Đến năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của Phú Phong đạt 30,81 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,63%. Toàn xã có 944/1.020 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa chiếm 92,5%, 7/7 thôn được công nhận và công nhận lại danh hiệu “Làng, thôn văn hóa”, 3 cơ quan đơn vị đạt danh hiệu “Cơ quan, đơn vị văn hóa”, 7/7 thôn có nhà văn hóa được xây dựng, nâng cấp khang trang đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, Phú Phong đã hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.


Xã Hương Đô
Hương Đô là xã miền núi cách trung tâm thị trấn 7 km về phía Đông Nam. Phía Đông giáp xã Phúc Trạch, phía Tây giáp xã Hương Trà, phía Bắc giáp xã Lộc Yên, phía Nam giáp xã Hương Lâm. Đến năm 2016, diện tích đất tự nhiên là 2.110,24  ha, dân số là 3.870 người.
        Xã Hương Đô trước đây có tên gọi là Đô Khê thuộc tổng Phúc Lộc gồm 4 thôn: Hạ Vàng, Hải Vạn, Trung Đình, Thương Lạm. Thời kỳ 1930 - 1945, xã thuộc tổng Xuân Khánh. Từ sau Cách mạng tháng Tám, các xã Đô Khê, Phúc Trạch, Tân Thành, La Khê nhập lại thành xã Phúc Trạch. Cuối năm 1947 đầu 1948, hai xã Phúc Trạch và Nam Hương tiếp tục sáp nhập lại thành xã Hương Lĩnh. Năm 1955, xã Hương Lĩnh được tách ra thành 7 xã gồm: Hương Trạch, Hương Phúc, Hương Lĩnh, Hương Lạc, Hương Đô, Hương Liên, Hương Lâm. Tên gọi xã Hương Đô chính thức ra đời từ đây. Trải qua nhiều lần thay tên, đổi xóm, đến nay Hương Đô có 10 đơn vị xóm, sinh sống tập trung ở hai vùng: Trần Phủ và Hồng Hà. Khu dân cư Trần Phủ gồm: xóm Tròi, xóm Ồ, xóm Nậy, xóm Đượng, xóm Lập. Khu dân cư Hồng Hà gồm: xóm Đình, xóm Sông, xóm Miễu, xóm Cầu, xóm Gia. Năm 1990, do mở rộng địa bàn dân cư vùng làng mới gồm: làng Chùa, làng Đền, làng Xe Khe, làng Cửa Cháng, Hương Đô có 11 đơn vị xóm. Đến năm 2012, thực hiện chủ trương sát nhập một nửa xóm 8 về xóm 7, một nửa về xóm 9; sát nhập một nửa xóm 11 về xóm 4, một nửa về xóm 5. Đổi tên xóm 10 thành xóm  9. Đến nay Hương Đô chỉ còn 9 đơn vị xóm.
Là xã nằm trong thung lũng dãy núi Trà Sơn và Trường Sơn nên địa hình đa dạng, vừa có đồi núi, sông suối xen kẽ, tạo nên một vùng sơn thủy hữu tình. Ở phía Nam và phía Bắc xã có nhiều núi cao như Động Trỉa, Động Tảng, Động Chùa; ở giữa có con sông Ngàn Sâu chạy qua chia phần bãi bồi thành hai khu vực dân cư: bên này sông là khu dân cư Trần Phú, bên kia sông là khu dân cư Hồng Hà. Bên cạnh sông Ngàn Sâu, Hương Đô còn có hệ thống khe suối đa dạng như: khe Mây, khe Lũng, Khe Ác, khe Làng, khe Ông Hiền... Đặc điểm của những khe, suối này là nước chảy xiết về mùa mưa nhưng khô hạn về mùa khô nên không dự trữ kém. Vì thế, nhân dân đã đặp các con đập như: đập Khe Ruộng, đập Đá Bàn (khu vực Hồng Hà), đập Làng, đập Bệ (Trần Phú). Xen giữa đồi núi, khe suối, đập là những cánh đồng: Đồng Đình, Trọt Lách, Chó Ruộng, Trọt Mốt, Cồn Đá, đồng Bệ, đồng Mương, Tam Bảo, Cây Sông, Ông Vàng, đồng Dênh, đồng Vang, đồng Riềng, Cửa Mương, Cây Dừa.
       Về giao thông, trên địa bàn xã có 3 tuyến đường giao thông trọng yếu: Đường Hồ Chí Minh chạy qua xã khoảng 0,35 km bắt đầu từ cầu Khe Ác 2 đến ngã tư đường Hương Đô đi Hương Liên; Quốc lộ 15A chạy qua xã dài 3km bắt đầu từ bàu Bèo (xóm 1) qua xóm 3, xóm 5 sang xã Lộc Yên; Đường sắt Bắc Nam đi qua các xóm 4, 5 với tổng chiều dài là 4 km.
       Trên địa bàn xã có đền Thành Hoàng thờ Thành Hoàng bản thổ. Ở Hương Đô còn có hai nhà thờ họ giáo Tân Lộc được xây dựng vào năm 1915 và nhà thờ họ giáo Đô Khê được xây dựng vào năm 1940, thuộc giáo xứ Tràng Lưu. Hiện nay, xã có 476 khẩu theo đạo Thiên chúa chiến khoảng 7%, phân bố rải rác trên 6 xóm (tập trung đông nhất ở xóm 9).
       Hương Đô là một trong những xã có phong trào cách mạng phát triển rầm rộ giai đoạn 1930 – 1931 và 1939 – 1945 với 27 người được công nhận cán bộ lão thành cách mạng, 2 cán bộ tiền khởi nghĩa. Trong kháng chiến chống Mỹ, Hương Đô cũng như một số địa phương khác luôn bị máy bay địch đánh phá nhiều lần. Xã là địa bàn đóng quân của Bộ Tư lệnh Đoàn 559 (điểm đóng quân của Đoàn 559 hiện nay đã được công nhận Di tích lịch sử), Đoàn B67, tiếp nhận chuyên gia Lào trong thời kháng chiến và là địa điểm Đoàn Tổng cục Tiền phương làm việc. Toàn xã có 10 Bà mẹ được phong danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng”, 91 liệt sỹ, 80 thương binh, 33 bệnh binh. Hương Đô được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 2001.
          Đời sống của nhân dân Hương Đô có nhiều khởi sắc, cuối năm 2000, Hương Đô vẫn còn 455 hộ nghèo, chiếm 43,7% dân số1, đến năm 2016, toàn xã chỉ 298 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 21,6% (theo tiêu chí mới), có 1115 hộ sử dụng xe máy, 1902 hộ sử dụng điện thoại di động, 14 hộ có máy điều hòa, 350 hộ sử dụng tủ lạnh, 66 hộ sử dụng bình tắm nóng lạnh. Đến tháng 6/2017, Hương Đô đạt 7/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.


   Xã Hương Vĩnh
Hương Vĩnh là xã miền núi biên giới của huyện, nằm gọn giữa hai khối núi là Trại Trụ và Chúc A. Phía Tây Bắc giáp xã Phú Gia. Phía Đông Bắc giáp xã Phú Phong. Phía Đông Nam giáp xã Hương Xuân. Phía Nam giáp xã Hương Lâm. Phía Tây giáp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Tổng diện tích tự nhiên của xã năm 2016 là 6.426,45 km2, dân số 3.706 người.
Về địa danh và địa giới hành chính: trước khi thành lập huyện Hương Khê (1867), Hương Vĩnh gọi là sách Minh Mông của châu Quy Hợp (sau đó là trấn Quy Hợp) thuộc huyện Hương Sơn1. Năm 1838, vua Minh Mạng đổi thành xã Trừng Thanh. Năm 1867, khi huyện Hương Khê được thành lập, châu Quy Hợp được cắt về huyện Hương Khê. Cách mạng tháng Tám thành công, Trừng Thanh hợp nhất với làng Hưng Thịnh (một phần của xã Xuân Lũng gồm các xóm Vĩnh Thắng, Vĩnh Hưng, Vĩnh Ngọc) và làng Loan Dạ (thuộc xã Phú Gia ngày nay) thành xã Cao Thắng. Đến đầu năm 1951, xã Cao Thắng hợp nhất với xã Hàm Nghi (nay là Phú Gia và Hương Long) để thành lập xã Hương Thành. Sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi (1954), năm 1956, Ủy ban hành chính huyện tổ chức chia lại xã mới theo cách đặt tên: lấy chữ đầu tên huyện (Hương) làm chữ đầu tên xã và chữ cuối tên xã do xã chọn (chủ yếu lấy một chữ đại diện cho truyền thống văn hóa: ở đây xã chọn chữ đại diện cho 3 làng cũ  là Vĩnh Vĩnh Thắng, Vĩnh Hưng, Vĩnh Ngọc), xã Hương Vĩnh được thành lập, gồm có các xóm: Ngọc Lau, Ngọc Mỹ, Vĩnh Đại, Vĩnh Giang, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Hưng, Vĩnh Phúc, Vĩnh Thắng, Vĩnh Thủy, Vĩnh Hương, Thuận Trị, Trại Tuần (Thuận Trị, Trại Tuần thành lập năm 1982), Vĩnh Tân (mới được cắt về từ Nông trường Hàm Nghi - Nông trường 20/4 từ năm 2000) và bản Giàng.
          Địa hình của xã đa dạng: có nhiều núi và các sông, suối. Rú Hóp, Rú Cát, Rú Bồng; Động Chung, động Núng, động Chòi, động Trôm, động Cù Lây là các núi lớn. Do có nhiều núi, dốc lớn nên sông ngòi, khe suối ở đây khá dày đặc. Sông Tiêm, khe Núng, khe Tuần, rào Ma Chớ là nơi cung cấp nguồn nước chính cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Trong đó, sông Tiêm là quan trọng nhất (phần hạ lưu chảy qua các xã Hương Xuân, Phú Phong, Lộc Yên rồi đổ vào sông Ngàn Sâu. Lòng sông đoạn rộng nhất lên tới 93m, nơi hẹp nhất là 30m, nơi sâu nhất là 9m).
          Hệ thống hồ, đập của Hương Vĩnh tương đối nhiều và đa dạng, gồm đập Nhà Vân, đập Nhà Quan, đập Khe Tuần, đập Nhà Thấn, đập Miệu; Khe Tuần, Khe Núng, Khe Gát (có Gát Tuần, Gát Núng), khe Nhà Vân, khe Rào Cải, khe Hang Dơi, khe Ông Vệ, khe Cù Lây, khe Ka Rờ (Bản Giàng 2), Khe Giàn, Khe Điếc, Khe Động, Khe Chòi, Khe Troong, khe Ngũ Thông.
Hệ thống sông ngòi dày đặc đã tạo cho Hương Vĩnh sự đa dạng về địa hình và phong cảnh và hạn chế được phần nào sự nóng bức của khí hậu miền núi vào mùa hè. Nhưng vào mùa mưa, nước ở các con sông lên cao, chảy xiết tạo những con lũ lớn, gây nhiều thiệt hại cho nhân dân và làm gián đoạn sự thông thương, qua lại giữa các vùng.
Tên các xứ đồng trong xã qua các thời kỳ: đồng Kỹ Thuật, đồng Cày Tắt, đồng ông Hoài, đồng cây Bồng, đồng Cày Thuông, đượng cố Vững, đượng Gát, đồng Hội, đồng Trại Tro, đồng Tuần, đồng Trén, đồng Lối, đồng Vườn Điều, đồng Bàu Ràn, đồng Tiêm, đồng Vại, đồng Bà Lương, đồng Bụi Lau, đồng Cổ Đằng, đồng Chu Rẻ, đồng cây Trôi, đồng Nẩy, đồng cây Căng, đồng họ Đặng, đồng Trại Huấn, đồng He, đồng Trại Cố Long, đồng Lầy Sâu, đồng Trại, đồng Cồn Độ (Trại Độ), đồng Cồn Tranh, đồng Cây Sanh, đồng Đượng, đồng Hà (có 4 đồng: đồng Đền, đồng Chợ, đồng Giếng, đồng Chùa), đồng Nhà Nang, đồng Cồn Lội.
Hệ thống giao thông: Từ thế kỷ XVII, nơi đây đã nổi tiếng với con đường giao thông quân sự và kinh tế Trìm - Trẹo nối liền hai nước Việt - Lào qua cửa khẩu Quy Hợp - từng được coi là một trong những cửa khẩu quan trọng của đất nước thời bấy giờ. Đường do cụ Trần Phúc Hoàn khai phá. Hiện tại, dấu tích của con đường vẫn còn nhưng chủ yếu phục vụ nhân dân đi lại, khai thác lâm sản. Ngày nay, hệ thống giao thông của xã cơ bản đã hoàn thiện. Tuyến đường chính của xã ra thị trấn đi qua cầu Tràn (sông Tiêm) đã được rải nhựa; các tuyến liên xã đi Hương Xuân, Hương Long, Hương Lâm, liên thôn cũng đã được nâng cấp, nhựa hóa và bê tông hóa. Đặc biệt, tuyến nối xã với bản Giàng đã được xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi trong đời sống sinh hoạt của đồng bào. Hương Vĩnh có tuyến biên giới dài 10km, chiếm 1/5 đường biên giới Quốc gia với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào của Hương Khê.   
Di tích lịch sử, văn hóa nổi bật của xã là chùa Bảo Lâm. Chùa được xây dựng từ năm 1695 đến 1708 (thời Hậu Lê). Chùa Bảo Lâm là nơi hành hương lễ phật của nhân dân trong vùng. Xã có đền thờ Trần Phúc Hoàn tại thôn Vĩnh Phúc. Tại đền thờ này, ông Trần Văn Quý (1922 - 2003), một chuyên gia Hán Nôm người Hương Khê đã phát hiện được một hòm tư liệu gồm các thư tịch cổ nói về việc công ở đồn Quy Hợp, quan hệ bang giao Việt - Lào qua quan chức Tổng lãnh binh Quy Hợp. Trần Phúc Hoàn là người có công xây đắp, mở mang con đường Trìm - Trẹo thành con đường giao thông quốc phòng, kinh tế quan trọng nối vùng Hương Khê với Vạn Tượng, Ai Lao. Ông mất vào giữa thế kỷ XVII. Năm 2004, chùa và đền thờ Trần Phúc Hoàn được xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa cấp Tỉnh. Vào khoảng giữa thế kỷ XIX, nhà thờ Thiên Chúa giáo được được xây dựng ở đây nên bà con giáo dân đến sinh sống ngày một đông. Hiện nay, ở Hương Vĩnh có hai nhà thờ giáo họ là nhà thờ giáo họ Vĩnh Phúc và giáo họ Trừng Thanh.
Năm 2005, xã Hương Vĩnh được Nhà nước phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.Trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, xã Hương Vĩnh có 66 liệt sĩ, 62 thương binh và 04 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, 11 cán bộ lão thành cách mạng, 1 cán bộ tiền khởi nghĩa. Hàng năm, các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức cho thế hệ trẻ đến thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng tại nghĩa trang liệt sĩ của xã.
Trong chiến tranh phá hoại cực kỳ ác liệt của Mỹ (1965 - 1973), nhân dân Hương Vĩnh đã đùm bọc, che chở cho hàng ngàn con em trong huyện và giáo viên sơ tán đến ăn ở, học tập.
Dân tộc Chứt sinh sống sát biên giới Việt - Lào, sống theo phong tục, tập quán và có tiếng nói riêng; trước đây nghề chính là săn bắt, hái lượm, ngày nay đã làm nhà để định cư, đang học Quốc ngữ, làm quen với văn hóa người Kinh. Người dân Hương Vĩnh sống chủ yếu bằng nghề nông và nghề rừng. Nên kinh tế - xã hội của xã không phát triển. Từ 1986 và nhất là từ năm 1998 đến 2016, nhờ Chương trình 135 và các chương trình mục tiêu Quốc gia khác của Chính phủ, xã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất: trường học, trạm xá, trạm điện, hệ thống giao thông, thủy lợi; từng bước đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa… mà kinh tế - xã hội đã có nhiều chuyển biến. Theo số liệu điều tra của Ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo huyện thì đến cuối năm 2000, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn gần 40%, năm 2015 là 6,4%, năm 2016 (xét theo tiêu chí mới: nghèo đa chiều) thì tỷ lệ hộ nghèo là 16,5%. Thu nhập bình quân đầu người của năm 2010 là 8,5 triệu/người/năm đến năm 2016 tăng lên 28 triệu/người/năm. Đầu năm 2003, Hương Vĩnh có 6 gia đình lắp điện thoại cố định, 600 hộ/1.053 (57%) hộ có ti vi màu, 200 (19%) hộ có xe máy. Đến năm 2016, toàn xã có 80% số hộ có xe máy, 90 - 95% số hộ dùng điện thoại, có 03 chiếc xe tải, có 01 xe con.
Phong trào xây dựng đời sống văn hóa phát triển tốt. Hương Vĩnh đã công nhận cho “Làng văn hóa” quy mô xã, 03 thôn đạt tiêu chí “thôn văn hóa” 3 năm trở lên và đã có giấy chứng nhận là các thôn: Vĩnh Ngọc, Ngọc Lau, Vĩnh Hương. Có 06 thôn đạt 01 năm trở lên (được công nhận năm 2015) là các thôn: Thuận Trị, Vĩnh Giang, Vĩnh Đại, Ngọc Mỹ, Vĩnh Thắng, Vĩnh Hưng.
       Hiện xã có 01 trường tiểu học, 01 trường mầm non, hệ THCS học chung với xã Phú Gia. Trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 năm 2001. Và xây dựng Nông thôn mới đến 31/7/2017, xã đạt 9 tiêu chí, phấn đấu đến cuối năm 2017 về đích Nông thôn mới.

Xã Hương Xuân
Hương Xuân là xã miền núi nằm ven dãy Trường Sơn, cách trung tâm thị trấn huyện khoảng 3 km. Phía Bắc tiếp giáp với xã Phú Phong; phía Nam giáp xã Hương Lâm; phía Đông giáp một phần xã Hương Trà, Lộc Yên; phía Tây giáp xã Hương Vĩnh. Tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 2.830,61 ha, dân số 3.831 người.
Đất xã Hư­ơng Xuân ngày nay phần lớn là đất của xã Xuân Lũng trước đây. Xã Xuân Lũng có ba thôn, hai giáp bao gồm một phần xã Hương Vĩnh, một phần xã Hương Phong và toàn bộ xã H­ương Xuân hiện nay. Đầu năm 1946, hai xã Xuân Lũng và Phú Phong sáp nhập thành xã Phú Xuân, trong đó Xuân Lũng gồm 4 xóm là: Phú Vĩnh, Phú Yên, Phú Hòa, Phú Hương; Phú Phong gồm 4 xóm: Phú Hưng, Phú Quang, Phú Tân, Phú Thạch. Đến tháng 11/1955, xã Phú Xuân tách thành hai xã Hư­ơng Xuân và H­ương Phong. Xã Hương Xuân gồm 10 xóm: Vĩnh Úc, Vĩnh Hưng, Vĩnh Trường, Xuân Trường, Xuân Giang, Hòa Giang, Hòa Trung, Hòa Sơn, Tân Hương, Tân Phú. Hiện nay, xã gồm 9 xóm: Phú Hương 1, Phú Hương 2, Hoà Xuân, Phú Yên, Phú Hoà, Trường Sơn, Vĩnh Hưng, Vĩnh Trường, Vĩnh Úc.
          Địa hình xã Hương Xuân có dạng đồi núi thấp với các khu dân cư xen kẽ sông suối và các hồ đập, có sông Tiêm chạy dọc xã. Hương Xuân có các xứ đồng: Đồng Máy Xâu, Đồng Vại, đồng Vinh, đồng Trùng, đồng Trại Chén, đồng Bàu Hềm, đồng Bà Đúc, đồng Bà Em, đồng Cố Khôi, đồng Bãi Vàng, đồng Nái, đồng Cây Nen, đồng Cây Dự, đồng Bảy Nghẹo, đồng Trộ Đó, đồng Thần (trước đây Thờ Thận Trụ nay sắc phong được hợp tự về đền Nhạ Sơn).
Giao thông ở Hương Xuân tương đối thuận tiện: đường Hồ Chí Minh đi qua dài 1,5 km; tuyến tỉnh lộ 17 dài 7,7 km nối Hương Xuân với xã Hương Lâm; tuyến huyện lộ 9 nối Hương Xuân với xã Phú Phong; 3 tuyến liên xã dài 15,21 km: tuyến 1 nằm trong quy hoạch của huyện kéo dài từ xã Hương Xuân đến giáp tỉnh lộ 17, tuyến 5 nối từ xóm Phú Hương đến xã Hương Trà, tuyến 6 nối Hương Xuân với xã Hoà Hải; 5 tuyến đường liên xóm với tổng chiều dài gần 6,5 km.
            Trên địa bàn Hương Xuân có một số địa danh gắn với lịch sử hình thành và phát triển của địa phương như: Vùng Nhà Lào - nơi tổ chức đấu tranh giúp nước bạn Lào giải phóng dân tộc thời kỳ chống quân Xiêm. Đồng Nhà Diều, Nhà Chén là nơi ăn uống của quân đội, nơi vui chơi thả diều của quân đội sau khi chiến thắng ở Lào. Đồng Chùa - nơi trước đây có chùa, trong quá trình lao động, nhân dân đã phát hiện ra nhiều ấm chén và gạch ngói. Trại Khẩn - nơi dân nghèo đến khai khẩn đất hoang, sau đó dần hình thành xóm Trại Khẩn. Xóm Chợ - nơi tập trung buôn bán1. Trên địa bàn xã còn có núi Cồng Bể - nơi nhân dân Xuân Lũng bị bắt làm phu khai thác gỗ cho phát xít Nhật, đánh cho cồng bể nát nên nhân dân đặt tên cho núi là núi Cồng Bể để ghi nhớ cảnh phu dịch. Ngoài ra, Hương Xuân có rú Ông Đắc, cồn Mụ Vạn, rú Ông Láu, động Tòa Sen, động Mụ Bài, động Mụ Hạ, Động Đâm, Trốc Lịp, Động Dài, Vàng Dành, Động Ná, Động Hương (thuộc lâm phần rừng Chúc A và một phần thuộc địa giới Trại Khẩn ở Phú Hương). Phía Tây Xuân Lũng giáp xã Hương Vĩnh có Động Thờ (vào khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX có đền thờ Đức Thánh Hổ Oai người họ Trịnh). Phía Tây Bắc có động Nốc.
        Về Di tích, trên địa bàn xã có đền Nhã Sơn, đền Làng, đền Bản Thổ (đền Úc), đền Tam Tòa, đền Trụ, đền Bà Chúa, đền Đức Thánh và chùa Làng. Trong đó, đền Nhã Sơn từng là nơi sinh hoạt của Chi bộ Xuân Lũng, nơi quần chúng tập trung đấu tranh với chủ đồn điền Hoàng Bích đòi chia lúa, gạo cho nhân dân. Đền được công nhận Di tích văn hóa cấp tỉnh năm 2011. Di tích lịch sử trong xã còn có đồn “Quan Lĩnh” là nơi một bộ phận nghĩa quân Phan Đình Phùng đóng giữ. Bàu Hầu, đập Hầu là di tích của ông quan hầu Lê Hữu Huân có công khai phá vùng đất này. Ngoài ra, Hương Xuân còn có di tích lịch sử gắn với sự kiện ngày 6.8.1945, tổ chức Thanh niên Phan Anh đánh chiếm trụ sở của Nhật bên bờ cầu Khe Làng thu được 1 tấn gạo và một số dụng cụ khai thác gỗ. Di tích lịch sử tại xóm Phú Vĩnh: là hội trường đoàn 559 và Tổng cục tiền phương họp tổng kết mùa khô ở miền Nam (7.1967) làm cơ sở để Trung ương quyết định Tổng tấn công tết Mậu Thân 1968. Di tích Đình Trung tại xóm Phú Hòa: là địa điểm xây dựng chính quyền của ủy ban khởi nghĩa lâm thời từ tháng 8 - 10.19451.
          Là xã giàu truyền thống, nơi có chi bộ Đảng thành lập sớm và hoạt động mạnh (chi bộ Xuân Thu). Hiện nay, Hương Xuân có 13 Mẹ Việt Nam anh hùng, 19 cán bộ Lão thành cách mạng, 01 cán bộ Tiền khời nghĩa, 90 liệt sỹ, 62 thương binh, 10 bệnh binh, 14 người nhiễm chất độc da cam. Năm 2005, Hương Xuân vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
             Theo số liệu điều tra của Ban Chỉ đạo xóa đói giảm nghèo huyện thì cuối năm 2000, tỷ lệ hộ nghèo ở Hương Xuân còn chiếm gần 42%. Đến năm 2016, thu nhập bình quân đầu người đạt 22,8 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo chỉ còn 140 hộ, chiếm 10,95%1. Trong những năm gần đây, Hương Xuân được đầu tư xây dựng từ trường học, trạm xá, trạm điện, đường giao thông, kênh mương thủy lợi… Xã thực hiện chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, tăng diện tích cây nông sản hàng hóa, nhờ vậy đời sống nhân dân có nhiều cải thiện. Phong trào văn hóa xã hội, xây dựng nếp sống văn minh tương đối tốt. Toàn xã có 515 hộ đạt gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 41,13%; có 2 Làng văn hóa: thôn Phú Hòa và thôn Hòa Xuân. Trên địa bàn xã, có 2 trường được công nhận danh hiệu trường chuẩn Quốc gia: Trường Tiểu học Hương Xuân (năm 2003), Trường Tiểu học Phú Hương (năm 2004). Vào thời điểm đầu năm 2003, Hương Xuân đã có 1 hộ có ô tô, 6 gia đình đã lắp điện thoại bàn tại nhà riêng, 420 hộ/1.025 hộ có ti vi màu, 121 hộ có xe máy, 9 hộ có máy cày, máy tuốt lúa và xay xát; đến năm 2016, toàn xã có 1.234 số hộ có xe máy, 1.787 số hộ dùng điện thoại di động, 3 xe con, 85 hộ có máy giặt, 17 hộ đã lắp điều hòa, 349 hộ sử dụng tủ lạnh, 93 hộ có bình tắm nóng lạnh và số hộ có máy cày, máy tuốt lúa và xay xát ngày càng tăng lên. Về xây dựng nông thôn mới, đến tháng 7/2017, Hương Xuân đạt 5/19 tiêu chí.
Xã Phúc Trạch
       Phúc Trạch là xã miền núi của huyện Hương Khê, cách huyện lỵ 10 km về phía Nam. Phía Bắc giáp xã Hương Đô; phía Nam giáp hai xã Hương Liên và Hương Trạch; phía Đông giáp hai xã Hương Trạch và Lộc Yên; phía Tây giáp xã Hương Lâm. Theo thống kê năm 2016, xã có tổng diện tích đất tự nhiên là 38.123,5 km2, dân số có 5.131 người.
       Trước Cách mạng tháng Tám, Phúc Trạch có 5 làng: Phúc Trạch, Can Hợi, Đồng Tri, Thọ Lập và Hạ Vàng. Làng Phúc Trạch ở vị trí các xóm 1, 2, 3 và một phần xóm 4 ngày nay; làng Can Hợi gồm các xóm 5, 6 và một phần xóm 4 hiện nay; làng Đồng Tri ở vị trí các xóm 7, 8, 10; làng Thọ Lập ở vị trí xóm 11 hiện nay; làng Hà Vàng ở vị trí xóm 9 hiện nay. Sau Cách mạng tháng Tám, thực hiện chủ trương bỏ cấp tổng, thành lập bộ máy hành chính cấp xã, xã Phúc Trạch được thành lập gồm các làng: La Khê, Tân Thành, Đô Khê và Phúc Trạch. Năm 1949, hai xã Phúc Trạch và Nam Hương sáp nhập thành xã Hương Lĩnh, Phúc Trạch thuộc xóm 4 xã Hương Lĩnh. Tháng 6 năm 1956, huyện Hương Khê tiến hành sắp xếp lại đơn vị hành chính, xã Hương Lĩnh chia thành 7 xã: Hương Trạch, Hương Phúc, Hương Lĩnh, Hương Lạc, Hương Đô, Hương Liên, Hương Lâm. Đến năm 1971, xã Hương Lĩnh và Hương Lạc sáp nhập thành xã Phúc Trạch. Xã Phúc Trạch gồm 12 xóm: xóm Bạch, xóm Đông, xóm Nam, xóm Tây, xóm Bắc, xóm Hoàng, xóm Châu, xóm Sơn, xóm Thủy, xóm Trung, xóm Hồng, xóm Thanh.
Địa hình Phúc Trạch giống như cái võng, một đầu mắc lên Rú Gối - một ngọn núi cao nhất của dãy Trà Sơn, một đầu mắc lên Động Trỉa. Phía Bắc và Nam tương đối bằng phẳng, phía Đông và Tây địa hình đồi núi gồ ghề. Rú Gối Trà Sơn (Chẩm Lĩnh) là đỉnh núi cao nhất nằm về phía Đông Nam của xã. Phúc Trạch có Sông Ngàn Sâu chảy qua, hàng năm bồi đắp phù sa cho cánh đồng phía Đông của xã. Ngoài ra, xã còn có Sông Ma Lanh và các khe như  Khe Trồi, Khe Bà Cam.
Xã có những xứ đồng cổ như: Đượng Xạ (thuộc xóm 1,2,3,4,5), Trang Neo (xóm 6), Đồng Lung là vựa lúa của xã (thuộc xóm 6,7,8), So Đũa (thuộc xóm 9), Bài Chùa (10,11) Vũng Hợi, Bàu Đọt, Lòi Đồng Rạ, Lòi Mò O… Ngày nay, đồng ruộng ở Phúc Trạch chủ yếu tập trung ở cánh đồng phía nam gồm những chân ruộng thấp nguồn nước dồi dào hợp với cây lúa; đồng phía đông được phù sa sông Ngàn Sâu bồi đắp nên thích hợp trồng các loại rau màu. Phúc Trạch cũng có những mảnh vườn rộng tốt tươi, trù phú, có nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao.
Tính đến năm 2016, trên địa bàn xã Phúc Trạch có 7 con đập: Đập Đá, Trà Cáu, Đập Trồi, Khe Song, Ma Lanh, Cây Dổi, Tràng Nẹo. Các đập nước này không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân mà còn đảm bảo hoạt động tưới tiêu cho các cánh đồng. Hệ thống kênh mương, thủy lợi, nội đồng 22,3 km thường xuyên được cải tạo và nâng cấp, phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Năm 1922, Thực dân Pháp cho xây dựng tuyến đường sắt Bắc - Nam, trong đó có đoạn qua địa phận Hương Khê. Ga Phúc Trạch được hình thành từ đó. Đường sắt Bắc - Nam chạy qua xã với chiều dài 3,3 km. Đường Hồ Chí Minh chạy qua địa bàn xã từ cầu Khe Ác đến hết xóm 1, dài 3,7 km; Quốc lộ 15A chạy qua địa bàn xã dài 3km; và tuyến đường liên xã Phúc Trạch - Hương Đô dài 3,6 km. Các tuyến đường trong xã có chiều dài 61,77 km cơ bản đã được nhựa hóa, bê tông hóa. Hệ thống giao thông này đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho Phúc Trạch phát triển kinh tế, văn hóa.
Hệ thống đền đình chùa ở Phúc Trạch khá nhiều nhưng hiện nay, chỉ còn lại đền Chẩm Lĩnh, các đền khác đều đã thành phế tích. Đền Chẩm Lĩnh nằm dưới chân rú Gối, do người dân Phúc Trạch xây cất từ xa xưa, thờ một vị thần nào đó mà đến nay không ai rõ. Dù vậy những câu chuyện linh thiêng xung quanh ngôi đền này thì vẫn được người dân vẫn lưu truyền.
Phúc Trạch là cái nôi của phong trào văn nghệ quần chúng. Đội văn nghệ Phúc Trạch nhiều khi còn được mời đi diễn tận các làng Phúc Hội, Đô Khê. Phúc Trạch còn nổi tiếng là đất múa hát sắc bùa, một lối hát dân gian khá hấp dẫn. Nổi tiếng ở vùng Phúc Trạch là cố Toan, đêm nào cố Toan cầm chịch làm người xem đến chật sân nhà. Phúc Trạch là địa phương có truyền thống hiếu học, tấm gương tiêu biểu là cụ Đinh Văn Hòa. Cụ đã  được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập; cụ Phan Ngọc Bá được phong danh hiệu Chiến sỹ diệt dốt toàn quốc. Sau ngày đất nước thống nhất, truyền thống hiếu học được duy trì và phát huy cao độ, truyền thống hiếu học của cha ông đã nâng bước chân lớp học sinh của Phúc Trạch tiến xa hơn.
Phúc Trạch là địa phương giàu truyền thống cách mạng. Khi kinh thành Huế thất thủ trước thực dân Pháp xâm lược, vua Hàm Nghi đến Hương Khê hạ Chiếu Cần Vương tại Sơn Phòng - Phú Gia vào ngày 19/9/1885. Hưởng ứng Chiếu Cần Vương, nhiều người Phúc Trạch tích cực tham gia vào đội quân của Phan Đình Phùng - thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Hương Khê. Người dân Phúc trạch đã hăng hái tham gia cuộc khởi nghĩa. Tinh thần cách mạng đó còn được nhân dân Phúc Trạch phát huy qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cùng cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Xã Phúc Trạch có 10 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 10 cán bộ lão thành cách mạng, 12 cán bộ tiền khởi nghĩa, 123 liệt sỹ, 105 thương binh, 42 bệnh binh. Với những đóng góp đó, năm 1998, Đảng bộ và nhân dân xã Phúc Trạch được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Người dân Phúc Trạch xưa chủ yếu sống dựa vào nền kinh tế tự cung tự cấp. Cây trồng chủ yếu là cây lúa nước, mỗi năm Phúc Trạch sản xuất hai vụ: vụ chiêm và vụ mùa, trong đó vụ chiêm là vụ chính. Ngoài lúa là cây lương thực chính, Phúc Trạch còn gieo trồng nhiều loại cây lương thực và thực phẩm như ngô, lạc, sắn, đỗ xanh, cam, bưởi, chuối…, phục vụ cơ bản cho nhu cầu sinh hoạt và chăn nuôi của nhân dân. Nghề làm vườn ở Phúc Trạch đặc biệt phát triển với hai loại cây nổi tiếng là bưởi đường và dó trầm. Năm 1938, Quả Bưởi Phúc Trạch được Chính phủ Bảo hộ Pháp tặng thưởng mề đay trong Hội thi Trái cây Đông Dương. Năm 2002, được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận là một trong bảy loại cây ăn quả quý hiếm cấm không được xuất khẩu giống và năm 1989, được Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học công nghệ chính thức cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Bưởi Phúc Trạc không những có giá trị kinh tế cao, mà còn là món quà tinh thần vô giá của người dân hiếu khách. Dó trầm cũng là loại cây nổi tiếng ở Phúc Trạch. Cách đây 40 năm về trước, nhân dân Phúc Trạch chỉ sử dụng dó trầm làm vật liệu dựng nhà. Sau năm 1980, nhiều người ở Huế, Đà Nẵng đến Phúc Trạch khai thác, từ đây phong trào trồng dó trầm mới phát triển. Dó trầm ở Phúc Trạch có giá trị bởi trầm nhiều, chất lượng tốt. Ngoài hai loại cây đặc trưng mang lại giá trị kinh tế cao trên thì Phúc Trạch còn có cau. Ngày xưa, dân buôn cau Phú Long lên mua khá nhiều, cau đưa lại một nguồn thu nhập cao nhưng sau này việc mua cau ít dần. Tuy vậy, người Phúc Trạch vẫn thích trồng cau bởi ngoài là lễ vật thờ cúng không thể thiếu thì loại cây này còn  ẩn chứa chuyện tình ảm vợ chồng, anh em sâu sắc. Bên cạnh đó, Phúc Trạch còn có một nguồn lợi lớn là nghề săn bắt thú rừng. Ngày trước, để bắt thú lớn, dân làng tổ chức thành các phường săn, tục ở đây gọi là phường Mái. Càng về sau, nguồn lợi này càng giảm dần và không còn nữa.
Kinh tế thương mại ở Phúc Trạch cũng phát triển sớm. Chợ Đồn hình thành sớm. Trước năm 1965, Chợ Đồn họp 1 tháng 6 phiên, vào các ngày mồng 5, mồng 10, 15, 20, 25, 30 âm lịch. Dân buôn thuyền từ Vinh, Đức Thọ theo dòng Ngàn Sâu đổ về đây nên buôn bán ở chợ Đồn khá tấp nập, hình thành một dãy phố sầm uất nhiều quán hàng.
Trong những năm qua kinh tế Phúc Trạch đã có nhiều khởi sắc, đời sống người dân ngày càng phát triển. Năm 2000, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/năm., chưa có xe ôt tô, 67% có điện thoại, 65% hộ có ti vi, 65% hộ có xe máy. Năm 2015, thu nhập bình quân của xã là 32 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,3%, toàn xã có 17 xe ô tô, 22 xe tải, 98% hộ có ti vi, xe máy và điện thoại. Năm 2015, xã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã đang phấn đấu để trở thành xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu trước năm 2020.

Xã Hương Trà
Hương Trà là xã miền núi nằm về phía Nam của huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, cách trung tâm huyện khoảng 3 km. Phía Bắc giáp xã Lộc Yên, phía Tây giáp xã Hương Xuân, phía Nam giáp xã Hương Lâm, phía Đông giáp xã Hương Đô. Năm 2016, tổng diện tích đất tự nhiên là 15.015,3 km2, và dân số là 2.246 người.
Trước kia, vùng đất Hương Trà còn hoang sơ, do đó con người đến đây sinh cơ lập nghiệp không nhiều. Vùng đất Hương Trà thuộc ba đồn điền trước đây: Bùi Huy Tín, Ngọc Bích và Nguyễn Hộ. Từ sau Cách mạng Tháng Tám, đồn điền này bị bỏ hoang. Tháng 3/1959, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh quyết định huy động lực lượng thanh niên các xã xung kích lên khai hoang vùng đất này để thành lập nông trường. Ngày 19/4/1959, 400 đoàn viên - thanh niên thuộc bốn xã: Lộc Yên, Hương Vĩnh, Hà Linh, Hương Thủy đã tập trung tại đồn điền Bùi Huy Tín làm lễ khởi công xây dựng nông trường. Ngày 23/3/1977, Thủ tướng Chính phủ ra QĐ - 56 thành lập Thị trấn Nông trường 20/4; năm 2004, Thị trấn Nông trường 20/4 đổi tên thành xã Hương Trà theo Nghị định số 09/2004 - CP.
Hương Trà là xã có địa hình phức tạp do có đồi núi và thung lũng đan xen nhau. Xã có Động Táng thuộc dãy Trường Sơn, Đồi 58, Khe Trực Thăng (nơi đây bắn rơi máy bay Mỹ (1965), Khe Mụ Hạ, Khe Ma Lanh, Khe Rùa. Ngoài các ngọn núi, khe suối kể trên, ở Hương Trà còn có nhiều đồi núi thấp xen lẫn... Diện tích đất canh tác nằm rải rác, manh mún, thường xuyên ngập úng về mùa mưa, thiếu nước về mùa khô. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên. Toàn xã có 35 ha diện tích mặt nước chủ yếu là các khe suối nhỏ và một số hồ đập (đập Tiền phong, đập khe Bắc, đập Khe Gát, đập công đoàn, hồ cơ khí, hồ vườn ươm hồ cựu chiến binh, hồ xóm 4) đảm bảo 75% nước tưới cho nông nghiệp.
Xã nằm trên các tuyến đường giao thông huyết mạch: tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua khoảng 2km, đường Hồ Chí Minh dài 4km, đường tỉnh lộ 17 chạy qua 3,5km. Trên địa bàn xã còn có hệ thống đường liên xã, liên thôn, liên xóm và nội xóm với tổng chiền dài 27,8 km. Các tuyến đường liên thôn đã được đầu tư nâng cấp, đường nội xóm phần lớn đã được bê tông hóa, rất thuận tiện cho việc đi lại của nhân dân trong mọi điều kiện thời tiết. Các tuyến đường trong xã có chiều dài 61,77 km cơ bản đã được nhựa hóa, bê tông hóa. Ngoài ra, địa bàn xã có 8 cống thủy lợi, 2 cầu giao thông, 2 tràn. Hệ thống giao thông này đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho Hương Trà phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa với các địa phương khác trong và ngoài huyện.
Trên địa bàn xã có chợ Đồn Điền, nhà tù Trại Đưng, đồi 58, đồi Tên Lửu là những di tích lịch sử.
Hương Trà là một trong những xã có phong trào văn hóa, giáo dục hàng đầu của huyện Hương Khê. Cho đến nay, toàn xã đã có 7/7 xóm đạt tiêu chuẩn xóm văn hóa, đơn vị văn hóa, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đạt 80%, 100% hộ sử dụng ti vi, năm 2003 toàn xã mới chỉ có 1/3 số hộ có xe máy thì nay 98% hộ có xe máy, 9 ô tô gia đình. Việc cưới, việc tang đều được nhân dân tự giác chấp hành và thực hiện tốt theo quy ước, hương ước. Những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc luôn được gìn giữ và phát huy thông qua nhiều hình thức. Ngành văn hóa thông tin được Bộ tặng Bằng khen. Hương Trà là xã có tỷ lệ số người đi học vào tốp đầu của huyện. Hiện nay, cả 3 trường học đều đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trên 98%. Tỷ lệ học sinh học trung học cơ sở được tiếp tục học trung học phổ thông đạt 98%; xã đạt phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; trung bình mỗi năm xã có từ 20 - 30 em đậu vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hương Trà là một trong những điểm đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ ở Hương Khê. Ngày 20/9/1965, tiểu đội tự vệ Nông trường 20.4 (nay là xã Hương Trà) đã cùng quân và dân Hương Khê, phối hợp với Tiểu đoàn bộ đội pháo cao xạ bắn rơi 1 máy bay Mỹ. Bức ảnh nổi tiếng về ”O du kích nhỏ” Nguyễn Thị Kim Lai đã được nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Thoan chụp từ sau trận đánh nổi tiếng này. Hương Trà có 21 liệt sỹ, 36 thương binh, 6 bệnh binh. Xã được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1998, năm 2014 xã đã được tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba.
Từ năm 2000 - 2015, kinh tế Hương Trà ngày càng phát triển, thu nhập bình quân đạt 40 triệu đồng/người/năm, đây là mức thu nhập vào tốp cao nhất của huyện Hương Khê, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,55% giảm 11,62% so với năm 2000. Xã có cánh đồng lúa lớn là đồng Mụ Im và các bãi trồng hoa màu, cây ăn quả. Sản phẩm cây công nghiệp: chè, cam và cao su tiểu điền là sản phẩm chủ lực đang được xã tập trung phát triển, nhân rộng diện tích. Năm 2015, diện tích trồng chè là 220 ha trong đó diện tích chè kinh doanh là 172 ha, sản lượng chè búp đạt 1.470 tấn, chế biến chè khô 343 tấn, giá trị ước đạt 16 tỷ đồng; cây ăn quả 51 ha trong đó diện tích cho thu hoạch 15 ha (tăng 17 ha so với năm 2010), đặc biệt có 45 mô hình cho thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên, 5 mô hình từ 100 - 500 triệu, 3 hô hình trên 500 triệu.
Chăn nuôi là ngành sản xuất mũi nhọn, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân địa phương, tổng giá trị sản xuất năm 2015 đạt 15,6 tỷ đồng, chiếm 36% giá trị sản xuất trong nông nghiệp. Năm 2015, xã có 03 mô hình chăn nuôi lợn liên kết quy mô từ 500 đến 1200 con/lứa/mô hình, 33 mô hình chăn nuôi hươu quy mô từ 5 đến 32 con.Tổng diện tích rừng sản xuất 709,7 ha; giá trị từ cây lấy gỗ, cây nguyên liệu đạt 2,4 tỷ đồng.
Tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển khá. Tổng số cơ sở sản xuất và xây dựng hiện có 28 tổ hợp, các cơ sở chủ yếu là gia công cơ khí, mộc, nề xây dựng và sửa chữa điện, điện lạnh dân dụng. Chợ Hương Trà mới được xây dựng theo Chương trình dự án CBRIP năm 2007 với diện tích khuôn viên là 2.000m2 (trong đó: đình chính diện tích là 205m2, 2 dãy 8 ki ốt diện tích 80m2). Những ngày họp chợ, xe cộ tấp nập, đông đúc, nhộn nhịp, các mặt hàng được bày bán phong phú và đa dạng là điều kiện để Hương Trà vừa phát triển kinh tế vừa giao lưu văn hóa với các xã trong huyện.
Những năm gần đây, lĩnh vực dịch vụ - thương mại ở Hương Trà phát triển mạnh, tạo sự đột phá trong việc giải quyết việc làm và thu nhập cho người dân: đến năm 2015, toàn xã có 51 ki ốt hoạt động dịch vụ, giải quyết việc làm cho 75 lao động. Xã đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2014.
Xã Hương Trạch
Xã Hương Trạch nằm về phía Tây Nam huyện Hương Khê, phía Đông giáp xã Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên); phía Tây giáp xã Hương Liên; phía Bắc giáp xã Phúc Trạch, Lộc Yên; phía Nam giáp xã Hương Hóa (huyện Tuyên Hóa - Quảng Bình). . Đến năm 2016, Hương Trạch có 112.300,6 km2 diện tích đất tự nhiên. Hiện nay, Hương Trạch có 13 xóm, dân số 7.138 người.
Giai đoạn trước 1945, Hương Trạch thuộc Tổng Xuân Khánh gồm phần đất các làng Phú Lễ, Phúc Hội, La Khê và Bái Đức. Sau Cách mạng tháng Tám, chính quyền mới bỏ đơn vị tổng, các làng Phúc Trạch, Tân Thành, La Khê, Bái Đức nhập lại thành xã Phúc Trạch. Cuối năm 1947 đầu 1948, Phúc Trạch và Nam Hương sáp nhập thành xã Hương Lĩnh. Thời kỳ đầu thực hiện Cải cách ruộng đất (10/1955), xã Hương Lĩnh được tách ra thành 7 xã gồm: Hương Trạch, Hương Phúc, Hương Lĩnh, Hương Lạc, Hương Đô, Hương Liên, Hương Lâm. Năm 1971, hai xã Hương Trạch và Hương Phúc sáp nhập lại thành xã Hương Trạch.
          Hương Trạch có địa hình lòng máng nằm kẹp giữa dãy Trà Sơn và Trường Sơn, nghiêng dần về phía Đông Bắc, có nhiều đồi núi, động, lèn như: động Đâm, động Cây Mít, động Cỏ, lèn Phú Lễ (Phù Lê). Trong đó, lèn đá Phú Lễ là danh thắng đã đi vào nhiều sử sách.
          Hương Trạch có nhiều sông ngòi, khe suối, trong đó Ngàn Sâu - con sông lớn nhất chảy qua địa bàn xã (10 km), bắt đầu từ La Khê kết thúc tại xóm Tân Trung. Qua hàng ngàn năm bồi tụ, dòng sông đã tạo ra nhiều bãi bồi, cánh đồng phì nhiêu, nơi cung cấp nguồn nước quan trọng phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân Hương Trạch. Hương Trạch còn nhận được nguồn nước dồi dào, phong phú từ các hồ đập lớn như: đập Hội, đập Thung Trứa, đập Lù, đập Nhà Tầu, đập Cây Cam và hệ thống nước sạch tự chảy ở Bắc Lĩnh, thác Rào Rồng... Xã có những xứ đồng như: Đồng Hội, cây Nâu, Ban Trì (đồng Bàu) vựa lúa của Hương Trạch, Trọt Dựa, đòng Khe, Cu Cu, cây Cam, đồng Năng, đồng Máy, đồng Phớ, đòng Bà Niệm, đồng Rú, Mụ Hợi, cây mang, Đượng Mượu, Lạch Xe…
          Về giao thông, xã có đường Hồ Chí Minh đi qua với chiều dài 8 km; tuyến Đường 15A dài 9 km. Đường sắt Bắc Nam đi qua địa bàn xã 8,1 km. Xã có trục đường liên thôn gồm 6 tuyến với tổng chiều dài 11,6 km; 97 tuyến nội thôn với tổng chiều dài 40,79 km. Hầu hết các tuyến liên thôn, nội thôn đều đã được bê tông hóa, cứng hóa, thuận lợi cho các phương tiện vận tải cơ giới hoạt động.
     Trước đây, nền kinh tế của Hương Trạch chủ yếu là nông nghiệp và khai thác lâm thổ sản. Chợ La Khê ở Hương Trạch có từ thời Pháp thuộc, do ảnh hưởng của chiến tranh nên chợ cũng có vài lần thay đổi địa điểm nhưng đến nay chợ được xây dựng trên xóm Trung Lĩnh. Người dân địa phương chủ yếu bán các loại nông sản tự làm được như: mật ong, nâu, mây, bưởi… Một số thương lái Đức Thọ dọc sông Ngàn Sâu đưa vải, lương thực thực phẩm lên chợ để bán. Hàng hóa ở chợ khá phong phú và đa dạng, người bán, kẻ mua khá tấp nập.
                    “La Khê trên chợ dưới thuyền
                     Bánh đúc đầy chợ thịt bò nhiều ghê”
     Trước đây, chợ họp 1 tháng 2 phiên vào mồng 3 và mồng 7, nay một tháng chợ họp 4 phiên vào ngày chẵn.
Ngày xưa nhiều làng ở Hương Trạch có đền, điện nhưng trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá của thiên nhiên và con người nên hệ thống đền, miếu hầu hết đã trở thành phế tích. Hiện nay, ở Hương Trạch chỉ còn lại Đông Sơn tự (dân thường gọi điện Đông), Nam Sơn tự (dân thường gọi điện Nam) là hai địa điểm trước đây thờ thần. Sau khởi nghĩa Hương Khê, để tưởng nhớ công ơn của những người một lòng vì nghĩa lớn, nhân dân đã rước bài vị của ông Phạm Biểu về thờ tại điện Đông. Hiện nay, hai điện này được chính quyền và nhân dân tôn tạo lại khá tôn nghiêm nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong vùng.
Đạo Thiên Chúa du nhập vào Hương Trạch cuối Thế kỷ XIX đầu Thế kỷ XX. Bà con giáo dân ở Hương Trạch sinh hoạt tại giáo xứ Tân Hội (thuộc giáo phận Vinh). Giáo xứ gồm 6 họ: Tân Hội, Tân Dừa, Phú Lễ, Lộc Giang, Vân Sơn, Tân Phú. Đến năm 2015, đồng bào Thiên Chúa giáo ở xã chiếm tới 48,2% dân số. Ngoài nhà thờ xứ, xã có 5 nhà thờ giáo họ khang trang, trong đó họ giáo Tân Phú mới được thành lập (tách ra từ họ Phú Lễ). Hương Trạch hiện nay có 143 hộ đồng bào Mường với 516 nhân khẩu.
Hương Trạch là xã nằm ở vị trí chiến lược, vì thế trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, xã có nhiều đóng góp. Vào thế kỷ XV, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa Lam Sơn chống quân xâm lược nhà Minh (1416 – 1427), nhân dân Hương Trạch cùng với nhân dân toàn huyện đã đóng góp sức người, sức của xây dựng một kho lương thực lớn tại núi Vũ Kỳ (tức là núi Phù Lê nay là lèn Phú Lễ - thôn Ngọc Bồi) để giúp nghĩa quân ăn no đánh thắng. Sau cuộc tấn công vào kinh thành Huế (ngày 4 đến ngày 5.7.1885), tại căn cứ Tân Sở - Quảng Trị vua Hàm Nghi ra “chiếu Cần Vương”, sau đó chuyển vào Phú Gia lập sơn phòng và xây dựng lũy voi ở Đá Đen (La Khê). Ở sơn phòng Phú Gia, nhân dân Hương Trạch cùng với nhân dân trong huyện ngày đêm đào núi, đắp lũy Voi, xây dựng nên một khu căn cứ kháng chiến vững chắc. Nhân dân còn góp lương thực, thực phẩm nuôi nghĩa quân, góp mâm thau, nồi đồng cho nghĩa quân rèn đúc vũ khí… Tiêu biểu cho tinh thần quả cảm, hết lòng vì nghĩa lớn của người dân Hương Trạch có cụ Phạm Biểu (thôn Thanh Liên). Cụ đã kêu gọi thanh niên, trai tráng trong vùng tụ nghĩa, tổ chức thành một đội quân, thường xuyên luyện tập ở xứ Trạng Bằng. Đội quân của cụ đã góp sức đánh lùi nhiều cuộc tấn công của thực dân Pháp lên Hương Khê qua đường Truông Sẻ. Cụ hy sinh trong một trận quyết chiến giữa nghĩa quân và địch, phần mộ được an táng tại Trạng Bằng, nhân dân đã cầu siêu và rước về thờ tại điện Đông. Ngoài ra, ở Hương Trạch còn có hai anh em Nguyễn Khai, Nguyễn Dinh (thôn Tân Trung) đã tập hợp lực lượng, tổ chức luyện tập ở đồng Cu Cu, Trạng Trửa tham gia vào đội quân của Phan Đình Phùng. Năm 1888, Trương Quang Ngọc, phản bội chỉ điểm cho Pháp bắt vua Hàm Nghi. Đội quân của Nguyễn Khai được giao nhiệm vụ bắt Trương Quang Ngọc, chỉ trong một thời gian ngắn đội quân của ông đã hoàn thành nhiệm vụ  Phan Đình Phùng giao phó. Với chiến công này, Nguyễn Khai được Phan Đình Phùng phong chức Lãnh binh (từ đó có tên là Lãnh Khai). Tháng 12.1895, cụ Phan hi sinh tại rú Quạt, Lãnh Khai tiếp tục lãnh đạo đội quân của mình chiến đấu thêm một thời gian nữa mới hy sinh. Phần mộ của ông được chôn cất tại núi Giăng Màn. Để tưởng nhớ công lao cụ, nhân dân Hương Trạch đã rước bài vị, lư hương về thờ tại điện Nam.
Trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965 - 1972), Hương Trạch là một trong những địa điểm bị đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt suốt ngày đêm như ngầm La Khê, trường cấp II Hương Phúc. Dân quân xã Hương Trạch là một đơn vị cơ động được trang bị súng máy cao xạ 12 ly 7 và một số súng đại liên, trung liên, tiểu liên làm nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu trọng yếu trên địa bàn, đã tham gia chiến đấu hàng trăm trận và góp phần bắn rơi 4 máy bay Mỹ, đã độc lập bắn rơi 2 máy bay và bắt sống giặc lái Mỹ. Với những chiến công đó, xã Hương Trạch đã được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân từ tháng 6 năm 1969. Hương Trạch có 5 Mẹ Việt Nam Anh hùng là Nguyễn Thị Cung, Nguyễn Thị Lan, Trần Thị Lượng, Nguyễn Thị Phượng, Cao Thị Kục, một Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân là Hán Duy Long, 1 cán bộ lão thành cách mạng, 3 cán bộ tiền khởi nghĩa.Toàn xã Hương Trạch có 72 liệt sĩ, 36 thương binh, 27 bệnh binh.
Tuy thuộc xã vùng sâu, vùng xa, nhưng Hương Trạch đã có nhiều tiến bộ về kinh tế, văn hóa. Được sự hỗ trợ của Nhà nước đối với vùng sâu, vùng xa, Hương Trạch đã xây dựng được cơ sở vật chất trường học, các mục tiêu “điện, đường, trường, trạm” được xây dựng một cách cơ bản. Kinh tế của xã chủ yếu vẫn là nông - lâm nghiệp, nhưng ngày nay còn phát triển thêm vườn trại, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, bước đầu phát triển công nghiệp khai thác vật liệu xây dựng. Năm 2015, tổng giá trị sản xuất đạt 186,7 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 24,7 triệu đồng, nếu như năm 2000 tỷ lệ hộ nghèo ở Hương Trạch là 20% thì đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 8,7% (theo tiêu chí mới). Tổng sản lượng lương thực đạt 1.152 tấn, diện tích cây ăn quả (tiêu biểu là bưởi Phúc Trạch) tăng nhanh. Chăn nuôi có bước phát triển mới, đến năm 2015 toàn xã có 46 mô hình chăn nuôi thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên. Tổng đàn trâu, bò có 1.754 con, đàn gia cầm 20.000 con, 916 tổ ong, 48 con hươu. Về lâm nghiệp, phát huy lợi thế, nhân dân đã chủ động đầu tư thâm canh kết hợp chăm sóc, trồng rừng, diện tích rừng sản xuất được khép kín 1066,6 ha. Dịch vụ - thương mại phát triển mạnh, đến nay (2015) xã có 6 doanh nghiệp tư nhân, 3 hợp tác xã dịch vụ, 14 tổ hợp tác sản xuất, 42 hộ kinh doanh vận tải, 76 ky ốt buôn bán nhỏ, 34 cửa hàng tạp hóa, 12 nhà hàng dịch vụ ăn uống, 1.654 ti vi, 1.933 xe máy, 60 ô tô tải, 32 ô tô con gia đình. Đến tháng 6/2017, xã đạt 6/19 tiêu chí Nông thôn mới.

Xã Hương Lâm
Hương Lâm là xã vùng cao nằm ở cực Tây của huyện Hương Khê, cách Thị trấn khoảng 22 km về phía Nam. Hương Lâm là một trong hai xã xa trung tâm huyện nhất và là một trong tám xã của huyện Hương Khê được xếp vào xã biên giới vùng cao theo Nghị định 135/CP của Chính phủ. Về cơ bản, vị trí địa lý của xã tương đối cách biệt, khó khăn trong giao lưu, phát triển kinh tế - xã hội. Phía Đông giáp các xã Hương Đô, Hương Trà, Hương Xuân và Phúc Trạch; phía Tây giáp xã Hương Vĩnh và bản Tơng (huyện Na Kai- tỉnh Khăm Muộn - nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào); phía Nam giáp xã Hương Liên và huyện Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình; phía Bắc giáp các xã Hương Xuân, Hương Vĩnh, Hương Trà và Hương Đô.
Theo số liệu thống kê năm 2016, Hương Lâm có tổng diện tích đất tự nhiên là 171.364,3 km2. Dân số Hương Lâm có 5.942 người.
          Theo “Đại Nam nhất thống chí” thì trước đây vùng đất Hương Lâm có tên là sách Chúc A, sách này nằm trong châu Quy Hợp. Năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), nhà Nguyễn đổi châu Quy Hợp thành tổng Quy Hợp. Xã Chúc A là một trong 7 xã của tổng Quy Hợp lúc bấy giờ. Chúc A tồn tại đến sau Cách mạng tháng Tám thì sáp nhập với xã Vĩnh Cư lập thành xã Nam Hương. Cuối năm 1947 đầu 1948, huyện Hương Khê thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, toàn huyện còn 11 xã, hai xã Phúc Trạch và Nam Hương sáp nhập thành xã Hương Lĩnh, phần đất của xã Hương Lâm thuộc xóm 11 và xóm 12. Tháng 10/1955, xét thấy địa bàn xã quá rộng, địa hình phức tạp, việc đi lại, chỉ đạo phong trào khó khăn, do đó Huyện ủy Hương Khê lại có chủ trương chia các xã lớn thành xã nhỏ. Theo đó, xã Hương Lĩnh được tách ra thành 7 xã nhỏ gồm: Hương Trạch, Hương Phúc, Hương Lĩnh, Hương Lạc, Hương Lâm, Hương Liên. Trên vùng đất Chúc A cũ, tên gọi Hương Lâm chính thức ra đời và duy trì cho đến ngày nay. Sau khi thành lập, xã Hương Lâm có các xóm gồm: Trường Giang, Vĩnh Giang, Sông Giang, Thuận Trị, Rú Mây, Cầu De, Chúc A.
          Trải qua nhiều lần thay đổi, chia tách, đến nay xã có 12 xóm cùng chung sống đoàn kết, gắn bó. Nguồn gốc của cư dân nơi đây chủ yếu là từ các huyện  khác đến như Đức Thọ, Hương Sơn. Mặt khác, Hương Lâm là vùng rừng núi cách trở nên đa phần là dân chạy loạn từ dưới xuôi lên lập nghiệp (chạy sưu, chạy thuế...). Năm 1960, sau khi Lâm trường Chúc A về đóng trên địa bàn đã thu hút nhiều lao động của cả huyện lên làm việc và sinh sống tại đây. Bên cạnh đó, những công nhân Lâm trường Chúc A lúc về hưu thường ở lại cư trú tại xã, điều này đã bổ sung cho xã một số lượng dân cư đáng kể, có thời điểm dân số của xã tăng lên hơn 25% (năm 1972, dân số toàn xã có khoảng 1.900 nhân khẩu), góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo cũng như đời sống văn hóa tinh thần và vật chất của nhân dân nơi đây.
          Địa hình Hương Lâm như một lòng chảo, nằm trong thung lũng Ngàn Sâu, bốn phía có núi cao bao bọc. Phía Bắc có núi Đông Tảng - đỉnh Voi Trèo; phía Tây có đỉnh 17, dọc theo biên giới Việt - Lào là một phần của dãy núi Trường Sơn. Nằm ở phía Tây - Nam dãy Giăng Màn (Trường Sơn), thuộc khu vực núi Chúc A, kéo dài từ đỉnh Mọc Bài đến xã Hương Liên. Địa hình thấp dần về phía Tây Bắc, có sự chia cắt lớn bởi hệ thống sông ngòi, kênh rạch, thùng đấu, thùng đào. Do đó, xã có phần cách trở so với các xã khác trong huyện1.
Hương Lâm có hệ thống sông (rào), suối, khe, bàu dày đặc, bắt nguồn từ trên các đỉnh núi đổ xuống vùng thung lũng. Đáng kể nhất là 4 con rào (sông): rào Xăn (người dân bản địa thường gọi rào Cái), rào Tre, rào Giàng, rào Bui. Bốn con rào này có chiều dài khá lớn, từ 25 đến 30 km. Tốc độ dòng chảy rất lớn, nhiều đoạn thượng nguồn nước chảy thành thác đổ cao và đẹp mắt như: Thác Bảy (7) của rào Tre; thác Cù Lân của rào Xăn; bàn Chợ của rào Giàng. Hệ thống sông (rào), khe, suối này thuộc khối núi Chúc A, Ba Mụ A, hàng năm cung cấp nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, về mùa mưa lũ nước của các con rào này chảy xiết, chia cắt địa bàn xã thành nhiều khu vực làm giao thông cách trở, ảnh hướng đến sinh hoạt của bà con nơi đây.
Trước đây, việc đi lại giữa Hương Lâm với các vùng lân cận rất khó khăn. Mùa khô, các tuyến đường liên thôn từ thôn 7 đến thôn 1, 2, 9; tuyến đường 2 từ thôn 7 đi thôn 4, 3; tuyến đường 3 từ thôn 7 đi thôn 5, 6, 8 thường gập gềnh đất, đá, mùa mưa lũ thì lầy lội. Ngày nay, hệ thống giao thông của Hương Lâm đã hoàn thiện hơn nhiều. Trên địa bàn có Tỉnh lộ 17 đi qua với chiều dài 5 km chạy qua địa bàn thôn 12, 11, thôn 8 vào Đồn Bản Giàng 575, đây còn là tuyến giao thông quan trọng nối từ trung tâm huyện đi sang nước bạn Lào qua mốc giới N9. Huyện lộ 5 có chiều dài 7 km, nối với Tỉnh lộ 17 tại thôn 11 qua thôn 10, thôn 5, thôn 7, thôn  4, thôn 3 xã Hương Lâm về xã Hương Liên được nhựa hoá, ô tô có thể vào được tận trung tâm các xóm.
           Đạo Thiên Chúa du nhập vào Hương Lâm từ sớm (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX) và có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Trước đây, trên địa bàn xã có hai nhà thờ: nhà thờ xứ 1 (còn gọi nhà thờ Chúc A) có từ những năm 1910 và nhà thờ họ Cầu De (xóm 6). Đến nay, xã có 3 nhà thờ họ (họ Cầu De, họ chúc A, họ Tân Lập) và một nhà thờ xứ Chúc A. Đồng bào theo đạo Thiên Chúa chiếm tới 40,7% dân số.
            Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước và bảo vệ Tổ quốc, Lâm trường Chúc A là một trong những mục tiêu đánh phá của máy bay địch. Toàn xã có 3 mẹ Việt Nam anh hùng, 1 cán bộ lão thành cách mạng, 1 cán bộ tiền khởi nghĩa, 27 liệt sỹ, 23 thương binh, 4 bệnh binh.
          Vào thời điểm cuối năm 2000, tỷ lệ hộ nghèo đói trong xã chiếm gần 39% (447/1165 hộ)1. Từ sau khi có chính sách ưu đãi và đầu tư đối với xã vùng sâu, vùng xa. Hương Lâm đã có đổi mới về nhiều mặt từ đời sống vật chất đến tinh thần. Đến năm 2016, Hương Lâm đã đạt được 11/19 tiêu chí trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người của Hương Lâm đạt 20 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo 36,85%. Toàn xã hiện có 982 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa chiếm 72%, 712 hộ gia đình thể thao chiếm 48,6%, 3 thôn được công nhận thôn văn hóa cấp huyện, tỷ lệ hộ có phương tiện nghe nhìn đạt 100%. Về xây dựng Nông thôn mới, đến nay xã đã hoàn thành 8 tiêu chí.

Xã Hương Liên
Hương Liên là xã cực nam của huyện Hương Khê. Phía bắc giáp xã Phúc Trạch; phía Tây giáp xã Hương Lâm; phía Đông giáp xã Hương Trạch và xã Thanh Hoá (huyện Tuyên Hoá - tỉnh Quảng Bình); phía Nam giáp xã Tơng (huyện Nhômmalạt - tỉnh Khăm Muộn - nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào) và một phần giáp xã Hương Lâm. Năm 2016, tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 5.099,36 ha, dân số là 2.214 người.
Trong suốt chiều dài lịch sử, vùng đất này đã trải qua nhiều tên gọi khác nhau. Trước khi thành lập huyện Hương Khê, đây là vùng đất thuộc tổng Quy Hợp, huyện Hương Sơn. Dưới triều vua Minh Mạng (năm 1838), nơi đây là xã Vụ Bản. Năm 1867, khi huyện Hương Khê được thành lập, Vụ Bản là một trong bốn xã của tổng Quy Hợp. Sau đó, xã Vụ Bản được đổi thành xã Vĩnh Cư. Tên gọi Vĩnh Cư tồn tại đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thì đổi thành Nhật Tân. Sau cuộc bầu cử Quốc hội tháng 1 - 1946, xã có tên là Nam Hương (bao gồm vùng đất thuộc Chúc A và Vĩnh Cư). Năm 1947, huyện Hương Khê thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, toàn huyện còn 11 xã, xã Vĩnh Cư trở thành đơn vị xóm 13 của xã Hương Lĩnh. Năm 1955, xã Hương Liên được thành lập và ổn định tên gọi cho đến nay. Xã có đồng bào dân tộc Chứt sống ở Bản Rào Tre. “Mã Liềng hay M”Liêng có nghĩa là người, các dân tộc khác gọi họ là A Rem, Rèm, Cọi, Mày, thuộc nhóm người Chứt, một dị duệ có nguồn gốc từ người Việt cổ.
Hương Liên là một thung lũng hẹp thuộc lưu vực sông Ngàn Sâu (chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam); có chiều dài bắc - nam khoảng 9 km, chiều rộng đông - tây khoảng 6 km. Địa hình Hương Liên làm người ta gợi nhớ đến câu ca cũ:
“Xanh xanh cây dậy tứ bề
Sơn quần, thủy tụ, ai về Vĩnh Cư”
Nhìn vào bản đồ, Hương Liên gần giống như chiếc quạt mở rộng về phía Nam, xung quanh có đồi núi cao bao bọc. Phía Tây, Tây Nam nơi xa nhất có ngọn Núi Khoai. Trên đường ranh giới giữa hai huyện Hương Khê và huyện Tuyên Hoá (tỉnh Quảng Bình) có dãy núi Chồng Củi. Phía Đông - Nam có các núi: Gôn Soại, Đan Niêng. Phía đông có ngọn núi Ngon Sơn cao là thượng nguồn Khe Mơ đổ ra sông Ngàn Sâu. Phía Bắc, núi Động Thờ, Động Táng. Đồi núi như những bức trường thành bao quanh Hương Liên được thông ra bên ngoài bằng ba cửa chính: cửa Cự Liên - thông với Chúc A (Hương Lâm); cửa Đằng Đằng thông về phía Đông; cửa Ba thông về phía Nam. Ngoài ra, sông Ngàn Sâu chảy qua cũng là một hướng lưu thông của xã ra bên ngoài.     
Vùng quê Hương Liên giữ trong mình nhiều địa danh tiêu biểu, huyền bí và thơ mộng: núi Lon Ngon (nằm về phía đông), núi Cồn Nhọn (nằm về phía tây nam), núi Động Thờ (nằm về phía tây - bắc), núi Động Táng (nằm về phía tây - bắc); có đồi 400 (gọi là tọa độ 400) nằm trên khu vực địa giới giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình, giữa địa giới của Hương Liên và xã Thanh Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình). Ngoài ra, còn có thác Hàm Rồng nằm trên sông Ngàn Sâu đoạn giáp ranh Hương Liên với Quảng Bình, thác Thần nằm trên sông Ngàn Sâu; các khe suối như khe Mụ Đô, khe Cây Trôi, khe Mụ Vàn, khe Cổ, khe Cà Đay, khe Leo Veo, khe Áo Lụa.... Trên địa bàn xã có 5 đập nước: đập Nước Vàng,  Đập cây Kè, Đập Leo Veo, Đập ông Lâm, Đập khe Vạng.
Rừng Hương Liên nằm ở phía Đông - Nam dãy Giăng Màn (Trường Sơn). Các nhà địa lý hiện nay chia Giăng Màn thành 4 khối núi: Vũ Quang, Trại Trụ, Chúc A, Ba Mụ A. Xã Hương Liên thuộc khu vực núi Ba Mụ A. Đồi núi ở đây rất dốc nên tốc độ dòng chảy của khe suối rất lớn, nhiều đoạn thượng nguồn nước chảy thành thác. Khe suối thuộc khối núi Chúc A, Ba Mụ A cung cấp nguồn nước cho dòng sông Ngàn Sâu. Hàng năm, sông Ngàn Sâu bồi đắp cho đồng ruộng Hương Liên một lượng phù sa đáng kể và một nguồn nước ngọt quý giá cho con người. Các quần cư trên đồi núi thường hướng nhà về phía dòng sông là một nét đặc trưng phong thuỷ của vùng đất này.
Khi xưa, cuộc sống của nhân dân Hương Liên thường khép kín trong làng, ít có nhu cầu di chuyển xa. Người dân thường đi lại bằng đường bộ, đường sông (bằng thuyền, bè) nhưng rất hạn chế. Hiện nay, xã có hai tuyến huyện lộ và một tuyến đường liên xã: Huyện lộ 5 đi qua xã Hương Lâm về Hương Liên dài 6 km; Huyện lộ 4: Hương Liên - Phúc  Trạch dài 9,6 km. Xã có hai trục đường dài 4,3 km và 4 tuyến đường liên xóm.
Trên địa bàn xã, Đền Cây Kè (Đền Xã) để lại huyền thoại Vua Hàm Nghi đến dâng lễ cầu yên nhằm thực hiện sứ mệnh chống Pháp. Nơi đây cũng là địa bàn của cuộc Khởi nghĩa Hương Khê (1885 - 1896) do Phan Đình Phùng lãnh đạo với đại bản doanh là tổng Quy Hợp trải dài từ Vũ Quang đến núi Quạt. Ngoài ra, địa bàn xã còn có nhà thờ họ Vĩnh Cư được xây dựng lại từ năm 1980.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng như trong 2 cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới nhân dân Hương Liên đã tích cực đóng góp sức người, sức của cho chiến trường, xã có 3 bà Mẹ Việt Nam anh hùng và 13 liệt sỹ, 8 thương binh, 3 bệnh binh, được Chính phủ tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Hai năm 1967.
Về kinh tế, trước đây kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào nghề làm rẫy, làm ruộng, khai thác lâm thổ sản, săn bẫy thú rừng. Ngày nay, hệ thống đường giao thông có nhiều thuận lợi đã tạo điều kiện cho Hương Liên phát triển kinh tế. Rừng núi Hương Liên chiếm tới 2/3 diện tích, vì vậy phát triển lâm nghiệp là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Trong những năm vừa qua, xã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, kinh tế rừng, chú trọng phát triển các loại cây nguyên liệu trong đó trọng điểm là cây gió trầm. Toàn xã có 1.152 ha rừng trồng keo (trong đó 30% đã cho thu hoạch); 30 ha gió trầm, có nhiều hộ đã cho thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng. Nhờ vây, những năm gần đây, Hương Liên đã có nhiều thay đổi. Nếu như năm 2000, theo thống kê điều tra của Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo của Ủy ban nhân dân huyện Hương Khê thì Hương Liên là xã có tỷ lệ hộ nghèo đói cao nhất huyện (246/462 hộ, tức là hơn 50%) nhưng đến năm 2015 tỷ lệ hộ đói nghèo còn dưới 10%. Năm 2016, tổng giá trị sản xuất đạt 43,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người 18 triệu đồng/người/năm, trong xã có 5 ô tô du lịch, 545 xe máy, 449 ti vi,... Đến tháng 6/2017, xã đã đạt 7/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới.



















1. Hương Khê là một huyện ở phía Tây Nam tỉnh Hà Tĩnh; giáp với huyện Vũ Quang và Đức Thọ về phía Bắc; giáp huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) phía Nam; giáp huyện Can Lộc, Thạch Hà và Cẩm Xuyên về phía Đông và phía Tây giáp tỉnh Khăm Muộn của Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; có diện tích 126.293,85 ha. Là huyện miền núi, rừng núi chiếm đại bộ phận diện tích, với núi Giăng Màn hùng vĩ, hình dáng cao to, che kín phía Tây như một tấm bình phong căng chắn (Gần, như bức màn rũ; Xa, tường dải thành cao; Thành cao, đụng tinh tú; Bình phong, sấy sương mù). Ngoài Giăng Màn còn có núi Trà Sơn, Phù Lê, Vụ Thấp, Thống Lĩnh, Bạch Thạch, tạo nên một hệ thống núi đồi đa dạng, phát sinh những nếp sinh hoạt phong phú của người Hương Khê. Bên cạnh đó, Hương Khê còn có vùng thung lũng gồm các đồng bằng, nơi có nhiều dân cư lập nghiệp, sinh sống thành làng xã trên các bãi bồi phù sa của các sông suối, khe, hói, rào, bàu; trong đó dòng chủ lưu là sông Ngàn Sâu - “sâu hồn người đến lạ”, phát nguyên từ núi Qui Hợp thuộc Tổng Qui Hợp xưa, từ ngọn núi Rào Chắn chảy theo hướng Đông Nam đến Bãi Đức quật ngược theo hướng Tây Nam chảy qua địa bàn Hương Khê về Vụ Quang xuôi Đức Thọ rồi nhập với sông Ngàn Phố ở Linh Cảm – bến Tam Soa trở thành sông La. Khi chảy đến Lộc Yên – Gia Phổ gặp sông Tiêm từ trên Trại Trụ chảy về; đến Trúc thì gặp Rào Nổ từ xã Hòa Hải vùng cao biên giới, vùng An Toàn Khu thời chống Pháp chảy ra. Đến cửa Rào (Vụ Quang) gặp sông Ngàn Trươi đổ xuống. Sông suối Hương Khê đa dạng, là nơi gây ra bao thiên tai lũ lụt, nhưng cũng là nguồn chuyên chở phù sa bồi tích cho ruộng đồng, nương bãi, vừa là nguồn lợi kinh tế, vừa là nguồn mạch giao thông quan trọng của người Hương Khê qua bao đời nay. Núi rừng, sông suối tạo nên đặc điểm địa hình và chế độ khí hậu, thời tiết của Hương Khê. Nằm trong vùng Bắc Trung Bộ nói chung, xứ Nghệ nói riêng, Hương Khê là vùng có khí hậu nhiệt đới gió mùa rõ nét, song khí hậu Hương Khê không chỉ thay đổi theo mùa mà còn theo tháng, theo tuần, thậm chí còn có sự khác nhau giữa ngày và đêm. Theo thống kê trong vài thập kỷ gần đây, nhiệt độ thấp nhất của Hương Khê vào mùa Đông là 15-180; mùa Hè là 27 - 280. Song cũng có lúc rét như cắt thịt cắt da, lại có ngày nóng như rang, như đốt, nhất là khi có gió tây (gió Lào) có ngày lên đến 40 - 410. Hương Khê là vùng lắm nắng, nhiều mưa, có năm phải chịu những đợt nắng nóng kéo dài gần hai tháng, có lúc lại phải chịu những đợt rét đậm, rét hại kéo dài, người ta phải nhờ đến than hồng, lá sim, rơm rạ mới qua được giá rét thâu đêm suốt sáng.
Hương Khê xưa có con đường Thượng Đạo nối liền Thanh Hóa, Nghệ An với Hà Tĩnh, đổ vô Quảng Bình lên tận vùng cao nguyên miền Thượng, sang Lào, qua Campuchia… Đó là con đường chiến lược, các chiến sĩ yêu nước thời trung đại, các chiến sĩ cách mạng thời cận hiện đại đã biết tận dụng con đường huyết mạch này để hoạt động. Từ thời cận hiện đại đến nay, hệ thống giao thông Hương Khê ngày càng phát triển, có muôn vàn con đường dọc ngang nối liền các miền quê và các vùng miền đất nước. Quốc lộ 15A được làm từ thời Tây, chạy từ Linh Cảm về Đồng Lộc, Khe Giao, đi qua Truông Bát lên Hương Khê, nay nhập vào đường Hồ Chí Minh, theo đó đi mãi, đi hoài theo chiều dài của đất nước. Đường Hồ Chí Minh được xây dựng từ năm 2000, trên địa bàn Hà Tĩnh chạy qua Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê; nó vốn là con đường Thượng Đạo xưa. Hiện nay, ngoài các quốc lộ, tỉnh lộ còn có hàng trăm km huyện lộ, xã lộ, hàng ngàn km đường trục thôn xóm, nội đồng.
Đường sắt xuyên Việt được xây dựng từ thời Tây, trải qua bao thăng trầm, đứt đoạn do chiến tranh, có lúc chỉ được gọi là “đường gòong” rồi tàu chợ, nay là con đường huyết mạch của nước nhà, chạy qua Hương Khê dài 48,75 km với 6 điểm ga: Phương Mộ, Thanh Luyện, Chu Lễ, Hương Phố, Phúc Trạch, La Khê.
Hệ thống sông ngòi của Hương Khê gồm Ngàn Sâu, Rào Nổ, Sông Tiêm,… cũng là tuyến giao thông đường thủy quan trọng của Hương Khê từ xưa.
Sống trong vùng đại ngàn, khí hậu khắc nghiệt thất thường, người Hương Khê rất chung thủy, chăm chỉ, có sức bền bỉ chịu đựng gian khổ, sống chất phác, đôn hậu, có nghĩa có tình, giàu lòng nhân ái. Theo một số tài liệu ít ỏi cho biết vào thời hậu kỳ đá cũ, người nguyên thủy đã sinh sống vùng Hương Sơn, Hương Khê, tương đương văn hóa Sơn Vi, cách ngày nay khoảng vài vạn năm. Tiếp theo, các nhà khoa học đã phát hiện người tiền sử Hòa Bình cư trú trong các hang động đá vôi ở Minh Hóa, Tuyên Hóa (Quảng Bình), vùng kế cận với địa bàn Hương Khê ngày nay, nên chắc rằng trong giai đoạn văn hóa Hòa Bình, con người tiền sử vẫn tiếp tục sinh sống trên đất Hương Khê. Rất đáng tiếc, những giai đoạn sau đó, cho đến nay chưa tìm thấy dấu tích của người cổ trên vùng đất Hương Khê.
Trước khi Hương Khê trở thành một đơn vị hành chính, tài liệu nói về cư dân vùng đất này rất ít. Chỉ biết rằng lúc mới thành lập huyện (1867) có khoảng 5 ngàn người, sống thưa thớt dọc các thung lũng nhỏ hẹp, bên bờ các sông suối và ven rừng. Họ chủ yếu là những lính thủ làm nhiệm vụ trấn thủ biên ải, rồi ở lại xây cơ, lập nghiệp cùng với một số nhóm tộc người thiểu số. Nhưng đến thế kỷ XX, dân số Hương Khê tăng nhanh, do dân từ Đức Thọ, Hương Sơn, Can Lộc và cả từ Nghệ An, Thanh Hóa di cư đến vùng đất rộng người thưa tìm nơi sinh sống. Đến nay, với tổng số 100.349 người là công dân Hương Khê vốn có gốc gác từ các huyện của Hà Tĩnh, trong đó nhiều nhất là Đức Thọ, Hương Sơn và từ mọi miền của đất nước.
Ở Hương Khê có một số nhóm tộc người thiểu số như Mã Liềng, Rục, Mày, Sách, Arem, được các nhà khoa học xếp vào thành phần dân tộc Chứt – 1 trong 4 tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Việt – Mường, ngữ hệ Nam Á.
Huyện Hương Khê mới được thành lập cách đây 150 năm. Song Hương Khê đã tồn tại trong lãnh thổ Việt Nam, trong lịch sử dân tộc Việt Nam hàng ngàn năm, từ thời khởi thủy cho đến hiện nay. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, tên gọi đơn vị hành chính thuộc vùng đất Hương Khê đã được đổi thay nhiều lần. Trước lúc được chính thức thành lập một huyện, phần lớn vùng đất Hương Khê thuộc sự quản lý của huyện Hương Sơn, phủ Đức Thọ (Đức Quang), tỉnh Nghệ An. Đến năm 1875, Tự Đức tái lập tỉnh Hà Tĩnh (được thành lập năm 1831 – thời Minh Mạnh thứ 12) thì Hương Khê thuộc tỉnh Hà Tĩnh cho đến 1976 thuộc tỉnh Nghệ Tĩnh, và từ 1991 lại thuộc tỉnh Hà Tĩnh cho đến nay. Năm 2000, 5 xã của Hương Khê là Hương Quang (Vũ Quang), Hương Minh, Hương Điền, Hương Đại, Hương Thọ cắt về Vũ Quang, Hương Khê còn lại 23 đơn vị trực thuộc: Thị trấn Hương Khê, xã Phương Mỹ, xã Hà Linh, xã Hương Thủy, xã Phương Điền, xã Phúc Đồng, xã Hòa Hải, xã Hương Bình, xã Hương Long, xã Phú Phong, xã Phú Gia, xã Lộc Yên, xã Hương Đô, xã Hương Vĩnh, xã Hương Xuân, xã Hương Trà, xã Phúc Trạch, xã Hương Trạch, xã Hương Lâm, xã Hương Liên, xã Hương Thủy, xã Hương Giang, xã Gia Phố.
Theo đà phát triển của Hương Khê – vùng đất có diện tích rộng nhất tỉnh Hà Tĩnh, còn nhiều tiềm năng, con số đơn vị hành chính trên đây không phải là bất biến, hẳn rằng nhiều đơn vị trực thuộc huyện sẽ được ra đời và cũng có thể đổi tên trong xu hướng phát triển kinh tế - xã hội, tăng dân số của huyện.
2.- Vùng đất Thổ Hoàng – Hương Khê xưa là địa đầu biên ải phía Tây Nam của đất nước Đại Việt độc lập sau ngàn năm Bắc thuộc. Cho đến bây giờ, trên địa bàn Hương Khê còn in dấu những sự kiện lịch sử triều đại Nhà Lý, Trần, Lê. Đền Tam Tòa ở xã Lộc Yên tôn thờ Lý Nhật Quang – người Triều Lý cai quản đầu tiên của Châu Hoan – Xứ Nghệ; dấu tích lịch sử cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thế ỷ XV của anh hùng dân tộc Lê Lợi; con cháu vua chúa Nhà Trần ở làng Tri Bản (Hòa Hải); những câu chuyện về người dân Hương Khê tham gia nghĩa quân anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ thời Tây Sơn v.v… còn lưu mãi trên vùng đất và trong trương truyền của người dân Hương Khê.
Tháng 11 năm 1867, nhằm tháng 10 năm Đinh Mão, vua Tự Đức cho  thành lập huyện Hương Khê trên cơ sở lấy 2 tổng Thổ Hoàng, Thổ Lội ở huyện Hương Sơn chia làm 3 tổng là Phương Điền, Chu Lễ và Phúc Lộc, đổi tổng Bảo Khê thành Hương Khê cùng tổng Qui Hợp, tất cả có 5 tổng. Sự kiện trên đây đánh dấu mốc son lịch sử quan trọng cho một thời kỳ phát triển mới của Hương Khê. Chỉ 17 năm sau khi được tách riêng thành một huyện, Hương Khê đã trở thành một địa bàn chống Pháp nổi tiếng bậc nhất trong cả nước thời bấy giờ. Dân Hương Khê đã “bám tru, bán rọong, bán nương” để xây dựng căn cứ Sơn Phòng cho vị vua yêu nước Hàm Nghi như một “thủ đô kháng chiến” có chợ huyện, có phố, có dinh. Căn cứ Vụ Quang với khởi nghĩa Phan Đình Phùng là cuộc khởi nghĩa vang dội trong cả nước. Vùng đại ngàn Hương Khê vang mãi chiến công oanh liệt của nghĩa quân Phan Đình Phùng – Cao Thắng ở Bãi Ma (Hà Linh), Tri Bản – Chợ Nổ (Hòa Hải), đặc biệt là chiến thắng Vũ Quang tháng 10 năm 1894.
Ngày từ đầu năm 1930, ở Hà Linh – Hương Khê, chi bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam đã được thành lập và ngày càng phát triển khắp cả huyện, lãnh đạo nhân dân đấu tranh qua các phong trào, tiến lên giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Làng Tri Bản (Hòa Hải ngày nay) với An Toàn Khu (ATK) của Liên Khu IV cùng các làng quanh Rào Nổ xuôi xuống hạ huyện là căn cứ địa hậu phương cho Bình Trị Thiên khói lửa thời 9 năm kháng chiến chống Pháp. Đến thời chống Mỹ oanh liệt, Hương Khê là cửa ngõ, là hành lang quan trọng của đường mòn chiến lược Hồ Chí Minh, mạch máu giao thông chiến lược từ Bắc vào Nam với những “tọa độ lửa” cầu phao Địa Lợi, ngầm Lộc Yên, cầu Đá Cậu, khe Ác, La Khê… Hương Khê là địa bàn đứng chân của bao đơn vị bộ đội, nơi đóng Chỉ huy sở Tiền phương của Tổng Cục Hậu cần, của Bộ Tư lệnh 559 - Trường Sơn… Với tinh thần “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc”, nhân dân Hương Khê cùng cả nước vượt qua mọi gian lao thử thách, vừa chiến đấu kiên cường vừa tích cực lao động sản xuất, giữ vững vị trí vừa là hậu phương vững chắc, vừa là tiền tuyến, trực tiếp chi viện cho các chiến trường. Lớp lớp con em Hương Khê đã lên đường tiến ra mọi mặt trận, trong đó đã có 1.532 người đã ngã xuống trên các chiến trường, hơn 12 ngàn người đã mất mát một phần cơ thể hoặc mang trong mình bao thứ bệnh do hậu quả chiến tranh. 123 bà mẹ được phong tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh hùng”, song sự cống hiến lớn lao, sự chịu đựng mất mát, thương đau đến quặn héo ruột gan còn đọng lại trong hàng ngàn người mẹ, người vợ, người chị, người em khác. Chúng ta mãi mãi ghi lòng tạc dạ sự hy sinh cao cả của toàn dân Hương Khê trên mọi mặt trận, mọi lĩnh vực, đã góp phần to lớn vào truyền thống hào hùng của dân tộc, của quê hương đất nước.
3. Hòa bình lập lại, Hương Khê với biết bao khó khăn, gian truân sau khi dường như đã “vắt sạch” người và của cho cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Hương Khê lại đã dũng cảm vươn lên cùng cả tỉnh, cả nước khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh tàn khốc, bươn chải vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế - xã hội của đất nước, xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển trên tất cả các lĩnh vực cuộc sống và tạo ra diện mạo, vị thế của huyện hôm nay.
Từ một nền kinh tế truyền thống là nông nghiệp và khai thác lâm thổ sản, kỹ thuật lạc hậu, hay bị thiên tai, giao thông trở ngại, qua bao thời đoạn lịch sử, với sự vươn lên không ngừng, Hương Khê ngày nay đã có nền kinh tế phát triển khá toàn diện, cả nông ngiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ - thương mại. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điện lưới quốc gia đã về tận các bản làng, thôn xóm vùng sâu, vùng xa; 100% xã có đường ô tô vào đến tận trụ sở xã, thôn. Dường như không còn ai phải chịu cảnh thiếu thốn, đói khổ những ngày giáp hạt như xưa nữa, hộ nghèo ngày càng ít; có nơi chỉ còn 4,7%, thu nhập bình quân đầu người hàng năm không ngừng được nâng cao, địa phương khá nhất đạt gần 40 triệu đồng, nơi thấp nhất cũng đã có 10-15 triệu đồng/người/năm, các phương tiện sinh hoạt gia đình từ xe máy đến ti vi, tủ lạnh, sử dụng máy điện thoại di động ngày càng phổ biến ở mọi nơi, mọi người.
Văn hóa - xã hội đã được phát triển đồng bộ với đời sống kinh tế. Các loại hình hoạt động văn hóa được đầu tư phát triển, phong trào toàn dân xây dựng văn hóa cơ sở được phát động và thực hiện rộng khắp, nhất là từ khi thực hiện xây dựng nông thôn mới. Công tác tôn vinh, lưu giữ, bảo tồn các di tích văn hóa – lịch sử được chú ý; đến nay đã có 5 di tích được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, 13 di tích cấp tỉnh và gần 60 di tích đã được hoàn thiện hồ sơ để xếp hạng.
Vốn là huyện miền núi biên giới, đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt, mới trở thành đơn vị hành chính cấp huyện chưa lâu, nền giáo dục ở Hương Khê ngày xưa ít có điều kiện phát triển so với các vùng miền khác trong tỉnh. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, hòa chung với bối cảnh xã hội của toàn tỉnh, giáo dục ở Hương Khê ngày một đổi thay theo chiều hướng phát triển liên tục. Hệ thống giáo dục từ Mầm non đến Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Bổ túc văn hóa, Giáo dục thường xuyên, Dạy nghề, trường công – trường tư ngày càng hoàn chỉnh. Đến nay, giáo dục Mầm non toàn huyện có 23 trường, trong đó có 1 trường tư thục với 7.183 cháu theo học; cấp Tiểu học có lúc lên tới 39 trường, sau khi sắp xếp lại còn 23 trường gồm 313 lớp với 8.137 học sinh; bậc Trung học cơ sở từ 20 trường, sắp xếp lại còn 13 trường gồm 187 lớp, tổng số 6.232 học sinh. Trước năm 1964, con em Hương Khê có đủ điều kiện học cấp 3 (Trung học phổ thông) phải đi bộ qua truông, qua suối đến tận thị xã Hà Tĩnh hay về Đức Thọ, nay toàn huyện đã có 3 trường Trung học phổ thông (Hương Khê, Hàm Nghi, Phúc Trạch) và trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông dân tộc nội trú Hà Tĩnh; tổng cộng có 100 lớp với 3.771 học sinh. Đến nay, toàn huyện đã có 36/63 trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia.
Tuy là huyện miền núi biên giới, xa các trung tâm giáo dục xưa nay, song con em Hương Khê đã có được truyền thống hiếu học của quê hương Xứ Nghệ, đã vượt qua nhiều khó khăn, chăm chỉ học tập, tận tụy công tác, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để nâng cao trình độ. Đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ, đã có 59 giáo sư, phó giáo sư, hàng trăm tiến sĩ, thạc sĩ. Có những người chỉ có bằng cử nhân, kỹ sư nhưng đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước v.v…
Ngành y tế Hương Khê ngày càng hoàn chỉnh, từ y tế dân gian, y học cổ truyền Phương Đông đến Y học hiện đại (thường gọi là Tây y) được phát triển đồng bộ, phục vụ cho nhu cầu đa dạng của nhân dân. Đến nay toàn huyện có 1 bệnh viện đa khoa, 1 trung tâm y tế dự phòng, 22 trạm y tế xã, thị trấn, Hội đồng Y, 3 phòng khám tư nhân, đã có nhiều thầy thuốc ưu tú, bác sĩ tận tình chăm lo sức khỏe cho các tầng lớp nhân dân.
Ngành thể dục, thể thao Hương Khê, từ trò chơi dân gian đến phong trào thể dục thể thao quần chúng, các bộ môn thể thao chuyên nghiệp đều được đầu tư phát triển ngày càng nhiều. Trong đó có người trở thành thành viên của đội tuyển quốc gia.
Là vùng núi biên giới, từ biên ải, phiên dậu của quốc gia đến hành lang chiến lược nối liền 2 đầu đất nước, Hương Khê xưa nay có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh. Đảng và chính quyền các cấp trong mọi thời kỳ đều quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang mà nòng cốt là quân đội, công an trên địa bàn Hương Khê. Qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, lực lượng vũ trang Hương Khê đã có nhiều đóng góp quan trọng, luôn hoàn thành nhiệm vụ, vừa tham gia chiến đấu trên quê hương, vừa liên tục đóng góp cho các chiến trường. Thời bình, đã tiếp tục phát triển với hàng chục đơn vị, hàng ngàn chiến sĩ, cán bộ luôn bảo vệ ổn định chính trị, an ninh, an toàn trật tự xã hội trên địa bàn, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng vững mạnh. Là vùng giáp với Lào với 51 km đường biên giới, Nhà nước đã xây dựng 3 đồn biên phòng (Phú Gia - đồn 571; Bản Giàng - đồn 575; Hòa Hải - đồn 569) quản lý trực tiếp 5 xã biên giới vùng cao và xã vùng sâu có đồng bào dân tộc thiểu số. Bộ đội biên phòng vừa làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới luôn được yên bình, hữu nghị, vừa giúp nhân dân trong địa bàn ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội, họ là những người con gần gũi thân thiết của nhân dân.
Lực lượng vũ trang Hương Khê từ Cách mạng Tháng Tám đến nay đã ra sức xây dựng và phát triển mọi mặt, góp phần to lớn trong các cuộc kháng chiến bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; giữ gìn và phát huy tinh thần hữu nghị đoàn kết các dân tộc trên tuyến biên giới, đã được Đảng và Nhà nước phong tặng 17 đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 4 cá nhân Anh hùng lực  lượng vũ trang nhân dân, 6 sĩ quan cấp tướng.
Những sự kiện, những chiến công, những thành tựu của Hương Khê trên đây là kết quả chinh phục thiên nhiên, đấu tranh xã hội, chiến đấu với kẻ thù của lớp lớp nhiều thế hệ người Hương Khê xưa nay. Sự nghiệp đó gắn bó với tiến trình lịch sử của đất nước, dân tộc; công lao giúp đỡ to lớn của nhân dân các huyện thị trong toàn tỉnh Hà Tĩnh, toàn quân toàn dân cả nước. Đặc biệt từ năm 1930 đến nay, chuyển biến lịch sử và sự phát triển xã hội Hương Khê đều gắn liền với sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Tỉnh ủy Hà Tĩnh và Nghệ Tĩnh, trực tiếp là sự lãnh đạo của Huyện ủy Hương Khê. Đảng bộ Hương Khê từ lúc thành lập đến nay đã trải qua 29 kỳ Đại hội. Mỗi đại hội tùy theo bối cảnh từng thời kỳ, đã cụ thể hóa đường lối chủ trương của Trung ương và của tỉnh, đề ra nhiệm vụ giải pháp để lãnh đạo nhân dân tiến hành các phong trào cách mạng. Từ nhiệm vụ xây dựng tổ chức, lực lượng để đấu tranh giải phóng dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân (1930-1945) đến cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp (1945-1954), làm tròn nhiệm vụ hậu phương, căn cứ địa An Toàn Khu của chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa. Hòa Bình lập lại sau Hiệp định Giơnevơ 1954, Hương Khê bước vào thời kỳ thực hiện nhiệm vụ của hậu phương lớn, vừa là tiền tuyến trực tiếp chi viện cho chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất Tổ quốc. Sau Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, Hương Khê cùng cả nước khắc phục hậu quả chiến tranh, vượt qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế - xã hội, tiến lên thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Bản lĩnh, trí tuệ, năng động sáng tạo, luôn gắn bó và dựa vào dân, đề ra những chương trình nhiệm vụ giải pháp thích hợp trong từng thời kỳ lịch sử của Đảng bộ huyện là nhân tố hàng đầu quyết định sự phát triển của Hương Khê. Và cũng từ đó, vai trò, vị trí của Đảng bộ huyện ngày càng được nâng cao và mãi mãi được lưu giữ bền chặt trong lòng nhân dân huyện nhà. Đảng bộ và nhân dân huyện Hương Khê tự hào và mãi tôn vinh 244 lão thành cách mạng, 72 cán bộ tiền khởi nghĩa, những người đã đặt nền tảng, phất cờ, dẫn đường cho sự nghiệp cách mạng của quê hương Thổ Hoàng - Hương Khê. Chúng ra cũng rất vinh dự tự hào về các đồng chí lãnh đạo của huyện đã được tham gia Tỉnh ủy qua các thời kỳ và gửi gắm niềm tin hy vọng Đảng bộ Hương Khê sẽ đào tạo được nhiều người con ưu tú hơn nữa để lãnh đạo huyện nhà ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, nghĩa tình, thịnh vượng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh” của cả nước.
*
* *
Đảng bộ, chính qyền, quân dân huyện Hương Khê và những người con Hương Khê đang sinh sống, học tập, công tác xa xứ, dù trong nước hay ngoài nước, luôn luôn tự hào về quê hương xứ sở của mình, một vùng đất “lắm núi rừng, ít ruộng nương”, nhiều nắng lắm mưa, đời sống còn muôn vàn khó khăn, nhưng “tinh thần luôn nhẫn nại, chịu gian khổ, lấy sự cần kiệm tiết ước làm đầu”, sống thủy chung, son sắt tình người.
Địa chí Hương Khê từ thời khởi thủy đến năm 2016 là công trình để chào mừng 150 năm thành lập huyện Hương Khê. Dù nhóm biên soạn rất cố gắng nhưng cũng chỉ mới ghi lại, phản ánh được một phần đất và người Hương Khê trong tiến trình lịch sử. Hẳn còn những thiếu sót nhất định do thời gian thực hiện không nhiều và nguồn tư liệu thiếu thốn. Nhưng có lẽ cũng như dòng sông Ngàn sâu không ngừng chảy xuôi dòng, hòa cùng biển cả, Địa chí Hương Khê chắc chắn sẽ không ngừng được bổ sung, hoàn thiện hơn nữa.







PHẦN PHỤ LỤC

Phụ lục 1. TỔNG HỢP TÌNH HÌNH ĐẤT ĐAI
                                                                                  Đơn vị tính: Ha
Xã/thị trấn
Tổng diện tích đất
Đất nông nghiệp
Đất lâm nghiệp
Đất chuyên dùng
Đất thổ cư
Đất chưa sử dụng
Năm 1994
Toàn huyện
185.050
9.850,39
84.494,5
5.041,78
3.047,64
82.615,68
Hương Trạch
13.497,06
363,88
10.369
252
96,72
3.415,46
Phúc Trạch
4.969,94
809,94
1.655,0
268
81,3
2.155,7
Hương Đô
2.312
390,87
252,0
245,95
123,76
1.299,42
Hương Lâm
21.493
383,4
18.843
150,25
223,54
1.892,82
Hương Liên
5.005
117,65
3617,0
71,3
66,39
1.132,66
Lộc Yên
10.817
406,6
1.172,0
325,5
139,62
8.773,18
T.trấn 20/4
1.810
1.121,0
117,0
97
45,82
429,18
T. trấn huyện
227
57,26

68,54
74,8
26,4
Phú Phong
770
173,82

218,5
74,51
303,27
Hương Xuân
1.711,03
373,29
563,5
135,21
107,24
531,79
Hương Vĩnh
7.428
247,09
5.002
264,23
137,95
1.776,73
Phú Gia
9.111
348,46
6.009
225,7
147,45
2.380,39
Gia Phố
1.432
308,53
202,5
165,0
131,72
624,25
Hương Thủy
5.886
431,68
1.025
265,0
126,02
4.038,3
Hương Giang
6.810
324,65
1.338
202,0
136,82
4.809,33
Hương Long
1.488
553,0
203,5
172,5
329,58
229,42
Hương Bình
4.665
458,0
2.465
210,15
165,75
1.366,1
Hòa Hải
15.992
604,07
12.060
251,5
169,42
2.907,01
Phúc Đồng
2.190
476,63
106,0
237,25
168,53
1.201,59
Hà Linh
8.048,01
534,16
2.449
310,0
175,85
4.578,5
Phương Điền
1.718
269,7
550
179,0
66,7
652,5
Phương Mỹ
1.193
398,35

190,0
67,29
3.837,36
Hương Thọ
1530
212,93
2.307
162,5
40,97
1.806,6
Hương Minh
5.340
223,89
1.357
128,2
38,3
3.558,61
Hương Đại
32,10
138,36
1.236
126,0
21,31
1.718,33
Hương Điền
4.079
58,7
1.754
104,0
29,5
2132,8
Vũ Quang
36.021,15
64,48
9.842
16,0
60,68
26.037,99
Năm 2000
Toàn huyện
129.9121
9.764,98
79.316,27
5.318,9
648,95
34.862,88
T. trấn huyện
297,64
62,30

118,74
70,80
45,80
T.trấn 20/4
1.513,04
639,14
410,40
152,00
16,00
295,50
Phương Điền
1.392,70
250,15
668,90
181,52
12,72
279,41
Phương Mỹ
4.980,86
266,40
2.021,60
289,81
16,71
2.386,34
Hà Linh
7.820,63
1.176,37
3.056,71
277,72
28,92
3.280,91
Phúc Đồng
2.172,99
468,17
493,90
323,45
26,04
861,43
Hòa Hải
16.173,30
559,70
12.723,70
256,52
28,66
2.512,10
Hương Bình
3.744,80
590,40
1.103,50
390,70
28,40
1631,80
Hương Long
1.564,85
441,70
206,0
182,00
32,87
702,28
Hương Thủy
5.652,50
522,70
1.856,02
337,49
30,72
2.905,57
Hương Giang
7.010,40
414,65
2.938,01
274,00
32,12
3.351,62
Gia Phố
1.276,83
346,29
206,00
212,66
37,23
474,65
Phú Gia
13.919,30
355,49
10.757,5
265,52
28,66
2.512,1
Hương Vĩnh
6.573,80
560,02
3.706,30
276,73
27,35
2.003,5
Hương Xuân
2.851,03
794,55
1.460,30
217,18
26,64
352,63
Phú Phong
423,19
178,00

161,41
22,50
61,28
Lộc Yên
10.641,70
490,00
5.500,40
335,94
33,70
4.281,66
Hương Lâm
17.702,47
177,61
14.895,12
123,78
19,50
2.486,46
Hương Liên
5.098,02
132,01
4.539,97
111,72
12,42
301,90
Hương Đô
2.207,96
436,90
758,70
223,88
26,43
762,05
Phúc Trạch
3.912,62
531,63
1.696,77
363,90
39,33
1.280,99
Hương Trạch
12.981,10
370,80
10.316,54
242,07
36,29
2.015,40
Năm 2016
Toàn huyện
126.293,85
26.005,41
78.003,19
10.161
7.225,45
5.348,70
TT Hương Khê
534,27
274,85
1.554
111
23157

Phương Mỹ
4.980,49
1.596,77
2.216,01
1.11
295.16
871.45
Hà Linh
7.642,91
4.704,63
1.392,09
5.13
807.13
733.93
Hương Thủy
5.562,65
3.722,81
1.168,96
1.52
429.77
239.59
Hòa Hải
15.858,71
958,24
14.093,36
7.66
626.95
172.49
Phương Điền
1.399,57
547,60
511,45
3.58
201.61
135.33
Phúc Đồng
2.144,53
1.510,83
138,74
1.03
419.93
73.99
Hương Giang
6.850,26
2.112,54
3.900,46
3.39
369.51
464.36
Lộc Yên
10.469,79
897,49
8,615,65
0.63
387.78
568.24
Hương Bình
3.553,18
987,74
2.099,26
7.02
300.83
149.52
Hương Long
1.471,97
767,37
418,16
4,99
249,61
31,84
Phú Gia
14.113,73
638,70
12.942,27
3,38
334,27
188,82
Gia Phố
1.154,94
648,30
203,76
9,98
257,63
35,27
Phú Phong
388,60
254,03

174
120,20
12,63
Hương Đô
2.110,24
824,83
772,78
013
243,69
80,83
Hương Vĩnh
6.426,45
896,63
5.161,99
2,81
297,94
62,10
Hương Xuân
2.830,61
1.147,32
1.284,21
370
319,26
75,72
Phúc Trạch
3.812,34
976,22
2.258,85
2,20
371,26
202,30
Hương Trà
1.502,52
696,79
620,04
27,23
118,88
39,68
Hương Trạch
11.230,06
906,04
9.821,93
497
391,31
105,81
Hương Lâm
17.136,43
600,17
15.786,03
6.89
225,36
517,97
Hương Liên
5.099,36
335,51
3.961,42
141
225,40
575,63

PHỤ LỤC 2. TỔNG HỢP TÌNH HÌNH DÂN SỐ
                                                                                Đơn vị tính: Người
TT
Tên xã và thị trấn
Năm 1994
Năm 2000
Năm 2010
Năm 2016
1
Toàn huyện
118.639
106.003
100.468
100.349
2
Thị trấn huyện
6.810
7.791
9.195
9.705
3
Thị trấn NT 20/4
2.987
1.944
2.291
2.246
4
Phương Điền
2.772
2.366
2.142
2.123
5
Phương Mỹ
5.434
3.271
2.657
2.737
6
Hà Linh
5.669
6.081
5.911
6.035
7
Phúc Đồng
5.009
4.592
4.350
4.590
8
Hòa Hải
7.036
7.184
6.832
5.545
9
Hương Bình
4.546
4.486
3.733
3.622
10
Hương Long
5.006
4.767
4.290
4.957
11
Hương Thủy
5.426
4.876
4.237
4.104
12
Hương Giang
5.478
5.883
5.490
5.764
13
Gia Phố
6.172
6.493
5.611
4.861
14
Phú Gia
5.114
4.768
4.549
4.320
15
Hương Vĩnh
4.590
4.638
4.243
3.706
16
Hương Xuân
4.597
4.233
3.757
3.831
17
Phú Phong
3.098
3.020
3.121
3.441
18
Lộc Yên
5.879
5.640
4.865
5.067
19
Hương Lâm
4.067
5.518
5.704
5.942
20
Hương Liên
2.552
2.202
2.291
2.214
21
Hương Đô
4.577
4.151
3.845
3.870
22
Phúc Trạch
5.709
5.520
4.754
5.131
23
Hương Trạch
6.237
6.574
6.747
7.138

PHỤ LỤC 3. BẢNG TỔNG HỢP LÀNG XÃ
I.                   CÁC XÃ THÔN CỦA HƯƠNG KHÊ TỪ 1867 - 1945
        Năm 1867
Trước năm 1945
Ghi chú
Tổng Chu Lễ
Xã Chu Lễ, thôn Trung Định, thôn Phúc Ấm, xã Loan Dã, xã Xuân Lũng, xã Nam Trạch, xã Tri Bản, xã Đông Ấp, xã Hà Linh
Xã Gia Phổ, Loan Dã, Nam Trạch, Ninh Cường, Phúc Ấm, Phú Gia, Phú Phong, Thượng Bình, Thượng Trạch, Tri Bản, Trung Định, Trung Hà, Xuân Lung

Tổng Phúc Lộc
Thôn Bái Đức, thôn La Khê, xã Phúc Trạch, xã Đô Khê, xã Lộc Yên, xã Thịnh Lạc, xã Hà Đông
Xã Đô Khê, xã Hà Đông, xã Khả Gia (phường), xã La Khê, xã Lộng Cơ, xã Phúc Trạch, xã Tân Thành, Thịnh Lạc, xã Yên Lập

Tổng Phương Điền
Xã Phương Điền, xã Trúc Lâm, xã Mỹ Khê, xã Thượng Bình, xã Phúc Hội, xã Văn Đồng, xã Phú Gia, phường Phương Trạch, phường Khả Gia, phường Phương Tân
Xã Đông Ấp, xã Hà Linh, xã Mỹ Khê, xã Phúc Hội, xã Phương Điền, xã Phương Bài, xã Phương Trạch, xã Trúc Lâm, xã Đồng Văn, phường Vĩnh Hòa

Tổng Hương Khê
Thôn Thượng Khê, xã Vân Cù, xã Hòa Duyệt, xã Đan Trai, xã Hương Thụ, xã Lâm Thao, thôn Hương Khê
Xã Đan Trai, xã Hòa Duyệt, xã Hương Khê, xã Hương Thụ, xã Khê Thượng, xã Kim Quang, xã Vân Thao, xã Vân Cù

Tổng Quy Hợp
Xã Trừng Thanh, xã Chúc A, xã Vụ Bản (tức Vĩnh Hòa), xã Vụ Quang
Xã Chúc A, xã Trừng Thanh, Vĩnh Cư


II.                TÊN GỌI CÁC XÃ TỪ SAU NĂM 1945 ĐẾN 2015
Năm
1946 - 1948
Năm 1949 - 1955
Năm
1956 - 1971
Năm
1972 - 1975
Năm
1976 - 1984
Năm
1984 -2000
Năm
2000 - 2015
Xã Song Hương (gồm Hương Khê, Hương Thụ)





Hương Giang
Hương Điền
Hương Đại
Hương
Quang

Hương Thọ

Hương Minh
Hương Điền
Hương Đại
Hương Quang
Hương Thọ

Hương Minh
Hương Điền
Hương Đại
Hương Quang

Hương Thọ

Hương Minh
Hương Điền
Hương Đại
Hương Quang

Hương Thọ

Hương Minh
Chuyển 5 xã về huyện Vũ Quang
Xã Văn Thượng (gồm Khê Thượng, Vân Cù, Đan Trai)
Xã Phương Mỹ (gồm Mỹ Khê, Phương Điền)





Hương Châu
Hương Thu
Hương Hà
Hương Thanh

Hương Mỹ
Hương Nam
Hương Trung


Hương Thái
Hương Luyện
Hà Linh
Hà Linh
Hà Linh
Hà Linh
Xã Vĩnh Hương (gồm Đông Ấp, Hà Linh, Trúc Lâm)

Phương Mỹ

Phương Điền

Phương Mỹ


Phương Điền

Phương Mỹ

Phương Điền

Phương Mỹ


Phương Điền
Xã Phúc Đồng (gồm Văn Đồng, Phúc Hội)




Hà Đông

Hương Đồng, Hương Châu

Phúc Đồng

Phúc Đồng

Phúc Đồng

Phúc Đồng
Xã Thượng Trạch (gồm Hà Đông, Trung Định)
Hương Thủy
Hương Tân
Hương Giang
Hương Thủy
Hương Giang
Hương Thủy

Hương Giang
Hương Thủy

Hương Giang
Hương
Thủy
Hương Giang
Xã Gia Ninh (gồm Gia Phổ, Ninh Cường)

Hiệp Phổ
Hương Phố
Hương Thịnh
Gia Phố
Gia Phố
Gia Phố
Gia Phố
Xã Thịnh Lạc (gồm Nội Nại, Hương Mai, Thịnh Lạc)

Xã Hương Mai




Hương Mai
Hương Lộc




Lộc Yên




Lộc Yên




Lộc Yên




Lộc Yên
Xã Tây Hồ (gồm Lộc Yên, Khả Gia, Yên Lập)


Tây Hồ
Xã Phúc Trạch (gồm Phúc Trạch, Đô Khê, Tân Thành, La Khê)




Hương Lĩnh
Hương Lĩnh
Hương Lạc

Hương Đô

Hương Liên

Hương Lâm


Hương Trạch
Hương Phúc

Phúc Trạch


Hương Đô

Hương Liên
Phúc Trạch


Hương Đô

Hương Liên
Phúc Trạch


Hương Đô

Hương Liên
Phúc Trạch


Hương Đô

Hương Liên
Xã Nam Hương (gồm Chúc A, Vĩnh Cư)

Hương Lâm

Hương Trạch

Hương Lâm


Hương Trạch

Hương Lâm


Hương Trạch

Hương Lâm


Hương Trạch
Xã Phú Xuân (gồm Phú Phong, Xuân Lũng)





Hương Thanh
Hương Xuân

Hương Phong





Hương Vĩnh


Hương Long


Hương Phú

Phú Xuân

Phú Phong
Hương Xuân

Phú Phong


Hương Xuân

Phú Phong
Hương Xuân
Phú Phong
Xã Cao Thắng (gồm Loan Dã, Trừng Thanh, thôn Hưng Thịnh)



Hương Vĩnh

Hương Long

Phú Gia




Hương Vĩnh


Hương Long


Phú Gia



Hương Vĩnh


Hương Long


Phú Gia



Hương Vĩnh


Hương Long


Phú Gia
Xã Hàm Nghi (gồm Phú Gia, Phúc Ấm, Thượng Bình)
Xã Tân Hương (gồm Nam Trạch, Trung Hà, Tri Bản)


Tân Hương
Hương Hòa
Hương Hải


Hương Bình
Hòa Hải



Hương Bình
Hòa Hải



Hương Bình
Hòa Hải



Hương Bình
Hòa Hải



Hương Bình




Năm 1977, huyện thành lập thị trấn nông trường 20/4)
Thị trấn Nông trường 20/4
Từ năm 2004 đổi thành xã Hương Trà



Năm 1973, thành lập thị trấn huyện Hương Khê
Thị trấn Hương Khê
Thị trấn Hương Khê
Thị trấn Hương Khê
PHỤ LỤC 4. DANH SÁCH CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN HƯƠNG KHÊ
TT
Tên di tích
Địa điểm
Năm xếp hạng
Cấp xếp hạng
CÁC DI TÍCH ĐÃ ĐƯỢC XẾP HẠNG
1
Khu DT cách mạng Rôộc Cồn (Lưu niệm  PT Xô viết Nghệ Tĩnh)
Phú Phong
1994
Quốc Gia
2
Mộ và Đền thờ Ngô Đăng Minh
Hà Linh
1996
Quốc gia
3
Thành Sơn phòng - Đền Công Đồng - Đền Trầm Lâm
Phú Gia
2001
Quốc gia
4
Địa điểm chứng tích tội ác chiến tranh tại trường cấp 2 Hương Phúc
Hương Trạch
2001
Quốc Gia
5
Địa điểm chỉ huy sở Tiền phương Tổng cục Hậu cần - BTL 559- BTL 500
Hương Đô
2005
Quốc Gia
6
Nhà thờ họ Nguyễn Quốc
Hà Linh
2004
Tỉnh
7
Đền thờ Trần Phúc Hoàn và chùa Bảo Lâm
Hương Vĩnh
2004
Tỉnh
8
Nhà thờ Võ Đình Cận
Hương Giang
2005
Tỉnh
9
Chùa Hạ Phúc
Lộc Yên
2006
Tỉnh
10
Chùa Phúc Linh và Đền voi ngựa
Gia Phố
2007
Tỉnh
11
Đền Ngàn Trụ
Phú Gia
2008
Tỉnh
12
Nhà Thờ Phạm Đình Ban, Phạm Đình Chân
Hòa Hải
2008
Tỉnh
13
Nhà thờ  Hồ Văn Hoa
Phương  Mỹ
2010
Tỉnh
14
Đền Nhạ Sơn
Hương Xuân
2001
Tỉnh
15
Đền Tam Tòa
Lộc Yên
2013
Tỉnh
16
Nhà thờ họ Đặng
Thị trấn Huyện
2013
Tỉnh
17
Nhà thờ họ Mai
Hương Long
2014
Tỉnh
18
Nhà thờ họ Trần (Thờ Quan Bá Tước )
Hòa Hải
2016
Tỉnh
CÁC DI TÍCH CHƯA ĐƯỢC XẾP HẠNG
19
Điện Đông
Hương Trạch


20
Điện Nam
Hương Trạch


21
Đền thờ quan Lập thạch
Hương Đô


22
Đền thờ quan Thành Hoàng
Hương Đô


23
Miếu Nghè
Lộc Yên


24
Đền Dưới
Phú Phong


25
Nhà thờ họ Lê
Phú Phong


26
Đền thờ Thành Hoàng
Hương Vĩnh


27
Đền Đức Mẹ
Hà Linh


28
Đền Tam  Tòa
Hà Linh


29
Đền Đại Vương
Hà Linh


30
Đền Khắc Chuông
Hương Giang


31
Đền Hà Đông
Hương Giang


32
Nhà thờ họ Phạm
Hương Thủy


33
Đền Lung Sơn
Hương Thủy


34
Đền Long  Mạch Sơn Thần
Hương Thủy


35
Chùa Lung
Hương Thủy


36
Đền Trạng
Hương Thủy


37
Đền Khoai Vạc
Hương Thủy


38
Đền Nhà Rồng
Hương Bình


39
Đền Thượng Hưu
Hương Bình


40
Khu An Toàn Khu
Hòa Hải


41
Đền Nậy
Hòa Hải


42
Đền Cả
Hòa Hải


43
Chùa Tri Bản (Yên Bình )
Hòa Hải


44
Đền cột Voi
Hòa Hải


45
Lăng Quan Hầu Năm
Hòa Hải


46
Đền Danh Tiến
Phúc Đồng


47
Đền Trung Cần (Vực Cẩm)
Phúc Đồng


48
Lăng  Đức Thánh
Phúc Đồng


49
Đền Thần
Phúc Đồng


50
Đền Khe Cáo
Phúc Đồng


51
Khu An Toàn Khu 2
Phúc Đồng


52
Mộ và nhà thờ Trần Hữu Châu
Phương Điền


53
Đền Bạch Thổ
Phương Điền


54
Đền Tam Tòa
Phương Điền


55
Đền Phúc Âm
Hương Long


56
Đền Hạ Ấp
Hương Long


57
Đền Quan Phó Vệ
Phương  Mỹ


58
Đền Nhà Thánh
Phương  Mỹ


59
Đền Tam Công
Phương  Mỹ


60
Đền Rú Trùa
Phương  Mỹ





TÀI LIỆU THAM KHẢO

SÁCH CHỮ HÁN (Dịch)
1. Thái Kim Đỉnh: Bách thần sự tích (Bản dịch của - Bản thảo 1. Viện Sử học: Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II-III - NXB Khoa học xã hội - H.1972.
2. Đinh Nho Hoàn: Mặc Trai sứ tập (Bản dịch của nhiều người - NXB Văn học, H.2009).
3. Đồng Khánh ngự lãm địa chí lược Nghệ An tỉnh, sách tâu vua của các quan tỉnh Nghệ An, bản dịch của Ngô Đức Thọ năm 1997
4. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, (Bản dịch của Viện Sử học - Tập VII-VIII-IX - NXB Giáo dục, H.2007).
5. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí  (Bản dịch, Tập II - NXB Khoa học xã hội, H.1970).
6. Sở VHTT Hà Tĩnh: Hương Sơn phong thổ ký (Bản dịch của Thanh Minh - in chung trong Phong thổ ký các huyện Hà Tĩnh - 2001).
7. Sở VHTT Hà Tĩnh: Hương ước Hà Tĩnh (Bản dịch của Võ Quang Trọng, Phạm Quỳnh Phương, 1996.
8. Viện nghiên cứu Hán Nôm:  Địa danh làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX, do Dương Thị The, Phạm Thị Hoa dịch và biên soạn, Nxb Văn hóa thông tin.

SÁCH VÀ TÀI LIỆU CHỮ PHÁP (Dịch)
1. H. Le Breton: Le vieux An Tinh (An Tĩnh cổ lục) của (Bản dịch của Nguyễn Đình Khang, Nguyễn Văn Phú - NXB Nghệ An và Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây - 2005).
2.. R.Bulateau: Tỉnh Hà Tĩnh (La province de Ha Tinh) - (Bản dịch của Bùi Đình Thiện - Bản đánh máy).
3. Sở mật thám Hà Tĩnh: Tỉnh Hà Tĩnh (La province de Ha Tinh), Bản dịch của Đặng Văn Thị - Bản in Rônêô của Ban NCLSĐ T.U Hà Tĩnh).

SÁCH VÀ TÀI LIỆU TIẾNG VIỆT
1. Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb văn hóa thông tin, Hà Nội, 1964.
2. Đào Duy Anh: Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1997
3. BCH Đảng bộ Hương Khê (Ngô Đăng Tri biên soạn)  Lịch sử Đảng bộ huyện Hương Khê (1920 - 2000). NXB Chính trị quốc gia, HN, 2003
4. Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Nghệ Tĩnh: Xô viết Nghệ Tĩnh, Nxb Sự thật Hà Nội, 1981
5. Nguyễn Nhã Bản: Bản sắc văn hóa của người Nghệ Tĩnh, Nxb Nghệ An, 2001
6. Đặng Duy Báu, Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Hoàng Văn Khoán, Ngô Đăng Tri, (Đặng Duy Báu chủ biên) Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh - T1  (1930- 1954), NXB Chính trị quốc gia, HN, 1993
7. Đặng Duy Báu, Đinh Xuân Lâm, Ngô Đăng Tri, Nguyễn Xuân Đình, Trần Quang Trung (Đặng Duy Báu chủ biên) Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh - T2 (1954- 1975), NXB Chính trị quốc gia, HN, 1997
8. Đặng Duy Báu, Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trương Hữu Quýnh, Hoàng Văn Khoán, Ngô Đăng Tri, (Đặng Duy Báu chủ biên) Lịch sử Hà Tĩnh , T1 (từ đầu đến 1945), NXB Chính trị quốc gia, HN, 2000,
9. Đặng Duy Báu, Đinh Xuân Lâm, Ngô Đăng Tri, Nguyễn Xuân Đình (Đặng Duy Báu chủ biên) Lịch sử Hà Tĩnh , T2 (1945- 2000), NXB Chính trị quốc gia, HN, 2001
10  Bộ CHQS Hà Tĩnh Đơn vị, cá nhân Anh hùng lực lượng vũ trang Hà Tĩnh, 1996
11. Các nhà khoa bảng Việt Nam (1075 - 1919)

12. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tập 1
13. Phạm Hồng Chương, Ngô Đăng Tri, Nguyễn Tiến Trưởng, Nguyễn Danh Tiên (Phạm Hồng Chương chủ biên) Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh , T3 (1975- 2010), NXB Chính trị quốc gia, HN, 2011
14. Danh nhân Nghệ Tĩnh (dao xứ Nghệ Bốn tập), Nxb Nghệ Tĩnh 1982 - 1990
15. Phan Đại Doãn: Làng Việt Nam - một số vấn đề kinh tế - xã hội, Nxb Khoa học xã hội và Nxb Mũi Cà Mau, 1992.
16. Lê Quang Định “Hoàng Việt nhất thống địa dư chí
17. Thái Kim Đỉnh: Tác gia Hán Nôm Nghệ Tĩnh của (Thư viện Hà Tĩnh, 1996)
18. Thái Kim Đỉnh Các nhà khoa bảng Hà Tĩnh của (Hội LH VHNT Hà Tĩnh, 2004)
19. Thái Kim Đỉnh (Chủ biên), Võ Hồng Huy, Đậu Khoa Toàn (HU và UBND huyện Vũ Quang Vũ Quang xưa và nay - - 2005).
20. Ninh Viết Giao: Từ điển nhân vật xứ Nghệ, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2008.
21. Ninh Viết Giao: Câu đố Việt Nam, lần 1, Nxb Văn sử địa, Hà Nội, 1958, lần 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990.
22. Ninh Viết Giao: Hát phường vải, lần 1, Nxb Văn học, Hà Nội, 1961, lần 2, Nxb Nghệ An, 1993.
23. Ninh Viết Giao: Nguyễn Đổng Chi: Hát giặm Nghệ Tĩnh, tập 1, Nxb Khoa học Hà Nội, 1962.
24. Ninh Viết Giao, Nguyễn Đổng Chi: Hát giặm Nghệ Tĩnh, tập 2, Nxb Khoa học Hà Nội, 1963.
25. Ninh Viết Giao: Về văn học dân gian Nghệ Tĩnh (Tuyển tập những bài nghiên cứu), Nxb Nghệ Tĩnh, Vinh, 1982.
26. Ninh Viết Giao, Nguyễn Đổng Chi: Ca dao Nghệ Tĩnh, Sở Văn hóa Truyền thông Nghệ Tĩnh, 1995
27. Ninh Viết Giao (CB): Truyện kể dân gian người Việt ở xứ Nghệ, Nxb Nghệ An, 1993.
28. Ninh Viết Giao (CB): Truyện cười ở xứ Nghệ, Nxb Nghệ An, 1994.
29. Ninh Viết Giao (CB): Giai thoại xứ Nghệ, Nxb Nghệ An, 1995.
30. Ninh Viết Giao (Sách viết chung): Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, Nxb Nghệ An, 1995.
31. Ninh Viết Giao (đồng chủ biên với Trần Hữu Thung): Địa chí Văn hóa làng xã, Nxb Nghệ An, 1995.
32. Ninh Viết Giao: Kho tàng truyện kể dân gian xứ Nghệ (Bốn tập), Nxb Nghệ An, 1995.
33. Ninh Viết Giao: Kho tàng ca (Hai tập), Nxb Nghệ An, 1996.
34. Ninh Viết Giao (CB): Thơ văn nhà nho xứ Nghệ, Nxb Văn hóa Thông tin Hà Nội
35. Dương Thúc Hạp: Nghệ Tĩnh sơn thủy vịnh , Nxb Nghệ An, năm 2005.
36. Vũ Ngọc Khánh: Tìm hiểu nền giáo dục Việt Nam, Nxb Giáo dục, 1985
  37. Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Hà Tĩnh. Những người con Hà Tĩnh trên mọi miền Tổ quốc (1945- 2012). NXB Tri thức, HN, 2013.
38. Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn Khởi nghĩa Lam Sơn, NXB KHXH, H.1977.
39. Lê Tôn Mưu:  Hương Sơn địa chí - Tập 1, 2, 3.
40. Phả hệ họ Ngô Việt Nam . NXB Lao động, HN, 2011
41. Minh Phượng: Hương Sơn du ký của (Báo Nam Phong, 1921)
42. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục , Nxb, Giáo dục, Hà Nội, 2007, tập II, III,VII.
43. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1970, tập II, tr 79.
44. Quốc sử quán triều Nguyễn: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 1, Nxb Giáo dục Hà nội 1998.
45. Sở VHTT Hà Tĩnh - Trần Tấn Hành chủ biên : Di tích danh thắng Hà Tĩnh – (1997).
46 Sở VHTT Hà Tĩnh- Nhiều tác giả :. Danh nhân Hà Tĩnh Tập I, 1998.
47. Tân Việt 100 điều cần biết về phong tục Việt Nam, NXB Văn hóa dân tộc, 1993
48. Hà Văn Tấn: “Nghệ Tĩnh trong Tiền sử và Sơ sử Việt Nam” trên Tạp chí Khảo cổ học, số 2, năm 1978.
49. Nguyễn Bá Thành: Hương Khê văn hóa - danh thắng, Sở văn hóa Thông Tin - Truyền thông, Hà Tĩnh,  2015.
50. Nguyễn Bá Thành, Ngô Đăng Tri (Nguyễn Bá Thành chủ biên): 135 năm Hương Khê (1867- 2002). NXB Văn hóa Thông tin, HN, 2003
51.Thầy Nghệ, Di cảo và Hồi ức (NXB Hà Nội, 2005).
52. Nguyễn Quyết Thắng và Nguyễn Bá Thế: Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992
53. Thiên nhiên Việt Nam của Lê Bá Thảo (NXB KH và KT - H.1977)
54. Nguyễn Cảnh Thị: Hoan Châu ký, Hà Nội, 1988
55. Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX, Nxb Văn học, Hà Nội, 1970
56. Nguyễn Trọng Thụ Kể thêm về người và đất Hà Tĩnh, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014.
57. Ngô Đăng Tri: Vùng tự do Thanh- Nghệ- Tĩnh trong kháng chiến chống Pháp (1945- 1954). Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2001.
58  Ngô Đăng Tri. Tiến trình lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (1930- 2016). NXB  Thông tin và Truyền thông, HN, 2016.
59. Viện văn hóa dân gian : Lễ hội cổ truyền, Nxb KHXH, Hà Nội, 1992
60. Vè Nghệ Tĩnh, Nxb Văn học, Hà Nội, 1963
….. Ngoài ra, các tác giả còn sử dụng những tài liệu khác như: Văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng bộ huyện Hương Khê, Báo cáo thống kê về tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế của UBND huyện Hương Khê và các phòng ban liên quan lưu tại Kho lưu trữ của huyện; Tài liệu điền dã của các tác giả tại huyện Hương Khê.

















                       







(1) Đến năm 2016, nhà thờ Trần Bá Tước (xóm 5) được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh
1 Anh hùng Phan Châu Mỹ sinh năm 1945, nhập ngũ tháng 2/1964, khi được tuyên dương anh hùng đồng chí giữ chức vụ Thượng ủy, Chính trị viên Tiểu đoàn bộ binh 7, Trung đoàn 29, Đoàn 565, Bộ Tư lệnh 559, đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam
1 Hương Khê 135 năm (1876 - 2002), sđd, tr.220.
2 Theo kết quả điều tra năm 2016 tại Văn phòng Thống kê xã.
1 Hương Khê 135 năm (1867 - 2002) Sđd, tr.236.
2 Niên giám thống kê huyện Hương Khê 2011 -2015.
(1) Gia Phổ là tên của hai giáp Vạn Gia và Nhân Phổ.
1 Hương Khê 135 năm…, sđd, tr.215.
1 Dự thảo Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Hương Xuân (1930 - 2010), Bản cuối duyệt in.
1  Báo cáo số 01 - BC/ĐU ngày 06/01/2017 về việc điều chỉnh, bổ sung nội dung cho cuốn sách Địa chí Hương Khê do đồng chí Nguyễn Văn Lệ - Bí thư Đảng ủy xã cung cấp.
1 Đề án xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2025, Lưu tại văn phòng UBND xã.
1 Năm 2000, huyện Hương Khê cắt 5 xã để thành lập huyện Vũ Quang nên tổng diện tích đất của huyện có sự thay đổi