Thứ Sáu, 4 tháng 8, 2017

ĐÓN LÀN GIÓ MỚI "OCOP”


Vừa qua, Đoàn cán bộ của huyện Hương Khê do đồng chí Ngô Xuân Ninh – Phó Bí thư Thường Trực Huyện ủy dẫn đầu đã đến học tập kinh nghiệm thực tế Chương trình “ Mỗi xã, phường một sản phẩm – OCOP”, chương trình  xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thị xã Đông Triều. Tiếp đoàn có các đồng chí: Hoàng Văn Thắng, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, đồng chí Nguyễn Thị Bích Liên, Phó Chủ tịch HĐND thị xã; đồng chí Hoàng Văn Đề, Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Thị ủy.



Đoàn đã đi tham quan thực tế mô hình trồng cây Na (na dai) và mô hình sản xuất sữa tươi thanh trùng của Công ty Cổ phần sữa An Sinh tại xã An Sinh, đây là hai sản phẩm OCOP tiêu biểu của thị xã Đông Triều.
“Mỗi xã, phường một sản phẩm” (tiếng Anh là One commune, one product- viết tắt là OCOP) là mô hình được học tập từ phong trào “Mỗi làng một sản phẩm của của Nhật Bản” (tiếng Anh là One village, one product- viết tắt là OVOP), phong trào này được triển khai đầu tiên ở Nhật Bản từ thập niên 70 của thế kỷ trước và đã mang lại nhiều lợi ích người dân. Đến nay đã có hơn 40 nước học theo và đã triển khai rất thành công góp phần mang lại đời sống ấm no cho người dân vùng nông thôn. “Mỗi xã, phường một sản phẩm” thực chất là giải pháp để phát triển kinh tế từ các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, truyền thống văn hóa, danh thắng các địa phương vốn dĩ là những tiềm năng lợi thế của các vùng miền chưa được phát huy, khai thác để phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn.
Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình OCOP, đến nay toàn thị xã Đông Triều đã có 29 sản phẩm tham gia chương trình, kết quả đánh giá phân hạng sản phẩm của tỉnh Quảng Ninh thì các sản phẩm đều đạt từ 3-4 sao, trong đó có những sản phẩm rất đặc trưng, như: Nếp cái hoa vàng; sữa tươi thanh trùng; du lịch làng quê Yên Đức; gốm sứ Đông Triều… Sau khi thực hiện chương trình OCOP việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún được giải quyết bằng việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung, đầu tư hạ tầng kỹ thuật ( như đường giao thông, kênh mương thủy lợi…), chương trình đã thúc đẩy việc sản xuất, khai thác các tiềm năng và thế mạnh của địa phương, xây dựng mối liên hệ hữu cơ giữa các hộ sản xuất, tổ chức cá nhân qua mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX, tổ hợp tác, tạo sự liên hệ chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Có thể khẳng định Chương trình OCOP là hướng đi đúng đắn, nét riêng có của chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với phát triển du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất.
Đồng chí Ngô Xuân Ninh - Phó Bí thư Thường Trực Huyện ủy, trưởng đoàn công tác huyện Hương Khê đã chúc mừng và đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện Chương trình OCOP của thị xã Đông Triều trong thời gian qua. Những cách làm mới, cách làm hay và những bài học kinh nghiệm được trao đổi chia sẻ qua buổi làm việc sẽ góp phần giúp đoàn cán bộ Hương Khê có thêm nhiều kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và áp dụng có hiệu quả trong quá trình triển khai thực thực hiện Chương trình OCOP tại huyện Hương Khê trong thời gian tới.





                                                                                                     Phúc Anh
http://www.quangninh.gov.vn/Style%20Library/Images/QuangNinhBlue/0.gif 

Không có nhận xét nào: