Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

CÁC YÊU CẦU ĐẶT RA ĐỐI VỚI MỘT BÀI THUYẾT TRÌNH



PGS.TS HOÀNG ANH
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Thuyết trình là một hoạt động quan trọng, không thể thiếu được trong cuộc sống. Xã hội  càng phát triển, vai trò của thuyết trình càng được đề cao thì vấn đề làm thế  nào để thuyết trình đạt hiệu quả như mong đợi luôn được mọi người, nhất là các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm.
Chỉ tính khoảng thời gian hơn mười năm trở lại đây, đã có hàng trăm cuốn sách viết về thuyết trình. Trong đó, có thể kể đến: Phương pháp hùng biện [9], nghệ thuật nói trước công chúng [3,6], phương pháp luyện kỹ năng nói chuyện có hiệu quả trước công chúng [2], nghệ thuật nói chuyện trước công chúng [5], nghệ thuật phát biểu miệng [4], bài giảng kỹ năng thuyết trình [7], v.v. Các công trình nói trên đã đề cập một cách toàn diện và hệ thống các vấn đề liên quan tới hoạt động thuyết trình, từ các thao tác chuẩn bị bài thuyết trình cho tới việc thực hiện bài thuyết trình và xử lý các tình huống phát sinh.
Tuy nhiên, do cuộc sống vận động liên tục và nhanh chóng; mặt khác, mỗi lĩnh vực của đời sống xã hội có những đặc điểm riêng, cho nên trong những hoàn cảnh cụ thể, xung quanh vấn đề thuyết trình thường xuyên xuất hiện những khía cạnh mới cần được cập nhật, bổ sung hoặc xem  xét làm rõ cả về chiều sâu lẫn chiều rộng để sự vận dụng trong thực tiễn đạt kết quả tốt nhất.
Với tinh thần đó, bài viết của chúng tôi không có kỳ vọng đưa ra sự khảo sát thấu đáo các vấn đề liên quan đến thuyết trình, mà chỉ bước đầu bàn về những yêu cầu đặt ra đối với bài thuyết trình của người làm công tác tuyên truyền trong điều kiện hiện nay từ góc nhìn của một người giảng dạy, nghiên cứu và trực tiếp tác nghiệp trong lĩnh vực truyền thông.
Theo chúng tôi, một bài thuyết trình nên đáp ứng các yêu cầu dưới đây:
1. Về nội dung
1.1. Mới mẻ
Nội dung bài thuyết trình phải chứa đựng những thông tin nóng hổi, sốt dẻo. Đó là những điều công chúng chưa biết hoặc biết một cách sơ lược, chưa đầy đủ. Nếu thông tin đã được phổ biến rộng rãi, người thuyết trình phải đưa ra góc nhìn mới, cách tiếp cận mới, cách luận giải mới hoặc những dữ liệu mới nhằm tạo lập và duy trì sự quan tâm của công chúng.
Ví dụ: Nhiều người cho rằng, muốn tạo dựng niềm tin, cần phải nói đúng. Nhưng thực tế, có người nói những điều không đúng nhưng công chúng vẫn tin; ngược lại, có người nói điều đúng công chúng lại cảm thấy không đủ tin cậy. Như vậy, vấn đề không chỉ ở chỗ là nói đúng, mà còn ở cách nói, ở cách thể hiện niềm tin của người nói đối với vấn đề được nói tới sao cho nó tạo ra hiệu ứng lan tỏa, chế ngự người nghe. Điều này có nghĩa là ngoài việc nói đúng, chúng ta cần phải chú trọng rèn luyện phương pháp nói mới có thể thuyết phục được công chúng.
1.2. Gần gũi
Các dữ kiện của bài thuyết trnhf phải tạo cho công chúng cảm giác gần gũi theo ý nghĩa trực tiếp của từ này. Sự gần gũi này có thể bao hàm các khía cạnh:
+ Gần gũi về không gian (gần địa bàn sinh sống, công tác). Người sinh sống, công tác tại Hà Nội sẽ quan tâm tới những gì xảy ra ở Hà Nội và các tỉnh lân cận (Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, v.v.) hơn các nơi khác. Người Việt Nam quann tâm tới những gì xảy ra tại Việt nam và các nước láng giềng hơn các nước khác.
+ Gần gũi về thời gian (gần hiện tại). Công chúng quan tâm hơn cả tới những gì xảy ra ở thời điểm hiện tại hoặc quá khứ và tương lai gần. Người thuyết trình luôn cố gắng nhấn mạnh rằng: khoảng cách từ thời điểm phát thông tin (thời điểm anh ta nói trước công chúng) đến thời điểm xảy ra sự kiện là ngắn nhất, hoặc không có. Điều này được thể hiện rõ ràng thông qua việc  sử dụng từ ngữ:
- Quá khứ: vừa, vừa mới, mới, hôm qua, hôm nay, lúc 14 giờ chiều nay, cách đây 2 tiếng, cách đây chưa đầy 1 tuần, chỉ cách đây chừng nửa tháng, khi tôi trên đường tới đây, v.v.
- Hiện tại: đang, hiện đang, khi chúng ta gặp gỡ tại đây, đang dự lớp học này, lúc này, thời điểm này, v.v.
- Tương lai: sắp, ngày mai, sắp tới, chỉ ít ngày nữa, chỉ một thời gian ngắn nữa, không đầy một tuần nữa, v.v.
+ Gần gũi với môi trường chuyên môn, đời sống hàng ngày của công chúng. Như một lẽ tự nhiên, công chúng bao giờ cũng quan tâm tới những gì xảy ra trong lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp, môi trường sống của họ. Giáo viên quan tâm hơn tới những vấn đề học đường; nông dân quan tâm hơn tới những vấn đề trồng trọt, chăn nuôi; tríc thức quan tâm hơn tới các vấn đề khoa học; người khá giả quan tâm tới du lịch hơn người nghèo, v.v.
+ Gần gũi với lợi ích của công chúng. Trong bài thuyết trình cần có những thông tin liên quan trực tiếp tới lợi ích của công chúng. Thực tế cho thấy, thông tin lợi ích luôn thu hút được sự chú ý to lớn và đạt hiệu quả giao tiếp cao.
Ví dụ, về cùng một sự kiện có hai cách nói như sau:
Việc tiến hành xây dựng công trình này sẽ làm hủy hoại toàn bộ môi trường sinh thái của dòng sông. (1)
Việc tiến hành xây dựng công trình này sẽ làm cho toàn bộ ngư dân sống hai bên bờ sông thất nghiệp. (2)
Cách nói (2) đã chạm vào lợi ích trực tiếp của người nhận tin nên đã có tác động to lớn: Toàn bộ cư dân sống hai bên bờ sông xuống đường biểu tình để phản đối việc xây dựng công trình. Cách nói (1) gây được ấn tượng về mức  độ tàn phá của công trình nhưng lại khá mơ hồ về mặt trách nhiệm cũng như lợi ích cho nên không gây được hiệu ứng như mong đợi.
Trong thưc tế đời sống, việc tăng, giảm giá các mặt hàng tiêu dùng (xăng, điện, nước, v.v.); các vấn đề liên quan tới an toàn giao thông; các vấn đề ô nhiễm môi trường; những thay đổi trong chính sách giáo dục, y tế; việc điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân, v.v. luôn gắn chặt với lợi ích của công chúng nên thường giành được sự quan tâm đặc biệt.
2. Về hình thức
2.1. Về sử dụng ngôn ngữ
Ngôn ngữ của bải thuyết trình cần thể hiện được các tính chất sau đây: chính xác; rõ ràng, dễ hiểu; ngắn gọn; hay; phù hợp.
- Chính xác: ngôn ngữ trong thuyết trình phải đạt tới sự chính xác cao cả về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp lẫn phong cách. Các sai sót về phương diện này có thể khiến công chúng khó hiểu hoặc hiểu sai thông tin; trong nhiều trường hợp có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Ví dụ:
Sắp tới, sẽ còn nhiều quan chức cao cấp hơn nữa phải ra hầu tòa. (1)
- Sắp tới, sẽ còn nhiều hơn nữa các quan chức cao cấp phải ra hầu tòa. (2)
Cách nói (1) nhấn mạnh yếu tố chất lượng (sẽ có những quan chức cao cấp hơn so với các quan chức đã bị bắt, phải ra hầu tòa).
Cách nói (2) nhấn mạnh yếu tố số lượng (ngoài các quan chức đã bị bắt, còn nhiều quan chức cao cấp khác cũng sẽ bị ra hầu tòa). Như vậy, hai cách nói này không thể thay thế cho nhau.
Ví dụ:
- Nhiều người bị phá sản vì thói tư duy bầy đàn của mình. Cách nói này làm người nghe bị tổn thương sâu sắc. Theo chúng tôi, cần sửa thành “Nhiều người bị phá sản vì kiểu kinh doanh theo đám đông của mình”.
- Rõ ràng, dễ hiểu: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Tục ngữ nói “gẩy đàn tai trâu” là có ý chế người nghe không hiểu. Song những người tuyên truyền mà viết và nói khó hiểu, thì chính người đó là “trâu” [5, t, tr.340].
Để ngôn ngữ của bài thuyết trình rõ ràng, dễ hiểu, cần chú ý:
+ Sử dụng từ ngữ phổ cập toàn dân;
+ Dùng câu đơn giản, có trật tự thuận: chủ ngữ trước, vị ngữ sau; câu có cấu trúc chủ động (đây là những cách nói quen thuộc, phù hợp với cách cảm, cách nghĩ người Việt).
+ Sử dụng số liệu một cách khoa học: đúng liều lượng; làm tròn với con số lớn, không đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối; dùng chữ thay cho con số (một phần tư thay cho 25%, nửa triệu thay cho 500.000, v.v.), đưa căn cứ để so sánh khi con số nằm ngoài khả năng nhận thức của công chúng (rất ít người hiểu rõ giá trị của năm trăm nghìn tỷ, vì thế phải chỉ rõ thêm số tiền đó tương đương lương của bao nhiêu người trong bao nhiêu năm hoặc có thể dùng để xây dựng bao nhiêu mét vuông nhà ở, cho bao nhiêu người đến sống); thay cho con số bằng hình ảnh để dễ cảm nhận (lỗ thủng tầng ô zôn bằng diện tích cả châu Á và châu Âu cộng lại.
- Ngắn gọn: Ngắn gọn giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho người nói và người nghe. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, trong cùng một đơn vị thời gian người ta muốn nhận được càng nhiều thông tin càng tốt. Khi nghe, công chúng phải tập trung tư tưởng cao độ. Sự tập trung như vậy kéo dài sẽ dẫn tới sự mệt mỏi, căng thẳng, làm suy giảm hứng thú của người nghe. Nói dài có thể làm loãng thông tin hoặc mắc các dạng lỗi khác nhau, cả về nội dung cả hình thức.
Theo các chuyên gia, một bài thuyết trình không nên kéo dài quá 2 giờ đồng hồ.
- Hay: Đây là đặc điểm quan trọng giúp bài thuyết trình chinh phụ công chúng cả về lý trí lẫn cảm xúc. Bài thuyết trình phải đạt tới tiêu chuẩn hay không chỉ về nội dung mà còn về cách thức thể hiện của diễn giả.
Người thuyết trình nên:
- Nói một cách truyền cảm, thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới điều đang trình bày;
- Thay đổi ngữ điệu linh hoạt tùy theo hoàn cảnh;
- Nhấn mạnh tính mới mẻ, gần gủi của thông tin;
- Khai thác chất liệu văn học; thành ngữ, tục ngữ cùng các biện pháp tu từ khác (ẩn dụ, so sánh, v.v.).
- Sử dụng việc chơi chữ, nói dựa, trích dẫn.
- Phù hơp: Đây là một tính chất không thể thiếu của ngôn ngữ thuyết trình. Ngôn ngữ của bài thuyết trình cần phải:
+ Phù hợp với đối tượng: Với các đối tượng người khác nhau, người thuyết trình phải sử dụng ngôn ngữ theo các dạng thức khác nhau (với người cao tuổi: ngôn ngữ trang trọng, đúng mực, thể hiện sự tôn kính, lễ phép; với thiếu nhi: ngôn ngữ giản dị, thân mật, thể hiện sự ân cần, thân thiện; với trí thức: ngôn ngữ mang chiều sâu trí tuệ, kích thích tư duy, v.v.).
+ Phù hợp với nội dung: Nội dung cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến việc sử dụng ngôn ngữ. Nói về các vấn đề khoa học, ngôn ngữ phải đơn nghĩa, chặt chẽ, chính xác, khách quan; nói về các vấn đề của đời sống sinh hoạt hàng ngày, ngôn ngữ phải đại chúng, giàu tính biểu cảm, tính bình giá; kêu gọi công chúng thực hiện hành động nào đó, (dưới dạng bài diễn văn), ngôn ngữ phải sống động, giàu hình ảnh, tha thiết, giàu âm hưởng, v.v.
+ Phù hợp với môi trường văn hóa – xã hội: Ngôn ngữ của bài thuyết trình cần mang hơi thở ấm nóng của cuộc sống hiện nay, bám sát sự vận động và phát triển của ngôn ngữ dân tộc. Trong bài thuyết trình, nếu có thể, nên chú ý nên sử dụng các yếu tố ngôn ngữ mới xuất hiện nhưng được xã hội thừa nhận và có tính phổ biến rộng rãi. Đó trước hết là lớp từ mới của thời kỳ hội nhập như: toàn cầu hóa, Internet, con chíp, ổ cứng, đĩa mềm, thư điện tử trực tuyến, thẻ nhớ, cư dân mạng, điện thoại di động, kinh tế tri thức, nhà đầu tư, lên sàn, giao dịch chứng khoán, niêm yết, giải ngân, thẻ tín dụng, tỷ gí, .v.v.
2.2. Về sử dụng các yếu tố bổ trợ khác
Các yếu tố bổ trợ khác có thể chia thành 2 loại: 1, những gì luôn gắn liền với chủ thể thuyết trình như: nét mặt, ánh mắt, dáng vẻ, cử chỉ, tư thế, nụ cười, trang phục; 2, các phương tiện bên ngoài gắn liền với các thiết bị kỹ thuật như hình ảnh (tĩnh và động), âm thanh, các đồ vật minh họa, v.v.
Các yếu tố bổ trợ mang lại nhiều lợi ích như: hỗ trợ đắc lực cho việc chuyển tải thông tin, làm cho bài thuyết trình trở nên sống động, đa dạng về hình thức thể hiện, giúp người nghe lĩnh hội được dễ dàng và đầy đủ các thông điệp gửi tới họ, v.v.
Tuy nhiên, cần lưu ý là: Sử dụng các yếu tố trên một mặt phỉa phù hợ với nội dung và bối cảnh giao tiếp, mặt khác, cần tránh lạm dụng chúng để không cản trở người nghe tiếp nhận thông tin nằm trong ý nghĩa của ngôn từ. Đối với các phương tiện kỹ thuật cần có sự chuẩn bị trước kỹ lưỡng.
3. Về lập luận
Lập luận là “Sắp xếp lí lẽ một cách có hệ thống  để trình bày, nhằm chứng minh cho một kết luận về một vấn đề” [11, tr.176]. Như vậy, bản chất của lập luận là chứng minh, và việc chứng minh này chỉ được xem là thành công khi nó làm cho người khác chia sẻ, đồng cảm hoặc chấp nhận một ý kiến, một nhận định (thường được gọi là luận đề) nào đó.
Muốn vậy, khi chứng minh một luận đề, người thuyết trình phải sử dụng những lý lẽ, dẫn chứng xác đáng, cụ thể, tiêu biểu, ấn tượng, nằm trong mối quan hệ chặt chẽ, lô gic, có khả năng thể hiện một cách thuyết phục và nhất quán tư tưởng, khiến cho người nghe thấy luận đề đó là đúng đắn hoặc không có căn cứ để phản bác nó.
Có nhiều cách lập luận nhưng thường gặp hơn cả là   diễn dịch, quy nạp và tổng-phân-hợp.
Dưới đây là một số ví dụ:
... Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.
Chúng chỉ thi hành những pháp luật dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.
Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khỏi nghĩa của ta trong những bể máu.
Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.
Chúng dùng thuốc phiện, rượu, cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.
Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều.
Chúng cướp không ruộng đất, rừng, mỏ, nguyên liệu.
Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên  bần cùng.
Chúng không cho các nhà tư sản ta được giầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn” [5, t.4, tr.1-3].
Đây là lập luận theo kiểu diễn dịch. Việc lặp lại từ “chúng” 14 lần liên tiếp, với những mô hình caauc ó khả năng tạo âm hưởng, cùng những lý lẽ xác thực, tiêu biểu và đa diện đã làm cho đoạn văn có sức tố cáo hết  sức mạnh mẽ, đanh thép.
“Nhân dân ta tốt thật. Nhưng ta nên ghi nhớ câu chuyện anh Tăng. Địch tuyên truyền xảo quyệt và bền bỉ, ngày này đến ngày khác, năm này đến năm khác. “Giọt nước rỏ lâu đá cũng mòn”. Cho nên không khỏi có một số đồng bào bị địch tuyên truyền mãi mà hoang mang” [5, t.8, tr.491].
Đây là lập luận theo kiểu quy nạp. Câu đầu tiên có lẽ là sự kết nối đoạn văn này với đoạn văn phía trước. Lý lẽ chứng minh cho luận đề bắt đầu được đưa ra từ câu thứ hai “Nhưng ta nên ghi nhớ câu chuyện anh Tăng”. Đó là ví dụ kinh điển đã được lưu giữ trong sách vở từ nhiều đời nay, về việc một thông tin, cho dù không đúng sự thật nhưng được các chủ thể khác nhau lặp đi lặp lại nhiều lần, có thể tác động mạnh mẽ như thế đến nhận thức và hành vi của người nhận. Từ đây, Bác dẫn tiếp lỹ lẽ về bối cảnh thực tại, và trên cơ sở liên hệ, so sánh, chúng ta dễ dàng nhận thấy kết luận của Bác là hoàn toàn thỏa đáng: Nếu trong câu chuyện về anh Tăng, chỉ cần ba người nhắc lại một cách tự phát cùng một thông tin đã khiến cho mẹ anh Tăng hoàn toàn bị lung lạc lòng tin, thì hiện tại, khi kẻ địch mở cả chiến dịch tuyên truyền liên tục, kéo dài và rộng khắp, với những phương cách tinh vi, xảo quyệt, việc một số đòng bào ta bị dao động là lẽ thường.
Như vậy, thông qua cách lập luận đi từ xa đến gần, từ sách vở đến thực tiễn, từ mức độ thấp đến mức độ cao, tư tưởng của Bác dễ dàng ngâm sâu vào lòng người và lắng đọng ở đó một cách vững chắc.
Tiếng Việt của chúng ta rất đẹp; đẹp như thế nào, đó là điều rất khó nói. Chúng ta không thể nói tiếng ta đẹp như thế nào, cũng như không thể nào phân tích cái đẹp của ánh sáng, của thiên nhiên. Nhưng đối với chúng ta là người Việt Nam, chúng ta cảm thấy và thưởng thức một cách tự nhiên cái đẹp của tiếng nước ta, tiếng nói của quần chúng nhân dân trong ca dao và dân ca, lời văn của các nhà văn lớn. Có lẽ tiếng Việt của chúng ta đẹp, bởi vì tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp, bởi vì đời sống, cuộc đấu tranh của nhân dân ta tư trước tới nay là cao quý, là vĩ đại, nghĩa là rất đẹp.
Đây là lập luận theo kiểu tổng – phân – hợp. Sau  khi đi ra luận đề, tác giả khẳng định đây là luận đề rất khó, thậm chí không thể chứng minh vì cái đẹp của tiếng Việt cũng giống như vẻ đẹp của ánh sáng thiên nhiên, có thực, phổ biến, thậm chí mang tính tất yếu nhưng chỉ cảm nhận được chứ không diễn đạt được thành lời. Song, tự thân sự so sánh này đã là một luận cứ tinh tế, sâu sắc, đạt tới đỉnh cao của sự thuyết phục.
Kế đó, vẫn theo dòng chảy của tư tưởng khó chứng  minh cái đẹp của tiếng Việt, tác giả đưa tiếp lý lẽ dưới dạng phỏng đoán: “Có là tiếng Việt của chúng ta đẹp, bởi vì tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp, bởi vì đời sống, cuộc đấu tranh của nhân dân ta từ trước tới nay là cao quý, là vĩ đại, nghĩa là rất đẹp”. Từ “có lẽ” làm cho câu văn có giọng điệu thật mềm mại, nhẹ nhàng, khiến người đọc có cảm giác đây mới chỉ mới là  suy nghĩ ban đầu chưa có gì chắc chắn của tác giả. Thế nhưng toàn bộ nội dung phía sau lại hoàn toàn xác đáng, mọi người đều thừa nhận tính đúng đắn của những nội dung đó một cách vô điều kiện, nghĩa là đây là những luận cứ đầy sức nặng, không thể phản bác. Và chính sự tương phản giữa cái nhẹ nhàng, mềm mại của hình thức câu chữ và cái mạnh mẽ, chắc chắn của nội dung bên trong đã giúp câu văn vừa gây được ấn tượng lại vừa giàu sức thuyết phục.
Từ các ví dụ trên, một trong những bài học quan trọng có thể rút ra là: khi lập luận, những lý lẽ, dẫn chứng cần được lựa chọn, sắp xếp sao cho chúng đều góp phần làm  rõ, bổ sung và nâng cao giá trị của nhau, qua đó, tăng cường khả năng tác động tổng thể của cả sản phẩm lập luận.
Trên đây là một số điều trao đổi giúp nâng cao tính thuyết phục của bài thuyết trình. Có thể các ý kiến mới được trình bày ở mức độ sơ lược hoặc mang nặng dấu ấn chủ quan, song tác giả vẫn hy vọng chúng sẽ hữu ích, dù ở mức độ nhỏ nhất, cho tất cả những ai quan tâm.

(1) Xem thêm bài viết: “Một số thủ pháp về ngôn ngữ nhằm nâng cao tính hiệu quả của bài phát biểu trước công chúng” của tác giả Hoàng Anh trong cuốn: “Những kỹ năng về sử dụng ngôn ngữ trong truyền thông đại chúng”, Nxb Đại học Quốc gia, HN, 2008, tr.7-22.
(2) Dẫn theo: Bùi Minh Toán – Lê A – Đỗ Việt Hùng, Tiếng Việt thực hành, Nxb Giáo dục, 1997, tr.43.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hoàng Anh, Những kỹ năng về sử dụng ngôn ngữ trong truyền thông đại chúng, Nxb Đại học Quốc gia, HN, 2008.
2. Dale Carnegie, Phương pháp luyện kỹ năng nói chuyện có hiệu quả trước công chúng (Tuyết Minh dịch), Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2004.
3. Barry Clough, Nghệ thuật nói trước công chúng (Biên dịch: Việt Văn Books), Nxb Hồng Đức, HN, 2008.
4. Lương Khắc Hiếu (chủ biên), Nghệ thuật phát biểu miệng, Nxb CTQG, HN, 2005.
5. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2011, t.4, 5, 8.
6. Raymond De Saint Laurent, Nghệ thuật nói chuyện trước công chúng, Nxb Văn hóa – Thông tin, 2004.
7. Nguyễn Hiến Lê, Nghệ thuật nói chuyện trước công chúng, Nxb Văn hóa – Thông tin, 2003.
8. Dương Thị Liễu (chủ biên), Bài giảng kỹ năng thuyết trình, Nxb Đại học Kinh tế quốc dân, 2009.
9. Bùi Minh Toán – Lê A – Đỗ Việt Hùng, Tiếng Việt thực hành, Nxb Giáo dục, 1997.
10. Liêu Chí Trung: Phương pháp hùng biện, Nxb Thanh niên, HN, 2000.
11. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Nxb Từ điển bách khoa, 2010.

Không có nhận xét nào: