Thứ Hai, 4 tháng 11, 2019

Chương trình OCOP – Hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp ở Hương Khê.



Trần Phúc Anh

OCOP là mô hình được học tập từ phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” của Nhật Bản (tiếng Anh là One commune, one product). Thực chất chương trình này là giải pháp phát triển kinh tế từ các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, truyền thống văn hóa, danh thắng các địa phương nhằm nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Đã có nhiều nước trên thế giới thực hiện Chương trình OCOP như Hàn Quốc, Nhật Bản và quốc gia Thái Lan được coi là thành công nhất về OCOP. Ở nước ta tỉnh Quảng Ninh là đơn vị thực hiện đầu tiên, đến nay đã có hơn 39 tỉnh, thành trong cả nước xây dựng Đề án thực hiện chương trình OCOP.

Thực hiện Quyết định số 3292/QĐ-UBND ngày 01/11/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Mỗi xã 1 sản phẩm” tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030, huyện Hương Khê đang cùng các huyện trong toàn tỉnh thực hiện chương trình OCOP, mở ra một hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp.
1. Kết quả bước đầu
Năm 2019, toàn huyện có 08 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP.  Trong đó xã Phúc Trạch có 04 sản phẩm bao gồm 01 sản phẩm Bưởi Phúc Trạch của Hợp tác Phát Lộc và 03 sản phẩm Trầm hương của Hợp tác xã Thọ Nga; hộ kinh doanh Nguyễn Chí Thành; Hợp tác xã Thành Vinh. Ngoài ra còn có các sản phẩm Cam Khe Mây của Hợp tác xã Long Nhâm (xã Hương Đô); Chè Tân Hương của Xí nghiệp chè 20/4 (xã Hương Trà); Mật ong của Hợp tác xã Hương Bưởi, (xã Hương Trạch); sản phẩm Giò me Tiến Giáp của hộ kinh doanh Nguyễn Đình Giáp (Thị trấn Hương Khê). Trong đó Trầm hương của hộ kinh doanh Nguyễn Chí Thành được tỉnh lựa chọn chỉ đạo điểm. Tham gia dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh đợt 1 năm 2019 có 02/03 sản phẩm đạt hạng 03 sao, gồm: Cam Khe Mây (đạt 52 điểm); Giò me Tiến Giáp (đạt 50 điểm)
Để giới thiệu các sản phẩm đến với người tiêu dùng thời gian qua huyện Hương Khê đã tổ chức các gian hàng trưng bày các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện. Tổ chức khâu nối, giới thiệu các sản phẩm tham gia các hội chợ, các gian hàng triển lãm trong và ngoài tỉnh tại huyện Hương Sơn, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, TP Hà Tĩnh,  thành Phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương ...
Nhìn chung, huyện Hương Khê có một số điểm khá thuận lợi khi thực hiện Đề án OCOP vì có một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có thương hiệu có khả năng phát triển thành hàng hóa có thể cạnh tranh trên thị trường. Với diện tích đất nông nghiệp là 114.447 ha Hương Khê có quỹ đất để phát triển kinh tế vườn, trang trại; nhiều sản phẩm nông, lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao thích hợp với hình thức tổ chức sản xuất vườn, trang trại như: bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây, gỗ nguyên liệu; kết hợp phát triển chăn nuôi bò, lợn, hươu, gia cầm….với trồng cây ăn quả. Kết cấu hạ tầng giao thông khá thuận lợi, có đường sắt Bắc - Nam chạy dọc huyện với chiều dài 45km đi qua 6 nhà ga; đường Hồ Chí Minh đi qua 13 xã, thị trấn, Quốc lộ 15A dài 35km và gần 55 km đường tỉnh lộ; có đường biên giới với nước bạn Lào gần 51 km. Hệ thống công trình thủy lợi đáp ứng cơ bản nước tưới phục vụ sản xuất. Cùng với việc vận dụng thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của tỉnh, trung ương, Hương Khê có thể thực hiện thành công Đề án OCOP nếu có định hướng, tầm nhìn phù hợp.
Những khó khăn, thách thức: 
Thực tế cho thấy, lộ trình triển khai OCOP trên địa bàn huyện còn có những khó khăn nhất định. Các địa phương hiện vẫn lúng túng trong việc thực hiện chương trình OCOP. Theo đó, công tác này mới chỉ dừng lại ở cơ quan UBND huyện và Phòng tham mưu cấp huyện. Việc triển khai thực hiện các nội dung theo kế hoạch của tỉnh, huyện ở các xã còn chậm, nhiều xã chưa có kế hoạch về thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm mới ban hành (ngày 21/8/2019), chưa có hướng dẫn, nhiều nội dung còn chung chung, khó hiểu.
 Sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các ngành, đoàn thể, các chủ thể sản xuất sản phẩm và người dân chưa thật sự quyết liệt, hiệu quả. Nhận thức của cán bộ, đảng viên về thực hiện chương trình OCOP bước đầu còn hạn chế, chưa xác định được lợi ích trong việc tham gia chương trình. Công tác tuyên truyền về chương trình chưa được đẩy mạnh. Nhiều hộ dân chưa mặn mà với chương trình OCOP, thực tế vẫn có hộ có diện tích cam, bưởi lớn, có tên tuổi trên thị trường trong tỉnh nhưng vẫn chưa tham gia OCOP, bên cạnh đó một số chủ thể đã đăng ký tham gia nhưng chưa thật sự tập trung, quyết liệt trong tổ chức thực hiện.
Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm còn nhiều lúng túng, nhiều nội dung chưa hiểu để đánh giá, cho điểm; việc xây dựng hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm còn khó, nhiều nội dung chưa hiểu để xây dựng hồ sơ. Các đơn vị tư vấn chưa xác định được công việc cần làm trong hướng dẫn giúp đỡ các chủ cơ sở thực hiện các nội dung, chưa có sự thống nhất giữa chủ cơ sở và các đơn vị tư vấn. Tháng 9 vừa qua tỉnh tổ chức đánh giá sản phẩm OCOP thì số lượng các sản phẩm đủ điều kiện tham gia đánh giá đợt 1 của huyện Hương Khê vẫn còn ít (3/8 sản phẩm). Hai sản phẩm được tỉnh đánh giá đạt hạng 03 sao nhưng còn nhiều tổn tại, hạn chế cần khắc phục, đặc biết là chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm; số điểm đạt được mới ở mức chạm chuẩn (50 điểm), chưa bền vững.
Một vài suy nghĩ, kiến nghị:
Thời gian tới, cần tập trung tuyên truyền về chương trình OCOP trong từng ngành, lĩnh vực để nâng cao nhận thức về chương trình cho từng cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là mục tiêu ý nghĩa của OCOP, tư duy về kinh tế thị trường, bảo vệ và phát triển thương hiệu sản phẩm. Tổ chức tập huấn về chuyên môn và tổ chức đoàn đi học tập kinh nghiệm về thực hiện chương trình OCOP cho cán bộ quản lý, thực hiện chương trình OCOP các cấp tại các địa phương như Quảng Ninh, Yên Bái, Quảng Bình...
Ngoài ra, cần sớm tổ chức hội nghị để rà soát lại các sản phẩm theo hướng OCOP trên cơ sở sản phẩm hiện có và bổ sung các ý tưởng sản phẩm mới. Lựa chọn tối thiểu mỗi địa phương 2 sản phẩm hiện có để đánh giá, xếp hạng theo tiêu chuẩn OCOP, mang tính đặc trưng của địa phương và được đăng ký nhãn hiệu. Hương Khê là một địa bàn miền núi, ngoài hai mặt hàng thế mạnh là cam bưởi và các mặt hàng đã đăng ký tham gia OCOP thời gian tới huyện cần nghiên cứu phát triển một số ngành hàng như: cây dược liệu, cây gia vị, sản phẩm rau củ quả được trồng nhà kính, sản phẩm gà đồi, bánh đa truyền thống, đồ dùng sinh hoạt bằng vật liệu thực vật, chế biến hoa quả, tinh dầu tràm…
Hiện nay sản xuất ở Hương Khê rất manh mún, nhỏ lẻ vì vậy cần đẩy mạnh thành lập các hợp tác xã để liên kết sản xuất, đóng gói bao bì sản phẩm, đăng ký thương hiệu để giới thiệu với người tiêu dùng. Cần có các chính sách hỗ trợ hơn nữa đối với loại hình hợp tác xã nhất là tập huấn kỹ năng quản lý sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ban Chỉ đạo và các phòng chuyên môn cấp huyện cần có những nghiên cứu để định hướng sản phẩm thế mạnh cho các địa phương, hỗ trợ các thủ tục trong đăng ký sản phẩm…
Đối với tỉnh Hà Tĩnh nói chung, huyện Hương Khê nói riêng, chương trình OCOP là một chương trình mới nên việc triển khai trong thực tế sẽ gặp nhiều khó khăn. Do vậy tỉnh, huyện cần nghiên cứu cụ thể hóa các tiên chí, ban hành tài liệu hướng dẫn để người dân, doanh nghiệp dễ thực hiện. Từ huyện đến xã cần bố trí cán bộ có năng lực tham mưu Chương trình OCOP; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện.
Tin tưởng rằng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và với tinh thần khởi nghiệp, vươn lên làm giàu của người nông dân thời đại mới, chương trình OCOP huyện Hương Khê sẽ có được những chuyển biến tốt hơn nữa góp phần xây dựng nông thôn mới, đưa huyện nhà hội nhập kinh tế cả nước và quốc tế.
T.P.A

Không có nhận xét nào: