Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

MỘ VÀ ĐỀN THỜ NGÔ ĐĂNG MINH, XÃ HÀ LINH


Ngày 18/03/1996, Bộ trưởng Bộ VH-TT ( nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ) đã quyết định công nhận Mộ và đền thờ Ngô Đăng Minh là Di tích cấp quốc gia.

 

Đền thờ Ngô Đăng Minh tại làng Châu Trúc xã Hà Linh

Ngô Đăng Minh là một danh nhân lịch sử dưới thời Lê Trung Hưng. Ông là một vị tướng cầm quân đi đánh Bồn Man ở biên cương. Thắng lợi trở về ông được nhà vua ban chức “Đặc Tiến Kim Tử, Vinh Lộc Đại Phu, Tư Lễ Giám, Tả Đề Điểm, Án Trung Hầu, Trụ Quốc Thượng Liên”.

Dẹp giặc biên cương xong, Ngô Đăng Minh còn chiêu mộ nhiều người dân về khai khẩn, lập làng. Cả một vùng rừng núi hoang vu nơi biên cương đã mau chóng trở thành những xóm làng trù mật. Con em của họ còn được ông mở lớp dạy chữ thánh hiền, lập Đền cho nhân dân thờ phụng nhằm an hòa ý thức tâm linh, hướng tâm làm thiện, yêu nước thương đồng bào, giữ biên cương không cho giặc xâm lăng nhòm ngó. Những vùng rừng núi xưa mà Ngô Đăng minh có công mộ dân phát triển, nay là những xã Hương Bình, Hương Phú, Hương Long và Phúc Đồng của huyện Hương Khê, Hà Tĩnh.
          Sau khi qua đời tại Thăng Long, Ngô Đăng minh được nhà vua cho đem linh cữu về an tang tại quê nhà là làng Châu Trúc, đồng thời gia phong Bản xứ Thành Hoàng, để nhân dân làng Châu Trúc và cả xứ Thượng Bình ( gồm Hương Bình, Hương Phú, Hương Long và Phúc Đồng) phụng thờ làm Thành Hoàng làng, xây mộ, lập Đền thờ chính tại Trúc Lâm.
          Mộ và Đền thờ Ngô Đăng Minh nằm trên sườn Tây một quả đồi cao, xung quanh là rừng cọ bao bọc um tùm. Ngôi đền bé nhỏ nằm ở độ cao khoảng 25m so với mặt ruộng dưới chân đồi.
          Tòa Thượng Điện là một ngôi nhà gỗ nhỏ lợp ngói vẩy âm dương, mở cửa về phía đầu hồi. Thượng điện đặt ở phía trung gian, vuông góc với Hạ Điện, tạo lên di tích có lối kiến trúc kiểu chữ đinh. Thượng điện có cấu trúc ba vì, hai gian, mỗi vì hai cột. Chái hồi bằng hệ thống kẻ ăn vào hai cột tạo ra nhà có cấu trúc bốn mái. Gian trước đặt hương án, chân đèn, mâm bồng…gian trong kê một bệ thờ chân quỳ dạ cá, sơn son thếp vàng. Mặt trước chạm nổi hình  mặt rồng trực diện. Trên bệ thờ đặt long ngai có linh chủ của Ngô Đăng Minh. Xung quanh long ngai là các đồ tự khí: mâm bồng, quả phẩm, chấp kích, bửu trượng…


Mộ Ngô Đăng Minh được tọa lạc trên một quả đồi cao xung quanh là rừng cọ bao bọc um tùm

          Phía sau là Hạ Điện, cũng là một ngôi nhà gỗ ba gian, cấu kiện các vì kèo, hang cột rất đơn giản theo lối thượng kèo, hạ kẻ (kẻ tiền, kẻ hậu). Gian giữa đặt một khám cung bằng gỗ có cánh đóng mở, hai gian bên bầy biện một số đồ tự khí như bát nhang, lọ cắm hoa, chiêng, trống… đồ tự khí không nhiều nhưng có nhiều thứ thuộc hàng có giá trị cao về mặt lịch sử và nghệ thuật. Đặc biệt là các sắc phong của các triều đại nhà nước phong kiến xưa phong cho di tích.
          Mộ Ngô Đăng Minh nằm ở phía trên sau Đền và cao hơn Đền khoảng 15m. Mộ xây bằng gạch chỉ, hình chữ nhật. Đầu mộ gối lên đỉnh đồi, nhìn về phái Tây xuống cảnh đồng bát ngát và cả một vùng quê trù mật mà chính ông lúc thời đã có công chiêu mộ dân đến khai khẩn thành đồng, thành ruộng như ngày nay. Mộ và Đền Ngô Đăng Minh nằm trên đường Tỉnh lộ 18 đi từ trụ sở xã Hà linh qua Trúc Lâm.
          Nhìn chung, quy mô kiến trúc di tích mộ và đền thờ Ngô Đăng Minh không to rộng, nhưng bố trí hài hòa cân đối. Dáng vẻ cổ kính của di tích vẫn được nhân dân địa phương trân trọng, gìn giữ khá nguyên vẹn.
          Với giá trị nghệ thuật, lịch sử của di tích và công trạng to lớn của nhân vật được lập thờ. Đặc biệt là việc thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của xã Trúc Lâm, in ấn tài liệu, hội họp bí mật cũng được diễn ra ngay tại chính nhà Hạ Điện trong những ngày tiền khởi nghĩa.    Nhân dân, dòng họ Ngô Đăng ở Trúc Lâm cùng chính quyền địa phương không ngừng chăm lo đến việc thường xuyên trùng tu, tôn tạo di tích. Song do tuổi đời của di tích đã quá dài, ngót 300 năm, mưa rừng, gió núi ngày đêm làm cho di tích bị xuống cấp ngay một nghiêm trọng hơn, vì thế chúng ta cùng chung tay bảo vệ và gìn giữ, kêu gọi sự hỗ trợ kinh phí của nhà nước và xã hội hóa để góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích lịch sử.


                 Nguồn :  Website Hương Khê