Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Linh thiêng Lễ hội rước sắc phong vua Hàm Nghi ở Hà Tĩnh


Cứ đến ngày mồng 7 tháng Giêng hàng năm, nhân dân làng Phú Hòa, xã Phú Gia, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh lại tổ chức Lễ hội Hàm Nghi - Sơn Phòng. Lễ hội thể hiện sự biết ơn công lao to lớn của vua Hàm Nghi và các vị thần đã có công bảo vệ đất nước

Đây là Lễ hội truyền thống của người dân Hương Khê và là một nét văn hoá tâm linh tiêu biểu có một không hai ở miền Trung trong những ngày đầu năm. Trước đây, Lễ hội diễn ra hai năm một lần, từ năm 2010 trở đi, Lễ hội diễn ra một năm một lần vào sáng ngày 07 tháng giêng âm lịch tại xã Phú Gia.
 Các cụ cố đạo ở đây kể lại rằng, sau khi vua từ bỏ ngai vàng, vua Hàm Nghi đến căn cứ Tân Sở (Cam Lộ - Quảng Trị), vua ra chiếu Cần Vương; từ biệt Mẫu Hậu cùng với quân thần yêu nước bôn tẩu ra Hà Tĩnh, đến xã Phú Gia. Vua cùng đoàn ngự bôn với vị chủ tướng Tôn Thất Thuyết hoạt động ở đây được 3 tháng 10 ngày, cùng nhân dân chống Pháp.
 Trước sự  tấn công quyết liệt của giặc Pháp vua buộc phải rời khỏi thành Sơn Phòng. Lúc rời thành, Vua sai Tôn Thất Thuyết vào tạ lễ cho đền Đức Thánh Mẫu hai con voi bằng vàng, ban hai đạo sắc (mang tên: Đức Thánh Mẫu Trầm Lâm kiêm lục quốc thanh nghi anh linh thượng thượng, đẳng tối linh thiên thần. Đô thống chế hung thắng Đại vương người trấn ải biên cương), các thanh bảo kiếm, áo Hoàng bào của Vua, nghê vàng, lục lạc bằng đồng đen.
Hiện nay, các ẩn tích đó vẫn được lưu giữ nguyên vẹn tại nhà các cố đạo và quần thể khu lịch sử Thành Sơn Phòng Hàm Nghi, đền Công Đồng Hội Sở, đền Đức Thánh Mẫu Trầm Lâm tại xã Phú Gia, đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử Quốc Gia và đầu tư trùng tu, xây dựng lại.
 Cứ đến ngày 07 tháng giêng các báu vật của Vua Hàm Nghi đều được rước từ nhà cố đạo cũ tới nhà cố đạo mới để lưu giữ, bảo quản. Trước khi được rước tới nhà cố đạo mới phải rước qua đền Công Đồng Hội Sở, thành Sơn Phòng thờ vua Hàm Nghi để làm lễ và đền Đức Thánh Mẫu Trầm Lâm để cúng vái tạ ơn người với hàm ý để rước sắc phong vua  nhân dịp đầu năm mới, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, hai vụ chiêm mùa  ruộng đồng bội thu.
Người giữ báu vật của nhà Vua được xét tuyển qua Lễ Hạ Nguyên vào tháng Chạp (tháng 12 âm lịch) trên nhiều mặt từ đạo đức, năng lực thờ phụng, kiến thức văn hoá dân tộc, khi xin keo trước Bàn thờ Vua phải được quẻ.
Hàng năm, Lễ hội đã thu hút hàng ngàn người dân tham gia. Hai bên lề đường nơi đoàn rước đi qua nhiều người dân đã tự nguyện trình bày trầu cau, rượu, bánh kẹo và thắp hương để nghênh đón, mời những người đi trong đoàn thưởng thức lộc đầu xuân. Đó là một nét văn hóa độc đáo của người dân Hương Khê cần được gìn giữ và phát huy.
                                                                                                (Theo Dantri.com và sách Hương Khê – Văn hóa, danh thắng do Nguyễn Bá Thành biên soạn)

Không có nhận xét nào: