Thứ Ba, 7 tháng 2, 2017

Di tich lịch sử Hương Khê



Hương Khê là huyện có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, trên địa bàn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị. Hiện nay, toàn huyện có 60 di tích và phế tích, trong đó có 18 di tích được xếp hạng (5 di tích cấp quốc gia, 13 di tích cấp tỉnh). Cụ thể như sau:
1. Khu di tích lịch sử - văn hoá Rôộc cồn. Địa chỉ: Thôn 2, xã Phú Phong.
  Di tích Rôôc Cồn là nơi diễn ra cuộc biểu tình ngày 20.4.1931 trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh ở Hương Khê. Đền cây Chay (còn gọi là Miếu Bà) là nơi cất dấu tài liệu, in ấn truyền đơn hội họp của Đảng bộ Hương khê trong thời kỳ phong trào cách mạng 1930 - 1931 nói chung và trận Roộc Cồn nói riêng.
Phía trong có điện thờ bà Đại Càn, bà Thánh Mẫu, bà Thánh Y Ngọc Nữ, bà Tiêm Giang. Theo truyền thuyết, bà Đại Càn đời Tống có công giúp vua nhà Trần nên nhân dân lập đền thờ bà.
Khu di tích lịch sử - văn hoá Rôộc cồn được công nhận di tích Quốc gia ngày 12/12/1994
2. Thành Sơn Phòng-Đền Trầm Lâm -Đền Công Đồng. Địa chỉ: Thôn Phú Thành và Thôn Phú Yên xã Phú Gia.
* Thành Sơn Phòng
  Thành Sơn Phòng là di tích gắn liền với tên tuổi của vị vua yêu nước Hàm Nghi và phong trào Cần Vương chống Pháp của nhân dân ta cuối thế kỷ XIX. Vì vậy, tòa thành này được gọi ghép thành Sơn Phòng Hàm Nghi.
Đây là một tòa thành nhỏ, tục gọi là Ấu Sơn. Thành được xây dựng vào tháng 12.1885. Nơi đây Vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương lần thứ 2, đồng thời cũng là nơi nhà vua tiếp Phan Đình Phùng từ Đức Thọ lên yết kiến và được giao nhiệm vụ xây dựng lực lượng tham gia chống Pháp. Trong số 15 quân thứ của nghĩa quân Phan Đình Phùng thì "Khê thứ" (nhánh quân ở Hương Khê) là số một. Nên người ta thường gọi cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng là khởi nghĩa Hương Khê.
  Đền Trầm Lâm
  Đền Trầm Lâm dân gian thường gọi là miếu Trăm Năm, thờ Đức Thánh Mẫu từ thế kỷ XIV. Đền Trầm Lâm tọa lạc trên gò đồi rậm rạp, linh thiêng, phía trước có một hồ không rộng lắm nhưng rất sâu gắn với nhiều truyền thuyết.
  Đền Công Đồng
  Đền Công Đồng ở địa điểm gần thành Sơn Phòng.
  Đền Công Đồng thờ hai vị Đức Đại vương, hai vị đại tướng có công đánh giặc giữ yên bờ cõi, khai sơn phá trạch chiêu dân lập ấp. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp giữ nước 1930 - 1931 là cơ sở hoạt động bí mật của chi bộ Đảng Phú Gia, đặc biệt trong phong trào giành chính quyền của huyện Hương Khê Đền Công Đồng có ý nghĩa rất lớn là địa điểm của nhân dân Phú Gia tập trung kéo lên huyện đường giành chính quyền cách mạng.
Thành Sơn Phòng- Đền Trầm Lâm-Đền Công Đồng được công nhận di tích cấp Quốc gia ngày 28/12/2001
  3. Địa điểm chỉ huy sở tiền phương tổng cục Hậu cần-Bộ tư lệnh Đoàn 559-Bộ Tư lệnh Đoàn 500. Địa chỉ: Thôn 7, xã Hương Đô.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước huyện Hương Khê nói chung và xã Hương Đô nói riêng có vị trí chiến lược quan trọng, là điểm nút tiếp nối đường quốc lộ 15A với đường 21, đường 22 đi vào đường 12 sang Lào và đường 10 ở Tây Trường Sơn. Đây là huyết mạch giao thông quan trọng để trung chuyển quân, lương, vũ khí chi viện cho chiến trường Miền Nam và chiến trường Lào. Trong thời gian từ 1966- 1970 xã Hương Đô liên tục được chọn địa điểm đóng Chỉ huy Sở của 3 Bộ Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.
- Chỉ huy sở tiền phương Tổng cục hậu cần  
- Chỉ huy sở Bộ tư lệnh đoàn 559
- Chỉ huy sở Bộ tư lệnh đoàn 500.
Năm 2005 Di tích Chỉ huy Sở Tiền phương Tổng cục hậu cần, Bộ Tư lệnh 559, Bộ tư lệnh 500 được Bộ Văn hóa –Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Năm 2013 được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia đặc biệt trong hệ thống di tích lịch sử đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
4. Địa điểm chứng tích tội ác chiến tranh Trường cấp 2 Hương Phúc.
Địa chỉ: Xóm Tân Phúc, xã Hương Trạch.
Sự kiện đẫm máu vào lúc 16h30’ ngày 9/2/1966 một tốp máy bay F4 của lực lượng không quân Mỹ ném 58 quả bom xuống vùng dân cư, có 6 quả rơi vào khu vực trường cấp II Hương Phúc, trong đó có 2 quả rơi vào lớp 5A do thầy Thái Văn Nhậm đang giảng bài. Tổng số có 33 em bị chết tại chỗ, 24 em và thầy giáo Thái Văn Nhậm bị thương. Toàn bộ ngôi trường 2 gian bị bom Mỹ phá hủy.
Tin giặc Mỹ giết hại 33 em và làm bị thương 24 em học sinh trường cấp II Hương Phúc được truyền đi rất nhanh, gây nên làn sóng căm thù của nhân dân trong nước và nhân dân  tiến bộ toàn thế giới, Đế quốc Mỹ đã bất chấp dự luận, coi thường đạo lý, trắng trợn vi phạm công khai về nhân quyền trẻ em.
Khu di tích đã được chính quyền tỉnh Hà Tĩnh xây nhà bia tưởng niệm, quy tập 33 ngôi mộ các em vào khu di tích cùng với chứng tích là các hố bom sâu.
Địa điểm chứng tích tội ác chiến tranh tại Trường cấp 2 Hương Phúc được công nhận di tích Quốc gia ngày 28/12/2001
5. Đền Hợp Tự (Đền Voi Ngựa) và Chùa Phúc Linh. Địa chỉ: Thôn 3 (Phố Hoà), xã Gia Phố.
          Đền Voi Ngựa
          Đền Voi Ngựa là một ngôi đền hợp tự từ 3 đền làng của xã Gia Phố trước đây, đền còn có tên là đền Gia Phố. Địa điểm được chọn ở khu đất phía nam chùa Phúc Linh, cạnh nhà thánh mẫu, tạo thành một hệ thống liên hoàn khu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương với đủ tín ngưỡng văn hóa thờ Phật, Thánh và Thần. Sở dĩ có tên gọi là Đền Voi Ngựa, bởi vì trong đền có 2 con voi và 2 con ngựa được tạc bằng gỗ mít cao to. Đền Voi Ngựa đã bị hủy hoại hoàn toàn trong kháng chiến chống Pháp.
Chùa Phúc Linh  
          Chùa Phúc Linh (chùa Gia Phố) có từ đời nhà Trần cùng với sự hình thành của làng Gia Phố. Lúc đầu chùa có quy mô nhỏ, lợp tranh, đến đầu thời vua Tự Đức (1848 - 1853), chùa được đại trùng tu thành 3 gian nhà to bằng gỗ mít, có đầy đủ tượng Phật được sơn son thiếp vàng. Năm 1932, chùa bị đổ sập hoàn toàn do bão, năm 1933 được dân làng Gia Phố xây dựng lại. Năm 1999, nhân dân địa phương lại góp công của trùng tu, tôn tạo theo kiến trúc của những năm 1933.
Đền Hợp Tự (Đền Voi Ngựa) và Chùa Phúc Linh được công nhận di tích cấp Tỉnh ngày 23/01/2007
6. Chùa Hạ Phúc. Địa chỉ: Xóm Bình Phúc, xã Lộc Yên.
Chùa Hạ Phúc (Hạ Phúc tự), có tên cũ là chùa Thái Yên (Thái Yên tự). Năm Mậu Ngọ (1858), vua Tự Đức cấp tiền bạc để tôn tạo lại  nên đổi tên là Hạ Phúc, chữ Hạ Phúc ở đây có nghĩa là phúc đến, phúc ở lại.
Theo thần phả của làng Phúc Lộc xưa thì chùa Hạ Phúc được xây dựng vào thời nhà Lý - thế kỷ XII, tôn tạo vào thời hậu Lê, trùng tu vào thời nhà Nguyễn - năm Tự Đức thứ 11 (1858) và lần trùng tu gần đây nhất vào năm Bảo Đại thứ 8 (1933).
Chùa Hạ Phúc được công nhận di tích cấp Tỉnh ngày 14/8/2006
7. Đền Ngàn Trụ. Địa chỉ: Thôn Phú Lâm, xã Phú Gia. 
Đền Ngàn Trụ thờ tướng quân Dương Đô thời Hậu Lê. Di tích đền Ngàn trụ là nơi lưu giữ các tài liệu, hiện vật gốc giá trị liên quan đến cuộc đời, thân thế và sự nghiệp phò vua cứu nước, bảo vệ biên ải của tổ quốc của tướng quân Dương Đô vào thế kỷ XVII.
Đền Ngàn Trụ được công nhận di tích cấp Tỉnh ngày 31/01/2008.  
 8. Đền thờ Trần Phúc Hoàn và Chùa Bảo Lâm. Địa chỉ: Thôn Vĩnh Đại, xã Hương Vĩnh.
Trần Phúc Hoàn là một nhân vật lịch sử cuối thế kỷ XVII, người có nhiều công lao đóng góp cho đất nước trên các lĩnh vực lịch sử, kinh tế, chính trị, an ninh biên giới trong vai trò là Tri Châu Quy Hợp, tổng binh đồn Quy Hợp và thông sự với nước Lào láng giềng.
Công lao đóng góp của Trần Phúc Hoàn là hết sức to lớn, sau khi mất, ông được phong làm Phúc thần tước hiệu Đại Vương và lập đền thờ phụng tại quê hương, nhân dân quen gọi là đền cụ Quận. Theo tục truyền ngày 14/9 âm lịch hàng năm là ngày lễ tế Trần Phúc Hoàn.
Đền thờ Trần Phúc Hoàn và Chùa Bảo Lâm được công nhận di tích cấp Tỉnh ngày 26/11/2004
9. Đền Nhạ Sơn. Địa chỉ: Thôn Trường Sơn, xã Hương Xuân.
Đền được xây dựng trước thế kỷ XVIII và đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo.           Đền Nhạ Sơn không chỉ thờ một vị thần như nhiều đền khác mà có đến 12 vị thần. Những người có công với dân với nước, không kể họ là nhân thần, văn thần hay võ tướng đều được dân làng rước vào thờ trong đền
Đền Nhạ Sơn là nơi những người yêu nước ở địa phương tập hợp để tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp, phong trào cách mạng 1930 - 1931; đây cũng là địa điểm họp Chi bộ Đảng Cộng sản của xã Xuân Lũng.
Đền Nhạ Sơn được công nhận di tích cấp Tỉnh năm 16/9/2011.
10. Đền Tam Tòa. Địa chỉ: Thôn Tân Đình, xã Lộc Yên.
Tương truyền, đền được xây dựng thế kỷ XI, thờ Uy Minh vương Lý Nhật Quang sau khi ông qua đời, vị trí đền gần chùa Hạ Phúc hiện nay. Ngôi đền gốc có cấu trúc gồm một ngôi thượng 3 gian, hai nhà hạ đường, hai bên có nhà cầu, đều được làm bằng gỗ thiết mộc, đền có kết cấu kiến trúc thời Lý. Trước đây, di tích được dân làng tự nguyện chăm sóc, giữ gìn và quanh năm hương khói. Tuy nhiên, qua thời gian đền bị phá hủy hoàn toàn. Năm 1921, đền mới được xây dựng tại địa điểm hiện nay.
Đền Tam Tòa được công nhận di tích cấp Tỉnh 29/1/2013.
11. Mộ và Đền Thờ Ngô Đăng Minh. Địa chỉ: Thôn Châu Trúc (Thôn 1), xã Hà Linh
Ngô Đăng Minh là một danh nhân lịch sử dưới thời nhà Lê trung hưng. Năm Chính Hòa thứ 26, Giặc Bồn Nam xâm chiến bờ cõi, Ngô Đăng Minh cầm quân ra biên cương dẹp giặc. Thắng lợi trở về ông được sắc phong “Đặc tiến kim tứ, vinh lộc đại phu, tư lễ giám, tả đề điểm, án trung hầu, trụ quốc thượng liên”.
Dẹp giặc ở biên cương xong. Ông Ngô Đăng Minh chiêu mộ nhân dân khai khẩn, lập làng (nay là những xã Hương Long, Hương Bình, Phúc Đồng, Hà Linh). Ông mở lớp dạy chữ thánh hiền cho con em trong vùng, lập đền thờ cho nhân dân thờ phụng an hòa ý thức tâm linh, hướng tâm làm thiện, yêu nước, thương đồng bào, giữ biên cương không cho giặc ngoại xâm dòm ngó.
Sau khi ông qua đời tại Thăng Long, để tưởng nhớ công ơn của ông Nhà Vua đã cho đưa linh cữu ông về an táng tại quê nhà là làng Trúc Lâm, xây lăng mộ và lập đền thờ, đồng thời gia phong Thành hoàng bản xứ. Nhân dân trong vùng phụng thờ. Hàng năm vào các ngày 18 tháng 2 và 16 tháng 7 (âm lịch) nhân dân mở hội đền thờ.  
Mộ và Đền Thờ Ngô Đăng Minh được công nhận di tích Quốc gia ngày 18/3/1996.
12. Nhà thờ Họ Nguyễn Quốc. Địa chỉ: Thôn 9, xã Hà Linh.
Nhà thờ họ Nguyễn Quốc được xây dựng vào cuối thế kỷ XV để thờ 5 vị Tiên tổ có công tham gia đánh giặc Minh thời nhà Lê và thành lập làng ở Hà Linh. Đến cuối thế kỷ XVIII, có vị tổ là ông Nguyễn Chân Châu, một võ quan dưới triều vua Lê Cảnh Hưng, có công đánh giặc, được vua phong 2 đạo sắc trong một ngày (Cảnh Hưng Tứ thập tứ niên, Nhị Nguyệt, Nhị thập Lục Nhật - tức ngày 26 tháng 2 năm 1783 ). Hiện nay, 2 sắc phong này vẫn được bảo quản trong Nhà thờ họ Nguyễn Quốc.
Nhà thờ họ Nguyễn Quốc là nơi thành lập chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam đầu tiên ở huyện Hương Khê.
  Bên phải nhà Bái đường có xây một Am thờ bà mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Đích, sinh năm 1867, có con độc nhất là Liệt sĩ Nguyễn Quốc Xán, hy sinh trong thời kỳ 1930 - 1945.
Nhà Thờ Họ Nguyễn Quốc được công nhận di tích cấp Tỉnh ngày 26/11/2004
13. Nhà Thờ Phạm Đình Ban, Phạm Đình Chân. Địa chỉ: Thôn 10, xã Hoà Hải
Phạm Đình Ban, Phạm Đình Chân là những nhân vật lịch sử có nhiều đóng góp trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai trong phong trào Cần Vương vào những năm cuối thế kỷ XIX. Hai ông đã anh dũng hy sinh tại vùng rừng núi Vũ Quang khi tuổi đời còn rất trẻ.
Nhà Thờ Phạm Đình Ban, Phạm Đình Chân được công nhận di tích cấp Tỉnh ngày 31/01/2008
          14. Nhà thờ Hồ Văn Hoa. Địa chỉ: Thôn Trung Thượng, Phương Mỹ.
 Hồ Văn Hoa, sinh vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVIII tại thôn Phương Mộ, Phương Trạch nay là xã Phương Mỹ, Hương Khê, Hà Tĩnh.
Ông là người có công lớn trong việc khai hoang phục hóa, mở ra mảnh đất phì nhiêu bên bờ tả ngạn sông Ngàn Sâu. Nghe theo tiếng gọi của quân Tây Sơn trong buổi đầu của cuộc khởi nghĩa có Hồ Văn Hoa xung phong đã vào Bình Định gia nhập đội quân Tây Sơn. Nhờ tín nhiệm ông được phong đứng đầu các tướng lĩnh. Ông cầm quân trong chiến dịch thần tốc tiến quân ra Bắc Hà đánh chiếm Thăng Long tiêu diệt 29 vạn quân Thanh xâm lược năm Kỷ Dậu (1789).
Nhà Thờ Hồ Văn Hoa được công nhận di tích cấp Tỉnh ngày 22/06/2010.
          15. Nhà thờ Trần Bá Tước. Địa chỉ: Thôn 5, xã Hoà Hải. 
          Nhà thờ Trần Bá Tước có tên thường gọi là Nhà thờ họ Trần - Tri Bản .
          Nhà thờ họ Trần là nơi thờ nhân vật lịch sử Trần Bá Tước - người đã từng tham gia nghĩa quân Lam Sơn, có công trong việc giúp Bình Định Vương Lê Lợi đánh đuổi quân Minh xâm lược vào những năm đầu thế kỷ XV và đã anh dũng hy sinh khi trực tiếp đánh quân Minh tại thành Nghệ An. Chính vì vậy, sau khi ông mất, nhân dân địa phương ghi nhớ công lao đã lập đền thờ. Các triều đại phong kiến ban sắc phong và cho thờ tự với nghi thức như một tướng quân.
Nhà thờ Trần Bá Tước được công nhận di tích cấp Tỉnh ngày 3/2/2016.
          16. Nhà thờ Mai Xuân Lâm. Địa chỉ: Thôn 5, xã Hương Long.
Nhà thờ họ Mai là nơi ghi nhận, lưu giữ những công lao to lớn của tổ tiên dòng họ Mai ở Hương Long, trong đó có nhiều người con ưu tú đã làm rạng danh dòng họ, tiêu biểu là ông Mai Xuân Lâm - người đã tham gia vào quân đội nhà Lê chinh phạt các thế lực thổ phỉ quấy nhiễu ở vùng biên cương phía tây Nghệ An vào thế kỷ XVIII, được vua Lê Cảnh Hưng ban sắc phong vinh danh công trạng.
Nhà thờ Mai Xuân Lâm được công nhận di tích cấp Tỉnh ngày 10/4/2015
          17. Nhà thờ Họ Đặng. Địa chỉ: Khối 15. Thị Trấn.
Ông Đặng Văn Quán, tổ đời thứ nhất của dòng họ Đặng Gia Phổ sinh năm 1736 đời nhà hậu Lê di cư lên huyện miền núi lập nghiệp, với nghề nông nghiệp, thợ rèn và buôn bán. Dần dần cuộc sống ngày càng phát đạt, có của ăn của để, có điều kiện cho con cái học hành chữ nghĩa. Ngài sinh hạ được một người con trai là Đặng Công Biên vào năm 1761, mất năm 1829.
Đặng Công Biên là người thông minh, có chí lớn lại được sự dạy bảo và chỉ giáo của người cha, cho nên ông sớm bộc lộ thiên bẩm về nghề y. Ông được thầy Lê Hữu Trác đưa đi chữa bệnh tại kinh đô Thăng Long thời bấy giờ. Sau đó trở về quê nhà, với kinh nghiệm chữa thuốc nam kết hợp với thuốc bắc, ông dã chữa trị và cứu nhân độ thế cho nhiều người trong vùng. Tiếng lành đồn xa, gia đình ông đã tích lũy được một số tài sản nhất định. Khi nước nhà có biến, gia đình ông đã mang số tài sản tiền bạc ra cứu nước giúp dân lành. Với những công lao đóng góp đó, Danh y Đặng Công Biên đã được triều đình vua Cảnh Hưng ban tặng sắc phong, thăng thưởng chức vụ.
Nhà thờ Họ Đặng được công nhận di tích cấp Tỉnh ngày 31/10/2013.
18. Nhà thờ Võ Đình Cận. Địa chỉ: Thôn 3, xã Hương Giang
Võ Đình Cận sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân vùng quê hẻo lánh, điều kiện học hành rất khó khăn. Tuy nhiên với tinh thần yêu nước nồng nàn ông đã có nhiều cố gắng trong cuộc sống và đã sớm gia nhập đội quân của nhà Lê – Trịnh. Trải qua thời gian phục vụ trong quân đội của vua Lê chúa Trịnh, ông đã lập được nhiều chiến công, được chúa Trịnh ghi nhận, cất nhắc lên chức Phó Đội trưởng, Chánh đội trưởng, tả đội, chỉ dụ ghi rõ (nguyên văn chữ hán) được ban 3 sắc.
Sau 20 năm phục vụ cho nhà Lê – Trịnh, có nhiều công lao, nhưng ông đã xin giải ngũ về quê hương xây dựng cuộc sống mới, góp sức lực của mình vào việc phát triển kinh tế, mở mang dân trí, chăm lo cứu giúp đời sống dân nghèo. Ông đã vận động dân làng khai hoang lập làng tại vùng miền núi phía đông nam của huyện Hương Khê ngày nay, đào mương, đắp đập lấy nước tưới cho đồng ruộng xanh tốt bốn mùa. Người đã đi tiên phong mở đầu cho việc dẫn thủy nhập điền trên một vùng miền núi hẻo lánh mà những tác dụng của nó vẫn còn mãi với thời gian. Vì vậy để trưởng nhớ công ơn của ông, tên con đập được mang tên ông “Đập họ Võ”. Sau khi ông mất nhân dân địa phương đã lập đền thờ, dòng họ xây dựng nhà thờ ông.
 Nhà thờ Võ Đình Cận được công nhận di tích cấp Tỉnh ngày 14/3/2015.




DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP QUỐC GIA
Rộôc Cồn
Xã Phú Phong - Hương Khê - Hà Tĩnh
Xếp hạng cấp Quốc Gia năm 1994

- Tóm tắt nội dung di tích
Nơi xảy ra sự kiện cuộc biến tình đẫm máu ngày 20/4/1931. Theo chỉ thị của huyện ủy, Hương Khê chi bộ xã Phú Phong tổ chức mít tinh quần chúng để công bố việc chia đất công và vận động quyên góp ủng hộ đồng bào tổng trại lá (Vùng Hương Ninh, Hương Thọ và và Hương Đại, nay thuộc huyện Vũ Quang, bị địch tàn sát, khủng bố, hàng ngàn nông dân đã bừng bừng khí thế tập trung về Đình Trung với lòng căm thù sôi sục, đồng chí Nguyễn Văn Chữ, Bí thư chi bộ diễn thuyết kêu gọi nhân dân đứng lên đấu tranh cách mạng. Một tên Việt Gian đã báo cho bọn Pháp ở đồn Chu Lễ - Phú Gia. Tên đền trưởng Pháp Adeler đã dẫn bọn lính về đàn áp. Một số Đảng viên và quần chúng bị bắt, trong đó có đồng chí Bí thư chi bộ. Nhận được tin khẩn cấp Huyện ủy Hương Khê đã cử cán bộ về các xã lân cận vận động nhân dân biểu tình kéo đến giải vây cho các đồng chí bị bắt. Sau 2 giờ đã có khoảng 1500 nông dân các xã Hương Vĩnh, Hương Xuan, Phú Gia, Hương Long, Lộc Yên, Gia Phố, Hương Bình tập trung kéo đến phối hợp với nhân dân xã Phú Phong nơi quân địch đang giam giữ các đồng chí bị bắt. Cuộc xung đột diễn ra quyết liệt, quân địch đã nổ súng bắn vào đội tự vệ đỏ để tháo lui, đồng chí Phan Lũ bị trúng đạn hy sinh, đoàn người biểu tình từ các ngã kéo đến Phú Phong mỗi lúc một đông, quân địch hoảng sợ bỏ chạy ra Ruộc Cồn thì bị đoàn biểu tình chặn lại khép kín vòng vây. Kẻ địch hốt hoảng nổ súng vào đoàn biểu tình làm 11 người chết và 6 người bị thương. Rồi tháo chạy khỏi Phú Phong. Đêm 20/4/1931 lễ truy điệu các liệt sỹ hy sinh tại trận Ruộc Cồn được Huyện ủy Hương Khê tổ chức trọng thể, biến đau thương thành hành động cách mạng, tiếp tục gương cao ngọn cờ đấu tranh giành thắng lợi cuối cùng. Ngày 20/4 đã trở thành ngày lịch sử của nhân dân huyện Hương Khê, ghi dấu sự kiện Đảng bộ Hương Khê vừa mới ra đời nhưng đã nhanh chóng nắm lấy ngọn cờ cách mạng lãnh đạo nhân dân đấu tranh mạnh mẽ chống đế quốc và phong kiến, hình thành xô viết ở nhiều xã, thôn trong huyện.


2. Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia
Đền thờ và mộ Ngô Đăng Minh.
Xã Hà Linh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
Được xếp hạng cấp quốc gia năm 1996
Ngô Đăng Minh là một danh nhận lịch sử dưới thời Lê Trung Hưng. Năm Chính hòa thứ 26, Giặc Bồn Nam xâm chiến bờ cõi, Ngô Đăng Minh cầm quân ra biên cương dẹp giặc. Thắng lợi trở về ông được sắc phong “Đặc tiến kim tứ, vinh lộc đại phu, tư lễ giám, tả đề điểm, án trung hầu, trụ quốc thượng liên”.
Dẹp giặc ở biên cương xong. Ông Ngô Đăng Minh chiêu mộ nhân dân khai khẩn, lập làng. Cả một vùng rừng núi hoang vu đã mau chóng trở thành những xóm làng trù phú. Ông mở lớp dạy chữ thánh hiền cho con em trong vùng, lập đền thờ cho nhân dân thờ phụng an hòa ý thức tâm linh, hướng tâm làm thiện, yêu nước, thương đồng bào, giữ biên cương không cho giặc ngoại xâm dòm ngó. Những vùng rừng xưa mà ông Ngô Đăng Minh có công mộ dân phát triển, nay là những xã Hương Bình, Hương Phú, Hương Long, Phúc Đồng và Hà Linh của huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
Sauk hi ông qua đời tại Thăng Long, để tưởng nhớ công ơn của ông Nhà Vua đã cho đưa linh cữu ông về an táng tại quê nhà là làng Trúc Lâm, xây lăng mộ và lập đền thờ, đồng thời gia phong Thành hoàng bản xứ. Nhân dân trong vùng phụng thờ.
Hàng năm vào các ngày 18 tháng 2 và 16 tháng 7 (âm lịch) nhân dân mở hội đền thờ. Lễ hội đông vui, coi đây là khu du lịch tâm linh và làng quê ấm áp nghĩa tình.


3. Di tích lịch sử:
Địa điểm chứng tích tội ác chiến tích tại trường cấp II Hương Phúc, xã Hương Trạch.
Xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia năm 2001.
Tóm tắt nội dung:
Năm 1965 bị thất bại liên tiếp trên chiến trường Miền Nam. Để lấy lại tinh thần cho binh lính Mỹ và Ngụy quyền  Sài Gòn, đế quốc Mỹ quyết định mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với Miền Bắc (1965-1968) nhằm phá hoại tiềm lực kinh tế quốc phòng, ngăn chặn sự chi viện của Miền Bắc đối với Miền Nam, cũng từ đó gây ảnh hưởng lớn đối với hệ thống XHCN và uy hiếp phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.
Tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại Miền Bắc đế quốc Mỹ liên tiếp đánh vào khu dân cư, các thành phố, các vùng nông thôn, bệnh viện, hệ thống trường học…hòng đè bẹp ý chí của nhân dân ta trong cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.
Sự kiện đẫm máu vào lúc 16h30’ ngày 9/2/1966 một tốp máy bay F4 của lực lượng không quân Mỹ ném 58 quả bom xuống vùng dân cư, có 6 quả rơi vào khu vực trường cấp II Hương Phúc, trong đó có 2 quả rơi vào lớp 5A do thầy Thái Văn Nhậm đang giảng bài. Toàn bộ ngôi trường 2 gian bị bom Mỹ phá hủy. Lớp học biến thành hố bom sâu, các quả bom khác rơi xuống hầm trú ẩn, sách, vở dụng cụ học tập cùng chung số phận. Sau khi dứt tiếng bom lực lượng bộ đội dân quân,thanh niên xung phong, thầy giáo cùng nhân dân đến đào bới tìm kiếm học sinh. Tổng số có 33 em bị chết tại chỗ, 24 em và thầy giáo Thái Văn Nhậm bị thương. Số học sinh và thầy giáo bị thương được đưa về bệnh viện huyện Hương Khê cấp cứu. Chiều ngày hôm sau công việc tìm kiếm thi thể các em mới kết thúc. Cũng trong chiều hôm đó ngày 10/2/1966 Đảng bộ, nhân dân, chính quyền địa phương đã làm lễ an táng, chon cất các em. Tên tuổi của các em được gắn lên mộ chí. Nhà trường quyết định để tang các em trong 3 tháng. Tin giặc Mỹ giết hại 33 em và làm bị thương 24 em học sinh trường cấp II Hương Phúc được truyền đi rất nhanh, gây nên làn sóng căm thù của nhân dân trong nước và nhân dân  tiến bộ toàn thế giới, Đế quốc Mỹ đã bất chấp dự luận, coi thường đạo lý, trắng trợn vi phạm công khai về nhân quyền trẻ em.
Khu di tích đã được Nhà nước xây nhà bia tưởng niêm, quy tập 33 ngôi mộ các em vào khu di tích cùng với chiến tích là các hố bom sâu.


Đền thờ Trần Phúc Hoàn và chùa Bảo Lâm xã Hương Vĩnh


- Tóm tắt nội dung:
Trần Phúc Hoàn được coi như một nhân vật lịch sử cuối thế kỷ XVII, là người có nhiều công lao đóng góp cho đất nước trên các lĩnh vực lịch sử, kinh tế, chính trị, an ninh biên giới trong vai trò là Tri Châu Quy Hợp, tổng binh đồn Quy Hợp và thông sự với nước Lào láng giềng.
Theo những đoạn văn bia còn đọc được khắc vào năm 1708 lưu giữ tại Chùa Bảo lâm thì Trần Phúc Hoàn có binh nghiệp to lớn và quan trọng. Từ chánh đội trưởng, ông được phong chức đề đốc, tước Vinh Cường, hầu sau phong chức đặc tiến phụ Quốc Thượng, tướng quân, tham đốc thần võ, tứ vệ quân vụ sự, tước vinh quận công. Ông làm phụ đạo châu quy hợp liên tục nhiều năm có nhiều cống hiến to lớn với triều Lê tại một vùng biên ải Tây – Nam Đại Việt.
Về sự nghiệp của Trần Phúc Hoàn có thể thấy rõ có ba mặt quan trọng như sau:
Một là về chính trị, đã có công vỗ về phủ dụ một địa bàn hành chính rất rộng lớn ở miền núi, có nhiều bộ tộc khác nhau, trước sau quy phụ một mối về triều đình Việt Nam đời Lê, ông là một người cai quản xây dựng châu quy hợp trở thành một trung tâm kinh tế, chính trị - xã hội phát triển phồn thịnh trong một thời gian dài khoảng 100 năm.
Hai là, khai thông mở rộng, nâng cấp con đường Trùm – Trẹo từ chỗ là một đường mòn trong rừng trở thành một đường giao thông quân sự và kinh tế rất nối tiếng giữa Việt Nam và Lào thời trung đại.
Công đức nổi bật thứ ba là bỏ công, của xây dựng Chùa Bảo Lâm ngay cạnh đồn Quy Hợp cũ, là nơi lưu giữ 27 pho tượng phật bằng gỗ cổ là những tác phẩm điêu khắc quý hiếm đến nay còn giữ nguyên gốc.
Với công lao đóng góp của Trần Phúc Hoàn là hết sức to lớn, sau khi mất, ông được phong làm phúc thần tước hiệu Đại Vương và lập đền thờ phụng tại quê hương, nhân dân quen gọi là đền cụ Quận, nhân dân Lào yêu kính và ghi ơn ông công lập đền thờ tại bản Trong ( thuộc sách Trú – Cẩm Châu Quy Hợp xưa)
Đền thờ Trần Phúc Hoàn xây dựng tại thôn Tâm Phúc, nay thuộc xã Hương Vĩnh, Hương Khê, Hà Tĩnh.
Theo tục truyền ngày 14/9 âm lịch hàng năm là ngày lễ tế Trần Phúc Hoàn ( tức là ngày mất, không rõ năm mất).
Đền thờ Trần Phúc Hoàn và chùa Bảo lâm được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2004.


Nhà thờ Võ Đình Cận.

Địa điểm: xã Hương Giang, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
- Tóm tắt nội dung:
Võ Đình Cận sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân vùng quê hẻo lánh, điều kiện học hành rất khó khăn. Tuy nhiên với tinh thần yêu nước nồng nàn ông đã có nhiều cố gắng trong cuộc sống và đã sớm gia nhập đội quân của nhà Lê – Trịnh. Trải qua thời gian phục vụ trong quân đội của vua Lê chúa Trịnh, ông đã lập được nhiều chiến công, được chúa Trịnh ghi nhận, cất nhắc lên chức P. Đội trưởng, chánh đội trưởng, tả đội, chỉ dụ ghi rõ (nguyên văn chữ hán) được ban 3 sắc. Hiện nay còn lưu giữ tại nhà thờ họ.
+ Sắc thứ 1: Cảnh Hưng nhị mên bát nguyệt sơ nhị nhật, tức là ngày 2/8 cảnh Hưng thứ 2/1741.
+ Sắc thứ 2: Cảnh Hưng, thập tam mên, nhị ngoạt thập nhất nhật dịch, ngày 11 tháng 2 năm Cảnh Hưng thứ mười ba 1752.
+ Sắc thứ 3: Được dịch nghĩa:
Sắc ông Cán Trung Võ Đình Cận, P. Chánh đội trưởng quán xã Phúc Lộc, huyện Hương Sơn làm tùng thiêm sai năm phủ, phủ đô đốc, tả đô đốc quan tâm hội chánh đánh được tướng giặc và phá được sào huyệt kín của giặc ở các đạo Thanh Hoa, Sơn Tây, Tuyên Hưng, các con em có công dự đánh đã có chỉ chuẩn, nay đặc thưởng cách, thăng chức Trung úy, tước bá, tráng tiết tướng quân thiết kỵ úy thiên định trung sở, trung úy trung liệt.
Cảnh Hưng, nhị thập mên, tam nguyệt thập tam nhật.
Tức là ngày 13 tháng 3 năm Cảnh Hưng thứ 20/1759.
Sau 20 năm phục vụ cho nhà Lê – Trịnh, có nhiều công lao, nhưng ông đã xin giải ngũ về quê hương xây dựng cuộc sống mới, góp sức lực của mình vào việc phát triển kinh tế, mở mang dân tú, chăm lo cứu giúp đời sống dân nghèo. Ông đã vận động dân làng khai hoang lập làng tại vùng miền núi phía đông nam của huyện Hương Khê ngày nay, đào mương, đắp đập lấy nước tưới cho đồng ruộng xanh tốt bốn mùa. Người đã đi tiên phong mở đầu cho việc dẫn thủy nhập điền trên một vùng miền núi hẻo lánh mà những tác dụng của nó vẫn còn mãi với thời gian. Vì vậy để trưởng nhớ công ơn của ông, tên con đập được mang tên ông “ Đập họ Võ”
Sau khi ông mất nhân dân địa phương đã lập đền thờ, dòng họ xây dựng nhà thờ thờ ông muôn đời.
“ Nhà thờ đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2005”.


Nhà thờ: Hồ Văn Hoa
Địa điểm: xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.
- Hồ Văn Hoa, sinh vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVIII tại thôn Phương Mộ, Phương Trạch nay là xã Phương Mỹ, Hương Khê, Hà Tĩnh.
* Tóm tắt nội dung:
Ông là người có công lớn trong việc khai hoang phục hóa, mở ra mảnh đất phì nhiêu bên bờ tả ngạn sông Ngàn Sâu. Nghe theo tiếng gọi của quân Tây Sơn trong buổi đầu của cuộc khởi nghĩa có Hồ Văn Hoa xung phong đã vào Bình Định gia nhập đội quân Tây Sơn. Nhờ tín nhiệm ông được phong đứng đầu các tướng lĩnh. Ông cầm quân trong chiến dịch thần tốc tiến quân ra Bắc Hà đánh chiếm Thăng Long tiêu diệt 29 vạn quân Thanh xâm lược năm Kỷ Dậu (1789).
Hồ Văn Hoa đã góp phần mình trong việc giúp Nguyễn Huệ tuyển mộ hàng vạn binh hùng tướng mạnh ở Nghệ Tĩnh bổ sung vào lực lượng hùng hậu của nghĩa quân Tây Sơn, góp phần vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống quân Thanh xâm lược.
Với nhiều công lao đóng góp cho cuộc kháng chiến trong phong trào khởi nghĩa Tây Sơn do Quang Trung Nguyễn Huệ lãnh đọa ở những năm cuối thế kỷ XVIII dưới chế độ phong kiến Việt Nam, ông được ban tặng 02 sắc phong.
- Sắc phong ngày 15 tháng 8 năm thứ 8 niên hiệu Cảnh Thịnh 180.
- Sắc phong ngày 25 tháng 9 năm thứ 6 niên hiệu Thành Thái 189 có ghi: Sắc phong cho thôn Khổ Nội xã Nga Khê, huyện Thiên Lộc, tỉnh Hà Tĩnh phụng thờ thần đô chỉ huy sứ Hồ Tướng công đã hiện rõ linh ứng, từ trước tới giờ chưa được dự phong. Nay nhận lệnh lớn của thần có thể phong làm dực bảo trung hưng linh phù chi thần, chuân cho theo cũ phụng thờ để thần giúp đỡ, che chở cho dân đen của ta.
Sau khi Hồ văn Hoa mất, nhân dân quê hương nhớ tới ông, đưa ông về tế ở Thái Miếu Thổ Hoàng – Phương Mỹ ( chiêu hồn).
Đời vua Thành Thái thứ 6 (1895) mới cho xây đền thờ ông tại xã Phương Mỹ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đền thờ bị sụp đổ xuống cấp, chỉ còn lại 2 cột nanh và 4 câu đối đọc không rõ chữ. Bà con trong họ rước về thờ ông tại nhà thờ Hồ Đức Trong xã.
Nhà thờ Hồ Văn Hóa đã được xếp hạng di tích LSVH cấp tỉnh năm 2010.


* Nhà thờ: Phạm Đình Ban – Phạm Đình Chân.

Địa điểm: xã Hòa Hải, Hương Khê, Hà Tĩnh.
Tóm tắt nội dung:
Vào những năm cuối thế kỷ 19, hưởng ứng Chiếu Cần Vương, một làn sóng yêu nước chống thực dân Pháp lan rộng khắp cả nước, nghĩa quân được tổ chức thành những quân thứ, mời quân thứ đóng ở một huyện, tỉnh hoặc một tổng, một lòng Đình Nguyên Phan Đình Phùng đã chia thành 15 quân thứ:
- Khê thứ (huyện Hương Khê) do Nguyễn Thoại và Trần Hữu Chân chỉ huy, trong đội quân khê thứ này có hai anh em ruột được nghĩa quân Phan Đình Phùng giao trọng trách chỉ huy nghĩa quân, gọi là lãnh bình đó là Phạm Đình Ban và Phạm Đình Chân.
- Phạm Đình Ban và Phạm Đình Chân không rõ năm sinh nào.
- Quê quán: Xã Hòa Hải, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.
- Trong một trận chiến đấu không cân sức, Phạm Đình Ban và Phạm Đình Chân đã anh dũng hy sinh tại chiến trận, thi hài của hai ông đã bị thất truyền, về sau dòng họ đã làm mộ tượng trưng bằng xương dâu để tế lễ thật là đau xót (có thể hy sinh vào những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Pháp do Phan Đình Phùng lãnh đạo).
- Giá trị Lịch sử - Văn hóa:
Phạm Đình Ban, Phạm Đình Chân là những nhân vật lịch sử có nhiều đóng góp trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và bê lũ tay sai vào những năm cuối thế kỷ XIX. Hai ông đã anh dũng hy sinh tại chiến trường khi tuổi đời còn rất trẻ, hiến dâng đời mình cho tổ quốc Việt Nam yêu quý, cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, lãnh tụ Phan Đình Phùng và các tướng sỹ nghĩa quân Hương Khê, trong đó có hai lãnh binh Phạm Đình Ban và Phạm Đình Chân vẫn sống mãi với quê hương đất nước và trong nhân dân.
Nhà thờ Phạm Đình Ban, Phạm Đình Chân đã được xếp hạng di tích LSVH cấp tỉnh năm 2008.
DI TÍCH LSVH QUỐC GIA
ĐỊA ĐIỂM CHỈ HUY SỞ TIỀN PHƯƠNG
 TỔNG CỤC HẬU CẦN, BỘ TƯ LỆNH 559, BỘ TƯ LỆNH 500

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước huyện Hương Khê nói chung và xã Hương Đô nói riêng có vị trí chiến lược quan trọng, là điểm nút tiếp nối đường quốc lộ 15A với đường 21, đường 22 ở tỉnh Quảng Bình để trung chuyển quân, lương, vũ khí chi viện cho chiến trường Miền Nam. Trong thời gian từ 1966- 1970 xã Hương Đô liên tục được chọn địa điểm đóng Chỉ huy Sở của 3 Bộ Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.
- Chỉ huy sở Tổng cục hậu cần tiền phương;
- Chỉ huy sở cơ bản của Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn;
- Chỉ huy sở Bộ tư lệnh 500.
Theo Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương kiêm Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, xác nhận: Vị trí này đã hội tụ đủ điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa với 4 cái nhất: An toàn nhất, bí mật nhất, bất ngờ nhất và có thời gian lâu nhất.
Năm 2005 Di tích Chỉ huy Sở Tiền phương Tổng cục hậu cần, Bộ Tư lệnh 559, Bộ tư lệnh 500 được Bộ Văn hóa –Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích LSVH cấp quốc gia. Năm 2013 được công nhận là DTLSVH cấp quốc gia đặc biệt trong hệ thống di tích lịch sử đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Hà Tĩnh theo Quyết định số 2383/2013/QĐ- TTg ngày 9/12/2013.
Theo dòng chảy lịch sử - di tích lịch sử Chỉ huy Sở Tiền phương Tổng cục hậu cần, Bộ Tư lệnh 559, bộ tư lệnh 500 đã đi vào lịch sử là biểu tượng của sức mạnh Việt Nam, là nơi hành hương hướng về cội nguồn của cán bộ và chiến sỹ bộ đội Trường sơn anh hùng, là niềm tự hào của Nhân dân địa phương.
Hiện nay Di tích  nằm cách đường quốc lộ 15A khoảng 0,5km, đường Hồ Chí Minh 1,5 km về phía Đông trên diện tích gần 6000 m2.. Di tích được nằm trong khu dân cư làng mạc, được Nhân dân gìn giữ bảo vệ.
  Năm 2011 được đầu tư dự án phục dựng một số hạng mục như: Bia dẫn tích; Nhà đón tiếp; đường giao thông hào; nhà hội trường; nhà làm việc; hầm trú ẩn; hầm làm việc với tổng mức đầu tư 6 tỷ đồng.
Trong chiến tranh Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hương Đô đã phát huy   truyền thống cách mạng và yêu nước, rất mực yêu thương giúp đỡ bộ đội, giữ bí mật tuyệt đối Sở chỉ huy, tham gia đóng góp sức người, sức của đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Với thành tích chiến đấu và phục vụ chiến đấu xuất sắc xã Hương Đô được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng LLVT.
Trong công cuộc đổi mới với tiềm năng và lợi thế Hương Đô là vùng trọng điểm phát triển cây ăn quả đặc sản Bưởi Phúc Trạch và cam Khe Mây thơm ngon nổi tiếng. Hiện nay Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Hương Đô đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống quê hương anh hùng, tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế xã hội xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất của Nhân dân đặc biệt là đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nông thôn mới.