Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

HƯƠNG KHÊ SAU 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 5 (KHÓA VIII)


Là huyện duy nhất ở Hà Tĩnh có dân tộc thiểu số cùng chung sống với người Kinh, bao gồm các dân tộc Chứt, Mường, Hoa, Lào1 và có tỉ lệ giáo dân đông nhất tỉnh, chiếm 28% dân số, có thể nói Hương Khê là huyện miền núi có nhiều nét văn hóa đặc trưng của tỉnh Hà Tĩnh. Dưới ánh sáng của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và Nghị quyết 11-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) đã góp phần đưa cả hệ thống chính trị và toàn xã hội có những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động về vai trò, nhiệm vụ của việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn mới


Chương trình nghệ thuật "Tết ấm lòng - mùa xuân lại về" 

Nhận thức “văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển”, “tăng trưởng kinh tế đi liền với tiến bộ và công bằng xã hội”, ngay sau khi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và Nghị quyết 11-NQ/TU được ban hành, Ban Thường vụ Huyện Ủy đã tập trung chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt đến từng chi bộ, chi đoàn, chi hội một cách kịp thời, đảm bảo nội dung và chất lượng. Theo đó các nội dung của Nghị quyết được cụ thể hóa bằng Nghị quyết 08 –NQ/HU ngày 18/11/1998, Chỉ thị 27-CT/HU ngày 30/6/2000 và các văn bản chỉ đạo kịp thời. Các mục tiêu chỉ tiêu về phát triển văn hóa được cụ thể hoá và đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện các khóa 27, 28 để tập trung lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện. 22/22 xã, thị trấn thành lập ban chỉ đạo và xây dựng chương trình hành động và kế hoạch thực hiện nghị quyết; mỗi xóm, khối phố đều có ban vận động thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”


Qua 15 năm thực hiện NQ đến nay hệ thống cơ sở vật chất phục vụ hoạt động VHTT của huyện ngày càng được hoàn thiện và đồng bộ. Toàn huyện đã hoàn thành quy hoạch đất dành cho xây dựng các công trình văn hoá, thể thao, khu vui chơi giải trí; 15 xã có nhà văn hóa cộng đồng, 227/237 thôn xóm, tổ dân phố đã có hội quán, trong đó có 41 hội quán đạt tiêu chuẩn, các phương tiện phục vụ sinh hoạt của thôn, xóm, tổ dân phố tương đối đầy đủ theo quy định. Phong trào xây dựng làng văn hóa, xã văn hóa, đơn vị văn hóa, gia đình văn hóa đã được tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần vật chất cho nhân dân, làm đổi mới bộ mặt nông thôn.


Voi vàng và những báu vật vua Hàm Nghi tặng nhân dân xã Phú Gia

Do phần lớn diện tích của huyện Hương Khê là đồi núi nên giao thông đi lại, thông tin liên lạc rất khó khăn, việc đưa điện, nước sạch đến tận hộ gia đình cũng gặp không ít trở ngại nhưng với sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân đến nay 100% hộ dân có điện sinh hoạt, 95% hộ sử dụng nước sạch, 95% số hộ có phương tiện nghe, nhìn; mức thu nhập bình quân đầu người đạt 14,2 triệu đồng/năm (so với năm 1998 là 2,8 triệu đồng/năm); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 16,8% (so với năm 1998 là 30%); Hàng năm tại các địa phương, thôn xóm tổ chức tốt ngày hội toàn dân Đại đoàn kết toàn dân gắn với kỉ niệm ngày truyền thống của mặt trận thống nhất Việt Nam được nhân dân hưởng ứng tham gia đông đảo. Đến nay hầu hết các xã, thị trấn có Báo Nhân dân, Báo Hà Tĩnh, 100% thôn xóm có Tạp chí Thông tin Tư tưởng, Bản tin Hương Khê, 22/22 xã có sóng Internet, trang Thông tin điện tử của huyện đi vào hoạt động hiệu quả từng bước đáp ứng yêu cầu nắm bắt thông tin đầy đủ, kịp thời và có chọn lọc đối với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.



Phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển mạnh mẽ thực sự góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, góp phần nâng cao thể chất, thể lực, tạo không khí vui tươi, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng đồng dân cư. Nhiều Câu lạc bộ văn hóa, thể thao được xây dựng và phát triển, từng bước đi vào hoạt động có nề nếp và hiệu quả. Ngành văn hóa đã có nhiều hướng dẫn các cơ sở thành lập các câu lạc bộ, đẩy mạnh phong trào sáng tác văn học nghệ thuật, sưu tầm các làn điệu dân ca xứ nghệ… khôi phục và bảo tồn các hoạt động hát sắc bùa, các trò chơi dân gian như cờ người, đánh đu, kéo co…tại các thôn xóm. Phối hợp với các ban ngành cấp tỉnh tổ chức hoạt động sáng tác, nghiên cứu, sưu tầm và phát hành các tác phẩm văn học nghệ thuật; một số hoạt động lớn được tổ chức như: “Trại sáng tác thơ nhạc”, triễn lãm ảnh “Bác Hồ với công tác xây dựng Đảng”, chương trình “Làng Việt”, “Tết ấm lòng – Mùa xuân lại về”, “Ngày thơ Việt Nam”,… 


Trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, đã tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, xây dựng cơ sở vật chất của hệ thống trường lớp ở các cấp học, chuyển các trường bán công thành trường công lập, tiến hành sáp nhập trường lớp, kịp thời đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân. Đến nay, toàn huyện có 61/78 trường trường đạt chuẩn, 13/22 xã, thị trấn đạt chuẩn giáo dục trung học, 13 xã đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, bình quân có 2.452 người đi học/1 vạn dân. Công tác giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống, hướng nghiệp cho đoàn viên thanh niên, học sinh tại các trường THPT được chú trọng và từng bước nâng cao chất lượng.



Thi làm bánh tại chương trình "Làng Việt" tổ chức tại xã Phúc trạch



Trong những năm qua, được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền, sự phối của Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh đã giúp cho đồng bào các dân tộc định cư, làm nhà ở, trồng lúa nước; Bản sắc văn hoá riêng và một số tập tục ma chay, cưới xin, sắc phục, lễ hội đặc trưng vẫn được duy trì. Công tác chăm sóc y tế, giáo dục cho đồng bào thiểu số luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm đúng mức. Toàn huyện hiện có hai tôn giáo chính là đạo Phật và đạo Thiên Chúa với 5/19 chùa hoạt động phật sự; 13 giáo xứ, 61 giáo họ. Việc thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng và nhà nước về hoạt động tôn giáo được tập trung chỉ đạo, thực hiện đầy đủ, kịp thời, nên đã tạo được sự ổn định. Đồng bào các tôn giáo thực hiện phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, thực hiện cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, tích cực xây dựng Nông thôn mới.


Bên cạnh đó, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng được tăng cường. Tính đến nay, toàn huyện có 78 di tích đã được kiểm kê, trong đó 10 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 5 di tích cấp quốc gia. các lễ hội truyền thống được khôi phục và tổ chức đảm bảo nội dung, không để xẩy ra các hiện tượng mê tín, dị đoan và các tệ nạn xã hội.






Tuy nhiên, công tác văn hóa ở Hương Khê thời gian qua cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, đó là: Một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến phát triển văn hoá; Phong trào quần chúng hưởng ứng các cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá cơ sở vẫn chưa đồng đều, chất lượng chưa cao; Công tác quản lý Nhà nước về văn hóa còn bất cập, chưa bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của xã hội; Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đầu tư trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho hoạt động văn hoá đang còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển toàn diện về văn hoá.


Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nghị quyết, thời gian tới cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhận thức sâu sắc về các quan điểm của Đảng về văn hoá; tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp của MTTQ và các đoàn thể, xây dựng đồng bộ các giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung Nghị quyết. Phát huy làm chủ vai trò của nhân dân trong việc thực hiện các phong trào thi đua, nhất là phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, gắn với xây dựng Nông thôn mới. Thu hút các nguồn lực tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ tốt cho các hoạt động văn hoá, nhất là cấp thôn, xóm.
Tin rằng, với các nhiệm vụ trọng tâm, mục tiêu, giải pháp thiết thực, đồng bộ được đặt ra, huyện Hương Khê sẽ thu được nhiều kết quả tốt đẹp hơn nữa trong lĩnh vực văn hóa, thực hiện Nghị quyết TW5 (khóa VIII), góp phần vào việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trên địa bàn.


                                                                                                                                                    Phúc Anh


1. Hương Khê có 4 dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mã Liềng (hay còn gọi là dân tộc Chứt) 165 người; dân tộc Mường 441 người; dân tộc Hoa 97 người; dân tộc Lào 239 người