Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân huyện Hương Khê


1. Anh hùng Võ Hồng Tuyên (tức Võ Lê)
 Anh hùng Võ Hồng Tuyên sinh năm 1941, đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, dân tộc Kinh. Quê quán: xã Hương Mai, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Nhập ngũ tháng 4 năm 1959. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là Chuẩn úy trinh sát thuộc Đại đội 2 công an nhân dân vũ trang Hà Tĩnh.
Thực hiện chủ trương của hai Đảng, hai Nhà nước về phối hợp với lực lượng an ninh bạn Lào cùng giữ gìn trật tự an ninh biên giới giữa hai nước Việt Nam và Lào. Năm 1964, Võ Hồng Tuyên được giao phụ trách 3 xã Na Pê, Nậm Thập, Nậm Veo thuộc huyện 90, tỉnh Khăm Muộn. Vùng này của Bạn tuy đã được giải phóng từ năm 1962 nhưng chưa có điều kiện củng cố, xây dựng nên tình hình trật tự trị an còn phức tạp, số ngụy quân, ngụy quyền, đảng phái phản động ở rải rác khắp 47 bản. Chính quyền cách mạng mới có ở 19 bản, còn phần lớn do bọn phó bản cũ trước đây nắm. Nhân dân sống rất khổ cực, thường xuyên bị Phỉ khống chế. Trước những khó khăn nguy hiểm đó, đồng chí Tuyên phải ăn ngủ ngoài rừng tìm mọi cách tiếp xúc với nhân dân để tuyên truyền, giáo dục nhân dân tin tưởng vào cách mạng, giúp đỡ cán bộ địa phương hoạt động. Đồng chí luôn xem nhân dân các dân tộc Lào như người ruột thịt của mình, từ đó luôn nhường cơm sẻ áo cho những gia đình khó khăn, nhất là các cụ già, em nhỏ và gia đình nghèo khổ. Đồng chí cùng với đội trinh sát đồn Biên phòng 93 và cán bộ của Bạn vận động nhân dân chuyển hướng canh tác, đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống, làm cho cán bộ và nhân dân bạn rất tin tưởng và yêu mến đồng chí.
Cùng với cán bộ bạn Lào, từ năm 1967 đến năm 1968, Võ Hồng Tuyên vận động được 8 người theo Phỉ trở về làm ăn lương thiện, thuyết phục được 25 người khác trở về với gia đình. Đồng chí tham gia xây dựng và củng cố chính quyền, các đoàn thể, tổ chức cách mạng ở 3 xã và đến năm 1969 đã có 100% số xã có chính quyền vững mạnh, nhiều xã có phong trào bảo vệ trật tự trị an khá.
Năm 1965, một tên Phỉ nguy hiểm trốn trại và âm mưu đưa đồng bọn về tập kích trại giam do Bạn phụ trách. Biết được tin, Võ Hồng Tuyên bố trí cơ sở bí mật và chỉ đạo bắt được tên Phỉ này, từ đó Bạn lại càng thêm tin tưởng đối với cán bộ Việt Nam. Tháng 2 năm 1967, ngụy quyền Sài Gòn cho một toán gián điệp, biệt kích nhảy dù xuống vùng Phôn-xa-vang. Phát hiện địch, đồng chí báo cáo lên cấp trên, đồng thời cùng với một người dân và một dân quân bạn tổ chức truy lùng. Lực lượng địch khá mạnh nhưng Võ Hồng Tuyên khôn khéo nghi binh, chỉ huy tổ bắt được 4 tên (trong đó có 1 toán phó), thu vũ khí, điện đài và tài liệu quan trọng, tạo điều kiện cho đơn vị bạn tiêu diệt toàn bộ toán biệt kích đó.
Tháng 8 năm 1967, một toán gián điệp biệt kích người Lào xâm nhập vùng Na Pê. Đồn 93 truy lùng và tiêu diệt 2 tên, số còn lại chạy toán loạn vào rừng, ta truy lùng nhiều ngày đêm nhưng chưa thấy. Đồng chí bình tĩnh phán đoán địa điểm tập trung của chúng. Được cấp trên chuẩn y kế hoạch, đồng chí triển khai lực lượng, kết hợp chặt chẽ với Bạn truy lùng, bắt 10 tên mà vẫn giữ được bí mật cho cơ sở.
Với những thành tích đạt được đồng chí đã được khen thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 6 năm liên tục (1964 - 1969) là Chiến sỹ Thi đua, Chiến sỹ Quyết thắng, được tặng nhiều Bằng khen và Giấy khen.
Ngày 25 tháng 8 năm 1970, đồng chí Võ Hồng Tuyên vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
2. Anh hùng Hán Duy Long
Anh hùng Hán Duy Long sinh năm 1953, dân tộc Kinh. Quê quán: xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Nhập ngũ tháng 1 năm 1971. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là Thượng úy, Trung đội trưởng, Đại đội 9 bộ binh, Tiểu đoàn 3 bộ đội địa phương tỉnh Quảng trị, đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.
Từ năm 1971 đến năm 1973, Hán Duy Long chiến đấu ở Quảng Trị, đồng chí luôn luôn hăng hái dũng cảm dẫn đầu trong các trận đánh, năm lần bị thương vẫn không rời vị trí chỉ huy. Hai lần bị thương nặng, tuy vết thương chưa lành hẳn, Hán Duy Long vẫn xin trở lại đơn vị để tiếp tục chiến đấu.
Đồng chí cùng đồng đội diệt hàng trăm tên địch. Riêng Hán Duy Long diệt 90 tên, thu 1 máy thông tin và 8 khẩu súng các loại. Trong nhiều trận tham gia chiến đấu, điển hình là trận đánh điểm cao 30 (tây thị trấn Đông Hà) ngày 27 tháng 4 năm 1972, địch bắn mạnh, đơn vị không lên được, Hán Duy Long đã lợi dụng địa hình, dùng trung liên bắn thu hút hỏa lực địch về phía mình, tạo thuận lợi cho đồng đội xông lên đánh chiếm hoàn toàn điểm cao. Trận này, đồng chí diệt 15 tên, thu 1 súng.
Từ ngày 6 tháng 7 đến ngày 25 tháng 8 năm 1972, ở Quảng Trị, Hán Duy Long đã chiến đấu liên tục, bền bỉ, mưu trí, táo bạo, lập được nhiều chiến công. Có lúc trung đội chỉ còn 5 tay súng nhưng đồng chí vẫn động viên anh em giữ vững trận địa, bảo vệ thương binh. Lợi dụng đêm tối, Hán Duy Long nhiều lần dẫn tổ bất ngờ tiến công địch ở ngoài khu vực chốt, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Có trường hợp hết đạn, đồng chí bí mật vận động ra khỏi công sự, lấy súng đạn của những tên địch chết, mang về phân phát cho anh em. Trong 49 ngày liên tục chiến đấu, Hán Duy Long đã bị thương 4 lần nhưng vẫn không rời vị trí, tiếp tục chỉ huy đơn vị diệt gần 200 tên địch. riêng đồng chí diệt 38 tên, thu 4 súng các loại. Trong suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt, bên cạnh nhiệm vụ chiến đấu, Hán Duy Long luôn luôn chăm lo đến sự tiến bộ của đơn vị. Trung đội của đồng chí phụ trách luôn dẫn đầu mọi mặt trong tiểu đoàn.
Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu đồng chí được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì, 1 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, 4 lần là Dũng sỹ diệt Mỹ và được tặng 4 Bằng khen.
Ngày 15 tháng 1 năm 1976, Hán Duy Long vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
3. Anh hùng Hồ Đức Tự
Anh hùng Hồ Đức Tự sinh năm 1948, dân tộc Kinh. Quê quán: xã Hương Mỹ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh; Nhập ngũ tháng 12 năm 1964. Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là Thượng sỹ, Trung đội phó thông tin, Đại đội 5, Tiểu đoàn 133, Trung đoàn 596, Bộ Tư lệnh 559, đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.
Từ năm 1964 đến năm 1967, Hồ Đức Tự phụ trách một trạm thông tin đường dây ở khu vực nam đường số 9. Máy bay địch thường xuyên đánh phá nơi đây ác liệt. Nhiều ngày chúng đánh từ 10 - 15 lần cả ban ngày lẫn ban đêm do đó đường dây bị đứt nhiều đoạn. Trong tình huống khó khăn, nguy hiểm Hồ Đức Tự đã quyết tâm bám tuyến, hễ dây bị đứt là đi nối ngay. Có lần bị sức ép nặng bởi bom của địch, đồng chí vẫn cố gắng đi băng bó cho những thương binh khác xong lại tiếp tục làm nhiệm vụ. Hồ Đức Tự còn đi nhặt từng đoạn dây bị địch đánh đứt chắp nối lại để dùng, bảo đảm tiết kiệm được vật tư bảo đảm chiến đấu. Trên tuyến đường này Hồ Đức Tự đã có đến một trăm lần kịp thời nối lại đường dây bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt.
Hơn 6 năm làm nhiệm vụ ở nơi có bom đạn ác liệt, Hồ Đức Tự luôn nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đồng chí còn động viên anh em tích cực tăng gia sản xuất, tự túc phần lớn rau, thịt bảo đảm cho trạm.
Đồng chí được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công hạng Ba, 4 lần là Chiến sỹ Quyết thắng, được tặng thưởng 9 Bằng khen và Giấy khen.
Ngày 3 tháng 6 năm 1976, đồng chí Hồ Đức Tự được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
4. Anh hùng Phan Châu Mỹ
Anh hùng Phan Châu Mỹ sinh năm 1945, dân tộc Kinh. Quê quán: xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh; Nhập ngũ tháng 2 năm 1964.
Khi được tuyên dương Anh hùng, đồng chí là Thượng úy, chính trị viên Tiểu đoàn 7 bộ binh, Trung đoàn 29, Đoàn 565, Bộ Tư lệnh 559, đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.
Phan Châu Mỹ liên tục chiến đấu  ở chiến trường từ năm 1964 đến năm 1975, đồng chí đã tham gia 72 trận đánh, góp phần tích cực chỉ huy đơn vị diệt hơn 1.000 tên địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, riêng đồng chí Phan Châu Mỹ diệt 31 tên địch, phá hủy 1 khẩu ĐKZ.
Tháng 12 năm 1968, trong trận đánh Ma-Pô-Vát do địa hình lầy lội không có nơi đặt súng đồng chí đã làm giá súng đại liên cho đồng đội diệt 2 hỏa điểm tạo điều kiện cho đơn vị xông lên diệt gọn một đại đội địch.
Trong trận đánh Bà Tông tháng 03 năm 1970, tuy địch đông gấp nhiều lần (2 tiểu đoàn) Phan Châu Mỹ vẫn kiên quyết chỉ huy đơn vị tiến công mãnh liệt vào đội hình địch diệt 116 tên, phá huy 1 khẩu ĐKZ. Trận đánh đã phá vỡ cuộc càn của địch vào vùng giải phóng của bạn Lào.
Tháng 12 năm 1968, Phan Châu Mỹ chỉ huy đơn vị tham gia chiến dịch Pô-Lô-Ven mặc dù số quân ít, lương thực, đạn dược thiếu thốn nhưng đồng chí đã động viên anh em đánh nhiều trận xuất sắc, riêng Phan Châu Mỹ đã dẫn đầu đại đội tập kích tiêu diệt gọn 1 đại đội địch trong trận đánh then chốt quyết định của chiến dịch tạo điều kiện cho toàn đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tháng 11 năm 1971, 2 tiểu đoàn địch phản kích vào Lao-Ngam hòng chiếm lại khu vực Keng Nhao, Phan Châu Mỹ trực tiếp chỉ huy tiểu đoàn tiến công quyết liệt diệt gần 100 tên địch, giữ vững khu vực được giao.
Phan Châu Mỹ được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 1 Huân chương Chiến công hạng Ba, được tặng thưởng 17 Bằng khen, Giấy khen các loại, 4 lần được bầu là Chiến sỹ Quyết thắng.
Ngày 6 tháng 11 năm 1978, Phan Châu Mỹ được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Không có nhận xét nào: