Thứ Hai, 4 tháng 11, 2019

Địa chí Hương khê, Phần thứ nhất : Địa lý. chương 1: Tự nhiên

                               HUYỆN ỦY - HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN - ỦY BAN NHÂN DÂN
     ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC HUYỆN HƯƠNG KHÊ











ĐỊA CHÍ
HƯƠNG KHÊ













NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI,
HÀ NỘI - 2017
CHỈ ĐẠO BIÊN SOẠN
BAN THƯỜNG VỤ HUYỆN ỦY HƯƠNG KHÊ

THƯỜNG TRỰC BAN CHỈ ĐẠO
ĐINH HỮU TÂN
Tỉnh ủy viên - Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện
NGÔ XUÂN NINH
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy
LÊ NGỌC HUẤN
Phó Bí thư - Chủ tịch UBND huyện
TRẦN QUỐC BẢO
UVBTV - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy






BAN BIÊN SOẠN
PGS - TS. NGUYỄN BÁ THÀNH
PGS - TS. NGÔ ĐĂNG TRI
(Đồng chủ biên)
ThS. TRỊNH THỊ DUNG
ThS. NGUYỄN THỊ NGỌC
ThS. NGUYỄN THỊ TƯỜNG
ThS. NGUYỄN THANH XUÂN
ThS. TRẦN THỊ HẰNG
ThS. NGUYỄN MINH GIANG
ThS. TRẦN THỊ OANH
CN. VƯƠNG THỊ SÂM
ĐẠI TÁ: NGUYỄN HỮU BỘ


LỜI GIỚI THIỆU

Hương Khê là huyện miền núi phía Tây Nam tỉnh Hà Tĩnh, có biên giới giáp Lào, với dãy Trường Sơn (Khai Trướng) núi cao, trùng điệp; dòng sông Ngàn Sâu uốn lượn, “chín khúc hồi lai” lúc hiền hòa phẳng lặng, khi cuồn cuộn hung dữ; có những nét đặc trưng độc đáo về tự nhiên, dân cư và nhiều sản vật tự nhiên thơm ngon nổi tiếng, bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây, mật ong rừng,… 
Được thành lập năm 1867 (thời Tự Đức thứ 20), Hương Khê có ý nghĩa chiến lược quan trọng về Quốc phòng - An ninh, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, có các cửa khẩu thông thương với Lào, có đường sắt Bắc Nam chạy qua, với 6 ga tàu và đường Hồ Chí Minh chạy dọc huyện; nằm trong vùng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình của nước ta. 
Trong suốt 150 năm hình thành và phát triển, nhiều biến cố thăng trầm của tự nhiên và lịch sử đã diễn ra trên mãnh đất này. Tuy nhiên, cho đến nay, việc nghiên cứu các vấn đề về vùng đất, con người và các sự kiện lịch sử có liên quan nhằm bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị của nó trong công cuộc xây dựng và phát triển vẫn chưa có nhiều. 
 Để đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cán bộ và Nhân dân huyện nhà là có một cuốn sách ghi lại quá trình hình thành, phát triển của đất và con người Hương Khê; nhân kỷ niệm 150 năm thành lập huyện (1867 - 2017), Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch sưu tầm tư liệu, biên soạn và xuất bản cuốn “Địa chí Hương Khê”.
 Sau gần 2 năm triển khai thực hiện, đến nay cuốn sách “Địa chí Hương Khê” đã được hoàn thành. Đây là một công trình tổng hợp tương đối đầy đủ và toàn diện về địa lý, lịch sử, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và các xã, thị trấn - là kho tư liệu quý để khai thác, góp phần phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội; giáo dục truyền thống, lòng tự hào cho các thế hệ trẻ; đồng thời làm thỏa mãn nhu cầu hiểu biết của bạn đọc gần xa về vùng đất và con người Hương Khê. 
Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong suốt quá trình biên soạn và biên tập để xuất bản nhưng việc biên soạn “Địa chí” về một huyện, trong chiều dài lịch sử hàng trăm năm, là một công việc khó khăn, cuốn sách không tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Chúng tôi mong nhận được những ý kiến đóng góp chân thành của bạn đọc để tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh cả về hình thức và nội dung trong những lần có điều kiện tái bản.
Thay mặt Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Hương Khê, chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự đóng góp công sức, trí tuệ của các nhà khoa học là con em của huyện; Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Bá Thành, Phó giáo sư, tiến sỹ Ngô Đăng Tri (đồng Chủ biên) cùng tập thể tác giả đã có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình biên soạn cuốn sách; cảm ơn các nhà khoa học trong và ngoài huyện, các thế hệ lãnh đạo Huyện ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ huyện qua các thời kỳ, cán bộ các ban, phòng, ngành, giáo viên các trường THPT và những người đã tâm huyết đóng góp ý kiến để cuốn sách “Địa chí Hương Khê” ra mắt bạn đọc nhân kỷ niệm 150 năm thành lập huyện. 
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.

                                      T/M HUYỆN ỦY - HĐND - UBND
                                      UBMTTQ HUYỆN HƯƠNG KHÊ
                        
          Đinh Hữu Tân
TUV, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện














PHẦN THỨ NHẤT

ĐỊA LÝ

Chương 1. ĐỊA LÝ TỰ NHIÊN

     I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
         Hương Khê là huyện miền núi phía Tây Nam tỉnh Hà Tĩnh, có tọa độ địa lý được xác định trong khoảng từ 17058’ - 18023’ vĩ độ Bắc và từ 105027’ -105056' kinh độ Đông. Phía Bắc giáp huyện Vũ Quang và huyện Đức Thọ; phía Nam giáp huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình); phía Đông giáp huyện Can Lộc, huyện Thạch Hà và huyện Cẩm Xuyên; phía Tây giáp huyện Na Kai, tỉnh Khăm - Muộn (nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào).
Theo số liệu thống kê năm 2016, tổng diện tích tự nhiên của huyện Hương Khê là 126.293,85ha. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp là 113.714,14 ha (theo cách phân chia tại Nghị định 43/NĐ-CP năm 2014 của Chính phủ và Điều 10 Luật đất đai số 45/2013/QH11 thì đất nông nghiệp bao gồm: đất trồng lúa, trồng cây hàng năm, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối và đất nông nghiệp khác). Đất phi nông nghiệp 7.239,85ha. Đất chưa sử dụng 5.339,86ha. Đất đô thị 534,27ha (theo Phụ lục 1: Đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất kèm theo Nghị Quyết số 22 NQ - HĐND, ngày 21/7/2017 của HĐND huyện về việc thông qua điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của huyện Hương Khê).

       II. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN
1.   Địa hình
Hương Khê nằm trong thung lũng hình lòng máng giữa núi Giăng Màn (tên chữ Hán là Khai Trướng) thuộc dãy Trường Sơn ở phía Tây và dãy Trà Sơn ở phía Đông. Do dãy Giăng Màn chạy theo hướng Tây Nam nên địa hình Hương Khê thấp dần theo hướng Nam Bắc.
Địa hình của huyện bị chia cắt bởi hệ thống sông suối, đồi núi và thung lũng tạo thành các kiểu địa hình khác nhau: Địa hình núi cao trung bình, núi thấp và đồi thoải lượn sóng xen kẽ với các thung lũng, địa hình đồi bát úp và các cánh đồng phù sa nhỏ hẹp ven sông. Chênh lệch độ cao giữa các vùng trong huyện rất lớn. Có thể phân địa hình Hương Khê thành 2 dạng chính: địa hình đồi núi cao trung bình, đồi núi thấp và địa hình thung lũng kiến tạo - xâm thực[1].
1.1.Vùng đồi núi
Là huyện miền núi nên diện tích đồi núi ở Hương Khê chiếm 90% diện tích tự nhiên. Vùng đồi núi ở Hương Khê có hai dạng:
- Đồi núi cao trung bình là vùng uốn nếp, nâng lên tạo thành một dải hẹp dọc theo biên giới Việt Nam - Lào ở phía Tây Nam (thuộc dãy Trường Sơn).
- Đồi núi thấp là dạng địa hình có dạng đỉnh nhọn, sườn dốc bị xâm thực, chia cắt bởi các dãy Trường Sơn và Trà Sơn nằm ở phía Đông, gồm các dãy núi thấp và đồi xen kẽ tạo thành các khu vực rộng lớn ở các xã Hương Bình, Hương Vĩnh, Hương Giang, Lộc Yên, Hương Đô, Lộc Yên, Hương Thủy và Phương Mỹ…[2]
Một số núi tiêu biểu:
       Núi Giăng Màn
      Dải Trường Sơn Bắc chạy dọc biên giới Việt Nam - Lào, chiếm gần hết đất đai các huyện phía Tây tỉnh Hà Tĩnh, có tên chung là núi Giăng Màn. Đây là dãy núi cao, có chiều rộng đến 30 - 40 km.
Cuốn Đồng Khánh ngự lãm dư địa chí (Quốc sử quán Triều Nguyễn) ghi đặc điểm của dãy núi này đoạn chạy qua Hương Khê: “Trong huyện hạt, núi non khe suối chập chùng nối tiếp nhau. Kể những núi có tiếng thì ở tổng Quy Hợp giáp đất Lào có núi Khai Trướng. Hình núi cao to, che kín một phía trời như tấm bình phong căng chắn cho nên có tên gọi là Giăng Màn[3].
Cuốn An Tĩnh sơn thủy vịnh (Tiến sĩ Dương Thúc Hạp) viết: “Núi ở hai phủ Ngọc Ma và Lâm Yên, là núi có tầm cỡ của trấn Nghệ An cũ: cao lớn ngang trời, trông tựa như tấm màn giăng ngang. Trên cái nền xanh thẳm ấy, một dải trắng rủ xuống, cao đến vài trăm trượng. Đó là suối Vũ Môn, ở đó chưa hề có dấu chân người vì không thể lên tận nơi được. Tương truyền, đó là nơi cá Chép hóa Rồng. Phía Bắc núi này là nơi phát nguyên của sông Phố. Phía ấy có đường thông ra phủ Trà Lân và phủ Trấn Ninh cùng các vùng khác của nước Ai Lao. Sử chép: Lê Thái Tổ từ Trà Lân vào vây hãm thành Nghệ An, sai Đinh Liệt theo đường tắt vào chiếm trước huyện Đỗ Gia, tức là đi theo con đường ấy. Thời Cảnh Hưng Lê Hiển Tôn, khi Lê Duy Mật chiếm giữ phủ Trấn Ninh, cũng theo con đường này vào quấy nhiễu vùng Nghệ An. Xưa có đồn Phố Châu đóng giữ. Sông Tiêm phát nguyên từ phía Đông dãy núi này. Phía Tây con sông ấy có con đường thông sang Lạc Hòn, Quy Hợp. Nhân dân hai bên núi thường chợ búa qua lại, trao đổi trâu, lợn. Trước có đồn Quy Hợp đóng giữ ở đó. Nguồn sông Sâu (Ngàn Sâu) phát nguyên từ phía Nam núi này. Phía ấy có con đường thông với châu Bố Chánh và nguồn Kim Lũ. Trước có đồn Phúc Trạch, Hương Khê đóng giữ. Dưới chân núi, một dải rừng rậm, do 12 động sách thuộc châu Quy Hợp cư trú. Trong vùng này có một bộ tộc Lão, họ quen ở giữa đồi cỏ, nằm giữa sương mù, không biết trồng trọt, chỉ biết vào rừng tìm củ nâu, xuống khe bắt cá, làm bẫy đơm chim muông để sinh sống. Họ vẫn có vợ con, người có dáng vóc vạm vỡ, khỏe mạnh, tuổi thọ khá cao. Họ giỏi về bắn tên có tẩm thuốc độc. Khi có trầm hương, sừng tê, ngà voi..., họ mang xuống đổi cho người miền xuôi để lấy đồ dùng. Đã giao hẹn với họ những gì là phải giữ thật đúng. Ai lật lọng, bội ước họ giết bằng được. Sách Thủy kinh nói họ là dân tộc Văn Lang”[4].
Tiến sĩ Dương Thúc Hạp khi qua đây đã có bài thơ chữ Hán vịnh "Khai Trướng sơn", miêu tả nhiều chi tiết khá độc đáo của dãy núi:
Phiên âm            Khai Trướng Sơn
Vân biên phô thúy sắc
Hoan Quận nhất hùng quan
Địa, thuộc Ngọc - Lâm địa
Sơn, vi Khai Trướng sơn

Vọng trung quyển la mịch
Tế ngoại tác sách lan
Bích trướng xung tiêu liệt
Thái bình sái lộ can

Quần phong gia củng tập
Chúng thủy cộng hồi hoàn
Lộ đạt Trà - Ninh cảnh
Cư liên động, sách man

Chiến trường dư cố đạo
Phiên thị khải trùng quan
Cánh hữu Vũ Tuyền huyệt
Ngư long xuất một gian.

Dịch nghĩa:                    Núi Khai Trướng[5]
Bên chân mây, phô bày sắc biếc
Một cảnh quan hùng mạnh ở Châu Hoan
Đất thuộc các đất các phủ Ngọc Ma, Lâm Yên
Núi tên là Khai Trướng.

Trông lên như bức màn là rủ xuống
Nhìn xa như dãy thành quách dựng cao
Bức thành biếc dựng lên ngang trời
Bình phong xanh sấy khô sương mù

Các ngọn núi đều hướng về vái chầu
Mọi nguồn nước đều vây quanh.
Đường thông sang vùng đất Trà Lâm, Trấn Ninh
Dân cư đều là người mường mán ở các động, sách.

Chiến trường có thừa đường mòn
Chợ búa mở ra nhiều quan ải
Còn có hang suối Vũ Môn
Nơi rồng cá ra vào khi ẩn khi hiện.       

              Dịch thơ            Núi Khai Trướng
                                    Châu Hoan, thế núi mạnh
Chân trời, nối màu lam
Núi, gọi núi Khai Trướng
Đất, thuộc đất Ngọc - Lâm
 
Gần, như bức màn rủ
Xa, tưởng dải thành cao
Thành cao, đụng tinh tú
Bình phong, sấy sương mù.

Các núi đều chầu lại
Mọi sông đều lượn quanh
Dân cư bám động, sách
Đường núi thấu Trà - Ninh

Chiến trường nhiều đường tắt
Chợ búa lắm ải quan
 Nơi cá thi hóa rồng
Nổi tiếng, suối Vũ Môn.
                                                  (Võ Hồng Huy dịch)
Núi Phù Lê (lèn Phú Lễ?)[6]
  Hiện có nhiều ý kiến và cách nhìn khác nhau khi nói về núi Phù Lê. Trong sách Nghệ An ký, Tiến sỹ Bùi Dương Lịch liệt núi Phù Lê vào vị trí quan trọng thứ hai sau núi Khai Trướng ở Hương Khê; nội dung cụ thể như sau: “Mạch từ một nhánh núi Giăng Màn chạy là là xuống, đột nhiên nổi lên, phía Đông giáp sông Ngàn Sâu. Đá nhiều hình lạ, nhô lên lởm chởm, cây cối lâu năm xanh rậm. Sườn núi có cái hang không biết đến đâu. Trong hang có một cái giường đá. Bên giường có từng hàng thạch nhũ đan cài chồng lên nhau, có cái hình như bình phong, có cái như ống tre. Tương truyền khi vua Thái Tổ Cao Hoàng đế nhà Lê đóng quân ở huyện Đỗ Gia, dân địa phương giúp việc quân vận chuyển lương thực, binh khí, vua ban cho tên ấy”[7].
       Và cũng trong Nghệ An ký, tập Ốc lậu thoại có bài thơ vịnh núi Phù Lê:
       Phiên âm:                 Phù Lê Sơn
                                          Khai Trướng bình lai khởi,
                                      Thâm Nguyên Bắc hựu Tê (Tây).
                                          Động xuyên vô địa khiếu,
                                          Thạch giả ỷ thiên thê
                                       Xuân nhập hoa trường phát,
                                          Sơn u điểu tự đề
                                          Trợ quân nhân bất kiến
                                           Do thuyết cổ phù Lê.
      Dịch nghĩa:                       Núi Phù Lê
                                          Mạch từ núi Giăng Màn lại nổi lên
                                          Sông Ngàn Sâu chảy quanh phía Bắc và Tây
                                          Trong động có hang sâu thẳm
                                          Giá đá dựa thang trời.
                                          Xuân đến trăm hoa đua nở
                                          Núi vắng vẻ chim chóc tự kêu.
                                          Nay không thấy người giúp việc quân
                                          Chỉ nghe nói xưa phù họ Lê.

           Dịch thơ:                        Núi Phù Lê
                                         Mạch đi từ núi Giăng Màn
                                         Sông Ngàn Sâu chảy bàn hoàn mé Tây.
                                         Hang sâu thăm thẳm đâu đây,
                                         Bờ đá từng bậc như cây thang trời.
                                         Xuân về hoa nở khắp nơi,
                                         Rừng vắng, chim chóc buông lời véo von.
                                         Giúp vua người cũ đâu còn,
                                         Phù Lê một dạ vẫn truyền hôm nay.
                                                        (Mai Xuân Hải dịch)
     Thực ra, trên địa bàn phía Tây Nam Hà Tĩnh còn có một ngọn núi liên quan đến sự tích Phù Lê. Đó là núi Phù Lê hay núi Vi Kỳ, tức núi Sinh Cờ nay thuộc xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn- núi này là một di tích lịch sử ở huyện Hương Sơn nhưng gần đây đã bị xâm hại nghiêm trọng do nạn đào phá lấy đất . Nhưng vì ở đây, sách Nghệ An ký viết rằng phía Đông núi giáp sông Ngàn Sâu cho nên có thể giả thiết rằng nó là núi Phú Lễ hiện nay ở Hương Trạch. Núi Phú Lễ nằm cạnh sông Ngàn Sâu và một nhánh của núi Giăng Màn chạy là là xuống như Nghệ An ký đã chép. Hơn nữa, lại có sự tích Bạch Ngọc Hoàng hậu người làng Tri Bản cùng con gái dâng ruộng đất, trang trại cho nhà Lê nên chép vào để tham khảo. Cũng có thể Phú Lễ là Phù Lê gọi chệch ra khi nhà Mạc (khoảng năm 1527 - 1572) lên ngôi chăng? Hoặc cũng có thể vào thời Nguyễn, người ta đã đổi lại? Bởi năm Minh Mệnh thứ 18 đã có lệnh gom, di dời và quản thúc toàn bộ thân tộc họ Lê: chuyển họ từ Bắc vào Nam, phân tán về mỗi tỉnh 15 người vì sợ hậu duệ của vua Lê vẫn còn nhăm nhe ngôi báu:
       “Từ Hà Tĩnh trở ra Bắc, đều chiểu các người họ Lê ngụ ở hạt ấy, hết thảy đàn ông, đàn bà, già trẻ đều bắt giao Bộ Hộ tất cả để bộ xét tùy theo nhiều ít phát đến các tỉnh Tả Kỳ (đàng trong), liệu chỗ xếp đặt cho ở, các Tổng lý sở tại thời thường kiểm điểm, có người tự tiện trốn đi thì báo quan bắt trị tội, người chết cũng báo để làm bằng, hoặc người nào đến tuổi 15, biên thêm vào sổ, theo số thêm hay giảm ấy, 3 tháng một lần báo lên tỉnh, các tỉnh hàng năm cứ cuối tháng Sáu và tháng Mười Hai làm sổ sách báo về Bộ để xét lại, nếu Tổng lý tra xét không chu đáo và mượn cớ doạ nạt sách nhiễu thì sẽ bị trị tội, làm thế thì bọn chúng (họ Lê) được gần gũi nương tựa nơi Kinh kỳ, cùng giúp nhau để sống”[8].
       Sau đó, từ tỉnh Quảng Nam trở vào, triều đình đã giao cho mỗi tỉnh 15 người (đàn ông) họ Lê, cấp cho mỗi người 10 quan tiền và 5 sào ruộng để sinh sống nhằm phân tán dòng tộc nhà Lê. Còn đền vua Lê ở Thanh Hóa thì giao cho quan địa phương trông nom.
       Điều này cho thấy, từ thời Minh Mạng trở về sau, phù Lê là tư tưởng trái với tư tưởng chính thống. Núi Phù Lê cũng vì vậy mà đổi thành Phú Lệ chăng?
     Trong cuốn An Tĩnh sơn thủy vịnh, Tiến sỹ Dương Thúc Hạp có viết: “Núi tại làng Phúc Lộc, từ Khai Trướng xuống, nổi lên ngọn núi này. Phía Đông sát sông Ngàn Sâu, núi chồng chất nhiều đá lạ. Cây cối rậm rạp, lưng núi có động, trong động có giường đá. Trên mái giường, nhũ đá buông xuống như có bàn tay ai đã tô điểm xếp đặt. Tương truyền khi Lê Thái Tổ đóng quân ở Đỗ Gia, nhân dân ở đây quyên góp lương thảo, đem quân giúp nghĩa quân. Nhà vua cho tên núi Phù Lê - giúp nhà Lê là vì vậy” [9].
          Trước cảnh đẹp của núi, Tiến sỹ Dương Thúc Hạp đã làm bài thơ về núi Phù Lê như sau:
       Phiên âm:                    Phù Lê Sơn
Khai Trướng Sơn tòng khởi
Thâm Nguyên thủy nhiễu hoàn
Thạch sàng thiên tác giá
Đông khiếu địa vị toàn
Thụ tĩnh, điểu thường túc
Lâm u thảo bất san
Phù Lê sự dị cổ
Gia hiệu lặc sơn gian

          Dịch nghĩa:                      Núi Phù Lê
Từ núi Khai Trướng lại
Nước Ngàn Sâu vây quanh
Giường đá, trời làm giá gác
Hang động đất đóng khóa
Cây lặng, chim thường nghỉ trọ
Rừng âm u, cỏ không dễ chen
Giúp vua Lê, câu chuyện ngày xưa
Tên đẹp ấy đã được khắc tạc vào núi này.

Dịch thơ:                                Núi Phù Lê
Dãy Giăng Màn kéo xuống
Nước Ngàn Sâu uốn về
Giường đá, trời nâng gác
Hang núi, đất buồng che
Cây lặng, chim thường nghỉ
Rừng rậm, cỏ không dè
Giúp vua Lê, chuyện cũ
         Tên đẹp, núi còn ghi.
                             (Võ Hồng Huy dịch)
 Núi Vụ Thấp (Vũ Môn)
       Núi Vụ Thấp trong dãy Giăng Màn chính là ngọn núi có thác Vũ Môn. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chú thích về núi Vụ Thấp như sau: “Theo sách Đường thư địa lý chí, từ Hoan Châu đi về phía Tây 3 ngày đến núi Vụ Thấp. Sách Nghệ An ký chép: Núi Vụ Thấp còn có tên gọi nữa là núi Vụ Ôn. Sách Thoái thực ký văn của Trương Quốc Dụng chép rằng: núi Vụ Ôn ở về phía địa phận huyện Hương Sơn, Nghệ An, tức là một nhánh của núi Vụ Môn”[10].
     Vụ Thấp, chữ Hán có nghĩa là sương mù ẩm ướt. Xét về khí hậu địa lý thì đây là vùng quanh năm sương mù, không khí ẩm ướt, cho nên đặt tên Vụ Thấp là phù hợp. Vì chữ Thấp và chữ Ôn có mặt chữ gần giống nhau nên Vụ Thấp viết thành Vụ Ôn chăng? Nhưng cả ÔnThấp đều phản ánh đúng tính chất mát mẻ và ẩm thấp của khí hậu ở vùng này.
          Núi Thống Lĩnh
          Sách Đồng Khánh ngự lãm dư địa chí nói đến núi Thống Lĩnh tại địa phận Bái Đức, tổng Phúc Lộc, một trong những tổng của Hương Khê lúc thành lập huyện năm 1867: “Đây là một dãy núi đẹp, gồm chín chóp nhọn nổi lên trông như một lá cờ, núi nằm ở phía Nam huyện Hương Khê”[11] (nay thuộc xã Hương Trạch, giáp tỉnh Quảng Bình).
        Núi Bạch Thạch (Ko xác định được ở xã nào nên bỏ)
       Núi này còn có tên gọi khác là lèn Đá Trắng, thuộc tổng Qui Hợp cũ, cũng được xem như một danh thắng. Sách Đồng Khánh ngự lãm dư địa chí, chép: “Đó là một ngọn núi thường xuyên có một dải ánh sáng trắng như bạc nằm ngang, ở giữa có con đường thông vào nước Vạn Tượng (Lào), tục cho nơi ấy rất linh thiêng, người qua lại không dám nhìn lên” [12].
       Núi Trà Sơn
       Đại Nam nhất thống chí chép rằng: “Trà Sơn cách huyện La Sơn (Đức Thọ ngày nay) 28 dặm về phía Tây Nam. Thế núi cao lớn, cây cối xanh tốt, sông Minh Lương chảy ra từ đấy. Núi Trà Sơn cùng với Trường Sơn đã tạo cho vùng đất Hương Khê thành hình lòng máng, mà Trà Sơn (phía Đông) và Trường Sơn (phía Tây) là những bức tường thành. Trà Sơn là dãy núi tạo nên đường phân cách địa dư Hương Khê với Can Lộc”[13].
1.2. Vùng thung lũng và đồng bằng
Lịch sử hình thành đồng bằng và đất đai trồng trọt Hương Khê là quá trình lịch sử lấn rừng. Về sau sự tụ cư của con người ngày càng lớn, các trại, kẻ, ấp, làng... càng phát triển thì rừng càng bị đẩy lùi dần, làng mạc và đồng bằng xuất hiện và mỗi ngày một thêm mở rộng.
Đất đai Hương Khê chủ yếu thuộc loại địa hình vùng núi cao chiếm phần lớn, tiếp đến là kiểu địa hình vùng đồi cũng chiếm một diện tích đáng kể. Kiểu địa hình đồng bằng chiếm tỷ lệ thấp.
Đây là vùng địa hình chủ yếu là đồng bằng, các khu dân cư xen kẽ sông suối. Diện tích vùng thung lũng đồng bằng chỉ chiếm 10% diện tích tự nhiện toàn huyện.
Đất đồng bằng Hương Khê thường có cấu tượng sét pha cát, gọi là "đất thịt". Loại đất có màu vàng nhạt, mùa nắng hạn dễ bị khô cứng. Đất đồng bằng Hương Khê, nhất là đất đồng lúa thường được chia ra làm hai loại: loại đồng cạn và loại đồng sâu.
- "Đồng cạn" thường có nguồn gốc từ cồn bãi, do sự xâm thực của thiên nhiên lâu ngày bào mòn, do công lao san lấp, cải tạo nhiều đời của con người mà trở thành đồng bằng. Đất đồng bằng loại "đồng cạn" này thường được sử dụng trồng một vụ lúa, một vụ màu. Nơi nào có công trình thủy lợi, đảm bảo nước tưới thì cũng có thể trở thành đất hai vụ lúa.
- "Đồng sâu", loại đồng đất "dằm nước", lại lắm mùn màu, dễ canh tác. Mảng đồng bằng này thường có nguồn gốc từ những thung lũng hẹp được phù sa núi bồi lấp dần mà trở nên đồng bằng.
Nói đến đồng bằng Hương Khê, không thể không nói đến những dải đất bồi ven sông Ngàn sâu, sông Tiêm và Rào Nổ ở các xã Phúc Đồng, Hà Linh, Hòa Hải, Hương Thủy.... Thể loại này có diện tích không thật lớn nhưng nó lại góp phần làm tăng thêm giá trị màu mỡ của đồng bằng Hương Khê.
          Trải qua thời gian dài biến đổi của tự nhiên, sông, suối, khe, rào, bàu, vực ở Hương Khê đã có sự biến đổi đáng kể, không mấy dòng còn giữ được hình dáng nguyên thủy. Lớn như Ngàn Sâu cũng đã bao phen phải đổi dòng. Ngày nay, những bàu, vực, những dải đồng sâu kéo dài... chính là dấu tích còn lại của sự đổi dòng ấy. Các khe, suối, rào, hói, bàu, vực nhỏ thì sự thay đổi, bồi lấp lại càng nhiều hơn. Tên gọi cũng không đồng nhất: cùng một dòng chảy nhưng có thể mỗi đoạn, qua mỗi làng lại có một tên gọi khác nhau. Qua đây, chúng tôi nêu một số con sông lớn ở Hương Khê:
         Sông Ngàn Sâu
Tài liệu viết về sông Ngàn Sâu khá phong phú. Trong cuốn  An Tĩnh cổ lục (Le vieux An - Tĩnh)[14] có ghi: sông Ngàn Sâu, sông La là sông nhánh của sông Lam nói trong biên niên sử. Người ta có thể gọi lưu vực này là "xứ" Hương Khê, mang tên của khu hành chính ngày nay. Xứ này là một cái vùng lòng chảo bao la, bốn bề đều có núi che kín. Chỉ có các đèo Tân Ấp, Khe Nét và Kim Lũ mở cho một đường đi dễ dàng đến lưu vực của Linh Giang (tức là sông Gianh trên bản đồ). Rồi chúng ta đi đến "xứ” Tuyên Hóa (lấy tên của huyện), nơi đây rải rác có nhiều núi đá vôi giống như những núi đá của Vịnh Hạ Long (Đàng Ngoài). Thời Đệ tứ kỷ, vùng lòng chảo này là một cái hồ rộng bao la. Ở đáy hồ là than bùn chồng chất thành từng lớp và người ta đã phát hiện được ở nhiều chỗ có than bùn như vậy. Rồi tiếp đến thời kỳ lục địa khởi chuyển, và hồ đã có thể trút sạch nước về sông Lam do một đường nứt. Như vậy là sông Ngàn Sâu ra đời.
          Về phía Tây, đúng theo hướng Tây Bắc - Đông Nam là bức tường khổng lồ của Giăng Màn. Về phía Đông là dãy núi bao la, nó bắt đầu cũng theo hướng ấy, từ núi Linh Cảm cho đến Ba Đồn. Tất cả các rặng núi ấy đều có một hệ thống những "con đường thượng đạo" băng qua, mà lối đi chính là những con đường thiên nhiên rộng lớn, dựa vào các khe núi của Giăng Màn để chạy tới miền Tây của tất cả các tỉnh Trung Kỳ và cả đến cao nguyên Lâm Viên.
Các biên niên sử của nhà Lý (1010 - 1228) có chép lại rằng: “Xưa kia, người Cham-pa thỉnh thoảng có dùng "con đường Thượng Đạo" để đánh chiếm An - Tĩnh, trong đó có những con đường đi giữa thung lũng sông Gianh với thung lũng Ngàn Sâu. Chính vào thời kỳ này, người An Nam đã đắp các thành lũy tại các vùng Qui Hợp và Tuyên Hóa để kiểm soát 12 động đá vôi. Các lũy nhỏ này dựa vào thành lũy của núi Vụ Thấp và Phúc Nhật. Hồ Quý Ly và con trai là Hồ Hán Thương muốn dùng con đường thượng đạo ấy để qua Lào khi tướng Tàu đuổi bắt (1407). Cũng nhờ các con đường này mà Lê Lợi đã liên lạc được thường xuyên với các tỉnh phía Nam An - Tĩnh; Nguyễn Hữu Tấn, Đại Nguyên soái của chúa Nguyễn đã đánh úp được Ông Ninh và buộc quân lính Bắc Hà phải rút lui về tận sông Lam. Các giai đoạn của các cuộc chiến đấu ấy giữa quân của chúa Nguyễn và quân của chúa Trịnh, mà ông Léon Cadière đã đặt tên là "cuộc chinh phạt của Nghệ An" (1655 - 1661), “Con đường Thượng Đạo” là nơi rút lui của vua Hàm Nghi (1884 - 1885) và người cận thần danh tiếng nhất của Ngài là Phan Đình Phùng. Nhờ con đường này mà Hàm Nghi đã liên lạc thường xuyên với các bộ hạ của Ngài đóng tại trung du tỉnh Thanh Hóa. Sau hết, cũng về phương diện lịch sử, có một điều có thể khẳng định được chắc chắn là vào những thời kỳ xa xưa, bọn cướp và buôn lậu đã biết đến con đường thiên nhiên này. Chúng ta cũng không quên nhắc lại là nhờ con đường Thượng Đạo mà tên tướng Chăm La Khai đã đưa quân lính về Cham-pa (Bình Định ngày nay) sau cuộc thất bại đau đớn với người An Nam. Và trong cuộc chiến bại này, vua Chế Bồng Nga đã bị giết (1390). Hang Lạc Sơn cũng nằm trong vùng đá vôi của Tuyên Hoá, gọi là hang Minh Cầm. Ở đấy, người ta đã phát hiện được một nơi có mộ cổ của thời kỳ đá mới. Về sau, người Cham-pa đã dựng lên ở đấy một miếu thờ Ấn Độ giáo, ngày nay đã An Nam hóa”[15].
Trong cuốn Đồng Khánh ngự lãm dư địa chí có ghi: “Một dòng gọi là sông Ngàn Sâu (Thâm Giang), bắt nguồn từ sông Chăn đổ về hướng bắc, qua sông Tiêm, sông Nổ, sông Trai chảy đến sông Bồng tổng Thượng Bồng huyện Hương Sơn, dài 222 dặm, trong đó:
Đoạn từ sông Chăn đến thôn La Khê dài 100 dặm, rộng 2 trượng, sâu 2 thước, 5 tấc.
Đoạn từ xã Phúc Trạch đến xã Lâm Thao tiếp với sông Bồng ở tổng Thượng Bồng huyện Hương Sơn dài 122 dặm, rộng 3 trượng 2 thước, sâu 3 thước 5 tấc”[16].
Trong cuốn Địa chí Hương Sơn có nêu: “Sông Ngàn Sâu cũng là một phụ lưu chính của sông La. Sông này dài khoảng 101km, bắt nguồn từ núi Ông Giao Thừa (cao 1.100m) và núi Cù Lân (cao 1.014m), thuộc dãy Trường Sơn nằm trên địa bàn giáp ranh của hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Sông Ngàn Sâu chảy theo hướng Bắc đi qua các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ và Hương Sơn rồi hợp lưu với sông Ngàn Phố tại ngã ba Tam Soa (hay bến Tam Soa), tạo thành sông La. Sông Ngàn Sâu đoạn từ Vực Ác về xuôi, phía bên tả ngạn, khoảng 5km mới là đất Sơn Long (Hương Sơn)”[17]. Về tả ngạn có Rào Chăn, Rào Rồng, Rào Nại, Hói Lo, Hói Địa, Hói Co.
Khác với sông Ngàn Phố, sông Ngàn Sâu rất nhiều bùn, có nhiều vực lớn, nhiều đoạn rộng và sâu; thuyền, bè, kể cả thuyền gắn máy ngược xuôi thuận lợi. Trạm bơm Sơn Long cũng nhờ nguồn nước Ngàn Sâu mà nhiều năm phát huy tác dụng. Sông Ngàn Sâu nhập nước của toàn bộ khe suối vùng Hương Khê và Vũ Quang. Ngàn Sâu có diện tích lưu vực là 3.214km2, có độ cao trung bình 360m, độ dốc trung bình 28,2%, mật độ sông suối 0,87km/km2. Tổng lượng nước trung bình nhiều năm của sông Ngàn Sâu là 6,15 km3, tương ứng với lưu lượng trung bình năm là 195m3/s. Tuy sông này có mùa lũ ngắn, thường từ tháng 9 đến tháng 11 nhưng lượng dòng chảy mùa lũ lại chiếm đến 56 - 57 % lượng dòng chảy cả năm. Ngàn Sâu có ba phụ lưu chính là sông Tiêm, Rào Nổ và sông Ngàn Trươi .
Khi về đến cuối huyện Vũ Quang, sang Đức Thọ, Ngàn Sâu vẫn còn tiếp tục nhận được nước từ nhiều khe, hói khác như: hói Đọi, hói Nướt, hói Giồng phía tả ngạn; hói Trộ Đó, hói Tra, hói Bạ, hói Hạc, hói Bượm về phía hữu ngạn. Trong đoạn này có hai ghềnh do hai mõm đá phóng xuống sát tận bờ sông làm tăng vẻ kỳ vỹ của sông nước, đó là ghềnh Trộ Đó(xã Đức Đồng) và ghềnh Tàng( Xã Sơn Long ). Lại còn có một cái vực gọi là Vực Ác(giáp giới giữa xã Ân Phú và xã Sơn Long)bởi đến đây dòng chảy uốn hình gấp khúc, nước xoáy mạnh, độ sâu lớn, thuyền bè qua đây không cẩn thận rất dễ bị tai nạn.
 Các nhà địa lý học ngày nay cho rằng sông La bắt đầu từ Linh Cảm, nơi hợp lưu của Ngàn Sâu và Ngàn Phố. Còn Tiến sĩ Bùi Dương Lịch (1757 - 1828) lại cho rằng Ngàn Sâu chỉ là một đoạn của sông La. Bởi vậy, trong Yên Hội thôn chí (và cả trong Nghệ An ký), ông đã viết: "Sông La bắt nguồn từ biên giới Ai Lao chảy xuống, thường gọi là Thâm Nguyên giang" (sông Ngàn Sâu). Đến Phúc Lộc, Hương Sơn thì sông Giàng từ bên trái nhập vào, đến Thái Yên (có lẽ tên cũ từ thời Lê) thì Tiêm Giang ở Quy Hợp từ bên trái nhập vào, đến Bào Khê thì Trúc Giang ở Bào Lăng lại từ bên trái nhập vào, đến Thổ Lỗi là núi. Núi quay về hợp với sông, sông núi quấn quanh, ở giữa, trông vào như con rồng xanh quấn lấy đất, gọi là "Hồi lai chín khúc"....; đến Đỗ Xá lại có Phố Giang của Hương Sơn từ bên trái nhập vào, gọi là "Tam Soa Giang". Từ đó mở rộng ra trong suốt, chảy qua đất tổng, rồi trút xuống Bùi Xá, Bình Hồ, Nam Ngạn, hợp vào với sông Lam, gọi là La Giang...”.
Như vậy, theo học giả Bùi Dương Lịch thì Ngàn Phố (ở Hương Sơn) mới là một chi lưu của La Giang, còn Ngàn Sâu chỉ là đoạn "Thâm Nguyên giang" của La Giang. Hơn nữa, từ đầu nguồn "Thâm Nguyên giang" cũng đã có cái tên "La" rồi, đó là La Khê - Khe La. Cách xác định ấy của người xưa cũng không phải không có lý.
So sánh với sông Ngàn Phố về độ dài, độ cao, độ dốc, lượng nước thì sông Ngàn Sâu dài và lớn hơn: Sông Ngàn Phố có độ dài (72km), Ngàn Sâu là (131km); độ cao trung bình sông Ngàn Sâu (360m), Ngàn Phố (331m); có độ dốc trung bình Ngàn Sâu (28,2%), Ngàn Phố (25,2%); tổng lượng nước trung bình của Ngàn Sâu (6,15km3), Ngàn Phố (1,4km3); lưu lượng nước trung Ngàn Sâu (388 m3/s) còn Ngàn Phố (370 m3/s), lưu lượng nước nhỏ nhất của Ngàn Sâu (10 m3/s) còn Ngàn Phố (2,5 m3/s)[18].
     Sông Tiêm (Rào Tiêm)
    Sông phát nguyên từ Ngàn Trụ (khe Vụ Môn, Trại Trụ ngày nay) thuộc địa phận xã Phú Gia chảy rẽ về phía Bắc xã Lộc Yên hợp lưu với sông Ngàn Sâu. Sông dài 50 dặm. Đây là con sông chảy qua nhiều xã ở vùng thượng huyện, có một vị trí quan trọng đối với nền kinh tế nông nghiệp của Hương Khê, nhất là về phương diện thủy lợi. Sông Tiêm cung cấp nước tưới cho thị trấn và chín xã: Phú Gia, Hương Vĩnh, Gia Phổ, Phú Phong, Hương Xuân, Hương Long, Hương Bình, Hòa Hải, Phúc Đồng[19].
  Trong cuốn An Tĩnh sơn thủy vịnh, Dương Thúc Hạp đã tả cảnh sông Tiêm như sau:

     Phiên âm:                                       Tiêm Giang
 Nguyên tự Khai Trướng Vũ Tuyền xuất
Trường Giang nhất đới, thủy trừng ngưng
 Cáp phùng xuân vũ đào hoa lãng
 Chỉ xích long môn khóa bộ đăng.

   Dịch nghĩa:                                     Tiêm Giang
                             Nguồn từ suối Vũ Môn trong dãy Khai Trướng đổ ra
                             Sông dài một dải  nước trong veo
                             Gặp dịp mưa xuân dẫy sóng hoa đào
                             Cửa rồng gang tấc nhảy vượt lên bậc cao.
 Dịch thơ:                                        Sông Tiêm
                                   Vũ Tuyền Khai Trướng đổ ra
                                  Sông dài một dải, mờ xa, trong ngần
                                  Sóng đào gặp dịp mưa xuân
                                  Cửa rồng cá vượt mấy lần tầng cao.
     Nói về sông Tiêm, Đồng Khánh ngự lãm dư địa chí có ghi:"Sông Tiêm bắt nguồn từ Ngàn Trụ đổ xuống, phân dòng chảy về phía Bắc, qua xã Lộc An hợp lưu với sông Chăn, dài 50 dặm, rộng 2 trượng, sâu 2 thước 4 tấc"[20].
       Sông Nổ (Rào Nổ)
       “Sông bắt nguồn từ Quỳ Châu đổ xuống chảy về phía Bắc, qua xã Tri Bản đến chợ Trúc của xã Trúc Lâm cùng hợp lưu với sông Ngàn Sâu, dài 62 dặm, rộng 2 trượng, sâu 2 thước 5 tấc”[21]. Đây là con sông quan trọng của vùng hạ huyện, nhất là các xã Hòa Hải, Phúc Đồng và một phần của xã Phương Điền.
    Sông Ngàn Trươi (Khe Ác)
     Bắt nguồn từ các khe núi Vũ Quang, chảy về Nam 77 dặm đến xã Bào Khê thì hòa vào sông La. Sông này khí lam chướng rất nặng nên gọi là “Sông Ác”[22]. Ngày xưa, khi Phan Đình Phùng xây dựng căn cứ địa, sông Ngàn Trươi với các khe núi Vụ Quang đã được chọn làm nơi tập kết lực lượng, rèn đúc vũ khí và dùng kế “sa nang úng thủy” để dìm kẻ thù xâm lược. Bây giờ, toàn bộ lưu vực sông Ngàn Trươi đã thuộc về địa phận huyện Vũ Quang (thành lập tháng 8.2000).                           
      Suối Vũ Môn
     Đồng Khánh ngự lãm dư địa chí ca ngợi thắng cảnh Vũ Môn: Từ ngoài trăm dặm nhìn lên thấy như một dải khói đặc, dựng đứng giữa sườn núi xanh màu thẫm. Tương truyền hằng năm đến ngày mồng Tám tháng Tư cá Gáy (cá Chép) nhảy lên để hóa Rồng.
     Đại Nam nhất thống chí nói về suối Vũ Môn như sau: “Ở núi Vũ Môn trong dãy Giăng Màn thuộc huyện Hương Khê, Hương Sơn, trên núi có thác ba bậc, mỗi bậc đến vài ba trượng, đứng ngoài mấy trăm dặm, trông như một làn khói sừng sững trong núi xanh. Tương truyền: hằng năm cứ đến ngày Tám tháng Tư, cá Chép vượt được suối này thì hóa Rồng, phường chài thường bảo nhau mấy ngày trước không bủa chài lưới, đúng ngày ấy thì chỗ này mây mù dày đặc, không ai dám đến gần".
     Còn Đường thư chép: “Từ châu Hoan đi về phía Tây ba ngày qua núi Vụ Ôn có con đường thông qua Chân Lạp. Nay tính nhật trình, thì Vụ Ôn có lẽ là núi này mà nói lệch đi. Lại Vụ Ôn cũng gọi là Vũ Thấp, có lẽ viết nhầm vì mặt chữ gần giống nhau”[23].
  Người dân Hương Khê không gọi là suối Vũ Môn mà gọi là khe Vũ Môn hoặc thác Vũ Môn. Cả Đại Nam nhất thống chíĐồng Khánh ngự lãm dư địa chí đều xác nhận “Từ ngoài trăm dặm trông thấy như một dải khói trắng”. Đỉnh thác cao đến nỗi, vào những dịp trời trong, đứng cách xa Vũ Môn hàng dăm chục cây số không những thấy được một dải khói trắng mờ mà còn có thể nghe được tiếng nước chảy ngân vang. Nhiều người đến tham quan Vũ Môn dù đứng cách thác nước hàng chục cây số vẫn nghe được tiếng nước đổ đã vang dội một vùng. Còn nếu đứng ở đỉnh thác thì dù có sấm sét trên đầu cũng không thể nào phân biệt được. Một màn nước khổng lồ dội thẳng đứng từ đỉnh cao vài chục mét xuống những phiến đá xanh, ngọn nước vọt lên khỏi những tán cây, tạo thành muôn làn hơi dày đặc, gió thổi như bão, dường như không thể nào nhóm được một bếp lửa trong khu vực thác. Không khí ẩm ướt quanh năm. Trong khi ở trung tâm thị trấn, nhiệt độ mùa hè lên tới 35 - 370 C, thì khu vực Vũ Môn chỉ khoảng 20 - 280 C. Có thể nói, Vũ Môn ở Hương Khê như là một Sa Pa, một Đà Lạt tương lai của đất nước.
  Suối Vũ Môn không chỉ là thắng cảnh đẹp mà còn là nơi hiểm yếu. Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì tháng 9.1150, quân Chân Lạp vào cướp Nghệ An bị chết ở Vụ Thấp rất nhiều: chết vì đánh nhau, vì hổ vồ, rắn cắn, vì lạc đường, vì sốt rét…
  Viết về suối Vụ Môn[24], Dương Thúc Hạp đã có bài thơ:
       Phiên âm:                      Vũ Môn tuyền
Trạm nhĩ! Tuyền thủy thanh
Xuất ư Trướng Sơn hạ
Trung nhất điều bạch thùy
Sổ bách trượng quang xạ
Vân vũ đương không đằng
Ngư long đắc thủy hóa
Vũ Môn hữu lộ đăng
Nộ lực tam tằng khóa

Dịch nghĩa:                                 Suối Vũ Môn
Trong veo, nước suối này
Từ Khai Trướng đổ xuống
Giữa núi có một dải trắng rủ xuống
Trắng lóa vài trăm trượng
Mây mưa vần vũ bay
Cá được nước hóa rồng
Vũ Môn có đường lên
                                      Gắng sức nhảy vượt ba tầng sóng.      

   Dịch thơ:                                 Suối Vũ Môn
Từ Giăng Màn đổ ra
Suối trong ngần nước lọc
Một tấm dài lụa xanh
Trăm trượng hơn dải bạc
Cá vượt sóng hóa rồng
Mây gặp mưa tuôn thác
                                       Vũ Môn sẵn đường lên
                                       Ba tầng, gắng vượt sức.
                                               (Võ Hồng Huy dịch)
  Thác Vũ Môn theo kết quả của đoàn khảo sát thực tế của Ủy ban nhân dân huyện Hương Khê thực hiện ngày 5/8/2016.
Thác Vũ Môn nằm trên địa bàn hành chính xã Phú Gia, huyện Hương Khê có độ cao hơn 1.400m so với mực nước biển, chiều cao của thác hơn 200m, thác có 4 cấp nước, mỗi cấp nước có hình chải, độ cao các cấp nước chênh nhau tương đối lớn từ 25m - 86m, lòng thác rộng khoảng 27,5m, lượng nước nhiều quanh năm không khi nào cạn, đây là một trong những thác tự nhiên huyền bí và kỳ vĩ bởi truyền thuyết hàng năm cá chép thi vượt thác để hóa rồng mà dân gian thường gọi "Mồng bảy cá đi ăn thề/ Mồng tám cá về vượt thác Vũ Môn".
Qua nghiên cứu các tư liệu liên quan đến Thác Vũ Môn và thực tế khảo sát có thể thấy Thác Vũ Môn có không khí trong lành, khí hậu mát mẻ, phong cảnh đẹp, hùng vĩ, đây là một điểm đến tiềm năng phát triển du lịch.
+ Trong sách Nghệ An ký của Bùi Dương lịch nói: “Núi khai trướng cao ngất trời, trông như màn giăng. Một giải trắng nổi bật lên giữa màu lam xanh biếc, dài đến mấy trăm trượng, gọi là Suối Vũ Môn. Tục truyền đây là nới cá Chép hóa rồng”.
+ Trong các cuốn sách: Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú; sách: Hoàng việt dư địa chí đời Minh mạng; sách: Đồng khánh địa dư; sách Đại Nam nhất thống chí đều giới thiệu về Vũ Môn với nhiều tình tiết chung như: “Suối Vũ Môn ở Núi Vũ Môn trong dãy Giăng Màn, thuộc huyện Hương Khê, trên có thác ba bậc, mỗi bậc đến vài trượng, đứng ngoài mấy trăm dặm trông như một làn khói đứng sững trong núi xanh. Tương truyền hàng năm đến ngày tám tháng tư cá chép vượt được suối này thì hóa rồng, phường chài thì bảo nhau mấy ngày trước không bủa chài lưới, đúng ngầy ấy thì chỗ này mây mù dày đặc, không ai dám đến gần”.
+ Trong tài liệu “Vũ môn - Cá Chép hóa rồng và một số địa danh lịch sử vùng Hương Khê - Hà Tĩnh của ông Trần Văn Quý (nhà nghiên cứu Hán nôm- quê xã Hương Bình): Tên gốc của Suối Vũ Môn (tên cúng cơm) là Dòng Nước Thần (hoặc Suối Nước Thần
  + Theo cảm nhận của các thành viên Đoàn công tác: Thác Vũ Môn huyền thoại; tận mắt nhìn thấy một Vũ Môn hoang sơ mà hùng vỹ; một Vũ Môn huyền bí nhưng cũng rất nên thơ; Thác Vũ Môn là một tuyệt tác thiên nhiên ban tặng cho con người.
  Tuy nhiên để nhiều người đến được với Vũ Môn chiêm ngưỡng tuyệt tác thiên nhiên ấy, để được đắm mình vào dòng nước huyền thoại ấy, để một tiêm năng không ngủ quên, Vũ Môn cần được quan tâm đúng mức. Nếu được đầu tư bài bản, Vũ Môn chắc chắn sẽ là một điểm đến đầy hấp dẫn của du khách thập phương; kết hợp với những di tích văn hóa trên địa bàn huyện Hương Khê như Đền Trầm Lâm, Thành Sơn Phòng-Hàm Nghi, Rôộc Cồn, Đền Trụ và Thác Rào rồng … đây sẽ là một tua du lịch lý thú, đa dạng kết hợp giữa du lịch tâm linh và du lịch khám phá và nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, với những thuận lợi về giao thông của huyện Hương Khê (cả về đường sắt và đường bộ), Thác Vũ Môn hoàn toàn có thể là một điểm đến trong các tour du của Hà Tĩnh.
   Đầm Trăm Năm  
    Đại Nam nhất thống chí gọi là “Đầm Bách Niên”. Đồng Khánh ngự lãm dư địa chí thì giải thích tên chữ của đầm là “Bách Linh Đàm”. Đầm Bách Niên (Đầm Trăm Năm) nằm trong khuôn viên của miếu Trăm Năm. Đầm nằm ở địa phận xã Phú Gia….Trên bờ có đền thờ thần tục gọi là đền Trầm Lâm. “Bốn mặt là núi đất, trong đó có cái ao chừng nửa mẫu, sắc như nước chàm, sâu không lường được, mưa lũ không đầy hơn, hạn hán không vơi cạn, trên đầm có đền thờ thần Bách Niên”[25]. Đa số dân Hương Khê gọi địa danh này là miếu Trăm Năm.
     Ông Roland Bulateau viết về miếu như sau: “Mỗi khi hạn hán đe dọa, dân trong vùng đưa lễ vật đến cúng Đền thì khắc có mưa to. Cảnh đền này khá đẹp. Tứ phía có nhiều cau và các loại cây cối khác rất râm mát. Trước đền có một cái hồ không rộng lắm nhưng rất sâu. Người ta kể rằng cứ đến ngày có cúng tế thì bát đĩa nổi lên mặt hồ. Tế lễ xong, bát đĩa lại chìm xuống. Người ta còn kể rằng có một người Âu muốn khám phá chiều sâu cái hồ, đã lặn xuống nhưng không tìm thấy đáy, sau đó ít lâu ông ta bị ốm rồi chết”.
     Về vị thần được thờ ở miếu Trăm Năm, có tài liệu nói rằng vị thần ấy đời Lê triều được phong là “Bản xứ Thánh mẫu Trầm Lâm kiêm lục quốc, thượng triều kim khuyết, hạ thấu long cung, thanh y anh linh hiển ứng diệu ngọc thánh vương thiên thần”[26]. Đến triều Nguyễn, thần miếu này cũng được phong nữa. Trong miếu có thờ một vị thần nữa hiệu là Mã Vòng công chúa và Thập nhị Thiên tiên nương. Trước thời chiến tranh chống Mỹ, miếu chưa bị phá hủy, trong miếu có các câu đối khắc của quan Đại thần, Thái tử Thiếu bảo Nguyễn Chính: Công phù đại địa Trung hưng thánh, danh trấn Nam thiên thượng đẳng thần[27]. Có ý kiến nói rằng, hai câu trên là của vua Hàm Nghi ban tặng cho đất Phú Gia - nơi được chọn làm căn cứ của phong trào Cần Vương để chống Pháp những năm 1884 - 1885[28].
  Ngày nay, những di vật ấy không còn nhưng hồ nước trong xanh cùng những huyền thoại xung quanh hồ vẫn được dân địa phương gìn giữ và truyền tụng. Cùng với đền Trại Trụ, miếu Trăm Năm được coi là thắng cảnh và linh thiêng bậc nhất ở Hương Khê từ trước đến giờ. Hương Khê còn có nhiều địa danh khác cũng rất tiêu biểu, đang được bảo tồn và tôn vinh như đền Công Đồng, Thành Sơn Phòng, Rộc Cồn, Địa Lợi, đập Sông Tiêm, hồ Bình Sơn, trường Hương Phúc, Rào Rồng, Di tích Trụ sở Bộ tư lệnh Đoàn 559…
Sông Hào
Sông nằm ở phía Tây xã Hương Bình bắt nguồn từ lưng chừng núi Trường Sơn chảy qua vùng Đá Bạc hợp với Rào Ga tại lưu vực Rào Hào tiếp với Rào Nổ hội tụ với sông Ngàn Sâu tại ngã ba Trúc (Hà Linh).
Hồ Bình Sơn
Hồ Bình Sơn là một công trình thủy lợi mới của huyện Hương Khê.  Tháng 9/1994, hồ Bình Sơn chính thức được khởi công xây dựng và hoàn thành vào tháng 12/1999. Hồ Bình Sơn là hồ kết hợp tưới tiêu cho thị trấn vừa tạo cảnh quan sinh thái, điều hòa khí hậu cho thị trấn. Trước đây, thiết kế để tưới cho 100 ha đất canh tác nhưng nay chỉ tưới cho khoảng 13 ha đất canh tác nằm ở phía đông thị trấn. Hồ có diện tích mặt thoáng là 80.000m2, dung tích 280.000m3. Nước hồ lấy từ công trình thủy lợi sông Tiêm. Ở giữa hồ có hai hòn đảo nhỏ, trên đó có tượng đài Hồ Chí Minh cao 6,2m bằng chất liệu đá khối. Trước năm 2010, tượng Hồ Chí Minh bằng thạch cao được chuyển từ khuôn viên bệnh viện (ở khối 2, thị trấn) về …. Cùng với thời gian tượng đã xuống cấp và hư hỏng. Năm 2009, 2010, cấp ủy huyện Hương Khê cùng với doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã đầu tư xây dựng lại tượng đài. Chân tượng được làm bằng khối đá xanh (Thanh Hóa), thân tượng được làm bằng đá trắng (Quỳnh Lưu).  Tượng đài được khánh thành vào ngày 19/5/2010. Với cảnh quan đẹp và nên thơ, nằm ở trung tâm huyện lỵ, hồ Bình Sơn trở thành biểu tượng của Thị trấn Hương Khê, là nơi tổ chức các sự kiện chính trị của thị trấn.
2. Khí hậu
Hương Khê là vùng có khí hậu nhiệt đới gió mùa rất rõ nét. Gió mùa Đông Bắc thổi từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau mang theo mưa phùn và giá rét. Gió Tây Nam (thường gọi là gió Lào) thổi vào khoảng tháng 4 đến tháng 8, có khi sớm hoặc muộn hơn, là một trong những nhân tố tạo nên sự khắc nghiệt của khí hậu, thời tiết ở cả vùng Bắc Trung Bộ nói chung và Hương Khê nói riêng. Sách Đồng Khánh ngự lãm dư địa chí đã nói rõ sự thay đổi thời tiết của Hương Khê như sau: “Tháng Hai, tháng Ba, mùa Xuân, khí trời còn rét. Tháng Tư, tháng Năm, mùa Hè nắng to, làm người ta khó chịu. Tháng Bảy, tháng Tám, mùa Thu thì thường có gió lạnh, mưa nhiều, nước lũ dâng cao ngập ruộng đồng, hoa màu bị thiệt hại. Tháng Mười, tháng Mười Một, khí trời rất rét. Do địa thế cao, núi rừng nhiều chướng khí tạo nên. Mùa rét ở Hương Khê thường là nguyên nhân gây bệnh làm chết gia cầm, gia súc. Có những đợt rét làm cho hàng trăm trâu bò chết trong một lúc”[29].
Khí hậu không chỉ thay đổi theo mùa mà còn theo tháng, theo tuần. Thậm chí trong một ngày của mùa hè thì không phải lúc nào cũng oi bức: vào ban đêm thì thường mát mẻ, lúc gần sáng sẽ cảm thấy se lạnh nếu ngủ ở những làng cạnh bìa rừng. Cũng như thế, khí hậu về mùa hè ở những khu rừng nguyên sinh, đại ngàn, những khe suối và thác nước thì thường rất dễ chịu (khoảng 200C như vùng thác Vũ Môn).
Nghệ An ký cũng ghi nhận những diễn biến thời tiết khí hậu của vùng Hương Khê như sau: “Hàng năm, từ tháng Ba trở đi, có gió Nam thổi mạnh. Khi sắp có gió thì từ trống canh một, sấm chớp nhoang nhoáng cho đến sáng. Khí trời oi ả như hun, những đám mây mỏng rải khắp bầu trời hoặc mưa nhỏ độ chừng một khắc (từ 15 đến 30 phút). Lúc gió thổi qua rừng, qua làng xóm ầm ầm như sấm vang. Các sông ngòi nổi sóng cuồn cuộn… Trước khi gió đến, trong dãy núi Giăng Màn (Khai Trướng) nghe những tiếng đùng đùng như muôn dùi trống đánh liên hồi vậy”[30].
Thu Đông không có sương nhưng nhiều mưa lụt. Có tháng đến mấy lần. Đầu nguồn thường bị lũ quét. Vì núi cao và sông suối dốc nên lụt ngập không quá lâu. Tháng Mười, tháng Mười Một trời hay mưa dầm và có gió mùa Đông Bắc thổi. Gió đến thì mưa, gió đi thì tạnh, thay đổi mấy lần trong ngày.
2.1. Chế độ nhiệt
       Nhiệt độ trung bình hàng năm ở Hương Khê dao động từ 230C - 25,20C. Nhiệt độ cao tuyệt đối là 410C. Thông thường, tháng Giêng có nhiệt độ thấp nhất (trung bình 180C). Nhiệt độ thấp nhất tuyệt đối - 0,60C. Chế độ nhiệt chia thành hai mùa rõ rệt, mùa nóng từ tháng 4 đến tháng 10, mùa lạnh từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau. Mùa nóng, cũng như các huyện miền núi khác của tỉnh Hà Tĩnh, Hương Khê chịu ảnh hưởng của hiệu ứng phơn Tây Nam khô nóng, thường gọi là gió Lào, có nhiệt độ trung bình 23 - 25oC, nhiệt độ tăng dần từ tháng 4 đến tháng 7 và giảm dần từ tháng 9, nóng nhất là vào tháng 7. Mùa lạnh nhiệt độ trung bình là 190C[31].
Bảng 1: Bảng thống kê nhiệt độ trung bình qua một số năm từ 1996 - 2016[32]
                                                                                      Đơn vị tính: 0C
    Năm
Tháng
1996
2000
2005
 2010
2016
1
18,3
19,2
21,4
19,2
18,5
2
15,8
17,4
24,4
21,9
16,3
3
21,8
20,5
20,6
23
20,6
4
21,9
25,5
28,1
25,2
27,6
5
27,3
26,9
31,6
29,7
28,7
6
28,9
28,0
31,8
30,5
30,5
7
30,0
28,6
31,4
30,2
30,5
8
28,2
28,5
30,4
27,4
28,8
9
25,9
26,0
28,8
27,6
27,2
10
24,2
24,4
26,4
23,3
25,6
11
22,2
24,1
23,1
21,1
22,5
12
17,5
19,3
18,6
19,8
19,8
Cả năm
23,5
24,03
26,36
24,9
24,7

  - Số giờ nắng trung bình của huyện khoảng 1.300 - 1.600giờ/năm.
Bảng 2: Thống kê số giờ nắng trung bình qua một số năm (1996 - 2016)
                                                                             Đơn vị tính: giờ
    Năm
Tháng
1996
 2000
 2005
 2010
2016
1
60,5
61,0
52,0
22,5
36,9
2
35
37,0
65,0
74,3
90,5
3
120,9
36,0
42,0
109,2
40,2
4
56,3
107,0
113,0
92,3
126,8
5
159,1
140,0
129,0
177
191,9
6
272,8
148,0
189,0
172,4
219,4
7
204
185,0
132,0
195,2
234,4
8
126,3
169,0
179,0
89,1
133,2
9
85,7
105,0
121,0
130
112,1
10
70,1
78,0
68,0
67,8
79,9
11
55,2
80,0
81,0
27,5
52,5
12
62,9
19,0
89,0
70,5
25,7
Cả năm
1308,8
1.165,0
1.260,0
1.227,8
1.343,5

2.2. Chế độ mưa
Hương Khê là huyện có lượng mưa lớn so với các huyện miền núi ở tỉnh Hà Tĩnh. Lượng mưa bình quân hàng năm từ 1.600 - 2.000 mm/năm. Do vậy, độ ẩm không khí của Hương Khê tương đối cao.
Lượng mưa ở Hương Khê dao động từ 1.400 - 1.600mm/năm và phân bố theo mùa rất rõ rệt, tập trung trên 88% vào mùa mưa, 12% vào mùa khô. Tháng mưa nhiều nhất là tháng 9 và tháng 10 (tháng 9: 644,8mm, tháng 10: 346,9mm). Khô hạn nhất là tháng 12 và tháng Giêng (41,1mm - 67,9mm)[33]. Tháng có lượng mưa nhỏ nhất là tháng 1 và tháng 2, lượng mưa các tháng này chỉ chiếm dưới 3% tổng lượng mưa cả năm.
Bảng 3: Thống kê lượng mưa qua một số năm từ 1996 - 2016     
                                                                                               Đơn vị tính: mm
     Năm
Tháng
1991
 1996
 2000
 2005
 2010
2016
1
34,6
78
24,6
29,7
60,6
106,4
2
36,5
62,4
40,2
25,7
70,5
28,5
3
67,2
167,7
66,7
48,5
16,9
25,9
4
44,6
135,3
101,1
75,2
77,1
180,8
5
153,4
134,3
185,3
240,5
146,6
15,8
6
108,2
83,6
278,1
156,7
277,3
67,4
7
135,3
154,4
128,7
121,6
336,6
29,7
8
425,9
265,2
435,0
176,4
595,3
226,8
9
129,1
1382,8
430,1
298,3
133,6
884,5
10
618,5
427,3
547,5
310,4
1737,8
1091,8
11
140
665,4
86,3
215,6
111,5
607,8
12
231,2
36,9
72,5
25,5
58,3
69,5
Cả năm
2123,5
3593,3
2.396,1
1.724,1
3.622,1
3.477,1


- Độ ẩm không khí có quan hệ chặt chẽ với nhiệt độ không khí và lượng mưa. Vào mùa mưa, độ ẩm có thể đạt dao động từ 80 - 90%. Mùa khô, độ ẩm chỉ từ 70 - 80%.
Bảng 4: Độ ẩm không khí trung bình qua một số năm từ 1996 - 2016.                                                                        
                                                                                             Đơn vị tính: %
     Năm
Tháng
 1996
 2000
 2005
 2010
2016
1

89
65,5
91
91
2

92
63,0
87
84
3

93
62,5
83
88
4

88
59,5
85
86
5

88
70,0
79
82
6

86
70,5
72
75
7

88
70,0
74
74
8

86
70,5
87
82
9

87
79,0
86
87
10

90
76,5
90
91
11

88
78,5
91
89
12

91
72,5
89
89
Cả năm

88,83
69,83
85
84,8

2.3. Chế độ gió
Do nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, Hương Khê chịu ảnh hưởng của hoạt động gió mùa Đông Bắc (mùa Đông), gió mùa Tây Nam (mùa hạ).
          Gió mùa Đông Bắc có năm tháng 10 đã tràn về đến tháng 1 tháng 2 vẫn còn mạnh. Gió đưa không khí lạnh từ phương Bắc, vượt qua Vịnh Bắc Bộ mang theo hơi nước nên hễ có gió mùa Đông Bắc là có mưa. Có khi đợt mưa này chưa hết thì đã có đợt khác bổ sung, tạo nên những cơn mưa dai dẳng kéo dài, gây trở ngại cho việc sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân.
Gió mùa Tây Nam bắt đầu từ tháng 4, ngoài những đợt gió nồm Nam rất mát thì vùng Hương Khê còn chịu ảnh hưởng của hiệu ứng Phơn - gió Lào khô nóng. Đó là loại gió thổi từ Ấn Độ Dương tới, khi gặp dãy Trường Sơn bị chắn lại và trút hết mưa bên sườn Tây Trường Sơn, gây ra hiệu ứng "phơn nhiệt", khi sang đến Đông Trường Sơn của Việt Nam, gió không còn hơi nước, gặp nắng làm cho thời tiết trở nên khô nóng.
2.4. Bão, lũ, áp thấp nhiệt đới
      Sự biến đổi của thời tiết - khí hậu hiện đang trở thành vấn đề nóng bỏng, mọi quốc gia trên thế giới đều quan tâm. Biến đổi khí hậu gây ra thiên tai thường xuyên hơn, khó dự đoán hơn và thiệt hại lớn hơn. Theo số liệu của Liên hiệp quốc, thì số vụ thiên tai trên thế giới đã gia tăng gấp 4 lần trong hai thập kỷ qua. Từ 120 vụ/năm vào khoảng 1980 lên 500 vụ/năm hiện nay.
          Tác động của biến đổi khí hậu đối với vùng Hương Khê trong những năm gần đây là khá rõ rệt. Mưa lớn xẩy ra thường xuyên gây lũ lụt nghiêm trọng, năm nào cùng bị ảnh hưởng từ 2 - 3 trận lụt điển hình là các trận lụt năm 1960, 1978, 2002, 2007, 2008, 2010, 2016...., gây nhiều thiệt hại về người và của cải. Mùa khô, nắng nóng và nắng nóng gay gắt kéo dài (như đợt nắng nóng tháng 6, tháng 7 năm 2010), với nhiệt độ tối cao phổ biến từ 30 đến 40oC, có nơi trên 40oC kéo dài từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 7 vẫn chưa hết. Đợt nắng nóng gay gắt tháng 5, tháng 6 năm 2014 vừa kéo dài về thời gian vừa có nhiệt độ lên cao . Rét đậm rét hại kéo dài như đông xuân 2008 - 2009 với nhiệt độ xuống thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Nhiệt độ trung bình hàng năm ngày càng cao, trong khi lượng mưa trung bình ngày càng giảm...
 Khu vực Hà Tĩnh mà trong đó có Hương Khê trung bình mỗi năm có từ 3 - 5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp. Năm nhiều nhất có 3 cơn bão, cũng có năm không có bão (2015). Bão thường kèm theo mưa lớn, có khi mưa cực kỳ lớn, tỷ trọng lượng mưa do bão gây ra có thể nhiều đến 30 - 40% tổng lượng mưa của cả năm. Bão đổ bộ còn làm sóng biển dâng cao, nước biển dâng cao. Hương Khê tuy không tiếp giáp với biển nhưng nước biển dâng cao đã làm cho lưu tốc nước sông chậm lại, làm cho sự ngập úng ở miền ngược cũng gia tăng và kéo dài.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu mà tần suất và quy luật của các cơn bão cũng thay đổi. Thông thường, mùa mưa bão ở Hà Tĩnh nói chung, Hương Khê nói riêng là từ tháng 9 đến tháng 11 và chỉ các cơn bão số 6, 7, 8, 9 mới có nhiều khả năng đổ bộ vào. Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, xu hướng bão đã có sự thay đổi rõ rệt. Khoảng thời gian có khả năng xẩy ra bão mở rộng từ tháng 8 đến tháng 12 và ngay từ cơn bão số 3 đã có thể ảnh hưởng đến Hương Khê. Đi kèm với bão, tần suất và quy luật của lũ lụt cũng thay đổi theo. Nếu như trước đây lũ chỉ xuất hiện từ tháng 8 đến tháng 10 thì nay thời gian đó mở rộng hơn, lũ dữ dội hơn, đỉnh lũ cao hơn, thiệt hại nghiêm trọng hơn. Đặc biệt nguy hại nữa là sự gia tăng của hiện tượng xâm thực trên các núi. Đã có nhiều đợt lũ đi kèm với sụt lở gây thiệt hại nghiêm trọng cả về người, của cải, mùa màng, làm ách tắc cả giao thông trên những tuyến đường lớn.
Trận lũ lụt năm 1978, nước đẩy làm sập một số trạm bơm ở vùng rốn lũ. Trận lũ lụt năm 2002 đã cuốn trôi đi nhiều cây cối, vườn tược, nhà cửa, mồ mả, đất đá, ruộng vườn, hoa màu, đường sá, có 40 người bị thiệt mạng…. Trận lũ lụt điển hình gần đây nhất là vào giữa tháng 10 năm 2010; đây được xem là đợt lũ lụt lớn, có phạm vi ảnh hưởng rộng nhất và thiệt hại nặng nề nhất trong vòng 100 năm nay đối với Hà Tĩnh, trong đó có Hương Khê. Báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Hương Khê cho biết: “...Đây là đợt lũ kep, mưa kéo dài từ ngày 30/9 đến 20/10/2010. Trên sông Ngàn Sâu, đỉnh lũ ngày 5/10 là 15,1m. Đỉnh lũ lịch sử  ngày 17/10/2010 là 16,56m. Lũ lớn, gây ra nhiều tác hại Mưa lũ đã gây ngập lụt trên địa bàn 22/22 xã, thị trấn và có 9 xã bị cô lập hoàn toàn trong thời gian từ 5 đến 7 ngày. Mới đây nhất là hai trận lũ 10/2016, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và tình hình phát triển kinh tế của huyện”.
Các cơn bão từ biển Đông ập vào, khi đến Hương Khê, sức tàn phá của nó không còn dữ dội như các huyện ven biển. Tuy nhiên, Hương Khê lại phải hứng chịu phần mưa trong bão rất lớn. Do bão, áp thấp khi đến Hương Khê, gặp phải những dãy núi chắn ngang đã trút hết nước xuống đây trước khi vượt sang lãnh thổ nước Lào.
Bảng 5: Mực nước sông Ngàn Sâu đo được tại trạm quan trắc (Thủy văn Chu Lễ) qua các năm[34]

TT
Năm
Mực nước sông Ngàn Sâu   
  (m)
Thấp nhất
Cao nhất
1
2009
2,46
14,69
2
2010
2,25
16,56
3
2012
2,58
12,6
4
2013
2,4
13,54
5
2015
2,05
14,42

2.5. Giông
          Giông là hiện tượng thời tiết xẩy ra trong mùa nóng. Điều kiện hình thành dông cũng là điều kiện hình thành những đám mây tích vũ. Đó là sự phát triển mạnh mẽ của hiện tượng đối lưu trong những khối không khí có dung lượng ẩm cao.
          Ở Hương Khê, giông hình thành do nguyên nhân nhiệt lực là chủ yếu và thường xuất hiện vào mùa hè. Khu vực miền núi Hà Tĩnh trong đó có Hương Khê trung bình mỗi năm có 35 đến 45 ngày giông, những năm nhiều nhất có 60 đến 80 ngày. giông chủ yếu tập trung từ tháng 4 đến tháng 9, các tháng 11, 12 và tháng 1 thường không có giông.
          Giông là một hiện tượng thời tiết quy mô nhỏ mang tính địa phương rõ rệt. Nhưng một khi giông đi kèm theo với lốc tố, vòi rồng hoặc giông gần (sét), thì tác hại của nó là đáng kể. Tuy nhiên, nếu vào khoảng tháng 4 (tháng 3 âm lịch) mà có được những cơn giông (sấm chớp kèm mưa rào) thì rất tốt. Không chỉ lúa mà mọi thứ hoa màu cũng vì thế mà tươi tốt hẳn lên, cho nên  dân ta thường nói "Mưa tháng ba ra mọi giống. Mưa tháng 6 máu của rồng" là vì thế.
          Hương Khê vẫn là vùng có thời tiết, khí hậu khắc nghiệt. Có thể nói đây là một vùng có đủ các loại hình thời tiết: khô nóng, hạn, giá rét, hạn, giông, lốc, sấm sét,  bão lụt, lũ ống, lũ quét,...
          Tuy nhiên, khí hậu Hương Khê vẫn có những thuận lợi cơ bản: ánh sáng dồi dào, nhiệt độ cao, lượng mưa phong phú. "Đủ mưa thừa nắng", chính là điều kiện để cho thực vật sinh trưởng và phát triển.  Đó cũng là điều kiện thuận lợi cho cây lương thực, cây ăn quả, cây lâu năm, trồng rừng, chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm... có thể phát triển trên quy mô lớn. Chính những yếu tố khí hậu ấy đã làm đa dạng sinh thái trên vùng đất này. Do đã từng trải với sự thất thường của thời tiết, khí hậu nên Nhân dân Hương Khê đã quen với cảnh "Tháng năm năm tật, tháng mười mười tật". Trong môi trường tự nhiên hạnh phúc con người luôn bị đe dọa, cuộc vật lộn của con người với thiên nhiên diễn ra thường xuyên.
3. Tài nguyên
3.1. Tài nguyên đất[35]
Hương Khê có tiềm năng lớn về đất rừng. Theo số liệu thống kê năm 2016, tổng diện tích tự nhiên của toàn huyện Hương Khê là 126.293,85 ha, trong đó đất lâm nghiệp là 87.399,46 ha, đất trồng lúa 4.342,66 ha, trồng cây hàng năm khác 3.899,68 ha, đất trồng cây lâu năm 17.750,03 ha, đất nuôi trồng thủy sản 102,20 ha, đất làm muối và đất nông nghiệp khác 220,10 ha; Đất phi nông nghiệp 7.239,85 ha; Đất chưa sử dụng  5.339,86 ha; Đất đô thị 534,27 ha.
Nhìn chung diện tích đất sử dựng vào sản xuất nông nghiệp rất nhỏ 11,33%, diện tích đất lâm nghiệp là 76,62%, đất phi nông nghiệp 71,17%, đất chưa sử dụng 4,1%, đất đô thị 7,95%.
  Căn cứ vào tài liệu nông hoá thổ nhưỡng và bản đồ do Viện khoa học Nông học Việt Nam xây dựng cho tỉnh Hà Tĩnh năm 2005[36], trên địa bàn huyện Hương Khê có một số nhóm đất như sau:
  Nhóm đất phù sa:  có diện tích 12.636,7, chiếm 10% diện tích toàn huyện. Đất phù sa thường có thành phần cơ giới nhẹ, thoát nước tốt, thuận lợi cho trồng các loại cây hàng năm như lúa, ngô, lạc, vừng, lạc, đậu. Gồm có các loại sau:
  + Phù sa chưa điển hình: có diện tích 7.687 ha, chiếm 6,08% diện tích tự nhiên toàn huyện phân bố chủ yếu theo dọc sông Ngàn Sâu, Sông Nổ, Sông Tiêm ở các xã Hà Linh, Phúc Đồng, Hòa Hải, Hương Thủy…
  + Phù sa chua có tầng đốm ri, diện tích 1.233,8 ha, chiếm 0,98% diện tích tự nhiên toàn huyện, phân bố chủ yếu ở các xã Phúc Đồng, Hà Linh, Hương Thủy.
  + Phù sa chua có tầng loang lổ sâu: diện tích 2.270,2 ha, chiếm 1,8% diện tích tự nhiên toàn huyện, phân bố chủ yếu ở các xã Hương Long, Phú Gia, Hương Vĩnh.
  + Phù sa chua Glây nông: diện tích 1.445,6 ha, chiếm 1,14% diện tích tự nhiên toàn huyện, phân bố chủ yếu ở các xã Phương Mỹ, Phúc Đồng, Phương Điền và Phương Mỹ.
  Nhóm đất Glây: diện tích 1.295,3 ha, chiếm 1,03% diện tích tự nhiên toàn huyện, phân bố chủ yếu ở các xã Phúc Đồng, Phương Điền và Phương Mỹ. Đất glây đều có độ  phì tự nhiên khá, nhưng ở địa hình thấp, trũng, thời gian ngập nước kéo dài nên đất khá chua, chặt bí, ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của cây trồng.
  - Nhóm đất xám: có diện tích 104.852,7 ha chiếm 83% diện tích toàn huyện. Loại đất này có đặc điểm là đất mùn trên núi, thành phần hóa học đất tốt, các chất đạm, lân từ khá đến giàu, kali trung bình, thành phần cơ giới từ trung bình đến nặng, dinh dưỡng tương đối khá, ổn định cao. Hiện nay, phần lớn còn có rừng, độ che phủ tốt, trên đất này phù hợp với trồng rừng hoặc nông lâm kết hợp, song phải luôn luôn cố gắng giữ gìn lớp thảm thực vật che phủ. Nhóm đất này gồm có các loại sau:
  + Đất xám điển hình cơ giới nhẹ: có diện tích 661,0 ha, chiếm 0,52% diện tích tự nhiên toàn huyện, phân bố chủ yếu ở các xã Lộc Yên, Hương Đô và Hương Long.
  + Đất xám Feralit đá nông trên cát kết: có diện tích 3.199,9 ha, chiếm 2,53% diện tích tự nhiên toàn huyện, phân bố chủ yếu ở các xã Hương Giang, Hương Thủy, Phúc Đồng, Gia Phố và Hương Liên.
+ Đất xám Feralit đá nông trên phiến thạch sét: có diện tích 16.611,8 ha, chiếm 13,15% diện tích tự nhiên toàn huyện, phân bố chủ yếu ở các xã Hương Lâm, Hương Giang, Hương Vĩnh, Phương Điền, Hương Bình và Hà Linh.
+ Đất xám Feralit đá sâu trên cát kết: có diện tích 10.041,3 ha, chiếm 7,95% diện tích tự nhiên toàn huyện, phân bố chủ yếu ở các xã Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Liên, Hương Xuân, Hòa Hải, Phúc Đồng, Hương Long
+ Đất xám Feralit đá sâu trên Granit: có diện tích 12.335,3 ha, chiếm 9,76% diện tích tự nhiên toàn huyện, phân bố chủ yếu ở các xã Hương Lâm, Hương Vĩnh, Phú Gia.
 + Đất xám Feralit đá sâu trên phiến thạch sét: có diện tích 38.333,8 ha, chiếm 30,34% diện tích tự nhiên toàn huyện, phân bố chủ yếu ở hầu hết các xã trong huyện.
+ Đất xám Feralit điển hình trên cát kết: có diện tích 3.182,1 ha, chiếm 8,86% diện tích tự nhiên toàn huyện, phân bố chủ yếu Hương Lâm, Hương Liên và Hà Linh.
+ Đất xám Feralit điển hình trên Granit: có diện tích 11.193 ha, chiếm 9,76% diện tích tự nhiên toàn huyện, phân bố chủ yếu ở các vùng núi cao biên giới thuộc các xã Phú Gia và Hương Lâm.
- Đất xám Feralit điển hình trên phù sa cổ: có diện tích 3.099,1 ha, chiếm 2,45% diện tích tự nhiên toàn huyện, phân bố chủ yếu ở các xã Phúc Trạch, Hương Trà, Hương Xuân và Thị trấn Hương Khê.
+ Đất xám Feralit điển hình trên phiến thạch sét: có diện tích 1.812,5 ha, chiếm 1,43% diện tích tự nhiên toàn huyện, phân bố chủ yếu ở các xã Hương Giang, Hương Thủy, Hòa Hải và Phương Mỹ.
     + Đất xám Feralit Glây nông trên phiến thạch sét: có diện tích 246,9 ha, chiếm 0,17% diện tích tự nhiên toàn huyện, phân bố chủ yếu ở xã Phú Gia.
  + Đất xám Feralit Glây sâu trên phiến thạch sét: có diện tích 212,3 ha, chiếm 0,2% diện tích tự nhiên toàn huyện, phân bố chủ yếu ở xã Phú Gia.
  + Đất xám Feralit kết von trên phù sa cổ: có diện tích 841,8 ha, chiếm 0,67% diện tích tự nhiên toàn huyện, phân bố chủ yếu ở xã Hương Xuân.
  + Đất xám mùn đá nông trên Granit: có diện tích 3.081,7 ha, chiếm 2,44% diện tích tự nhiên toàn huyện, phân bố chủ yếu trên Trường Sơn giáp biên giới Việt Lào.
  - Đất tầng mỏng: có diện tích 2.874,22 ha, chiếm 2,27% diện tích tự nhiên toàn huyện, phân bố chủ yếu ở Phương mỹ, Phương Điền, Gia Phố, Hương Giang, Lộc yên, Hương Đô.
  - Đất sông suối: có diện tích 4.691,2 ha, chiếm 3,7% diện tích tự nhiên toàn huyện. Độ dốc toàn vùng được phân loại như sau:
TT
Diện tích (ha)
00 - 30
19.842,3
30 - 80
715,2
80 - 150
890,7
150 - 200
22.537,3
200 - 250
10.795,3
Trên 250
66.878,0

  Từ đặc điểm địa hình, địa chất và thổ nhưỡng cho thấy đất đai ở Hương Khê khá đa dạng, được phân bố trên các loại địa hình khác nhau đã tạo nên nhiều tiểu vùng sinh thái thích hợp với nhiều loại cây trồng, đặc biệt là cây lâu năm. Đây là cơ sở, nguồn lực để xây dựng một vùng kinh tế đa dạng, phát triển toàn diện. Tuy nhiên, quá trình cải tạo, khai thác không hợp lý cùng những ảnh hưởng của sự thay đổi khí hậu đã dẫn đến tình trạng đất bị kiệt màu, rửa trôi. Do vậy, quá trình cải tạo nên áp dụng những thành tựu khoa học để sử dụng nguồn đất một cách hợp lý nhằm phát huy tiềm năng sẵn có của huyện.
Bảng 6: Bảng thống tổng diện tích đất ở Hương Khê qua một số năm từ 1994 - 2016[37]
                                                                                      Đơn vị tính: Ha
           Năm
Nội dung
1994
2000
2005
 2010
 2016
Tổng diện tích đất tự nhiên
1.850,50
1.299,12
129.912,5
126.350,04
126.293,85

Qua bảng thống kê cho thấy, diện tích của Hương Khê qua một số năm có sự thay đổi. Trước năm 2000, diện tích Hương Khê là 185.050 ha, từ tháng 8 năm 2000, sau khi cắt 5 xã ở phía Bắc (hạ huyện) Hương Khê về huyện Vũ Quang, diện tích Hương Khê còn lại 129.912 ha. Trước năm 2013, công tác đo địa giới hành chính bằng phương pháp thủ công, ước lượng nên số liệu về diện tích đất độ chính xác không cao. Từ năm 2013 đến nay , thực hiện Nghị quyết số 54/2013/NQ - HĐND tỉnh về việc: thông qua Đề án “Hoàn thành đo vẽ bản đồ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng hồ sơ địa chính trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”, trong đó có huyện Hương Khê nên diện tích Hương Khê được đo lại theo quy định với số liệu chính xác hơn - diện tích của huyện Hương Khê hiện nay (2016) là 126.293,85 ha.
3.2. Tài nguyên nước[38]
Nguồn nước mặt: Hàng năm, trên địa bàn huyện tiếp nhận lượng nước mưa khoảng 10,2 tỷ m3, tương đương 1.750 mm/năm. Lượng nước mưa rải đều nhưng có tới 90% tổng lượng mưa và 2/3 số ngày mưa trong năm diễn ra trong 5 tháng mùa mưa. Nguồn nước mặt ở Hương Khê dựa vào ba yếu tố:
          Dòng chảy năm: phân thành hai mùa rõ rệt: mùa lũ và mùa cạn. Mùa lũ  trên sông Ngàn Sâu kéo dài 3 tháng bắt đầu vào tháng 9 và kết thúc vào tháng 11. Lượng dòng chảy 3 tháng này chiếm từ 50 - 60% lượng dòng chảy năm. Còn lại dòng chảy 9 tháng mùa kiệt chỉ chiếm 40 - 50% dòng chảy năm.
Dòng chảy lũ: Trên sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt, lũ lớn nhất trung bình từ 1959 - 2012 là 1950 m3/s. Lũ lớn nhất xảy ra trong thời kỳ quan trắc là trận lũ năm 1960 với Qmax = 3880m3/s.
Dòng chảy kiệt: Mùa kiệt thường kéo dài từ tháng 12 đến tháng 8 năm sau, trong đó kiệt nhất từ tháng 2 đến tháng 4. Dòng chảy tháng kiệt nhất đã quan trắc được trong huyện rơi vào tháng 7/1997.
Chất lượng nước mặt: Hàng năm trên lãnh thổ huyện tiếp nhận lượng mưa khoảng 10,2 tỷ m3, tương đương lượng mưa 1.750mm/năm, tuy nhiên nhỏ hơn mức trung bình của vùng. Lượng mưa trên rải đều nhưng có tới 90% tổng lượng mưa và 2/3 số ngày mư trong năm diễn ra trong 5 tháng mùa mưa. Một phần lượng nước này bị bốc hơi, phần còn lại khoảng 5,5 tỷ m3, ứng với lớp dòng chảy mặt trung bình cho toàn lãnh thổ khoảng 950 mm. tổng diện tích lưu vực của 3 con sông chính (Ngàn Sâu, Sông Tiêm, Rào Nổ) và khoảng 147 hồ chứa lớn nhỏ có khối lượng nước ước tính hàng chục tỷ m3/năm. Theo số liệu khảo sát của Viện Quy hoạch Thủy lợi năm 2011 thì chất lượng nước của sông Ngàn Sâu, sông Tiêm và Rào Nổ còn khá tốt, chỉ xuất hiện một số điểm ô nhiễm cục bộ. trên sông Ngàn Sâu tại thị trấn Hương Khê bị ô nhiễm bởi hàm lượng Colifom khi nước thải sinh hoạt của nguwoif dân thị trấn xat trực tiếp xuống sông.
Nguồn nước ngầm:
Theo số liệu của Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh thì nguồn nước ngầm của huyện khá phong phú (14 tầng chứa nước với tổng trữ lượng động tự nhiên khoảng 1.709.118 m3/ngày đêm),các loại nước ngầm đều có chất lượng, đủ tiêu chuẩn dùng cho sinh hoạt. Điều kiện khai thác dễ dàng dễ đáp ứng yêu cầu sinh hoạt cho Nhân dân và sản xuất công nghiệp nhưng nhược điểm là khai thác sâu và có hiện tượng cạn kiệt vào mùa khô. Do là huyện miền núi nên quá trình phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp là chính, đồng thời có diện tích rừng lớn nên nguồn nước ngầm không bị ô nhiễm.
Theo báo cáo đánh giá chất lượng và đề xuất giải pháp xử lý, quan trắc chất lượng nước tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh quan trắc tại 7 điểm là các giếng nước 5 xã thuộc huyện Hương Khê thì kết quả cho thấy:
+ Nhìn chung chất lượng nguồn sử dụng hiện nay là tương đối tốt, đảm bảo các yêu cầu vệ sinh để sử dụng ăn uống và sinh hoạt.
+ Về trữ lượng nguồn khá dồi dào, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của nhân dân. Chỉ trừ những năm có hạn nghiêm trọng, các giếng đào nông mới bị thiếu nước.
+ Một số mẫu nước chưa đạt yêu cầu về chất lượng. các chỉ tiêu chưa đạt chủ yếu là hàm lượng sắt, độ đục, độ PH. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm này không nghiêm trọng mà chỉ cần sử dụng các biện pháp xử lý thông thường là sử dụng được. Trong số các mẫu nước phân tích đó, có một mẫu có dấu hiệu nhiễm vi sinh. Nguyên nhân là do giếng đào gần chuồng bò. Đây là vấn đề lưu ý khi hướng dẫn người dân lựa chọn vị trí đào giếng và trong quá trình sử dụng. Tuyệt đốikhông bố trí giếng nước gần các nơi ô nhiễm, thấp trũng. Khi phát hiện nước bị ô nhiễm vi sinh phải đun sôi trước khi uống.
3.3. Tài nguyên rừng
         
Rừng là một trong những thế mạnh để thu hút nhân lực và phát triển kinh tế lâm nghiệp ở Hương Khê. Diện tích rừng ở đây khá lớn, chiếm tới 77% diện tích đất tự nhiên toàn huyện. Nếu so sánh với tổng diện tích rừng của tỉnh Hà Tĩnh thì Hương Khê được đánh giá là huyện có diện tích và trữ lượng rừng lớn nhất tỉnh. Trong tổng số 99.160,4 ha đất rừng thì rừng phòng hộ có 30.203,91 ha; rừng đặc dụng có 17.479,86 ha; rừng sản xuất có 41.476,63 ha1.
Trước đây, rừng Hương Khê có đầy đủ các đặc điểm của thảm rừng vùng Đông Nam Á, trong rừng có nhiều gỗ quý như lim, sến, gõ… nhiều lâm sản như song, mây,củ nâu, khoai mài, dược liệu quý như quế, sa nhân, đẳng sâm, các loại cây cỏ làm thuốc nhuộm màu tự nhiên… Rừng cũng là mái che môi trường sống cho nhiều loại động vật hoang dã quý, hiếm như voi, hổ, gấu, bò tót, trâu rừng, lợn lòi, nai, hoẵng…  nhiều loại động vật bò sát và chim chóc ít thấy ở nơi khác như kỳ đà, trăn đất, các loại rắn, loại chim… Ngoài hệ thống động - thực vật phong phú, rừng núi Hương Khê với hàng ngàn con khe suối lớn nhỏ còn là nguồn nước vô tận thường xuyên cung cấp cho đời sống sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Có thể nói nhờ vào cái kho báu rừng đại ngàn ấy, người dân miền núi nơi đây có hàng trăm thứ nghề khai thác: từ gỗ lạt, đến rau cỏ, thuốc thang..., từ chất đốt đến nguyên vật liệu..., từ lương thực, thực phẩm đến thuốc men, từ đất đai trồng cấy đến khoáng sản, tài nguyên đều dựa vào rừng.  Tuy nhiên, việc khai thác các loại lâm sản trên chỉ có mức độ theo từng hộ gia đình nhỏ lẻ, từng tổ hoặc từng đội thường gọi là tổ sơn tràng hoặc đội sơn tràng. Phương pháp khai thác hoàn toàn thủ công, dụng cụ chủ yếu là rìu, cưa, rựa… vận chuyển bằng sức người hoặc trâu, bò… việc khai thác cũng chỉ phục vụ nhu cầu trong gia đình. Quy mô cũng như phương tiện và kỹ thuật khai thác đều mang tính chất thủ công nên việc khai thác không ảnh hưởng lớn tới khả năng tái sinh của rừng (kể cả gỗ, chim, thú và các loại lâm sản). Kể cả việc phát nương làm rẫy cũng được coi là hoạt động sản xuất bình thường, không đến mức hủy hoại rừng.
Sau kháng chiến chống Pháp, nhu cầu tái thiết đất nước đòi hỏi nguồn lâm sản lớn nên hàng loạt Lâm trường ra đời. Lúc đó, Hương Khê có tới 4 lâm trường, trong đó có một lâm trường trồng rừng, ba lâm trường khai thác là Chúc A2; Trại Trụ; Vũ Quang. Nhiệm vụ chủ yếu của các lâm trường này là khai thác gỗ và khai thác nhiều hơn trồng, vì vậy, việc khai thác rừng diễn ra với tốc độ nhanh, đặc biệt là khai thác gỗ. Hàng nghìn lít mật ong cùng hàng trăm loại cây dược liệu khác cũng được nhân dân khai thác để bán  và trao đổi với Nhà nước.
Những năm tiếp theo, xu hướng này vẫn đang tiếp diễn, đặc biệt là trong giai đoạn 1982 - 1990. Rừng vẫn được khai thác nhiều, dựa theo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh và Bộ Lâm nghiệp. Điểm khác biệt là giai đoạn sau này, việc quy hoạch lâm trường và xây dựng kế hoạch khai thác đã được chú trọng nhiều hơn, dựa trên kỹ thuật chọn “chọn những cây có tuổi” để khai thác kết hợp với chăm sóc và bảo vệ rừng.
Từ sau năm 2002, thực hiện chủ trương đóng cửa rừng, bảo vệ rừng và phát triển vốn rừng, phần lớn các đơn vị lâm trường quốc doanh, các hộ gia đình đã chuyển từ khai thác rừng sang nhiệm vụ trồng, bảo vệ rừng và làm dịch vụ lâm nghiệp. Nhiệm vụ khai thác gỗ giảm đến mức tối đa, phát triển công tác trồng rừng. Trên địa bàn huyện Hương Khê chỉ còn Công ty Lâm nghiệp Dịch vụ Chúc A là đơn vị được giao kế hoạch khai thác rừng tự nhiên (bình quân mỗi năm 4.000m3). Các đơn vị chủ rừng khác (Quốc danh và ngoài quốc doanh) chỉ được khai thác gỗ rừng tập trung và gỗ trồng phân tán, gỗ vườn.
Có thể nói, nguồn tài nguyên rừng ở Hương Khê trải qua nhiều thập kỷ bị khai thác tràn lan đã làm cho chất lượng rừng tự nhiên nơi đây suy giảm, làm hạn chế đến chức năng rừng phòng hộ, tính đa dang sinh học của rừng. Từ đó, đặt ra những vấn đề vô cùng cấp bách trong việc bảo vệ tài nguyên hệ sinh thái và sinh thái rừng nơi đây.
Những năm gần đây, công tác bảo vệ rừng ở Hương Khê đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống tổ chức bảo vệ rừng được xác lập từ huyện đến xã1. Diện tích đất lâm nghiệp đã giao cho các chủ rừng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng như: Vườn QG Vũ Quang, Khu BTTN Kẻ Gỗ, Ban QL BVR Sông Tiêm, Ban QL BVR Ngàn Sâu, Công ty Cao su Hà Tĩnh, Công ty Cao su Hương Khê, Công ty Lâm nghiệp và Dịch vụ Chúc A, Tổng đội thanh niên xung phong xây dựng kinh tế Phúc Trạch, giao khoán cho các hộ gia đình trên địa bàn trên những khu rừng có đủ điều kiện. Các hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ rừng, phòng chống cháy, chặt phá rừng được làm thường xuyên góp phần hạn chế đáng kể tình trạng khai thác và vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép.

Phong trào trồng rừng mới cũng có nhiều bước đột phá, đã có những chương trình, dự án trồng rừng như chương trình 327, 661, 147, liên doanh ... cơ cấu cây trồng có những cải thiện đáng kể, đa dạng, phong phú về loài vừa đảm bảo được giá trị phòng hộ, vừa mang lại giá trị cho người làm rừng, nổi bật có các loài như keo lai, bạch đàn mô, cao su, trầm hương...  Từ 2013 đến 2016, Hương Khê đã trồng mới được 6.995 ha rừng tập trung (chỉ riêng năm 2016 là 3.115 ha), nâng độ che phủ rừng lên trên 70%. Chất lượng rừng trồng cũng ngày càng được nâng lên, tỷ lệ thành rừng đạt trên 96%.
Theo số liệu của Dự án quy hoạch phát triển hệ thống thủy lợi huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, thì hiện nay huyện Hương Khê có thảm thực vật rừng là; 86.776,74 ha, trong đó chủ yếu rừng tự nhiên và rừng trồng; diện tích thảm cây trồng dài ngày là 8.945,46 ha với những cây trồng chính là cao sư, chè; diện tích thảm cây trồng ngắn ngày là 5.660,02 ha gồm các loại cây trồng chủ lực như lúa, ngô, lạc, đậu. Ngoài ra còn có trên 10 ngàn ha đất tráng cỏ, cây bụi có khả năng mở rộng để phát triển trồng cỏ chăn nuôi và trồng rừng phủ xanh đồi núi trọc.
Có thể thấy rõ, với lợi thế hơn ¾ diện tích là đất lâm nghiệp, Hương Khê vẫn đang có quỹ đất rừng sản xuất lớn để trồng rừng và các loại cây dược liệu. Trên thực tế, nguồn lực này còn tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng vạn hộ dân từ việc nhận khoán bảo vệ rừng, trồng rừng, khai thác lâm sản và các dịch vụ khác, đời sống của người làm rừng ngày càng được cải thiện, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế thiệt hại do biến đổi khí hậu. Thông qua việc đầu tư phát triển rừng trồng nguyên liệu, giúp người dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, nâng cao nhận thức và trình độ dân trí, đổi mới tư duy sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần làm thay đổi toàn diện về bộ mặt kinh tế - xã hội của địa phương.

3.4. Tài nguyên khoáng sản
          Theo các sách cổ thì khoáng sản ở Hương Khê khá đa dạng, ở địa phận Chu Lễ và Thổ Hoàng có sắt, ở Phú Lễ có phốt phát. Mỏ than Động Đỏ được phát hiện bởi nhà địa chất Pháp Promade Mỏ than Động Đỏ, có diện tích 36 km2, nằm trên địa phận các xã Hà Linh, Hương Thủy, Hương Giang… Trữ lượng ban đầu ước tính từ 6 - 8 triệu tấn, từ những năm 60 của thế  kỷ 20 đã được khai thác. Vào những năm 90 của thế kỷ XX, nổi lên phong trào tìm vàng, đào vàng ở địa phận xã Hòa Hải..
Đến nay, ngoài các loại khoáng sản trên, Hương Khê còn thăm dò và phát hiện ra 5 điểm mỏ cát, cuội, sỏi xây dựng ở Phương Điền, Phương Mỹ, Phúc Trạch, Phúc Đồng, Hương Bình và Hà Linh; 1 điểm mỏ đá xây dựng, 3 điểm mỏ sét gạch ngói và 3 điểm mỏ đất san lấp[39]. Tuy nhiên, dưới lòng đất của huyện Hương Khê có thể còn có nhiều khoáng sản quý khác chưa được thăm dò và khai thác.
- Nhóm nhiên liệu than đá, than nâu trữ lượng gần 8 triệu tấn ở địa bàn các xã: Hà Linh, Phúc Đồng, Hương Thủy, Hương Giang đã được Công ty khai thác khoáng sản Hà Tĩnh khai thác.
- Hương Khê là vùng sình lầy, than bùn do biến đổi của tự nhiên để lại trong lòng đất rất nhiều đá vôi. Đá vôi xanh ở các xã Hương Trạch, Phúc Trạch có trữ lượng lớn, có thể đưa vào sản xuất xi măng.
          - Đất sét cũng là một nguồn tài nguyên quý sử dụng để sản xuất gạch Tuynel, hiện nay đã xây dựng nhà máy ở xã Phúc Trạch; trong những năm tới cần mở rộng khai thác đất sét để đưa vào sản xuất gạch ở các xã như Phúc Đồng, Phú Gia, Hương Đô, Hòa Hải…
Ngoài ra, huyện còn có một số nguyên liệu khác chưa được chú ý khai thác:
-         Nhiên liệu chịu lửa có dolomit trữ lượng 0,83 triệu tấn
-          Nhóm phi kim có gốm, sứ, thủy tinh
-          Nguyên liệu làm phân bón có than bùn, photphorit[40].
















[1] Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện quy hoạch Thủy lợi: Dự án Quy hoạch phát triển hệ thống thủy lợi huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội 2015, tr 4,5.
[2] Dự án Quy hoạch phát triển hệ thống thủy lợi huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội 2015, tr 6,7.
[3] Ngô Đức Thọ (dịch và chú thích) Đồng Khánh ngự lãm dư địa chí lược, lưu tại Thư viện tỉnh Nghệ An, số A.537/XIV, năm 1977, tr 50, 51.
[4] Dương Thúc Hạp: An Tĩnh Sơn thủy vịnh, tập thơ địa chí do Võ Hồng Huy biên dịch, chú thích, hiệu đính và giới thiệu. Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh xuất bản 2004, tr 167, 168.
[5] An Tĩnh Sơn thủy vịnh, sđd, tr 166,167.
[6] Đây là vấn đề còn chưa thống nhất, Phạm Quang Ái, bài đăng trên Dân Trí, thứ 7 ngày 29.11.2011: Núi Phù Lê - một di tích lịch sử quan trọng ở Hương Sơn đang bị tàn phá: “Theo những tư liệu điền dã và kê cứu trong sách xưa của cụ Thái Kim Đỉnh thì núi Phù Lê đã được sách Nghệ An ký của Hoàng giáp Bùi Dương Lịch và sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn đề cập đến. Sách Nghệ An ký viết rằng núi Phù Lê “ở địa phận xã Phúc Lộc, huyện Hương Sơn”. Sách Đại Nam nhất thống chí chép rõ hơn: “Núi ở phía Tây huyện Hương Sơn... Lại có tên là núi Phù Lê. Tương truyền Lê Thái Tổ đóng quân ở căn cứ Đỗ Gia, dân địa phương đem lương thực giúp nghĩa quân nên đặt tên núi như thế”.
[7] Nguyễn Bá Thành (cb), Hương Khê - 135 năm (1867 - 2002), Nxb Văn hóa - Thông tin, H.2003, tr.34.
[8] Theo Hương Khê 135 năm …, sđd, tr 195.
[9] An Tĩnh sơn thủy vịnh, sđd, tr 173 -174.
[10] Vũ Môn: Theo Đào Duy Anh - Từ điển Hán Việt: Vũ Môn là tên một khúc sông ở thượng du sông Trường Giang (Tứ Xuyên, Trung Quốc). Chân núi có vực sâu. Tương truyền đến mùa nước lớn thì cá đua nhau đến đó nhảy thi, con nào vượt được thì hóa thành Rồng. Ở Giăng Màn (Hương Khê, Hà Tĩnh) cũng có một thác nước dội xuống vực sâu như thế có tên là thác Vũ Môn gắn với huyền thoại “Cá chép hóa rồng”. Sách Tàu có câu: Vũ Môn tam cấp lãng; Thành ngữ ta cũng nói: Cá vượt Vũ Môn đều để chỉ việc học trò đi thi (Chú thích của Hương Khê - 135 năm, tr.33).
[11] Hương Khê 135 năm (1867 - 2002), sđd, tr 33.
[12] Nguyễn Bá Thành, Ngô Đăng Tri, Trần Văn Quí, Lê Hữu Nhiệm: Hương Khê xưa và nay. Bản thảo lưu tại Trung tâm văn hóa huyện Hương Khê, tr 12.
 [13] Hương Khê xưa và nay, tr 13.
[14] Hypolyte Le Breton: An - Tĩnh cổ lục (Le Vieux An - Tĩnh) được tập san Đô Thành hiếu cổ xuất bản năm 1936 bằng tiếng Pháp, sau này được Nhà xuất bản Thế giới in thành sách năm 2001, tr 298.
[15] An - Tĩnh cổ lục (Le vieux An - Tĩnh), sđd, tr 298, 230.
[16] Đồng Khánh ngự lãm dư địa chí lược, sđd, tr 51.
[17] Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Hương Sơn: Địa chí Hương Sơn. NXB Lao động. 2015, tr 50
[18] Địa chí Hương Sơn, sđd, tr 50.
[19] An Tĩnh sơn thủy vịnh, sđd, tr 171, 172.
[20] Đồng Khánh ngự lãm địa dư chí, sđd, tr 51.
[21] Đồng Khánh ngự lãm dư địa chí, sđd, tr 51.
[22] Đại Nam nhất thống chí, tập II, sđd, tr 170.
[23] Hương Khê - 135 năm, sđd, tr 36.
[24]  An Tĩnh sơn thủy vịnh, sđd, tr 169, 170: suối ở vùng Trại Trụ đi ngược lên là thượng nguồn của sông Tiêm, Hương Khê.
[25]Theo Hương Khê 135 năm, sđd, tr 174.
[26] Đức Thánh Mẫu Trầm Lâm ở đây kiêm sáu nước, trên chầu Kim Khuyết, dưới thấu Long Cung là vị thần áo xanh sáng suốt anh linh hiển ứng.
[27] Đức thánh Trung hưng có công phù khắp xứ là Thượng đẳng thần trấn giữa cả trời Nam,
[28] BCH Đảng bộ huyện Hương Khê: Lịch sử Đảng bộ huyện Hương Khê (1930 - 2000), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2003, tr 29.
[29] Đồng Khánh ngự lãm địa dư chí, sđd, tr 12.
[30] Bùi Dương Lịch - Nghệ An ký, sđd, tr 35.
[31] Phòng thống kê huyện Hương Khê: Niên giám  thống kê huyện Hương Khê.
[32] Số liệu đã được xác minh tại Chi cục thống kê huyện Hương Khê.
[33] Chi cục thống  kê huyện Hương Khê: Niên giám thống kê từ 1994 - 2016.
[34]  Phòng thống kê huyện Hương Khê: Niên giám thống kê 2009 - 2013.
[35] Theo phụ lục 1: Đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất - kèm theo tờ trình số 76/TTr - UBND ngày 14/7/2017 của huyện Hương Khê.
[36] Ủy ban nhân dân huyện Hương Khê: Quy hoạch phát triển hệ thống thủy lợi huyện Hương Khê đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tr 6,7,8..
[37]  Chi cục Thống kê huyện Huyện Hương Khê  : Niên giám thống kê từ năm 1994 -6/2017.
[38] Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Viện quy hoạch thủy lợi: Dự án quy hoạch phát triển hệ thống thủy lợi, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh năm 2020 định hướng đến 2030, Hà Nội, năm 2015, tr 4, 5.
1 Quy hoạch sử dụng đất UBND huyện Hương Khê giai đoạn 2015 - 2017.

2 Lâm trường Chúc A (Hương Khê) la một trong những Lâm trường ra đời sớm nhất ở Hà Tĩnh. Lâm trường có cơ sở đóng trên địa bàn xã Hương Lâm (Hương Khê). Nhiệm vụ chính là khai thác gỗ lớn. Hàng năm, lâm trường khai thác từ 20 đến 25 ngàn m3 gỗ, tu bổ 1.600 ha rừng trồng và chăm sóc 250 ha rừng. Ngày 11/9/2005, theo Quyết định Số: 294/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Lâm trường Chúc A thành Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp và Dịch vụ Chúc A. Sau khi chuyển đổi, Công ty thực hiện nhiệm vụ cung ứng sản xuất sản phẩm công ích. Sản xuất kinh doanh Nông - lâm nghiệp, bảo vệ rừng. Trong đó, nhiệm vụ bảo vệ rừng là chủ yếu. Hiện tại, lâm phận quản lý của công ty là 15.118 ha, chủ yếu là rừng phòng hộ.

1 Ở huyện có Hạt kiểm lâm và phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn là cơ quan tham mưu cho UBND huyện, chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp.
[39] UBND huyện Hương Khê: số liệu do Phòng Tài nguyên, Môi trường cung cấp.
[40] QHPTHTTL huyện Hương Khê đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tr 8, 9.

[1] Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện quy hoạch Thủy lợi: Dự án Quy hoạch phát triển hệ thống thủy lợi huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội 2015, tr 4,5.
[1] Dự án Quy hoạch phát triển hệ thống thủy lợi huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội 2015, tr 6,7.
[1] Ngô Đức Thọ (dịch và chú thích) Đồng Khánh ngự lãm dư địa chí lược, lưu tại Thư viện tỉnh Nghệ An, số A.537/XIV, năm 1977, tr 50, 51.
[1] Dương Thúc Hạp: An Tĩnh Sơn thủy vịnh, tập thơ địa chí do Võ Hồng Huy biên dịch, chú thích, hiệu đính và giới thiệu. Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh xuất bản 2004, tr 167, 168.
[1] An Tĩnh Sơn thủy vịnh, sđd, tr 166,167.
[1] Đây là vấn đề còn chưa thống nhất, Phạm Quang Ái, bài đăng trên Dân Trí, thứ 7 ngày 29.11.2011: Núi Phù Lê - một di tích lịch sử quan trọng ở Hương Sơn đang bị tàn phá: “Theo những tư liệu điền dã và kê cứu trong sách xưa của cụ Thái Kim Đỉnh thì núi Phù Lê đã được sách Nghệ An ký của Hoàng giáp Bùi Dương Lịch và sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn đề cập đến. Sách Nghệ An ký viết rằng núi Phù Lê “ở địa phận xã Phúc Lộc, huyện Hương Sơn”. Sách Đại Nam nhất thống chí chép rõ hơn: “Núi ở phía Tây huyện Hương Sơn... Lại có tên là núi Phù Lê. Tương truyền Lê Thái Tổ đóng quân ở căn cứ Đỗ Gia, dân địa phương đem lương thực giúp nghĩa quân nên đặt tên núi như thế”.
[1] Nguyễn Bá Thành (cb), Hương Khê - 135 năm (1867 - 2002), Nxb Văn hóa - Thông tin, H.2003, tr.34.
[1] Theo Hương Khê 135 năm …, sđd, tr 195.
[1] An Tĩnh sơn thủy vịnh, sđd, tr 173 -174.
[1] Vũ Môn: Theo Đào Duy Anh - Từ điển Hán Việt: Vũ Môn là tên một khúc sông ở thượng du sông Trường Giang (Tứ Xuyên, Trung Quốc). Chân núi có vực sâu. Tương truyền đến mùa nước lớn thì cá đua nhau đến đó nhảy thi, con nào vượt được thì hóa thành Rồng. Ở Giăng Màn (Hương Khê, Hà Tĩnh) cũng có một thác nước dội xuống vực sâu như thế có tên là thác Vũ Môn gắn với huyền thoại “Cá chép hóa rồng”. Sách Tàu có câu: Vũ Môn tam cấp lãng; Thành ngữ ta cũng nói: Cá vượt Vũ Môn đều để chỉ việc học trò đi thi (Chú thích của Hương Khê - 135 năm, tr.33).
[1] Hương Khê 135 năm (1867 - 2002), sđd, tr 33.
[1] Nguyễn Bá Thành, Ngô Đăng Tri, Trần Văn Quí, Lê Hữu Nhiệm: Hương Khê xưa và nay. Bản thảo lưu tại Trung tâm văn hóa huyện Hương Khê, tr 12.
 [1] Hương Khê xưa và nay, tr 13.
[1] Hypolyte Le Breton: An - Tĩnh cổ lục (Le Vieux An - Tĩnh) được tập san Đô Thành hiếu cổ xuất bản năm 1936 bằng tiếng Pháp, sau này được Nhà xuất bản Thế giới in thành sách năm 2001, tr 298.
[1] An - Tĩnh cổ lục (Le vieux An - Tĩnh), sđd, tr 298, 230.
[1] Đồng Khánh ngự lãm dư địa chí lược, sđd, tr 51.
[1] Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Hương Sơn: Địa chí Hương Sơn. NXB Lao động. 2015, tr 50
[1] Địa chí Hương Sơn, sđd, tr 50.
[1] An Tĩnh sơn thủy vịnh, sđd, tr 171, 172.
[1] Đồng Khánh ngự lãm địa dư chí, sđd, tr 51.
[1] Đồng Khánh ngự lãm dư địa chí, sđd, tr 51.
[1] Đại Nam nhất thống chí, tập II, sđd, tr 170.
[1] Hương Khê - 135 năm, sđd, tr 36.
[1]  An Tĩnh sơn thủy vịnh, sđd, tr 169, 170: suối ở vùng Trại Trụ đi ngược lên là thượng nguồn của sông Tiêm, Hương Khê.
[1]Theo Hương Khê 135 năm, sđd, tr 174.
[1] Đức Thánh Mẫu Trầm Lâm ở đây kiêm sáu nước, trên chầu Kim Khuyết, dưới thấu Long Cung là vị thần áo xanh sáng suốt anh linh hiển ứng.
[1] Đức thánh Trung hưng có công phù khắp xứ là Thượng đẳng thần trấn giữa cả trời Nam,
[1] BCH Đảng bộ huyện Hương Khê: Lịch sử Đảng bộ huyện Hương Khê (1930 - 2000), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2003, tr 29.
[1] Đồng Khánh ngự lãm địa dư chí, sđd, tr 12.
[1] Bùi Dương Lịch - Nghệ An ký, sđd, tr 35.
[1] Phòng thống kê huyện Hương Khê: Niên giám  thống kê huyện Hương Khê.
[1] Số liệu đã được xác minh tại Chi cục thống kê huyện Hương Khê.
[1] Chi cục thống  kê huyện Hương Khê: Niên giám thống kê từ 1994 - 2016.
[1]  Phòng thống kê huyện Hương Khê: Niên giám thống kê 2009 - 2013.
[1] Theo phụ lục 1: Đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất - kèm theo tờ trình số 76/TTr - UBND ngày 14/7/2017 của huyện Hương Khê.
[1] Ủy ban nhân dân huyện Hương Khê: Quy hoạch phát triển hệ thống thủy lợi huyện Hương Khê đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tr 6,7,8..
[1]  Chi cục Thống kê huyện Huyện Hương Khê  : Niên giám thống kê từ năm 1994 -6/2017.
[1] Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Viện quy hoạch thủy lợi: Dự án quy hoạch phát triển hệ thống thủy lợi, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh năm 2020 định hướng đến 2030, Hà Nội, năm 2015, tr 4, 5.
1 Quy hoạch sử dụng đất UBND huyện Hương Khê giai đoạn 2015 - 2017.

2 Lâm trường Chúc A (Hương Khê) la một trong những Lâm trường ra đời sớm nhất ở Hà Tĩnh. Lâm trường có cơ sở đóng trên địa bàn xã Hương Lâm (Hương Khê). Nhiệm vụ chính là khai thác gỗ lớn. Hàng năm, lâm trường khai thác từ 20 đến 25 ngàn m3 gỗ, tu bổ 1.600 ha rừng trồng và chăm sóc 250 ha rừng. Ngày 11/9/2005, theo Quyết định Số: 294/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Lâm trường Chúc A thành Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp và Dịch vụ Chúc A. Sau khi chuyển đổi, Công ty thực hiện nhiệm vụ cung ứng sản xuất sản phẩm công ích. Sản xuất kinh doanh Nông - lâm nghiệp, bảo vệ rừng. Trong đó, nhiệm vụ bảo vệ rừng là chủ yếu. Hiện tại, lâm phận quản lý của công ty là 15.118 ha, chủ yếu là rừng phòng hộ.

1 Ở huyện có Hạt kiểm lâm và phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn là cơ quan tham mưu cho UBND huyện, chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp.
[1] UBND huyện Hương Khê: số liệu do Phòng Tài nguyên, Môi trường cung cấp.
[1] QHPTHTTL huyện Hương Khê đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tr 8, 9.

Không có nhận xét nào: