Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

Di tích Sở chỉ huy tiền phương Tổng cục hậu cần, Bộ tư lệnh Trường sơn, Bộ tư lệnh đoàn 500.






                   Học sinh trường THPT Phúc Trạch tham quan khu di tích

Nằm ở phía Nam của huyện Hương Khê, xã Hương Đô là địa phương giàu truyền thống cách mạng. Trong suốt thời gian chống Mỹ, xã Hương Đô đã là nơi đóng, trú quân an toàn của nhiều đơn vị bộ đội chủ lực như E320, các đơn vị  thanh niên xung phong đảm bảo đường 15.
Tháng 6 năm 1966 cơ quan Tiền phương của Tổng cục Hậu cần được thành lập để tăng cường chỉ đạo tuyến nam Quân khu IV, đảm bảo chân hàng cho 559. Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được điều động về làm Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Tư lệnh Tiền phương Tổng cục Hậu cần. Chỉ huy sở đóng tại xã Hương Đô, nơi trước đây vào năm 1965 là chỗ đóng quân và xuất kích của Bộ tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam đánh địch ở các tỉnh trung hạ Lào.
Cuối tháng 6-1967, Bộ Tư lệnh 559 và Tiền phương Tổng cục Hậu cần phối hợp tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động mùa khô năm 1966-1967, hội nghị quan trọng này thường được nhắc đến trong lịch sử là Hội nghị Hương Đô.
Đây là hội nghị lớn nhất từ trước tới nay của Đoàn 559. Dự hội nghị có cán bộ quân chính của Đoàn 559 và Tổng cục Hậu cần tiền phương, đại diện cơ quan Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, các binh chủng có liên quan, đại diện các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, các văn nghệ sĩ…
Bộ Tư lệnh 559 báo cáo kết quả mùa vận chuyển 1966-1967 đã đạt kết quả khá toàn diện. Vận chuyển được tổng số 17.469 tấn hàng, bắn rơi 163 máy bay, bắn bị thương 284 chiếc khác. Trên toàn tuyến mở thêm 108 km đường mới, 284 km đường vòng tránh, vận chuyển được cả hai mùa. Số bom đạn địch đánh phá gấp 1,7 lần mùa khô 1965-1966, số lượng thương vong của ta cũng tăng cao. Trên cả tuyến vận tải, trong mùa khô 1966-1967 có 574 đồng chí hy sinh, 6811 đồng chí bị thương, 224 xe ô tô, 7 khẩu pháo cao xạ 37 li, 7 súng 12,7li và 14,5 li bị phá hỏng.
Rút  kinh nghiệm mùa khô 1966-1967, Hội nghị đã đề ra phương hướng và những giải pháp cụ thể cho mùa vận chuyển tiếp theo. Tại Hội nghị Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư thăm hỏi, động viên và chỉ đạo Đoàn 559.
Ngày 28-10-1968, Quân ủy Trung ương quyết định giải thể Đoàn 400, thành lập Bộ tư lệnh 500 làm nhiệm vụ trung chuyển cho Đoàn 559. Bộ Tư lệnh 500 do Thiếu tướng Nguyễn Đôn làm Tư lệnh, Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy. Sở chỉ huy của Bộ Tư lệnh 500 đóng tại xã Hương Đô.
Năm 1971, Đoàn 500 giải thể, một số đơn vị thuộc Đoàn 500 sát nhập vào Đoàn 559, phạm vi hoạt động của đoàn 559 từ nam sông Lam (Nghệ An) vào đến Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước). Hai năm sau đó, xã Hương Đô vẫn là hậu cứ của Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
Trong suốt thời gian chiến tranh, nhân dân và chính quyền xã Hương Đô đã nhường nhà của mình cho bộ đội, luôn luôn che chở, đùm bọc, giữ gìn bí mật cho các cơ quan đầu não của 3 Bộ tư lệnh từng đóng ở đây.        
          Trước đây, Chỉ huy sở các Bộ tư lệnh đều đóng trong các nhà dân thuộc trung tâm xóm 7, xã Hương Đô. Nhà ông Nguyễn Văn Nhuệ có ngôi nhà gỗ 2 gian nhường cho các đồng chí cán bộ cao nhất của các Bộ tư lệnh ở và làm việc. Ngôi nhà này có hào giao thông và hầm chữ A trú ẩn. Ngôi nhà ở của Bộ tư lệnh và hầm hào đã được bảo tồn nguyên trạng nhưng bằng vật liệu bền vững hơn (bê tông giả gỗ). Hội trường, nơi diễn ra Hội nghị Hương Đô năm 1967 nằm trong vườn ông Hoàng Văn Học rộng 75 m2. Nền hội trường dạng bán âm (sâu 2m) xung quang có đắp lũy chắn đạn. Hội trường đã được bê tông hóa phần khung xương, nhưng mái vẫn lợp tranh lá. Các cửa hầm xung quanh hội trường cũng được kiên cố hóa,
Các bộ phận Di tích khác như “ Nhà ăn, bếp Hoàng Cầm”, “ Trạm thông tin” cũng được bảo tồn, nằm trong đất của các hộ gia đình địa phương. Bộ phận Hậu cần phục vụ cơ quan Bộ tư lệnh đặt tại nhà ông Ngô Hạp và bà Nguyễn Thị Minh. Bộ phận thông tin liên lạc đóng tại nhà bà Nguyễn Thị Nhỏ, nơi đây có bộ phận cơ yếu, điện đài, thông tin, máy phát điện.
Ghi nhận những đóng góp của quân và dân địa phương, năm 2000 xã Hương Đô đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày 22-8-2005 Bộ Văn hóa –Thông tin quyết định công nhận Di tích Sở chỉ huy tiền phương Tổng cục Hậu cần, Sở chỉ huy Bộ tư lệnh 500 tại xã Hương Đô, huyện Hương Khê là Di tích Quốc gia.
Ngày 09-12-2013, Thủ tướng chính phủ quyết định xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt cho Di tích lịch sử đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Di tích tại xã Hương Đô trở thành 01 trong 37 di tích thành phần của Hệ thống di tích đường Trường Sơn
Sau khi Di tích được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt, xã Hương Đô đang kêu gọi đầu tư tôn tạo, dự kiến ở đây sẽ xây dựng thêm một nhà lưu niệm, trưng bày các hiện vật của đường Trường Sơn. Tuy nhiên có thể thấy hiện nay khu di tích vẫn còn khá đơn giản, phần lớn diện tích nằm trong đất của các hộ dân, ít hiện vật trưng bày, các hạng mục di tích có biểu hiện xuống cấp. Di tích này cần có sự đầu tư hơn nữa về mặt vật chất và một kế hoạch bảo tồn tốt để phát huy giá trị, trở thành một điểm tham quan, giáo dục truyền thống.






Không có nhận xét nào: