Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

QUYẾT ĐỊNH SỐ: 1035/2012/QĐ-UBND HUYỆN HƯƠNG KHÊ

  ỦY BAN NHÂN DÂN      CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
  HUYỆN HƯƠNG KHÊ                           Độc lập- Tự do- Hạnh phúc
Số: 1035/2012/QĐ-UBND                    Hương Khê, ngày 30  tháng 03 năm 2012
QUYẾT ĐỊNH
Về việc ban hành quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn huyện Hương Khê giai đoạn 2012-2015
ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN
          Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
          Căn cứ Luật ban hành văn bản pháp luật của HĐND&UBND ngày 13/12/2004;
          Căn cứ Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện khóa 28, nhiệm kỳ 2010-2015 và Nghị quyết 03 ngày 30/11/2011của Ban chấp hành Huyện ủy về lãnh đạo thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông  thôn mới giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020;
          Theo báo cáo thẩm định của phòng Tư pháp tại văn bản số 21/BC-TP ngày 23/3/2012. Xét đề nghị của các Phòng Tài chính - KH, Nông nghiệp&PTNT;
          Sau khi có ý kiến thống nhất của Thường trực Hội đồng nhân dân huyện,tại Văn bản số 11/HĐND ngày 21 /3/2012,
QUYẾT ĐỊNH:
          Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn huyện Hương Khê, giai đoạn 2012 - 2015.
          Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 7 ngày kể từ ngày ban hành, các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
          Điều 3. Chánh Văn phòng HĐND& UBND huyện, Trưởng các phòng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính- KH, Tài nguyên và Môi trường, Kinh tế - Hạ tầng, Giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện; Chủ tịch UBND các xã, thị trấn; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- UBND tỉnh;                                                                                                    - Sở Nông nghiệp và PTNT;
- Sở Tài chính;                                   ( Báo cáo)
- Thường trực Huyện ủy;
- Thường trực HĐND huyện;
- Chủ tịch, các PCT UBND huyện;
- Các đc Uỷ viên BCH Huyện uỷ;
- UBMT Tổ quốc, các đoàn thể cấp huyện;
- Ngân hàng CSXH,Ngân hàng NN&PTNT huyện;
- Các phòng, Ban UBND huyện;
- Đài PT& TH huyện;
- Đảng uỷ,UBND, Chủ nhiệm HTX các xã, thị trấn;
- Lưu: VT/UBND.
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





                 Đinh Hữu Tân

ỦY BAN NHÂN DÂN
HUYỆN HƯƠNG KHÊ
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do- Hạnh phúc

QUY ĐỊNH
Một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn huyện Hương Khê giai đoạn 2012 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1035/ 2012 /QĐ-UBND ngày 30/03/2012 của UBND huyện)

Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng, phạm vi áp dụng và giải thích từ ngữ
1. Đối tượng: Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng mới cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (gọi chung là người sản xuất) giai đoạn 2012-2105 trên địa bàn huyện.
2. Phạm vi áp dụng: Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2015, trên địa bàn toàn huyện; các nội dung quy định tại chính sách này, được áp dụng ngoài chính sách nông nghiệp nông thôn của tỉnh và Trung ương đã ban hành.
3. Giải thích từ ngữ:
a) “Giống  mới” tại Quy định này được hiểu là giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản được cơ quan có thẩm quyền công nhận giống lần đầu du nhập vào địa bàn huyện.
b) “VietGap” là quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn Việt Nam.
c) Rau sạch (rau an toàn) là những sản phẩm rau tươi (rau ăn lá, thân, củ, hoa, quả, hạt nấm thực phẩm...) được sản xuất thu hoạch, sơ chế, bao gói, bảo quản theo quy trình kỹ thuật bảo đảm tồn dư dưới mức giới hạn tối  đa cho phép về vi sinh vật có hại được phép tồn tại trên rau, hoá chất độc hại (kim loại nặng, niterat, thuốc bảo vệ thực vật, các chất điều hoà sinh trưởng) mà không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
d) "Công nghệ mới" là những công nghệ tiên tiến được công nhận cấp quốc gia, lần đầu áp dụng trên điạ bàn tỉnh Hà Tĩnh.
e) "Hạt giống siêu nguyên chủng" là hạt giống được nhân ra từ hạt giống tác giả hoặc phục tráng từ hạt giống sản xuất theo quy trình công nghệ phục tráng hạt giống siêu nguyên chủng và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.
f) "Hạt giống nguyên chủng" là hạt giống được nhân ra từ hạt giống siêu nguyên chủng và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.
g) "Hạt giống xác nhận" là hạt giống được nhân ra từ hạt giống nguyên chủng và đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.
h) "Vùng, khu sản xuất tập trung" là vùng, khu đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho các tổ chức, cá nhân vào phát triển sản xuất, chăn nuôi trang trại đảm bảo các tiêu chí cách xa khu dân cư tối thiếu 700m và có diện tích trên 3ha/vùng, 0,5 ha/khu, có doanh thu trên 3 tỷ đồng một năm đối với vùng, 1 tỷ đồng đối với khu.
k) "Chuyên gia" tại Quy định này là cán bộ được cơ quan sở hữu bản quyền giới thiệu, những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ mới.
Điều 2. Nguồn kinh phí thực hiện
1. Hàng năm ngân sách huyện bố trí từ nguồn sự nghiệp kinh tế, tăng thu ngân sách và các nguồn khác để thực hiện chính sách nông nghiệp, nông thôn hàng năm của huyện.
2. Ngân sách các xã, thị trấn cân đối bố trí tối thiếu mức 10% tổng nhu cầu thực hiện chính sách nông nghiệp, nông thôn của huyện trên địa bàn các xã.
3. Lồng ghép các nguồn vốn (Quy hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hỗ trợ của các doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác).
Chương 2.
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
PHẦN 1. NHỮNG CHÍNH SÁCH CHUNG
Điều 3. Về quy hoạch
Ngân sách hỗ trợ 30% kinh phí theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt về khảo sát, lập quy hoạch chi tiết các vùng, khu: Trang trại, chăn nuôi tập trung, thâm canh lúa, rau, màu, cây ăn quả đặc sản, cơ sở chế biến nông sản, cơ sở sản xuất vật tư phân bón phục vụ ngành nông nghiệp; tối đa không quá 30 triệu đồng/khu; 70 triệu đồng/vùng.
Điều 4. Về đất đai, mặt nước
1. Các cơ sở chế biến sản phẩm nông sản, sản xuất phân bón phục vụ nông nghiệp; chăn nuôi; thủy sản; cơ sở giết mổ gia súc gia cầm; sản xuất giống cây, con, có dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì được giao đất, cho thuê đất được hưởng các chính sách ưu đãi về đất đai theo quy định của Nhà nước và được huyện hỗ trợ 30% tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, nhưng tối đa không quá 70 triệu đồng/cơ sở.
2. Người sản xuất tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản hàng hóa có trang trại đạt tiêu chuẩn theo Thông tư 27/2011 TT- BNN&PTNT được hỗ trợ kinh phí, xây dựng bờ vùng, bờ thửa mức 3 triệu đồng/ha.
Điều 5. Về đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào
Các cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp; làng nghề; sản xuất phân bón phục vụ nông nghiệp; vùng sản xuất giống; vùng, khu chăn nuôi lợn tập trung (gọi tắt là cơ sở) doanh thu tối thiểu 2 tỷ đồng/năm; nếu người sản xuất tự bỏ vốn xây dựng theo thiết kế, dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì được hỗ trợ như sau:
a) Đường giao thông: 20% của tổng chi phí, nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng/cơ sở;
b) Đường điện: 20% của tổng chi phí, nhưng không quá 50 triệu đồng/cơ sở.
c) Nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt: 20% của tổng chi phí,  nhưng tối đa không quá 20 triệu đồng/cơ sở.
d) Hệ thống công trình xử lý môi trường đảm bảo tiêu chuẩn: 20%, cuả tổng chi phí,  nhưng tối đa không quá 30 triệu đồng/cơ sở.
e) Kiên cố hóa kênh mương: Đối với vùng sản xuất giống lúa tại các xã có quy mô từ 5 ha trở lên, nếu kênh tưới tiêu chưa được kiên cố hóa, được hỗ trợ 100% chi phí nhưng tối đa không quá 200 triệu/vùng sản xuất.
Tổng kinh phí hỗ trợ tại các điểm a, b, c, d, e không quá 400 triệu đồng/cơ sở.
Điều 6. Về khoa học công nghệ
Người sản xuất ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất thành công được huyện hỗ trợ 30% kinh phí thực hiện đề tài để thuê Chuyên gia, mua tài liệu hướng dẫn chuyển giao công nghệ nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 50% giá chuyển giao và không quá 150 triệu đồng/1 công nghệ.
Điều 7. Về củng cố và phát triển các loại hình tổ chức sản xuất
1. Hỗ trợ thành lập mới.
a) Hợp tác xã (HTX): thành lập mới được huyện hỗ trợ 1 lần 10 triệu đồng/HTX.
b) Tổ hợp tác (thuộc các loại hình sản xuất, dịch vụ): thành lập mới được huyện hỗ trợ 1 lần, với mức hỗ trợ 7 triệu đồng/Tổ hợp tác.
c) Hiệp hội kinh tế ngành hàng, khi thành lập mới được huyện hỗ trợ 1 lần kinh phí thành lập, mức 20 triệu đồng/hiệp hội.
2. Các HTX chưa chuyển đổi khi chuyển đổi sang hoạt động theo Luật HTX năm 2003 được huyện hỗ trợ 10 triệu đồng/HTX
3. Đào tạo, tập huấn cán bộ HTX: Huyện hỗ trợ 100% học phí tập huấn nâng cao trình độ cho các chức danh Ban quản trị, Ban kiểm soát, kế toán trưởng, cán bộ làm công tác Chuyên môn nghiệp vụ đương nhiệm, khi tỉnh, huyện mở lớp.
4. Phát triển kinh tế trang trại
a) Hỗ trợ 30% kinh phí lập hồ sơ (đo vẽ bản đồ địa chính, phí lệ phí) để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ trang trại, nhưng tối đa không quá 3 triệu đồng/trang trại; trang trại đủ tiêu chí được cấp “Chứng nhận trang trại” được hỗ trợ kinh phí phòng các loại dịch bệnh nguy hiểm (lùn sọc đen đối với lúa, ngô; lở mồm long móng đối với gia súc; tai xanh đối với lợn; H5N1 đối với gia cầm; đốm trắng) khi có nguy cơ phát dịch cao, mức hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng/trang trại.
b) Hỗ trợ 100% kinh phí để tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn ngắn hạn cho nông dân, các chủ trang trại theo các chương trình được cấp thẩm quyền phê duyệt.

5. Hỗ trợ xây dựng mô hình mẫu vườn hộ
Vườn hộ có: Diện tích sản xuất tối thiểu 1.000 m2/vườn (không tính diện tích làm nhà và các công trình phụ trợ); cây trồng chính (bưởi Phúc Trạch, cam các loại) chiếm trên 80% diện tích; giống cây đảm bảo chất lượng, đúng giống, cây già cỗi, còi cọc, sâu bệnh phải được trồng thay thế cây đúng tiêu chuẩn; trồng đảm bảo mật độ, khoảng cách, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật; có hệ thống tiêu thoát nước đảm bảo; vườn phải được rào dậu đảm bảo an toàn, thẩm mỹ,... được hỗ trợ 10 triệu đồng/vườn để: Chỉnh trang vườn hộ, mua cây giống để dồn dặm, tạo tán, tỉa cành,, mua phân bón, nâng cấp tu bổ vườn,... Các xã điểm xây dựng nông thôn mới hoàn thành các chỉ tiêu  trước năm 2015 được hỗ trợ 5 mô hình/xã/năm; Các xã còn lại được hỗ trợ 2 mô hình/xã/năm.
6. Hỗ trợ tổ chức kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn:  Đối với tổ chức kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, ngành nghề nông thôn, doanh thu tối thiểu đạt 1 tỷ đồng/năm, được hỗ trợ một lần 50% kinh phí xây dựng hạ tầng trong hàng rào theo thiết kế, dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không quá 30 triệu đồng/cơ sở.( chỉ hỗ trợ 1 lần)
Điều 8. Về chính sách, tín dụng:
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, có dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, được hỗ trợ 70 % mức chênh lệch lãi suất tiền vay giữa ngân hàng Chính sách xã hội với ngân hàng Nông nghiệp&PTNT, ngân hàng thương mại, thời gian 1 năm đầu (12 tháng), gồm:
- Đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất chế biến: Nông sản, chăn nuôi, thủy sản, giết mổ gia súc, gia cầm, có quy mô đầu tư trên 1 tỷ đồng/cơ sở, được hỗ trợ phần chênh lệch lãi suất với mức vay tối đa 500 triệu đồng/cơ sở;
- Đầu tư vào sản xuất thuộc các lĩnh vực: Trang trại, chăn nuôi, trồng cây bưởi Phúc Trạch, cam các loại, trồng cao su (tiểu điền), có quy mô đầu tư từ 500 triệu đồng/cơ sở trở lên, được hỗ trợ phần chênh lệch lãi suất mức vay tối đa 300 triệu đồng/cơ sở;
Phần 2. NHỮNG CHÍNH SÁCH RIÊNG THEO CHUYÊN NGÀNH
Điều 9. Trồng trọt
1. Hỗ trợ sản xuất giống xác nhận: Tổ chức, cá nhân có tư cách pháp nhân và đủ điều kiện sản xuất giống theo quy định hiện hành, sản xuất giống phục vụ trên địa bàn huyện (chỉ áp dụng với giống lần đầu đưa vào sản xuất đại trà) được hỗ trợ 20% kinh phí mua giống nguyên chủng hoặc siêu nguyên chủng, mức tối đa không quá 30 triệu đồng/giống (chỉ được hỗ trợ một lần đối với một loại giống).
2. Xây dựng mô hình trình diễn giống mới: Quy mô, tối thiếu 5 ha/vùng, được hỗ trợ 100% kinh phí theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt (Giống, phân bón hóa học, tập huấn kỹ thuật, công tác phí của cán bộ chỉ đạo, tổ chức hội thảo đầu bờ) đối với các giống đã được Tỉnh đưa vào cơ cấu sản xuất và lần đầu tiên triển khai sản xuất trên địa bàn huyện;  tổng kinh phí mỗi năm không quá 100 triệu đồng cho một loại giống.
Điều 10. Sản xuất các loại sản phẩm cây ăn quả đặc sản (áp dụng đối với bưởi Phúc Trạch, cam các loại có chất lượng), được hỗ trợ:
1. Nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật, mỗi năm không quá 100 triệu đồng;
2. Các hộ trồng mới vườn cây đạt tiêu chuẩn: Bưởi Phúc Trạch 0,1ha/vườn, Cam các loại 0,5ha/vườn trở lên, được hỗ trợ  50.000 đồng/cây, mức tối đa không quá 2 ha/vườn.
Điều 11. Sản xuất theo VietGAP: Người sản xuất đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô tối thiểu 05ha/vùng (riêng rau tối thiếu 01ha/vùng), sau khi đã có phương án được UBND xã phê duyệt (có ý kiến thống nhất của UBND huyện) được hỗ trợ 20 triệu đồng/ha, tối đa không quá 100 triệu đồng/vùng để phân tích mẫu đất, nước, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, mua sắm thiết bị phục vụ sản xuất (mỗi cơ sở chỉ hỗ trợ một lần)
Điều 12. Trồng cao su tiểu điền:  Hộ gia đình có diện tích tối thiếu 01 ha trở lên nằm trong vùng quy hoạch trồng cao su, được hỗ trợ khai hoang, mua cây giống, đo đạc, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mức hỗ trợ: Hộ không liên kết 6 triệu đồng/ha, tối đa 20 triệu đồng/hộ; hộ liên kết 3 triệu đồng/ha, mức tối đa 10 triệu đồng/hộ.
Điều 13. Chăn nuôi
1. Nuôi lợn.
- Cơ sở chăn nuôi lợn nái cấp bố mẹ (liên kết hoặc không liên kết): Có quy mô 10 nái trở lên (nái ngoại, nái Móng cái) sau khi đi vào hoạt động được nghiệm thu đủ số lượng (trọng lượng tối thiếu 50kg/con) đảm bảo yêu cầu chuồng trại được hỗ trợ 15 triệu đồng/cơ sở (chỉ hỗ trợ 1 lần); quy mô 100- 200 nái ngoại được hỗ trợ 250 triệu đồng/cơ sở, trên 200 nái được hỗ trợ 350 triệu đồng để làm chuồng trại (chỉ hỗ trợ 1 lần).
- Về thú y: Cơ sở chăn nuôi lợn giống ông bà , bố mẹ có quy mô trên 100 nái sinh sản trở lên, ngoài được hưởng chính sách tại Mục 4 Điều 7, còn được hỗ trợ 50.000 đồng/nái/năm để mua các loại vắc xin, thuốc phòng chữa bệnh và hóa chất tiêu độc khử trùng
- Cơ sở nuôi lợn thịt siêu nạc, lai F1 (liên kết hoặc không liên kết) nằm trong vùng quy hoạch sau khi đi vào hoạt động được nghiệm thu đủ số lượng (có trọng lượng tối thiếu 50 kg/con) đảm bảo yêu cầu chuồng trại được hỗ trợ làm chuồng trại một lần, cụ thể:
+ Quy mô từ 100 con/lứa- 300 con/lứa được hỗ trợ 30.000.000 đồng.
+ Quy mô từ 301 con/lứa- 500 con/lứa được hỗ trợ 70.000.000 đồng.
+ Quy mô trên 501 con/lứa được hỗ trợ 100.000.000 đồng.
 - Xây dựng lò giết mổ gia súc tập trung đảm bảo tiêu chuẩn kỷ thuật, vệ sinh môi trường, có quy mô giết mổ 50 con/ ngày trở lên được hỗ trợ một lần  xây dựng cơ sở vật chất: 100 triệu đồng/cơ sở.
 2. Bò lai Zêbu:
 - Hộ mua bò đực lai Zêbu có 75% máu ngoại được cơ quan có tư cách pháp nhân xác nhận, đảm bảo tiêu chuẩn đực giống được hội đồng nghiệm thu của huyện xác nhận, hỗ trợ 5 triệu đồng/con; một bò đực lai Zêbu, mỗi năm phối giống được 30 con bò cái có chữa được hỗ trợ 3 triệu đồng/con bò đực.
- Phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo để đẻ ra bò lai zêbu, được hỗ trợ 200.000 đồng/con bò nái có chữa, trong đó: Kinh phí mua tinh bò và các điều kiện bảo quản tinh: 130.000 đồng/con( nếu không có chính sách của tỉnh hỗ trợ); Tiền công cho kỹ thuật viên phối giống 20.000 đông/con( ngoài các hỗ trợ theo chính sách của tỉnh); Bồi dưỡng hộ nuôi bò nái 50.000 đồng/con/hộ:
3. Nuôi hươu: Hộ nuôi mới 05 con hươu cái trở lên, được hỗ trợ 10.000.000 đồng/hộ, được hỗ trợ một lần.
4. Hỗ trợ thụ tinh nhân tạo
a) Đào tạo dẫn tinh viên: Những người có trình độ từ trung cấp chăn nuôi thú y trở lên, tuổi đời dưới 40 có nguyện vọng trở thành dẫn tinh viên gia súc được UBND cấp xã cử đi học được hỗ trợ chi phí đào tạo nhưng mức tối đa không quá 2 triệu đồng/người.
b) Hỗ trợ mua bình bảo quản tinh cấp phát cho các điểm chuyển giao; dụng cụ phối giống trâu bò (bình ni tơ, súng bắn tinh) cấp cho dẫn tinh viên đó qua đào tạo, có chứng chỉ (mức hỗ trợ 2 triệu đồng/dẫn tinh viên).
c) Hỗ trợ 20% kinh phí mua bổ sung lợn đực giống hàng năm cho các cơ sở thụ tinh nhân tạo đảm bảo các tiêu chuẩn quy định giống chuẩn Quốc gia và theo giá giống tại thời điểm.
Điều 14: Nuôi trồng thuỷ sản
1. Sản xuất, ương nuôi giống: Người sản xuất được UBND huyện giao nhiệm vụ sản xuất và cung ứng giống trên địa bàn huyện đạt tối thiểu 1 triệu cá bột và 10 tấn cá giống/năm được Ngân sách hỗ trợ 20% kinh phí mua giống cá bố mẹ theo định mức (chỉ hỗ trợ 1 lần); hàng năm được hỗ trợ 50% phí dịch vụ nước thuỷ lợi phí nếu có hợp đồng sử dụng nước với tổ chức quản lý nước.
2. Nuôi trồng
a. Người sản xuất đầu tư xây dựng mới ao, hồ nuôi thâm canh, nhận mặt nước hồ đập ( có hợp đồng với tổ chức chủ quản lý hồ) hoặc nâng cấp ao hồ từ nuôi quảng canh sang nuôi thâm canh, có quy mô từ 01 ha trở lên được  hỗ trợ 20% chi phí mua con giống (hỗ trợ 01 lần), mức hỗ trợ tối đa không quá 10 triệu đồng/hộ hoặc cơ sở.
b. Người sản xuất chuyển đổi đất từ mục đích sử dụng khác kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản đảm bảo hiệu quả cao hơn, hoặc nhận mặt nước hồ đập để nuôi trồng thuỷ sản ( có hợp đồng với  tổ chức chủ quản lý hồ)với diện tích; 0,5ha trở lên, được Ngân sách hỗ trợ 1 lần, với mức 10 triệu đồng/1 ha, tối đa không quá 20 triệu đồng/hộ,cơ sở.
c. Các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo quy hoạch có diện tích từ 2 ha trở lên, được Ngân sách hỗ trợ 50% kinh phí mua hóa chất để xử lý dập dịch đối với các bệnh thủy sản nguy hiểm (đốm trắng) ở thời điểm ngăn chặn không để dịch lây lan diện rộng. Tối đa không quá 5 triệu đồng/vùng
d. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng thủy sản bằng lồng (loại lồng 10 m3 trở lên), quy mô 02 lồng được hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng,từ lồng thứ 3 trở lên được hỗ trợ thêm 5 triệu đồng nhưng tối đa không quá 30 triệu đồng/hộ, cơ sở.


Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan
1. Phòng Nông nghiệp&PTNT:
- Chỉ đạo các xã lập quy hoạch phân vùng Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến 2020, hàng năm lựa chọn, xác định số lượng mô hình, cơ sở chăn nuôi (xây dựng mới) thống nhất với phòng tài chính – KH tổng hợp báo cáo UBND huyện, trình HĐND huyện bố trí vốn để thực hiện chính sách.
- Chủ trì phối hợp với Phòng Tài chính- Kế hoạch và các ngành có liên quan tham mưu Uỷ ban phân bổ nguồn kinh phí chính sách nông nghiệp, nông thôn hàng năm đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả.
- Tổ chức nghiệm thu tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện các chính sách nông nghiệp, nông thôn và phối hợp với các đơn vị có liên quan tổng hợp quyết toán báo cáo UBND huyện.
2. Phòng Tài chính - KH:
- Chủ trì, phối hợp với phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Uỷ ban nhân dân huyện bố trí kinh phí thực hiện chính sách hằng năm
- Chủ trì phối hợp với Phòng Nông nghiệp&PTNT ban hành văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục, nghiệm thu, cấp phát thanh quyết toán kinh phí.
- Hướng dẫn UBND các xã, thị trấn hàng năm bố trí ngân sách để đảm bảo thực hiện chính sách này.
3. Phòng Hạ tầng - Kinh tế: Đôn đốc, hướng dẫn các xã lập quy hoạch, thẩm định quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất, chăn nuôi.
4. Trung tâm ứng dụng và chuyển giao Khoa học - Công nghệ: Hướng dẫn tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ cho cơ sở sản xuất, chăn nuôi.
5. Phòng Tài nguyên và Môi trường:
- Chủ trì, phối hợp với các xã, thị, kiểm tra, tham mưu, thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hướng dẫn người dân xử lý môi trường, báo cáo cam kết hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường cho cơ sở sản xuất, chăn nuôi.
6. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ trì phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính - Kế hoạch bố trí lồng ghép kinh phí từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia dạy nghề cho lao động nông thôn để thực hiện chính sách.
7. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn:
- Chủ động bố trí Ngân sách xã đảm bảo mức 10% trên tổng nhu cầu thực hiện chính sách nông nghiệp, nông thôn hàng năm của huyện trên địa bàn xã để thực hiện.
- Thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện các giai đoạn (phân ra từng năm). Tổ chức tuyên truyền chính sách hỗ trợ, đăng ký vay vốn để mọi người hiểu và thực hiện; chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn tại địa phương; định kỳ hàng quý tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, PhòngTài chính- KH; quản lý, cấp Phát và thanh quyết toán nguồn kinh phí thực hiện chính sách nông nghiệp, nông thôn hàng năm theo đúng quy định.
- Tạo điều kiện cho các hộ liên kết thành lập HTX, tổ hợp tác, xây dựng hồ sơ cấp đất, quy hoạch mặt bằng, hỗ trợ làm đường giao thông, đường điện để phục vụ  cơ sở sản xuất, chăn nuôi.
- Kiểm soát chặt chẽ phòng ngừa dịch bệnh, buôn bán, vận chuyển, cung cấp giống cây, con trên địa bàn.
- Hàng năm lập dự toán kinh phí thực hiện chính sách nông nghiệp, nông thôn gửi về Phòng Nông nghiệp&PTNT, phòng Tài chính Kế hoạch để tổng hợp báo cáo UBND huyện.
8. Các Ngân hàng:
- Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngân hàng chính sách xã hội, các Ngân hàng Thương mại trên địa bàn, bố trí vốn, hướng dẫn thủ tục tạo điều kiện cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vay vốn thực hiện chính sách.
9. Trách nhiệm của người sản xuất: Tổ chức sản xuất, quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích, hiệu quả.
10. Đài Phát thanh - Truyền hình, các cơ quan thông tin, đại chúng, các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền thường  xuyên, sâu rộng để các địa phương, đơn vị, gia đình, Đoàn viên, hội viên biết, tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sâch này.
11. Các cơ quan liên quan: Theo chức năng, nhiệm vụ của mình triển khai thực hiện đúng quy định. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị báo cáo bằng văn bản gửi về Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, thống nhất với Phòng Tài chính - Kế hoạch để trình Ủy ban nhân dân huyện xem xét, quyết định./.

TM.UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đinh Hữu Tân