Thứ Tư, 25 tháng 7, 2018

PHÒNG CHỐNG THÔNG TIN XẤU, ĐỘC TRÊN MẠNG INTERNET TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY



                                     


Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 11 năm 2017 Việt Nam có 64 triệu người dùng Internet, đạt mức số lượng người dùng Internet đứng thứ 6 châu Á và thứ 12 trên thế giới. Các mạng xã hội và công cụ nhắn tin qua mạng xã hội, trong đó có facebook được nhiều người quan tâm, sử dụng. Nếu sử dụng internet cũng như các mạng xã hội đúng mục đích và phù hợp sẽ là công cụ hữu hiệu góp phần quan trọng phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với mỗi người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích internet mang lại thì mặt trái của nó không hề nhỏ. Thực tế, bên cạnh các thông tin bổ ích, có giá trị đối với xã hội thì còn vô số thông tin, hình ảnh có nội dung xấu độc, trái với truyền thống văn hóa dân tộc cũng được tán phát lên các trang thông tin điện tử (website), blog, mạng xã hội, trên phần phản hồi (comment) của các báo điện tử… Vì vậy, các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng internet và lập nhiều trang facebook để truyền bá những thông tin xấu độc, đăng tải những status (trạng thái) trên trang facebook cá nhân với ngôn ngữ, luận điệu đầy tính kích động, phản động, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới, tìm mọi cách thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ ta trên mọi lĩnh vực.
Trong khi Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lợi ích nhóm, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), các phần tử thâm thù với cách mạng liên tục tung tin trên nhiều mạng xã hội cho rằng, trong Đảng và Nhà nước có sự “đấu đá nội bộ”, “mất đoàn kết nghiêm trọng. Trong khi chúng ta xây dựng Luật an ninh mạng chúng lại cho rằng như vậy là đề “bịt mồm người dân”, người dân không được nói lên ý kiến của mình. Thực tế là chúng biết khi có Luật an ninh mạng ra đời, các hành vi vu khống, xuyên tạc sẽ bị xử lý nên hết sức lo lắng. Trong khi chúng ta xây dựng Luật đặc khu kinh tế chúng rêu rao như vậy là bán đất cho Trung Quốc, tiếp tay cho ngoại xâm. Thực tế, chúng ta có chủ trương xây dựng đặt khu kinh tế từ những năm 90 của thế kỷ trước. Nhưng vì đây là vấn đề rất khó, mới, nhạy cảm, hệ trọng nên được làm rất thận trọng. Và trong luật chỉ có điểm nhận được nhiều ý kiến đóng góp là cho thuê đất 99 năm. Còn quy định hiện nay, là không quá 70 năm. Các thể lực thù địch lợi dụng điểm này để nói Trung Quốc vào 99 năm là mất nước, kích động đi biểu tình để bày tỏ lòng yêu nước. Rõ ràng lòng yêu nước bị xâm hại, dẫn đến làm việc chống đối, phá hoại. Điều này cho thấy những thông tin xuyên tạc, kích động trên mạng Internet là rất nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến an ninh quốc gia. Nếu những cuộc biểu tình lan rộng dẫn đến mất kiểm soát, chúng sẽ như “Mùa xuân Ả rập”, “cách mạng màu” mà Mỹ và Phương Tây đã tiến hành để lật đổ các chính quyền hiện tại để dựng lên chính quyền thân họ (Mỹ và Phương Tây) ở các nước Trung Đông.
Trên mạng Internet và làn sóng phát thanh những cái tên như BBC, RFA, RFI… dường như đã quá quen thuộc với nhiều người. Các bài viết, bài nói trên các đài này bàn rất nhiều về chuyện nội bộ Việt Nam, thông tin cập nhật các vấn đề nóng được dư luận quan tâm. Nhưng ít ai biết rằng đứng sau đài BBC là cơ quan Ngoại Giao và cơ quan tình báo MI6 của Vương quốc Anh; Ngân sách của RFA được Quốc hội Mỹ tài trợ; và RFI được tài trợ trực tiếp bởi Bộ ngoại giao Pháp. Sứ mệnh chung của cả ba đài BBC, RFA, RFI, là gây xáo trộn xã hội để kích động quấy rối an ninh Việt Nam. Ngay cả những bản tin có vẻ như là “khách quan”, nhưng kỳ thực là được phát thanh cùng với những bản tin ngụy biện và xuyên tạc khác nhằm cho người nghe thấy Việt Nam đang rất lạc hậu và sự lạc hậu là do chế độ. Cái thông điệp mà các nhà đài này hướng đến vẫn là muốn thay đổi chế độ.
Huyện Hương Khê chúng ta ước tính có trên 15.000 người sử dụng internet, trong đó đa số đều có tài khoản các mạng xã hội như Facebook, Zalo, goole+…Thời gian qua, trước những vấn đề xảy ra trên địa bàn huyện như: vấn đề xây dựng khu xử lí rác thải tập trung và bãi tập kết rác tạm thời; việc quản lý Nhà nước trên một số mặt ở một số địa phương còn buông lỏng như môi trường, đất rừng; việc quản lý và sử dụng Internet hiện nay còn nhiều lỗ hổng… đã có tác động lớn đến tâm tư của người dân, đây là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng tuyên truyền chống phá hoạt động của chính quyền. Nhiều thông tin chưa được kiểm chứng đã xuất hiện trên mạng xã hội, hiện tượng kích động nhân dân khiếu kiện, cản trở hoạt động của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã xẩy ra. Bên cạnh đó, một số bộ phận cán bộ, người dân thiếu hiểu biết về mạng xã hội và luật pháp đã vô tình tiếp tay truyền tải thông tin xấu, độc. Để chủ động ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội, cần thực hiện một số giải pháp sau:
1. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh tuyên tuyền, giáo dục để mỗi cán bộ, người dân thấy rõ tính hai mặt của internet và mạng xã hội; nhận diện các thủ đoạn, nội dung thông tin xấu độc, tính chất nguy hại của nó đối với cá nhân và xã hội. Qua đó trang bị kiến thức cần thiết để mỗi người có thể tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, đồng thời “miễn dịch” với những thông tin xấu độc làm nhiễu loạn môi trường xã hội.
Trong quá trình tuyên truyền, giáo dục nâng cao sức đề kháng cho mỗi người trước các thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội, cần tiếp tục gắn chặt chẽ với tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27-7-2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
2. Cần đổi mới mới hình thức, phương pháp đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”. Hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ thì việc đổi mới hình thức, phương pháo là hết sức cần thiết. Cần nâng cao hiệu quả hoạt động của Trang thông tin điện tử các xã, thị trấn (các website) để đăng tải các chủ trương, chính sách, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, thông qua các các ý kiến bình luận phía dưới mỗi bài viết có thể nắm được tình hình dư luận, những ý kiến đồng thuận và những quan điểm khác biệt để có phương pháp thuyết phục, đấu tranh. Khuyến khích mọi tầng lớp dân cư xây dựng các trang blog cá nhân và tham gia trên các trang mạng xã hội như facebook, twitter tạo diễn đàn tranh luận, trực tiếp đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch. Song song với việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các Trang thông tin điện tử của huyện và xã; cần quan tâm củng cố hệ thống truyền thanh cơ sở bởi vì đây là công cụ truyền thông giúp người dân tiếp nhận được thông tin ngay cả khi đang làm việc hoặc đang di chuyển; có chế độ hỗ trợ nhuận bút, biên tập bên cạnh giao nhiệm vụ cho các tổ chức để tăng cường các tin bài phản ánh.
3. Ban chỉ đạo phòng chống âm mưu diễn biến hoàn bình trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa của các xã, thị trấn, của các ngành cần đi vào hoạt động thực chất, thành lập tổ giúp việc, xây dựng quy chế, kế hoạch đấu tranh với các thông tin xấu, độc trên internet. Thành lập các địa chỉ facbook, các fanpage để tuyên truyền, đấu tranh với những thông tin không có lợi, những thông tin xuyên tạc. Tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho các Tổ đấu tranh, Tổ giúp việc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động; có sự liên lạc thống nhất giữa các Tổ của cấp xã với Tổ giúp việc của huyện nhằm trao đổi thông tin, kịp thời ứng phó với những sự việc diễn ra trên địa bàn huyện.
4. Việc Quốc hội thông qua Luật an ninh mạng 2018 có thể nói sẽ hạn chế được rất nhiều các thông tin xấu độc. Tuy nhiên các thế lực thù địch sẽ không từ bỏ âm mưu chống phá, bằng hình thức này hay hình thức khác chúng sẽ tiếp tục tung ra các thông tin gây nhiễu loạn, kích động quần chúng. Do vậy các cơ quan chức năng cần nghiên cứu ban hành quy định, hướng dẫn cụ thể về việc cán bộ, đảng viên, công chức khai thác, sử dụng thông tin trên internet, nhất là sử dụng facebook, zalo, blog... Đồng thời, tổ chức khảo sát, tổng hợp liệt kê và thông báo rộng rãi để mọi người biết những trang mạng đen, địa chỉ website, blog cá nhân không nên truy cập, tiếp cận; hoặc có những điểm lưu ý khi truy cập, khai thác thông tin. 
5. Cần đầu tư kinh phí cho trang thiết bị như máy tính, kết nối internet tốc độ cao, hạ tầng thông tin liên lạc, truyền hình thế hệ mới ... để có thể hòa nhập vào trình độ kỹ thuật thông tin tiên tiến thế giới, nhằm phát huy được hiệu quả của các phương tiện truyền thông đại chúng, qua đó Nhân dân trong huyện, độc giả trong và ngoài nước tiếp cận thông tin chính thống một cách nhanh chóng, chính xác và đầy đủ. Qua đó góp phần làm thất bại mọi mưu đồ xấu xa của những kẻ tung thông tin sai trái, bịa đặt để thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
                                                                  
                                                                                  Trần Phúc Anh

                    

Không có nhận xét nào: