Thứ Năm, 12 tháng 7, 2018

Miếu Trầm Lâm


Trong số các miếu thờ ở Hương Khê thì Miếu Trăm Năm được coi là tối linh. Miếu Trăm Năm hay còn gọi là miếu Trầm Lâm được xây dựng để thờ Đức Thánh mẫu Trầm Lâm kiêm lục quốc. Đại Nam nhất thống chí gọi là “Đầm Bách niên”. Trên bờ có miếu thờ thần tục gọi là miếu Trầm Lâm, “Bốn mặt là núi đất, trong đó có cái ao chừng nửa mẫu, sắc nước như chàm, sâu không lường được, mưa lũ không đầy hơn, hạn hán không vơi cạn, trên đầm có miếu thờ thần “Bách Niên” (Đại Nam nhát thống chí, tr.174). Một học giả người Pháp viết về Miếu này như sau: “mỗi khi hạn hán đe doạ, dân trong vùng đưa lễ vật đến cúng đền thì khắc có mưa to. Cảnh đến này khá đẹp. Tứ phía có nhiều cau và các loại cây cối khác râm mát. Trước miếu có một cái hồ không rộng lắm nhưng rất sâu. Người ta kể rằng cứ đến ngày có cúng tế thì bát đĩa lại nổi lên mặt hồ. Tế lễ xong bát đĩa lại chìm xuống. Về vị thần được thờ ở Miếu Trăm Năm, có tài liệu nói rằng, vị thần ấy đời Lê triều được phong là “Bản xứ Thánh Mẫu Trầm Lâm kiêm lục quốc, thượng triều kim khuyết, hạ thấu long cung, thanh y anh linh hiển ứng diệu ngọc thánh vương thiên thần” . Trong miếu lại có thờ một vị hiệu là Mã Vòng công chúa và Thập nhị Thiên tiên nương. Trong miếu còn có câu liễn đối khắc của quan đại thần thái tử Thiếu bảo Nguyễn Chính cúng rằng: “Công phù đại địa Trung hưng thánh, danh trấn nam thiên thượng đẳng thần”, và ba chữ hoành phi: Nghiễm thiên muội (Em gái nghiêm minh của nhà trời). 



   Miếu Trầm Lâm, xã Phú Gia, huyện Hương Khê

Miếu Trầm Lâm nổi tiếng về sự linh thiêng, theo lịch sử, sáng 29/9/1885, vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết đến nghỉ tại đền. Tại đây một lần nữa vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương kêu gọi nhân dân tiếp tục chống Pháp. Tối đến vua không vào thành Sơn Phòng mà nghỉ luôn tại miếu. Đêm đến vua không ngủ được, khi vừa chợp mắt thì Đức thánh Mẫu đã báo mộng là kẻ thù đang vây ráp, cần phải định liệu. Tỉnh dậy vua truyền thiết triều giao cho Tôn Thất Thuyết làm lễ tạ ơn, sắc phong cho các vị thần được thờ ở miếu Trầm Lâm và đền Công Đồng, kèm các phẩm vật quý như voi vàng, ngựa vàng, những vật phẩm này, hiện nay đang được bà con nhân dân Phú Gia lưu giữ cẩn thận... Từ 1930-1931, miếu Trầm Lâm là cơ sở của Chi bộ Đảng Cộng sản của xã Phú Gia. Từ 1965 đến 1972 là điểm dự trữ quân lương phục vụ chiến trường miền Nam. Ngày 15/7/1968, biết đây là vị trí quan trọng, không quân Mĩ đã oanh tạc khu vực này và phá hoại cảnh quan tự nhiên của miếu.  Năm 2001, Miếu Trầm Lâm thuộc quần thể di tích Thành Sơn Phòng - Đền Công Đồng - Miếu Trầm Lâm được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn Hóa cấp quốc gia.

Không có nhận xét nào: