Thứ Năm, 12 tháng 7, 2018

TRỜI NẮNG NÓNG VÀ TÔI ỚN LẠNH



Mấy hôm nay nhiệt độ nơi tôi sống khoảng 40 độ, cộng với gió Lào thổi mạnh, thật xứng với tên gọi “chảo lửa”. Những bông hồng nhà tôi hôm trước còn nở hoa bằng cái bát ăn cơm, giờ hoa chỉ bằng cái chén uống rượu, cánh thâm đen ở góc. Nắng nóng “tình yêu” cũng héo hon đi vậy. Nhưng nhìn về phía bắc và liên hệ tôi thấy ớn lạnh.
Tôi ớn lạnh vì sức tàn phá khủng khiếp của lũ lụt đối với người dân ở các tỉnh phía Bắc trong thời gian vừa qua. Và tôi ớn lạnh khi liên tưởng đến một thực trạng đã diễn ra trong nhiều năm: Đốt rừng trồng keo. Chuyện không hề mới nhưng là chuyện nhức nhối. Những cánh rừng phòng hộ và rừng nghèo đang dần biết mất nhường chỗ cho cây keo.


 Không thế phủ nhận giá trị kinh tế mà cây keo mang lại, nhưng cũng không thể phủ nhận một thực tế là rừng trồng keo có thảm thực bì nghèo nàn, không có khả năng giữ nước; khi trồng keo nước trong đất cũng mất dần. Đi dạo trong rừng keo chúng ta thấy hiếm có cây nào sống được phía dưới nó, chỉ có tiếng lá khô lạo xạo dưới chân mình. Hậu quả là, mùa hè những con suối cạn kiệt. Mùa mưa, rừng không đủ sức cản dòng nước, gây ngập lụt, xói mòn sạt lở đất. Ở phía cửa sông khi nước ngọt cạn dần, xâm nhập mặn cứ thế tiến tới. 

Nếu chúng ta cho rằng diện tích che phủ rừng đang tăng, mà chủ yếu là cây keo để thấy yên tâm thì thật sai lầm. Vì keo không tốt cho việc giữ nước. Giờ nếu chuyển đổi cây keo sang trồng một cây khác thì không phải là điều dễ dàng, nó còn phụ thuộc vào điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, rồi đầu ra cho sản phẩm…Tôi thật không dám đề xuất.

Rừng có thể tái sinh, rồi cũng có thể khai thác gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Nghĩa là vẫn sẽ có tiền từ rừng theo cách hợp lý. Nhưng để làm được điều đó có nhiều vấn đề đặt ra: Ai là chủ rừng thật sự? Để họ yêu rừng như yêu cái cây trồng trong vườn họ. Thu nhập người dân gắn với bài toán kinh tế rừng sẽ thế nào?... ...

Có lẽ việc cần làm trước mắt là cần đề cao hơn ý thức bảo vệ rừng của người dân, trách nhiệm của chính quyền địa phương, các ngành chuyên môn trong quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn hành vi chuyển đổi rừng sang mục đích khác. Bởi vì, chính chúng ta sẽ gánh hậu quả do chúng ta gây nên. Có khả năng trận lũ năm nào cũng được coi là “lũ lịch sử”, năm sau ghê gớm hơn năm trước. Đừng đỗ lỗi hết cho thủy điện mỗi khi có lũ, mà đúng hơn, vì rừng đã không còn.
                                                          T.P.A

Không có nhận xét nào: